Vanvn- Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử Pín, khỉ mẹ đưa tay đẩy khỉ con ra sau lưng che chở, tay kia giơ cao những móng sắc cào cào dọa về phía Tử Pín, nhe hàm răng nhọn, khẽ kêu: kaác! Tử Pín hơi rợn, tay nâng súng chĩa thẳng vào ngực khỉ mẹ. Thoáng chút, Khỉ mẹ ngó xuống vực sâu, dường như muốn liều mình…?
Chương 1
Pòm! Pòm! Pò-ò-òm…
Kaác!Kaác!Kaác-ác-ác…
Bầy khỉ đen đương ăn quả dẻ ở thung lũng bỗng nghe tiếng súng nổ dữ dội, chúng khiếp hãi, kêu ầm ĩ, vội đu cành cây, kéo nhau nháo nhào chạy tút lên núi Khau Sưa. Tử Pín cùng mấy bạn săn xách súng chạy theo hút bầy khỉ. A, con khỉ to đen kia, cõng con nhỏ, chắc là khỉ mẹ, chạy gằn từng bước phía sau, thỉnh thoảng chững lại, ngoảnh nhìn cảnh giác. Nắng chiều chiếu tia xiên qua kẽ đá làm ríu chân khỉ mẹ. Tử Pín vẫy mấy bạn săn vượt mỏm đá lên phía trước chặn đường, còn mình xách súng ép gần con khỉ mẹ to đen vừa cõng con nhỏ vừa bíu vách đá liêu xiêu bước. Đường cụt. Khỉ mẹ khựng lại, ngoảnh nhìn phía sau, tay kéo nhanh con nhỏ sang phía bụng như thể muốn giấu con, rồi ngó xuống vực sâu. Ô, cái vực dưới chân vách đá sâu hun hút. Nguy hiểm. Khỉ mẹ hơi cuống, hai tay cứ cào cào lên vách đá, tìm đường thoát thân. Vách đá dựng đứng, khỉ mẹ không thể ôm con leo lên được, đành nghiêng người che cho con, tựa lưng vào vách đá, đứng thế thủ. Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử Pín, khỉ mẹ đưa tay đẩy khỉ con ra sau lưng che chở, tay kia giơ cao những móng sắc cào cào dọa về phía Tử Pín, nhe hàm răng nhọn, khẽ kêu: kaác! Tử Pín hơi rợn, tay nâng súng chĩa thẳng vào ngực khỉ mẹ. Thoáng chút, Khỉ mẹ ngó xuống vực sâu, dường như muốn liều mình…? Tử Pín chợt hiểu, nếu như…, rồi nghiến răng, bóp cò: pòm! pòm! Hứng trọn hai viên đạn, ngực vỡ toác, máu phọt đỏ, khỉ mẹ dựng người, trợn mắt, máu sục sôi khiến đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực như lửa cháy. Dồn hết sức tàn, khỉ mẹ giằng khỉ con ném ra xa, rồi vươn dài hai tay, loạng choạng bước tới, bàn tay móng nhọn sắc cào cào về phía Tử Pín, há rộng hàm răng nhọn, gào khủng khiếp: Kaác-kaác-kaác-aác-aác-aác!!! Tiếng gào kaác-kaác-kaác-aác-aác-aác, Tử Pín nghe như tiếng thét á-á-á-ác-ác-ác tắc nghẹn, đau đớn vô cùng. Một khoảnh khắc im lặng khủng khiếp! Tử Pín đứng lặng, tựa lưng vào vách đá, đăm đăm nhìn vào ngực khỉ mẹ đang tứa máu tươi, từ từ gục xuống. Ơ, tưởng cái giống khỉ tinh khôn lắm cơ mà! Cái giống khỉ tinh khôn mà cũng chịu chết vì con người. Hừ, ta cho ngươi về mo mo mo! Ta cho ngươi thành zêrô zêrô zêrô – khỉ ơi là khỉ! Tử Pín chống súng, nghếch mặt, đưa mấy ngón tay mập mạp vê vê nốt ruồi lông trên mi mắt, và bật cười thành tiếng lớn.
Ặc
ặc ặc
ặc ặc ặc
ặc ặc ặc ặc
ặc ặc ặc ặc ặc
ha ha
ha ha ha
ha ha ha ha
ha ha ha ha ha
ha ha ha ha ha ha
ha ha ha ha ha ha ha
ha ha ha ha ha ha ha ha
Tiếng cười nghe ghê rợn như tiếng thú dữ hoang dã.
Vừa lúc các bạn săn quay lại, túm được khỉ con. Mấy người quần áo, mũ rằn ri, súng kíp, dao nhọn, quây lấy mẹ con khỉ, trói chặt chân tay khỉ mẹ, khỉ con, xuyên đòn khiêng khiêng về nhà Tử Pín. Nhanh nhẹn, Lỳ chỉ huy các tay săn lột da, xả thịt hai mẹ con khỉ. Thịt chia đều cho các tay săn. Ngoài vườn nhà Tử Pín bắc một nồi quân dụng to đùng. Tử Pín bảo các tay săn đem xương khỉ trộn với xương sơn dương, xương ngựa và xương gấu để nấu cao, gọi là nấu cao gấu. Giời mới biết là cao gì chứ! Khi ngọn lửa nồi cao gấu tỏa sáng bập bùng, là lúc các tay săn đem tim, gan, cật, óc và thịt bắp của hai mẹ con khỉ ra nhậu. Ô tuyệt! Óc khỉ sống còn nóng hôi hổi. Món thịt bắp khỉ nướng thơm lừng. Tim, gan, cật xào với măng chua và rau rừng culôn bốc khói phưng phức. Rượu một trăm cái gai, rượu cẩu ngọc dương, rượu cao gấu, rượu táo mèo, rượu sâu chít nữa, tất cả đổ chung vào một bát tô đầy, ai nấy tự vục chén như kiểu gầu múc nước. Nào cạn chén. Nào, nhậu đã đời đi, các bạn săn ơi! Tử Pín khoái, mời các bạn nhậu mà như gào, khản cả cổ. Các tay săn gắp, rót, chạm chén, chào mời líu ríu. Tử Pín gắp tim, gan, cật, nhấm nhấm, gắp một miếng thịt bắp nướng, nhai nhai, lấy thìa múc đầy óc khỉ, dốc tộc vào mồm, chiêu một chén đầy rượu, ực. Ai dà! Ai dà dà! Tử Pín xuỵt xòa. Cái giống thú rừng sao mà ngon đến thế. Thịt khỉ thủy tổ của giống người sao mà ngon mà thơm đến thế. Ánh lửa khiến mặt Tử Pín đỏ phừng phừng, cái mấm bạc ở dái tai trái sáng lấp lánh, hai mắt góc cạnh như lồi ra, tràng mày dài nhún lên, môi dày trề trễ, to giọng đàn anh.
– Các ông thấy món khỉ có ngon không?
– Ngon tuyệt! – Các tay săn tranh nhau trả lời.
– Tại sao ngon?
– Vì là thịt thú rừng!
– Hừ! – Tử Pín gườm gườm – Thú nào trên rừng chả là thú rừng? Ngu thế!
– Vì là thịt khỉ!
– Ờ, thịt khỉ! Con khỉ là thủy tổ của con người. Nó ăn toàn hoa quả nên thịt nó mới ngon thơm thế chứ. Nếu là thịt con người bây giờ thì… ều ều…
Nghe thế, tất cả các tay săn cười ằng ặc. Tử Pín cởi áo để lộ chiếc vòng bạc to trên cổ sáng lóng lánh, cái mấm bạc ở dái tai cũng sáng lóng lánh, tay nâng chén rượu giữa bàn nhậu, mắt ngắn góc cạnh nháy nháy, lên giọng:
– Bây giờ các ông ước điều gì?
– Ước mai lại săn được con khỉ đen! – Các tay săn cười hỉ hả.
– Còn tôi, ước nồi cao hổ lốn, à, cao gấu, một mẻ cao gấu ngon, bán được nhiều tiền. – Tử Pín nhếch mép – Ờ, tôi chỉ ước có nhiều tiền, thật nhiều tiền cơ.
Lỳ lên tiếng:
– Thì mai đi săn gấu, săn sơn dương, săn khỉ, anh Tử Pín tha hồ mà nấu cao bán lấy tiền, chẳng mấy mà giầu nhé.
– A, ông Lỳ trùm săn! – Tử Pín nhìn sát vào đôi mắt to dưới tràng mày xếch trên gương mặt vuông chữ điền của Lỳ, đầu cứ nghênh nghênh, rồi cầm chén vục vào bát rượu, chén đầy đưa cho Lỳ, giọng thân mật – Cả miền Khau Sưa này bao đời đã đi săn. Nhưng ông Lỳ ơi, đi săn gấu, săn sơn dương, săn khỉ để nấu cao, mong làm giầu thì bao nhiêu người đã giầu to rồi, nhỉ? Ngày nay thú rừng càng ngày càng hiếm, nhà nước lại cấm nữa, sao có thể làm giầu bằng việc săn thú rừng chứ? Ta phải nghĩ cách khác thôi!
Tử Pín nghênh nghênh cái đầu tóc hơi đỏ lông bò, mắt gừ gừ nhìn các bạn săn như muốn hỏi, có đúng thế không? Săn thú rừng mà làm giầu thì… Ơ, đầu Tử Pín hơi rũ xuống, say say rồi, nhưng trong đầu Tử Pín đang nghĩ lung tung, nghĩ vơ vẫn, lạ lắm. Tử Pín nghĩ, không biết thịt con người bây giờ có ngon thơm bằng thịt con khỉ không nhỉ? Giá mà thịt người ăn được nhỉ? Người bây giờ nhiều quá, ăn thịt bớt đi như cá to ăn thịt cá bé ấy, có phải đỡ tranh nhau chức quyền, tranh nhau làm giầu, tranh nhau ăn, tranh nhau ở, tranh nhau chơi, thì sao nhỉ? Vớ vẩn! Ai ăn thịt người? Khiếp bỏ cha! A mà không! Thịt người đem nấu cao như nấu cao gấu cao khỉ ấy, biết đâu ăn vào lại chữa được bệnh ung thư, chữa được bệnh “ết”, chữa được bệnh tiểu đường, chữa được bệnh gút thì sao? Quý hơn cả vàng, bạc, châu báu, chứ đùa! A mà không! Không thể ăn thịt người, không thể nấu cao người, vớ vẩn, mất nhân tính, phải nghĩ cách khác chứ. Ờ, có lẽ phải tìm cách làm ăn lớn như các sếp, như các đại gia ấy. Ta sẽ kiếm thật nhiều tiền bằng cách làm ăn lớn, làm gì nhỉ? Ờ, ta sẽ… ta sẽ… ta sẽ…!? Ờ, nhưng mà mất cả sướng, mình cứ thích “pòm!” cơ, Tử Pín đưa ngón tay trỏ lên trước mắt, cong cong ngoắc ngoắc ngón tay kiểu sắp bóp cò súng, ừ, cứ “pòm!”, thế mới sướng, bất kể hươu, nai, hổ, báo, gấu, khỉ, hi hi, cả người nữa, nếu thịt ngon và bổ thì cũng “pòm!”, thế mới sướng, ơ mà, ta sẽ, sẽ …Tử Pín nghĩ nhiều, nghĩ vớ vẩn, say rồi, đầu gục xuống bàn nhậu. Các bạn săn dìu Tử Pín vào nhà, quăng uỵch lên giường. Thế là Tử Pín ngủ, ngáy khì khò như kéo bễ, ngủ một mạch ba ngày ba đêm. Ngày thứ tư Tử Pín thức dậy, uể oải ra ngoài sân, nhìn thấy thằng By đang vờn con Pốp, cảm giác khó chịu, liền vẫy thằng By vào gần, hỏi như quát:
– Mày là thằng nào?
– Con By đây mà! – Thằng By bị bất ngờ, hơi hãi.
– By nào? – Tử Pín tròn mắt nhìn thằng By gương mặt bầu bĩnh, trắng tươi, mắt nâu thẫm, tóc đen quăn quăn, càng khó chịu.
– By của cha Tử Pín mà! – Thằng By ngước nhìn cha, rơm rơm nước mắt.
– Từ Pín nào?
– Tử Pín cha của con By mà!
– Ơ, mày là thằng By, con tao hả?
Tử Pín cầm tay kéo thằng By vào trong nhà, ngó vào tận mặt thằng By, bĩu môi, lắc lắc đầu, cái nốt ruồi lông trên mi mắt phải cứ giật giật. Thằng By hãi quá! Không biết làm sao hôm nay cha Tử Pín quát nó, lườm nó, hỏi nó lung tung thế? Một lúc, thấy cha Tử Pín im, nó liền lủi ra ngoài cổng, chạy mất hút vào hẻm núi Khau Sưa. Tử Pín nhìn theo thằng bé, gặc gặc cái đầu như thể muốn nảy ra trong ấy những điều còn đương mơ hồ, lạ, thằng By càng lớn càng nhang nhác giống anh rể Vương? Có lẽ nào? Khi mẹ còn sống, cả cô Xinh nữa, đều nói thằng By bị một người phụ nữ chửa hoang bỏ rơi, cô ta bỏ thằng bé vào giường cạnh chỗ con gái mà cô Xinh cũng mới sinh, cùng với pho tượng Đức Phật và mẩu giấy ghi mấy chữ nguệch ngoạc, ý là trăm lạy nghìn lạy Đức Phật từ bi, trăm lạy nghìn lạy bà Na và cô Xinh nhận nuôi thằng bé. Ngày ra viện, cô Xinh bế cả hai đứa bé về cùng với pho tượng Đức Phật bằng đồng đen. Tử Pín vốn thích hoa ly và hoa phăng, nên đặt tên con gái lớn là Vũ Nữ Ly Ly, con gái thứ là Vũ Nữ Phăng Phăng, còn thằng bé bị bỏ rơi là Vũ Tử Nhiên tức By. Thằng By được bà nội đeo cái vòng bạc to ở cổ chân phải, nhưng không được đeo vòng bạc ở cổ và mấm bạc ở dái tai trái như cha Tử Pín, vì nó là con nuôi, còn cha Tử Pín là con cầu tự. Nghênh nghênh đầu, Tử Pín nghĩ ức, thằng By cái gì cũng hơn con Phăng Phăng. Lớn nhanh hơn. Học giỏi hơn. Ngoan hơn. Thằng By trắng trẻo, tóc quăn, mắt nâu thẫm, mũi thẳng, môi hơi dày và đỏ tươi, nên cả nhà gọi là thằng By lai. Nghiễm nhiên, Tử Pín trở thành người cha bất dắc dĩ. Mà thôi, mình hai đứa con gái, hơi ức, thì cứ tạm coi nó là đứa con trai nối dõi tông đường dòng họ Vũ Tử, sau này nếu kiếm được thằng cu, ờ, ờ, sẽ… Thấy thằng By từ núi Khau Sưa về, nem nép vào nhà, Tử Pín hạ giọng:
– Này, con trai!
– Dạ, cha bảo gì con ạ! – Thằng By nem nép lại gần cha.
– Rót cho cha chén nước!
– Dạ!
Thằng By cầm ấm rót lưng chén trà, hai tay nâng mời cha, vẫn rơm rớm nước mắt. Tử Pín thấy nguôi nguôi, tự trách mình vô lý, thằng bé có tội gì chứ? Thật ra, nó còn hơn cả cục bạc cục vàng bỗng nhiên rơi vào nhà mình, ừ, cá vào ao ai người đó được, có khi lại may mắn cho nhà mình chứ lị. Vừa nhấp chén trà, Tử Pín vừa khề khà, bảo:
– Thằng By con của cha Tử Pín, nhỉ?
– Dạ!
– Thằng By con trai nối dõi tông đường dòng họ Vũ Tử của cha Vũ Tử Pín, nhỉ?
– Dạ!
– Thế con trai có yêu cha không?
– Con yêu cha nhiều lắm!
– Ừ! Con ngoan, học giỏi, mai kia lớn lên, nối nghiệp cha nhé.
– Dạ!
Thằng By chẳng hiểu nối nghiệp cha là thế nào nhưng nó sợ cha nên cứ dạ, cảm giác thân thương, nó sà vào lòng cha, đưa tay mân mê cái mấm bạc ở dái tai cha, một lúc lại mân mê cái vòng bạc trên cổ cha. Tự nhiên nó hỏi:
– Cha ơi! Sao cha giết con khỉ?
– Ơ, cái thằng này! – Tử Pín tròn mắt vì câu hỏi bất ngờ của thằng By.
– Con khỉ có tội gì mà cha giết nó, hả cha?
– Không có tội gì, cũng giết, giết để ăn thịt, giết để nấu cao bán lấy tiền, mày chẳng hiểu gì cả. – Tử Pín đẩy thằng By ra khỏi vòng tay.
– Sao cha giết cả đứa bé con của nó?
– Bé cũng giết! – Tử Pín có vẻ cáu, nốt ruồi lông trên mi mắt phải cứ giật giật, hai mắt vằn tia đỏ, nói to – Cứ là thú rừng, bất kể giống gì, cả giống khỉ nữa, thì to bé cũng giết, ăn thịt tất, nấu cao tất, vừa ngon, vừa có tiền, giết tất, giết hết.
– Eo ơi! – Thằng By lè lưỡi.
– Mày eo cái gì?
– Con thấy cha giết con khỉ như giết người, sợ lắm!
– Mày thì biết gì!
– Con thương con khỉ to, con khỉ con nữa!
– A, mày thương con khỉ thì lên núi Khau Sưa mà sống với lũ khỉ nhá!
– Con sống với lũ khỉ để cha giết cả con à?
– Ơ, cái thằng, vớ vẩn quá!
Nghe thằng By nói “giết cả con à”, Tử Pín thấy hơi rờn rợn, phỉ phui cái mồm, tệ, mà nó biết đếch gì sự đời cơ chứ, một thằng bé con, chuyện vớ vẩn, khỉ khỉ khỉ, người người người, vớ vẩn, thằng By cút, Tử Pín quát to, cút ra ngoai kia, thằng By nhìn vẻ mặt hầm hầm của cha, hãi quá, lủi ra ngoài.

Chương 2
Núi Chúa xanh tươi, sôi động sự sống nhất miền Khau Sưa. Nó như một viên saphia khổng lồ ngun ngút dâng lên trời, sương sớm đọng giọt trên búp lá ngàn cây để nắng mai chiếu rọi cứ long lanh long lanh. Núi Chúa có niềm kiêu hãnh vừa được khoả chân bên kia xuống dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa, lại khỏa chân bên này xuống dòng sông Chảy trong xanh. Bao nhiêu núi thấp, đồi cao, vách đá, khe sâu, rừng thẳm phía Đông Bắc từ núi Mèn dưới chân Thác Bay dồn lên, phía Tây Bắc từ núi Cóp đổ xuống, rồi bỗng đẩy vút lên ngọn núi Chúa cao vời vợi. Ngọn núi Chúa chỉ trông thấy vào những ngày trời xanh thăm thẳm không một gợn mây. Chẳng kém những dãy núi trong vùng Tây Bắc, chẳng kém những dãy núi ở khắp miền Khau Sưa, núi Chúa đang giấu trong nó biết bao điều kì bí. Chẳng hạn như chuyện về động cậu Cóc, chuyện về chùa São, chuyện về rừng cây kẹn, chuyện về đá ngọc, chuyện về những con rắn mào đỏ, chuyện về lũ hổ vằn, chuyện về thung lũng Bùn, nhiều chuyện hay lắm. Neo theo cha đi khắp rừng, vừa đi vừa không ngừng gieo hạt cây sến, hạt cây nghiến, hạt cây chò xuống đất, thỉnh thoảng lại sà vào ôm gốc một cây nghiến to như cái vựa thóc dưới gầm cầu thang, rồi cố hình dung xem xửa xưa cuộc sống của cậu Cóc trên núi Chúa này như thế nào. Chuyện thì Neo vẫn nhớ cha kể rằng, xửa xưa cậu Cóc lớn lên chỉ có mẹ mà không có cha. Nhà nghèo khó nên mẹ con cậu Cóc quanh năm đi làm thuê làm mướn cho các nhà giàu ở núi Vây Sơn mãi bên kia dòng sông Hồng. Nhưng người ta chỉ thuê làm những việc ngoài nương rẫy, trên núi, dưới sông suối, không thuê làm những việc trong nhà và người ta cũng không cho mẹ con cậu Cóc được ăn ngủ ở trong nhà. Chỉ vì người ta thấy cậu Cóc có dáng thấp lùn xấu xí, đầu to, mắt lố, da sần sùi, lại lầm lì, ít nói, đã thế, sau giờ làm lụng vất vả cậu Cóc chỉ quanh quẩn chơi với mấy con cóc xù thập thò trong hốc đá. Được cái cậu chăm chỉ, làm việc gì cũng chu đáo và không bao giờ mặc cả tiền công. Dù mẹ con cậu rất nghèo nhưng lại thường đem chút tiền mọn hoặc bắp ngô, củ sắn, chút gạo giúp người nghèo khổ hơn. Làm lụng suốt ngày chẳng đủ ăn, lại bị xem khinh, thế là cậu Cóc bỏ núi Vây Sơn dẫn mẹ xuống phía Nam. Cậu Cóc làm chiếc mảng nứa, đưa mẹ qua sông Hồng, rồi leo núi, băng rừng sang tận dòng sông Chảy trong xanh. Dừng ở một con dốc cao, cậu Cóc nhìn lên lưng núi xa mờ, thấy thấp thoáng bản làng, khói chiều lan tỏa. Cậu Cóc quyết định đưa mẹ lên bản để tìm việc làm. Leo một ngày, hai ngày, ba ngày thì tới bản, là bản Cổ. Mẹ con cậu Cóc được dân bản Cổ đón và chấp nhận chung sống như một thành viên của bản. Cậu Cóc vui lắm. Hàng ngày cậu cùng dân bản đi làm nương rẫy, còn mẹ già ở nhà chăn lợn, chăn dê. Trong bản hễ ai có việc gì khó khăn cần giúp đỡ là cậu Cóc giúp ngay, từ việc phát nương rẫy, trồng cây, lấy củi, làm nhà, thuốc thang cho người đau ốm… Vì thế, cậu Cóc không những được dân bản Cổ yêu quí mà cả muông thú trên đại ngàn này yêu quí. Mỗi lần cậu Cóc lên rẫy trồng rau hay đi hái thuốc, hái nấm, hoặc đi chơi đêm trăng, từng đàn chim bay theo thi nhau hót vang rừng cho cậu nghe. Những con hổ, con gấu, con nai, con lợn lòi, con trâu và cả lũ trăn rắn nữa cũng đi theo cậu cho vui bước chân. Lúc xuống núi, cậu có thể cưỡi nai hay cưỡi trâu, cho đỡ mỏi chân. Nhiều năm trôi qua, cuộc sống của mẹ con cậu Cóc đã khấm khá, đủ ăn đủ mặc, sống cùng dân bản vui vẻ, ấm cúng. Một hôm, cậu Cóc xuống núi, sang bên kia sông Hồng để tìm giống cây. Trời bỗng nổi giông bão. Mưa gió, sấm chớp ầm ầm hết ngày này đến ngày khác, suốt đêm này qua đêm khác. Gió thổi ào ào. Cây đổ ầm ầm. Nước chảy dữ dội. Đất đá lở sụt từng mảng lớn cùng với dòng nước lũ dữ dội đã cuốn phăng cả rừng cây, bản làng. Mãi trời mới ngừng mưa gió. Cậu Cóc về đến bản thì không thấy còn một ngôi nhà nào nữa. Cậu vừa khóc vừa đi tìm những mảnh thân xác của mọi người, đem chôn dọc theo dòng suối Be, rồi sau này mỗi ngôi mộ chôn mảnh thân xác của dân bản bỗng cùng nảy lên cây xanh có hoa đỏ tươi hoặc vàng tươi – mà nghe nói cây có hoa đỏ tươi mọc từ thân xác đàn ông, còn cây có hoa vàng tươi là mọc lên từ thân xác phụ nữ, người đời gọi là cây kẹn đỏ hay kẹn vàng, cây kẹn vàng kẹn đỏ mọc dài tít theo dòng suối Be, mỗi mùa hoa vàng hoa đỏ gợi bao thương nhớ người dân bản Cổ. Nhìn núi cao, bản làng trống trơ, cậu buồn vô kể. Rồi suốt năm tháng cậu vào rừng nhặt các hạt cây rừng đem đi gieo khắp nơi có cây bị đổ, đất bị lở. Mãi, rừng lại lên xanh. Cậu Cóc nhìn rừng càng nhớ mẹ, nhớ người bản Cổ. Suốt ngày cậu lang thang trong rừng, không ăn, không uống gì. Cậu vừa đi vừa khóc, khóc đến hết nước mắt, khóc đến chảy máu tim, khóc đến cạn kiệt cả thân xác. Cậu không thể đi được nữa. Cậu phải bò, bò mãi vào đến cái động đá to lớn bên dòng suối Be thì chết. Cậu Cóc chết, biến thành một tảng đá to. Hình thù cậu Cóc giống như một con cóc khổng lồ đang bò, hai chân sau hơi choãi ra, hai chân trước chống thẳng nâng cái đầu vươn cao lên, đôi mắt lố mở to. Kỳ lạ, mỗi sớm mai khi mặt trời lên tới đỉnh núi Chúa thì đôi mắt của cậu Cóc bỗng đỏ rực như hai hòn than lửa. Từ đấy, mỗi khi bão giông, mưa rừng, bao nhiêu muông thú trên đại ngàn núi Chúa đều chạy vào động cậu Cóc để được che chở, tránh nguy hiểm. Động cậu Cóc thiêng lắm. Hễ ai lên rừng núi Chúa chặt cây và phá đá, nếu không bị cây đè chết, đá quăng chết thì về sau cũng bị ốm đau, bệnh tật mà chết. Người ta bảo những người ấy phá rừng của cậu Cóc nên bị cậu Cóc trừng trị. Khiếp lắm! Còn một chuyện kì bí nữa cũng liên quan đến cậu Cóc. Ấy là chuyện bỗng nhiên mấy người ở chợ Trám, sau gọi là chợ Ngọc, nơi cuối nguồn suối Be, đi xúc cát suối đã phát hiện ra những viên đá trong suốt có màu xanh biếc và màu hồng tươi như tiết chim bồ câu. Mọi người thấy lạ lùng và kinh hãi, bèn đem cho cụ Quy – già bản trên trăm tuổi, xem. Già Quy ngắm nghía những viên đá lạ rất lâu, rồi tròn mắt bảo đây chính là máu và nước mắt của cậu Cóc hóa thành, phải đem ngay lên động cậu Cóc mà thờ cúng. Lúc này già làng mới nói thêm rằng, cứ vào đúng giữa đêm Rằm tháng Giêng, núi Chúa sẽ phát sáng, những tia sáng vút lên trời, lẫn vào ánh trăng Rằm lung linh. Đấy chính là ánh sáng của những viên đá lạ kia, chính là ánh sáng của nước mắt và máu cậu Cóc. Mọi người nghe đều kinh hãi, sụp xuống, cúi lạy núi Chúa. Nhớ đến đây bỗng Neo ngoảnh nhìn cha, hỏi:
– Cha vẫn nhớ chuyện cậu Cóc chứ?
– Câu chuyện truyền bao đời, làm sao quên! – Ông Sa Thổ đến bên Neo, ngẩng nhìn lên vòm cây nghiến sum suê, cảm giác nhẹ nhõm.
– Chuyện hoang đường! – Neo nheo nheo mắt, tay vỗ mạnh vào gốc cây nghiến xù xì.
– Hoang đường? – Ông Sa Thổ nhìn Neo, trợn mắt – Mày láo! Chuyện cậu Cóc thật đấy. Động cậu Cóc thiêng liêng còn đây. Chuyện người ta tìm được những viên đá màu thì ai cũng biết. Bao nhiêu chuyện kỳ lạ nữa, nếu không phải chuyện của cậu Cóc thì sao tự nhiên thế?
– Hoang đường! – Neo vẫn không nghe cha, làu bàu – Con đi học chữ, các thầy cô giáo bảo các thứ đá là do núi lửa tạo ra. Còn cậu Cóc thì ai đã trông thấy bao giờ? Bịa thì có!
– Láo quá! – Ông Sa Thổ cáu – Mày dái hạt vừng, biết gì!
– Thế ai trông thấy cậu Cóc mà kể cho cha?
– Cụ Quy già làng kể, không tin à?
– Thế ai trông thấy mà kể cho cụ Quy nghe?
– Chắc là cha cụ Quy chứ ai nữa! – Ông Sa Thổ tự tin.
– Chẳng ai biết cha cụ Quy là ai thì còn biết đâu mà lần nữa? – Neo lầu bầu trong miệng, tay vung nắm hạt nghiến ra xung quanh, vẻ mặt đầy nghi ngờ.
– Thế cha hỏi con… – Ông Sa Thổ im lặng một lúc, suy nghĩ cách ứng khẩu với thằng con ngang phè – Cha hỏi con rằng, thầy cô giáo nào trông thấy núi lửa làm ra những viên đá màu kia?
– Đấy là hiện tượng tự nhiên của đất trời! – Neo trả lời ngay.
– Ừ, núi lửa làm ra các loại đá là hiện tượng tự nhiên của đất trời. Còn chuyện cậu Cóc là chuyện của cuộc sống thật ở núi Chúa này đấy.
– Mấy người chỉ muốn làm oai cho núi Chúa, thổi chuyện hoang đường. – Neo làu bàu.
– Ai thổi chuyện hoang đường? – Ông Sa Thổ chỉ tay ra khắp rừng, nói một thôi một hồi – Mày không nhìn thấy gì hử? Núi Chúa giầu đẹp nhất miền Khau Sưa. Động cậu Cóc còn đây. Suối Be đầy cá còn đây. Thác Tu Mi ào ào đổ nước còn đây. Đá đỏ ruby có kia. Đá xanh saphia có kia. Cây kẹn hoa đỏ hoa vàng còn kia. Mày bảo ai thổi hoang đường, hử?
– Hoang đường!
– Ừ, hoang đường mà khối người tìm đến đây gạ mua núi Chúa làm du lịch sinh thái đấy.
– Ai mà nhiều tiền mua núi Chúa chứ?
– Một ông ở thị trấn Khau Sưa, ừ, cái ông Tử Pín gạ mua rồi đấy!
– Thì bố bán phứt đi, tha hồ tiền, giầu phải biết nhé!
– A, thằng láo! Tao mà bán núi Chúa à? Dân bản Nà Lai mà bán núi Chúa à? Có là đồ mất giống! Ai bán quê cha đất tổ chứ? Mày hiểu thế nào là quê cha đất tổ không?
Nghe thế, Neo không thể trả lời cha, đứng im lặng. Ông Sa Thổ nhìn thẳng vào mặt thằng con trai ngang phè, chợt giật mình sao bây giờ ông mới thấy nó giống mình đến thế. Cũng đôi mắt to sáng, tràng mày dài rậm, mũi to hơi dài, tai to, miệng rộng, hàm bạnh, da bánh mật, nom rắn chắc như một cây nghiến ở núi Chúa này. Ông Sa Thổ đưa tay xoa cằm râu, bật cười khà khà, nháy nháy mắt nhìn cái phiên bản của ông với vẻ khoái chí. Rồi ông hất hàm, hỏi Neo:
– Hôm nọ mày nói thôi đi học là sao?
– Con không muốn học nữa, thế thôi!
– Chưa được mười lăm tuổi, mày ở nhà làm gì?
– Con với chị Sương cùng làm nương, làm ruộng, cho cái Nương đi học.
– Mày ngại học, chắc lại muốn tìm gái chứ gì? – Ông Sa Thổ cười khẩy.
– Còn lâu! – Neo lườm cha.
– Lâu cái con dúi à? – Ông Sa Thổ gật gù, giọng trêu – Tao sẽ cho mày lên Mã Yên Sơn, lên Phố Ràng ở rể bạn tao, hử?
Thế là từ chuyện cậu Cóc, hai cha con ông Sa Thổ ngoắc sang chuyện Neo đi ở rể. Neo chưa hiểu lắm về chuyện ở rể, lấy vợ, nên cứ làu bàu, lườm cha. Còn ông Sa Thổ khi nhắc đến chuyện đi ở rể, ông lại chợt nhớ cái ngày xưa mới mười ba tuổi ông đã được bố mẹ cho đi ở rể tận Phố Ràng. Bé chẳng biết gì chuyện vợ chồng, cứ mải làm nương rẫy, năm 1979 mới mười sáu tuổi thì khai tăng lên mười tám để đi bộ đội, đánh nhau tít mù tận Vị Xuyên, mãi 1990 mới ra quân, về đẻ liền mạch cái Sương, thằng Neo, cái Nương. Mới ngày nào bé tí, giờ thằng Neo đã bằng tuổi ông ngày đi ở rể, biết cãi ông ra trò. Hừ, thằng ranh con! Mày không hiểu rằng máu, thịt, xương, tủy của ông cha mày và mày nữa, đều có giọt nước trong nước mát suối Be núi Chúa, đều có vị bùi của quả trám núi Chúa, có vị ngọt của măng vầu, măng nứa núi Chúa, có vị chát vị bùi của hoa chuối núi Chúa, có vị ngọt thơm của con cá sỉnh, cá sộp, cá bỗng suối Be núi Chúa…, nhớ đấy! Ông không muốn tranh luận với thằng con ngang phè nữa. Ông hậm hụi đi về phía thung lũng Bùn. Phía này mênh mông rừng nguyên sinh. Bao nhiêu là cây gỗ quí. Cây chò chỉ. Cây lý. Cây sến. Cây táu. Cây lát. Nhiều loại cây khác xen kẽ như nhội, balamít, lim vang, thao chanh, vàng giành, lá đỏ, nhiều nữa. Toàn những cây cao lớn nhất rừng, gốc to xù xì mưa nắng và thời gian, mấy người ôm không xuể, ngọn toả bóng sum suê. Dưới tán cây chằng chịt loài dây leo loằng ngoằng mốc thếch chẳng khác gì lũ trăn rắn đang cuộn mình leo trèo, đấy là dây gắm, dây vỏ mụng, dây song, dây vỏ đắng, dây hèo, dây mây… Chúng quấn lấy các thân cây mà leo lên, bò ra cành lá, khiến rừng cứ chằng chịt bịt bùng, mặt đất ẩm ướt quanh năm, lá mục hoang hoải thành mùn đất ngập cả bàn chân, vỏ cây lấp loá lân tinh, nhiều muỗi vắt đến kinh hãi. Xung quanh núi Chúa, những cánh rừng nguyên sinh như thế này, chẳng biết từ bao đời đã trở thành núi vàng núi ngọc, quí giá như chính cuộc sống của con người dưới chân núi. Rừng quí còn đến bây giờ là nhờ người dân quanh vùng không chặt phá, không khai thác, lại nữa, cũng là nhờ hồn thiêng cậu Cóc. Thực ra, mấy năm trước có một vài kẻ xấu đã chặt trộm, xẻ mất hơn chục cây nghiến và cây chò chỉ. Khốn khổ, chúng hì hụi kéo mấy chục hộp gỗ xẻ ra đầu nguồn suối Be, thả trôi xuống thác Tu Mi, khi ngang qua động cậu Cóc thì bị lũ rắn mình vằn vàng-trắng-đỏ như nứt ra từ kẽ đá lao tới đớp cho mỗi đứa một nhát, chết tươi. Cả lũ trộm gỗ chết cùng với mấy chục hộp gỗ trôi về cuối nguồn suối Be được dân bản vớt lên. Người chết được dân bản mai táng ven rừng. Gỗ thì đem về đền thờ Thần Y Đăm để lễ tạ tội, sau mới đem dùng sửa chữa đền. Dân bản quanh vùng được phen khiếp vía, càng không một ai dám xâm phạm rừng núi Chúa. Ông Sa Thổ nhớ chuyện này, lòng càng thấy tự hào về núi Chúa thiêng liêng. Ông thật lòng coi những cây cổ thụ trên rừng núi Chúa như là những cây thần – cây thần thiêng liêng bảo vệ núi, bảo vệ cho suối, sông, cánh đồng, bảo vệ cuộc sống con người, bảo vệ cả muôn loài muông thú nữa. Nghĩ về rừng núi Chúa với cả tấm lòng thành như vậy, mới lại cũng là để giữ một truyền thống tốt đẹp của ông bà cha mẹ trong việc gieo rừng, nên năm nào vào mùa Xuân, nhà ông và cả bản Nà Lai, bản Cò Nòi nữa, nhà nào cũng bắt các con cháu cùng nhau lên núi Chúa để gieo hạt cây rừng. Ông Sa Thổ vừa nghĩ vừa cắm một hạt nghiến xuống cạnh hốc đá. Ông lẩm nhẩm, ời, cầu giời mưa thuận gió hoà cho mầm cây này mọc lên xanh tốt, cao xanh lên mãi, cứng cáp sum suê trước mưa nắng gió bão, làm cho rừng núi Chúa thêm xanh ngút ngàn. Ông dừng lại lúc lâu, đợi Neo đến gần, hai cha con lại cùng gieo hạt. Hai cha con ông Sa Thổ vừa gieo hạt cây rừng vừa mải chuyện nên chẳng mấy chốc ra đến chân rừng. Vừa bước ra, ông Sa Thổ phát hoảng khi thấy cánh rừng bên cạnh bốc cháy, lửa khói ngút trời. Tiếng nổ lốp rốp, chốc chốc lại nổ đùng đùng như tiếng sấm, đấy là tiếng nổ phát ra từ những cây nứa ngộ và cây vầu. Chết thật! Ông Sa Thổ đứng ngẩn nhìn cánh rừng già đã bị chặt phá từ trong năm, nay sắp vào hạ, gia chủ đốt để chuẩn bị cho vụ lúa nương hè thu. Tiếc quá! Cánh rừng kia ông biết có nhiều vầu, nứa, quí nhất là nứa ngộ và những cây trám trắng mỗi mùa cho bao nhiêu là quả ngon quả bùi, cho bao nhiêu là măng ngon măng ngọt, rồi chim chóc, gà rừng, cầy, dúi, cáo nữa. Thế mà bây giờ người ta chém chặt bừa bãi, đốt cháy hết chỉ để trồng một ít lúa nương, phí phạm núi rừng quá thôi. Ông Sa Thổ còn đương đứng ngơ ngẩn nhìn về đám rừng cháy rừng rực một góc trời thì Neo rẽ đường cỏ gianh ra chân đồi tìm con Trâu beo – tên con trâu cà to lớn, khoẻ như beo rừng, có bộ lông đen nhánh, đôi sừng nhọn hoắt từng húc chết một con gấu xám trong rừng măng vầu bên suối Be. Neo lần theo tiếng mõ lốc cốc lốc cốc, thấy con Trâu beo đang mải miết gặm cỏ cạnh nương sắn. Neo hê hê gọi Trâu beo, rồi lại gần xoa xoa tay lên đầu nó, vỗ vỗ nhẹ vào vai nó. Con Trâu beo được chủ vỗ về âu yếm, nó nghênh nghênh cái sừng lên, hai mắt lim dim, miệng khẽ ọ ẹ vẻ sung sướng. Neo gỡ cuộn dây chạc quanh sừng, rồi nhảy phóc lên lưng nó. Pay pay1! Neo giật giật dây chạc, dập nhẹ chân vào sườn Trâu beo. Trâu beo hiểu ý chủ, cuốn hai chân trước bổ lên ngọn cỏ, chạy về phía suối Be. Vừa ra khỏi nương sắn, Neo nghe tiếng kêu dữ dội của cha: “Neo ơi! Con gấu đuổi đằng sau đấy!”. Neo ngoảnh lại, giật thót, thấy con gấu xám to như con nghé đang lừng lững lao phía sau. Hình như nó là con của con gấu xám bị con Trâu beo của nhà Neo húc chết năm nào, bây giờ nó rình được Trâu beo, liền lao vào trả thù cho bố nó. Hay nó nghĩ mình đang đốt rừng măng vầu, măng nứa, rừng quả trám, phá mất miếng ăn của nó mà nó trả thù đây. Nguy rồi! Neo quất mạnh đuôi dây chạc lên vai con Trâu beo, vừa quất liên tục vừa hét: Men khửn! Men khửn! Men khửn!2Con Trâu beo cuốn vó lồng về phía trước, bốn chân nó to chắc như bốn cái cột chò nhà sàn đạp gãy rạp hết cỏ cây. Con gấu xám đuổi sát sạt, có lúc tưởng ngoạm được vào vó sau của Trâu beo. Ông Sa Thổ chạy ngược lại cứu nguy cho Neo, không còn cách nào khác buộc ông phải giương súng kíp lên trời, bóp cò. Pù-ù-ù-ùm! Cuộc dượt đuổi vẫn không ngừng. Pù-ù-ù-ùm! Ông Sa Thổ nhanh tay tra đạn, bắn nữa. Hai phát súng không dọa được gấu xám, trái lại, tiếng súng càng làm nó hăng tiết. Nó dường như không thèm nhìn về phía đối thủ đang nhả ra tiếng nổ chết chóc, mà cứ chạy nhồng nhồng theo sau con Trâu beo, không hề dừng lại, không hề ngoảnh ngang, thỉnh thoảng nó lại nhổm cao khỏi làn cỏ gianh để nhìn cho rõ đối thủ, miệng gầm gừ, đôi mắt ánh xanh lét dữ tợn. Nó đuổi Trâu beo vượt qua chỗ ông Sa Thổ nấp, chỉ còn quãng nữa là đến suối Be. Neo gắng hết sức giật dây chạc hướng Trâu beo lao xuống bãi soi ven suối mướt mát ngô với rau bí đỏ, phía ngoài bãi, bên những gốc cây kẹn cổ thụ có ngầm nước sâu dưới chân mấy tảng đá lớn, chỗ mà Neo và Trâu beo thường hay tắm sau những buổi lên nương mệt nhọc. Không kịp rồi! Neo liều mình lộn xuống bãi soi. Con Trâu beo liền khựng lại, quay ngoắt, bốn chân xiết sâu bắn toé đất, hai chiếc sừng nhọn hoắt đón đường chạy của gấu xám. Vẻ muốn chỉnh lại tư thế đánh nhau, hai chân sau Trâu beo hơi dạng ra, hai chân trước hơi nhún xuống như xuống tấn, mắt đỏ long sòng sọc, một sừng nhọn nghênh đón đối thủ. Bị bất ngờ, gấu xám sững lại, nhổm lên, cái ức trắng như thắt nơ cứ rung rung, miệng gầm gừ dữ tợn. Hai đối thủ gườm gườm đối đầu trong tiếng nổ đùng đùng, trong ánh lửa chiều cháy rừng rực. Nhân lúc hai con thú mải lừa miếng nhau, Neo chạy ào ra suối, nhảy ùm xuống nước, lặn sâu vào hườm đá.
Chương 3
Vừa tắt ti-vi định đi ngủ thì iPhone của Tử Pín réo rắt nhạc không lời. Ời, khuya ai còn phôn mới phiếc. Liếc nhanh, a, chị Kim Hy gọi, Tử Pín nghĩ chắc có tin gì đây. Tử Pín nghe máy.
– Dạ, em trai đây!
Đầu sóng bên kia, giọng mềm ngọt.
– Tin vui! Cậu nghe cho rõ nhé!
– Vâng! – Tử Pín ép chặt iPhone vào tai – Có phải lấy giấy bút ghi không ạ?
– Không cần! Cậu nghe rõ là được. Này nhé, anh Vương vừa nói lãnh đạo thành phố Mã Sơn quyết định mở đại lộ rất dài, xuyên qua thành phố, qua dãy phố Liều có ngôi nhà lá nhỏ mà cậu mua năm kia ấy, rõ chưa? Và hơn nữa, thành phố sẽ lấy toàn bộ khu phố Liều, giải tỏa hết, để xây chung cư. Mà quyết định chưa được công bố đâu, nên cậu tranh thủ mua thêm vài chục mét chạy dài theo phố Liều, ít nữa cậu bán đất, sẽ được nhiều tiền đấy!
– Em nghe rõ rồi! – Tử Pín nghe sướng, cuống cả lên – Thế thế em mua vài trăm mét… a mà tiền…?
– Cậu tệ lắm! – Cậu đừng tham quá thế! Vài chục mét ở phố nhỏ cũng thành lớn rồi đấy. Còn tiền thì cậu tự xem khả năng tài chính của mình rồi hãy mua.
– Mà chắc chưa hả chị? Mua rồi…
– Cậu chẳng hiểu gì cả! Anh Vương đã nói là nhất định như thế. Sếp to cũng như vua ấy, không nói chơi bao giờ!
– Dạ, thế thì… em sẽ… chỉ lo… – Tử Pín ngập ngừng.
– Cậu lại lo tiền chứ gì? Cậu cứ mua đi! Chị sẽ bàn với anh Vương giúp thêm.
– Vâng ạ! – Tử Pín sướng, reo to – Cảm ơn chị gái nhiều nhé!
– Này, giữ mồm, nhớ đừng cho ai biết, tin mật đấy, chuyện làm ăn để hớ hênh là hỏng ăn liền.
– Vâng, mai em sẽ mua ngay vài trăm mét đất, nhất định phải mua ngay!
– Tấc đất tấc vàng đấy, cậu ơi!
– Vâng, tấc đất tấc vàng, em nhớ rồi!
iPhone tắt.
Ôi, tiền lại về với ta nhiều đây! Tin vui từ chị Kim Hy khiến Tử Pín nằm trằn trọc mãi không ngủ được, cứ nghĩ mông lung xa gần. Ừ, đúng là tấc đất tấc vàng! Còn nhớ năm xưa, nhà tay Tẽo có năm gian nhà ngói ngay mặt đường nhỏ từ thành phố Mã Sơn đi Thác Bay, con đường được mở rộng thành đại lộ, thế là nhà Tẽo nằm trong diện giải tỏa, được đền bù cả tỷ đồng, còn mấy chục mét đất nữa cũng bán được mấy tỷ đồng. Ôi giời, cả một đống tiền, bỗng dưng nhà Tẽo thành tỷ phú, sướng. Mình phải nhanh tay mua thêm, ừ, cả trăm mét nữa, rồi cũng thành tỷ phú chứ lị! Có đất đã. Mấy tay tư vấn giao thông, thiết kế giao thông không thể không bắt con đường chạy băng qua phố Liều, qua đất nhà mình, còn anh rể Vương với chị gái Kim Hy mình kia, đố đứa nào dám qua mặt mình nhá. A, mà có đất rồi, đại lộ chạy qua nhà rồi, giá đất phải cao gấp trăm lần, ta sẽ bán một vài lô lấy tiền xây nhà lầu, xây nhà hàng, xây siêu thị, xây khách sạn nữa, rồi đưa anh em họ hàng nhà mình ở quê ra làm ăn, ừ, làm gì nhỉ, a, khách sạn có bể bơi, có phòng hát karaoke, có phòng tắm hơi, có phòng tắm nóng lạnh, có phòng tắm thuốc người Dao, có phòng massage, có phòng nhảy, có phòng ăn nhậu… Ừ, cứ gọi là sướng nhé, còn nhà hàng bây giờ phải độc đáo những món ăn Tây Bắc, gì nhỉ, gọi là ẩm thực sành điệu Tây Bắc thì món hươu, nai, gà rừng, gấu, cáo mèo, sóc, chồn, cầy hương, cầy vòi, cá bỗng, bọ sít, bọ cạp, rắn hổ mang, rết, sóc bay, dúi, nhím, kỳ đà, rau dớn, hoa chuối rừng, đắng cảy, rêu đá, khoai sọ tím, măng vầu, măng mai, măng nứa, rau mét, ôi cha, nhiều vô kể các món miền rừng núi mà miền đồng bằng với miền biển thèm cả đời chả có mà ăn nhé, gì nữa nhỉ, ư, kính thưa các loại rượu, rượu một trăm loại gai, rượu mật gấu, rượu mật kỳ đà, rượu sâu chít, rượu táo mèo, rượu dái dê, rượu cẩu ngọc dương, rượu quả thuốc phiện…, ư, gì nữa nhỉ, a phải rồi, ta sẽ tuyển các em chân dài thật trẻ trung xinh đẹp, các em gái Thái, Tày, Mông, Dao, Kinh nữa, để làm tiếp viên, thứ này các sếp và các đại gia thích nhất đấy, ối giời, cha mẹ anh chị em nhà mình ơ-ơ-ơ-ơ-ơi, rồi sẽ giầu to đấy…, à-à-à-àm, à-à-à-àm… Tử Pín nghĩ lâu, mỏi, ngáp dài rồi ngủ lịm trong niềm sung sướng.
Sáng ra, chợt nhớ chuyện đất đai, Tử Pín bật dậy, không nói gì với vợ, đút túi mấy trăm triệu, lặng lẽ phi xe máy xuống thành phố Mã Sơn, vào phố Liều, gặp ông Tắc trưởng phố, nói thẳng ý định mua đất. Ông Tắc trưởng phố gầy còm, mắt dim díp, đưa tay vuốt vuốt cái đầu hói, nói giọng sin sít:
– Dân phố chúng tôi đã biết thành phố sẽ lấy đất khu này để xây chung cư, chẳng hiểu sẽ thế nào?
– Ông đã cho họp dân phố chưa? – Tử Pín nghiêng nghiêng đầu.
– Họp rồi!
– Cụ thể thế nào?
– Một ông trên Ủy ban thành phố xuống họp với dân. Ông ấy cho xem bản vẽ, bản thiết kế chung cư. Xem thế thôi chứ dân chúng tôi biết đâu mà lần.
– Họ giải tỏa, bồi thường thế nào?
– Ba mươi nghìn một mét vuông, bằng bát phở, chết dở!
– Tệ thật! – Tử Pín vờ im lặng một lúc – Mà không! Nhà nước bồi thường đúng giá đấy.
– Đúng giá là sao?
– Thì phố Liều này hầu hết dân tự chiếm đất, đã nhà nào có sổ đỏ sổ hồng đâu. – Tử Pín im lặng một lúc, nghĩ cách dọa – Mới lại, khu này ở rìa trung tâm, toàn ao chuôm, ruộng lầy. Bao năm nay dân chỉ độc cấy rau cần, rau muống, rau ngổ, rau cải soong, may có vài bãi mía, bãi chuối, bãi rau cải, su hào, bắp cải, ồi, toàn thứ vớ vẩn, cả năm kiếm vài triệu bạc, bõ gì? Ba mươi nghìn một mét vuông là được đấy.
– Bồi thường ít thế thì biết đi đâu làm lại nhà ở? – Ông Tắc trưởng phố lắc đầu, thở dài.
– Còn hơn bị người ta cưỡng chế, lấy không!
– Dân chúng tôi bàn nhau không đi!
– Nhân dân chớ đùa với nhà nước nhé! – Tử Pín lên giọng dọa.
– Là chúng tôi bàn ngầm với nhau thế thôi!
– À mà này. – Tử Pín nhìn vào mặt ông Tắc trưởng phố, nói nhỏ – Nhân nhà nước chưa lấy, các ông bán cho tôi vài trăm mét, hử?
– Bán thế nào?
– Thì tôi trả giá cao hơn nhà nước?
– Ông mua thật à? – Ông Tắc trưởng phố Liều tròn mắt – Ông không sợ nay mai nhà nước cũng lấy mất của ông, thì sao?
– Đất về tay tôi sẽ không ai lấy được!
– Ông dám thì chúng tôi…
– Các ông cứ bán cho tôi, sau thế nào tôi tự lo được, cứ bán đi đã.
– Thật chứ?
– Tôi đâu có đùa!
– Thế ông trả bao nhiêu tiền một mét vuông?
– Ba trăm nghìn!
– Ối, gấp mười lần của ủy ban à? – Ông Tắc trưởng phố Liều tròn mắt.
– Phải! Nếu ông bảo dân bán cho tôi cả nghìn mét vuông thì… – Tử Pín rút một tệp tiền 500 nghìn đồng mới toanh, đưa cho ông trưởng phố – Mười triệu này tôi biếu ông, gọi là lấy chỗ đi lại, hử?
– Ờ… ừ… vâng!
– Ông cứ bàn kỹ với dân, mấy hôm nữa tôi sẽ đến.
Ông Tắc trưởng phố cầm tệp tiền, ngó ra cửa, rồi đút nhanh vào túi. Ông phủi đít đứng dậy, đi nhanh ra ngõ. Mấy ngày sau, Tử Pín đến gặp ông trưởng phố Liều, ông trưởng phố lắc đầu bảo, còn hơn chục nhà dân không chịu bán đất, họ vốn là dân gốc phố Liều mà trước đây gọi là dân xóm Giếng vì tất cả dùng chung một cái giếng kiểu như giếng đình ở miền xuôi, giếng to, xây rất đẹp, có lều mái ngói che mưa che nắng, mà giếng nước rất trong, rất ngọt. Tử Pín hết nhìn ông Tắc còm trưởng phố, lại liếc nhìn mấy nhà dân xóm Giếng, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cứ giật giật, ánh mắt vằn đỏ, miệng mím mím, nghĩ ức. Tử Pín hừ hừ trong họng, miệng lẩm bẩm, mấy tên dân đen chết tiệt, ta sẽ cho các người về mo mo mo, nghe chưa, ta sẽ biến các người thành zêrô zêrô zêrô, nghe chưa! Nói là làm! Ngay đêm hôm ấy, Tử Pín thuê ba đầu gấu Bâm sẹo, Sành lỳ, Tẽo liều cùng bọn đàn em, gần chục tên, tất cả đội mũ đen chỉ hở hai mắt và mồm, tay dao, tay dùi cui, xộc vào từng nhà xóm Giếng, dí dao nhọn sáng loáng vào cổ từng người trong nhà, dọa giết, rồi ném tiền lên bàn, chìa giấy bán nhà bán đất đã ghi sẵn, quát “bán hay chết”, chủ nhà run cầy sấy, nước mắt lã chã, miệng lặp bặp “em bán, em bán”, bọn đầu gấu bắt chủ nhà ký và điểm chỉ ngón tay cái, bọn đầu gấu làm nhanh, chỉ một canh giờ là xong hết cái xóm Giếng dân gốc. Ngay sau đấy, đầu gấu Bâm sẹo báo tin vui qua iPhone cho Tử Pín. Sớm hôm sau Tử Pín xuống phố Liều, gặp trưởng phố Tắc, vờ hỏi dò tình hình xóm Giếng. Trưởng phố Tắc dáng còm lom khom, mặt rạng rỡ, nhanh miệng báo cáo, dân xóm Giếng đã đồng ý bán đất, bán nhà rồi. Tử Pín nhếch mép, gật đầu. Rất nhanh, từ sáng tới trưa Tử Pín đã làm xong mọi thủ tục, thì chỉ có giấy bán đất viết tay, vẽ sơ đồ nguệch ngoạc, có điểm chỉ và chữ ký đôi bên, rồi lên phường đóng dấu, thế là xong mấy nghìn mét vuông đất liền kề, vuông vắn, địa thế rất đẹp. Người dân phố Liều vốn nghèo, chủ yếu dân “nhảy dù” ngụ cư, bị dọa nhà nước sẽ cưỡng chế mất không, lại bị đầu gấu dọa giết nên vội vàng bán rẻ cho Tử Pín. Hai bên đều được lợi. Mấy chục nhà bán đất, gói tiền, bỏ nhà lá, chỉ nửa tháng là dắt díu nhau đi hết vào núi Mã Sơn mua đất rừng ở. Dân phố Liều ra đi trong những ngày mưa gió dầm dề, buồn não lòng. Dân phố Liều bỏ lại cả một vùng đất hoang toàng nhưng quí hơn vàng mà không biết. Mặc mưa gió, Tử Pín vẫn phi xe máy xuống thành phố thuê Công ty CP xây dựng B&L huy động hơn chục xe ô tô ngày đêm chở đất đổ lấp đầy các ao chuôm, ruộng lầy, làm thành một khu đất bằng phẳng, rồi chở cọc bê tông với dây thép gai rào kín ngay khu đất rộng thênh thênh. Cả tháng cật lực ngày đêm dầm trong mưa gió, Tử Pín lăn ra ốm. Cơn sốt cao khiến Tử Pín vật vã, mê man, tưởng cảm thường, vợ Tử Pín cho uống thuốc cảm rồi xông lá nhưng không khỏi, đành đưa gấp xuống Bệnh viện đa khoa Mã Sơn. Cả tháng, bác sỹ chăm sóc, thuốc men nhưng Tử Pín vẫn không tỉnh, mắt nhắm nghiền, miệng lúc nào cũng gầm gừ, thỉnh thoảng lại ngoác mồm kêu ú ớ, kêu kaá-á-á-ác-ác-ác như thú dữ, nghe rờn rợn. Không khỏi, bệnh viện đành chuyển Tử Pín về Bệnh viện tâm thần Hà Nội. Suốt mấy tháng Tử Pín vẫn không khỏi, bác sỹ chưa phát hiện ra bệnh gì. Tử Pín vẫn sốt cao, mắt nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại cuộn mình, ngoác mồm kaá-á-á-ác-ác-ác, nghe khiếp! Gia đình lo sợ, bàn nhau đưa Tử Pín sang Singapo chữa trị, may ra… Đương lúc bối rối thì cô Xinh – vợ của Tử Pín, nhận được điện thoại của một người hàng xóm ở nhà mách rằng bệnh của Tử Pín nhờ thầy Khổng Xích Tồ cúng, có thể khỏi. Thôi thì, có bệnh phải vái tứ phương, nếu thầy Khổng cúng khỏi càng không phải đi nước ngoài vừa xa xôi vừa tốn kém. Thế là gia đình xin phép các bác sỹ đưa Tử Pín về nhà, chuẩn bị đưa đến phủ thầy Khổng Xích Tồ tận núi Mã Sơn dưới thành phố để cúng. Lại nói về thầy Khổng Xích Tồ. Cô Xinh và nhiều con nhang đệ tử chẳng lạ gì thầy Khổng Xích Tổ, uy danh lừng lẫy bởi thầy Khổng giỏi thuật thần giao cách cảm, thuật thôi miên, bấm huyệt, còn có tài cúng giải hạn, cúng gọi vía, và xem tướng số, trúng phóc cho nhiều người, nhất là cánh quan chức, bái phục lắm. Nghe nói, thầy Khổng người Việt gốc Hoa, quê Bằng Khẩu – Trung Quốc, sau sang nhập cư, sinh sống ở Lào Cai. Tốt nghiệp đại học văn hóa, Khổng Xích Tồ vào thành phố Hồ Chí Minh công tác trong ngành văn hóa vài năm, rồi được điều ra công tác ở Hà Nội, bỏ vợ, không có con, chẳng hiểu sao Khổng xin lên Cao Bằng. Vốn thông minh, ham đọc sách, nhất là sách về bói toán, khoa học nhân dạng, Khổng Tử học, Chu dịch, Phép biện chứng, Triết học, Thần học, Phật học, đọc nhiều loại sách lắm, nên kiến thức rất uyên thâm, lại thạo tiếng Tầu, chữ Tầu, thạo tiếng Anh, tiếng Tày, giỏi chuyên môn, vì thế công tác có uy tín nhưng Khổng bỏ ngành văn hóa, theo thầy mo Cín người Tày nổi tiếng khắp Cao Bằng, học nghề cúng, xem bói, Khổng học rất nhanh, được thầy mo Cín quí, gả con gái yêu là cô Giang. Khi Khổng thạo nghề, thành chuyên nghiệp thì thầy Cín chết, Khổng bỏ cô Giang, xuôi về thành phố Mã Sơn, lên núi Mã Sơn dựng am cỏ, hành nghề. Thầy Khổng cúng giải hạn, xem tử vi, cúng gọi vía cho nhiều người, và may mắn nhiều người qua hạn, trúng số tử vi, có người lên chức to đến trả ơn thầy Khổng bằng tiền, vàng, hậu hĩ lắm. Nhờ thế, thầy Khổng bỏ am cỏ, xây phủ thờ hoành tráng, ngôi phủ có kiến trúc vừa giống miếu vừa giống chùa, phủ thờ ngụ dưới tán rừng cổ thụ, xung quanh có nhiều tháp đá cổ, con suối Thiền reo suốt ngày đêm, gió rừng xôn xao lá, sơn ca hót ríu ran, bốn mùa hoa rừng, nhất là hoa phong lan nở tràn thung lũng, sương giăng mờ ảo khiến cho phủ thờ thầy Khổng càng thêm vẻ u hoài, huyền bí. Vì thế cô Xinh với mầy người nhà hy vọng lắm. Mai sớm, cả nhà cô Xinh xe pháo, võng lọng đưa cậu Tử Pín lên núi Mã Sơn. Ôi giời, đường lên núi quanh co, rừng rậm, vách đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm, leo mãi mới tới phủ thầy Khổng. Vừa vào cửa phủ, thầy Khổng ra chào, mọi người nhìn thấy thầy Khổng dáng cao gầy, y phục và mũ giống thầy Đường Tăng, tóc dài hơi vàng, mặt to đanh, tai to, mắt to đen sâu hun hút dưới tràng mày dài cong và rậm, giọng nói âm trầm như người âm phủ, đầy vẻ bí ẩn, chỉ thế, mọi người đã tin vào sự hoàn cải sinh mệnh của thầy. Tử Pín được khiêng vào phòng con nhang, chờ. Cô Xinh vào điện thờ, ánh sáng cả trăm cây nến nhấp nhóa, cô Xinh nhìn rõ trên điện thờ lộng lẫy là tượng đức Phật ngồi tòa sen, rồi tượng Sơn thần, Thổ thần, Thủy thần, cả tượng La Hán, tượng Khổng Tử, nhiều nữa, cô biết danh những tượng ấy là do thầy Khổng tự giới thiệu lần đầu tiên cô theo bạn đi xem bói thầy Khổng, được thầy cho vào điện thờ thắp hương khấn vái Đức Phật và thần linh. Cô nhón chân đến trước điện thờ, kính cẩn dâng lên ban thờ đủ thứ hoa, quả, bánh, rượu, gà sống tơ luộc với rất nhiều tiền thật, vàng mã, tiền âm phủ. Cô thắp hương, rồi né sang bên, quì gối, chắp tay khấn vái. Thầy Khổng nhẹ chân trần bước vào chiếu hoa, đến trước điện, rút nắm hương, đốt, rồi cắm vào từng bát hương trên điện thờ, cúi đầu vái vái. Khói hương nghi ngút, thơm nồng. Thầy Khổng ra cửa phủ thỉnh chuông lớn, tiếng chuông boong boong boong vang vọng khắp núi rừng, rồi thầy quay vào điện, xắp chân bằng tròn giữa chiếu hoa, bàn tay trái nâng trước ngực, tay phải gõ mõ cốc cốc cốc, miệng lầm rầm khấn gọi vía: À ơ ơ ơi ơi ơi! Then tốc cón rủng lường, then tốc lăng rủng chỏi. Sjip cần thâng lườn sjay lườn chướng. Sjỉnh thâng tính sjam sjai, tính noọng tính tài khoăn lặp mính. Khoăn hợi mà…à lố…mính ới mà. Khoăn chang tống chang nà, khoăn nưa phạ nưa bân. Khoăn ới mà…à lố…mính ới mà. Khoăn nưa pù nưa khau, khoăn tâử đin tâử láng. Khoăn ới mà…à lố…mính ới mà. Khoăn tằng bẳng tằng boóc, khoăn co choọc tằng lườn. Khoăn ới mà…à lố…mính ới mà. Sjay còi sống khoăn mà, then còi xa khoăn téo. Khoăn ới mà…à lố…mính ới mà3…
Giọng thầy Khổng trầm trầm âm âm rỉ rả như giọng người dưới âm phủ, nghe rờn rợn. Thầy Khổng lầm rầm khấn đi khấn lại, thỉnh thoảng lại gõ chiêng pheng-pheng-pheng, những lời khấn của thầy Khổng cứ nhấn sâu vào lòng những người nhà cô Xinh đang ngồi hầu xung quanh, ai nghe cũng đau lòng, thương cảm vô hạn cái cậu Tử Pín đang thập tử nhất sinh, nằm phập phồng hơi thở ở trong buồng con nhang kia. Thầy Khổng khấn rất lâu, rồi đột nhiên bật dậy, đeo hai chùm chuông nhỏ vào hai cổ tay, rung liên hồi reng-reng-reng, nhún chân nhẩy cò cò quanh chiếu, người nghiêng ngả, đầu lắc lư, mắt nhắm nghiền, miệng khấn như hát, ới à ì a. Thầy nhảy lại gần ban thờ, rút nhanh nắm hương đương nghi ngút khói, chạy vụt vào trong phòng con nhang, khua khua nắm hương lên khắp người cậu Tử Pín, lại khấn như hát, ới à ì a. Một lúc im lặng. Mọi người cầm nến chạy vào thấy thầy Khổng nằm vật bên cậu Tử Pín, mắt nhắm, thở phì phì. Mọi người lay gọi một lúc lâu, thầy Khổng nhỏm dậy, mở mắt, hai mắt đen sâu hun hút dưới tràng mày rậm, nom hãi. Thầy Khổng hừ hừ trong miệng, vẻ mệt mỏi, lẩy bẩy đi ra, lấy trong túi vải một gói bột mịn pha loãng trong bát nước được lấy từ suối Thiền về, lại lấy một hòn đất to bằng quả ổi, đem nướng trên than lửa, cảm giác đất chín nóng rồi cũng đem hòa vào bát nước thuốc, hòa quyện sánh rồi thầy Khổng tự tay đem vào buồng, nâng đầu cậu Tử Pín dậy, cho uống. Cậu Tử Pín uống ừng ực, uống ngon lành như uống sữa. Uống hết bát nước đất đỏ ngầu, cậu Tử Pín nằm vật ra, một lúc lâu thì cậu toát mồ hôi, hé mở đôi mắt to đờ dại, ngọ nguậy chân tay, một lúc nữa thì hơi thở mạnh lên, rồi lại lịm đi. Cậu Tử Pín lịm đi một lúc thì nằm mơ, giấc mơ giống như cơn giông ập về đột ngột, gió thổi ù ù, mây đen ngùn ngụt, chớp lửa chạy loằng ngoằng khắp bầu trời, và mưa ào ào đổ. Giấc mơ đưa cậu Tử Pín trở về cuộc đi săn hôm nào. Cậu Tử Pín bắn vỡ toác ngực khỉ đen, máu phun đỏ lòm. Bọn thợ săn đã nấu cao cả hai mẹ con khỉ đen rồi cơ mà. Hi hi! Ơ mà, sao nó vẫn kia nhỉ? Khỉ đen bỗng xuất hiện, ngực vỡ toác, đỏ lỏm máu tươi, sau lưng vẫn bám chặt đứa con bé bỏng. Nhìn thấy Tử Pín, nó xông lại, hai mắt đỏ rực như lửa, tay quào quào những móng sắc, miệng thét gào: kaác-kaác- kaác- ka-a-a-ác! Tử Pín không chạy, vẻ hiên ngang, chống báng súng xuống đất, trợn mắt quát: “Mày bảo tao ác à?”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Ta bảo ngươi ác!”, Tử Pín cười cợt: “Sao mà ác?”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Ngươi giết loài khỉ là ngươi ác!”, Tử Pín cười cợt: “Mày là giống vật, nghe rõ chưa, là giống vật thì con người muốn giết lúc nào thì giết chứ!”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Ngươi giết loài vật thì ngươi sống với ai?”, Tử Pín cười cợt: “Tao sống với con người!”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Con người không chấp nhận kẻ ác như ngươi đâu!”, Tử Pín cười cợt: “Tao giết một con khỉ thì đâu có ác!”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Mà sao con người các ngươi lại đi giết khỉ chứ? Loài khỉ ta là thủy tổ của giống người đấy”, Tử Pín cười cợt: “Có mà thủy tổ cái con khỉ ấy!”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Người giết khỉ tức là giết người, nghe chưa?”, Tử Pín cười ha ha: “Thịt người mà ăn ngon như thịt khỉ thì tao cũng giết ăn, cần đếch gì chứ!”, khỉ đen nghiến hai hàm răng nhọn: “Ối, kẻ giết người! Ngươi là kẻ ác!”… Bỗng cơn giông ập xuống, phủ kín người Tử Pín, tia sét đánh ngoằng, đốt Tử Pín cháy bỏng. Tử Pín quăng súng, vùng chạy hút xuống chân núi, chạy mãi, ngoảnh lại vẫn thấy khỉ đen ngực đỏ máu, tay ôm chặt con sau lưng, miệng gào thét, chạy khật khưỡng phía sau, miệng gào thét: kaác- kaác- kaác- ka-a-a-ác… Cứu cứu! Tử Pín gào to, rồi bật dậy, ngật ngưỡng chạy ra khỏi phủ. Lạ thế chứ! Mọi người sợ hãi, chạy theo, giữ tay cậu Tử Pín nhưng cậu giằng ra, chạy tiếp, chạy ngật ngưỡng, chạy ngược con đường mòn lên suối Thiền, lên đỉnh núi Mã Sơn. Mọi người sợ hãi, chạy theo cậu lên núi, bóng cậu Tử Pín nhấp nhóa trong sương mù như bóng ma núi, một lúc thì mất hút trong rừng rậm.
HOÀNG THẾ SINH
(Còn tiếp)
—————
1 Pay pay!: Đi đi!
2 Men khửn: Nhanh lên!
3 Bài cúng “Gọi vía” của người Tày: À ơ ơ ơi ơi ơi! Then xuống trước chói lòa, then xuống sau sáng chói. Mười người đến nhà sjay nhà thánh. Thỉnh đến tính ba dây, tính em tính nâng mệnh đón vía. Vía ơi về…à ơi…mệnh ơi lại. Vía ở đồng ở ruộng, vía trên trời mây xanh. Vía ơi về…à ơi…mệnh ơi lại. Vía trên rừng trên núi, vía ở đất ở bãi. Vía ơi về…à ơi…mệnh ơi lại. Vía ở bắng cùng ống, cả tất thảy trong nhà/ Vía ơi về…à ơi…mệnh ơi lại. Thánh đã đưa vía về, then đã đón vía lại. Vía ơi về…à ơi…mệnh ơi lại…
TIN LIÊN QUAN:
>> Chúa đất miền Khau Sưa – những điều muốn nói
>> Ở “Xứ Mưa” có Hoàng Thế Sinh
>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 2
>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 3
>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 4
>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 5