Chúa đất miền Khau Sưa – Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh – Kỳ 4

Vanvn- Cô Sao ngó nghiêng, không thấy bóng ông Mùi, liền tháo bỏ túi cây thuốc xuống gốc cây, chạy nhanh ra tảng đá ven suối, lưỡng lự, vừa lúc ông Sa Thổ nhô đầu lên, Sao nhào xuống suối, ngụp ngoạp nước. Ông Sa Thổ nhổm người khỏi mặt nước, tưởng Sao ngã suối, vội nhào ra, ôm chặt lấy Sao, kéo vào bờ. Sao rũ tóc, hai tay nguẩy nguẩy, chân đạp nước oạp oạp, miệng kêu cứu với, cứu với. Ông Sa Thổ ôm Sao đặt lên tảng đá. Ô ô, ông Sa Thổ chợt nhận ra mình đang trần truồng, vội buông Sao, chạy tút lên rừng…

Nhà văn Hoàng Thế Sinh ở Yên Bái

>> Chúa đất miền Khau Sưa – những điều muốn nói

>> Ở “Xứ Mưa” có Hoàng Thế Sinh 

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 1

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  2

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  3

 

Chương 10

 

Mùa thu.

Bầu trời đêm thăm thẳm.

Mảnh trăng như con thuyền bồng bềnh trôi giữa muôn vì sao lấp lánh. Tối nay cái Thương con cô Sao với cái Nương đi họp lớp, tập văn nghệ chuẩn bị cho Trung thu. Sa Thổ ra hiên sàn ngó lên trời. Ô, trăng sáng thế! Giờ này một mình cô Sao ở nhà? Sa Thổ mỉm cười, mắt nháy nháy nhìn mảnh trăng cô đơn. Bao kỷ niệm thời thanh niên ào ạt trở về. Vui thật, đám thanh niên bản Nà Lai ngày ấy học cùng lớp, hay rủ nhau đi lên rừng đốt lửa lấy tổ ong khoái trên cành cây cổ thụ, tranh nhau ăn mật, miệng nhoe nhoét mật và sáp vàng, trưa hè rủ nhau xuống suối Be bắt cá sỉnh nướng ăn, rủ nhau đi đặt bẫy chuột rừng, rủ nhau đi đào con dúi dưới những bụi nứa hoặc dưới những khóm lau, xách nỏ lên rừng nghiến cổ thụ bắn sóc…, thích nhất là rủ nhau đi chọc sàn1, thế mà khối đứa tìm được người yêu, rồi thành vợ chồng, như thằng Bình, thằng Duân, thằng Chuyên, thằng Cảnh, thằng Điếp, thằng Minh, thằng Mão, thằng Vinh, thằng Toàn, hay thế chứ. Còn mình thì bố bắt đi làm rể bản Bon, Phố Ràng. Ngày ở bộ đội về, lúc ốm, Sa Thổ được cô Sao lấy thuốc, chữa khỏi, nhưng ánh mắt cô Sao lại bắt mất hồn Sa Thổ. Chuyện cô Sao thật tội nghiệp, cô ấy lấy chồng, cái thằng Chước bạn mình, sinh được con Thương thì Chước bệnh nặng, cô Sao thuốc thang mãi, bán mất cả đàn trâu lấy tiền đi viện mà cũng không cứu được chồng, nghe nói Chước bị ung thư, đành chịu chết. Cô Sao ở vậy nuôi con, mà càng ngày càng xinh đẹp, nước da trắng hồng, người cao dỏng, ngực căng nức trái bưởi, eo thon thon, tóc dài xanh mượt, mắt sáng long lanh, mũi thẳng, môi hơi trề đỏ ướt, nhìn thích lắm. Người trong bản Nà Lai thấy cô Sao ngày càng xinh đẹp, cứ tươi phởn, mà chẳng lấy chồng, nên xì xào đưa chuyện, nào là chồng chết nhưng hồn vẫn yêu vẫn theo nên nhốt kĩ như chim trong lồng, nào là cô Sao chắc bị ma đàn ông ám, nào là kiêu kỳ kén chọn, nào là cao số…, ai dà, nhiều cái “nào là” lắm, vẫn nghe nhưng cô Sao không nói gì, cứ hồn nhiên sống, thế thôi. Nhớ mãi, mỗi lần Sa Thổ từ Hà Giang về phép, chỉ ba ngày thôi, là Sao lại sang nhà cùng mẹ Thao hì hụi nấu cơm, thỉnh thoảng Sao nhìn trộm Sa Thổ, ánh nhìn lạ lắm, cứ đắm đuối thế nào ấy, Sa Thổ thì chẳng biết gì nhưng mẹ Thao biết hết, bà lo cho con trai Sa Thổ có ngày bị ánh mắt cô Sao bỏ bùa, phải lòng thì nguy, mà lúc ấy, cô Sao mới mười lăm tuổi thôi. Ánh mắt bùa bả của cô Sao bắt hồn Sa Thổ đến tận bây giờ. Nhớ thế, trái tim khỏe mạnh của Sa Thổ cứ đập rộn lên. Trăng ơi, Sa Thổ thì thầm, tôi sang nhà Sao đây, nhớ lắm, tôi xin chịu tội với mẹ con Sương, thằng Neo, con Nương, tôi có tội với cả nhà nhưng tôi nhớ Sao, ánh mắt đắm đuối của Sao từ thuở mười lăm đã bắt mất hồn tôi rồi. Ư, tôi sang nhà Sao đây. Nghĩ thế, Sa Thổ xuống thang, đi ngay, một mạch, đến đầu sàn nhà, Sa Thổ ngó ra xung quanh, không thấy ai, chỉ nghe tiếng suối Be rì rào chảy, chỉ nghe gió thổi lá cây xôn xao, chỉ thấy ánh trăng đổ tràn từ mái nhà xuống tận chân cầu thang, lấp lánh lấp lánh. Sa Thổ  nghển lên, khe khẽ cất tiếng:

Tọt còn te au màu. Ău con te oóc lúc.2

Như có linh cảm, Sao biết ngay là giọng của Sa Thổ, liền ngó ra cửa sổ, lên giọng ngọt ngào:

Bjoóc phông mẻn tuyết trắng pền mác. Pác phuối chúng tỷ chắng pền cằm.3

Biết là Sao đã bắt lời, Sa Thổ vội hát:

Noọng sjao ới noọng sjao. Bân đỉn bấu cụm hẩư sjoong là. Chắng hẩư hương lìa lìa va cách lặm. Chắng hẩư pìa lìa nặm cách quây. Chắng hẩư khêm lìa may dú lé.4

Sao hát:

Chài ơi! Vằn cón moóc lông tổng bấu dau. Vằn nạy moóc khửn khau chắng ước. Còi hăn moóc khau noọc yếm đai. Moóc bấu lồng đon sài pày mấư.  Lồm pặt khảu suôn ỏi bâư lỳ. Lồm pặt khảu suôn chì vẻn vẹn. Mừa lườn còi chúp khen mìa nòn. Mon bấu mì ău khen mà tối.5

Sa Thổ hát:

Sjíp sjí hai rúng tỏa. Sjíp hả hai rúng mần. Đao nạy đao rúng ỏng cầu loan. Chang khừn cáy khăn tàn xao xác. Điếp bạn mốc sảy khát bặng bon. Chang khừn bấu lo nòn hác rúng. Đua phăn tả một mính quang minh. Chít hương khửn bân đin tạ thổ. Bân còi cụm củ hâư soong rà. Dá hâư hương lìa va cách lặm. Dá hâư pia lìa nặm cách vằng. Dá hâư ẻn lìa lằng dú quẹng.6

Sao hát:

Chang khừn nòn đua điêu bấu đắc. Đảy nhìn tiểng khảm khắc roọng sôi. Khảm khắc bấu đo đôi mềm roọng. Khảm khắc cụng puồn toọng đuổi rà. Khảm khắc puồn nhằng mì kha chếp mạy. Noọng puồn chắc tông cạy phương hâư. Chứ pí điếp mà châư rọi rọi. Sao bấu quá chiêm đếch rọi hảy. Biển pền mè mèng lương tom bióoc. Tách pó mé sinh oóc hắt lăng. Công kết bấu đảy căn puồn toọng.7

Nghe xong lời hát của Sao, không thể cầm lòng, Sa Thổ chạy như bay lên cầu thang, vào nhà, chợt sững lại, ô kia, Sao ngồi bên bếp lửa, ánh lửa bập bùng cho gương mặt Sao hồng lên, Sao như nàng Tiên hiện ra trong ánh lửa, a mà không, Sao hiện ra là cô gái Tày xinh tươi, làm sao cầm lòng. Biết không thể như ngày còn tơ, Sa Thổ rón rén đi đến bên bếp lửa, ngồi xuống cạnh Sao, ấp hai bàn tay thô ráp của mình lên bàn tay ấm mềm của Sao, thì thầm: “Sao bắt mất hồn tôi rồi!”, Sao nghiêng đầu vào vai Sa Thổ, thì thầm: “Em vẫn chờ anh, cả nghìn bếp lửa hồng, cả nghìn đêm trăng sáng, có Thần núi Chúa biết mà!”. Như được tiếp thêm sức mạnh của lửa, của trăng, Sa Thổ ôm thốc Sao xuống sàn, đốt hai đuốc lửa. Hai người cầm đuốc lửa, chìm trong ánh trăng, bước chân như bước chân con nai bay lên núi Chúa, vào động cậu Cóc. Hai người đốt mấy nén hương thơm, quì gối, thì thầm khấn vái: “Chúng con lạy cậu Cóc! Cậu thương chúng con mà cho kết đôi, như chim họa mi có đôi, như gấu xám có đôi, như con nai có đôi, như gà rừng có đôi. Chúng con nguyện bên nhau, ở chung mái nhà, sưởi chung ngọn lửa, uống chung suối nguồn, đi chung trên đất Nà Lai, cùng vui mùa lúa nương chín vàng, cùng buồn nếu mùa đông về, cùng chăm con cái, cùng yêu bản Nà Lai!”. Khấn xong, hai người dắt tay nhau xuống lán canh rừng, ôm nhau ngủ, có gió ngàn ru, có suối nguồn ru, có ánh trăng ru, hai người thành hai con gấu mê mệt rừng đêm núi Chúa.

 

Chương 11

1

Sau cuộc họp cựu chiến binh Khau Sưa, ông Sa Thổ được văn thư gọi lên tầng hai trụ sở Khau Sưa gặp bí thư Sò. Ông Sa Thổ mở cửa phòng bí thư, chợt khựng lại, vì ngồi salon không chỉ ông Sò mà còn có ông Lin chủ tịch Khau Sưa với ông Tử Pín nữa. Ô, lại sắp có chuyện gì hay đây? Ông Sa Thổ thầm nghĩ, bước chân ngập ngừng trước cửa. Vừa thấy ông Sa Thổ, bí thư Sò vẫy tay, giọng vui:

– Ai dà! Chào người lính anh hùng! – Lúc vui, bí thư Sò thường nịnh ông Sa Thổ thế – Mời ông ngồi. Chiều nay tôi và ông Lỉn bận ra thành phố Mã Sơn có việc quan trọng, không dự họp với anh em cựu chiến binh được, thông cảm nhé.

– Báo cáo bí thư…

– Mời ông ngồi đã! – Bí thư Sò chỉ chiếc ghế bên cạnh, liếc nhanh qua mặt ông Sa Thổ, vồn vã – Báo cáo sau, à, đã có chủ tịch Hội cựu chiến binh Khau Sưa báo cáo, ông chỉ phụ trách cựu chiến binh bản Nà Lai không phải báo cáo, hì hì. Có cậu Tử Pín đây, ta nói chuyện thân mật nhé.

– Vâng! – Ông Sa Thổ khiêm tốn, ngồi xuống salon cạnh bí thư Sò, nghĩ ghét cái kiểu cười nhạt của bí thư.

Chủ tịch Lỉn nhanh tay rót nước, mời ông Sa Thổ, nói theo bí thư:

– Phải, có cậu Tử Pín đây, ta nói chuyện thân mật với nhau, không phải e dè.

Bí thư Sò è è, lên giọng thân mật:

– Ông Sa Thổ à, cậu Tử Pín đây là chỗ người nhà. Ông cậu rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế của địa phương. Ông cậu thấy cả vùng Khau Sưa chỉ có núi Chúa là có khả năng làm du lịch sinh thái. Ai dà! Chưa hình dung ra việc ông cậu làm thế nào nhưng cứ nghe vào cái tương lai thì cả ngàn dân bản Na Lai, Cò Nòi, bản Vèn, bản Phiêng, bản Bon, bản Thoong Sam, bản Cà Lồ, nếu có du lịch sinh thái thì sẽ giàu to, sẽ sung sướng lắm.

– Ý bí thư là… – Ông Sa Thổ chưa hiểu bí thư Sò định nói gì.

– Hầy! Người lính anh hùng ơi! Ý tôi là, cậu Tử Pín muốn lấy núi Chúa làm khu du lịch sinh thái cộng đồng, mà làm to nhất vùng Tây Bắc nhé.

– À, tôi hiểu ra rồi. – Ông Sa Thổ nói chậm rãi – Ý là, ông Tử Pín muốn mua núi Chúa của bản Nà Lai để làm khu du lịch sinh thái chứ gì?

– Đấy, ông vốn thông minh mà!

– Nhưng bí thư nói với tôi thì giải quyết được gì chứ?

– Thì nhờ ông nói với dân bản, bán phứt cái núi Chúa cho cậu Tử Pín đây.

– Ô, khó cho tôi rồi! Núi Chúa là của dân bản Nà Lai. Dân Nà Lai đã được chính quyền giao đất, giao rừng, được khoanh nuôi, bảo vệ rừng núi Chúa suốt đời rồi. Cả ngàn người đều trông vào núi Chúa để sống đấy. Bí thư biết quá rõ còn gì. Từ cái lá dong gói bánh chưng, cái dây mây làm chạc trâu, cái cây nứa, cây vầu làm vách nhà sàn, cái cây chò, cây sến, cây nghiến làm cột nhà sàn…, đến nguồn nước quí giá tưới cho cả cánh đồng Nà Lai kia…, không có núi Chúa thì dân bản Nà Lai biết sống làm sao chứ?

– Ô, ông khỏi phải lo! – Tử Pín lên tiếng – Làm du lịch sinh thái tức là phải giữ nguyên trạng sinh thái. Núi Chúa sẽ không mất một cái cây nào đâu, sẽ không mất một hòn đất hòn đá nào đâu, cả suối Be cũng không mất tí nước nào cả. Ông đừng lo. Tôi mà làm núi Chúa thành khu du lịch sinh thái á, thì cứ gọi là nhất vùng Tây Bắc này. Cả thành phố Mã Sơn, cả vùng Tây Bắc, cả nước mình sẽ tìm đến núi Chúa, Nà Lai mà ăn chơi, rồi dân bản Nà Lai, gia đình ông nữa, sẽ giầu to, sẽ sung sướng cả ngàn đời ấy chứ.

– Ời, thế thì dân Nà Lai chúng tôi biết ơn ông Tử Pín lắm! Nhưng mà…

Ông Sa Thổ ngập ngừng, vì ông chợt nhớ tới chuyện Công ty CP Mai&Kia từng mua suốt bảy cây số ven hồ Thác Bay của thành phố Mã Sơn, lại mua đứt mấy dãy núi đẹp của dân quanh vùng để làm du lịch sinh thái. Hơn ba năm trời, máy ủi mở đường, xây nhiều nhà lầu và bến bãi…, nên các dãy núi bị băm nát, cây rừng bị chém chặt không thương tiếc, mãi, khu du lịch sinh thái Mộng Mơ cũng hiện hình nhưng chưa hoàn chỉnh. Ban đầu thấy cũng đẹp, cũng mộng mơ, mà sao vắng khách du lịch, mãi, vẫn thế, mãi, khu du lịch sinh thái Mộng Mơ thành ra vắng vẻ, dần dần hoang phế, dân chẳng thấy giàu, tiền bán núi đã tiêu hết, bây giờ mất đất làm ăn, cuộc sống dài dài thêm khốn khó. Thấy ông Sa Thổ im lặng lâu quá, ông Sò vội lên tiếng:

– Ông Sa Thổ đang lo gì à?

– Tôi chỉ lo cho dân bản Nà Lai… – Ông Sa Thổ lại ngập ngừng.

– Ời, chuyện của dân đã có chính quyền lo! – Bí thư Sò nhìn xéo mặt ông Sa Thổ, giọng hách – Tôi với ông Lỉn chủ tịch đây lo tất, đâu đã đến lượt ông trưởng bản chứ.

– Phải, tôi với bí thư Sò đây lo tất cho dân chứ đâu đã đến lượt trưởng bản như ông. – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Vâng, các ông làm lãnh đạo lo tất cho dân, chúng tôi ơn lắm! – Ông Sa Thổ nhìn sang Tử Pín, vẻ ngại ngần – Nhưng du lịch sinh thái núi Chúa nay mai sinh lợi cho ai chứ?

– Chẳng phải sinh lợi cho dân bản Nà Lai, cho các bản dọc suối Be, cho cả miền Khau Sưa này thì cho ai nữa! – Bí thư Sò khẳng định.

– Đúng, chẳng sinh lợi cho dân các bản quanh vùng Khau Sưa, cho dân bản Nà Lai thì cho ai nữa? – Chủ tịch Lỉn nói theo.

– Dù thế, tôi với dân bản Nà Lai cũng không bán núi Chúa đâu!

– Không bán? – Chủ tịch Lỉn gặng.

– Phải, không bao giờ bán núi Chúa!

– Ơ, công thổ quốc gia mà ông dám khẳng định?

– Tôi khẳng định thế đấy!

– Cậu Tử Pín đây sẽ trả rất nhiều tiền mà không bán à? Ông cứ hỏi dân bản xem sao rồi hãy khẳng định chứ?

– Tôi hiểu dân bản Nà Lai mà. Mọi người cũng như tôi thôi, cùng ăn hạt gạo cánh đồng Nà Lai kia, cùng uống dòng nước suối Be chảy từ núi Chúa kia, cùng thở khí trời Khau Sưa này, cùng ngủ trên cái nhà sàn ngàn đời của ông cha, làm sao chẳng hiểu nhau chứ.

Bí thư Sò chen vào:

– Thế còn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì ông cựu chiến binh nghĩ sao?

– Tôi tán thành!

– Thế thì ông bảo dân bản Nà Lai bán núi Chúa đi để mà hiện đại hóa cuộc sống chứ?

– Vâng, các ông thử hỏi dân bản xem nào?

– Ơ! – Bí thư Sò vẻ bực, giọng hơi gắt – Vậy chúng tôi chỉ đạo dân bầu ông làm trưởng bản làm gì?

– Dân bầu tôi chứ không phải các ông bầu. – Ông Sa Thổ bắt đầu bực, giọng cũng gắt – Mà tôi không làm trưởng bản thì người khác làm, cũng thế thôi. Không bao giờ bán núi Chúa!

Một lúc im lặng. Cái đầu Tử Pín ngọ nguậy. Bực cả người! Cái lão Sa Thổ này gàn dở lắm. Bí thư nói, chủ tịch nói, cũng không nghe. Hay là lão chưa ngửi thấy mùi tiền nhỉ? Nghĩ thế, Tử Pín vẩy tay, ra hiệu bí thư Sò đổi chỗ, Tử Pín ngồi sát Sa Thổ. Ghé sát ông Sa Thổ, Tử Pín thì thào:

– Tôi quên béng, cái việc mua bán phải có đầu có mối chứ. Công của ông là công đầu, tôi trả công xứng đáng đây.

– Tôi chẳng có công cán gì đâu!

– Ời, ông cầm lấy cho tôi vừa lòng! – Tử Pín mở cặp, lấy gói tiền đưa cho ông Sa Thổ, giọng nhẹ nhàng – Gửi ông hai mươi triệu đây.

– Ấy chết! Tôi không nhận được đâu! – Ông Sa Thổ từ chối.

– Thì ba mươi triệu! – Tử Pín rút một tệp tiền nữa đặt lên bàn.

– Tôi không nhận đâu!

– Bốn mươi triệu! – Tử Pín rút một tệp tiền nữa đặt lên bàn.

– Tôi không nhận mà!

– Năm mươi triệu! – Tử Pín rút một tệp tiền nữa đặt lên bàn.

– Ông Tử Pín mua tôi à? – Ông Sa Thổ cáu thật sự.

– Năm mươi triệu đồng! – Tử Pín uất nên đánh bài ngửa – Tôi mua ông thật đấy!

– Ông Tử Pín không hiểu lòng người rồi! – Ông Sa Thổ bật cười khì.

– Không hiểu?

– Ông Tử Pín không hiểu lòng người!

– Tôi không hiểu lòng người thì có tiền nó hiểu lòng người.

– Ông Tử Pín ơi! Ông nhầm lẫn rồi!

– Tôi nhầm lẫn điều gì?

– Ông Tử Pín ơi! Tiền có thể mua được rất nhiều thứ nhưng không mua được tất cả đâu!

– Gàn dở! Ông ngồi đấy mà nhìn, rồi tôi sẽ mua cả miền Khau Sưa này, chứ núi Chúa là cái đinh gì.

Tử Pín uất, nói to, hằm hằm nhìn mặt ông Sa Thổ, phủi đít, đứng dậy, bỏ ra ngoài. Bí thư Sò, chủ tịch Lỉn vội ra theo, miệng còn làu bàu: “Cái lão gàn dở này! Thế là mất cả cơ hội làm ăn!”. Ông Sa Thổ ngồi lặng. Đầu ông như bốc lửa. Khốn kiếp! Mấy người này, việc gì cũng dùng tiền mua. Nói cho mà biết nhá, các người chưa qua lính chiến trận chết chóc, đau thương kinh khủng thì làm sao hiểu được những người lính cách mạng bản lĩnh kiên cường, dũng cảm lắm, chiến đấu hy sinh là vì dân vì nước, làm việc gì trước hết cũng phải vì dân vì nước chứ. Bán núi Chúa cho cái ông Tử Pín thì mai đây núi Chúa sẽ bị băm nát chẳng khác gì khu du lịch sinh thái Mộng Mơ của Công ty CP Mai&Kia, bài học đắt giá đấy. A mà, phải họp dân bản Nà Lai có ý kiến trước, kẻo mấy người kia đi vận động lung tung, rồi khó ra, chắc chắn mấy người kia chưa bỏ cuộc mua núi Chúa đâu. Cái ông Tử Pín, ai còn lạ gì, ngửi thấy mùi lợi lộc, ngửi thấy mùi tiền là bất kể, sẽ không bỏ cuộc đâu. Ông Sa Thổ tự nhận ra còn một mình, uể oải đứng dậy. Vừa lúc, cô văn thư vào, cô bảo cậu Tử Pín với bí thư Sò, chủ tịch Lin vẫn chờ ông ngoài cổng trụ sở, có ý mời ông về Nhà hàng Đại Tửu Lầu nhậu vui, không nói chuyện núi Chúa nữa. Ông Sa Thổ ậm ừ. Ông biết ngay là cái ông Tử Pín không chịu bỏ cuộc, lại chơi trò mèo vờn chuột đây mà, không khéo mình mắc bẫy như bỡn. Ông Sa Thổ đi theo cô văn thư xuống tầng, ông nhìn ra cổng trụ sở, hơi áy náy, rồi ngước nhìn lên núi Chúa. Ai dà! Hoàng hôn viền tím núi Chúa, giờ này các con thú với chim chóc đang tìm về chốn ngủ, ấm áp và bình yên như mái nhà sàn nhà mình, sướng lắm.

2

Gần sáng, ông Sa Thổ sực tỉnh, nằm im nghe suối Be chảy rì rào.

Con chim từ quy kêu khắc khoải, buốn quá.

Ông trở dậy nhóm lửa, đun ấm nước đùm đũm. Ông cầm chiếc điếu ục dựa vào ngực, tay vê vê mồi thuốc lào nhưng mắt lại nhìn lơ đãng tận đẩu đâu. Lòng ông đang ngổn ngang bao ý nghĩ, đang buồn rượi như cây rừng sau bão. Bởi ông đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng già ven sông Chảy bị công nhân lâm trường cùng với dân các bản chặt ngả, đốt cháy hoang tàn, trơ mặt đồi núi đen thui, những gốc cây cổ thụ khói bay nghi ngút cả tháng trời. Chẳng mấy nữa người ta sẽ chặt phá rừng đến tận núi Chúa đây. Làm sao ngăn được? Lại còn bọn làm thuê cho ông Tử Pín đang chặt trộm cây trên rừng Cò Nòi, rừng núi Chúa kia nữa chứ. Tại sao chính quyền Khau Sưa không can thiệp, không bắt chúng lại. Vì chúng rõ mặt là bọn phá rừng còn gì! Không được để bọn chúng phá rừng núi Chúa! Nghĩ vậy, ông Sa Thổ rít thêm một bi thuốc lào nữa, nhả khói lơ mơ, xong, tợp cả một bát nước đùm đũm nóng. Xoa xoa bàn tay thô ráp cho nóng lên, rồi ông ra ăn thích, đeo túi thổ cẩm đầy những rau húng tôm, rau diếp cá, rau cải, muối, gừng, đeo dao, đeo bi đông rượu, một túi gạo, cũng như mọi lần, ông Sa Thổ tháo bốn buồng chuối tây to chín vàng luồn vào chiếc đòn tre gánh trên vai, lững thững lên núi Chúa. Bọn ăn rừng khốn kiếp! Không canh chừng thì chúng ăn hết rừng núi Chúa lúc nào không biết.

Tới lán, ông Sa Thổ dụm củi, đốt lửa.

Bắt đầu là đặt ống nứa lam cơm cho bữa trưa, với một ống nước. Xong, ông  Sa Thổ gánh bốn buồng chuối tây chín lên giữa rừng cây nghiến cổ thụ, đem treo mỗi buồng chuối ở một cành cây cách nhau vài chục bước chân, rồi ông  hú-hú-hú-ú-ú-ú… một thôi dài. Nghe tiếng hú quen thuộc, lũ khỉ vàng từ mãi rừng xa đồng loạt kêu kaác-kaác-kaác… như muốn trả lời, và chỉ chốc lát, lũ khỉ vàng chuyền cành cây rào rào, nhào xuống rừng nghiến cổ thụ, tranh nhau vặt chuối chín, ăn nhồm nhoàm, vừa ăn vừa kêu kaác-kaác-kaác… vẻ thích thú. Ô, cái bọn tham ăn thế, ông Sa Thổ nghĩ, nhưng nếu rừng núi Chúa không có lũ chúng mày, không có lũ vượn đen, không có bọn gấu, bọn hươu, nai, hoẵng, không có mấy cái con dúi, con sóc, không có lũ chim trĩ, chim công, chim mi, chim khiếu nữa, thì rừng núi Chúa buồn biết chừng nào, thì rừng núi Chúa thành rừng chết, chẳng có nghĩa lý gì đâu. Nép gốc cây nghiến cổ thụ, xem lũ khỉ vàng tranh nhau chí chóe, ăn chuối xong ngả ngớn cành cây, ông Sa Thổ mới lặng lẽ xuống lán. Lửa cháy mạnh rồi, ông Sa Thổ cởi áo, cởi quần dài, dò xuống suối Be bắt cá sỉnh. ông Sa Thổ oạp cả thân người to bè xuống dòng nước trong xanh, lùa hai bàn tay xỏe rộng ụp vào chân các tảng đá. Ô, ô, tu be sỉnh, tu be sỉnh! Lai à!8  Ông Sa Thổ sướng quá. Ai dà! Con suối Be thân thương, từng đem cho gia đình ông, cho dân bản Nà Lai biết bao nhiêu niềm vui sống. Nước suối Be nuôi người, nuôi cây, nuôi trâu bò, nuôi lúa ngô khắp các bản dọc theo suối Be đổ ra hồ Thác Bay. Ô, suối Be thân thương! Vừa nghĩ, ông Sa Thổ vừa ì oạp mò, túm được bao nhiêu cá sỉnh, con nào cũng chắc lẳn như cái chuôi liềm, mình xám trắng, miệng tày bằng vì đớp rêu đá, nhìn sướng. Cả chục con cá sỉnh được ông Sa Thổ kẹp nướng trên than hồng. Cá chín thơm. Canh cá chín thơm. Cơm lam chín thơm. Tắm đã rồi mới ăn, cho ngon. Ông Sa Thổ xuống suối tắm. Vừa ngụp đầu xuống nước, nhô lên, ông Sa Thổ thấy ba người cao to, đầu chụp mũ đen hở mắt, tay cầm đòn xeo gỗ, lao xuống, vụt tới tấp. Ông Sa Thổ né người nhưng bị ngay một đòn sượt đầu xuống bả vai, choáng váng, chìm xuống nước. Vốn to khỏe, lại có chút võ thuật, ông Sa Thổ vùng lên, chống trả quyệt liệt. Ba thằng khốn kiếp vừa xúm đánh ông Sa Thổ vừa gầm gừ: Không bán núi Chúa này! Không bán núi Chúa này!… A, bọn tu hân pù9 khốn kiếp! Bọn ăn rừng! Bọn tham lam! Chúng mày định uy hiếp, bắt tao phải bán núi Chúa cho ông Pín chứ gì? Hãy đợi đấy! Ông Sa Thổ cầm viên đá cuội to, vùng lên, ném thẳng vào đầu một tên khiến nó rú lên. Hai tên còn lại xông vào, dìm ông Sa Thổ ặc ặc nước. Một lúc, ông Sa Thổ đuội ra, chết lịm, nổi lờ phờ như con cá chết. Nghĩ ông Sa Thổ chết rồi, bọn khốn kiếp bỏ chạy. Xác ông Sa Thổ trôi theo dòng suối Be xuống tận lựng nước xoáy có ba cây xổ sum suê thì giạt vào bến đá. May quá, vừa lúc cô Sao đang đi ra bến đá rửa cây thuốc. Thấy xác người nổi phập phềnh, lõa máu đỏ, cô Sao hô hoán ầm ĩ. Mọi người gần đấy chạy ra, vớt xác người, đặt lên phiền đá to. Ô, là trưởng bản Nà Lai, ông Sa Thổ đây mà! Giời ơi! Đứa nào đánh ông Sa Thổ chứ? Ôi giời! Ông Sa Thổ vỡ đầu rồi! Chết rồi! Mấy người đàn ông thay nhau ấn mạnh lên ngực ông Sa Thổ. Hực! Hực! Ông Sa Thổ phì nước tóe ra. A, mà chưa chết! Ngón tay ông Sa Thổ giật giật, môi mấp máy, ngực thoi thóp thở. Kìa, mau xoa ngực cho ông ấy! Mau đưa ông ấy đi bệnh viện! Mọi người xúm vào, khiêng ông Sa Thổ về bản Nà Lai, rồi gọi xe, đưa đi Bệnh viện đa khoa Mã Sơn cấp cứu. Bác sỹ xác định ông Sa Thổ bị nứt sọ nhẹ, gẫy hai xương sườn trái, dập xương đùi, mặt xưng. Tuy nhiều vết thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. May rồi! Dân bản Nà Lai kéo về bệnh viện thăm ông Sa Thổ đông kín cả sân, kín cả hành lang bệnh viện. Nhìn ông Sa Thổ băng trắng nửa đầu, băng trắng một bên sườn, ai cũng thương xót. Mọi người bàn tán, khổ, ngày còn quân ngũ, ông Sa Thổ đánh nhau ầm ầm với giặc ở mặt trận Vị Xuyên mà chỉ bị mảnh cối cắm gẫy hai xương sườn phải, bây giờ hòa bình, lại bị đánh nứt đầu, gãy xương sườn trái, dập xương đùi, tệ quá! Ông Sa Thổ phải trả món nợ này với lũ khốn kiếp chứ! Bao nhiêu lời to nhỏ. Gần tối, mọi người ra về, còn chân thành nhờ cô Sao ở lại chăm sóc ông Sa Thổ, vì cái Sương đi học lâu rồi không thấy về, thằng Neo đi học đại học mãi Hà Nội, không muốn cho nó biết chuyện buồn, còn cái Nương cũng đi học trên thị trấn chiều tối mới về… Ơ, tôi à? Cô Sao ngớ ra. Cô Sao nghĩ, thì ra mọi người lại đẩy việc cho mình? Thôi đành! Mọi người về hết. Cô Sao bưng bát cháo nóng, lấy thìa bón cho ông Sa Thổ từng thìa một, giọng ngọt ngào:

– Anh đói lắm, phải không?

– Ừ!

– Em biết mà! – Sao nói nhỏ nhẹ – Sức vóc anh to khỏe, chỉ lưng bát cháo thì làm sao chịu nổi.

– Nuốt cũng khó! – Sa Thổ thì thầm – Nuốt vào thấy đau cả sườn, đau cả đầu nữa.

– Tại anh không đồng ý bán núi Chúa cho ông Tử Pín!

– Không bán! – Sa Thổ hơi nghển cổ, nói to – Không bao giờ bán quê cha đất tổ cho kẻ khác, em hiểu chứ?

– Cả bản Nà Lai hiểu ý tốt của trưởng bản, nên ai cũng đồng tình, cảm phục anh mà.

– Đồ tu ma pù10! Ông Tử Pín dùng tiền không mua được anh nên ông ta mới giở cái trò mạt hạng này.

– Anh nhớ rõ mặt mấy đứa đánh anh chứ?

– Chúng nó bịt mặt, chỉ hở hai con mắt, nhưng anh biết chắc chắn đấy là bọn vệ sỹ của ông Tử Pín hoặc bọn đầu gấu được ông Tử Pín thuê.

– Anh phải tính chuyện với chúng nó chứ?

– Anh nghĩ rồi, biết đứa nào, phải xử cái thằng chủ mưu ấy, ông Tử Pín tu ma pù ấy. Anh có cách rồi!

– Anh đừng quá tay với ông Tử Pín nhé!

– Anh sẽ giết ông ta! – Sa Thổ nghiến răng.

– Anh rể ông ta làm sếp to, uy quyền lớn lắm. Người ta quyền thế mà ra tay thì dân đen như mình chỉ có thiệt thôi.

– Mà thôi, mình không nói chuyện ông Tử Pín nữa! – Sa Thổ hơi nghiêng người, nhìn Sao âu yếm lạ thường, thì thầm – Sao ơi! Mấy nữa khỏi, anh sang nhà, sửa lại cái cầu thang cho Sao nhé?

– Gì cơ? – Sao vờ chưa nghe rõ, hỏi lại – Anh sang nhà á?

– Ừ! Anh sang nhà, sửa lại cái cầu thang cho Sao nhé?

– Cầu thang nhà em vẫn bước lên được mà!

– Hôm xưa, anh sang tìm Sao lấy thuốc. Sao vắng nhà. Anh đi lên cầu thang, chợt thấy mấy bậc gỗ yếu, hình như nó quá cũ, là gỗ không tốt, cần thay cho chắc chắn.

– Vâng! – Sao ngập ngừng – Hôm nào anh sang…

Ơ, thế mà Sao cứ nghĩ anh Sa Thổ mải việc nhà, mấy khi để ý đến cuộc sống của mẹ con Sao? Đàn ông người ta cũng kín như vách nứa đan lóng đôi, hay thật. Chuyện chỉ mấy cái thang cầu thang nhà mình bị yếu mà anh Sa Thổ cũng biết, nể quá. Bây giờ, anh muốn sửa giúp, được không nhỉ? Ngại mấy cái mồm quạ đen ngoác ra, trêu ghẹo chẳng ra gì, khó chịu thôi. Kệ! Cứ để anh Sa Thổ sửa cầu thang cho mấy con quạ đen ghen tức. Sao nghĩ vơ vẩn thế, tay vẫn luôn bón cháo cho Sa Thổ. Chợt Sao nhìn mặt Sa Thổ, tóc đen xù cứng, gương mặt hơi góc cạnh, lông mày rậm dài, mà mắt sáng thế chứ. Ơ, sao hôm nay mình mới thấy anh Sa Thổ có đôi mắt sáng đẹp thế nhỉ? Chuyện của Sao, nghĩ mà buồn cười! Ngày bé, Sao nhìn thấy anh Sa Thổ từ bộ đội về phép, quần áo Tô Châu xanh, mới toanh, quân hàm đỏ, đi giày vải, dây lưng đeo nào bi đông, dao găm, súng lục, oách, nhìn thích lắm. Sao ngỡ ngàng, từ xa nhìn trộm, thầm ao ước có một người anh trai như thế, a mà, có người bộ đội oai phong, đẹp đẽ như thế, a mà, Sao ao ước có một người mình yêu như thế, thì hạnh phúc biết mấy! Nhớ mãi, hôm anh Sa Thổ đưa vợ từ Phố Ràng về, ời, cái người ấy nhiều tuổi hơn cả anh Sa Thổ cơ, không xinh đẹp bằng Sao cơ, Sao buốn quá, chẳng hiểu ra làm sao, Sao  đột ngột ốm cả tháng, nằm ăn cháo nhưng đầu lúc nào cũng hình dung ra anh Sa Thổ bộ đội oai phong, khổ thế chứ. Tự nhiên ghét anh Sa Thổ. Giận hờn bâng quơ. Buồn. Lấy chồng sớm. Không may, anh Chước chết sớm để Sao với con Thương côi cút. Không lấy chồng nữa. Hai mẹ con đùm bọc nhau, cũng vui cửa vui nhà. Sao cấy lúa, làm nương rẫy, còn làm thêm nghề phụ là nghề thuốc Nam gia truyền, chủ yếu chữa các chứng bệnh đau bụng, táo bón, thổ tả, cảm sốt, ghẻ lở, đặc biệt chữa bệnh viêm thận, viêm gan vi-rút, viêm đường tiết niệu, thuốc hay nức tiếng cả vùng núi Khau Sưa, cả thành phố Mã Sơn nữa. Anh Sa Thổ mỗi khi ốm cũng uống thuốc của Sao. Bây giờ anh Sa Thổ yêu mình rồi, sẽ tính sao đây, có lẽ phải đến khi con Thương nhà mình, con Sương, con Nương nhà anh Sa Thổ đi lấy chồng thì mình mới về nhà anh Sa Thổ được, hơi lâu đấy, thế thì nhớ thương anh Sa Thổ lắm. Sao đương nghĩ miên man thì cái Nương đến thăm bố Sa Thổ. Cái Nương chào cô Sao, rồi sà vào giường, nắm chặt tay cha Sa Thổ. Cái Nương khóc nức nở. Ông Sa Thổ nhìn con Nương, hơi nhăn mặt, bảo:

– Việc gì mà mày phải khóc như cha chết thế hả?

– Cha bán núi Chúa cho người ta thì đâu đến nỗi này chứ?

– A, con này láo! Núi Chúa có phải của riêng nhà mày đâu mà bán, hử?

– Cha là trưởng bản, bảo thế nào mà dân Nà Lai chẳng nghe, bảo bán thì bán thôi, khỏi phiền phức.

– Mày nứt mắt, biết gì!

– Con học sắp hết cấp hai mà lại không biết gì chứ?

– Người xưa bảo: “Tắng cò ngòi tàng pây ná sai. Cỏi ngoạc ngòi ròi hài cần đuổi11”. Mày nhớ đấy!

Mắng con, Sa Thổ nghĩ càng thấy ức, liền vục dậy, rút con dao nhọn dưới gối, tập tễnh chạy ra ngoài sân bệnh viện, miệng lẩm bẩm: tao sẽ giết mày!

Tranh của họa sĩ Trần Nhương

Chương 12

 

Mùa hạ.

Trời nóng hực.

Núi Chúa ngun ngút mây bay.

Ông Sa Thổ đưa ông Mùi lên núi Chúa. Hôm nay, hai người lính hẹn nhau, chân trần, đi chơi núi, câu cá và uống rượu. Ông Sa Thổ đeo bao dao nhọn, túi nhỏ gạo kén nương, bi đông rượu, cái ớp đựng rau diếp cá, mùi tầu, lá vón vén, gừng, tỏi, ớt, ông rẽ rừng, dẫn lối, cùng ông Mùi ngược lên thác Tu Mi, là thác Con Gấu, dân bản đặt tên từ xửa xưa thế vì bọn gấu rừng hay ra thác này rình bắt cá ăn. Vòng vèo, quanh co dốc mãi. Ô, một cái thác nước như dải Ngân Hà trắng xóa, đổ từ mãi đỉnh trời xuống trần gian. Thác réo ào ào. Tưởng như cả thế gian này chỉ có mình nó tồn tại. Ông Mùi ngẩng cao đầu nhìn ngược lên thác nước, chợt nhớ lại những ngày vượt Trường Sơn ra trận. Hành quân ngang dọc Trường Sơn, đồng đội và Mùi từng gặp bao nhiêu là thác nước, khiếp nhất là thác Lò So… Ông Mùi còn đang mải ngắm thác Tu Mi thì ông Sa Thổ đã lấy hai cần câu trúc trên lán, ra suối dọn chỗ ngồi câu. Ông Sa Thổ đưa cho ông Mùi một cần, mắc sẵn mồi giun. Hai người ngồi phệt trên hai phiến đá nhỏ, cạnh nhau, cùng vung dây câu xuống nước. Ông Sa Thổ bảo, chân các tảng đá có nhiều cá trèo đồi, tức một loại cá sộp nhỏ rất hay cắn câu, còn loại cá trạch trấu cũng bợm ăn. Quả thật, ông Mùi và ông Sa Thổ thả mồi câu, giật liên tục. Dây cước căng, ông Mùi giật nhẹ. Miệng la, một con này. Con sộp bằng chuôi dao, đen trũi, phồng mồm, giãy giãy. Ông Mùi gỡ con sộp, bỏ vào ống nứa có nước, xong, lại mắc mồi, thả, sộp cắn câu, giật vút lên bở, con nữa. Con nữa. Con nữa. Ông Mùi khoái chí, cười hì hì. Bên cạnh, ông Sa Thổ cũng kéo dây câu, kéo căng, a, cái con chạch chấu đây mà, nó tham ăn nhất hạng cá suối, kéo căng, vút, con chạch chấu vung lên bờ, con chạch chấu mõm nhọn, to bằng cổ tay, dài ngoằng như con lươn, màu xám vàng, béo núc, nhìn sướng, ông Sa Thổ cười ha hả. Một lúc lâu, hai người thi nhau giật cá, chỉ cá sộp, cá chạch chấu, cả chục con quẫy lóc róc trong ống nứa. Ông Sa Thổ bảo với ông Mùi, chưa bắt được con cá sỉnh nào thì bữa rượu chưa thật ngon nhé. Thế là, ông Sa Thổ cởi quần, cởi áo, lội ào xuống suối. Ông Sa Thổ lùa hai bàn tay nghều ngào ngón, úp vào các hốc đá phập phềnh rêu xanh. Ây, lũ cá sỉnh chúi mồm mải ăn rêu, bị ông Sa Thổ túm cả đàn. Cá sỉnh tắp tắp bằng ngón chân cái, màu xám trắng, mồm tày vì đớp rêu đá. Cứ mỗi lần ông Sa Thổ ném cả vốc cá sỉnh lên bờ cho ông Mùi nhặt, lại cười ha hả. Bao nhiêu cá sỉnh được ông  Mùi bỏ riêng vào một ống nứa khác. Xem ra hai ống nứa đã ních cá, hai người mới xuống lán canh phía dưới động cậu Cóc. Tuyệt vời là sườn núi Chúa cạnh động cậu Cóc có cả một rừng cây gỗ nghiến, mọc xen lẫn bao nhiêu là tảng đá nhọn như tháp đá lô nhô, rêu phủ xanh. Những cây nghiến to cả mấy người ôm không xuể, gốc xù xì nứt nẻ, bạnh to xòe ra xung quanh như rẻ quạt khổng lồ, cao sừng sững, sum suê cành lá xanh rịm. Ông Sa Thổ từ ngày rời quân ngũ, đã làm một cái lán, chủ yếu để thỉnh thoảng lên ngủ, trông giữ rừng gỗ nghiến cổ thụ, được dân bản Nà Lai coi là những cây gỗ thần của núi Chúa. Cái lán bắc xà gỗ nhỏ gác lên mấy chạc cây lùm xùm bên một gốc cây nghiến cổ thụ, sàn ghép cây vầu già, vách nứa đan lóng đôi, mái lợp nứa đan dày, một nửa lán nghiêng ra dòng suối Be. Ông Sa Thổ bảo, mùa hè ngủ ở đây thì chẳng khác gì ngủ trên cõi Tiên, mát lắm. Ông Mùi mê mải ngắm không gian rừng già âm vang suối ngàn, rì rào gió lá, ríu rít chim sơn ca, lòng bồi hồi nhớ những ngày vượt Trường Sơn ra trận. Ông Sa Thổ treo các thứ lên các chạc cây, lấy củi đốt trong bếp đá hộc, rồi mổ cá. Ông Mùi vót mấy cái xiên nhọn bằng vầu tươi. Cá sộp ba xiên dài. Cá sỉnh năm xiên dài. Cá chạch chấu cắt khúc trộn lá vón vén chua và măng nứa non, cho vào ống nứa. Gạo kén nương cũng nhồi đầy ống nứa. Tất cả được nướng trong bếp lửa củi gộc. Bếp lửa đá cuội suối tuyệt lắm. Lửa cháy mãi khiến các hòn đá suối cũng đỏ rực, bén cái nóng tự nhiên vào da nứa tươi non mà nấu chín cơm, cá, cứ gọi là ngọt lừ, thơm phức. Thức ăn đã chín. Ông Sa Thổ cầm một xiên cá sỉnh, một xiên cá sộp, một bát canh cá chạch chấu, một gói cơm lam, một cốc nứa rượu, cùng ông Mùi lên động cậu Cóc. Nghe nước róc rách chảy, ông Mùi ngẩng lên thấy cậu Cóc lừng lững ngẩng cao đầu, chành miệng rộng, hai mắt lồi đỏ, đầu lấp lánh ánh nước, vẻ thiêng liêng. Ô, sao cái động cậu Cóc rộng thế, nhìn kia, bao nhiêu thạch nhũ hình thù kỳ lạ mà đẹp thế. Ông Mùi đương ngẩn ngơ vì cái động đẹp thì ông Sa Thổ giục đưa đồ cúng tế lên. Ông Sa Thổ lấy đồ cúng tế từ tay ông Mùi,  đặt xuống cạnh cậu Cóc, rút mấy thẻ hương ra đốt, cắm bên chân cậu Cóc, hương cháy đỏ, tỏa thơm ngào ngạt. Ông Sa Thổ quì gối, ông Mùi cũng quì gối. Ông Sa Thổ thì thầm khấn nôm: “Kính bẩm cậu Cóc! Hôm nay hai người lính chúng con là Hoàng Sa Thổ và Trần Gia Mùi lên chơi núi Chúa, cùng câu cá, hái măng, làm bữa ăn dân dã. Chúng con không quên cậu Cóc từ xửa xưa một lòng trông nom rừng suối núi Chúa cho dân bản Nà Lai, cho chúng con có cái ăn sống đời. Món ăn dân dã xin dâng lên cậu Cóc! Mong cậu luôn phù hộ độ trì cho mọi người được mạnh khỏe, bình yên, hạnh phúc!”

Khấn xong, hai người xuống lán. Ông Sa Thổ bày cá nướng lên lá dong rừng, múc cá chạch nấu chua ra cái hăng gô lính. Cơm lam đợi đấy. Ông Sa Thổ cầm bi đông rượu, chiếc bi đông Trung Quốc còn nguyên cả bao vải – kỉ niệm của lính chiến, cẩn trọng rót đầy hai cái cốc vạt bằng nứa non. Ông  Sa Thổ và ông Mùi cầm cốc, nhìn nhau không nói, mắt rưng rưng, dâng cốc rượu ngang mày, một hơi, cạn. Cốc nữa. Cạn. Cốc nữa. Cạn. Khà khà! Ha ha! Cá suối thơm ngon đây! Nào mời! Cá sộp nướng. Cá sỉnh nướng. Chạch chấu nấu chua nữa. Ngon lành. Bao nhiêu người, cả đời mơ ước cũng chằng có mà ăn nhé. Nào, em mời bác Mùi. Nào, tôi mời chú Sa Thổ, chúc mừng chú tai qua nạn khỏi nhưng không được quên những đứa hại chú! Nào mời. Cốc nữa. Cạn này. Cốc nữa. Cạn này. Cốc nữa. Cạn này. Khà khà! Ha ha! Biêng biêng. Ngả nghiêng say. Hai người lính từ chiến trường đánh Mỹ và chiến trường đánh giặc phương Bắc, uống rượu giữa núi cao, rừng già, suối reo, mây phủ, nghiêng ngả vào nhau, thì thầm chuyện xưa chiến đấu, sướng vô cùng. Ư, sướng vô cùng! Đời là gì chứ? Bác Mùi nhỉ? Ông Sa Thổ thì thầm. Ta đã sống những ngày oanh liệt, đã vô tư cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho nhân dân rồi, thì bây giờ ta phải sống cho ta một chút chứ, một chút thôi, phải không bác Mùi? Ờ, chú Sa Thổ nói phải! Ông Mùi thì thầm. Bỗng cánh rừng vút lên tiếng chim họa mi. Huýt chà – huýt chà chà – huýt chà…, chỉ một điệu hót, rồi bùng ra muôn điệu hót líu ríu, hình như cánh rừng có cả một bầy chim họa mi thi nhau hót. Ai dà! Một bản hòa tấu tuyệt diệu! Rì rào như ruối reo, vi vút như gió thổi, vèo vèo như lá rụng, te te như gà gáy, qíu qà qíu như khướu hót, tí tà tí như sáo tập nói, cù cù cù như gáy gù, da dĩ như ve ran, gừm gừm như hổ gầm, ăng ẳng như chó kêu, meo meo như mèo gào… Chú Sa Thổ ơi, không phải một bầy chim họa mi đâu! Ông Mùi vừa nghênh tai nghe vừa giảng giải cho ông Sa Thổ hiểu. Cái giống họa mi này “anh hùng nhất khoảnh”, không bao giờ chịu hót chung một cánh rừng với bất cứ chàng họa mi nào đâu, kể cả các loài chim khác. Buổi sớm chim họa mi hót như muốn báo cho các loài khác biết rằng, cánh rừng này đã có chủ, cho nên giọng hót của nó vút cao, vang xa, đầy kiêu hãnh. Buổi chiều giọng hót của nó trầm buồn, man mác như có vẻ luyến tiếc một ngày tươi đẹp đã qua. Còn buổi trưa là lúc chim họa mi “chuyện”. Nghĩa là nó hót bằng giọng hót của tất cả cá loài chim khác, thậm chí nó bắt chước cả tiếng kêu của các loài thú, bắt chước các âm thanh trong tự nhiên nữa. Họa mi thế mới là “đệ nhất” hót chứ! Hồi ở Trường Sơn, các chú lính cũng tưởng cả bầy họa mi, chẳng hiều gì cả, bây giờ chú Sa Thổ người con của núi rừng mà cũng thế, kém hẳn!… Ông Sa Thổ cứ há mồm nghe. Cười trừ. Nào thì chúc bác Mùi một cốc, tỏ lòng ngưỡng mộ một người sành chim cò. Cạch. Cạn cốc. Cốc nữa. Cốc nữa. Khà khà! Ha ha! Thật sướng những người con của núi rừng! Vừa nghe họa mi hót vừa chuyện xửa xưa. Chuyện xửa xưa đi chiến đấu, chúng mình còn trẻ quá, nhiệt huyết quá, lãng mạn quá, gì nhỉ, a, những người lính Trường Sơn hay hát, a, a, “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người. Có chú nai vàng giương đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lừng đèo mà nghe suối hát. Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi. Trường sơn ơi! Trường Sơn! Đèo vút cao vượt qua mây gió.  Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân. Đi ta đi những trai làng Phù Đổng. Còn gì vui hơn đường ra trận mùa Xuân”…

A, bác Mùi hát vẫn còn hay lắm! Bác nghe em đây: “Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi. Những đỉnh núi mờ sương, tiếng sóng vỗ trùng dương, nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi… Trập trùng biên giới, dù mưa nắng dù bão bùng, vẫn rộn bước hành quân, cho cây lúa hậu phương, em gái thân thương hát cùng quê hương”…

Chú Sa Thổ nghe đây: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây. Trường Sơn Tây anh đi, thương em, thương em bên ấy mưa nhiều. Con đường mà gánh gạo, muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo.  Hết rau rồi em có lấy măng không”…

Bác Mùi nghe đây: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi đây mùa này con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ… Em ở phương xa nghe đài báo gió mùa đông bắc. Em thương anh nơi chiến hào gặp rét và em thương anh chiều nay đang đứng gác lo canh giữ đất trời áo ấm có lạnh không. Hỡi anh yêu người chiến sỹ biên thùy”…

Chú Sa Thổ nghe đây, liên khúc nhé: “Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng đứng ở bên đường như quê hương, vai áo bạc, súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã. Rừng Trường Sơn nhòa trong trời lửa… Ơi! Em gái tiền phương, hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn…, “Sài gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây. Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi. Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ. Tiến về Sài Gòn, ta tiến về đồng bằng. Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”…

Vâng, bác Mùi nghe đây: “Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào cao hơn như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương… Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay… Chiều biên giới em ơi.  Nhớ bao điều thân thương. Đôi ta cùng chiến hào, tình yêu đẹp tiếng hát, giữ đất trời quê ta”…

Chú Sa Thổ nghe đây: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”… Ông Mùi vừa cất lời, ông Sa Thổ cũng gân cổ cùng hát luôn: “Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi vì nhân dân quên mình. Đoàn vệ quốc chúng ta từ nhân dân mà ra, được dân mến được dân quí muôn phần. Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không thôi. Đoàn vệ quốc chúng ta thề tranh đấu suốt đời vì nhân dân”… Ây dà! Hát nữa đi! Nhớ bài nào thì hát bài đấy. Nhớ đến đâu thì hát đến đấy. Hát đại ý thôi mà, để không bao giờ quên đời lính cách mạng. Thế nên, hai giọng hát của hai người lính từ chiến trường xưa đánh Mỹ với người lính đánh giặc phương Bắc, hòa cùng một nhịp, một giọng trầm khàn, to vang, một giọng nhỏ đanh và ấm, nghe lạ, thật cảm động. Đương “suốt đời vì nhân dân” thì ông Mùi dừng hát, cười vang núi rừng. Ha ha! Quân đội ta vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà chiến thắng! Nhân dân Việt Nam chiến thắng! Chú Sa Thổ ơi! Ông Mùi thì thầm. Chú còn nhớ gì những ngày chiến đấu gian lao chứ? Hành quân không nghỉ. Đèo cao. Vực sâu. Muỗi rừng. Vắt núi. Đói. Rét. Nhớ mẹ. Ôi, tất cả chưa là gì nhé! Này, tôi nhớ mãi, một đêm trăng sáng đẹp, cái lũ giặc khốn kiếp bỗng dội pháo chụp, tiếp ngay là trận bom B52 thả xuống đội hình Tiểu đoàn 4 chúng tôi đang lơ mơ ngủ trong rừng thông Xi Khoa. Bao nhiêu thương vong, toàn lính trẻ măng tơ, đứa vửa rời ghế lớp mười, đứa đương ngồi giảng đường trường đại học, đang còn bao mơ ước xa xôi, có cả các em nông dân hiền như đất nữa. Tiểu đội trưởng Đán của tôi bị vỡ toác đầu, ngồi nghẹo cổ, máu thấm đỏ người. Đồng đội tôi, đứa vỡ đầu, đứa mất mặt, đứa xả vai, đứa thủng bụng, đứa cụt đùi…! Yên bình trở lại. Tôi bò lê trên cỏ, bò quanh các gốc thông, bò bên những tảng đá nhỏ, sờ khắp từng đứa, sao không khóc được, chỉ khào khào, khô bỏng cổ. Tôi ôm từng đứa, dụi đầu vào ngực từng đứa. Máu đồng đội thấm đẫm cả người tôi. Tôi vật ra. Ngẩng nhìn lên bầu trời trăng tỏa ánh vàng qua chùm chùm lá thông nhọn. Tôi run rẩy. Sợ hãi khủng khiếp. Căm thù khủng khiếp. Thương bạn khủng khiếp. Lính tò te chưa đánh trận nào đã chết thảm khốc khiến tôi sốc quá. Ngất lịm. Đồng đội đưa tôi vào trong hang đá chân núi lúc nào cũng không biết nữa. Ngay đấy, cùng chiến dịch Z, đánh liền tiếp các đồn cao Phu Theng, Sam Tho, Tà Can, Na Ti, bạn tôi – Lập quê Phố Ràng, Chước quê Nghĩa Đô, Thăng quê Bảo Hà, Thắng quê Âu Lâu, Quy quê bến Cóc…,  đứa toác bụng, đứa vỡ háng, đứa cụt hai chân, đứa bị mổ bụng tẩm xăng đốt, đứa bay sườn, tôi không có dịp được chôn cất một đứa nào, thương lắm. Hết chiến dịch, ta thắng lớn. Mùa xuân cũng đang về trên khắp các bản làng bên tây dãy Trường Sơn. Hoa ban nở trắng rừng. Nhiều rừng hoa ban đã bị bom đạn giặc chém nát, xác ban tơi tả như máu vãi. Tự dưng tôi thao thức, suốt đêm viết mấy câu, kiểu như làm thơ ấy, đại ý thế này: “Chiến tranh là con quỷ tàn ác! Ngươi đã giết chết những người bạn của ta đương mười chín tuổi, ngươi đã đốt cháy những cánh hoa ban trong trắng như cuộc đời của bạn ta đương mười chín  tuổi. Nhưng không phải thế đâu, ơi những con quỉ chiến tranh! Bạn của ta vẫn mãi mãi trẻ trung cùng đất nước. Hoa ban rừng không bao giờ chết, vẫn mãi mãi nở trắng ngần mùa xuân mơ ước!”. Các bạn ơi! Đồng đội của tôi ơi! Tự nhiên ông Mùi bật khóc, tiếng khóc gừ gừ trong họng, nghẹn ngào quá thể. Nghe thế, ông Sa Thổ cũng không cầm lòng. Ông Sa Thổ thì thầm. Thôi mà! Chiến tranh mà! Không hy sinh thì làm sao có chiến thắng hôm nay, phải không bác Mùi? Như chúng em đây, gần chục năm trời đánh nhau tít mù ở Vị Xuyên. Núi cao ngút. Suối sâu. Vực thẳm. Nằm ngay trên đất quê mình mà chịu đói, rét, hy sinh khủng khiếp. Bọn giặc phương Bắc nó đông như đàn mối đàn kiến. Súng đạn nó nhiều như cây như đá. Nó nống sang đất mình, ngang nhiên chiếm núi, chiếm rừng, chiếm sông, chiếm suối, chiếm bản, chiếm làng, chiếm ruộng, chiếm nương rẫy, giết người, đốt nhà, cướp của. Em không bao giờ quên những ngày ác liệt, những ngày bọn giặc phương Bắc nã pháo liên tiếp xuống điểm cao 468, là một ngọn núi nổi lên giữa thung lũng xanh ngút ngàn ở Thanh Thủy, Vị Xuyên. Vì bọn giặc phương Bắc biết rõ ta từ điểm cao 468 có thể quan sát khá kỹ các điểm cao 1400, điểm cao 772, điểm cao 685 và dông 2000 đến các bình độ 300, bình độ 400, cùng các trục đường đi Xín Chải, bản Nậm Ngặt, suối Cụt, suối Thanh Thủy. Điểm cao 468 thành lò nung vôi vì pháo giặc. Ở Vị Xuyên, hơn 1.700 chiến sỹ ta đã hy sinh giữ từng tấc đất biên cương của nước Việt Nam thân yêu. Điểm cao 468 được đồng đội em đặt là “Điểm hội quân 468”, có Nhà tưởng niệm anh hùng, liệt sỹ, vàng son câu đối: “Trải tấm lòng son vì đất nước/ Đem dòng máu đỏ giữ biên cương!”, “Hồn thiêng tụ nghĩa lưu muôn thuở/ Tên tuổi nghìn năm Tổ quốc ghi!”. Và những câu hát về đồng đội “Về đây đồng đội ơi, người chiến sỹ Sư đoàn. Hà Giang đã ngừng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào”… Ông Sa Thổ chợt im lặng một lúc, rồi thì thầm, trời không dung, đất không tha kẻ xâm lược! Sao mà lạ lùng! Chiến tranh bắt đầu từ đâu ra, bác Mùi nhỉ? Người Việt Nam mình từ xa xưa chỉ yêu hòa bình, mà sao người khác lại ngạo mạn, tham lam, độc ác thế, người khác chỉ muốn giết người Việt Nam, chiếm đất của Việt Nam ta, khốn kiếp thế!… Ờ, cũng có thể? Ông Mùi ngồi khoanh chân, mắt chớp chớp, trên mặt sẹo đỏ sẹo tím cứ giật giật. Ông Mùi thì thầm. Con người ta ấm lạnh có lúc mà! Rất có thể, con người, con người, gì nhỉ? Ờ, con người thái độ cố chấp? Con người tham tàn, bạo ngược? Con người tự ái cố hữu? Con người kiêu ngạo? Con người muốn thể hiện sức mạnh và quyền uy của mình trước đồng loại? Gì nữa nhỉ? Mà thôi, chú Sa Thổ ơi, tôi với chú nhắc mãi chuyện xưa, buồn lắm. Nhưng cũng không được quên nhé. Tôi rất thích bài hát của nhạc sỹ gì nhỉ? Bài gì nhỉ? A, phải rồi, “Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên. Có một bài ca không bao giờ quên, là lời mẹ ru con đêm đêm. Bài ca tôi không quên, tôi không quên, tháng ngày vất vả, gót mòn hành quân hối hả, làm bạn cùng trăng ngồi ôm súng ngắm sao khuya. Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những người đã ngã. Bài ca tôi không quên, tôi không quên, giữ trọn đời cho tất cả, là đồng đội tôi ôm súng giữ biên cương”…

Ông Mùi bỗng dừng hát, nghênh mặt sẹo nhìn Sa Thổ, hỏi:                                               

– Này, chú Sa Thổ! Tôi nghe đâu cái tay Pín quyết mua bằng được núi Chúa để làm du lịch sinh thái à?

– Vâng!

– Ý chú thế nào?

– Thì cái lần ông ta thuê đầu gấu đánh dằn mặt em cũng là vì chuyện đó thôi.

– Đã đành, nhưng ý chú thế nào?

– Em đã bàn với dân bản Nà Lai rồi, không ai đồng ý cả.

– Thế là phải!

– Nhưng ông Sò với ông Lỉn lại khuyến khích ông Tử Pín.

– Ồi, mấy ông sếp thì cần gì nhỉ? A, mấy ông ấy chỉ cần có phong bì nặng đôla là xong phứt mà.

– Ầy, ông Tử Pín cũng tưởng em máu tiền như các sếp. Ông ta công khai mua em năm mươi triệu đồng chỉ để thuyết phục dân Nà Lai bán núi Chúa.

– Thế chú đã cầm tiền của người ta chưa?

– Ơ, sao mà cầm tiền của người ta chứ? Tiền chưa phải là tất cả, phải không bác Mùi? Bộ đội cách mạng chúng mình làm gì cũng phải nghĩ đến đồng đội đã cống hiến, hy sinh xương máu và cả mạng sống cho nhân dân, cho Tổ quốc vĩ đại, chớ đùa! Con người phải có Danh dự. Bộ đội cụ Hồ càng phải giữ Danh dự!

– Tôi tin chú!

Ông Mùi bắt tay ông Sa Thổ, tỏ ý tin tưởng. Ông Mùi thì thầm. Chú Sa Thổ đúng rồi! Con người phải có Danh dự, cần phải giữ gìn Danh dự, thiêng liêng lắm. Bộ đội cụ Hồ càng phải giữ Danh dự! Ta làm gì cũng phải nghĩ đến đồng đội đã từng cống hiến, hy sinh xương máu và cả cuộc đời cho nhân dân, cho Tổ quốc vĩ đại, đừng bao giờ quên điều đó, phải không chú Sa Thổ? Tôi tin chú! Không bán núi Chúa cho bọn tham tiền, hại dân lắm!                                                                                                   

Chuyện vãn, hai người bạn lính lăn ra ngủ, một mạch đến ngang chiều. Ông  Sa Thổ dậy trước, lay gọi ông Mùi. Dậy tắm. Tắm truồng. Cả hai ùm xuống suối Be, sóng nước ào lên các tảng đá, lấp loáng. Hai người lặn ngụp, khỏa nước, té nước vào nhau, cười vang cả núi rừng. Hai người thi nhau lặn sâu xuống lựng nước, khỏa tay đuổi theo đàn cá trắng bạc bơi bơi, lẩn quanh chân các tảng đá. Vừa nhô lên, ông Mùi kêu ú ớ, ô, ai như…, ớ ớ, cô Sao! Cô Sao đi lấy cây thuốc trên rừng về, thấy hai người đang tắm truồng, vội nép vào gốc cây nghiến. Ngại quá, ông Mùi lặn ngay vào hườm đá, trèo lên sau một tảng đá to, lấy quần áo, mặc vội, rồi chuồn vào rừng mất tăm. Ông Sa Thổ vẫn đương đạp chân, quạp tay ùm ùm dưới suối, chẳng biết gì. Cô Sao ngó nghiêng, không thấy bóng ông Mùi, liền tháo bỏ túi cây thuốc xuống gốc cây, chạy nhanh ra tảng đá ven suối, lưỡng lự, vừa lúc ông Sa Thổ nhô đầu lên, Sao nhào xuống suối, ngụp ngoạp nước. Ông Sa Thổ nhổm người khỏi mặt nước, tưởng Sao ngã suối, vội nhào ra, ôm chặt lấy Sao, kéo vào bờ. Sao rũ tóc, hai tay nguẩy nguẩy, chân đạp nước oạp oạp, miệng kêu cứu với, cứu với. Ông Sa Thổ ôm Sao đặt lên tảng đá. Ô ô, ông Sa Thổ chợt nhận ra mình đang trần truồng, vội buông Sao, chạy tút lên rừng.    

HOÀNG THẾ SINH

(Còn tiếp)

————–

1 Chọc sàn: Tục xưa của các chàng trai Tày, đêm thường mang một cái que nhỏ, chọc lên sàn nhà chỗ bạn gái nằm, tín hiệu, rủ ra ngoài cầu thang, lên đồi nương, hoặc ra ven suối ngồi tâm sự. Nhờ tục chọc sàn mà nhiều đôi trai gái Tày nên vợ nên chồng tốt.

2 Tung còn cho được mùa. Lấy chồng để đẻ con.

3 Hoa nở trúng tuyết mới đậu quả. Miệng nói đúng chỗ mới nên lời (thành ngữ Tày)

4 Em gái ơi! Em gái! Đất trời không phù hộ hai ta. Mới để hương lìa hoa cách biệt. Mới cho cá lìa nước cách xa. Mới cho chỉ lìa kim ở lẻ.

5 Anh ơi! Ngày xưa mây xuống đồng chả ngó. Giờ mây đi ngàn dặm mới mong. Mây ôm núi trong lòng lại tiếc. Mây chẳng xuống bến cát nữa đâu. Gió thổi vào vườn mía lá dài. Thổi vào vườn rau mùi ngào ngạt. Về nhà hãy gối tay vợ ngủ. Gối mỏi tay ấp ủ suốt đêm.

6 Mười bốn trăng sáng tỏa. Mười rằm trăng sáng trong. Sao này sao sáng tỏ cầu loan. Nửa đêm gà gáy liền xao xác. Nhớ bạn trong dạ nhũn như mon. Đêm chẳng ngủ thức tròn đến sáng. Chợt mơ thấy một áng quang minh. Tạ đất trời đốt hương lên khấn. Đất trời hãy phù hộ hai ta. Đừng cho hương lìa hoa cách dặm. Đừng cho cá lìa nước hai nơi. Đừng cho én lìa đôi xa tổ.

7 Nửa đêm ngủ mãi chẳng thành giấc. Chợt nghe tiếng khảm khắc vọng sôi. Khảm khắc chẳng đủ đôi than thở. Khảm khắc cũng buồn nhớ như ta. Chúng buồn còn có cây mà đậu. Em buồn chẳng biết náu phương nào. Yêu anh bao dạt dào thương nhớ. Khóc nhiều nước mắt không còn nhỏ nữa mà. Biến thành ong tìm hoa khắp ngả. Cha mẹ sinh ra để làm gì. Công kết chẳng nên đôi buồn lắm.

8 Con cá sỉnh! Nhiều lắm!

9 Con cáo rừng.

10 Con chó rừng.

11 Ngẩng đầu đi thẳng hướng không sai. Nhưng phải chăm xem vết giày người đi trước. (thành ngữ Tày)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *