Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 2

Vanvn- Bố hỏi, có thứ cây nào mà lá nó đã khô đã chết nhưng vẫn không rời thân mẹ nó như cây chuối, cây lúa không con? Có loài cây nào mà cứ cây già thì lưng còng để cây non to mập đứng thẳng lưng vươn lên trời như cây tre không con? 

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân quê ở Phú Thọ

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 1

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 3

 

14.

Nguyễn Phiến cùng trung đoàn hành quân vào Tây Nguyên gần hai năm mà đã như già đi cả chục tuổi. Từ một anh sinh viên Sư Phạm Ngoại Ngữ hiền lành nhập ngũ là vào ngay chiến dịch phản công Đường Chín nam Lào. Sau một chiến dịch Phiến trở thành trung đội trưởng của đại đội chủ công. Đã qua hàng chục lần giáp trận khiến chàng sinh viên ngoại ngữ chai lì trước bom pháo của địch. Lần này Phiến được cử chỉ huy bộ phận tăng gia của đại đội trong vòng một tháng. Nhiệm vụ của một tháng là đốt nương, trỉa lúa. Phủ xong 5 héc ta lúa nương và trồng mười ngàn hốc sắn rồi về đi chiến dịch. Một tháng làm người nông dân so với lính trận thật sướng. Dù có phải trần lưng hùi hụi làm nương cũng chỉ như đi nghỉ phép sướng chán. Được ra tăng gia là lính ta thích lắm. Cứ như là được đi nghỉ phép vậy.

Gọi là kiềng tăng gia nhưng chỗ tăng gia của các đơn vị chiến đấu cũng vẫn chưa thoát ra khỏi tầm pháo của địch. Có nghĩa là chỗ kiềng chiến đấu và kiềng tăng gia chỉ cách nhau chừng 5 cây số đường chim bay. Ấy thế mà mỗi lần được ra kiềng tăng gia là cảm thấy yên ổn lắm cứ như đã về đến hậu phương. Ở đó có vườn rau, có nương sắn có chuồng lợn chuồng gà và mỗi kiềng của đại đội có đến dăm bảy con chó sủa rinh rom khiến người lính cứ ngỡ như mình đang ở quê.

Bình thường kiềng tăng gia của một đại đội chỉ có 3 hay 4 người thôi. Đó là những thương binh mới đi viện về, hay những anh lính già yếu sức khỏe mà chưa đủ tiêu chuẩn ra Bắc thì đơn vị cho ra đấy nuôi lợn trồng rau, phát nương trỉa lúa thêm cái ăn cho đơn vị mình. Họ cũng như những người anh nuôi mỗi lần có thức ăn gì là gùi ra phía trước cho đơn vị. Tuy rằng phía trước và lính phía sau luôn là một khoảng cách tâm tưởng cũng như sự rủi ro chết sống dù thế lính ở phía trước vẫn rất thương lính phía sau và ngược lại mỗi khi thấy lính phía trước về kiềng tăng gia là lính tăng gia chiều chuộng hết mức. Ai đi viện về còn run chân run tay thì ở lại kiềng tăng gia vài hôm cho cứng cáp mới về chiến đấu. Có anh đi công tác lâu lâu mới về cũng ghé qua tăng gia làm bữa cơm có tí rau dưa và ngủ một đêm nghe chó sủa gà kêu yên lành rồi đeo ba lô về chốt. Kiềng tăng gia như thể chốn đi về, chốn gửi gắm chút bình tâm nhỏ nhoi của người lính luôn kề bên cái chết. Nói như đại trưởng Kế ở C7 thì kiềng tăng gia là hậu phương của bọn mình. Dù ai cũng thích về kiềng tăng gia nhưng chả ai muốn ở lâu ở đây vì người lính nào cũng rất sợ mang tiếng là lính tụt tạt phía sau, lính ốm yếu, lính hạng hai. Giữa mong manh sự chết sự sống mà con người vẫn phải luôn giữ sĩ diện với chính mình. Sự sĩ diện của lính không những là món quà về tinh thần mà còn là món nợ. Trước khi đi chiến đấu người lính nào cũng là niềm vinh dự của gia đình dòng họ. Người lính nào ra đi cũng là thay mặt gia đình mình làm phận sự cứu nước. Họ coi đó là sự đóng góp công bằng cho thời đất nước lâm nguy. Sự đóng góp không có trên có dưới có sang có hèn. Đó là bổn phận người trai thời loạn. Những ý nghĩ ấy là từ cha mẹ ông bà người lính truyền sang cháu con bằng dặn dò bằng niềm hi vọng vào những đứa con trai dòng họ của mình. Những ngày nghỉ phép chóng vánh đều là những ngày tôn vinh người ra trận nơi làng quê, dù là quê hương trên ngược hay dưới xuôi, nơi đông người hay heo hút. Bao nhiêu cuộc liên hoan tiễn đưa cảm động thiêng liêng rồi tiếp đó là đợi chờ chiến công gửi về làng quê luôn nằm trong tâm cảm của người ra trận. Chiến thắng và sự dấn thân không lùi bước luôn được người lính đặt lên hàng đầu trong bước chân chiến trận. Kỷ cương dòng họ, kỷ cương đất quê hương và sĩ diện tâm hồn đã làm nên bức chiến lũy ngăn những bàn chân hèn nhát.

Đã lâu lắm dễ đến gần một năm nay Phiến mới gặp Lộc là người cùng xã với mình, dù hai đứa ở chung một đại đội. Khi Phiến dẫn quân bổ sung vào E3 thì Lộc đã là lính ở đấy nửa năm rồi. Hồi ở nhà, Lộc chỉ học hết cấp 2 rồi về làm ruộng. Lộc là lao động chính giúp gia đình cầy cấy. Phiến học lên cấp 3 rồi đi đại học. Lộc to khỏe nhưng học kém nên luôn bị đúp lại lớp sau. Phiến là B trưởng dẫn quân vào rồi ở lại chiến đấu không quay ra miền Bắc. Đánh từ Kon Tum về Gia Lai, Phiến luôn là một B trưởng giỏi.

Tuy vậy sự thăng tiến không thuận với Phiến. Lúc ấy vừa mới ký kết, dãy chốt trên núi

Cư Rông của quân ta luôn căng ra chặn địch có ý đồ lấn chiếm. Đêm ấy sương buông trắng rừng, cảnh giới rất khó khăn. Một chú lính nhà ta bò sang tổ chốt bên trung đội bạn xin thuốc lào. Lúc bò về bò vào trước mũi cảnh giới của trung đội Phiến. Nhìn bóng đen bò trước mũi súng. Phiến hô khẩu lệnh. Không thấy tiếng trả lời mà vụt chạy. Phiến nổ một điểm xạ. Từ hôm ấy Phiến bỗng như người tâm thần, lúc nào cũng lảm nhảm gọi tên chiến sĩ bị mình bắn chết. Phiến bị hạ cấp thượng sĩ xuống trung sĩ và bị cho xuống làm trung đội phó. Phiến coi đó là sự may mắn vô cùng với mình. Phiến cảm ơn Đảng ủy tiểu đoàn. Phiến thấy mình có tội. Tội với gia đình người đồng đội xấu số kia, tội với đảng với đơn vị. Sự dằn vặt khiến Phiến đổ bệnh. Khi đã khỏi bệnh Phiến chỉ mong đi chiến đấu luôn và trong tư tưởng luôn muốn lập công chuộc tội. Phiến cũng biết có lập công bao nhiêu chăng nữa cũng không lấy lại được một mạng người. Một tháng trời

Phiến bị trầm cảm, lúc nào cũng gọi tên người chiến sĩ sấu số đó và đầu thì gật gật gù gù. Phải cho đến ba tháng sau, Phiến đánh trận ở X30 diệt được cả xe tăng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì Phiến lại lên làm trung đội trưởng. Ở đơn vị ai cũng thương người lính xấu số và không trách được Phiến. Cái sai nhất của Phiến là sự trớ trêu của chiến tranh. Phiến nghĩ nếu không có chiến tranh bao nhiêu tay súng thiện xạ của đại đội mình đều là những thợ cày, những người chồng tốt, những trí thức hiền lành giỏi giang và trong đó có cả những nghệ sĩ tuyệt vời.

Gặp Lộc ở kiềng tăng gia Phiến vui lắm. Hai đứa bạn cùng làng có được ít thời gian yên ổn không phải đánh nhau lại được ở bên nhau thì còn gì bằng. Phiến muốn nói nhiều chuyện ở quê và cũng muốn hỏi nhiều điều với Lộc nhưng khó quá. Lộc bị điếc sau một trận pháo ở đồi Sạc Ly trên Kon Tum năm 1972. Từ sau trận ấy Lộc không bao giờ tắm giặt hay rửa mặt đánh răng. Người Lộc luôn hôi hám khó chịu cho mọi đồng đội khác. Lộc vừa điếc vừa bẩn nên đại đội gọi là Lộc bẩn. Phiến lờ mờ đoán rằng Lộc bẩn thật còn điếc thì chưa chắc đã thật. Trận pháo ấy nhiều người cùng hầm với Lộc có anh nào điếc lòi điếc tĩ như Lộc đâu. Lộc ngơ ngơ. Ai gọi cũng mặc kệ. Thậm chí nghe tiếng đạn nổ Lộc cũng không giật mình. Dù vậy người ta vẫn đưa Lộc về phía sau. Lộc ở tăng gia và suốt mùa khô mùa mưa Lộc vẫn điếc và không hề tắm.

Người ở phía trước mỗi khi về kiềng tăng gia không ai muốn nằm gần với Lộc bẩn. Căn nhà hầm của Lộc nay chỉ có thêm B trưởng Phiến và chú liên lạc, còn thì anh em đào thêm hầm ngoài rừng và mắc võng bên cạnh mà ngủ. Một đêm pháo địch bắn vào ngay khu kiềng tăng gia. Đêm ấy trăng lại sáng, tiếng đầu nòng nghe bong bong. Mọi người lăn xuống võng. Phiến nghe thấy soẹt soẹt vội lao vào hầm. Phiến va vào một người đã ngồi trong hầm. Thì ra đấy là Lộc bẩn. Lộc điếc là thế mà đã lao vào hầm trước cả Phiến. Căn nhà hầm bị pháo tung tóe. Cả kiềng tăng gia không bị chết ai cả. Ngày hôm sau được một bữa dọn dẹp sửa sang lại hầm hố nhà cửa mệt phờ phạc. Chiều tối, Phiến và Lộc cùng xuống suối tắm. Nhìn quanh không có ai Phiến hỏi:

– Bố mẹ mày ở nhà có khỏe không? Hồi lâu im lặng nghe rõ tiếng nước óc ách.

– Khỏe. Tao cũng mới nhận thư nhà.

Khuôn mặt Lộc buồn rượi. Phiến thấy thương thằng bạn cùng quê quá. Đột nhiên Lộc quay nhìn xung quanh rồi khẽ nói:

– Mày biết tao giả vờ điếc phải không?

Phiến dừng tay đang cầm hòn đá suối kì lưng cho Lộc …ừ ừm. Thôi tao biết rồi.

Lộc xoay người lại:

– Tao muốn về đơn vị với chúng mày quá mà không biết làm sao?

Phiến đằm mình xuống nước hồi lâu ngoi lên rồi bảo với Lộc.

– Để tao nói với anh Đằng đại trưởng quân y tìm cách giúp mày. Hôm tao gặp bạn tao lính đại học Y Khoa Việt Bắc chúng nó bảo tổn thương áp khí thính giác có thể phục hồi. Mày khám lại coi như tai mày đã phục hồi và xin về chiến đấu với chúng tao. Mày đã đánh nhiều trận rồi mày lạ gì nữa. Đạn bom chắc gì đã trúng mình mà trúng thì chắc gì đã chết. Sống mà lúc nào cũng giối giếm giả vờ đóng kịch thì khổ hơn là chết.

Lộc nắm tay Phiến:

– Phiến ơi. Bây giờ tao sợ mày hơn là sợ chết. Tao xin mày. Sau này có sống trở về thì mày cũng đừng kể gì về tao mày nhé. Thầy mẹ tao họ hàng nhà tao sẽ đau khổ mà chui xuống kẽ nẻ ruộng mạ mất.

Phiến bỗng ôm chặt lấy Lộc. Sao mà Phiến thương Lộc thế. Phiến cũng thấy tự nhiên thương cái thân mình. Giữa cái sống cái chết luôn có con mắt thứ ba dõi nhìn cay đắng. Chiến trận là phải có kẻ sống người chết ấy thế mà những cái chết vẫn thường được ngắm nhìn từ mọi góc phản chiếu của những người còn sống. Chiến tranh là thế. Nó đau đớn ngay cả ở sự thật thà hay dối trá. Ở trong chiến trận sự thật thà và dối trá không thể biết đến lúc nào cái nào có tội cái nào không. Hai đứa cùng làng ôm nhau trong một chiều ở chiến trường Tây Nguyên có tiếng máy bay rin rít trên đầu và thi thoảng pháo địch vẫn nổ ở xa xa.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

15.

Thành Ích về A trinh sát tiểu đoàn được vài tháng đã trở thành trinh sát cứng cựa. Cũng dễ hiểu vì Thành Ích đã từng chiến đấu nhiều trận ở bộ binh rồi, từng lập chiến công từng là dũng sĩ. Tiểu đội trinh sát ít người, người nào cũng sừng sẹo nổi tiếng từ trước đó. Đánh nhau thì dũng cảm gan lì nhưng so với lính bộ binh thì có vẻ tự do hơn, kém hơn về nếp sinh hoạt. Một trinh sát cứng cho xuống bộ binh thường làm A trưởng hay trung đội phó. A trưởng trinh sát mà về đại đội là làm B trưởng ngon ơ, sẵn có kinh nghiệm nghiên cứu bố trí trận đánh vả lại trinh sát nào cũng gan lì. Vì thế nhiều đơn vị bộ binh rất thích nhận lính trinh sát về làm cán bộ.

A trinh sát tiểu đoàn có hai thằng đều có cái tên “cối “ đó là Hợi cối và Tạ cối.

Có một thú vị là hai thằng cối này đều cùng một làng. Cái làng này trai tráng chuyên nghề đóng cối dạo gánh đôi bồ trong đó có cưa dao đục vồ đập đất và vài ít dăm cối đi khắp nơi trên miền bắc. Đi đến đâu rao lảnh lót đến đấy. Cối đê… ê. Cối đê… ê ê.

Bố thằng Hợi và bố thằng Tạ lúc trẻ từng là bạn đóng cối dạo của nhau. Hai ông bố từng có những mối tình sơn nữ ở những vùng đã đi qua. Hai thằng con trai thì khác hơn chúng nó thân nhau là thế nhưng rất giữ ý nhau về cái đường trai gái. Từ ngày miền Bắc tiến lên Hợp tác hóa nông nghiệp thì đều ở nhà làm ruộng cấy cày. Hợi và Tạ đều gan lì dũng cảm. Lúc Thành Ích lên Trinh sát thì hai thằng “cối” này đều về làm A trưởng dưới đại đội bộ binh. Hiếm có tiểu đội nào lại có hai thằng cùng xóm cùng tuổi mà hai ông bố cũng thân nhau như hai thằng trinh sát tên “Cối” này. Đi bám địch trận nào chúng nó cũng đi cùng nhau. Bò vào cứ điểm nào, ấp nào hai thằng cũng xin đi một mũi. Hút thuốc, hai thằng này cũng chỉ quấn một điếu hút chung. Hôm nay thằng này quấn thuốc thì ngày mai đến lượt thằng kia. Nếu một hôm nào đó thằng này đi công tác lẻ chưa về thì thằng kia vật vờ như thằng ốm dở. Mấy năm ở chiến trường đánh đấm lên xuống mà cả hai thằng đều mất ba lô chỉ có hai cái bao cát thắt lại bằng dây dù làm cái bồng đeo sau lưng. Thỉnh thoảng Hợi cối và Tạ cối lại cùng điểm nghiệm quân trang với nhau trong hầm. Những chuyện như thế này chúng nó không muốn cho những thằng khác biết. Những câu chuyện về “làng cối” hình như chúng nó cũng coi là tài sản riêng của nó. Chỉ duy nhất thằng Hợi có một cái phong bì gấp làm 8 trong ấy là tấm ảnh con Yến em gái thằng Tạ đã tặng cho thằng Hợi ngày tòng quân thì Hợi không cho Tạ biết. Lý do thì rất đơn giản. Chả phải thằng Tạ không biết chuyện thằng bạn thân nhất phải lòng con em gái mình. Nó biết cả đấy nhưng cứ im im. Hồi sắp nhập ngũ, một hôm nó có nghe được đứa trẻ choai choai nhà bên kể nhìn thấy anh Hợi bóp vú chị Yến. Thằng Tạ ức lắm. Hôm về đến đơn vị mới thằng Tạ mới bảo với thằng Hợi, mày yêu nó thì yêu những việc gì phải sờ mó thế cho người ta nhìn thấy. Thằng Hợi ngượng lắm từ ấy không bao giờ nó nói chuyện về cái Yến với thằng Tạ nữa. Dạo đánh địch ở đồn X30 thằng Tạ lấy được trong ba lô một thằng lính ngụy cái đèn pin cổ ngoéo và cái bật lửa Zippo cùng cái lọ đựng xăng của Mỹ. Nó bảo với thằng Hợi, tao sẽ mang về cho bố tao. Đêm đêm ông đi đánh lưới bóng có cái bật lửa này đến gió cũng khóc. Ngừng một lát nó nói rất trịnh trọng. Còn cái đèn pin để ông đi chơi tổ tôm với bố mày. Cả xóm chắc chỉ bố tao và bố mày có đèn pin Mỹ thôi nhể. Thằng Hợi thấy cay cay ở mắt. Tao cũng muốn kiếm cái đèn pin cho bố tao mà chưa được. Thế rồi trong đêm hai thằng làng cối toàn kể chuyện về bố của mình. Bỗng chốc cái làng cối hiện ra, con đường đất rất mịn và những người dân đi làm đồng rất hay đội trên đầu cái lá khoai thật to. Chiến tranh đã đưa hầu hết con trai của các ngôi làng đi ra trận, chiến tranh nó đưa tất cả các đàn bà ông già xuống ruộng và lên đồi, chiến tranh cũng làm các cổng ra vào công xưởng thưa vắng trai tráng, các cổng trường đại học bớt những tiếng cười đàn ông. Từ trong chiến tranh trong chết chóc thoắt ẩn thoắt hiện hình bóng người thân và rõ nhất là bóng dáng cha mẹ của người ra trận.

Hai thằng làng cối được thuyên chuyển về bộ binh làm A trưởng thì có ngay một thằng A trưởng vệ binh trên Trung đoàn bổ sung về tiểu đội. Vừa gặp nhau Thành Ích há hốc mồm nhìn nó. Thành Ích kêu lên:

– Ôi thằng này là thằng đâm chết lợn của Chính ủy Trung đoàn đây mà.

Cả tiểu đội giương mắt thán phục thằng lính mới. Thằng này thản nhiên phẩy tay:

– Thôi các ông ơi, các ông ở trinh sát thì “tội trạng” cũng chả kém tôi đâu. Bao nhiêu chuyện các ông để lại ngoài bản Làng Há, làng Le tôi biết thừa. Rồi nó cười điệu cười ranh mãnh hỏi Thành Ích:

– Nhân vật lính không ăn mì chính cũng ở đây à? Đến lượt Thành Ích há mồm nhìn nó. Thì ra nó cũng biết chuyện mì chính của Thành năm trước.

– Thế ra mày cũng biết chuyện tao không ăn mì chính à?

– Lúc ấy tao là A trưởng vệ binh, nên tao biết và để ý nhìn mày mỗi lần mày đi lấy cơm. Tao còn biết chuyện mày nhất định không để anh Xuân Dũng đại đội trưởng bị kỷ luật đi lấy cơm, mặc dù chủ nhiệm Ban 2 quyết tâm rèn anh ấy bằng cách lấy những việc vặt làm khổ nhau. Tao cũng thấy làm vậy là ác độc với anh ấy.

Rồi không để cho cả tiểu đội trinh sát khỏi phải đợi lâu nó đứng thẳng người ưỡn ưỡn ngực, dõng dạc báo cáo chuyện đâm chết lợn Chính ủy Trung đoàn như sau:

– Tao tên là Minh, Nguyễn Minh. Nhập ngũ tháng 1/ 1970. Tao không đâm chết lợn của Chính ủy mà là phi dao găm trúng vào bụng lợn. Có điều rất dở là con lợn này lại là con lợn mà thằng công vụ của Chính ủy nó nuôi. Hàng ngày nó tha thẩn đi lại trong E bộ. Một hôm rỗi việc, mấy thằng vệ binh thách đố nhau phi dao găm trúng lợn. Mấy thằng chúng nó toàn ném trượt. Con lợn khinh khỉnh nhìn những con dao găm lăn ngược lăn xuôi bên cạnh kêu ỉn ỉn. Tao điên tiết, nói bọn nó là đồ ăn hại rồi rút dao găm của mình ném một phát. Con lợn kêu đánh éc rồi đeo luôn con dao cắm ở mạng mỡ phóng thẳng về cửa hầm

Chính ủy nằm giãy giụa. Khốn nạn cho tao, chuôi dao găm khắc rõ chữ

“Nguyễn Minh” vẫn còn cắm vào bụng chú lợn tội nghiệp. Tao mang tên

“Minh Lợn” từ đấy. Ông Chính ủy chả nói gì, nhưng Trung đội trưởng cảnh vệ thì nhìn thấy tao là như thấy mẻ. Nó bảo tao ngáng đường tiến lên của nó. Điên tiết, tao xin về đơn vị chiến đấu và xin đích danh về đây, về trinh sát tiểu đoàn này. Đã về đơn vị thì về hẳn trinh sát cho máu. Hết,

Cả tiểu đội hoan hô:

– Hoan hô! Hoan hô Minh lợn.

Lần đi trận đầu tiên là bám địch đường x20. Sau ký kết, trung đoàn 45 hay điều quân lấn chiếm vào vùng này hòng quyết giữ con đường thông ra biên giới CPC.

Thường thì địch cứ lập căn cứ dã chiến dựa vào những căn cứ của Mỹ cũ mà củng cố hầm hào. Ngày ngày đưa quân nhỏ lẻ sục sạo các làng bản dọc hành lang ra biên giới. Chúng gọi pháo bắn dọn đường như xay lúa. Trên con đường X20 luôn có bọn thiết đoàn Z21 thập thò đi cùng với bọn E45. Tiểu đội bò vào tận tường đất, đếm hết những tháp canh và xác định hướng tiềm nhập cho bộ binh. Cách căn cứ địch chỉ vài trăm mét có một nương chuối xanh ngắt. Bọn Trinh sát chui vào đấy nằm nghỉ chờ trời tối. Nhìn thấy có buồng chuối có vài quả chín. Có thằng định chặt cây chuối để lấy quả ăn. Minh Lợn ngăn lại.

– Để tao! Nói đoạn nó bò tới rút dao găm chọc vào thân cây chuối một đoạn rồi xoay ngang lưỡi dao. Cây chuối từ từ gục xuống không một tiếng động.

Sau lần ấy cả tiểu đội nghe Minh lợn nói về cách ăn trộm chuối. Cách ăn trộm bưởi, cách bẻ trộm mía không gây tiếng động. Nó bảo, cây chuối đổ nhanh hay chậm là do mũi dao găm ngập vào thân cây chuối nông hay sâu. Khi cây bị gập xuống nó từ từ cúi xuống mà rất là êm tai. Chúng mày đừng chặt đổ cây chuối. Hơn một chục lá chuối to như cái lá buồm khi đổ sẽ sinh ra tiếng động rất lớn. Nghe chửa? Từ ấy tiểu đội trinh sát bỏ cái tên “Minh Lợn” mà đổi thành “Minh trộm”. Nó bảo, cũng được. Nghe Minh trộm còn hay hơn là Minh lợn.

Thành Ích và Minh trộm được cử lên Sư đoàn bộ học một tháng về nghiệp vụ trinh sát. Lính bộ binh chú nào đánh nhau khá khá trên Tiểu đoàn đều biết. Các cán bộ Tiểu đoàn cứ chọn thằng nào đánh nhau dũng cảm khôn lỏi thì rút lên trinh sát. Thế là cứ thằng cũ dậy thằng mới đi địa bàn, đọc bản đồ, dò gỡ mìn, rồi vài miếng võ dao găm đấm đá chứ chả đứa nào học hành bài bản gì.

Nay ra tận rừng xoài Lệ Thanh cơm no ba bữa để học đi bản đồ học vẽ đồ bản đắp sa bàn, rồi học cả võ thuật và dò gỡ mìn, gài mìn. Chỉ một tháng trời thôi mà hai thằng thấy mình như là một người khác. Những con suối, đỉnh đồi, bãi lầy mình từng đi qua bây giờ hiện lên trên bản đồ nó như có màu sắc mùi vị xa gần. Đôi khi nhìn vào bản đồ thấy những triền đồi cao nguyên tưởng như thấy cả tiếng gió tiếng mưa, thấy những triền gai xấu hổ tím tím hay vạt rừng vàng hoe dã quỳ.

Một lần Minh trộm bảo với Thành Ích:

– Mày đi về làng Ngo với tao không? Thành Ích chột dạ.

– Thôi thôi tao sợ ra bản lắm.

Tự nhiên Minh trộm kể chuyện cô Mít bản Ngo đi tìm ba chú lính ngửi mồm mình hai năm trước. Câu chuyện được lính ta dệt thành nhiều dị bản. Dị bản nào cũng là cái hôn khăng khít tình quân dân không nỡ rời nhau. Ấy thế chả hiểu tại sao sau khi được ngửi mồm rất chi là khoan khoái rồi mà cô Mít “đồng bào” lại đi báo cáo với bên bộ đội. Minh trộm cằn nhằn, thật không công bằng. Còn Thành Ích thì nín thinh.

Chiến tranh cũng chỉ là một sự bất bình thường của một xã hội và đời lính chiến cũng chỉ là sự bất bình thường của một đời người đó thôi, còn thì mọi sự yêu ghét thích thú ham muốn dẫu có bom rơi đạn nổ tung trời con người vẫn cứ thích, cứ yêu cứ muốn như thường. Minh trộm có lần nói với Thành Ích trong một đêm bám địch rằng, cái gì càng cấm hãm con người thì cái đó sẽ càng là nỗi ham thích mãnh liệt.

Mày đã từng hôm nào đi qua vòi nước của bản Ngo chưa? 5 cái ống lồ ô xối nước xuống 5 đứa đàn bà khép chân ngồi trên tảng đá kỳ cọ như 5 cái… Cái gì nhỉ… Ờ ờ.

Minh trộm nghĩ mãi rồi mới nói tiếp được… là 5 pho tượng thịt. Mẹ kiếp trông như cao su thịt. Nuốt nước bọt xong, Minh trộm nói rất chậm và chắc. Chỉ một lần qua đó và nhìn thấy 5 vòi nước ấy… là tao thấy hết chiến tranh. Mẹ kiếp đang lúc đánh nhau thí xác nhìn thấy những tấm thân con gái thật là… chả sợ chết nữa. hơ hơ!

Thằng Hợi cối và Tạ cối về dưới bộ binh làm A trưởng được vài tháng thì đánh trận địch nống ra làng Pheo đường X20. Hôm bám địch về Thành Ích và Minh trộm gặp bộ binh đang đi vào, nhìn thấy hai thằng tên “cối” liền gọi ơi ới. Thành Ích bảo

Hợi cối:

– Mày đi cùng với thằng Tạ cối, lo giữ gáo cho thằng anh vợ mày nghe không?

Mấy thằng lính trinh sát cùng cười nhìn bộ binh lỉnh kỉnh đạn thủ pháo cây que như thợ sơn tràng. Hai thằng tên cối hỏi xin thuốc lá. Minh trộm nhúm cho nó một nắm và bảo, hồ thêm nước đường cho nhẹ mà hút nhé. Nói rồi Thằng Minh còn dúi cho Tạ cối 2 viên đá lửa rồi chia tay.

Hôm sau, đánh xong điểm làng Pheo. Gặp thằng Hợi cối thất thểu đeo hai cái bồng trên lưng mắt đỏ hoe. Thành Ích lôi Hợi cối về hầm trinh sát. Hợi khóc:

– Thằng Tạ chết rồi. Lúc nó bị phóng lựu tao chạy sang mũi nó nhặt khẩu B40 của nó bắn một phát rồi cõng nó xuống. Nó bảo tao, mày mang cái gùi của tao về nhé, tao cho mày cái đèn pin cổ ngoéo còn cái bật lửa thì mang về cho bố tao.

Thằng Hợi cối hu hu to hơn. Nó quệt tay nước mũi nước mắt lằng nhằng và chỉ vào cái gùi của thằng Tạ cối.

– Thôi tao mang cả đèn pin và bật lửa về cho bố nó thôi. Tao chỉ sợ tao lại chết như thằng Tạ thôi. Nó ngồi lần lần tay lên ngực giở cái ảnh con Yến em thằng Tạ ra mà cổ cứ nghẹn mãi.

Thế là làng cối có hai thằng thì đến lúc này chết mất một thằng. Vài tháng sau thằng Hợi cối được đề bạt lên B trưởng. Cái gùi của thằng Tạ cối được Hợi cối gói riêng một bọc cho vào gùi của mình. B trưởng Hợi lẩm bẩm. Tạ ơi, bao giờ được bổ sung ba lô tao sẽ cho mày vào ba lô. Mày cứ yên tâm nếu tao không chết thì tao sẽ mang tất cả mọi thứ của mày về cho bố mày Tạ nhé. Thế là B trưởng Hợi cối lại ràn rụa nước mắt. Hàng đêm, khi đã im ắng tiếng đại bác của địch từ phía Hòn Rồng là Hợi cối lại thấy con đường làng mình hiện ra. Ở đó có những bụi cúc tần quấn đầy những sợi dây tơ hồng. Làng cối rất nhiều những bụi tre gai. Hợi nhớ bố mình nói rằng trên đời có những thứ cây hệt như con người, đấy là cây tre, cây chuối và cây lúa. Bố Hợi chỉ là người đóng cối dạo như bao người dân làng cối. Bố kể cho Hợi nghe chuyện cây tre. Hầu như loài cây nào cũng thế, tách nhau ra là dễ chết lắm. Tre càng sâm bụi càng tốt tươi, tre sợ nhất là lạnh gốc. Cũng như con người vậy thiếu anh em họ hàng thì khổ lắm con ạ. Bố lại nói về chuyện cây chuối cây lúa cho Hợi nghe, lúc ấy Hợi đâu có hiểu. Chỉ khi xa bố rồi, chỉ khi vào trận đánh với quân địch rồi trở về mới thấy lời bố thấm sâu trong thương trong nhớ.

Bố hỏi, có thứ cây nào mà lá nó đã khô đã chết nhưng vẫn không rời thân mẹ nó như cây chuối, cây lúa không con? Có loài cây nào mà cứ cây già thì lưng còng để cây non to mập đứng thẳng lưng vươn lên trời như cây tre không con?

NGUYỄN TRỌNG LUÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *