Chúa đất miền Khau Sưa – Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh – Kỳ 3

Nhà văn Hoàng Thế Sinh ở Yên Bái

Vanvn- Tử Pín mải kể, lúc ngẩng lên thì không thấy Người Khổng Lồ đâu nữa. Tử Pín chợt thấy một đống tiền trước mặt, những đồng tiền vàng cứ lấp lánh lấp lánh. Tử Pín chộp lấy đống tiền, sung sướng lăn bên gốc cây nghiến cụt. Tử Pín xoài ra, va vào rễ cây nghiến, những đồng tiền văng vãi đầy xung quanh. Tử Pín vội quơ tay ôm lấy tất cả vào lòng. Tử Pín sung sướng, mơ tưởng đến ngày mai số tiền này sẽ đủ để Tử Pín về các thành phố mua nhiều biệt thự, mua xe hơi, mua gái đẹp, mua… mua…mua… ôi, sẽ mua không thiếu thứ gì nhá. Tử Pín miên man với bao dự định tuyệt vời. Một lúc, Tử Pín thấy lạnh toát vòng tay. Tử Pín mở mắt. Ôi giời! Tử Pín kêu thất thanh. Trong vòng tay của Tử Pín không phải những đồng tiền vàng lấp lánh mà là những con rắn bé li ti màu vàng chóe, mắt nhìn toé lửa. Chúng lia cái lưỡi đen dài khắp người Tử Pín, lưỡi lia đến đâu thì da thịt rộp lên đến đấy. 

>> Chúa đất miền Khau Sưa – những điều muốn nói

>> Ở “Xứ Mưa” có Hoàng Thế Sinh 

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 1

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  2

 

Chương 7

1

Ban mai.

Như là thời hồng hoang.

Miền Khau Sưa trùng trùng núi đá nhọn trôi đuểnh đoảng trong tầng tầng mây phủ. Gà rừng gáy te te là lúc mặt trời bay lên đỉnh núi ngất ngư, tỏa ánh vàng rực rỡ.

Kia là dãy Khau Sưa dáng như những con hổ chồm chồm vồ mồi giữa bồng bềnh mây trắng mây hồng – dãy núi cao nhất, hùng vĩ nhất, được người xưa chọn đặt tên cho cả miền Khau Sưa đẹp mê ly và kỳ bí. Kia là dãy Sóng Sơn nhiều ngọn như răng cưa giăng giăng mờ mịt. Kia là dãy Khau Rùng lượn sóng dập dềnh. Kia là dãy Voi Đàn dềnh dang bệ vệ. Kia là dãy Tân Lĩnh thăm thẳm lưng trời. Kia là núi Bạch Mã tung bờm gió cuốn. Kia là núi Chúa ngút xanh vời vợi. Kia là núi Cao Biền miên man tít tít. Kia là núi Nâng Côi đơn độc nghiêng mình. Chẳng rõ bao nhiêu triệu năm trước, những cuộc hỏa sơn khủng khiếp đã dâng cho miền Khau Sưa những ngọn núi đá kỳ vỹ và huyền bí. Cái đẹp Khau Sưa mắt thường nhìn thấy. Sự huyền bí Khau Sưa nằm sâu trong địa tầng mấy ai biết được? Thì đấy, những người khai thác đá quí của Công ty Đá quí & Vàng Mã Sơn cùng với mấy chục lò khai thác tư nhân đã tìm thấy ngay dưới chân các dãy núi kia bao nhiêu là đá bloc siêu trắng, đá thạch anh, đá spinel, đá topaz, đá saphie, đá ruby sao, đá ruby hồng ngọc. Năm xưa, chính công nhân Công ty Đá quí & Vàng đã khai thác tìm được một viên Ruby hồng ngọc nặng 2,1 kg và một viên Ruby sao nặng 1, 56 kg. Đó là hai viên ruby vô giá, “độc nhất vô nhị” trên thế giới, được gọi tên là “Ngôi sao Việt Nam” và trở thành bảo vật quốc gia. Thế là người bốn phương, cả người đang khai thác đá quí ở Quỳ Châu – Nghệ An, đã nườm nượp, cả trăm, cả ngàn người già trẻ gái trai, kéo về miền Khau Sưa để đào đãi đá quí, mong may mắn giầu có, đổi đời, có thể thành ông Hoàng bà Chúa. Bao nhiêu người đến miền Khau Sưa là bấy nhiêu người phải trình báo ông Sò bí thư và ông Lỉn chủ tịch, trình báo tức là phải nộp “thuế ngầm”, nhiều vô kể. Mà ông Sò và ông Lỉn lại phải trình báo, tức là “đút mồm” một người chẳng có chức sắc gì ở Khau Sưa, đấy là cậu Tử Pín. A, cậu Tử Pín, nói nghiêm túc là Vũ Tử Pín. Gọi cậu Tử Pín bởi Tử Pín có chị gái tên Vũ Kim Hy là vợ của sếp Vương – một quan chức to ở thành phố Mã Sơn, người mà một tay có thể che cả bầu trời Tây Bắc này. Sự đời đến là hay, sếp Vương cứ làm to đến đâu thì chị Kim Hy cũng làm to đến đấy, mà có khi quyền uy còn to hơn cả sếp Vương kia, bao nhiêu thuộc hạ của sếp Vương đều gọi chị Kim Hy là bà Vương, mà truyền đời ở cái nước Nam này vưỡn cứ “lệnh ông không bằng cồng bà”, chớ xem thường. Và bao nhiêu thuộc hạ của sếp Vương đều kính cẩn, thân mật gọi Vũ Tử Pín là cậu Tử Pín, hay gọi là ông cậu. Hì! Hay thế chứ lị! Từ khi anh rể Vương làm sếp to, tự nhiên cậu Tử Pín được thuộc hạ của anh rể luôn chăm bẵm, quà cáp hậu hĩnh, quà phong bì nhiều tiền đôla, nhiều triệu tiền Việt nữa. Mới rồi cậu lại bán mấy lô đất ở thành phố, bán mấy chục lạng cao gấu hổ lốn, cộng lại được mấy chục tỷ đồng. Sướng. Cậu liền gọi thợ đập bỏ ngôi nhà ba tầng vừa xây được hơn hai năm, rồi xây tắp lự ngôi nhà mới, a không, là cái dinh thự mới. Kia, dinh của cậu Tử Pín xây toàn bằng đá cẩm thạch xẻ tươi từ dãy Khau Sưa hùng vỹ. Dinh cậu Tử Pín nhiều mái – mái vòm, mái nhọn, mái cong, mái vẩy, mái cụp, mái tam giác, mái o-van, mái đơn, mái kép, mái tầng – tất cả đỏ tươi, gắn kết tài nghệ, trông xa rõ ra một bông hoa chuối rừng khổng lồ gắn khíp vào chân núi Khau Sưa. Hai bên thềm dinh đặt hai con sư tử đực to như con ngựa thật đương tung bờm, nhe hàm răng nhọn sắc, phát khiếp. Trước dinh, chiếc Camry đen bóng nhoáng mà cậu Tử Pín  mới mua, đỗ nghênh nghênh hãnh diện. Ngay cạnh dinh là một cái hồ bán nguyệt rộng, nước xanh trong lấy nguồn từ trên núi đá Khau Sưa về, có thể bơi lặn thoải mái. Quanh hồ trồng cây dương liễu, trồng liền liền cây tùng Mã-lai như những mũi tên xanh bay vút lên trời xanh, nom sướng mắt. Con đường chạy từ dinh ra quốc lộ dài hơn 1000m được thảm nhựa apphan phẳng lừ, bóng loáng. Phía sau dinh là một khu vườn rất rộng, chạy suốt vào gần chân núi Khau Sưa. Khu vườn có tường đá bloc xây bao quanh, trên là hàng rào dây thép gai. Trong vườn có ba bộ bàn đá hoa văn đẹp được mua từ bản Cao Giàng chuyên để tiếp bạn, hai bên mấy bộ bàn đá là dàn thép treo đủ loại phong lan đương xỏa nhành hoa vàng, tím, đỏ, trắng…, với hàng chục lồng chim họa mi, chim khướu, chim sáo, chim gáy, chim chào mào, chim chích chòe…, nhìn thích lắm. Thợ xây dinh thự được cậu Tử Pín thuê từ mãi Thái Bình lên. Điều đáng nói là, trước khi xây móng dinh thự, nghe dân thì thào rằng, cậu Tử Pín thuê thợ tận Đà Nẵng ra, chỉ để xây mấy đường hầm lớn ngay trong lòng dinh thự. Đường hầm xây xong, cậu Tử Pín lại thuê mấy kỹ sư tận thành phố Hồ Chí Minh ra, chuyên lắp đặt hệ thống điện gì đấy, thật hiện đại, rất bí mật. Như thế, dinh cậu Tử Pín hoành tráng và lộng lẫy còn hơn cả dinh của các sếp to ở Đồ Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Tam Đảo, chứ đùa. Dinh cậu Tử Pín cũng chẳng kém gì các lâu đài cổ phương Tây. Dinh cậu Tử Pín được một kiến trúc sư trẻ người Pháp gốc Việt thiết kế, kết hợp nhiều phong cách như Gothique, với Rôman, với Barôque, với kiến trúc Trung Hoa cổ, với kiến trúc Tày, với kiến trúc Thái, thành ra lạ, độc đáo nhất vùng Tây Bắc này. Hôm khánh thành dinh thự đẹp, cậu Tử Pín cho giăng một dải băng lớn màu đỏ ngay trước tầng hai với hàng chữ to: Khánh thành dinh Vũ Tử Pín. Thế nên từ đấy, ai cũng gọi dinh cậu Tử Pín, chứ không ai gọi là nhà cậu Tử Pín. Vui nhất là, cậu Tử Pín giăng nhiều dây pháo cối lẫn pháo tép từ nóc dinh xuống tận sân, đốt lúc một giờ sáng – một dây, đốt lúc năm giờ sáng – hai dây, đốt lúc mười một giờ trưa, khi đón khách mừng tân dinh – ba dây. Ôi giời, pháo nổ giòn giã, vang động cả miền núi Khau Sưa, đến hổ, báo, hươu, nai, chồn, cáo, chim chóc cũng phải nghển cổ lên mà nghe, khiếp vía. Dân miền Khau Sưa được một phen rạo rực, mất ngủ, thao thức, ngán ngẩm. Trưa, mấy trăm thực khách đến ăn mừng tân dinh cậu Tử Pín. Cỗ làm từ bò, dê và gà. Nhiều món ngon. Gà luộc. Thịt bắp nướng. Chân giò hầm măng. Thịt luộc. Bít tết. Xào xả ớt. Tái lăn. Dạ xách xào. Tim gan tần ngải cứu. Dò bò. Nậm pịa dê. Xôi ngũ sắc. Rau cải mèo luộc. Nộm hoa chuối. Rượu nếp Tu Lê. Khách nâng rượu mời à ới. Gắp liền liền. Rót liền liền. Biêng biêng. Nghiêng ngả. Rì rầm chuyện. Thì thào chuyện. Ầm ào chuyện. Khen cậu Tử Pín hết nhẽ. Cậu Tử Pín oai vì có anh rể Vương làm quan chức to. Cậu Tử Pín có chị Kim Hy xinh đẹp lấy sếp Vương, nhà giầu nứt đố đổ vách nhé. Cậu Tử Pín có vợ xinh đẹp, cô Xinh đấy, cô sống phóng khoáng, tiêu tiền như nước chảy. Cậu Tử Pín giỏi. Cậu Tử Pín tài. Cậu Tử Pín tinh khôn. Cậu Tử Pín có tình. Cậu Tử Pín giầu. Cứ ríu ríu vui. Ô, mà vui thế này, ngon thế này thì cậu Tử Pín ơi, cứ đốt pháo nữa đi cho âm vang rộn rã núi rừng Khau Sưa, cóc sợ ai cấm, cho may mắn oai phong cái đời người, thế thì cậu Tử Pín cứ xây thêm vài dinh thự nữa cho lẫy lừng cả cái miền Khau Sưa vốn khỉ ho cò gáy này, cho sướng mười đời nhà cậu nhé. Ríu ríu mời. Chạm chén với cậu chủ. Khách nào cũng muốn cậu Tử Pín rõ mặt, cầu thân mà. Thế thì mời cậu. Em mời cậu. Cháu mời cậu. Tôi mời cậu. Mời cậu chén này. Mời cậu chén nữa. Cuộc vui kéo dài từ trưa sang nửa chiều. Khách ríu nhau về, giăng giăng hàng, biêng biêng, nghiêng ngả, bước nối bước xiêu xiêu chuểnh choảng như đàn mối đàn kiến no mồi trên nương lúa, nương ngô, kéo nhau về tổ.

Sướng!

Cậu Tử Pín vui thật là vui, hơi quá chén, mặt đỏ phừng phừng, miệng nhệu nhạo hát những câu hát cậu thường hát lúc vui: Rừng với rừng hoa với chim ca vui tưng bừng/ Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh/ Bên nhau cùng sống vui êm đềm bên núi rừng/… Hát xong, cậu ngủ một giấc dài đến tận nửa đêm. Tỉnh dậy, cậu rót một cốc đầy nước trắng, ực một hơi, mát ruột quá. Ô, mà sao căn phòng rộng thế, cậu bỗng thấy chống chếnh làm sao. Hơn chục phòng lộng lẫy màn che trướng rủ, gấm vóc lụa là, nào ti-vi, tủ lạnh, vi tính, sa-lon, mo-dec, tranh nghệ thuật khảm đá quí treo tường: Mã đáo thành công, Napôneeon cưỡi ngựa chiến, Người đàn bà xa lạ, Sen tây hồ, Thiếu nữ ngủ trong rừng, Leda và Thiên nga, Maja khỏa thân…, tất cả đều rất đẹp và sang trọng. Tầng một. Tầng hai. Tầng ba. Vợ Lê Thúy Xinh một phòng. Chồng Vũ Tử Pín một phòng. Con gái Vũ Nữ Ly Ly một phòng. Con gái Vũ Nữ Phăng Phăng một phòng. Con trai By tức Vũ Tử Nhiên một phòng. Phòng khách có dàn hát karaoke, có tủ bia, tủ bánh kẹo, tủ lạnh để hoa quả, nước ngọt. Phòng ăn rộng rênh, có tủ chứa đầy các loại rượu ngoại quí Hennessy, Martell, SWing, Bacrdi, Chivas Regal, Cognac, Boxdeaux, Ballantines, có chai Remy Martin to như quả đại pháo cối ngự trên giá đỡ, còn hàng loạt vò, bình, chum rượu ngâm tay gấu, dương nhi, mật gấu, sâu chít, một trăm cái gai, cẩu ngọc dương, tam thất, quả sơn tra, thuốc bắc, ý dĩ, quả thuốc phiện, chim sẻ, hoa bìm bìm, khiếp nhất là bình rượu ngâm con hổ mang chúa vàng chóe có cái đầu bành bành nhọn như mũi tên. Mấy phòng như phòng khách sạn dành cho người thân đến chơi, ngủ qua đêm. Ô, dinh thự rộng rênh. Ô, chống chếnh làm sao! Đương đêm, cậu gọi cô Xinh ra phòng khách. Cậu bàn với cô Xinh – người vợ yêu quí rằng, nhà mình thuộc hàng quí tộc rồi, phải tỏ rõ đấng bậc quí tộc chứ, thì phải có ôsin, có vệ sỹ, có quản gia. Cô Xinh nghe chồng nói, mủm mỉm cười, gật đầu. Hôm sau, Tử Pín tự lái Camry đến gặp Giám đốc Trung tâm đào đạo vệ sỹ Lâm Sung, nhờ trợ giúp chuyên môn, tuyển được hai vệ sỹ là Tào Rô và Khúc Văn Báo. Vệ sỹ Rô cao to, mặt tròn, mắt sáng, tóc cắt bốc, vẻ lì lợm. Vệ sỹ Báo dỏng cao, mặt vuông, hàm bạnh, mắt sắc lạnh, tay dài, tóc cắt tỉa gọn gàng. Tìm hiểu qua hồ sơ và nghe giám đốc giới thiệu về thành tích đào tạo và huấn luyện, Tử Pín rất hài lòng về hai vệ sỹ này. Còn quản gia thì Tử Pín chọn ngay Đào Dã Miêu đương làm Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của Trung tâm kiểm định Thạch Thổ do chính Tử Pín làm giám đốc. Tử Pín chọn Dã Miêu vì anh ta rất giỏi tiếng Anh, thạo tiếng Trung Quốc, đều có bằng đỏ, lại biết tiếng Tày, và có bằng đại học chuyên ngành quản trị-kinh doanh, cũng bằng đỏ. Dã Miêu người nhỏ nhắn, hơi gù gù, đầu ít tóc mà lúc nào cũng chải mượt, ria mép dài sợi đen lẫn sợi vàng, nom buồn cười, tai to, miệng rộng, răng sít, chỉ tội lúc nào cũng lấp lánh cái kính cận lồi như đít chai đến năm đi-ốp nhưng được cái rất thông minh. Một chiều thứ sáu, sau công việc cơ quan, Tử Pín mời Dã Miêu ra quán bia Ong Vàng bên hồ Bạch Thủy. Mở chai Heleiken, rót đầy hai cốc, Tử Pín vẻ trầm ngâm một lúc, nói nhỏ:

– Tôi muốn ông làm quản gia cho tôi, được không?

– Vâng! – Dã Miêu ngước kính cận nhìn giám đốc Tử Pín, thành thật – Tôi chiều theo ý cậu, nhưng còn công việc ở cơ quan?

– Công việc cơ quan rất cần đến năng lực và trình độ của ông, không thể bỏ được. Mà việc của riêng tôi cũng rất cần đến ông. Tôi nghĩ mãi rồi. Ông cứ làm cả hai nơi, đừng nói gì với ai, ông hưởng hai suất lương. Tôi trả lương quản gia cao hơn lương tháng ở cơ quan, được chứ?

– Vâng, cậu đã quyết thế thì tôi xin nghe theo, chỉ có điều… – Dã Miêu ngập ngừng.

– Tôi biết mà, ông cần có phương tiện nhanh và thuận tiện cho cả việc công lẫn việc tư, thì đấy, chiếc Camry của tôi cũng là của ông, được chứ?

– Vâng, cậu đã quyết là được thôi!

– Ông biết tôi có bao nhiêu tiền không?

– Dạ… – Dã Miêu ngẫm nghĩ, lựa lời – Cậu có rất nhiều tiền!

– Ông giỏi lắm!

– Cảm ơn cậu có lời khen!

– Ông Miêu ơi! Gia cảnh nhà tôi thế nào, ông biết rồi đấy. – Tử Pín ra giọng tâm sự – Có điều, cô Xinh vợ tôi ấy, nó mải chơi lắm, quanh năm theo chị Kim Hy hết đi lễ đền chùa khắp nơi, lại đi chơi biển, chơi núi, du lịch khắp Malaysia, Inđônêsia, Thái Lan, Hồng Kông, Singapo, Trung Quốc, Nga, thấy bảo nay mai sẽ sang Canađa, Pháp, Mỹ nữa, khiếp lắm, tiêu tốn của tôi bao nhiêu là tiền, chiều vợ mãi thành quen thói rồi, biết làm sao, mà cô ấy lại cậy có chị Kim Hy cũng yêu chiều nên làm già, khổ lắm. Bây giờ tôi cần kiếm tiền, thật nhiều tiền, phải sánh vai với các đại gia và các sếp bề trên, cũng là để một phần chiều theo ý thích của cái của nợ ấy, cho yên bề gia thất. Mà thật ra, nhiều vụ làm ăn của tôi cũng nhờ cái mẽ xinh tươi và dẻo mỏ của cô ấy với chị gái Kim Hy mới thành công đấy. Vợ tôi nó thế, làm sao quản được cái nhà này. Thôi thì, trăm sự nhờ ông, quản gia tốt thì ông có phần xứng đáng.

– Cậu lại nói đến phần xứng đáng, ngại quá!

Thì người xưa bảo “gái có công, chồng chẳng phụ”, đúng không nào? Tính tình tôi thế nào, ông biết rõ mà.

– Vâng, tôi hiểu cậu!

– Ông có cần đặt điều kiện gì nữa không?

– Không đâu! Tôi làm theo ý cậu thôi.

– Tôi ấp ủ khát vọng với nhiều đự định cho tương lai. Tôi sẽ thực hiện nhiều dự án, nhiều công trình lớn, có thể làm thay đổi cả cái miền Khau Sưa khỉ ho cò gáy này. Tôi rất cần đến tài ngoại giao và tài tính toán của ông.

– Vâng, cậu cứ thực hiện những dự định, những khát vọng của mình. Cậu làm ra nhiều tiền thì tôi cũng có phần, ơn cậu lắm.

– Ơn huệ gì, tiền bạc phân minh, sòng phẳng mới bền lâu được.

– À mà… cái phần trăm những công trình… – Dã Miêu ngập ngừng.

– Tôi hiểu mà! Ông sẽ có phần trăm xứng đáng, cố mà trổ hết tài năng nhé!

– Vâng! – Dã Miêu cười hì hì – Cậu cứ cho tôi chừng 0,1% toàn bộ công trình là được rồi!

– Ông khiếp thật đấy! – Tử Pín nhìn Miêu chằm chằm, nghĩ, rồi cao giọng – Chỉ 0,1% cái công trình trăm tỷ, nghìn tỷ thì ông có bao nhiêu tiền nhỉ? Ông khiếp thật đấy! Bái phục! Bái phục!

– Cảm ơn cậu đã hiểu cho cái thân phận làm thuê!

– Ồ, làm thuê được như ông thì đã mấy ai? Không sao! Từ nay ông chính thức là quản gia Miêu. Điều tôi cần ở ông là sự tuyệt đối trung thành, trung thực và tận tụy hết lòng.

– Vâng! Tôi cũng cần ở cậu sự cảm thông và tin tưởng.                   

Vâng, quản gia Miêu! Quản gia Miêu nhìn cậu Tử Pín với ánh mắt của kẻ biết ơn. Ô, mặt cậu Tử Pín rất lạ, quản gia Miêu vốn hiểu biết khá kỹ về nhân dạng – thầm nghĩ, ở cùng Trung tâm kiểm định Thạch Thổ với nhau mấy năm mà mãi bây giờ quản gia Miêu mới nhìn kỹ mặt cậu Tử Pín. Cậu có bộ mặt to bè, tai to, ừ, tai to mặt lớn là tướng làm quan đấy, nhưng khiếp nhất là đôi mắt, đôi mắt nhỏ, lạnh và lăn tăn như mắt rắn, có góc cạnh, lại có cái nốt ruồi lông trên mi mắt phải kia nữa, theo Khoa học nhân dạng là nốt ruồi số Bảy, ôi giời, cả hai dấu tướng này đều không tốt cho cậu Tử Pín, mà cũng là mối nguy cho những ai gần gũi với cậu, luôn phải cảnh giác. Chia tay cậu chủ Tử Pín, về nhà, quản gia Miêu nằm vật ra giường, nghĩ miên man, hay là, hay là thôi, không nhận làm quản gia cho cậu Tử Pín nữa, khiếp lắm, nhưng mà… từ nay mình đã nhận làm  quản gia cho cậu Tử Pín rồi, gay quá, biết làm sao bây giờ, a, phải rồi, với những người như cậu Tử Pín, ta cũng phải có sẵn mưu kế để phòng khi thất cơ lơ vận, mà gì nhỉ, ừ ừ, nhà cậu Tử Pín có thằng By lai rất lạ, nó là con nuôi của cậu Tử Pín thì đã rõ, nhưng cha nó là ai, mẹ nó là ai, thì còn là một bí mật, rất bí mật, ta phải truy tìm cho ra tung tích cha mẹ thằng By lai, đấy là “gót Asin” của cậu Tử Pín, ta sẽ nắm lấy cái “gót Asin” ấy mà… mà… cái gót “Asin”… thằng By lai…, nghĩ ra mưu kế, quản gia Miêu vùng dậy, bấm iPhone cho thám tử Ting: “Alô! Thám tử Ting à?”, đầu sóng bên kia: “Tôi đây! Sếp có việc cho tôi phải không?”, quản gia Miêu nói thẳng chuyện: “Thằng By lai là con nuôi cậu Tử Pín. Ông điều tra xem cha mẹ thằng By lai là ai? Việc rất quan trọng đấy, xin ông giữ bí mật, tôi trả công ông xứng đáng, nhé.”, đầu sóng bên kia: “Ok!”, quản gia Miêu tắt iPhone, đi chân trần trong phòng, đầu óc mơ màng, bật laptop, tìm ảnh thằng By lai, chỉ ngón tay vào mặt thằng By lai ngây thơ  đang cười tươi, lẩm bẩm, thằng By lai kia, cha mày là ai, mẹ mày là ai, hử hử?

2

Nhờ có anh rể Vương làm sếp to trên thành phố Mã Sơn quan tâm, Vũ Tử Pín được đề bạt giữ chức Giám đốc Trung tâm kiểm định Thạch Thổ – một cơ quan mới toe, do lãnh đạo thành phố Mã Sơn chợt nghĩ ra, với nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chuyên kiểm định và cấp phép cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng đất để xây dựng, khai mỏ, sản xuất, nghĩa là tất tần tật những gì liên quan đến đất đá đều phải qua Trung tâm kiểm định Thạch Thổ. Là một trung tâm kiểu như Trung tâm khuyến nông, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm đào tạo vệ sỹ, Trung tâm văn hóa…, nhưng thực chất quyền hạn của Trung tâm kiểm định Thạch Thổ còn lớn hơn cả Sở Tài nguyên&Môi trường thành phố. Chính cái trung tâm này đã đưa cậu Tử Pín lên vị thế quan trọng và đầy quyền uy. Là cán bộ có chức tước đoàng hoàng nên Tử Pín tháo vòng bạc ở cổ cất đi, tháo cái mấm bạc tai trái cất đi, chỉ còn cái vòng bạc đeo ở cổ chân phải thôi. Có quyền rồi, Tử Pín nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà máy thủy điện ở chỗ hồ Hoang Thủy. Ờ, lấy tên là Công trình Thủy lợi – Thủy điện Hoang Thủy, được lắm. Và để che mắt dân, chủ dự án công trình là do Công ty Điện lực Mã Sơn đảm nhiệm. Lãnh đạo Khau Sưa và lãnh đạo thành phố đã đồng ý, nhân dân Cò Nòi đã ủng hộ, phải thực hiện ngay thôi. Nghĩ là làm. Tử Pín giao cho quản gia Miêu về Hà Nội gặp các kiến trúc sư và  kỹ sư giỏi ở Viện thiết kế công trình Núi Non, thuê trọn gói làm Dự án Thủy lợi – Thủy điện Hoang Thủy. Các kỹ sư giỏi từ Hà Nội lên Cò Nòi, trực tiếp khảo sát thổ nhưỡng, nguồn sinh thủy, khí hậu, nước suối Leo, suối Be, núi Chúa, rừng Cò Nòi, độ cao, lượng mưa, vv. Xong. Mấy tháng sau, quản gia Miêu đem bản thiết kế thủy lợi – thủy điện Hoang Thủy từ Viện thiết kế công trình Núi Non về, trải bản thiết kế ra bàn, đưa ngón tay gầy guộc chỉ chỗ này chỗ kia, thuyết minh cho cậu Tử Pín nghe. Chẳng biết cậu Tử Pín có hiểu không nhưng thấy cứ gật đầu liền liền. Thuyết minh xong, quản gia Miêu đứng tần ngần.

– Sao? – Tử Pín hỏi.

– Công trình tốn kém lắm, cậu ơi! – Quản gia Miêu nhìn Tử Pín, vẻ ái ngại.

– Tốn kém lắm à? – Tử Pín ngập ngừng – Nhưng mà cái thủy điện Hoang Thủy cho bao nhiêu me-ga-oát, hử?

– Chừng tám mươi “mê”!

– Ừ, mà hết bao nhiêu tiền?

– Hàng mấy ngàn tỷ, cậu ơi!

– Mấy ngàn tỷ đồng?

– Vâng!

– Cái Hoang Thủy lớn thế à? – Tử Pín nghe ù cả tai, phải hỏi lại cho rõ.

– Vâng! Lớn!

– Hàng mấy nghìn tỷ, mà cụ thể là bao nhiêu chứ?

– Gần hai ngàn năm trăm tỷ.

– Ôi, khiếp! – Tử Pín bặm môi.

– Vâng! Tôi nghĩ nó vượt quá khả năng của cậu!

– Ờ, mà này… – Tử Pín ngập ngừng, miệng lẩm bẩm – Gần 2.500 tỷ đồng cơ à? Sao nhiều tiền thế nhỉ? À mà, ông Miêu này, ta có thể vay ngân hàng, rồi huy động vốn từ anh em bạn bè, các sếp, các đại gia nữa chứ?… Hay là…

– Cậu khiếp chưa? – Quản gia Miêu nhấn nhá từng lời – Nhưng cậu ơi, người ta nói “không có gì là không thể”? Cậu nghĩ đến việc huy động vốn là được rồi, nhưng còn chỗ chẳng cần huy động cũng có thể có cả nghìn tỷ đấy.

– Cả nghìn tỷ hả?

Tử Pín tròn mắt nhìn Miêu. Ở đâu nhiều tiền thế? Quản gia Miêu nhìn mặt cậu chủ có vẻ sốt ruột lắm, liền ghé sát tai thì thầm. Thì cậu cứ thử xem. Một tối nào đó, cậu đưa thằng By lai đến nhà anh rể Vương chơi, nhân thể, giả vờ phàn nàn kêu ca chót làm dự án cái thủy điện Hoang Thủy…, thiếu vốn. Thế là, cậu sẽ có ngay chẳng nghìn tỷ thì cũng vài trăm tỷ. Nhưng cậu phải nhớ đưa thằng By lai cùng đi, và không được nói là thằng “By lai”, nếu không thì cậu chẳng có xu nào đâu!… Sao thế hả? Tử Pín nghe mà chẳng hiểu ra làm sao, cứ tròn mắt nhìn Miêu. Tử Pín nghĩ thầm, hay là thằng By lai có quan hệ gì với anh rể Vương nhỉ? Ờ, nhìn nó cứ ngờ ngợ? Gương mặt nó? Đôi mắt nó? Cái miệng nó? Tóc tai nó? Giống giống là? Hay là? Mày là thằng nào hả By lai? Hừ, cái lão Miêu này lắm mưu nhiều kế, chắc lại nghĩ ra cái trò gì hay đây? Mặc kệ, mình cứ làm theo ý hắn, miễn là có nhiều tiền. By lai hay không By lai cũng chẳng cơn cớ gì, miễn là có nhiều tiền… Thấy mặt cậu chủ đần ra, quản gia Miêu hiểu ngay tâm trạng của cậu chủ, lại thì thầm to nhỏ. Cậu biết đấy, lần nào tôi đến nhà sếp Vương cũng được sếp tiếp đón thân tình, rồi hỏi thăm chuyện nhà cậu, nhất là thằng By, sếp hỏi cặn kẽ lắm, nào là nó ăn có ngon không, nó thích ăn gì, nó thích mặc quần áo màu gì, nó ngủ có ngon không, nó ngủ một mình hay ngủ với ai, nó thích chơi gì, nó học có giỏi thật không, nó thích học môn gì nhất, nó có đòi đi chơi thành phố hay công viên không, nó có tình cảm thân thiết với bố mẹ và anh chị em trong nhà không, nó có hay buồn không, hì hì, bao nhiêu điều sếp Vương hỏi về thằng By, nghe có vẻ quý thằng By còn hơn cả vàng bạc, châu báu nhé… Nghe quản gia Miêu nói, Tử Pín đâm chạnh lòng. Sao thằng By lại được anh rể quan tâm thế nhỉ? Sao không thấy hỏi gì về con gái Ly Ly, con gái Phăng Phăng của mình? Thôi kệ! A hà! Ta sẽ đưa thằng By đến thăm anh rể Vương ngay tối mai. Ta phải tâng cái thằng By lai, à quên, cái thằng By yêu quí  trước mặt anh rể Vương, tâng cao lên. A, cái thằng By này hay ăn chóng lớn, chẳng biết nó giống ai mà càng lớn càng đẹp trai, ngoan lắm, thông minh lắm, học môn nào cũng giỏi, nhất là môn tiếng Anh, mai đây nó nối dõi tông đường dòng họ Vũ Tử là chỉ có nhất thôi đấy. Anh rể thấy thằng bé thế nào? Nó thật đang yêu, đang quý, phải không? Ai dà! Nghe thế, anh rể Vương chắc sẽ ngầm sung sướng, hay ngầm buồn nhỉ?… Quản gia Miêu nhìn vẻ mặt thộn ra của cậu chủ mà thương. Có chuyện này, cậu chủ chưa biết đâu, quản gia Miêu thầm nghĩ, cứ để cậu ngờ ngợ một chút, cứ để sếp Vương lo lo một chút, mới hay chứ. Chuyện là, từ lúc Miêu đến nhà cậu chủ, nhìn thằng By lai, Miêu đã ngờ ngợ, liền đi thuê thám tử Ting ngầm điều tra tung tích thằng By lai. Té ra, thằng By lai, tức Vũ Tử Nhiên, không phải do bà Na và cô Xinh nhận của một người phụ nữ chửa hoang mà là do chị Kim Hy đem từ đâu về, nhờ mẹ Na và cô Xinh nuôi, có kèm theo một bọc tiền to và pho tượng Đức Phật bằng đồng đen, vừa hay, thằng bé cùng tuổi với con Phăng Phăng, con gái thứ hai của cậu Tử Pín và cô Xinh. Mà chị Kim Hy lại là vợ của sếp Vương. Vậy thằng By lai là con của ai? Bí mật là ở đây! Bí mật này chỉ chị Kim Hy và bà Na biết, thám tử Ting và Miêu do điều tra riêng, cũng biết, chỉ vợ chồng Tử Pín, cô Xinh là không biết. Chuyện cấm có được lộ ra. Rất bí mật đấy!… Thấy quản gia Miêu ngồi im lặng, vẻ như đang nghĩ suy gì nung nấu lắm, Tử Pín sốt ruột hỏi:

– Ông nói cái chuyện thằng By lai, à quên, thằng By, chắc có tiền chứ?

– Tôi bảo đảm chắc chắn cậu sẽ có rất nhiều tiền! – Quản gia Miêu nghênh kính trắng.

– Ờ, tôi sẽ có rất nhiều tiền! – Tử Pín nhìn thẳng mặt Miêu, nhướng mày, đưa bàn tay phải vỗ bộp vào ngực, to giọng – Tôi có rất nhiều tiền thì nếu muốn, tôi có thể mua cả núi Chúa, mua hết núi rừng miền Khau Sưa này, mua cả mấy cái phố to ở thành phố Mã Sơn kia, chứ cái thủy điện Hoang Thủy chẳng là gì!

– Vâng, cậu có thể, nhưng còn dân bản Cò Nòi, liệu họ có bán đất, bán rừng, bán hồ Hoang Thủy cho cậu không? – Quản gia Miêu thực sự lo ngại cho cậu Tử Pín.

– Ồ, dân bản Cò Nòi hả?

Tử Pín im lặng, mặt sắt nặng trịch, đầu lắc lắc như thể đang muốn lay động những ý nghĩ trong đầu. Dân bản Cò Nòi hả? Dân hả? Dân là ai thế? Tử Pín thầm nghĩ. Thì xưa nay ta từng nghe rất nhiều về dân rồi, còn lạ gì chứ? Ờ, dân là gốc đấy, này quân đội nhân dân, công an nhân dân, hiệu sách nhân dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, vì nhân dân phục vụ, nhà nước của dân, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, chở thuyền lật thuyền cũng là dân, ai dà, dân nghe mà sướng. Bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân vinh quang! Nhân dân ơ-ơ-ơi! Tử Pín đây định làm cái thủy lợi – thủy điện Hoang Thủy cũng là vì nhân dân bản Cò Nòi với nhân dân bản Nà Lai đấy chứ. Nhân dân hai bản sẽ được lợi lộc nhiều đấy. Ta biết mà, nhân dân cũng là con người, mà con người thì ai cũng thích được nịnh, ai chẳng muốn có quyền, có nhiều tiền, muốn sống giầu sang, sung sướng. Tử Pín đây sẽ mua đất, mua rừng, mua hồ Hoang Thủy của nhân dân, sẽ trả nhiều tiền, tiền tươi thóc thật đấy, sòng phẳng nhé. Nhân dân chẳng chê tiền bao giờ! Nhân dân cũng cần có nhiều tiền, chứ không à! Ông quản gia Miêu thông minh mà cũng ngờ nghệch ơi! Ta với chủ tịch Lỉn đã gặp nhân dân Cò Nòi rồi. Nhân dân nghe ta nói sẽ mua bán sòng phẳng, bằng tiền tươi thóc thật, giá cao, là nhân dân sướng, đồng ý ngay, có mua cả trời với giá cao thì nhân dân cũng bán, chứ chẳng đùa đâu. Dân biết. Dân bàn. Dân làm. Dân kiểm tra. Hay thế chứ. Nhân dân muôn năm!

Tử Pín nhếch mép.

Quản gia Miêu thấy cậu chủ có vẻ vui, cũng vênh râu, cười.

Về nhà, Tử Pín Tử Pín ngả nằm trên salon phòng khách, khoan khoái chìm vào giấc ngủ. Một lúc, Tử Pín ngủ mơ, thấy mình đang cưỡi mây giống như Tôn Ngộ Không bay vút lên núi Chúa, bay quanh một vòng rồi sà xuống bản Nà Lai, rồi bay sang bản Cò Nòi, lại bay lên suối Leo. Ô, nhà máy thủy điện Hoang Thủy đã xây xong rồi kia, hoành tráng quá, đẹp quá. Hồ nước mênh mông, long lanh sóng biếc. Ánh điện lung linh như những vì sao. Tử Pín bay hút xuống tận chân đập, rồi bay vòng lên nhà máy, vào xem mấy cái tua-bin đang quay tít. Ai dà! Tua-bin quay như cối xay lúa. Tua-bin xay nước trắng nước trong, mà đổ xuống chân đập toàn tiền là tiền. Thật là kỳ diệu! Tử Pín nhảy xuống đập, vơ vào vòng tay bao nhiêu là tiền – tiền Việt, tiền đôla, nhiều không kể xiết. Cả mấy cái tua-bin xay tiền đổ lên đầu Tử Pín. Ngộp ngoạp trong đống tiền, Tử Pín kêu to: Tiền ơi! Tiền của ta ơ-ơ-ơ-ơi! Ta giầu to rồi! Ta sung sướng rồi! Ta sắp làm vua miền Khau Sưa rồi! Sung sướng quá, Tử Pín nhảy cẫng lên, tung chân đạp mạnh… choang… chân Tử Pín đạp tung bộ ấm chén trên bàn. Ôsin Mê hốt hoảng chạy vào, lay lay cậu chủ.

– Gì thế? – Tử Pín nhỏm dậy, ngơ ngác.

– Cậu ngủ mơ gì mà khiếp thế?

– Ô ô, đâu rồi?

– Cậu bảo cái gì đâu rồi?

– Tiền của tôi?

– Tiền nào của cậu?

– Tiền thủy điện… tiền Hoang Thủy… điện…

Tử Pín nghênh cái mặt phèn phẹt, ngơ ngác nhìn quanh.

Ôsin Mê lẩm bẩm…, người đâu mà chỉ tiền!

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Chương 8

 

Quản gia Miêu lái chiếc LanD CRUISE đưa cậu Tử Pín xuống thành phố Mã Sơn. Xe chạy lướt qua Khách sạn Tang Bồng – khách sạn lớn nhất thành phố, cao 13 tầng, thuộc Tổng công ty A&E bị bỏ hoang nhiều năm do làm ăn thua lỗ, đã bán lại cho cậu Tử Pín với giá một trăm tỷ đồng Việt Nam, cậu Tử Pín mua rồi nhưng vẫn chưa tiếp tục hoàn thiện. Còn kia, Siêu thị Acalon là siêu thị ô tô và xe máy, siêu thị được biến tướng từ một cơ quan dân sự nhà nước, do khéo đấu thầu, thực ra là “thông thầu”, mà cậu Tử Pín mua đứt để sửa chữa thành nơi kinh doanh, đấy, ô tô đủ loại Mazda, Toyota Vios, Camry, BMW, Nissan, LanD CRUISE, Lexux, Moning, MITSUBISHI, Carmuri, Toyota Crolla, OPTIMA, Ford, Merceder BenZ…, xe điện, xe máy đủ loại của Ý, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…, thỏa chí các thượng đế chọn. Lướt qua tí cho cậu chủ đỡ nhớ nơi cất tiền, nơi đẻ tiền, rồi quanh lại Khách sạn Hoa Ban Tím. Cậu chủ xuống xe, cái dáng to đậm, quần bò, áo sơ mi kẻ ka-rô, với kính mát màu hồng, tóc cắt gọn, bước đi nhanh nhẹn, khiến cậu trẻ trung và đáng yêu lắm. Cậu chủ bước vào khách sạn, qua lễ tân, các em người Kinh, người Thái, người Mông, người Tày trẻ xinh, chân dài, mắt xanh, mỏ đỏ, áo ngắn hở rốn nún nún tròn, váy ngắn khoe đùi lẳn lẳn trắng, tất thảy cúi đầu chào cậu chủ đáng kính. Vào phòng khách, cậu Tử Pín ngồi bệ vệ salon mút đỏ, em chân dài bưng cốc cà phê mời cậu chủ. Cô Huyền người Hưng Yên em họ cậu chủ, cô đã trung tuổi nhưng cũng mắt xanh, mỏ đỏ, áo sơ mi tím hoa cà, quần lĩnh đen nuột nà, tóc sấy quăn, gương mặt tròn tươi, mắt to tròn, miệng mím mím, có duyên, là quản lí khách sạn, ra báo cáo nhanh tình hình kinh doanh, chẳng biết cậu chủ có nghe không mà mắt nhìn lơ đãng lên cái đèn chùm lung linh, đầu thì cứ gật gật đều, cô Huyền giọng ngọt ngào, báo cáo cậu chủ, các em trẻ xinh, ngoan, tươi tắn, niềm nở, phục vụ tốt, lương nhận đủ – được; khách nghỉ luôn tăng – được; ăn bufe thoải mái – được; nhiều hội nghị và đám cưới được phục vụ ăn uống tốt – được; doanh thu…, bất ngờ cậu Tử Pín phảy tay, thôi được rồi, tôi bận nhiều việc lắm, có gì thì cô báo cáo với quản gia Miêu, tôi nghe sau nhé. Cậu chủ uể oải đứng dậy. Cô Huyền cúi đầu, giọng ngọt ngào: Thưa cậu chủ, mời cậu chủ lên lầu nghỉ, cho các em hầu hạ tí! Nghe cô Huyền mời, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cậu chủ cứ giật giật. Ngần ngừ một lúc, cậu chủ phảy tay, cảm ơn, tôi phải đi, có việc. Cậu chủ sang Siêu thị Thời trang Hoàn Mỹ. Cậu đi lướt từ tầng dưới lên, la liệt thời trang thể thao, thời trang phụ nữ, trẻ em, thanh niên, đủ loại giày dép, mũ, ví, dây lưng, áo phông, quần bò, veston, badxuy, soóc, coóc-sê ơi là coóc-sê, váy ơi là váy, đầm ơi là đầm, váy Denim, váy Ren, váy Yếm xinh, váy Chữ A, đầm Ma-xi, đầm hai lớp sách điện An Thủy, đầm Body, đầm TN588, đầm Eden D182H, đầm Suông, nhiều nữa. Tầng hai miên man mỹ phẩm, nào kem dưỡng da, kem dưỡng tóc, sơn móng tay xanh-đỏ-tím-vàng-đen-nâu, nào mi giả, nốt ruồi giả, tóc giả, râu giả, mông giả, vú giả, nào phấn và son môi xanh-đỏ-tím-vàng-nâu-đen, bút kẻ, nước hoa của Italy, Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Anh, nhiều nữa. Tầng ba lấp lánh thời trang vàng, bạc, đá quí, nào dây chuyền vàng, dây chuyền bạc, vòng vàng, vòng bạc, vòng bạch kim, lập lắc vàng, lập lắc bạc, mấm tai vàng, mấm tai bạc, hoa tai vàng, hoa tai bạc, nhẫn vàng, nhẫn bạc, nhẫn ruby, nhẫn saphia, vòng thạch anh tím, vòng topaz, vòng opan, nhiều nữa. Ngó một lúc, cậu chủ xuống tầng, bước nhanh ra xe. Quản gia Miêu nhấn ga, đưa cậu chủ về trụ sở Khau Sưa. Chiếc LanD CRUISER đỗ xịch ven đường khiến cho một đám bụi đỏ cuộn mù lên. Một lúc, gió cuốn bụi bay hết, không gian trở lại trong lành. Tử Pín mở cửa xe, nhẹ nhàng bước xuống. Mọi người xúm lại đón. Bí thư Sò cùng với chủ tịch Lỉn gạt mọi người, vào bắt tay Tử Pín. Bí thư Sò cười hỉ hả, thưa:

– Báo cáo cậu Tử Pín! Đường từ đây vào trụ sở của chúng em chưa làm được tốt. Mong ông cậu thông cảm!

– Vâng, mong ông cậu thông cảm! – Chủ tịch Lỉn nói theo – Miền Khau Sưa chúng em cũng chưa giúp được gì cho dân, khổ thế.

– Các ông cứ yên tâm! – Tử Pín ngước nhìn lên ngọn núi Chúa cao vời, nói dõng dạc – Các ông cứ bảo vệ rừng, trồng rừng cho tốt. Tôi sẽ bảo với bên giao thông có kế hoạch làm đường cho Khau Sưa, vào mùa khô tới, có thể mở đường lên tận bản Tà Lưa của người Mông kia nữa.

– Cảm ơn ông cậu nhiều lắm! – Bí thư Sò mềm giọng.

– Vâng, chúng em cảm ơn ông cậu nhiều lắm! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

Tử Pín khẽ ừ hừ, sải dài bước chân, ái ngại nhìn một loạt cờ đỏ đuôi nheo cắm hai bên đường cùng với mấy băng khẩu hiệu treo suốt từ ngoài đường vào tận trụ sở: Nhiệt liệt chào mừng cậu Tử Pín đến thăm nhân dân và làm việc tại Khau Sưa. Tử Pín thấy phấn chấn nhưng trách:

– Ồi, anh em với nhau! – Tử Pín xưng hô thân mật – Anh em với nhau mà các ông làm rùm beng thế này, nhân dân người ta kêu chết! Mới lại, khẩu hiệu phải: Nhiệt liệt chào mừng Giám đốc Trung tâm kiểm định Thạch Thổ chứ, thân mật thế kia nhỡ báo chí thấy thì phiền toái lắm.

– Ông cậu ngại gì chứ? – Bí thư Sò vừa bước sát Tử Pín vừa nói tâng tâng – Nếu không thế thì báo chí, truyền hình không thể hiện được chuyến công du của ông cậu, cũng có nghĩa là dân không biết được tinh thần làm việc và tình cảm của ông cậu đối với cán bộ, đối với nhân dân.

– Ông chỉ được cái khéo nói! – Tử Pín khen bí thư Sò.

Sắp đến trụ sở, bí thư Sò và chủ tịch Lỉn tiến lên trước, vẫy tay. Tức thì hai hàng người dân, từ đàn ông đàn bà, từ người già đến trẻ em liền giơ hoa vẫy vẫy, rồi vỗ tay bôm bốp, làm náo nức cả một vùng. Tử Pín nghĩ, không ngờ chủ tịch Lỉn trông xỉn xỉn thế mà chu đáo ra phết, lại có vẻ rất văn hoá chứ, chắc lại được bí thư Sò chỉ đạo đây. Vào phòng đón tiếp, Tử Pín lại bất ngờ bởi những khẩu hiệu trên tường: Rừng là vàng; Mỗi người dân phải là một chiến sỹ dũng cảm giữ rừng; Hy sinh vì rừng cũng là hy sinh cho trái đất tươi xanh; Hãy giữ rừng núi Chúa như giữ ngôi nhà của mình. Bên cạnh đấy là tấm panô lớn treo trang trọng ở giữa hội trường: Nhiệt liệt chào mừng cậu Tử Pín quí mến đến thăm nhân dân và làm việc tại miền Khau Sưa!

Sau khi nghe bản báo cáo khoe bao nhiêu thành tích về Khau Sưa, về việc bảo vệ và phát triển rừng núi Chúa dài lê thê do chính bí thư Sò đọc, Tử Pín được mời phát biểu ngay. Tử Pín đứng thoải mái, mái tóc cắt khéo, chiếc áo sơmi kẻ karô với chiếc kính mát màu hồng khiến anh ta như trẻ ra đến mấy tuổi. Giọng Tử Pín rõ rành, nói khá dài. Đại ý, Tử Pín nói về ý nghĩa to lớn của rừng đối với cuộc sống con người. Rằng, không có rừng thì không có ôxy để thở, con người sẽ chết, không có rừng thì không có nơi trữ nước cho các dòng suối dòng sông, sẽ không có nước cho những cánh đồng tươi tốt, sẽ không có nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng các công trình.  Nguy hiểm nhất là không có rừng thì sự sống sẽ biến mất. Nói chung như vậy. Còn rừng núi Chúa không chỉ có ý nghĩa như thế đối với một vùng sinh thái của miền Khau Sưa, của Nà Lai, của cả thành phố Mã Sơn, mà đây còn là nơi lưu giữ cho quốc gia nguồn gien của các loài động vật quí hiếm, nguồn gien của các loài gỗ quí, các loài thực vật quí hiếm, các loài cây thuốc quí hiếm. Bao nhiêu ý nghĩa to lớn về rừng, bao nhiêu chuyện hay về rừng, bao nhiêu điều cần dặn dò mọi người về việc bảo vệ rừng, giữ rừng, trồng rừng, Tử Pín đều nói với một thái độ đầy nhiệt huyết khiến mọi người tin tưởng, cảm động lắm. Tử Pín còn hứa, nếu bản Nà Lai bán lại cho Tử Pín núi Chúa thì Tử Pín sẽ biến nơi này thành khu du lịch sinh thái đẹp và mơ mộng bậc nhất miền Tây Bắc, rồi mấy ngàn dân Nà Lai và Cò Nòi sẽ giầu to, sẽ sung sướng vô cùng… Cuộc nói chuyện của Tử Pín ở hội trường được kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt. Ngay đấy, lãnh đạo Khau Sưa mời cơm thân mật. Các lãnh đạo ngồi riêng phòng nhỏ. Bí thư Sò và chủ tịch Lỉn luôn tay gắp cho Tử Pín. Đương vui, Tử Pín cởi mở chuyện trò. Tử Pín chỉ đĩa thịt, hỏi:

– Các ông bắn cầy trên rừng hay mua của dân?

– Biết ông cậu lên, mừng lắm, chúng em sai bọn đàn em phải tự tay săn bắn chiêu đãi ông cậu mới quí chứ! – Bí thư Sò giọng tự hào.

– Vâng, đúng là anh em Khau Sưa tự đi săn bắn thú trên rừng núi Chúa về để chiêu đãi ông cậu đấy ạ! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Cả thịt gà rừng này chứ? – Tử Pín chỉ đũa vào đĩa thịt gà.

– Vâng! – Bí thư Sò rót thêm rượu vào chén của Tử Pín, giọng hỉ hả – Chỉ rắn hổ mang phải mua của dân bản bản Cò Nòi, còn cá chiên thì mua của dân bản Cà Lồ cạnh hồ Thác Bay thôi. Ông cậu thấy ngon miệng không ạ?

– Ngon lắm! – Tử Pín gật gù, hơi nghiêng đầu về bên Sò, giọng nhỏ – Rừng núi Chúa bao nhiêu gỗ, bao nhiêu chim thú, còn rất giàu tiềm năng đá trắng,  đá màu nữa, quí hiếm lắm đấy. Nhưng các ông phải biết bảo vệ và khai thác thế nào cho thật khoa học, thật hợp lý, thật cẩn trọng, đừng để dân kêu ca phàn nàn, sẽ rất phiền toái. Mai đây tôi sẽ có dự án…

– Em hiểu ý ông cậu ạ! – Bí thư Sò nháy nháy đôi mắt vằn đỏ vì rượu, nhìn Lỉn, cười mỉm, ra điều cùng đồng tình, rồi ra giọng bề trên sai bảo – Sau đây, đồng chí Lỉn chủ tịch đưa ông cậu vào nhà ông Sa Thổ bàn chuyện quan trọng nhé.

– Các ông nhớ là phải biết bảo vệ và khai thác rừng một cách khoa học, hợp lý, cẩn trọng nhé! – Tử Pín nhấn mạnh.

– Vâng ạ! Em hiểu ý ông cậu rồi ạ!

Chủ tịch Lỉn mau mồn “vâng ạ”, hiểu ý bí thư Sò “nháy mắt, mỉm cười” lúc nãy nên cứ cúi sát vào Tử Pín như để tỏ ý thu nhận đầy đủ thông tin cần thiết. Tỏ ra thế thôi chứ chủ tịch Lỉn quá hiểu ý tứ của Tử Pín. Mấy năm qua có năm nào mà lãnh đạo Khau Sưa cùng với các trạm kiểm lâm ở Đá Chồng, bản Tà Lưa, Cò Nòi không phải cung cấp hàng mấy chục khối gỗ pơmu, gỗ chò chỉ, gỗ sến, gỗ táu, gỗ nghiến cho thành phố, gọi là cung cấp cho các công trình xây dựng cơ bản quan trọng, nhưng số gỗ ấy đều đem về nhà riêng các sếp để làm khung cửa, ốp trần, ốp tường, ốp cầu thang, đóng giường, đóng sập. Nhà các sếp cứ gọi là tuyệt vời, chẳng kém nhà các thứ bộ trưởng ở Hà Nội, còn gấp trăm vạn lần nhà của các thổ ty, thống lý thời thuộc Pháp nhá. Gỗ còn được các sếp làm quà đem biếu tặng các sếp to ở Trung ương, gọi là quà ngoại giao nữa. Ơ mà kệ! Các sếp được lợi thì chúng em đây cũng được kiếm lợi chút đỉnh, cùng có lợi mà. Rừng núi Chúa còn đầy gỗ quí, chẳng khai thác thì trăm năm nó cũng già nục, gãy đổ, phí cả đi. Mà khai thác một cách có khoa học, hợp lý, thật cẩn trọng, như thế không thể gọi là phá rừng được. Chúng em hiểu rồi, sếp cứ yên tâm đi. Chủ tịch Lỉn thấy khoái cái ý nghĩ của mình, rồi hỉ hả mang theo cả ý nghĩ ấy suốt dọc đường cùng quản gia Miêu đưa Tử Pín vào thăm gia đình ông Sa Thổ ở bản Nà Lai.

Chẳng thể ngờ Tử Pín, cái người bị chính ông Sa Thổ bắn dọa rơi xuống lựng suối Be hôm nào, nay lại đến thăm nhà. Ông Sa Thổ cầm ấm nước co mác hủ1 rót ra bát, mời khách. Tử Pín thản nhiên đỡ bát nước từ tay ông Sa Thổ, giọng thân mật:

– Tôi là Vũ Tử Pín, ông biết rồi, dạo trước cũng đã qua nhà ông. Hôm nay trên đường đi làm việc với Khau Sưa và mấy xã ven sông Chảy để chuẩn bị duyệt cấp đất cho dự án trồng rừng bồ đề, trồng keo, trồng bạch đàn, nghe nói ông là cựu chiến binh, trưởng bản Nà Lai nhưng có uy tín với cả vùng này, tôi ghé thăm gia đình.

– Vâng, tôi nhớ ra rồi! Ông đã qua nhà tôi. Quí lắm! – Ông Sa Thổ cũng ra giọng xã giao – Ông làm cán bộ mà quan tâm đến dân thế thì dân chúng tôi được nhờ.

– Cũng là công việc cả thôi! Xin hỏi, gia đình ông ổn chứ?

Tử Pín hỏi, rồi nâng bát nước màu vàng nhạt lên uống một hơi, vẻ mặt dãn ra, dễ chịu. Ông Sa Thổ không trả lời ngay. Ông với cái điếu ục, vê vê sợi thuốc lào, nhét vào nõ điếu. Ông cầm chiếc đóm lửa nhứ nhứ vào nõ điếu, hít hít đến ba bốn lần, nhả từng làn khói mỏng, rồi bất thần dí hẳn đóm lửa vào nõ điếu, rít một hơi thật dài, cái điếu ục rung lên, kêu ục ục ục. Ông Sa Thổ buông điếu ngả vào ngực, ngửa mặt nhả khói thuốc cuộn lên như một đám mây nhỏ, vừa đẹp vừa thơm nồng. Ông lim dim, thở khoan khoái, đã cơn thèm, đưa tay xoa xoa cằm râu láp ráp, thấy sướng. Một lúc, ông kể cho cán bộ Tử Pín nghe gia cảnh. Vợ ốm nằm trạm xá quanh năm, mới mất vừa rồi. Con Sương dở lớp mười một đang xin thôi học để ở nhà bếp núc, vườn tược, chăm lo cho hai em học hành. Thằng Neo đang cuối cấp hai. Con Nương đang đầu cấp hai. Được cái, nhà ông khá giả từ thời ông bà, cha mẹ. Ngôi nhà sàn năm gian, cột to cả ôm, bằng gỗ chò chỉ, to đẹp vào loại nhất vùng, đã soi bóng bên suối Be, bên cánh đồng Nà Lai này gần trăm năm rồi. Nương, ruộng nhà ông rộng khắp. Rừng ngút ngàn núi Chúa kia. Ao to nhiều cá. Vườn thênh thênh, sum suê bóng cây chanh, cam, bưởi, mít, ổi. Trâu cả đàn hơn hai chục con. Gà thả hàng trăm mái ăn ngủ khắp ven rừng, bờ suối. Người Nà Lai bảo ông giàu nhất, sướng nhất vùng núi Chúa này. Ừ thì giàu! Ừ thì sướng! Nhưng lão tâm sự, nhà chẳng có đứa con nào đi thoát li, chẳng có đứa nào làm cán bộ thì cũng chưa phải là giàu, chưa phải là sướng. Thế là khổ chứ lị! Bởi vì như thế, chúng nó sẽ bám cả đời vào bố mẹ, bám mãi vào cái mường bản toàn gỗ tre vầu nứa lan man nghèo khó này, thua chị kém em, chẳng bao giờ mở mày mở mặt lên được. Tử Pín nghe chuyện nhà ông Sa Thổ, tỏ vẻ cảm thông lắm. Tử Pín ngó ra vườn cây xanh um phía cửa sổ, một lúc, quay vào gợi chuyện:

– Ông thấy những cánh rừng ở đây thế nào?

– Là thế nào cơ? – Ông Sa Thổ chưa hiểu ý cán bộ Tử Pín nên hỏi lại.

– Là tôi hỏi, rừng ở đây có giúp dân làm giàu được không?

– Rừng giúp dân làm giàu? – Ông Sa Thổ ngập ngừng một lúc, muốn nghĩ kỹ mới trả lời cán bộ Tử Pín – Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng từ xa xưa người Tày, người Dao, người Mông, người Nùng chúng tôi đã sống trong rừng, ngủ cùng rừng, ăn của rừng, chơi với rừng. Sống nhờ rừng mà chết cũng nhờ rừng cả. Có người đã giàu có sung sướng là nhờ rừng. Còn người nghèo khó thì không biết có phải tại rừng không?

– Nếu Chính phủ muốn dân làm giàu nhờ rừng thì ông có ủng hộ không? – Tử Pín nhìn sâu vào mắt ông Sa Thổ, thăm dò.

– Tôi ủng hộ ngay chứ! – Ông Sa Thổ nói to.

– Thế thì hôm nào họp dân, ông động viên các gia đình hãy ủng hộ lâm trường phá hết những cánh rừng hoang, rừng cây ven sông Chảy, đốt hết, để  trồng rừng cây bồ đề, trồng keo, trồng bạch đàn.

– Ấy chết! – Ông Sa Thổ giật thót – Phá hết rừng thì dân sống bằng gì?

– Ông không biết đấy thôi! – Tử Pín nói như trình bày cho ông Sa Thổ hiểu – Cây bồ đề dùng sản xuất giấy, vải ninon, làm cột chống lò, làm ván nhân tạo, có giá trị cao lắm, cao hơn nhiều những thứ cây khác. Mà cây bồ đề cứ dăm bảy năm lại khai thác, cho thu hoạch bán nhiều tiền, xong lại trồng mới, vẫn có rừng xanh tươi quanh năm. Chứ những cánh rừng bây giờ cả trăm năm cũng chỉ để um tùm, chẳng cho dân tiền, sao làm giàu được!

– Khó rồi! – Ông Sa Thổ giọng ngại ngần – Mấy năm trước Chính phủ với các ông trên thành phố bảo dân phá rừng già để trồng cây sở, cây nai, cây trẩu, những tưởng giàu to, rồi bỏ hết, mất bao nhiêu là rừng già, dân khổ lắm!

– Xưa khác, bây giờ khác! Dầu sở, nai, trẩu không ai mua. Gỗ bồ đề, gỗ keo, gỗ bạch đàn thì bao nhiêu cũng thiếu. Nước mình đang phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, nhà máy sẽ mọc lên ngay trên mảnh đất giàu tiềm năng thế mạnh này. Nếu nông dân chúng ta không chớp lấy cơ hội làm giàu thì bao giờ mới giàu được.

– Đúng rồi, nếu chúng ta không chớp lấy cơ hội thì đến bao giờ mới làm giàu được! – Quản gia Miêu nói theo.

– Phải chớp lấy cơ hội thì mới làm giàu được! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Thật thế hả các ông? – Ông Sa Thổ vẫn chưa thật tin.

– Thật chứ! – Tử Pín khẳng định.

– Thế bao giờ thì phá hết rừng ven sông Chảy? – Ông Sa Thổ băn khoăn.

– Phá càng nhanh thì dân càng nhanh giàu thôi! – Tử Pín nói.

– Phá càng nhanh càng tốt! – Quản gia Miêu nói theo.

– Phải, phá rừng ngay! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Thế hử?

Ông Sa Thổ nghe cán bộ Tử Pín nói phá hết những cánh rừng ven sông Chảy càng nhanh thì dân càng nhanh giàu, đã thấy mừng, nhưng ông vẫn chưa tin hẳn. Ông ngồi im lặng, nghĩ mông lung. Xa lắm thì không biết nhưng từ đời ông cha của ông đã ở đất này, núi này, rừng này. Muốn có lúa ngô khoai sắn để ăn thì núi cho đất trồng cấy. Muốn làm ngôi nhà sàn để ở thì rừng cho cây gỗ quí. Sông suối ruộng đồng và con người muốn sống phải có nước thì núi rừng cho nước. Rừng núi còn cho bao sản vật quí hiếm như chim muông, dã thú, thuốc chữa bệnh. Biết bao nhiêu cây thuốc quí trên rừng núi Chúa kia. Bao nhiêu dân bản quanh vùng nhờ có cây thuốc quí trên rừng núi Chúa mà khỏi bệnh, thoát chết. Bây giờ chặt phá hết, liệu có phải không? Muốn dân làm giàu mà chặt phá hết rừng già thì có phải không? Chặt phá hết rừng già thì suối Be làm gì còn nước chảy. Sông Chảy cũng sẽ cạn thôi. Hồ Thác Bay cũng sẽ cạn thôi. Chả có thuỷ điện nữa à? Cánh đồng Nà Lai này cũng không có nước cho cây lúa, cây rau, cây ổi, cây mít, cây na, cây cam ra hoa ra quả nữa! Chính phủ và các ông trên tỉnh, cả cán bộ Tử Pín nữa, có hiểu như thế không? Nghĩ làm giàu cho dân thì mừng rồi. Còn bảo chặt phá hết rừng già của dân, cũng là rừng của Chính phủ đấy, thì khó quá, khó quá! Phải bàn với dân đã. Dân có thông hiểu, có đồng ý thì mới làm được. Ông Sa Thổ đang dở nghĩ chuyện trong rừng trong bản thì Sương về. Sương vén váy, cầm gáo giội nước rửa chân rào rào. Sương có một nét tính cách khác nhiều cô gái bản là rất hồn nhiên, hay hát, hay cười. Dân bản nói rằng, ông Sa Thổ có cô Sương như có con chim sơn ca trong nhà, quí lắm. Sương mới hơn mười sáu tuổi mà đã phổng phao ra dáng thiếu nữ. Cặp chân dài như chân hươu. Eo thon như eo con ong vàng. Mái tóc xanh mượt như dòng suối Be, xoả dài xuống tận cạp váy. Đôi mắt đen vẻ hoang dã, nhìn hút hồn. Môi trái đào hồng tươi. Sương như nàng tiên bay từ núi Chúa vào trong nhà. Tử Pín từng đi khắp các bản xa bản gần nhưng chưa thấy cô gái nào xinh đẹp như Sương. Trái tim trẻ trung của Tử Pín bỗng đập rộn lên. Tử Pín nhìn ông  Sa Thổ, giọng nhỏ nhẹ:

– Ông không được để cô Sương thôi học!

– Đúng, ông không được để cô Sương thôi học! – Quản gia Miêu nói theo.

– Tôi cũng chẳng muốn thế nhưng cháu nó nhất quyết rồi. – Ông Sa Thổ có vẻ buồn.

– Thế này – Tử Pín vẫn nhỏ nhẹ – Khó khăn gì ông cứ nói, chúng tôi sẽ giúp.

– Phải, chúng tôi sẽ giúp đỡ! – Quản gia Miêu nói theo.

– Đúng, chúng tôi sẽ giúp đỡ! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Dù sao ông cũng không được để cô Sương thôi học! – Quản gia Miêu vênh ria, gừ gừ mắt kính cận nhìn ông Sa Thổ, lên giọng – Vì cô Sương là nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, hiếm lắm. Cô ấy còn trẻ. Cô ấy chắc chắn có năng lực. Phải đào tạo cô ấy thành cán bộ. Phải giúp đỡ cô ấy học tập. Khó khăn thì sếp của chúng tôi sẽ giúp!

Quản gia Miêu nói một thôi một hồi như nhà tuyên giáo. Nói xong, quản gia Miêu bỏ ra ngoài ăn thích2 nói chuyện với Sương. Quản gia Miêu è è, vào chuyện:

– Cô Sương xinh đẹp nhất miền Khau Sưa đấy!

– Chú cứ khen! – Sương ngoảnh nhìn quản gia Miêu đầu thưa tóc lại chải mượt, cái mặt quắt với hai cụm râu hai bên mép giống con cáo rừng, mắt kính cận thì dày cộp như đít chai, cô phì cười.

– Ối giời! Ông Sa Thổ có cô con gái xinh đẹp nhất vùng này. Hách phải biết nhá!

– Chú cứ khen!

– Anh Dã Miêu chứ! – Quản gia Miêu đưa tay sờ sờ mép váy của Sương, bật cười hê hê – Anh thôi. Anh Dã Miêu nà-ày!

– Chú cứ đùa! – Sương gạt tay quản gia Miêu ra, vẻ mặt khó chịu.

– Sướng nhá! Sếp của anh đã “chấm” em rồi đấy. Chuột sa chĩnh vàng chĩnh bạc nhá.

Nghe thế, Sương khó chịu, vùng vằng bỏ xuống cầu thang. Quản gia Miêu vào nhà, cười hỉ hả, rồi mềm giọng:

– Ông Sa Thổ có cô con gái xinh đẹp nhất vùng.

– Cô ấy xinh đẹp nhất vùng thật đấy! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Ông không được để cô ấy thất học! – Quản gia  Miêu nói.

– Phải, ông không được để cô ấy thất học! – Chủ tịch Lỉn nói to.

– Khó khăn thì cậu Tử Pín của chúng tôi sẽ giúp! – Quản gia Miêu nói.

– Đúng, sếp của chúng tôi sẽ giúp ! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Cảm ơn các ông! – Ông Sa Thổ nói chậm rãi, vẻ như vừa nói vừa ngẫm nghĩ sao cho phải nhẽ – Tôi cũng muốn thế nhưng việc này do cháu nó đã quyết.

– Hừ! – Quản gia Miêu gừ gừ nhìn ông Sa Thổ, lên giọng – Con phải nghe lời cha. Ông cứ quyết là cô ấy phải nghe theo.

– Phải, ông cứ quyết là cô ấy phải nghe theo thôi mà! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Thôi, chuyện này để cha con ông Sa Thổ quyết định! – Tử Pín im lặng một lúc, lên giọng – Bây giờ tôi muốn bàn với ông về chuyện làm du lịch núi Chúa.

– Ông định làm du lịch núi Chúa? – Ông Sa Thổ hỏi thành thật.

– Vâng! – Tử Pín lại im lặng, chuẩn bị lý lẽ thuyết phục ông Sa Thổ – Hôm tôi bị ông bắn dọa ở núi Chúa ấy, chính là hôm tôi nhờ cậu Lỳ dẫn đi xem núi Chúa của Nà Lai, tôi nhận thấy núi Chúa nhiều tiềm năng làm du lịch sinh thái. Tương lai nhân dân bản Nà Lai sẽ giầu có, sung sướng là nhờ núi Chúa đấy. Tôi phiền ông thuyết phục nhân dân bản Nà Lai bán núi Chúa cho tôi, rồi cùng nhân dân làm du lịch sinh thái, tuyệt lắm!

– Thật thế chứ? – Ông Sa Thổ im lặng lúc lâu, muốn suy nghĩ kỹ điều hệ trọng, rồi nói như tãi ra từng lời – Ông Tử Pín ơi! Khó đấy! Dân thì ai chẳng muốn giàu có, sung sướng, nhưng tôi biết dân Nà Lai đây có thể bán trâu, bò, lợn, gà, lúa, ngô, khoai, sắn…, chứ  bảo bán núi Chúa thì không đời nào. Núi Chúa là quê cha đất tổ của dân Nà Lai, chẳng ai bán quê cha đất tổ của mình đâu!

– Thế tôi mới phiền ông thuyết phục họ!

– Ông phải thuyết phục họ chứ lị! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Ời, tôi đây đầu óc đổi mới mà còn không bao giờ nghĩ đến chuyện bán núi Chúa, cũng như dân Nà Lai thôi.

– Thì bây giờ ông đổi mới đi! Ông và nhân dân Nà Lai phải nghĩ đến tương lai giàu có, sung sướng chứ, mà muốn thế thì phải tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn mới được. Đấy, ông xem tôi làm cái thủy lợi – thủy điện Hoang Thủy, rồi nay mai sẽ có lợi biết bao nhiêu cho nhân dân Cò Nòi, cả Nà Lai nữa, cả cái miền Khau Sưa nữa. Nước đủ, điện sẵn, tiền góp ngân sách nhiều. Nhân dân sướng. Cán bộ sướng. Nhà nước sướng. Tôi cũng được sướng theo. Ông thấy thế nào?

– Tôi hiểu mà! – Ông Sa Thổ ngập ngừng – Tôi thường nghĩ, cái thủy lợi  thủy điện Hoang Thủy của ông có khác gì “quả bom nước” khổng lồ treo trên đầu dân Cò Nòi và dân Nà Lai chúng tôi chứ. Tôi sợ nếu nay mai có cái du lịch sinh thái núi Chúa của ông thì rồi núi Chúa một ngày nào đó sẽ bị giẫm nát, xé nát, sẽ tan hoang như mấy cánh rừng quanh hồ Hoang Thủy đấy.

– Ông nghĩ thiển cận quá! – Tử Pín tỏ vẻ bực.

– Ông Sa Thổ thiển cận quá đấy! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Ông Tử Pín ơi! – Ông Sa Thổ nhìn thẳng mặt Tử Pín, nói rành rọt – Theo tôi, ông nên bỏ qua chuyện mua núi Chúa đi!

– Hừ, rồi ông và nhân dân Nà Lai sẽ phải bán núi Chúa cho tôi, chờ đấy!

Tử Pín nói nhỏ nhẹ, rồi ngồi im lặng, một lúc cứ ngó đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Chủ tịch Lỉn nghe cậu Tử Pín nói thế, khoanh gối ngồi im lặng. Quản gia Miêu cũng im lặng. Quản gia Miêu im lặng nhưng đầu lại nghĩ miên man. Quản gia Miêu nghĩ cậu Tử Pín cứ vờ vịt. Đấy, cậu gặng mua núi Chúa, vẻ nóng lắm nhưng kìa, cậu cứ nghển cổ nhìn theo bóng con bé Sương đang thấp thoáng trong vườn ổi. Lạ gì! Cậu Tử Pín có tiếng là đã muốn thứ gì, thích cái gì là đoạt cho bằng được. Tôi sẽ giúp cậu mua bằng được núi Chúa của cái lão cựu chiến binh gàn dở này. Còn cái khoản “gấm gải” thì cậu hơn hẳn lũ đàn ông Tày quê kiểng chim không bịt sịp nhá. Ừ, cậu thích thì tôi chiều. Tôi sẽ dụ bằng được cái con mái tơ rừng hoang ấy cho cậu. Mười sáu hay mười bảy mới sướng. Cậu sướng như vua nhá. Tôi làm được vụ này,  quản gia Miêu cười thầm, cậu sẽ trọng thưởng đây. Tất cả trong bàn tay Miêu, tha hồ mà sướng nhá. Quản gia Miêu đang nghĩ lung mung thì nghe có tiếng đàn bà choe choé chửi độc bên kia suối Be. Quản gia Miêu nhìn Lỉn như thăm dò điều gì. Chủ tịch Lỉn cũng nhăn mặt. Ai mà chửi độc thế chứ? Giọng nghe như giọng cô Sao? Ô, mà câu chửi cứ như nhằm vào mặt Lỉn chủ tịch đây. Câu chửi lẫn gió rừng cứ thổi đi ào ào: “Cha mẹ đứa ăn không ăn hỏng của dân nhá! Mày cưa trộm mất mấy cây gỗ nghiến trăm năm của dân Nà Lai nhá. Mày ăn trộm như con cáo rừng ăn trộm trứng gà trong chuồng của dân thế à. Mày cướp đêm cướp ngày thì Thần núi núi Chúa sẽ vặn gãy tay mày như gió vặn cành cây ấy. Đời mày sẽ như cái cây bị cắt tận gốc, không còn mọc ngọn được nữa. Mày ăn không ăn hỏng của dân thì sẽ rụng hết răng cho gió lùa, như gió lùa vào hang đá lạnh buốt tim gan mà chết khô chết khổ ! Ối giời! Pì noọng xâư kin hua vầy. Pì noọng dú quây kin vựa cáy!3 Thật là một lũ cáo rừng thôi!”.

Chủ tịch Lỉn chạy bổ xuống cầu thang, nhìn sang bên kia suối Be, thấy một đám đông, ai cũng lăm lăm con dao quắm, xăm xăm đi về phía Trạm bảo vệ rừng Đá Chồng. Chết cha! Chắc có chuyện chẳng lành rồi! Chủ tịch Lỉn gọi quản gia Miêu xuống, nói nhỏ vào tai Miêu mấy câu gì đó, rồi hớt hải chạy tắt đường núi, nghĩ may ra kịp ngăn cái mồm chửi độc của ai đó, khỏi ngượng với ông cậu Tử Pín.                                                                            

 

Chương 9

 

Buổi sáng.

Quản gia Miêu lái Camry đưa Tử Pín đến Khau Sưa gặp chủ tịch Lỉn, hẹn nhau ở quán Gốc Sấu ven đường xuống bản Nà Lai, nơi vừa kín đáo vừa có thể quan sát được toàn cảnh núi Chúa. Vào quán Gốc Sấu, ba người ngồi  quanh chiếc bàn tròn nhỏ, chủ tịch Lỉn rót ba chén rượu đầy, thủng thẳng nói:

– Núi Chúa đủ gỗ quí cho ông cậu chặt cả đời.

– Tin là thế! – Tử Pín gật gù tỏ đồng tình, rồi nịnh Lỉn – Ông số đỏ. Ông là một khả năng. Ông khéo quan hệ ngoại giao. Sếp tin, dân tin nên ông mới được giữ chức chủ tịch cả cái miền Khau Sưa giầu có này, một cái chức béo bở đấy, nhất là tiềm năng rừng già và lẫn trong đấy là tầng tầng núi đá với bao nhiêu mỏ đá màu, đá trắng. Ông thừa biết sếp muốn gì ở ông chứ? Còn tôi, nói thật, chỉ cần ông tin tôi thì chỉ vài năm thôi là anh em mình đổi đời ngon lành.

– Ông cậu tin thế à? – Chủ tịch Lỉn nhướng mắt nhìn Tử Pín.

– Tin chứ! – Tử Pín vỗ bồm bộp vào ngực, giọng đầy tự tin – Tôi đã từng làm chủ cả vùng núi suốt từ Lùng Bùng lên tận Xu Phin, vùng vẫy gần mười năm trời, thì với núi Chúa có gì đáng ngại. Bạn tôi ở khắp nơi, đủ hạng người, từ thằng chạy xe ôm đến lái xe Camry, từ chàng kiểm lâm đến cô thuế vụ, từ anh hàng phở đến bà chủ khách sạn bự, từ tay nhân viên quèn đến sếp to nhá. Thời nay vẫn nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế nhá. À mà không! Nhất tiền, nhì quyền nhá. Còn quân của tôi á? Toàn những đứa uống mật, ăn gan người như bỡn, sợ gì. Quá lắm thì tôi bảo chị tôi với anh rể Vương, cứ gọi là xong tắp lự mọi chuyện trên đời.

– Ông cậu ơi, khó nhất là các trạm kiểm soát lâm sản đấy! – Chủ tịch Lỉn nắn gân Tử Pín – Bên Đông Bắc này khác bên miền Tây. Khó lắm!

– Tiền! – Tử Pín xoè bàn tay gân guốc với những ngón to dài.

– Tiền? – Chủ tịch Lỉn lắc lắc đầu – Chưa đủ đâu, ông cậu ơi! Cần phải có một ông quyền to bảo lãnh cho công chuyện dài dài và nguy hiểm này.

– Ông quyền to? – Tử Pín ngạc nhiên – Thế ông không phải là ông quyền to ở đất Khau Sưa này sao?

– Tất nhiên! Nhưng phải có ông quyền to hơn cơ.

– Ông chủ tịch định chối bỏ trách nhiệm à? – Quản gia Miêu chen vào.

– Ấy không! – Chủ tịch Lỉn vội thanh minh – Ấy là tôi lo cho cậu Tử Pín mọi việc ở ngoài vòng cương tỏa của Khau Sưa kia.

– Ông chủ tịch cẩn thận đấy! – Quản gia Miêu có ý dọa.

– Vâng, tôi hiểu mà, nhưng dù sao ông cậu vẫn cần có một sự bảo lãnh của một ông quyền to hơn chúng tôi ở Khau Sưa này.

– Ok!

Tử Pín gật đầu, hiểu ý của Lỉn. Ờ, biết rồi, một ông quyền to hơn tức là một sếp to hơn, mới đủ khả năng bảo lãnh cho việc chặt gỗ trên rừng cấm núi Chúa, hừ, thì đã có anh rể Vương với chị ta quyền thế to, một tay che cả bầu trời Tây Bắc, sợ gì chứ, và bao nhiêu bạn bè quyền thế đầy người ở trên thành phố Mã Sơn nữa nhé, cứ gọi là ok đi! Ô, nước nổi thì bèo nổi, ngại gì. Chuyện vặt. Tử Pín chẳng bao giờ quên những ngày làm ăn bên miền Tây. Suốt từ Xu Phin xuống Pú Le có tới bảy trạm kiểm soát lâm sản, không kể bọn thằng Đăm, thằng Miêng, thằng Kên, thằng Min, thằng Ban, cô Tơ, chú Ngàn, riêng Tử Pín đã đưa cả trăm chuyến gỗ trót lọt qua các trạm. Bọn kiểm soát lâm sản biết cả, nhưng các sếp của họ đã ra lệnh, bố bảo đứa nào dám giữ xe gỗ của Tử Pín đây. Mới lại, bọn họ có thiệt thòi bao giờ đâu. Tiền rải đường không phải ít nhưng mang được gỗ pơmu, gỗ sến, gỗ lát, gỗ sâng, gỗ lý, gỗ chò, gỗ dổi đen về Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng thì lãi gấp bội. Bõ công mò mẫm đêm hôm, bõ công nịnh bợ và đút lót các sếp với mấy thằng kiểm soát lâm sản. Miền Tây thì đã thành tinh rồi. Tử Pín nghĩ, bây giờ sang bên này, mình phải xây dựng mới các mối quan hệ, có các mối quan hệ tốt là có tất cả. Tất nhiên phải bắt đầu từ chính cái lão Lỉn chủ tịch nghe nói nổi tiếng nịnh bợ và gian tham này. Giở ngón nghề quen thuộc, Tử Pín nhìn quản gia Miêu, nháy nháy mắt. Quản gia Miêu rút túi ra hai phong bì lớn, đặt trước mặt Lỉn, rồi ra xe, chờ. Chỉ ngón tay vào hai phong bì, Tử Pín giọng vui vẻ:

– Đây là quà của ông và ông Sò.

– Ông Tử Pín cứ khách sáo! – Chủ tịch Lỉn vờ trách, tay vơ nhanh hai phong bì đút túi – Anh em với nhau, cái cần là niềm tin, là lòng trung thành, mới có thể làm ăn lâu dài được.

– Dù sao cũng không thể bỏ qua thủ tục! – Tử Pín nói thẳng – Anh em sòng phẳng mới gắn bó được lâu dài.

– Cậu Tử Pín nói phải ! – Chủ tịch Lỉn khen – Anh em cũng phải có cái gì để gắn bó chứ. Tiền, ôi dà, ai chả cần, mà rất cần ấy chứ lị. Không có tiền á, ôi dà, chả làm được cái đếch gì đâu. Thế, ông cậu định bao giờ thì khởi sự?

Nghe thế, Tử Pín biết là Lỉn cũng “máu” lắm rồi. Nhưng Tử Pín đủng đỉnh, vừa nhâm nhi chén rượu vừa nhẩm tính mọi chuyện. Tử Pín yêu cầu Lỉn tìm cho mươi tay đàn ông khoẻ mạnh, biết nghề sơn tràng, tức là biết cách dùng cưa máy, cưa tay, dùng rìu để ngả cây to, xẻ hộp gỗ ở mọi tư thế, trong mọi điều kiện thời tiết của núi rừng. Những tay đàn ông này phải ở nơi khác, không phải người ở đây, để tránh hậu họa với dân bản sở tại. Còn hơn mười người chuyên vận chuyển gỗ hộp ra nơi tập kết sẽ là người ở chính mấy cái bản quanh đây, bản Tà Lưa, bản Đá Chồng, bản Cò Nòi, bản Nà Lai, đàn ông, đàn bà, thanh thiếu niên, được hết. Mẹo vặt của Tử Pín từng làm bên miền Tây mãi rồi. Tử Pín sẽ khoán tiền cho từng hộp gỗ. Mỗi người vận chuyển một ngày hai hộp gỗ thu được hai trăm ngàn đồng là họ sướng như gấu vồ được cá dưới suối rồi. Họ biết là gỗ lậu nhưng vẫn làm tới vì họ được lợi mà vẫn không mang tiếng người chặt gỗ phá rừng, chỉ biết vận chuyển thuê thôi. Coi như xong béng hai việc liên quan trực tiếp đến khai thác gỗ. Chủ tịch Lỉn còn được Tử Pín giao phải lo đối phó với chính lực lượng của lão ở Đội bảo vệ rừng, Đội cứu hộ rừng, Đội khoanh nuôi và trồng rừng. Bàn bạc kỹ lưỡng xong, chủ tịch Lỉn đưa Tử Pín ra ven suối Be, chỉ tay lên núi Chúa, nhắc lại câu nói ban đầu:

– Núi Chúa rất nhiều gỗ quí. Ông cậu  có thể chặt cả đời không hết!

– Cảm ơn! Thế còn cái thủy điện Hoang Thủy, ông thấy thế nào?

– Thật là tuyệt! – Chủ tịch Lỉn xuýt xoa, giọng nịnh – Xây thủy điện Hoang Thủy, em mới biết ông cậu có chí lớn, thật sự tài giỏi bởi vì cả ngàn đời nay ai dám nghĩ đến cái thủy điện to như thế ở mãi tít ngọn nguồn suối Leo, ở mãi tít lưng chừng núi Cò Nòi chứ? Mà bao nhiêu là công sức, tiền bạc mới làm được, xong cái thủy điện này thì ông cậu tha hồ thu tiền nhé.

– Thì các ông lãnh đạo Khau Sưa cũng có cổ phần đấy thôi!

– Vâng! Chúng em cũng có phần tí chút, ơn ông cậu lắm, nhưng mà gần đây dân các bản dọc suối Leo, dọc suối Be kêu ca nhiều lắm!

– Kêu cái con khỉ à?

– Là dân kêu ca phàn nàn việc xe chở đất đá chạy phá đường ghê quá, mà nước suối Leo, nước suồi Be đoạn từ Nà Lai xuống Cà Lồ đục ngầu, dân không thể tắm rửa được, trâu bò cũng không thể uống nước được, gay lắm!

– Hừ! – Tử Pín nhếch mép, giọng mỉa – Dân buồn cười! Tiền bán đất, bán rừng thì muốn thật nhiều, lấy cả rồi, bây giờ lại muốn đường tốt, suối trong nữa, có giời mới chiều được dân.

– Mà xe ông cậu chở đất đá… – Chủ tịch Lỉn ngập ngừng – Hình như dân đang nghi xe chở gì nữa cơ nên dân kêu lên lãnh đạo thị trấn Khau Sưa, kêu tới Trạm kiểm soát lâm sản, yêu cầu kiểm tra từng xe qua trạm…

– Kiểm kiểm cái con khỉ à? Ai dám kiểm tra xe của tôi, hử? – Tử Pín nhíu mày, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cứ giật giật, vẻ tức giận – Dân dốt lắm! Ông nói với dân, nay mai xong nhà máy thủy điện thì đường sẽ tốt, nước suối sẽ trong, còn bây giờ công trình đang thi công, trăm bề khó khăn, phải chịu, và ông cũng nói, xe chở đất đá, chở nguyên vật liệu xây nhà máy, có gì mà kiểm tra? Mồm các ông để đâu? Tiền ăn rồi, nhai gẫy răng rồi, bây giờ thấy dân kêu thì các ông ngậm miệng à? Mai ông chỉ đạo các bản họp dân, uốn nắn tư tưởng dân, nói rõ cho dân hiểu, nghe rõ chưa?

– Vâng! Em nghe rõ rồi!

– Ờ, ông nghe rõ là được!

Tử Pín gật đầu, bảo Lỉn cùng ra xe. Quản gia Miêu cho xe chạy sang Cò Nòi, ngược lên công trường thủy điện Hoang Thủy. Đường từ Cò Nòi lên công trường rải đá răm, do xe quá tải chạy nhiều nên đường nứt vỡ từng đoạn, ổ trâu ổ bò kinh người, chỉ xe ben, xe bò ma lớn mới qua được, còn bé con như Camry thì phải dừng dưới dốc mà ngước nhìn lên thôi. Thấy mấy cái ổ trâu phía trước, quản gia Miêu vội cho Camry lùi. Chiếc xe lùi chậm rì rì. Chủ tịch Lỉn le le mắt nhìn cậu Tử Pín, nghĩ, cậu Tử Pín trăm mưu nghìn kế, lại nhiều tiền, lại có sếp bề trên bảo lãnh, ai mà dám kiểm tra xe của cậu, cái tay Kha trạm trưởng là cháu ông Sò bí thư Khau Sưa, còn tay Lỳ thì dám làm gì? Biết điều thì ngậm miệng, nếu không, cho bay đi nơi khác, cho lên mãi trạm kiểm soát trên đỉnh đèo Khau Sưa, tha hồ mà kiểm tra nhé. Hơ hơ! Tự nhiên Lỉn bật cười. Tử Pín hỏi Lỉn cười gì? Chủ tịch Lỉn bảo buồn cười cái trạm kiểm soát lâm sản suốt ngày chỉ mỗi việc mở với đóng barie mà biên chế những mười mấy người, trạm liên ngành nên có cả nhân viên là kiểm lâm, công an, thuế vụ, kiểm sát, tài chính…, chỉ để cho oai thôi, mà thực ra chỉ khốn khổ mấy tay buôn đường xuôi thôi, hơ hơ, chỉ đóng và mở, chỉ mở và đóng cái cần barie vằn trẳng – đỏ, buồn cười thật! Nghe thế, cậu Tử Pín bảo, thì kệ cha nó, có nó ở đấy thành ra mình thêm sự bảo lãnh, càng yên tâm cho xe chạy xuôi chạy ngược, chở gì cũng mặc, hi hi, nghĩ cũng buồn cười thật, ông Lỉn nhỉ? Chiếc Camry đỗ nép dưới bóng cây cơi ven suối Leo. Ba người xuống xe. Nắng chan hòa. Gió thoảng mát. Công nhân áo xanh đông như đàn mối đàn kiến bò li ti trên núi. Ánh lửa hàn tóe sáng. Núi rừng vang động tiếng máy nổ. Máy ủi. Máy xúc. Máy khoan. Xe lu. Xe đầm. Xe cần cẩu. Xe ben. Xe bò ma. Như những gã khổng lồ gặm núi, ngoạm núi, xẻ núi, từng miếng, từng miếng lớn, đá xanh xám ngồn ngộn đống, đất đỏ như máu chảy dài. Suối Leo chảy vòng chân núi. Cây rừng Cò Nòi ngã đổ, gãy nát, tan hoang. Tử Pín xòe bàn tay che trán, ngước nhìn lên công trường. Mắt Tử Pín chớp chớp. Vui thật đấy! Núi Chúa ơi! Rừng Cò Nòi ơi! Hồ Hoang Thủy ơi! Tiền của ta ơi! Thật là trời cho ta tiền, Tử Pín thầm nghĩ, chưa cần đến thủy điện Hoang Thủy xay nước ra tiền cho ta, mà ngay bây giờ, những cánh rừng nguyên sinh kia, ngàn ngàn cây gỗ nghiến, gỗ lý, gỗ sến, gỗ táu, gỗ chò tuyệt hảo kia, sẽ cho ta tiền tỷ, chứ đùa! Trời thương ta rồi! Tử Pín thầm kêu lên trong lòng, nhếch mép cười, đưa tay nắm chặt tay Lỉn. Máu của hai gã không cùng chảy ra từ một quả tim, nhưng hình như ý nghĩ đều nảy ra từ một nơi tối tăm nhất – đấy là lòng tham.

Ngay hôm sau Lỉn sai cán bộ văn phòng dẫn bọn đàn em của Tử Pín sang mấy xã lân cận tuyển mộ những tay cưa có tiếng. Mấy đứa đàn em của Tử Pín vừa là người chăm lo săn sóc việc ngả gỗ trên rừng, vừa là “đầu gấu” cai quản những kẻ làm thuê. Kế hoạch từ đầu, Tử Pín đã nhắm rừng gỗ cổ thụ Cò Nòi và rừng gỗ chò chỉ, gỗ nghiến trên núi Chúa. Bọn người ngả gỗ thuê chọn ngày đẹp. Họ mang cưa, rìu, dao, tư trang lên dãy núi đá phía trên hồ Hoang Thủy, gần với rừng núi Chúa, chọn một hõm núi sâu và kín đáo để ở. Vốn giỏi nghề sơn tràng, chỉ hai ngày họ đã dựng xong năm giàn giáo vây quanh năm cây gỗ nghiến cổ thụ. Chẳng hiểu vì sợ ma quỉ hay tỏ ra khiêm nhường trước thần linh mà Tử Pín đích thân mang xôi, gà luộc, rượu, mấy quả táo đỏ, vàng, hương, lên nơi ngả cây, thắp hương khấn vái. Tử Pín cầm nắm hương nghi ngút khói, đầu cúi sệt xuống tận gốc cây nghiến, lầm rầm khấn: Lạy Thần núi! Con vốn người biết yêu quí rừng, từng làm người trồng rừng và giữ rừng như giữ ngôi nhà của mình. Biết đâu vật đổi sao dời! Bao thứ đổi thay! Kẻ đầy tớ bỗng trở nên quyền thế, giàu có, sung sướng. Ông bà chủ chỉ là người làm thuê, đói khát, yếu hèn. Mọi điều có Đất có Trời chứng giám. Con không thể làm đầy tớ, cũng không thể làm ông chủ. Thôi thì, con lại tìm về rừng để kiếm miếng ăn…”. Tử Pín ngước lên. Ôi, cây nghiến, hỏi đã mấy trăm năm rồi mà cao lớn làm vậy? Thân to mấy vòng tay ôm, ngọn vút tận mây trời, cành lá xanh tươi, sum suê toả bóng. Tử Pín ngẫm nghĩ, chỉ mai mốt thôi, nghiến sẽ vĩnh viễn nằm xuống. Nghiến sẽ về với những kẻ đầy tớ, làm đẹp, làm sang cho người ta, còn ta thì cần tiền, cần nhiều tiền đấy. Đừng trách ta nhé! Tử Pín bỗng thấy rưng rưng, bồi hồi nghĩ đến ngày mai mấy cây nghiến ngã xuống… Tử Pín cúng xong thì bọn người làm thuê bắt đầu đặt hàng răng cưa sắc nhọn như hàm cá sấu bập vào lớp vỏ nứt nẻ, xù xì, mốc thếch thời gian của cây nghiến cổ thụ. Chúng không dám dùng cưa máy vì sợ lộ. Hai người đàn ông lực lưỡng cầm hai đầu chàng cưa như hai con dã thú cứ cưa đi kéo lại xoèn xoẹt nghiến vào thân cây nghiến. Nhựa nghiến rịn ra như máu. Máu nghiến rịn chảy, nhoe nhoét thân mình. Thân nghiến vẫn im phắc, chỉ có bóng lá rung rung. Chắc nghiến buồn vì không phải con beo con sói mà gầm lên cho bớt đau đớn. Nghiến vẫn lặng lẽ chịu đau đớn, máu rịn chảy nhoè nhoẹt đỏ. Cả năm cây nghiến cổ thụ bị lũ người-dã-thú cưa cắt mấy ngày liền. Cơ hồ nghiến như sắp đổ thì bọn chúng ngừng cưa. Không phải chúng thương nghiến, mà chúng chờ ngày mưa to, gió lớn. Đó là trò ma quỉ. Trò lừa bịp. Dù sao chúng vẫn còn một chút xíu lương tâm là sợ dân bản quanh vùng biết được tội ác phá rừng của chúng. Chúng im lặng đợi mưa gió. Như con thú rình mồi. Chúng chờ cơ hội. Thế mà cơn mưa mùa hạ cũng về thật. Mưa ào ào. Gió cuốn ù ù. Rừng cây nghiêng ngả. Chỉ đợi có thế. Bọn “ăn rừng” hối hả cưa mấy đường cưa cuối cùng. Năm cây nghiến rũ cành lá, nghiêng nghiêng, đổ ào trong mưa gió, sấm chớp. Nghiến ngã xoài trên dốc núi, cành lá gục tơi bời, gãy nát. Rừng ào ào mưa gió, sấm chớp. Hết mưa gió. Rừng núi Chúa lại bình yên. Rừng tạnh ráo. Lũ người-dã-thú bâu lấy thân nghiến giống như lũ chó sói vớ được mồi ngon, ra sức cắt khúc, xẻ thịt. Từng hộp. Từng hộp. Từng hộp. Tử Pín đứng xem lũ người xẻ thịt nghiến, thấy sướng. Tử Pín nhẩm tính, chỉ năm cây nghiến này cũng đã được chừng vài trăm mét khối. Thứ này mang về đến Hà Nội, Hải Phòng sẽ bộn tiền. Hi hi, không uổng công tí nào. Tử Pín đưa mấy ngón tay mập vê vê  mụn ruồi lông trên mí mắt, vẻ khoái chí. Cái mặt nhâng nhâng cứ rung rung, phấn khích lắm. Đương lúc bọn người nhộn nhịp cưa xẻ thì có tiếng hú-hú-hú-ú-ú-ú… vang rừng. Bất ngờ cùng lúc, đàn khỉ vàng ào ra, vây quanh lũ người cưa xẻ. Một hòn đá từ trong bụi rậm bay vù, trúng ngay tay một người cầm cưa, khiến người này buông cưa, kêu trời. Lập tức, đàn khỉ vàng bắt chước, cũng thi nhau vơ đất đá ném tới tấp vào đám người cưa xẻ. Chúng vừa ném đất đá vừa kêu kaác-kaác-kaác-ác-ác-ác… như muốn xua đuổi những người đang phá rừng cây của chúng. Bọn người cưa xẻ và Tử Pín khiếp hãi, chui hết xuống gầm cây nghiến. Một lúc, bọn người cưa xẻ trấn tĩnh, có người nhào ra chộp khẩu súng kíp trèo lên cành cây, gương súng, bóp cò, pù-ù-ù-ùm! Một tiếng nổ dữ dội, khói súng khét lẹt. Đàn khỉ vàng nghe tiếng nổ pùm và ngửi thấy mùi thuốc súng, sợ hãi, liền ríu ríu bỏ chạy. Bọn cưa xẻ lại bâu lấy cây nghiến hăm hở cưa xẻ. Mình ông Sa Thổ còn nấp lại trong hốc đá. Ông nín thở, uất ức nhìn bọn người phá rừng, bọn ăn rừng. Trời ơi! Bọn khốn kiếp! Chúng là bọn quỉ hay sao mà dám lên đây phá rừng thiêng này. Lũ quỉ dám chặt những cây gỗ thần kia! Lũ quỉ dám xâm phạm rừng già Cò Nòi cũng là rừng trong dãy núi Chúa! Thần núi Chúa sẽ không tha mạng cho chúng mày đâu! Ông Sa Thổ thầm thét lên. Ông ôm ngực, rũ đầu xuống. Ông cảm giác như muôn nghìn lưỡi cưa sắc nhọn đang cưa ngang ngực ông, đau đớn khủng khiếp. Cũng không ngờ chiều nay ông lên rừng định rút mấy sợi mây về để buộc lại gióng chuồng quây trâu, thì gặp bọn người cưa xẻ. Cả một khoảng rừng tan hoang trống trải vì năm cây nghiến to lớn đổ xuống. Vốn là đứa con của rừng, ông Sa Thổ hộc lên như một con thú bị trúng mũi tên vào ngực. Ông liền quay lại động cậu Cóc, chọc lũ khỉ vàng ra khỏi động. Ông chạy trước, lũ khỉ vàng bám đu cây cành theo sau. Đến chỗ bọn người cưa xẻ, ông nhặt hòn đá ném trúng tay một người cưa xẻ, tức thì cả đàn khỉ vàng bắt chước làm theo… Bây giờ lũ khỉ chạy hết rồi. Một mình ngấp ngó trong hang đá, ông nhìn thấy mấy người hình dạng xăm trổ loằng ngoằng, đầu trọc lốc, mặt mũi gớm ghiếc, chắc là lũ đầu gấu, cũng khiếp, nên ông đành lặng lẽ luồn rừng, bỏ về. Ngay đêm ấy, bọn cưa xẻ về hang đá trên hồ Hoang Thủy uống rượu bí tỉ. Chúng mừng vì thoát nạn khỉ rừng, lại xẻ được nhiều hộp gỗ nghiến, được cậu Tử Pín hứa sẽ thưởng thêm tiền, chẳng vui à. Tử Pín cũng thấy vui, cảm giác hơi biêng biêng, tay nâng chén rượu, nói như ra lệnh:

– Ngay đêm nay, thằng Rô, thằng Báo, dẫn mấy người mang súng kíp đi tìm, bắn chết hết lũ khỉ cho tao!

– Ầy, khô-ông được đơ-âu cậu ơi! – Một người cưa xẻ, say rượu nói líu lưỡi.

– Sao không được? – Tử Pín quát.

– Lũ khỉ và-àng là của cậu Cóc, của Thờ-ần nú-úi Chúa đớ-ấy.

– Thần thần cái con khỉ! – Tử Pín vỗ bồm bộp vào ngực – Tao mười năm ăn núi, ngủ rừng, chặt cây trên núi, chả thấy thần với quỷ nào nhá. Chúng mày cứ bắn bỏ mẹ cái lũ khỉ phá đám ấy đem về nấu cao cho tao.

– Khiếp! – Mấy người cưa xẻ thốt lên.

Nói rồi Tử Pín đi ra cửa động. Tử Pín vạch quần đái xè xè vào một gốc cây nghiến bên cửa động. Bỗng cơn gió ào tới, lạnh toát. Tử Pín ngã xoài, nằm vật xuống thảm lá rừng, êm lịm. Trong ánh lửa chập chờn, Tử Pín mơ hồ thấy một Người Khổng Lồ hiện ra. Tử Pín run rẩy nhìn Người Khổng Lồ râu tóc xùm xoà như cành lá cây nghiến, đôi mắt đỏ như hai lò than, chân cao như thân nghiến, cánh tay dài như cành cây nghiến. Người Khổng Lồ vẫy vẫy. Tự dưng Tử Pín bước theo. Tử Pín cứ lẽo đẽo theo sau Người Khổng Lồ. Đến bên gốc cây nghiến bị cưa cụt, Người Khổng Lồ nói, giọng như gió thổi:

– Ngươi chặt cây nghiến của ta phải không?

– Vâng ạ! – Tử Pín trả lời, trong lòng run sợ lắm.

– Ngươi đang xây dựng thủy điện Hoang Thủy, tại sao lại đi chặt cây của ta?

– Nhân xây dựng thủy điện phải phá núi, mở rừng thì con lợi dụng cơ hội chặt cây gỗ quí kiếm thêm tiền thôi mà.

– Ra thế! – Người Khổng Lồ nhìn Tử Pín chằm chằm với đôi mắt đỏ như lửa, giọng khó chịu – Ngươi là con người mà không biết quí rừng cây, không biết giữ rừng cây thì nay mai thủy điện của ngươi cũng chẳng có nước mà làm ra điện đâu!

– Thì con chỉ chặt cây to, cây cổ thụ thôi, còn cây bé vẫn giữ nguyên đấy.

– A núi! Ngươi có biết bao nhiêu năm ta mới có được mấy cây nghiến cổ thụ to lớn như thế không?

– Không ạ!

– Gần một nghìn năm đấy! Nó với các cây khác đã hút muôn vạn nguồn nước ngầm núi Chúa, ăn vô vàn hạt đất núi Chúa, uống hết cả vạn trời nắng, cả vạn trời mưa, cả vạn trời sương, cả vạn trời gió bão mới được như thế. Những cây nghiến nghìn tuổi trở thành cây thần của rừng già, cũng như người già các ngươi trở thành ông, bà, cụ, kỵ ấy. Thế mà tại sao ngươi chặt cây nghiến nghìn tuổi của ta?

– Con chặt để bán ạ! – Tử Pín nói thật.

– Bán nghĩa là thế nào?

– Bán tức là người ta lấy gỗ nghiến, còn con lấy tiền ạ!

– Tiền là cái gì thế?

– Tiền là cái tờ giấy…

– Tờ giấy thì quan trọng gì bằng sự sống của mấy cây gỗ nghiến kia?

– Thưa, không phải tờ giầy bình thường đâu. Nó là tờ giấy có mệnh giá. Mà mệnh giá của nó khiến nó có thể mua được nhiều thứ lắm ạ.

– Tiền mua được những gì hử?

Tử Pín không cần nghĩ, kể thông vanh vách, rằng tiền mua được rất nhiều thứ như đất đai, nương rẫy, ruộng vườn, núi rừng, biển khơi, vàng bạc, châu báu, nhà lầu, xe hơi, gái xinh, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa, tàu vũ trụ, mua được cả sự sống và cái chết, mua được cả chức quyền, mua được cả con người, mua được tất mọi thứ mà ta thích. Tử Pín mải kể, lúc ngẩng lên thì không thấy Người Khổng Lồ đâu nữa. Tử Pín chợt thấy một đống tiền trước mặt, những đồng tiền vàng cứ lấp lánh lấp lánh. Tử Pín chộp lấy đống tiền, sung sướng lăn bên gốc cây nghiến cụt. Tử Pín xoài ra, va vào rễ cây nghiến, những đồng tiền văng vãi đầy xung quanh. Tử Pín vội quơ tay ôm lấy tất cả vào lòng. Tử Pín sung sướng, mơ tưởng đến ngày mai số tiền này sẽ đủ để Tử Pín về các thành phố mua nhiều biệt thự, mua xe hơi, mua gái đẹp, mua… mua…mua… ôi, sẽ mua không thiếu thứ gì nhá. Tử Pín miên man với bao dự định tuyệt vời. Một lúc, Tử Pín thấy lạnh toát vòng tay. Tử Pín mở mắt. Ôi giời! Tử Pín kêu thất thanh. Trong vòng tay của Tử Pín không phải những đồng tiền vàng lấp lánh mà là những con rắn bé li ti màu vàng chóe, mắt nhìn toé lửa. Chúng lia cái lưỡi đen dài khắp người Tử Pín, lưỡi lia đến đâu thì da thịt rộp lên đến đấy. Cả người Tử Pín rộp lên như phải bỏng. Mỗi con rắn vàng chóe chui vào một vết rộp, ngọ nguậy, khiến Tử Pín bỏng rát, nhức nhối. Tử Pín lăn quanh gốc cây nghiến cụt, vật vã kêu trời. Mãi đêm, bọn thằng Rô, thằng Báo mới tìm thấy Tử Pín thì Tử Pín đã chết lịm bên gốc cây nghiến cụt. Chúng không còn cách nào khác là phải khênh ngay Tử Pín về bản Nà Lai xin ông Sa Thổ và bà Sao giỏi thuốc rừng cứu mạng.

HOÀNG THẾ SINH

(Còn tiếp)

__________

1 Co mác hủ: Cây quả đùm đũm.

2 Ăn thích: Cái hiên sàn vào nhà.

3 Anh em gần cho ăn đầu buồi. Anh em ở xa đến thì thịt gà ăn. (thành ngữ Tày)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *