Chúa đất miền Khau Sưa – Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh – Kỳ 2

Vanvn- “Mặc đời mày khổ! Ai bảo để mất tượng Đức Phật? Không có Đức Phật thì mày không bao giờ tìm thấy cha mày đâu, nghe chưa!”, ông Mùi run rẩy, hỏi: “Thế bà có biết tượng Đức Phật của cha tôi ở đâu không?”, người đàn bà nói: “Làm sao ta biết nó ở đâu chứ?”, ông Mùi nói: “Bà không nói thì tôi sẽ đào nữa!”, người đàn bà quát: “A, Thằng hỗn! Tao sẽ cho mày một trận nhớ đời! Này thằng hỗn này! Này thằng hỗn này!”, người đàn bà nhảy bổ vào ông Mùi, quào quào những ngón tay xương xẩu, ông Mùi hãi quá, rúm người, bật đứng dậy, co chân chạy mất hút vào đêm đầm Vạc…

Nhà văn Hoàng Thế Sinh ở Yên Bái

>> Chúa đất miền Khau Sưa – những điều muốn nói

>> Ở “Xứ Mưa” có Hoàng Thế Sinh 

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 1

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 3

Chương 4

 

Ông Mùi ra vườn, xách lồng chim gáy, đem treo trên hiên nhà, ngay chỗ đặt thằng Gâu trong cái cũi nhỏ. Ông Mùi chúm miệng gáy mồi: cù-cù-cù…, tức thì con chim gáy nghển cao cái cổ cườm xanh biếc, mắt long lanh, chặp chặp mỏ: cù-cù-cù-cù-cù… cù-cù-cù-cù-cù… cù-cù-cù-cù-cù… Thằng Gâu nghe chim gù, tiếng gù thân thiết, gợi cảm làm sao, khiến nó tẫng lên, hai tay bám chặt vào thành cũi, đầu nghênh nghênh, mắt mơ màng, miệng a à a à vẻ thích thú. Ông Mùi nhìn thằng cháu nội mà ứa nước mắt. Lúc mới sinh ra, nó cũng bình thường, ông vui quá liền đặt tên nó là Gâu, cái con chim gáy còn gọi là chim cu hay chim gâu mà nó “gáy” hay gọi là “gù” bằng cái giọng thổ đồng thì hay tuyệt đỉnh, mà ông Mùi rất yêu quí loài chim Gâu gù giọng thổ đồng nên ông đặt cháu nội yêu là Gâu, nhưng càng lớn thằng Gâu càng không giống người bình thường. Khổ thân thằng bé! Năm nay Gâu hơn hai mươi tuổi mà chỉ như đứa bé lên năm lên bảy. Người quắt queo. Chân tay khẳng khiu trà rào. Đầu to, lưa thưa tóc vàng. Mắt lố, không mi, không mày. Tai bé bằng tai chuột. Mấy cái răng thưa, nhọn như gai. Thằng Gâu không ra hình hài con người. Thương lắm! Thằng Gâu là thế hệ thứ hai bị chất độc dacam/dioxin làm cho biến dạng. Bố nó – thằng Mừng, bị chất độc da cam/dioxin nhẹ, cũng mắt hếch, nói ngoọng, tay trái hơi cong cong, nhưng còn lao động, sinh hoạt khá bình thường, thằng Mừng nhìn con, không chịu nổi, sau mấy năm buồn bã, đã cùng vợ bỏ nhà, bỏ cả thằng Gâu cho ông bà, theo người cùng làng vào Pleiku trồng cà phê. Bây giờ thằng Gâu trong vòng tay ông bà chăm sóc. Nó được ông bà nâng niu, chiều chuộng như đứa trẻ con. Tuy nó thế nhưng hình như nó cảm nhận được nỗi vất vả của ông bà, đặc biệt nó cảm nhận được tiếng gù của chim gáy thổ đồng, nên mỗi lần ông Mùi muốn dỗ nó, cho nó ăn, lại đem con chim gáy giọng thổ đồng ra cho nó gù cù-cù-cù-cù-cù để thằng Gâu vui. Mà lạ, mỗi lần nghe chim gáy thổ đồng gù là mắt thằng Gâu cứ ánh lên vẻ mơ màng mơ màng. Hình như nó thấm được cái giọng thổ đồng thôn dã nồng ấm, bình yên của loài chim quê kiểng thân thương. Ông Mùi cầm bát cháo bón cho thằng Gâu từng thìa nhỏ. Nó vừa chọp chẹp miếng cháo vừa ngó lên lồng chim, thỉnh thoảng lại a à a à vui sướng. Ư, cháu yêu của ông! Ông Mùi thì thầm. Ngoan nhé. Bao giờ tìm được tượng Đức Phật, tìm được hài cốt cụ nội thì ông sẽ đưa cháu lên núi Chúa của ông Sa Thổ, nhờ thần núi Chúa chữa trị cho cháu khỏe mạnh hơn, lành lặn hơn nhé. Ư, ông hứa thật đấy! Ư, Gâu biết không? Thằng giặc Mỹ tệ lắm! Thằng giặc Mỹ ác lắm! Thằng giặc Mỹ đem bao nhiêu là chất độc da cam/dioxin rải xuống nước mình, làm hại bao nhiêu người dân mình, làm hại bao nhiêu bộ đội mình, làm cho bao nhiêu người sinh ra không giống con người như Gâu của ông đây. Thằng giặc Mỹ ác lắm! Ông Mùi nhìn đứa cháu nội không ra hình hài con người mà chảy nước mắt. Ông xúc thêm thìa cháo đưa vào cái miệng bé xíu của Gâu. Chậc chậc! Nào, miếng nữa nào, miếng nữa nào, hai ông cháu mình cùng cố gắng nhé. Ông Mùi chợt ngoảnh ra, nhìn ánh nắng chiều chiếu chéo mặt sân. Ơ, chiều rồi mà mãi chưa thấy ông Sa Thổ đến nhà mình nhỉ? Ông Mùi thì thầm. Ông Sa Thổ cũng là bộ đội đấy. Ông Sa Thổ cũng đánh giặc anh hùng lắm nhé. Ông Sa Thổ hứa sẽ cùng ông đi tìm cho bằng được hài cốt cụ nội, rồi sẽ đưa Gâu lên núi Chúa nhờ Thần núi Chúa giúp đỡ. Chợt có tiếng xe máy rì rì vào ngõ. A, ông Sa Thổ đến kia rồi. Thế là ông Mùi đẩy cũi, đưa thằng Gâu sang nhờ hàng xóm trông giúp, đợi bà nó về. Ông Mùi dẫn ông Sa Thổ vào nhà, pha ấm trà nóng, cùng bàn công việc. Thống nhất kế hoạch xong, ông Mùi đốt ba nén hương, cắm lên ban thờ, nhìn sâu vào ảnh thờ cha Thành, quì gối lạy, lẩm bẩm khấn nôm. Khấn xong, ông Mùi dẫn ông Sa Thổ ra cánh đồng Phiêng Cải. Mùa này, hoa cải vàng lịm cả triền sông Hồng. Lũy tre ngả ngả, rủ lá, soi bóng xuống dòng sông trong xanh, hiền hòa. Gió nhẹ thổi. Ông Mùi đưa chiếc xẻng cho ông Sa Thổ, bảo:

– Hôm nay trời đẹp, có bạn lính giúp sức, may ra tìm thấy cha tôi.

– Cầu mong là thế!

– Lạy Đức Phật! Lạy cha! – Ông Mùi nhìn mãi ra mênh mông cải vàng rải theo triền sông, gương mặt ông heo hóp, mấy vết sẹo đỏ sẹo tím cứ giật giật, vẻ cảm động, miệng lầm bẩm – Mong Đức Phật và cha phù hộ hai chúng con lòng thành, ngày đêm năm tháng chỉ mong tìm được cha, rồi đưa cha về với tổ tông, họ hàng.

– Này – Ông Sa Thổ chợt hỏi – Bác Mùi đã đón thầy cúng về cúng chưa?

– Mấy lần rồi, chú ơi!

– Sao không nhờ mấy nhà ngoại cảm tìm cho?

– Tôi cũng nhờ rồi!

– Thế mà không tìm thấy à? – Ông Sa Thổ lẩm bẩm.

– Khổ lắm! Tôi đã nhờ thầy cúng kiêm thầy bói giỏi nhất vùng Mã Sơn này là thầy Khổng Xích Tồ trên núi Mã Sơn kia, cúng bói mấy bận, rồi đi tìm, đều không thấy. Tôi được bạn bè cho số điện thoại của nhà ngoại cảm Liêu Liêu, liền điện thoại, mời bà lên Phiêng Cải giúp một phen. Vào cuối đông rét mướt. Nhà ngoại cảm Liêu Liêu cũng thắp hương, khấn vái, rồi cầm một cái dây bạc có gắn ở đầu dây một cục kim loại gì đó to bằng quả nhót, trên đầu cục kim loại gắn một viên đá đen ánh lấp lánh. Nhà ngoại cảm Liêu Liêu tay trái cầm ba nén hương cháy đỏ dâng trước ngực, tay phải cầm dây bạc khua khua theo bước chân, đi ra ngõ, đi mãi ra triền sông, cái cục kim loại có gắn đá đen cứ quay vòng vòng ở chỗ nào thì đào bới chỗ ấy, có đến ba bốn chỗ, cũng chẳng thấy gì. Uất quá! Thương cha quá! Tôi đập đầu xuống đất, khóc cha, đến vỡ cả mặt.

– Bao lần còn chẳng thấy, liệu hôm nay… – Ông Sa Thổ lo lắng.

– Cầu may mà lị! – Ông Mùi lẩm bẩm – Biết đâu, cha thương thằng lính còm mình đầy thương tật này? Nào, đào đi!

Ông Mùi nói, rồi đi lại gần một bụi tre gai. Ước lượng khoảng cách chừng năm bước chân, ông Mùi nâng nhẹ cuốc, bổ liền mấy nhát xuống nền phù sa mềm. Ông Sa Thổ cũng lấy xẻng xắn từng xẻng đầy. Ô, phù sa đỏ lịm mà mềm thế! Ông Mùi và ông Sa Thổ đào một hố vuông, hố rộng bằng cái chiếu, đến cuối chiều thì sâu chừng hơn hai mét. Ông Mùi nhảy lên miệng hố, gạt mồ hôi, lắc đầu. Ông Mùi biết, đào sâu đến thế này mà không thấy gì, tức là không có gì, buồn quá. Ông Mùi ngồi ngẩn nhìn ông Sa Thổ hì hụi đào nữa. Ông Mùi không nỡ nói ra cái chuyện thật mà như bịa. Đấy là chuyện, thầy Khổng Xích Tồ nhất quyết bảo rằng, chỉ khi nào gia đình nhà Mùi tìm thấy tượng Đức Phật bị mất thì tự nhiên sẽ tìm thấy mộ cha. Thật thế không? Ông Mùi cúi nhìn xuống cái hố sâu, nước mắt giàn giụa. Buồn nhưng không bỏ cuộc. Hì hụi lấp đầy cái hố vừa đào, ông Mùi lại dẫn ông Sa Thổ vào đầm Vạc, một cái đầm khá rộng nằm ngoài đầu làng Phiêng Cải. Nghe nói, mộ cha rất có thể được dân làng di dời vào đây, nhưng không ai nhớ rõ ngôi mộ nào, vì sau trận lụt lớn năm bảy mốt, dân làng vội vàng đào và di dời một loạt ngôi mộ ngoài bãi sông đưa vào góc đầm Vạc, chạy lụt mà, nên chẳng ai kịp nghĩ đánh dấu ghi danh gì, vì thế bây giờ vẫn còn mấy ngôi mộ thành ra không tên, nhưng ngày lễ tết vẫn có người làng thắp hương khấn vái. Ông Mùi xắn quần quá gối, áo đẫm mồ hôi, vẻ mặt buồn bã, tay run rẩy đốt mấy thẻ hương cắm xuống một ngôi mộ lùm xùm cỏ xanh, cũng nghe dân làng nói, có khả năng cha nằm đây, cứ đào lên, nếu thấy cái hộp gỗ đựng dây chuyền có đồng bạc trắng in hình đôi chim và hình âm dương, và tìm thấy đồng bạc trắng trong miệng hài cốt, là đúng, thôi thì cầu may, ông Mùi cúi đầu khấn vái: “Con lạy Đức Phật! Con lạy cha! Nếu phải cha nằm dưới nấm mộ này, thì con xin được đưa cha về với tổ tông, dòng họ…”. Khấn xong, ông Mùi cẩn trọng bổ từng nhát cuốc quanh ngôi mộ. Ông Sa Thổ cũng thận trọng nhấn từng xẻng đất trên nấm mộ. Mở đất xuống sâu, nước dâng tràn hố, cuốc, xẻng khua lũm bũm. Trời dần tối. Ông Mùi đốt hai ống đuốc dầu và mấy cái nến to cắm trên miệng hố, ánh lửa bập bùng, nhấp nhóa. Ông Mùi đưa cuốc cho ông Sa Thổ, rồi lấy xẻng lựa từng xẻng đất bùn, nhẹ tay đưa lên miệng hố. Cộp! Lưỡi xẻng chạm vào cái gì như là tấm gỗ? Ông Mùi thấy gai gai sống lưng. Nhấn xẻng nữa. Cộp! Là tấm gỗ, có lẽ là nắp ván thiên? Đoán thế, ông Mùi bảo ông Sa Thổ dừng tay. Hai người đốt hương, cắm ngay miệng hố, quì xuống bùn đất, xì xụp khấn vái. Gió thổi nhẹ. Ánh đuốc chập chờn như ma trơi. Đầu làng, chó sủa gâu gâu. Dù đã từng chôn cất đồng đội, từng bốc cất hài cốt đồng đội nhưng ông Mùi vẫn cảm thấy thấy rờn tợn. Thở mạnh. Lựa lưỡi xẻng, ông Mùi bẩy bẩy tấm gỗ. Phựt! Lưỡi xẻng hình như cằm sâu dưới nắp ván thiên. Thở mạnh. Tim đập thình thịch. Ông Mùi định nhấn xẻng nhát nữa thì bỗng nhiên như có luồng điện giật sống lưng, lạnh toát người, tóa đom đóm mắt, trong đầu ù ù như có gió bão, thấy chao đảo, muốn ngã nhào. Ông Sa Thổ thấy rõ ông Mùi sắp ngã, liền túm tay ông Mùi. Ông Mùi giật  tay ra, miệng ầm ừ gì đấy, co chân nhảy phốc lên miệng hố, cầm chai rượu tu một hơi dài, rồi nằm vật xuống cỏ. Ông Mùi dim dim mắt, một lúc lâu, cảm giác lơ mơ, tỉnh tỉnh, mơ mơ. Ô ô, sao thế, ối ối, làm sao, ơ ơ, gì thế, ôi giời, gì thế, gì thế? Ông Mùi cảm nhận như bị ai dìm xuống một cái hố đen ngòm, chợt xuất hiện một người đàn bà quần áo nâu sồng, xõa tóc dài, mặt đen, mắt xanh lét. Ông Mùi sợ hãi, trợn mắt, há mồm ú ớ, muốn kêu cứu mà không kêu được. Người đàn bà nhào lại, xỉa mấy ngón tay xương xẩu vào ngực ông Mùi, quát: “A, thằng này hỗn! Người cùng làng mà mày dám phá nhà tao, hử? Nhà tao đang yên đang lành mà mày dám phá nhà tao, hử? Cả làng này không ai dám phá nhà tao mà mày dám phá, hử?”, ông Mùi run rẩy, cãi: “Tôi đi tìm bố tôi chứ?”, người đàn bà nói lừ gừ: “Bố mày không ở đây! Lâu lắm rồi tao không thấy bố mày. Mày ra ngoài bãi sông mà tìm, nghe chưa?”, ông Mùi khóc lóc: “Tôi tìm mãi rồi mà không thấy bố tôi đâu, khổ thân tôi quá, khổ thân bố tôi quá!”, người đàn bà xõa tóc, xỉa mấy ngón tay xương xẩu vào mặt ông Mùi, quát: “Mặc đời mày khổ! Ai bảo để mất tượng Đức Phật? Không có Đức Phật thì mày không bao giờ tìm thấy cha mày đâu, nghe chưa!”, ông Mùi run rẩy, hỏi: “Thế bà có biết tượng Đức Phật của cha tôi ở đâu không?”, người đàn bà nói: “Làm sao ta biết nó ở đâu chứ?”, ông Mùi nói: “Bà không nói thì tôi sẽ đào nữa!”, người đàn bà quát: “A, Thằng hỗn! Tao sẽ cho mày một trận nhớ đời! Này thằng hỗn này! Này thằng hỗn này!”, người đàn bà nhảy bổ vào ông Mùi, quào quào những ngón tay xương xẩu, ông Mùi hãi quá, rúm người, bật đứng dậy, co chân chạy mất hút vào đêm đầm Vạc.

 

Chương 5                      

1

Tử Pín có ý định thăm dò núi Chúa nên rủ Lỳ – Trạm phó Trạm kiểm soát lâm sản Khau Sưa, đi săn. Vốn là dân bản địa, từ nhỏ Lỳ đã được theo cha cùng phường săn Cò Nòi đi săn khắp vùng Khau Sưa, nhất là săn lợn lòi ở núi Chúa, mãi, Lỳ cũng trở thành chỉ huy phường săn Cò Nòi, nên Lỳ rất chu đáo trong việc chuẩn bị cho một cuộc săn. Bao giờ cũng thế, theo phong tục, phường săn trước khi vào trận săn phải “cúng thoong”. Cuộc săn này, Lỳ chỉ huy, nên ngang chiều, tại nhà sàn của Lỳ, bạn săn tập trung đầy đủ, Lỳ bưng mâm cỗ vào gian giữa đặt lên ban thờ. Mâm cỗ có đủ lễ vật: con gà sống tơ luộc chín còn cả chân, cánh, mỏ, nải chuối goòng chín vàng, năm quả trứng luộc, mấy quả ổi chín thơm nức, một đĩa cá sỉnh nướng, mấy khúc sắn luộc, năm mũi tên… Lỳ rút bảy thẻ hương châm lửa, cắm lên bát hương ban thờ. Các bạn săn và Lỳ quì gối, cúi đầu khấn vái. Lỳ thay mặt các bạn săn kính cẩn khấn: Xỉnh thâng thàn cai quản nả, cung. Thàn thư pưn thua sliểm. Thàn thấu nạn thấu quang. Xỉnh thân thàn pỏ quan sủng tậu. Sủng théo phja cải lộng lác pàn. Vằn nẩy vằn đây. Giơ nẩy giơ mjác. Boong lục so thàn pháp mừa đông. Thấu san háo mông tông đông ké. Chập quang mé gủy nòn. Phúng quang mong gủy kháu. Chập pỏ nạn dáu dáu kha kho. Phúng mẻ mi hỏi cò pẳng lượt. Slưa diếng tàng diếng soóc. Ma han dá phoi phóc khảu mà. Cáu xẩu pây sloa. Khoăn khuy pây slại. Cằm mẳn mi phép cải thần luông. Inh bặng phép thần thông quảng đại1

“Cúng thoong” xong, các bạn săn thay toàn quần áo, mũ rằn ri và giày cao cổ đã được phơi sương phơi nắng suốt ba ngày ba đêm, mang đầy đủ bao đạn, dao nhọn, đèn ba pin gắn trên đầu, dây móc bện chạc dài, bao bông băng và thuốc chống vắt, bi đông nước, bật lửa, mì ăn liền. Riêng Tử Pín có súng săn hai nòng, còn tất cả đều mang súng kíp. Ba con chó săn – con Vằn, con Vàng, con Đen lông đen mượt đang quấn bên chân ông chủ Lỳ, thỉnh thoảng lũ chó lại nghển đầu ngó nghiêng. Nhìn Lỳ và các bạn săn chỉnh tề, Tử Pín thấy yên tâm. Nhất là Lỳ, chàng trai từ hồi còn là học sinh từng tham gia và trở thành chủ phường săn bản Cò Nòi nhiều năm, trông Lỳ to cao, nước da nâu, mặt vuông chữ điền, đôi mắt xếch, miệng rộng, nom rất đàn ông, thì Tử Pín tin tưởng, vui lắm. Mà vui nhất là sau cuộc săn này, Tử Pín hiểu thêm giá trị núi Chúa, sẽ làm dự án khu du lịch sinh thái núi Chúa, nhất định lãnh đạo thành phố Mã Sơn với các sở ban ngành, anh rể Vương, cả chị Kim Hy nữa, sẽ lên tiếng ủng hộ Tử Pín mua đứt toàn bộ khu vực núi Chúa vừa làm du lịch sinh thái, vừa bí mật khai thác gỗ quí và khai thác đá màu. Mảnh đất này sẽ đẻ ra vàng, ngọc, đẻ ra tiền tỷ cho ta! Tử Pín đang mải nghĩ về tương lai núi Chúa thì các bạn săn đã tề tựu trên tảng đá lớn dưới bóng ba cây xổ cổ thụ. Một người nói to:

– Chúng mình lên động cậu Cóc thắp hương chứ?

– Mình thắp hương từ sớm rồi, yên tâm đi! – Lỳ khoát tay.

– Khi nào hạ được con thú sẽ cắt thủ dâng lên cậu Cóc, phải không Lỳ? – Tử Pín lên tiếng.

– Nhất định phải như thế! – Lỳ chém mạnh tay về phía trước.

Nói xong, Lỳ đi quanh, sờ nắn đồ săn trên người các bạn xem đã đầy đủ, thắt buộc cẩn thận chưa, rồi chia các bạn ra ba ngả, hướng về thung lũng Bùn. Mới đầu hạ, cây lá xanh rờn, chim hót ríu ran. Rừng chiều xôn xao. Tử Pín luồn rừng theo bạn săn, mắt luôn ngó ra xung quanh. Ô, rừng mênh mông toàn cây cổ thụ sum suê, cây to hàng mấy người ôm, cây nào là cây gỗ nghiến nhỉ, cây nào là cây gỗ chò chỉ nhỉ, cây nào là cây gỗ lý nhỉ, cây nào là cây gỗ táu nhỉ, ô, nhiều loại cây to lắm, thích thế, quí thế, Tử Pín cứ miên man với cây rừng. Mãi, chợt gặp một cái hồ nước khá rộng, nước trong veo, hỏi bạn săn, Tử Pín mới biết đây là hồ Hoang Thủy. Mặt hồ dài theo dòng suối Leo, hai bên là hai dãy vách đá cao vút, dưới xa kia là cánh đồng rộng lớn của bản Cò Nòi với bản Nà Lai. Ô, một cái hồ treo trên núi! Cái đầu của Tử Pín lắc lư nghĩ, nơi này mà ngăn đập làm thủy điện thì tuyệt. Tử Pín vụm tay vục nước hồ, uống, ờ, mát thật đấy, nước trong nước mát vô tận này rất có thể sẽ đem lại cho ta nhiều tiền bạc đây. Tử Pín giữ kín những ý nghĩ trong đầu, chân bước vội theo bạn săn. Sau một thôi dài xuyên rừng, qua rừng Cò Nòi sang rừng núi Chúa, các bạn săn của Lỳ khép gọng kìm, từ ngang đỉnh núi Chúa xuống, từ khe Cạn tắt sang, từ đồi nứa Ngộ lại, thung lũng Bùn ngang núi Chúa bị kẹp chặt ba phía, đã rất gần. Bỗng con Đen vươn cổ sủa vang rừng rồi vọt lên như mũi tên. Tử Pín nhìn nhanh những dấu chân lợn to đùng, như vừa mới giẫm qua đây. Có chuyện rồi. Tử Pín lẩm bẩm, tay nhét nhanh hai viên đạn vào nòng súng, chạy nhào theo con Đen. Phía kia cũng ầm ầm tiếng chó sủa. Vừa giạt qua quãng rừng nứa, Tử Pín giật mình nghe tiếng qéc qéc qéc, vụt qua trước mắt là những con nai nghềnh ngàng gạc. Tử Pín vội giương súng lên, chưa kịp bóp cò thì nhìn thấy mấy con lợn rừng to lừng lững cũng đang chạy thục mạng qua rừng nứa xuống thung lũng. Chúng vừa chạy vừa húc đổ nhào những cây chuối, rẽ ào ào những vạt lá dong, tông tốc chạy ra bãi bùn lầy. Giống lợn ngu quá! Ba con chó săn đuổi riết ngay đằng sau, thỉnh thoảng lại lao nhoáng nhoàng đớp một miếng vào mông một con lợn, khiến nó hộc lên, quay đầu văng lại, vẻ tức tối. Một con lợn to nhất đàn, càng chạy ra bãi lầy càng bị lún thụt, cứ ục ặc dưới bùn. Tử Pín nhảy lên mấy bước, quì bên gốc cây, giương súng, bóp cò. Pòm! Pòm! Hai tiếng nổ đanh gọn. Con lợn lòi trúng đạn giữa đầu, hộc lên dữ tợn. Một lúc, nó ngả đầu hặc hặc trong bùn nước. Ba con chó săn cùng nhảy ào vào quây lấy con lợn đang giãy giãy, bỏ cho lũ lợn nhỏ chuồn mất. Các bạn săn tụm lại, lấy dây chạc buộc hai chân sau con lợn, rồi hô nhau kéo nó ra khỏi bãi lầy. Con lợn lòi nặng dễ đến hơn trăm cân. Lỳ lội đến trước con lợn lòi gục ngã, chặc chặc lưỡi, nhìn Tử Pín, khen: “Anh giỏi quá!”. Tử Pín cắp ngang nách cây súng, gật đầu, nhếch mép cười hãnh diện. Vẫy tay, Lỳ lệnh cho các bạn cắt thủ, moi hết nội tạng ra. Chỉ một lúc, con lợn lòi được xả làm hai nửa, mỗi nửa cho hai người khênh. Còn lòng già bỏ, dạ dày xẻ tháo bỏ phân, cùng với tim, gan, phổi, lòng non cho vào bao tải xác dứa, hai người nữa khênh cùng với chiếc thủ. Trời vừa tối. Mấy con chó săn chạy trước, cứ ư ử vẻ sung sướng vì đã hạ thủ được con mồi to, thế nào cũng được một bữa no nê. Chúng chạy quấn lên trước ánh đèn pin loang loáng. Vượt qua khe Đá Chồng một đoạn, Lỳ bảo các bạn khênh hai nửa con lợn về trước, còn cái thủ phải khênh ngược lên động thắp hương cậu Cóc, mang về sau. Thế là Lỳ cùng Tử Pín với hai bạn săn nữa, thay nhau khênh cái thủ lợn lên động cậu Cóc. Đến cửa động, đi chậm lại, mọi người nghênh tai nghe tiếng thác Tu Mi dội vào trong động nghe ầm ồ ầm ồ, đến lạ. Lỳ đốt thêm một bó đuốc nứa cho sáng, ánh lửa rực lên khiến cho khắp động sáng lấp lánh lấp lánh. Lũ dơi bám ngay vách đá cửa động thấy ánh sáng liền bay vù vù ra ngoài, cả trăm bóng đen nhấp nhoáng như ma quái, phát khiếp. Lần đầu Tử Pín vào động cậu Cóc, liếc nhìn bao quát, thấy bàng hoàng vì lòng động rộng thênh thênh, ánh sáng và hình thù thạch nhũ ma mị vô cùng. Ô, bao nhiêu là thạch nhũ hình thù kỳ lạ. Kia là cậu Cóc dáng to lớn, hai chân trước rướn lên, hai chân sau ệp xuống bệ đá lớn, mắt lố ánh đỏ, vươn cao cái cổ nhóng nhánh ướt, miệng chành rộng, nom bệ vệ, uy nghi lắm. Kia như đàn voi cuốn vòi, lững thững bước. Kia như đàn hươu nghênh gạc, chạy dài. Kia như lũ khỉ đánh đu cành cây cao. Kia như đàn trăn cuộn mình quanh gốc cây cổ thụ. Kia như con đại bàng bay ngang mây trời. Kia như nàng công chúa ngủ quên trong rừng. Kia như núi non trùng điệp. Kia như tràn ruộng bậc thang bậc bậc lên trời. Kia như hồ nước long lanh buổi sớm. Ôi giời! Tuyệt vời! Từng qua xem động Thiên Cung ở Hạ Long, động Ngườm Ngao ở Cao Bằng, động Cẩu Quây ở Thác Bay, động Tiên Nữ ở Tú Lệ…, nhưng Tử Pín chưa thấy cái động nào rộng lớn và đẹp mê hồn như động cậu Cóc này. Ừ, hồ Hoang Thủy, rừng Cò Nòi, núi Chúa, động cậu Cóc, sao mà lạ thế, sao mà đẹp thế, sao mà thích thế, hãy để đấy, ta sẽ chinh phục ngươi làm giầu cho ta. Cảm ơn Lỳ nhé! Cảm ơn núi Chúa nhé! Tử Pín im im giấu những ý đồ về núi Chúa. Còn Lỳ, từng tới đây thắp hương cậu Cóc mấy lần mà Lỳ vẫn hơi gai người vì hãi. Nhưng cứ nghĩ cậu Cóc linh thiêng vốn thương người lành kẻ khó, nên lại yên tâm. Kia rồi, cậu Cóc ngồi chỗm chệ, hơi nghênh cao cái đầu kiêu hãnh. Lỳ bảo các bạn cẩn thận đặt chiếc thủ lợn lên phiến đá trước mặt cậu Cóc, rồi tất cả cùng thắp hương, cúi đầu lầm rầm khấn vái. Một lúc ngẩng lên, mọi người kinh ngạc vì cái thủ lợn lòi đã biến mất. Hai bạn săn run rẩy sợ hãi, càng cúi đầu khấn vái. Tử Pín thấy thế cũng hết cả hồn vía, nhưng vốn bạo gan nên cứ ngẩng đầu lên, ngó nghiêng khắp động. Bất chợt Tử Pín thoáng thấy bóng con thú to lớn, đúng là con Hổ vằn mà mình đã từng chạm mặt mấy lần ở khu rừng dẻ núi Khau Sưa, đang lao ra cửa động, miệng còn ngoạm theo cái thủ lợn lòi. Tử Pín lạnh toát cả người. Định thần một lát, Tử Pín đi theo Lỳ. Theo ý Lỳ, mọi người tắt đèn pin, mò mẫm đi trong rừng đêm, đi theo tiếng động loạt soạt ở phía trước, đi rất lâu, tay lăm lăm súng đã nạp đạn. Sợ Tử Pín không thạo rừng núi Chúa sẽ lạc rừng, Lỳ lấy quyền chỉ huy, vượt lên, dẫn đường. Tử Pín hiểu ý bạn, im lặng đi theo. Bằng kinh nghiệm đi rừng, Lỳ nhận ra mình đang đi chếch về phía Tây núi Chúa, nơi có một dải núi rất kỳ vĩ, chỉ cách dòng sông Chảy một thôi đường. Trong dải núi đá vôi kỳ vĩ này có nhiều hang động, nhất là động Chùa São, cũng nổi tiếng linh thiêng và kì bí, không mấy ai dám bén mảng. Lỳ từng nghe bố kể, từ xưa đến giờ, những kẻ buôn bè gỗ xuôi sông Chảy bao giờ cũng phải lên động Chùa São thắp hương khấn Thần Núi phù hộ cho bè qua thác Hàm Sấu, thác Tô Mao, thác Mông Sơn, Thác Bay được an toàn. Nhưng tại sao con Hổ vằn này lại mang cái thủ lợn lòi đi xa thế mà không dừng lại để ăn? Nó không biết sợ cậu Cóc à? Nó cố tình dẫn dụ mình sang động Chùa São để làm gì thế? Lỳ vừa nghĩ vẩn vơ vừa phăm phăm rẽ rừng theo con Beo lửa vẫn loạt soạt phía trước. Hai bạn săn và Tử Pín sợ hãi, cứ kéo áo Lỳ ra hiệu quay về, nhưng Lỳ không nghe, hình như đã bị con Hổ vằn kia mê hoặc rồi. Tử Pín lo lắng, hỏi:

– Lỳ có tỉnh táo không đấy ?

– Tôi không sao mà! – Lỳ trả lời, giọng nhỏ.

– Cậu biết con Hổ vằn đi về đâu chứ?

– Đi về phía núi Bạch Mã!

– Theo nó cũng không lấy được thủ lợn đâu, về thôi Lỳ ơi! – Tử Pín hơi run.

– Không được! – Lỳ dứt khoát – Cái thủ lợn dâng lên cậu Cóc, không thể bỏ được, phải theo con Hổ vằn mà lấy lại thôi.

– Nhỡ nó vồ chúng mình thì sao? – Tử Pín không giấu được nỗi sợ hãi.

– Vồ sao được! – Lỳ ra giọng trấn tĩnh – Chúng mình có súng. Mới lại con Hổ vằn chúa sơn lâm này ở núi Chúa đã lâu nhưng chưa nghe thấy ai nói nó vồ người bao giờ. Nó cũng thương người hiền kẻ khó như cậu Cóc ấy. Nó thân với cậu Cóc lắm. Nó thường ngủ ở động cậu Cóc, ăn lễ vật cùng cậu Cóc mà.

Lỳ lại dẫn Tử Pín và hai bạn săn đi nữa, đi mãi, gần sáng thì mất hút con Hổ vằn. Mọi người bật đèn pin, tìm dấu chân con Hổ vằn, thấy rõ là nó đã đi vào trong một ngách động. Lỳ rọi đèn pin vào trong ngách động, ngó nghiêng một lúc rồi dò dẫm vào. Cửa ngách động hơi hẹp nhưng càng vào trong lòng động càng rộng ra. Lỳ đã đi gần khắp vùng núi Chúa  nhưng chưa bao giờ thấy một cái động rộng lớn đến thế này. Lòng động rộng thênh thênh. Nhiều nhũ đá đẹp mê hồn và cũng quái dị đến khủng khiếp. Bỗng Lỳ ra hiệu cho các bạn dừng lại, Lỳ tròn mắt nhìn thấy bao nhiêu thứ ngổn ngang, nào ba lô, túi xách, chăn chiếu, rìu, cưa, dao, xoong nồi, bát đĩa, quần áo, bao tải, rau xanh… Đúng rồi, bọn trộm rừng đây mà. Lỳ ra hiệu cho các bạn lùi ra ngoài, còn một mình nhón chân vào nữa. Ngay chỗ ngoặt ngách bên cạnh, lòng động phình rộng ra như cái sân kho hợp tác xã, đuốc cháy rừng rực, gần chục người toàn đàn ông đang quây tròn trên chiếu, mấy người đang chăm chăm vào những quân bài trên tay, ngoài cùng là hai người đàn bà ngồi im lặng bên bộ ấm chén. Thỉnh thoảng một người lại quật mạnh quân bài xuống chiếu, miệng hét to, vẻ như đang thắng thế. Sơ ý, Lỳ để đầu khẩu súng va “cạch” vào vách đá, nhưng họ đang mê mải bài bạc nên không hay biết gì. Lỳ vẫy các bạn, lặng lẽ chuồn ra ngoài. Luồn rừng mãi, gần sáng thì gặp suối Be, nghe tiếng suối reo rì rào Lỳ biết đã xuống tới chân núi Chúa, mà hình như cánh đồng Nà Lai đang ở phía trước. Thấm mệt, Tử Pín ngồi phệt lên một tảng đá, gác súng, nhìn ra xung quanh rừng già. Cái đầu  Tử Pín lại ngọ nguậy nghĩ xa gần. Ừ, núi Chúa đẹp quá. Phía Cò Nòi kia chỉ được cái hồ Hoang Thủy với dãy vách đá chạy dọc suối Leo. Còn bên này núi Chúa của Nà Lai vừa mênh mông rừng già, lại được cái động cậu Cóc đẹp mà huyền bí, có thác Tu Mi kỳ vĩ, có dòng suối Be nhiều cá chảy suốt từ đỉnh núi Chúa qua bản Nà Lai rộng lớn, qua bao nương bãi và cánh đồng của Mường Ly, bản Vèn, bản Bon, bản Phiêng, bản Thoong Sam, bản Cà Lồ, rồi mới đổ ra hồ Thác Bay. Nếu thuyền chạy từ cảng cá Cao Biền, dọc theo hồ Thác Bay lên cập bến Cà Lồ, từ đây khách du lịch có thể chơi thăm bản người Cao Lan, bản người Nùng, bản người Tày để nghe hát Then, hát Quan làng, hát Pựt, hát Cọi, hát Xình ca, dự đâm luống, nhảy lửa, cầu mùa, lễ cấp sắc, nhiều nét bản sắc dân tộc độc đáo nữa, rồi lên núi Chúa xem rừng già, xem cây nứa, cây vầu, cây song, cây mây, dây vỏ mụng, cây vỏ chay đỏ, xem cây gỗ chò, gỗ nghiến, gỗ lý, gỗ pơmu, gỗ sến. Mùa xuân thì lấy măng vầu, măng mai, măng giang. Mùa hè thì lấy măng nứa, ăn mác kịnh, ăn quả vả, quả mần trầu, hạt balamít, quả chuối rừng đỏ, quả dứa. Mùa thu thì ăn quả trám trắng, ăn quả gắm, rồi lên thác Tu Mi câu cá, rồi vào động cậu Cóc thắp hương khấn vái cầu may. Ờ, khách quê đồng bằng và thành phố cứ tha hồ mà lạ, mà sướng, mà vui. Ta lại thu bao nhiêu là tiền của khách du lịch chứ không à. Hay lắm! Nhưng có lẽ ta làm cái thủy điện Hoang Thủy trước, có nhiều tiền rồi, ta tiếp tục làm du lịch núi Chúa. Có lẽ cũng nên bàn với chị Kim Hy trước để tranh thủ sự quan tâm của anh rể Vương. Tử Pín đang nghĩ mê mải với tương lai du lịch núi Chúa thì các bạn săn tụt mãi xuống. Vừa khát nước vừa tiếc cái thủ lợn lòi, Lỳ cùng các bạn săn tụt nhanh xuống suối Be. Cái lựng suối sâu hút, không có lối xuống, hai bạn săn và Lỳ cứ trượt liều xuống lựng suối Be rửa mặt, rồi vốc từng vốc nước trong lành, uống no bụng. Mọi người còn chưa kịp nghỉ lấy sức thì nghe tiếng quát vang động cả rừng:

– Ai cho phép các ông đi săn núi Chúa?

– Chào ông Sa Thổ! – Tử Pín cố đứng dậy, tay buông khẩu súng săn, nói lặp bặp – Ông thông cảm, chúng tôi giải trí tí thôi mà.

– A, ông Tử Pín! Ông thành con cáo rừng từ bao giờ thế? Mà các ông không có mắt, không biết chữ à? Biển báo to đùng ở chân núi Chúa kia: “Cấm không khai thác gỗ! Cấm không khai thác đất đá! Cấm không săn bắn thú rừng!”, các ông rõ chưa?

– Vâng, nhưng mà… – Tử Pín ngập ngừng vì ngại ông Sa Thổ –  Ông ơi! Cấm khai thác, cấm săn bắn, chứ có cấm vào rừng chơi đâu?

– Núi Chúa có chủ, sao các ông tùy tiện? – Ông Sa Thổ cáu – Tôi sẽ kiện các ông lên lãnh đạo Khau Sưa đấy.

– Ai dà! Tôi xin ông! – Tử Pín nhỏ giọng – Ông biết lãnh đạo Khau Sưa là ai chứ? Ông Sò bí thư, ông Lỉn chủ tịch ư, cái thứ gì ở Khau Sưa này mà hai ông ấy chẳng có phần to? Chúng tôi có săn được con gì thì hai ông ấy ăn chắc cái thủ, cái đuôi với bộ tim gan ngon.

– Tôi bắn ông đấy! – Ông Sa Thổ nhanh tay lên dây nỏ, đặt mũi tên, hướng thẳng vào Tử Pín.

– Ấy ấy! Ông đừng bắn! – Tử Pín né né người, miệng lắp bắp – Tôi xin ông! Tôi với mấy người kia chỉ đi xem rừng núi Chúa giàu đẹp thế nào thôi mà.

– Xem gì? – Ông Sa Thổ to giọng – Gần sáng, tôi nghe tiếng súng trên núi vọng về, biết là có chuyện, không ngờ chính cậu Lỳ trạm phó kiểm soát lâm sản lại đầu têu đưa các ông đi săn trộm núi Chúa của dân bản Nà Lai. Tội ông và cậu Lỳ đáng chết lắm! Tôi cảnh cáo ông! Mũi tên có độc đấy!

Ông Sa Thổ bật lẫy nỏ.

Pựt!

Mũi tên bay vút.

Tử Pín giật thót, bật dựng đứng, loạng choạng, rồi rơi hút xuống lựng suối Be. Lỳ và các bạn săn kinh hãi, tròn mắt nhìn những cuộn sóng nhấn Tử Pín chìm nghỉm, trôi mất hút theo dòng nước.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

2

Động cậu Cóc gợi ý tương lai xa.

Còn cái hồ Hoang Thủy làm Tử Pín cứ mơ màng nghĩ về chuyện sẽ xây dựng một nhà máy thủy điện, cái nhà máy xay nước ra điện, xay nước ra tiền, nước thì sẵn đấy, có mà xay cả đời, nghĩa là cả đời lúc nào cũng có tiền, nhiều tiền chứ lị. Đấy, đất nước mình phát triển, văn minh, giầu lên cũng một phần nhờ có điện. Nhà máy điện quốc gia, mãi, thành nhà máy điện công ty, rồi cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, rộn cả lên. Sướng cái ông chủ tịch hội đồng quản trị. Sướng cái ông giám đốc điều hành. Sướng các ông làm sếp. Sướng nhà nước thu ngân sách. Còn bao nhiêu kỹ sư, công nhân, cũng được hưởng một chút, gọi là. Ừ, Hoang Thủy – cái hồ nước hoang, phải biến nó thành nhà máy xay nước ra tiền cho ta chứ. Nghĩ là làm! Tử Pín phôn hẹn gặp bí thư Sò và chủ tịch Lỉn – hai nhân vật quan trọng nhất của miền Khau Sưa này. Cuối chiều hết giờ hành chính, Tử Pín phi xe máy xuống trụ sở Khau Sưa. Bí thư Sò và chủ tịch Lỉn đang đợi ở phòng làm việc của bí thư Sò. Tay bắt, mặt vui. Ngồi đối diện với hai ông lãnh đạo quan trọng, Tử Pín im lặng, cân nhắc kỹ điều sắp nói. Bí thư Sò rót chén trà nóng, đưa cho Tử Pín, giọng mềm:

– Ông cậu có chuyện gì vui phải không?

– Ông cậu có chuyện gì vui thì cứ nói! – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Thưa hai ông! – Tử Pín nói thẳng – Tôi muốn mua cái hồ Hoang Thủy.

– Ông cậu mua hồ Hoang Thủy mãi trên suối Leo ấy à? – Chủ tịch Lỉn hỏi.

– Phải!

– Ông cậu mua làm gì chứ? – Chủ tịch Lỉn hỏi.

– Tôi làm thủy điện.

– Thủy điện Hoang Thủy? – Bí thư Sò cười – Nghe được đấy!

– Tôi muốn các ông ủng hộ. Các ông sẽ có phần xứng đáng!

– Về chủ trương thì… – Bí thư Sò ngập ngừng – Vâng, về chủ trương thì làm thủy điện là đúng rồi. Thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng nông thôn mới ở Khau Sưa này. Rất tốt! Tôi ủng hộ ông cậu!

– Chủ trương như thế là đúng! – Chủ tịch Lỉn khẳng định – Tuy nhiên, việc này còn liên quan đến dân bản Cò Nòi.

– Ông nói thế nghĩa là còn phải xin ý kiến của dân Cò Nòi chứ gì?

– Ông cậu nói phải!

– Xin ý kiến của dân, tất nhiên rồi! Nhưng dân Cò Nòi hay dân cả miền Khau Sưa này cũng đều là dân của bí thư, của chủ tịch thôi. Các ông làm lãnh đạo, bảo thế nào mà dân chẳng nghe.

– Ời, nói là nói cho phải nhẽ thế thôi. – Chủ tịch Lỉn nhìn bí thư Sò thăm dò ý tứ – Dân đã đành nhưng ông cậu phải gặp riêng trưởng bản Tềnh, nhờ ông ta nói với dân bản Cò Nòi thì việc mới êm thuận được.

– Phải đấy! – Bí thư Sò gật đầu – Trưởng bản Tềnh rất có uy tín với dân bản, nếu ông ta nói thì dân nghe, dân theo ngay thôi.

– Phải, ông cậu cứ gặp riêng trưởng bản Tềnh là xong hết! – Chủ tịch Lỉn quả quyết.

– Ời, chủ tịch nói thế cũng không được đâu! – Bí thư Sò khoát tay, giọng nhẹ nhàng – Thời đại dân làm chủ. Chúng ta muốn làm điều gì thì cũng phải xin ý kiến dân đấy. Dân là gốc. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra mà.

– Ơ lạ! – Tử Pín giương đôi mắt ngắn góc cạnh nhìn bí thư Sò không chớp, giọng sít lại – Nếu dân Cò Nòi bán cho tôi đất, rừng và hồ Hoang Thủy thì nhà máy thủy điện Hoang Thủy là do tôi làm, có phải dân Cò Nòi làm đâu mà bàn, dân Cò Nòi biết gì về thủy điện mà bàn chứ? Vô lý!

– Thôi, không nói vô lý với có lý nữa! – Chủ tịch Lỉn liếc nhìn bí thư Sò, thấy bí thư Sò gật đầu, liền nói như kết luận – Vấn đề là ở chỗ, ông cậu muốn làm thủy điện Hoang Thủy cũng được, đúng với chủ trương chung của nhà nước, cứ chuẩn bị tiền nhiều vào, còn tôi với bí thư Sò sẽ vận động dân Cò Nòi giúp ông, được chứ?

– Ờ, ông nói thế thì tôi được nhờ rồi! – Tử Pín nhếch mép.

– Đồng chí Lỉn phải họp dân bản Cò Nòi xin ý kiến cẩn thận đấy! – Bí thư Sò nhắc lại.

– Vâng, tôi sẽ chỉ đạo cho dân Cò Nòi họp! – Chủ tịch Lỉn gật đầu.

– Cảm ơn hai ông! – Tử Pín giở bài chốt – Tôi sẽ dành phần xứng đáng cho hai ông, quà và cả việc tham gia cổ phần sau này nữa. Một chút nhưng hai ông sẽ thu tiền cả đời, thế nhé!

Bí thư Sò và chủ tịch Lỉn cười hề hà, bắt tay Tử Pín, chào về.

Một tuần sau, theo kế hoạch, chủ tịch Lỉn chỉ đạo ông Tềnh trưởng bản Cò Nòi tổ chức cuộc họp toàn dân bản vào buổi chiều, có sự tham dự của trưởng bản Nà Lai là ông Sa Thổ. Nhà văn hóa Cò Nòi chật ních người, đủ cả người già, thanh niên, phụ nữ, trẻ em, người ta đến để nghe xem cái thủy điện Hoang Thủy sẽ như thế nào, người dân có được hưởng lợi gì không, ai làm cái thủy điện này. Cuộc họp bắt đầu. Ông Tềnh nói lý do cuộc họp. Chủ tịch Lỉn nói ý nghĩa và tầm quan trọng của thủy điện Hoang Thủy. Dân ngồi im nghe. Người gật gù đầu. Người lắc lắc đầu. Một lúc, dân xì xào, xin có ý kiến.

– Tôi xin hỏi. – Ông già Kiêm đứng lòng khòng, giọng rề rà – Dân chúng tôi đã có thủy điện nhỏ rồi, còn cần gì làm nhà máy thủy điện Hoang Thủy nữa?

– Thưa ông, có lẽ thế! – Chủ tịch Lỉn cao giọng – Nhưng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đang cần rất nhiều điện. Nhà máy thủy điện Hoang Thủy tương lai của chúng ta không chỉ cung cấp thêm điện cho Cò Nòi, cho Nà Lai, cho cả miền Khau Sưa, mà điện lưới quốc gia đàng hoàng chứ không nhom nhem như thủy điện be bé của Trung Quốc lắp ở khe suối, điện quốc gia còn cấp cho cả thành phố Mã Sơn, cả đất nước nữa. Vừa vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn đấy.

– Vậy, dân Cò Nòi chúng tôi được hưởng lợi gì không? – Chị Mai chi hội trưởng phụ nữ hỏi.

– Dân Nà Lai chúng tôi có được hưởng lợi gì không? – Ông Sa Thổ đại diện cho dân bản Nà Lai, hỏi.

– Hưởng lợi chứ! – Chủ tịch Lỉn cao giọng – Hưởng lợi nhiều lắm! Này nhé, lúc điện quốc gia mất thì có ngay điện Hoang Thủy của mình, khi hạn hán thì có ngay nước thủy điện Hoang Thủy đổ nước xuống suối xuống đồng, mùa mưa lũ thì hồ thủy điện Hoang Thủy giữ nước lại cho khỏi lũ lụt đồng Cò Nòi, đồng Nà Lai và các cánh đồng dọc suối Be này. Lợi lắm!

– Cháu có ý kiến! – Anh Tâm bí thư chi đoàn thanh niên đứng cuối hội trường, nhìn chủ tịch Lỉn, nói thẳng – Cháu thấy làm nhà máy thủy điện Hoang Thủy trên suối Leo có thể mang lợi trước mắt nhưng về lâu dài thì không tốt đâu. Nhà máy có khác gì “quả bom nước” treo trên đầu dân Cò Nòi, dân Nà Lai và dân dưới hạ nguồn suối Be kia. Nguy hiểm lắm!

– Ầy dà! – Chủ tịch Lỉn lên giọng – Cháu là thanh niên mà biết lo xa, rất tốt. Mà lo gì chứ, đã có cậu Tử Pín đây bảo đảm hết.

– Cháu biết là các bác sẽ bảo đảm hết. – Bí thư chi đoàn Tâm nói tiếp – Cháu đã xem bản thiết kế tổng thể khu vực nhà máy thủy điện, cháu xin hỏi việc di dời mấy chục hộ dân Cò Nòi sẽ đi đâu, làm gì để tiếp tục lo cuộc sống?

– Ờ, thanh niên biết lo cho dân như cháu thế là tốt lắm! – Chủ tịch Lỉn khen, ngoảnh nhìn Tử Pín, giọng tin tưởng – Cháu cứ yên tâm, mọi việc đã có cậu Tử Pín đây lo hết mà.

Tử Pín được lời, đứng dậy, tay kéo kéo cái cổ áo sơ mi kẻ karô, nốt ruồi lông trên mi mắt giật giật, Tử Pín nhếch mép, to giọng:

– Thưa nhân dân Cò Nòi! Tôi là Vũ Tử Pín, Giám đốc Trung tâm kiểm định Thạch Thổ thành phố Mã Sơn, người được giao trực tiếp quản lí công trình, còn Công ty Điện Lực Mã Sơn là chủ đầu tư, tôi đã báo cáo cụ thể với lãnh đạo Khau Sưa và lãnh đạo thành phố Mã Sơn về việc xây dựng nhà máy thủy điện Hoang Thủy và đã được lãnh đạo hai cấp đồng ý. Hôm nay, tôi xin ý kiến của nhân dân Cò Nòi, được nghe những điều mà nhân dân quan tâm, còn băn khoăn, lo lắng. Quyền lợi thiết thực mà. Tôi xin thưa nhân dân! – Tự nhiên Tử Pín nghĩ ra điều mới, càng to giọng – Có mặt chủ tịch Lỉn đây, tôi xin thưa, tại hồ Hoang Thủy sẽ xây dựng một công trình gọi là Công trình thủy lợi thủy điện Hoang Thủy, một công trình vì sự phồn vinh của nhân dân Cò Nòi, nhân dân Nà Lai, nhân dân toàn miền Khau Sưa.

Tử Pín ngừng một lúc, nghe ngóng. Nhiều tiếng xì xào. Ờ, phải kết hợp cả thủy lợi với thủy điện, được đấy. Thủy lợi phải ưu tiên hàng đầu thế chứ. Ờ, công trình này chắc sẽ làm lợi nhiều cho dân bản ta đây. Cái ông Tử Pín này xem ra biết lo cho dân, nên đồng ý đi. Mà ông ta mua bán thế nào nhỉ?… Dường như đoán biết được những băn khoăn của dân, Tử Pín ngẩng cao đầu, nhấn thêm mấy điều quan trọng. Thưa nhân dân Cò Nòi, giọng Tử Pín rất khiêm tốn, rằng, tôi hiểu những điều nhân dân còn băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, nhân dân hãy tin ở tôi. Công trình tôi làm là vì nhân dân, vì Khau Sưa, vì đất nước. Công trình thủy lợi thủy điện Hoang Thủy sẽ được xây dựng bởi những kỹ sư và công nhân lành nghề, tài giỏi, cùng với một công nghệ hết sức tiên tiến của Liên bang Nga và Nhật Bản. Cho nên, nhân dân không sợ “quả bom nước” trên suối Leo đâu! Còn chuyện mua đất, mua rừng, mua hồ Hoang Thủy của nhân dân Cò Nòi, tôi sẽ công khai, minh bạch giá cả, tiền tươi thóc thật, sòng phẳng, không để nhân dân thiệt thòi. Tử Pín lại ngừng nói, gừ gừ đôi mắt ngắn góc cạnh nhìn khắp mọi người như thăm dò, một lúc, lại lên giọng cao vống, còn việc di dời dân thì chúng tôi đã tính toán chu đáo rồi, dân sẽ được chuyển đến khu đồi Trám, ai chuyển nhà thì hỗ trợ tiền chuyển nhà, ai làm nhà mới thì sẽ hỗ trợ tiền làm nhà mới, nhà dân liền kề, tiện cho việc lắp điện, nước, xây nhà văn hóa cộng đồng, nhà mẫu giáo, trường học, trạm xá, còn ruộng vườn cũng khỏi lo, chúng tôi sẽ can thiệp với chính quyền địa phương cắt mấy quả đồi cho dân để trồng cây keo, trông dứa, trồng chuối mô, trồng bưởi Diễn, trồng chanh đào, trồng chè Shan tuyết, a, trồng cây cao su, bây giờ thế giới thiếu nhiều cao su lắm, cao su lấy  nhựa và lấy gỗ đều tốt cả, đều bán được tiền, trồng cây gì cũng bán ra tiền, mới lại, khi hồ thủy lợi thủy điện Hoang Thủy xong thì toàn bộ mặt nước hồ sẽ để nhân dân Cò Nòi nuôi cá lồng, nuôi cá tiểu bạc, cá trắm đen, cá chép đỏ, cá nheo, cá năng, cá chiên, cá hồi, cá tầm, toàn thứ cá có giá trị thương phẩm cao, cả trăn ngàn nhà hàng khắp thành phố Mã Sơn, khắp thị trấn Khau Sưa đều săn mua để hầu các thượng đế sành nhậu, thế nên nhân dân Cò Nòi sẽ không bao giờ lo nghèo đói, mà sẽ giàu lên, chắc chắn là thế, nhé.

Nhiều tiếng xì xào. Ừ, có thế chứ! Vì nhân dân Cò Nòi, vì nhân dân Khau Sưa, vì đất nước, thế là được. Kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề, thế là được. Công nghệ tiên tiền của Nga, của Nhật, thế là được. Mua bán sòng phẳng, tiền tươi thóc thật, thế là được. Dân di dời cũng sướng thế. Đồng ý! Ừ, đồng ý! Tự nhiên tất cả vỗ tay rôm rốp. Mọi người đương ồn ào thì trưởng bản Tềnh đứng dậy, vẫy tay, dàn mọi người ngồi xuống, nói dõng dạc:

– Thưa chủ tịch Lỉn! Thưa ông Tử Pín! Thưa dân bản Cò Nòi! Hôm nay chúng ta mới tạm bàn dập dạp thế đã. Dân bản Cò Nòi cứ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo, nhưng chúng tôi còn phải suy nghĩ cho kỹ đã. Chúng tôi sẽ nhờ các chuyên gia kinh tế xem xét giúp liệu cái thủy lợi thủy điện Hoang Thủy có lợi cho dân không chứ? Như dân quanh hồ Thác Bay đấy, chuyển hết mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nhà cửa, nhường hết núi rừng, vườn cây, ao cá, cả bờ xôi ruộng mật đồng ruộng mênh mông cho thủy điện Thác Bay, thế mà gần nửa thế kỷ dân vẫn không có điện, chẳng biết kêu ai? Và biết đâu, cái thủy điện Hoang Thủy trở thành “quả bom nước” thật thì sao? Ai chết? Ai thiệt? Không dân Cò Nòi, dân Nà Lai với dân dọc suối Be thì ai chết, ai thiệt đây?

Mọi người nghe trưởng bản nói thế, lại xì xào. Ừ nhỉ! Biết đâu đấy, cái thủy điện Hoang Thủy chẳng làm lợi lại làm hại dân mình thì sao? Ai chịu? Ông Sò bí thư chịu à? Ông Lỉn chủ tịch chịu à? Ông quan Tử Pín chịu à? Ừ nhỉ! Xem đã? Nghĩ cho kỹ đã? Mọi người đừng đồng ý vội nhé. Ông già Kiêm đứng lên, nói chậm từng lời:

– Chúng tôi đồng ý với ông trưởng bản Tềnh. Chúng tôi đề nghị ông chủ tịch Lỉn cho chúng tôi thêm thời gian, còn tính toán xem, còn bàn bạc nữa, nhất định là phải nhờ chuyên gia kinh tế tư vấn cho dân chúng tôi, làm sao dân thấy có lợi thì sẽ đồng thuận thôi.

– Nhân dân phải tin tưởng ở chính quyền chứ? – Chủ tịch Lỉn sốt ruột, đứng dậy, vung tay, nói to.

Mọi người ồ lên. Thôi, cứ nghe ý kiến cụ Kiêm, khoan hãy bán rừng, bán  đất, bán hồ cho ông Tử Pín! Xem đã? Nghĩ đã? Phải có tư vấn chứ? Ừ, cụ Kiêm và trưởng bản Tềnh nói đúng đấy. Giải tán đi! Hôm nào sẽ họp tiếp. Chuyện lớn thế đâu phải chuyện đùa!

Nghe thế, Tử Pín đứng ngây người, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cứ giật giật, vẻ bực.

Cuộc họp giải tán.

Về nhà, Tử Pín nghĩ ức cái lão trưởng bản Cò Nòi. Hừ, ta lại phải ra tay với lão này thôi. Tử Pín gọi Rô và Báo, cùng bàn kỹ việc xử lão trưởng bản Tềnh, lão này có hiện tượng ngáng đường, bàn ngang, phải cho một trận ra trò, và Tử Pín gọi ngay trùm đầu gấu Bim sẹo, Sành lỳ, Tẽo liều đến nhà,  giao nhiệm vụ luôn. Vào lúc hoàng hôn, ba trùm đầu gấu đội mũ đen trùm kín mặt, chỉ hở mắt, mồm, tay gậy, tay dao, đón đường ông Tềnh từ trên rừng về qua suối Leo. Ông Tềnh đầu đội mũ lưỡi trai, chân giày vải, lưng đeo bao dao nhọn, vai vác một bó nứa tép, cong lưng lội qua suối. Vừa lúc, bọn đầu gấu lao ra, đạp ông Tềnh ngã ùm xuống nước, bó nứa trên vai ông Tềnh trôi mất. Ông Tềnh vục dậy, liền bị ba tên xúm vào, vật ngửa, dìm ông xuống nước. Ặc ặc ặc! Ông Tềnh sặc nước, giẫy đạp, kêu thét, ba tên đầu gấu cùng kéo ông lên, một tên bịt mồm, một tên bóp cổ, một tên trói tay. Một lúc, hai tên giữ chặt ông, một tên dúi đầu ông xuống nước. Ặc ặc ặc! Ông Tềnh sặc nước, sắp ngạt chết. Một tên túm tóc, kéo ngửa mặt ông, nó nghiến răng: “Cuộc họp ở Cò Nòi, ông đã làm hỏng việc lớn của sếp! Ông phải chết!”, ông Tềnh kêu: “Tôi xin các ông! Không phải tôi mà dân Cò Nòi chưa đồng ý thôi!”, nó nghiến răng: “Ông phải chết!”, ông Tềnh kêu: “Không phải tại tôi! Các ông tha cho tôi!”, nó nghiến răng: “Tha cho ông thì cuộc họp tới đây ông phải vận động dân Cò Nòi đồng ý ngay việc làm thủy điện Hoang Thủy, nghe chưa?”, ông Tềnh run rẩy: “Vâng, tôi nghe các ông!”, ba tên đẩy ông Tềnh ngã xoài bên bờ suối, một tên cầm tệp tiền ném trước mặt ông Tềnh, nghiến răng, bảo: “Thưởng trước cho ông một con trâu, ba mươi triệu đồng đấy. Cuộc họp tới mà kết quả tốt thì chúng tôi sẽ thưởng cho ông một con bò nữa, trị giá hai mươi triệu đồng, còn không, ông sẽ mất cái đội mũ!”, nó vung con dao nhọn sáng loáng, kề vào tận cổ ông Tềnh, nhe răng cười, lạnh toát.

 

Chương 6

 

Cánh đồng Nà Lai nằm trải dài theo chân núi Chúa, rộng gần hai ngàn héc ta, được coi là đẹp và màu mỡ nhất miền Khau Sưa. Người Tày đã cư ngụ ở đây từ bao đời, cội nguồn bền chặt như dãy Khau Sưa, như núi Chúa, như sông Chảy. Cánh đồng Nà Lai mênh mông được vây quanh bởi hàng trăm ngôi nhà sàn người Tày đẹp như tranh vẽ, còn đẹp hơn nữa là bởi hai cung núi phía Tây Bắc và Đông Bắc đều có cánh đồng tầng tầng bậc thang kéo ngược lên núi Chúa, mùa lúa chín vàng trông như những con sóng vàng vỗ ngược lên sườn núi, nhìn sướng lắm. Cánh đồng Nà Lai mùa lúa chín vàng thơm khiến bao nhiêu loài chim tìm đến. Chim gáy. Chim sẻ. Cò trắng. Cò lửa. Sáo đá. Sáo sậu. Sáo đen. Bìm bịp. Quốc cánh nâu. Chim phí. Vịt giời. Bói cá xanh. Đủ các loài chim ăn thóc, ăn cá, săn sâu bọ, ăn chấy rận trên lưng các đàn trâu. Đất tốt cò đậu. Ông cha bảo thế mà. Bây giờ mới giữa hạ mà dân đã gặt vãn cánh đồng Nà Lai. Sớm nắng, cò trắng đầy đồng. Chúng nhón chân, giương mỏ, nhăm nhăm săn tìm cá trong các vũng nước. Cả một vùng vang rộn tiếng gà gáy, tiếng chim hót. Chợt nhớ hẹn, Neo vơ vội chiếc mũ lưỡi trai ụp lên đầu rồi chạy xuống cầu thang, ào ra ngoài đồng. Đúng như hẹn, ông Mùi đang hí hoáy mở lưới bẫy chim gáy. Neo đến bên ông Mùi, hỏi:

– Bác đánh cò hay gáy?

– Đánh gáy! – Ông Mùi ngoảnh lại nhìn Neo, mấy vết sẹo đỏ sẹo tím trên má  cứ giật giật.

– Cháu theo bác cả ngày nhé?

– Mày hỏi cha chưa?

– Không phải hỏi! – Neo lầu bầu – Cháu bỏ học rồi mà.

– Chết cha! – Ông Mùi quay ngoắt lại, giọng gắt – Mày điên à? Không đi học thì mai đây chẳng làm được việc đếch gì cho ra giống người đâu. Đồ ngốc! Đánh chin ngói như bác đây cũng phải có học chứ lị. Học để làm việc có khoa học, học để làm người sống có nhân cách chứ lị. Không học, bác không cho mày theo nữa!

Neo nghe thế, muốn dỗi. Ông Mùi bảo Neo không học thì mai đây chẳng làm được việc đếch gì cho ra giống người đâu? Học quan trọng thế à? Neo ngước nhìn ông Mùi. Ô, mặt ông Mùi sần sùi, lắm sẹo quá! Thế mà bây giờ Neo mới nhìn rõ. Cứ nghe ông kể mãi chuyện đơn vị bị pháo chụp, bị bom B52, rồi chuyện đoàn xe bị trúng bom na-pan, lại có lần bị trúng máy bay Mỹ rải chất độc da cam, Neo mải nghe, chẳng để ý gì cả. Dáng ông gầy hóp, da xám xám, tóc bù xù, mặt sần sùi sẹo đỏ sẹo tím, nghĩ mà thương. Sao bố Sa Thổ mình cũng đi bộ đội mà mặt không có sẹo nhỉ? Bây giờ ông Mùi về vườn, chỉ ruộng nương, mải đánh chim gáy thế mà ông vẫn bảo phải học, học để làm việc có khoa học, học để làm người sống có nhân cách? Neo chưa hiểu khoa học với nhân cách là thế nào, nhưng ông Mùi đã nói thì chắc là đúng rồi. Nhiều lần theo ông Mùi đi đánh chim gáy, nghe ông nói chuyện đẩu đâu nhưng Neo lờ mờ hiểu tâm sự của ông Mùi. Sau câu chuyện vui buồn của ông, bao giờ ông cũng bảo Neo cần phải cố gắng học tập cho tốt. Học để có kiến thức vận dụng vào cuộc sống. Học để hiểu biết khiến không ai lừa được mình. Học để làm người tử tế. Thế nên Neo không dám cãi ông Mùi. Thì mới nói với cha thế chứ Neo đã bỏ học đâu. Biết lỗi, Neo lặng lẽ ngồi theo dõi ông Mùi chuẩn bị bẫy. Bắt đầu là việc ông lấy chân giày dập dập qua mấy hàng rạ quanh một khoảng trống, là bãi đánh chim gáy thường xuyên của ông. Rồi ông trải hai cánh lưới dù hai bên bãi đất trống, mỗi cánh lưới dù dài 2m, cao 1m2, có 2 cọc nối với cọc cắm sâu xuống đất bằng một vòng sắt tròn rất cơ động và sợi dây giật từ hai cánh lưới đó nối với nhau, kéo về chỗ ông Mùi và Neo sẽ nấp trong lùm cây lá mong móng tự cắm phía bờ ruộng. Xong, ông đặt một con chim gáy trên cái vòng lưới tròn bằng miệng bát được gắn vào cần kéo, có dây kéo chạy về phía người nấp. Ông Mùi bảo con này là con mồi bàn. Ông đặt một con gáy khác trên một cái cần phía đầu ngoài hai cánh lưới, có dây buộc tuồn qua lỗ chiếc cọc nhỏ, cũng có dây giật chạy về chỗ nấp. Con này là mồi gẩy. Còn hai con nữa đặt trên vòng cây uốn ngay cạnh chỗ nấp, có dây cước trắng dài buộc vào hai cọc nhỏ cắm sâu xuống đất, cũng ngay cạnh chỗ nấp. Đấy là hai con mồi tung. Những con chim mồi trước khi được đặt vào bẫy đều bị ông Mùi dùng kim khâu mắt. Neo thấy ông Mùi làm thật khéo, luồn sợi tơ chuối mỏng mảnh qua lỗ kim, khâu qua mi mắt con chim gáy, khâu cả hai mắt, ngắt sợi tơ chuối dài ra rồi vắt ngược lên đầu con chim gáy, vê nhẹ hai đầu ngón tay cho xoắn lại, thế là hai mắt con chim gáy bị sợi tơ chuối kéo kín, chỉ trong phút chốc. Làm xong, ông Mùi vẫy tay cho Neo cùng đi bẻ cành cây xanh cắm thêm xung quanh chỗ nấp. Xong xuôi mọi việc, ông Mùi giở thuốc lá hút. Tệ quá, chiến tranh làm cho ông khổ thế lại còn hút nhiều thuốc lá, hại. Ông Mùi rít thuốc liên miên, móp cả má. Đang rít thuốc, ông Mùi chợt phát hiện đàn chim gáy đang bay về từ bầu trời xa thẳm phía Bắc, những chấm đen nhỏ xíu cứ hiện to dần. Đấy là một trong những đàn chim di cư bay từ phương Bắc về phương Nam tránh rét mùa đông tới. Với sự nhạy cảm đặc biệt của người từng nhiều năm kinh nghiệm bẫy chim gáy, ông quăng mẩu thuốc lá, kéo lệch chiếc mũ lưỡi trai ra sau gáy, lệnh cho Neo nấp ngay vào lùm cây. Ông tóm vội hai con chim gáy tung lên trời. Hai con mồi tung bay vụt lên cao, lượn vòng vòng theo độ dài của dây buộc. Đàn chim trời đến gần, bay qua, rồi hạ độ cao, vòng lại. Ông Mùi kéo hai con mồi tung xuống thấp dần, thấp dần. Cùng lúc, ông kéo con mồi gẩy bay lên lơ lửng để nhử đàn chim xuống thấp nữa, thấp sát với mặt ruộng. Và tay kia, ông Mùi kéo con mồi bàn cho nhẩy nhẩy, như đang chấp chới vỗ cánh ngay giữa vòng vây của lưới. Cả đàn chim gáy theo nhau sà xuống chỗ con gáy mồi bàn. Bỗng rụp! Bất thần ông Mùi giật dây. Hai cánh lưới nằm lẫn trong đám rạ giống như hai bàn tay khổng lồ của mụ phù thủy, úp chụp lấy đàn chim gáy. Những con chim gáy béo nung núc cứ cuống cuồng lao vào mắt lưới, hoảng loạn và tuyệt vọng. Neo đếm nhanh được mười tám con. Nhìn lũ chim ngơ ngác hoảng loạn mà thương quá! Neo ngồi thụp xuống bờ ruộng nhìn ông Mùi bắt từng con chim gáy nhét vào lồng. Nghĩ ngợi mãi, Neo mới bảo:

– Bác Mùi ơi! Hay là thả lũ chim này ra?

– Ờ, thả? – Ông Mùi ngẩn ra một lúc, giọng trầm xuống – Thả hết lũ chim gáy này ra thì ngày mai ngày kia ngày kìa nữa, tôi và đứa cháu dại sống bằng gì nhỉ?

– Thế lương của bác không đủ ăn à?

– Chỉ đủ ăn cháo thôi! – Ông Mùi cười khì.

– Ở quê, nhà bác không có rừng, không có ruộng à?

– Có đấy, nhưng vẫn không đủ ăn đâu!

– Hay bác làm việc khác kiếm thêm tiền, không làm nghề bẫy chim nữa?

– Cũng được, nhưng không nghề nào thạo hơn và được nhiều tiền hơn nghề này. Cả cái nghề bác đang coi giữ rừng kia, cũng chả sánh được đâu.

– Mấy chục đồng một con, bõ gì! – Neo dề môi xem thường.

– Phải, nhưng cũng có khi bán một con được vài triệu bạc đấy, cậu bé ạ.

– Ai mua đắt thế chứ?

– Người ăn thịt thì mua rẻ thôi. Còn người chơi chim gáy để nghe nó gù thì vô giá.

– Mà ai mua đắt thế chứ? – Neo gặng hỏi.

– Còn ai? Các ông có nhiều tiền, các ông quan chức sành điệu chơi chim.

Ông Mùi nói thản nhiên như không khiến Neo phát chán. Neo chẳng hỏi nữa, ngồi chồm hỗm nhìn lũ chim gáy nhẩy nhót bất lực trong chiếc lồng ma quỉ kia. Ôi, những con chim gáy hiền lành, Neo thầm nghĩ, những con chim gáy gáy rộn rã ban mai, gáy bừng sáng cả bản làng, làm sao lại ra nông nỗi này? Mà ông Mùi cũng lạ, xem ra rất hiền lành, tốt bụng, biết thương người, sao lại không biết thương lũ chim rừng chứ. Một lúc cả mấy chục con bị bắt, cứ hình dung chúng bị vặt trụi lông, vặn cổ, mổ bụng, xiên nướng, thật khiếp! Neo cũng thỉnh thoảng đi bắn chim rừng, chim ruộng, đem nướng, nhưng chỉ vài ba con bìm bịp, chim cuốc, chim rẽ, gà rừng, toàn thứ chim vớ vẩn chứ đâu có giết nhiều chim gáy với cò. Giết nhiều chim gáy với cò như ông Mùi thì mấy nữa mà Nà Lai không còn được nghe tiếng chim hót, tiếng chim gáy, cánh đồng Nà Lai sẽ không còn cánh cò bay mỗi sớm mỗi chiều, chả có ai làm bạn với người đi cầy đi cấy nữa, làng bản sẽ buồn thảm lắm đấy, rừng sẽ buồn khô héo mà chết đấy. Neo ngơ ngơ nhìn đâu mãi đỉnh núi Chúa, lòng nguội như con gấu mùa đông trong hang đá. Còn ông Mùi thì hết nhìn lũ chim gáy đang nháo nhác trong lồng, lại nhìn vẻ mặt rầu rĩ của Neo, biết rằng nó đang buồn lắm. Ờ, ông Mùi nghĩ, cái thằng Neo còn bé mà nó đã biết thương lũ chim trời, thế là đứa tâm sáng, có lòng nhân ái, sẽ biết thương con người. Nhưng mà Neo ơi, thương người nào kia chứ? Mày không biết đấy thôi. Nếu mày biết chút ít về cuộc đời đau buồn của ta  thì mày sẽ thấy cuộc đời này có bao nhiêu người đáng thương yêu, mà cũng có bao nhiêu kẻ đáng ghét. Chẳng hạn, ông Vương sếp lớn của thành phố Mã Sơn bây giờ, ai ngờ lại chính là con trai ông Lê Lang Quân từng làm thông ngôn cho Pháp, người đã đưa lính Pháp và lính dõng đến nhà ta bắt Việt Minh, rồi đánh cắp pho tượng đồng đen Đức Phật trên ban thờ nhà ta  mà lâu nay ta vẫn đang mải miết đi tìm tung tích pho tượng đó. Sếp Vương đấy, bây giờ người ta làm chức to, thần thế như giời, giàu nứt đố đổ vách, ăn chơi sành điệu. Bây giờ ta lại thành cái thằng luôn phải cung phụng chim gáy ngon, chim gáy thổ đồng cho ông ta. Đàn chim gáy này, ngay ngày mai sếp Vương sẽ cho tay Rum thư ký riêng xuống tận nhà ta để chọn con nào béo nhất, con nào hay nhất. Con béo nhất sẽ đem nướng chả băm viên đánh chén chơi. Con hay nhất được để nuôi làm cảnh chơi. Muốn nghe tiếng chim gù thì người ta đã mua hết mấy con chim gáy của ta, cả con gáy giọng thổ đồng nữa. Mà mua đắt khiếp nhá. Năm triệu một con. Ta thét giá cao cho bõ tức. Đâu ngờ, người ta mua tắp lự, lại còn thưởng thêm cho ta trăm ngàn đồng gọi là lấy chỗ còn đi lại. Nghĩ mà ức! Nhưng Neo biết không, cả đời ta đang phải đi tìm pho tượng đồng đen Đức Phật, thứ quí giá lắm, của gia bảo đấy, rất có thể nó đang trong nhà của sếp Vương, nên ta cần đến nhà ông ta để xem… Mà thôi, chuyện bí hiểm và dài lắm, mày chẳng hiểu được đâu Neo ơi! Ờ thế nên, con gáy thổ đồng cũng bán, cần đếch gì, có nghề trong tay, sẽ lại có chim gáy thổ đồng khác, cần cóc gì chứ. Lúc nào rảnh, ta sẽ nói cho mày nghe. Mày cũng sẽ mê liền. Mày không bắt nó thì thôi. Ta vẫn phải bắt nó để kiếm tiền nuôi cháu và lần tìm manh mối của gia bảo… Mà bây giờ ta với cái lão Vương ấy, can hệ đếch gì. Lão làm quan. Ta làm dân. Quan nhất thời. Dân vạn đại. Sợ đếch gì chứ! Phải thế không? Mà thôi. Lúc nào ta sẽ nói cho mày nghe, khi mày lớn lên và học hành cho giỏi giang đã. Lặng im rất lâu. Neo chợt ngoảnh lại, thấy mặt ông Mùi thừ ra, liền hỏi:

– Bác nghĩ gì thế?

– Chẳng nghĩ đếch gì! – Ông Mùi nhấc lòng chim để cạnh Neo.

– Không nghĩ gì mà im lặng lâu thế?

– Im lặng để không nghĩ gì cả!

– Buồn cười! – Neo phì cười – Cháu chẳng hiểu gì cả. Người lớn nói chuyện buồn cười bỏ cha. Im lặng mà lại để không nghĩ gì chứ lị. Chả tin được. Cháu mà im lặng thì cứ nghĩ lung tung.

– Thế lúc nãy im lặng thì mày nghĩ lung tung điều gì?

– Cháu nghĩ việc bác bẫy chim là độc ác. Song lại nghĩ đến chuyện ông Tử Pín nào đó về nhà cháu khuyên bố cháu nên bán cái rừng núi Chúa cho ông ta để làm du lịch sinh thái và nói với dân bản phải chặt hết rừng để trồng bạch đàn, trồng bồ đề, làm giàu cho dân. Cháu cũng nghĩ ông ấy cũng độc ác như bác. Ghét quá!

– Tử Pín? Ô, cái tay này là em cậu của sếp Vương, hắn lại có chuyện với bản Nà Lai đây? – Ông Mùi nhướng xếch đôi lông mày, to giọng – Hắn ta đi với ai nữa?

– Hai người nữa.

– Người nào?

– Cái ông Sò và ông Lỉn là lãnh đạo Khau Sưa đấy.

– Lúc ấy Sương có nhà không? – Ông Mùi chợt hỏi.

– Vừa lúc chị Sương về. Ông Tử Pín có vẻ quấn chị Sương lắm.

– Chết rồi! – Ông Mùi thốt lên, vẻ hốt hoảng.

Ông Mùi không hỏi Neo nữa. Ông biết, ông Sò bí thư và ông Lỉn chủ tịch Khau Sưa với Tử Pín, nghe nói quan hệ làm ăn khiếp lắm. Sự có mặt cả mấy người này ở nhà ông Sa Thổ, mà cái tay Tử Pín cứ quấn lấy Sương là sẽ có chuyện chẳng tốt lành gì đâu. Tự dưng ông Mùi như nổi cáu, mặt hầm hầm, miệng ầm ừ, quăng tấm lưới ra vệ ruộng, tay nhấc bổng lồng chim, mở cửa lồng cho đàn chim gáy bay túa lên bầu trời xanh tít, quăng chiếc lồng chim xuống ruộng, rồi bước xăm xăm trên bờ ruộng, về nhà ông Sa Thổ. Neo vơ chiếc lồng chim, chạy theo sau.

Về nhà, Neo và ông Mùi mới biết Tử Pín đã đưa Sương đi chơi thành phố Mã Sơn. Ông Mùi lắc đầu, nhìn ông Sa Thổ, nói cụt: “Chú Sa Thổ tệ!”, có ý trách móc ông Sa Thổ quá dễ dãi, để con gái đi chơi với người không đáng tin cậy. Neo thì hậm hực vì biết anh Lỳ rất quí chị Sương, mà Neo lại rất quí anh Lỳ, liền bấm Nokia: “Anh Ly oi, chieu nay ong Tu Pin dua chi Suong di choi thanh pho Ma son day, toi nay anh phai gap chi Sương ngay nhe”. Nhận                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         được tin nhắn của Neo, từ trạm kiểm soát lâm sản vừa về nhà, Lỳ vội  bấm iPhone, nhắn tin: “Suong oi! Bay gio toi, chung minh gap nhau o ben đa nhe!”. Một lúc, Lỳ nhận được tin nhắn từ Nokia của Sương: “Em con ban on tap, sap thi tot nghiep roi, anh thong cam nhe!”. Lỳ đọc đi đọc lại tin nhắn, vừa buồn, vừa buồn cười, gì nhỉ, “Em con ban on tap… anh thong cam nhe”, chữ mới chả nghĩa, mất hết dấu, mất cả hứng! Biết rồi, “Em còn bận ôn tập, sắp thi tốt nghiệp rồi, anh thông cảm nhé!”, thì thôi. Ờ “thì thôi” nhưng Lỳ không thể cầm lòng. Hình ảnh Sương khiến trái tim Lỳ xao xuyến. Từ ngày Lỳ tốt nghiệp Trường phổ thông trung học Khau Sưa, rồi đi học Đại học Lâm nghiệp Thái Nguyên, thì Sương mới vào lớp mười, cô bé Sương tuổi dậy thì dáng cao dỏng, eo thon con ong vàng, ngực chum chúm trái mắc coọc, tóc dài xanh mượt, mắt bồ câu sáng long lanh, mũi thẳng, làn môi hơi dày và tươi thắm như hoa đào mùa xuân, ai dà, cô bé Sương làm lịm  lìm lim trái tim bao chàng trai lớn. Không hiểu sao, có lẽ trời xui khiến, một lần về dự kỷ niệm ba mươi năm thành lập Trường phổ thông trung học Khau Sưa, nhìn thấy Sương tươi tắn trong đội tiếp tân là Lỳ mê Sương ngay từ cái tuổi dậy thì ấy, mê mà Lỳ không dám gặp Sương trực tiếp ở trường, không dám thổ lộ tình cảm, vì ngại ngùng mình còn đương là sinh viên, khổ thế, nhưng dịp nghỉ hè Lỳ thường xuyên tìm cớ từ Cò Nòi sang Nà Lai, giả vờ đi rừng núi Chúa, qua nhà chào ông Sa Thổ, chỉ để nhìn thấy Sương một tí thôi, hôm thì giả vờ mang cho em Nương mượn mấy cuốn truyện thiếu nhi, chỉ để ngắm Sương phút chốc thôi. Còn những ngày học ở đại học lâm nghiệp Thái Nguyên thì Lỳ thường xuyên viết thư cho Sương, cũng chỉ dám nói chuyện loanh quanh về quê hương, về chuyện học hành của Sương, và thỉnh thoảng gửi cho Sương mấy cuốn sách có liên quan đến luyện thi đại học, thế thôi. Ngày ra trường, Lỳ được nhận công tác ở Chi cục kiểm lâm Mã Sơn, rồi được điều về làm trạm phó Trạm kiểm soát lâm sản Khau Sưa, về quê hương càng có điều kiện gần Sương, thật là trời ban cho sự may mắn. Làm cán bộ, Lỳ mạnh dạn hơn, thỉnh thoảng đến tận nhà Sương, vờ chuyện phiếm với ông Sa Thổ về cây, về suối, về rừng núi Chúa, thực lòng cũng chỉ để ngắm Sương cho bớt nhớ nhung. Dần dần Lỳ cảm nhận ông Sa Thổ có lòng thương quí, vì cuối tuần nào ông cũng gọi Lỳ vào chơi, làm mấy chén rượu đao rừng với cá suối nướng, say sưa thì nói chuyện rừng chuyện núi, chuyện cây cối, chim muông, thật vui. Còn Sương, cũng chăm bẵm cuộc rượu của bố và cán bộ Lỳ, nên gần gũi, thân tình. Bây giờ Lỳ thành người thân quen trong gia đình ông Sa Thổ, có nhiều dịp gặp gỡ Sương, nhưng Lỳ biết Sương đã thực sự là thiếu nữ xinh đẹp nhất miền Khau Sưa, nhiều chàng trai dòm ngó, nếu không “giấm” trước thì sẽ chẳng có cơ hội nào cho tương lai mà Lỳ ấp ủ, ước mong. Ơ, thế thì chẳng “thì thôi” nữa, Lỳ lại bấm iPhone, nhắn tin tiếp: “Suong oi! Mươi gio, on tap xong, em ra ben đa nhe. Anh nho em lăm!”. Một lúc lâu, Lỳ nhận được tin nhắn tư Nokia của Sương: “U đau… ma thoi, em se ra”. Lỳ đọc tin nhắn, tệ  quá, u đau, hì hì, tưởng là “ứ đâu”, rồi lại “em se ra”, hì hì, em sẽ ra, vui thật đấy. Thế là cơm nước xong, Lỳ ngồi ngoài hiên nhà sàn, ngó trăng lên, ừ, trăng mười ba còn khuyết, trăng đến đâu là mười giờ nhỉ, sao mà lâu tệ. Mảnh trăng khuyết cứ như con thuyền trôi bồng bềnh giữa bầu trời đêm trong thăm thẳm với muôn vì sao lấp lánh. Cuộc đời con người có giống con thuyền trăng kia không nhỉ, tự nhiên Lỳ nghĩ vẩn vơ, ừ, lạ chứ, con thuyền trăng kia hết khuyết lại tròn, hết tròn lại khuyết, cứ bồng bềnh trôi giữa vô tận, chẳng biết có bến bờ nào, ừ, em Sương cũng như con thuyền trăng kia, đẹp thế, sáng tỏ thế, nhưng rồi sẽ trôi giạt bến bờ nào kia, như chiều nay đấy, em Sương đi theo Tử Pín về thành phố Mã Sơn chơi, có lẽ em thích bởi người ta có nhà lầu, xe hơi, siêu thị hoành tráng, khách sạn sang trọng, tiền nhiều như nước suối Be, lại chức quyền lớn, chẳng biết cuộc chơi thế nào, biết đâu em ngại gặp mình cũng vì… Ô, vẩn vơ quá, gần mười giờ rồi, Lỳ xem đồng hồ, vội xuống sàn, nổ máy xe SIRIUS, phi như bay sang bản Nà Lai, gửi xe ở quán tạp hóa của cô May, rồi ngược suối Be, vào bến đá. May quá, Sương chưa đến. Lỳ ngồi một mình trên phiến đá rộng và phẳng ngay dưới gốc ba cây xổ cổ thụ, ánh trăng chảy qua kẽ lá xổ tràn xuống mặt nước suối sáng lấp lánh. Qua mười giờ một chút thì Sương đến. Lỳ vồn vã:

– Em mệt không? Vào đây ngồi với anh!

– Nhiều bài tập quá. Em làm mãi mà không hết.

– Anh sợ em không đến được!

– Em đã hẹn làm sao quên chứ!

Đợi Sương ngồi bên cạnh, hai tay khoanh gối, ô, mùi nước hoa thơm nồng nàn, biết là em Sương có khác tí rồi, Lỳ chuyện xa:

– Chiều nay em đi chơi thành phố vui không?

– Vui lắm! Ai dà, siêu thị và khách sạn của cậu Tử Pín to ghê, đẹp ghê. Cậu Tử Pín giỏi thật đấy!

– Em có thích ở thành phố không?

– Thích chứ! – Sương thật thà – Ở thành phố cái gì cũng sẵn, thứ gì cũng đẹp, tiện nghi tốt từ đường sá đến nhà ở, trường học, bệnh viện, chợ búa…

– Thế thì nay mai em về thành phố ở, nhỉ?

– Vâng, nếu có điều kiện, nhưng mà… – Sương ngập ngừng – Ở thành phố đông người quá, nhà liền nhau quá, mà người ta lạnh lùng làm sao ấy. Em đến Khách sạn Hoa Ban Tím thấy nhiều cô gái trẻ xinh, váy áo đẹp, ngắn lửng, nhưng vẻ mặt lạnh lùng, mắt buồn như mắt con nai lạc mẹ, khó tả lắm.

– Sao em bảo thích?

– Nhìn thấy thích thế thôi! – Sương cười giòn, giọng mềm thoảng như gió núi – Ở thành phố có đẹp, có giầu bao nhiêu cũng không thể có núi Chúa hùng vỹ với rừng xanh ngút ngàn, không thể có suối Be trong xanh, mát lành, không thể có hoa rừng nở bốn mùa thơm ngát, không thể có thú kêu, chim hót ríu ran mỗi sớm mỗi chiều, không thể có ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, không thể có nhà sàn quanh năm ngún ngọn lửa hồng ấm áp như tình người Tày, người Dao, người Nùng, người Mông quê Khau Sưa, phải không anh?

– Ơ, em nói cứ như thơ, hay thế! – Lỳ khen, nhân thể ngồi dịch sát Sương, đặt bàn tay thô lên vai Sương, nói ngập ngừng – Em nghĩ về quê hương sâu sắc thế nghĩa là em đã thật sự lớn rồi đấy. Sương ơi! Anh muốn nay mai học xong đại học, em về quê mình công tác, anh… anh chờ em nhé?

– Sao cơ?

– Là anh nói, sẽ chờ em!

– Chờ em?

– Như người thân chờ người thân, như người yêu chờ người yêu ấy!

– Thế á? – Sương chợt hiểu ra, bật cười giòn tan – Anh Lỳ ơi! Em chưa nghĩ gì về tình yêu đâu. Em còn bé mà!

– Bé chứ? – Lỳ cười hì hì, cố khỏa lấp sự ngại ngùng – Người Tày chúng mình nếu không đi học thì lấy vợ lấy chồng từ tuổi mười lăm kia, như bố Sa Thổ đấy.

– Úi, người xưa lạc hậu khác, lớp trẻ bây giờ khác chứ!

– Thôi, anh không tranh luận với người đẹp người giỏi nữa! – Lỳ mạnh bạo, ghé sát Sương, vuốt nhẹ mái tóc dài mượt của Sương, thì thầm – Sương ơi! Anh yêu em! Anh yêu em như yêu núi Chúa, như yêu dòng suối Be, như yêu ruộng bậc thang đồng Nà Lai, như yêu bếp nhà sàn quanh năm ngún ngọn lửa hồng ấm áp. Anh chờ em thật mà!

– Ứ, em còn bé, còn đi học nữa… chưa… chưa biết yêu mà!

Không ghìm được con tim đập mạnh mẽ, Lỳ ôm ghì lấy Sương, hôn cuống cuồng, nụ hôn đầu đời của Lỳ và Sương mê đắm, không dứt, như gió bay núi Chúa, như nước chảy tràn suối Be, như hoa rừng nở mùa tiếp mùa, như bếp nhà sàn ngọn lửa ngún hồng nồng nàn vô tận. Mãi, hai người mới dứt ra, mới nghe thấy tiếng suối Be chảy rì rào, mới nhìn thấy ánh trăng vàng lấp lánh lựng nước bến đá.

Sương ấm mềm trong vòng tay Lỳ.

Ba cây xổ cổ thụ trùm bóng xuống phiến đá.

Ánh trăng tỏa sáng, lấp lánh vàng, lấp lánh vàng, lấp lánh vàng!

HOÀNG THẾ SINH

(Còn tiếp)

———————-

1 Trình cùng thần cai quản ná, cung. Thần giữ tên mũi nhọn. Thần săn nai săn thú. Trình cùng thần tạo súng thần công. Súng nổ núi thủng thành hang lớn. Hôm nay ngày lành. Giờ này giờ tốt. Chúng con xin thần phép lên rừng.  Săn cầm thú tưng bừng rừng rậm. Gặp hươu cái nằm co. Đụng hươu móc quì gối. Gặp nai đực lộc ngộc chân què. Đụng gấu cái cổ treo ống máu. Hổ nhường đường nhường lối. Chó sói không quẩn vào trận săn. Mọi thứ xấu tuồn bên phải. Mọi thứ quái đản tuồn bên trái. Câu “mẳn” có phép lớn thần to. Nghiệm như phép thần thông quảng đại.(Cúng thoong- cầu may, một tục cúng của người Tày trước khi vào trận săn thú rừng). 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *