Chùm thơ Trần Nhã My: Cho em nợ ngược và trả mãi kiếp sau…

Vanvn- Nhà thơ Trần Nhã My tên thật Trần Thị Thanh Nhã hiện là giáo viên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT Tây Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học và Văn nghệ dân gian. Chị đã xuất bản các tập thơ: Dỗi (2012), Mảnh vỡ không lời (2014), Huyễn hoặc ngày em (2017) và được trao Giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2012, Giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2015, Giải Nhì Giải thưởng Xuân Hồng của tỉnh Tây Ninh 2016.

Trần Nhã My là gương mặt thơ nổi bật hiếm hoi của Tây Ninh, tỉnh biên giới Tây Nam hiện là “vùng trắng” không có Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mỗi bài thơ của Trần Nhã My thường là câu chuyện được chắt lọc từ những lát cắt đời sống, mang tính ẩn dụ, tinh tế và sâu lắng, đằm thắm và gợi mở thông điệp: “Anh dắt lên chùa/ trả lời em câu hỏi về vẻ mặt hun của Thập Bát La Hán/ anh diễn mặt buồn, mình cũng từng trong số đó/ nhưng còn mắc nợ trần gian”. (PH)

Nhà thơ Trần Nhã My

Cà phê với núi

 

Mặc kệ mưa phương nào không biết

góc cà phê Ngũ Hành Sơn vừa tầm ngắm

vàng ươm từng sợi nắng

ngọt lịm môi cười trong chút mặn mòi gió biển

 

Phật Thích Ca ẩn hiện trong mắt xa xôi

sách xưa tích cũ trôi về nguyên vẹn phía em ngồi

thoáng thấy Lão Tử đang đi vào núi

có gặp không, Khổng Tử từ vách đá bước ra?

 

Em không là con gái phú ông

chưa từng chứng kiến mười tám tên cướp xông vào cửa phủ

giọt cà phê thì thầm vừa đủ

những viên đá giòn khua gọi giấc xưa từ lâu lắm chưa về

 

Anh dắt lên chùa

trả lời em câu hỏi về vẻ mặt hun của Thập Bát La Hán

anh diễn mặt buồn, mình cũng từng trong số đó

nhưng còn mắc nợ trần gian

 

Nợ những lần cùng em góc quán

nợ những bước chân hoang dìu em khắp cùng suốt kiếp

anh giả vờ trả hoài không hết để thành thừa

cho em nợ ngược và trả mãi kiếp sau…

 

Chiều trên đồi vắng

 

Em tìm dấu trăng rơi trong hoang tàn đổ nát

trong cỏ dại nhờ nhờ nhập nhoạng

ánh trăng người đã bán

giờ vẫn còn nghiêng nghiêng

 

Em tìm dấu chân đôi tình nhân cũ

trong sẫm tối mịt mờ

bờ cát dài lẳng lặng

xoá dấu tình trăm năm

 

Pôsahnư công chúa thuỷ chung chờ chồng

trên đồi cao vọng tưởng

như hòn vọng phu ngóng trông bốn phía buồn chất ngất

nước mắt hoà biển xanh

 

Em và anh

rời đồi hoang trong vội vàng hấp tấp

Bà Nài chiều xuống thật nhanh

em tiếc mình không kịp đọc câu thơ cũ

 

Em ngoái nhìn

Lầu Ông Hoàng vẫn còn đây dù hoang phế

tháp Pôsahnư dịu dàng đoan thục cô quạnh dưới trăng nghiêng

em lọt thỏm trong bóng chiều ngơ ngác

nhưng mà có anh…

Người thổi sáo – tranh Nguyễn Quang Thiều

Dắt em về với Mỹ Sơn

 

Sớm ngày mùa trong veo

anh dắt em về Mỹ Sơn thánh địa

đôi bàn chân bước nhẹ

anh ơi… em sợ

cái dịch chuyển nhỏ xíu cũng làm kinh động ngàn năm

 

Vua chúa đâu

cung tần mỹ nữ giai nhân đâu

quân hầu đâu

ai qua đây đã hóa thành ngọn gió

hóa thành đất, thành nước hay muôn thú cỏ cây?

 

Có ai đó thành mây bay?

về đây ngắm lại nơi mình từng thờ tự

bỗng chốc tiêu tan

 

Vua chúa mà chi

chức tước làm gì

rồi cũng như khói như mây

chỉ còn đây phế tích hoang tàn

 

Bàn chân bước nhẹ nhé anh

kẻo vỡ động viên gạch nào đấy thêm đau lòng em không chịu nổi

bước đi như hơi thở

không lời nào mà như nói nhiều lắm đấy

 

Anh dắt em về đây

bước chân nhẹ như thực như mơ

có khi nào qua bao năm hóa kiếp

nay anh dắt em về chiêm bái lại ngày xưa???

 

Gặp lá trung quân giữa rừng biên giới

 

Về biên giới một sớm mai

dắt tay em thăm rừng Hòa Hội

anh kể về một thời lửa khói

thuở cha anh chiến đấu đã qua rồi

 

Từng nhánh cây, ngọn lá đã lên chồi

nhiều loài em chưa kịp biết

riêng lá trung quân nghe tên ngoan cường bất diệt

mà bây giờ em mới gặp giữa bình yên

 

Lẫn giữa muôn rừng lá vùng biên

chiếc lá dài một gang mỏng mảnh

mà kiên cường như người lính trẻ qua trăm trận đánh

trong lửa đạn, bom rơi

mái lá trung quân nguyên vẹn diệu kỳ

lá ken lá thành nếp nhà đơn sơ giản dị

như đội hình các anh vừa có mặt đêm qua

từng chiếc lá cùng các anh vào trận đánh

giữa rừng khuya lòng ái quốc sáng lòa

 

Hôm nay em về cúi đầu dưới lá

những chiếc vẫn xanh hóa huyền sử lâu rồi…

 

Ngẫm ở tuổi bốn mươi

 

Hai bảy tuổi mẹ sinh con trai đầu lòng đúng lúc quân Pol Pot càn quét

hai năm sau, con gái ra đời mẹ làm tròn bổn phận nàng dâu

bà nội bảo mới hai con thật quả là hiu hắt

phải từ bốn mới bằng nửa nội khi xưa

 

Mẹ sinh em, rồi thêm em nữa

ba gánh nhọc nhằn trên những thửa đậu, mía, mì đong gạo nấu cơm

mồ hôi đổ trổ màu lưng áo

chiếc xe đạp trành cót két kêu thương

 

Ba mẹ quyết con phải cầm bút cho bõ tháng ngày vác cuốc, làm nương

 

rời vòng tay yêu thương

những cánh chim lần lượt bay đi tìm tổ ấm

đếm trên tay những lần về bên ba mẹ

 

Tuổi bốn mươi, tóc con đã bắt đầu điểm bạc

ba mẹ bước vào tuổi hạc mong manh

con mới ngộ ra những điều được mất

thương yêu lắm những bậc sinh thành

 

Ba và cổ tích

 

Ra đồng từ lúc tờ mờ sương

ba mang về sự tích trong mỗi bữa cơm

con hải âu suốt cuộc đời chao mình trên sóng

mong chuộc tội bất hiếu với cha

 

Có cậu bé không nghe lời mẹ

mẹ đi rồi còn tìm lại được đâu

trên nấm mồ trồi lên cây lạ

trái vú sữa vì con mà ngọt lịm giữa trời

 

Tiếc của, con thằn lằn tặc lưỡi

sống trên đời mà thiếu nghĩa thiếu nhân

chết đi rồi vẫn còn ân hận

kiếp bò sát cho chừa thói tham

 

Con bỏ đũa, chống cằm

thương con dã tràng se cát cố tìm lại viên ngọc đánh rơi

bàn ăn cơm lạnh. Ba ơi… tội nghiệp!

ba giật mình chữa lại cổ tích: “Dã tràng kiếm ăn”

 

Bẵng đi mấy chục năm con chưa nghe ba kể

chiều nay trong tất bật mưu sinh

con muốn chạy về bên bữa cơm nhà mình

để nghe ba kể chuyện cổ tích như ngày đó, ba ơi!

 

TRẦN NHÃ MY

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *