Người con gái Thăng Long – Tiểu thuyết lịch sử của Phù Ninh – Kỳ 3

Vanvn- Con vì giang sơn xã tắc mà đi làm dâu chốn rừng thiêng nước độc, trong lòng cha mẹ ngùi ngùi thương xót. Vợ chồng ăn ở hòa thuận con cái đề huề là điều cha mẹ không mong gì hơn. Vạn nhất chồng con còn mang lòng hùng cứ mãi mã chiêu binh tính chuyện kia khác thì con khéo lựa lời tìm mọi cách mà khuyên giải. Nếu khuyên giải không xong, đến nước con rể bố vợ thành hai bên đối địch thì phải sớm tìm cách báo về, chớ để xảy ra cảnh nuôi ong tay áo, dẫn lối cho chồng lấy trộm nỏ thần như trong truyện Mị Châu Trọng Thủy thời xưa…

Nhà văn Phù Ninh

 

VĂN HỌC TUYÊN QUANG:

>> Truyện ngắn Trịnh Thanh Phong: Bức tranh trên đá

>> Người con gái Thăng Long – Tiểu thuyết Phù Ninh – Kỳ 2

>> Vũ Xuân Tửu – Những viên đạn đá găm vào tiểu thuyết

>> Thơ Đinh Công Thủy: Ngày mở ra như một hành trình

>> Người con gái Thăng Long – Tiểu thuyết Phù Ninh – Kỳ 1

>> Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy

>> Tuyên Quang vùng đất giàu truyền thống thơ ca

>> Vũ Xuân Tửu – Người chuyên viết về nỗi buồn nhưng lấp lánh niềm vui

>> Tuyên Quang trao tặng Giải thưởng Tân Trào

>> Nhà thơ Cao Xuân Thái: Như hoa tàn hoa nở để ta tin

>> Nhà văn “Ma làng”

>> Văn học dân gian Tuyên Quang

>> Đinh Công Diệp một đời “phiêu” cùng chữ nghĩa

>> Văn học hiện đại Tuyên Quang: Từ 1946 đến nay

>> Thơ Mai Liễu: Một đời tôi vẫn người của núi

 

Chương Năm

 

1.

Bị giam trong khoang cuối chiến thuyền. Khi rời bến, Trác Tuấn nao lòng nhìn qua cửa sổ, không thấy hết cảnh quê hương. Chỉ nhìn rõ cây đa sum xuê cùng vách đá trắng nơi bến sông. Nó là hình ảnh cuối cùng của quê hương in trong mắt. Sẽ là vĩnh biệt từ đây những ngày tháng phóng khoáng, vĩnh biệt núi rừng sông suối gắn bó từ thuở ấu thơ. Còn đâu những buổi săn mê mải rình bắn con thú trong tầm ngắm. Còn đâu những buổi đầu hè cùng đám trai quăng chài đem về hàng gánh cá.

Ngay ngày đầu tiên quan thái y đã đến chữa trị. Vết thương khá sâu, may chưa chạm vào xương. Hành trình về kinh một tuần, mỗi sáng thái y đều thăm khám, cho thuốc. Đến Thăng Long vết thương lành hẳn, cử động mạnh cũng không thấy đau nữa.

Nhà vua cho Tuấn ở trong một biệt điện. Tuy không bị gông cùm xiềng xích, được đi lại tự nhiên nhưng có lính canh nghiêm ngặt. Hàng ngày có người phục dịch cơm nước tươm tất. Trác Tuấn nghĩ chắc nhà Vua cho sống những ngày tự do trước khi vào tù. Vậy là cơ nghiệp họ Hà chắc không đến nỗi bị tan tành. Chỉ có điều giao vào tay Hà Chương thì khó giữ lâu bền. Ta năm nay ba mươi tư tuổi, thay cha làm châu mục năm năm. Trong từng ấy năm thóc lúa được mùa, dân tình yên ổn, trộm cướp dẹp yên, người châu khác không dám xâm phạm, cũng gọi được là không thẹn với tổ tiên. Chỉ vì ham muốn làm chúa một vùng không chịu thống thuộc, nghe bọn người Nam Chiếu xúi bẩy đến nỗi bị giải về đây. Phải chi biết nghe lời can ngăn của ông chú Hà Đốc. Vẫn có vị thế đứng đầu châu Vị Long, vẫn có cuộc sống tự do nơi đồng nội. Còn bây giờ thì chúa không thành mà thành kẻ tội đồ. Hẳn như Nhà Vua cứ giết quách cho rồi.

2.

Công chúa Khâm Thánh một mình trong cung Thúy Hoa. Tay cầm chiếc vòng ngọc bích thờ thẫn. Nó là di vật duy nhất của Trần Hạo. Sau khi nhà Vua khởi quân đi Vị Long, Hoàng hậu mới cho con gái hay tin về tướng quân Trần Hạo. Nghe viên bộ tướng trở về kể rằng, Trần Hạo chỉ huy một cánh quân vượt sông. Người bị trúng nhát đao hiểm của tướng Chiêm nhưng vẫn chỉ huy truy đuổi địch. Khi bắt được tướng giặc, do vết thương chảy máu nhiều quá, Trần tướng quân đã hi sinh ngay nơi ranh giới với đất Chiêm. Trước lúc nhắm mắt, Tướng quân giao chiếc vòng cẩm thạch khắc chữ Trần dặn dò gửi đến tay cho Công chúa Khâm Thánh. Nhận chiếc vòng Công chúa khóc không thành tiếng, hai hàng nước mắt cứ tuôn tràn xuống má. Nàng khóc thương con người anh dũng mà kiệm lời, thân xác vùi chốn sa trường; khóc cho mối tình đầu ngắn ngủi, chưa một lời trao duyên, chưa một lần trao cho nhau kỷ vật. Chiếc vòng này lại là kỷ vật cuối cùng. Nàng mong một ngày nào đất nước yên bình sẽ tìm đến thắp lên mộ nén nhang cầu nguyện cho chàng siêu thoát.

Đang khi nàng chìm trong hồi tưởng đa u buồn, thị nữ vào an ủi báo tin nhà Vua đã hồi cung bình an. Thị nữ còn kể rằng nhà Vua bắt được kẻ cầm đầu giải về kinh, hiện giam trong một biệt điện.

– Hay là các em dẫn Công chúa đi xem kẻ bị bắt kia một lần cho khuây khỏa.

– Được ta xem kẻ kia lớn mật chừng nào mà cả gan chống lại triều đình.

Công chúa cất chiếc vòng vào hòm khóa, cùng hai thị nữ đến biệt điện.

Trác Tuấn đang thẩn thơ đi lại nơi sân điện thì tiểu thư cùng hai thị nữ đi vào. Trác Tuấn nhìn sững sờ. Người đâu mà như tiên sa. Đôi mắt bồ câu đen láy, lông mày nét ngang dài tới chân tóc. Yếm thắm rực rỡ ôm lấy cổ cao ngần trắng, cằm hơi lẹm làm cho khuôn mặt thêm duyên, cứ như có nụ cười sắp nở. Hai vú dậy thì căng nịch nhô cao dưới làn áo lụa vàng. Tiểu thư đến thẳng chỗ Trác Tuấn lên tiếng:

– Xin chào ngài châu mục Vị Long.

Không rõ danh phận nhưng nhìn vào y phục, cử chỉ Trác Tuấn đoán là bậc tiểu thư khuê các, bèn đáp:

– Kẻ tội nhân xin kính chào tiểu thư.

Tiểu thư hỏi lại:

– Sao ngài châu mục nói vậy. Chỉ những kẻ phản tặc, làm điều ác phải giam trong ngục tối, ăn cơm hẩm, uống nước lạnh mới là tội nhân. Thử nghĩ xem thiên hạ có ai ở biệt điện, tự do tự tại như ngài mà gọi là tội nhân? Hẳn là chưa khi nào ngài tự hỏi, vì sao mình được đặc ân như thế.

Trác Tuấn càng thêm ngỡ ngàng. Tiểu thư mười phần xinh đẹp mà lời nói thấu đáo lý tình, khiến cho một kẻ từng là châu mục phải ấp úng hồi lâu.

– Ta tự biết là kẻ có tội. Đội ơn Hoàng thượng nhân từ cho giữ được mạng sống.

– Ta cho là từ trong thâm tâm ngài chưa thật thấu lòng nhân của Hoàng thượng nên mới có những lời lẽ hàm ý oán hận. Tin rằng rồi đây dần dần ngài sẽ nhận ra, mà cởi bỏ niềm mặc cảm. Từ hôm ngài về kinh ta muốn đến hỏi thăm chữa vết thương cho ngài. Vì ngày trước khi còn ở Trường Yên hay đi chơi núi, được bậc trưởng lão bày bảo cho một ít bài thuốc. Nhưng các quan nói đã có thái y làm việc đó tốt rồi. Thấy ngài đi lại nhanh nhẹn đủ biết vết thương không còn đáng ngại nữa, xin có lời mừng. Chúc ngài nhanh chóng bình phục.

– Đa tạ tiểu thư, tuy nhiên kẻ bị giam cầm này có khỏe cũng chẳng để làm gì. Có chăng chỉ là để kéo dài thêm những ngày chờ vào ngục tối.

– Cứ giả như ngài bị xử tù. Nhưng tù có hạn tù mà ngài thì còn trẻ thế kia. Ngài còn trở về Vị Long sống với vợ con nữa chứ. Ngài nghĩ sẽ không có ngày đó nữa sao?

– Những lời của tiểu thư làm cho nỗi lòng kẻ xa quê thấy như được sưởi ấm. Làm người ai chả mong muốn được cùng vợ con sớm hôm đoàn tụ. Nhất là khi ở vào cảnh cá chậu chim lồng như thế này người ta càng khao khát hơn bao giờ. Chỉ e nhà vua cùng các đại thần khó bè xét đến mà thôi.

– Ngài nên suy ngẫm trước sau, thành tâm qui phục, chắc triều đình không nỡ tuyệt đường sinh phúc. Đến lúc đó liệu ngài có vui lòng dẫn tôi đi cùng không? Tôi rất muốn được đến thăm quê hương ngài xem nơi ấy có giống núi rừng kinh đô Hoa Lư cũ?

– Nếu có ngày đó tôi nhất định xin tháp tùng tiểu thư lên chơi Vị Long một chuyến. Quê tôi có sông Gấm nước trong xanh, rất nhiều tôm cá. Lạ nhất là cá dầm xanh chỉ sống nơi nước chảy xiết, ăn rêu đá mà sống, thịt thơm chẳng bợn mùi tanh. Núi Chạm Chu, núi Thần, núi Khau Co quanh năm mây phủ, có thác nước Bản Ba dài mấy dặm. Lại có những hang, động màu sắc lung linh, hình thù kỳ ảo, như hang Pó Ngoặng, động Trâu Bạc. Chim muông trong rừng kể không xiết. Nào chim trĩ, chim công, chim phượng, gà gô; nào hổ báo hươu nai voi gấu tất thảy đều có. Chưa từng được đến Hoa Lư nên không biết để so hơn kém nhưng tôi chắc có thể làm vui lòng tiểu thư.

– Chỉ mới nghe ngài kể đã thấy nhiều sự lạ rồi. Ngày được trở về ngài đừng vì vui mừng quá mà quên lời hứa đấy nhé. Đã đến giờ tôi phải về rồi, xin chào ngài.

Tiểu thư cùng hai thị nữ quay gót. Trác Tuấn nhìn theo cho đến khi họ đi khuất. Phải chăng vừa qua một giấc mơ. Phải chăng vừa mới đây hiện lên một nàng tiên. Như được đấng thần linh khai mở. Tan đi thù hận, thất vọng, tan đi lòng ham muốn quyền lực, dấy lên nỗi nhớ quê hương, mái ấm gia đình. Từ khi bị bắt tới giờ chưa một ai nói với Trác Tuấn những lời tốt đẹp êm ái như tiểu thư này. Nàng là con vị đại thần nào. Một tiểu thư thật là xinh đẹp thông tuệ và nhân ái. Lẽ nào nàng thật sự cảm thông với nỗi niềm số phận cùng ta? Phút giây bàng hoàng không kịp hỏi tên nàng. Liệu tiên nữ có một lần tái thế. Nàng có trở lại thăm ta một lần nữa không? Trác Tuấn như mê đi giữa thực tại.

3.

Đoàn quân thắng trận lặng lẽ trở về. Trống im cờ ngả, chỉ giống một cuộc hành binh luyện tập. Nhà Vua không vui bao nhiêu. Anh em họ Hà chống cự quyết liệt đến khi bị bắt. Làm sao cảm hóa châu mục Vị Long? Người dân miền sơn cước chưa thấm chí lớn của Nhà Vua mong thiên hạ thái bình.. Nguyện vọng thống nhất giang sơn chưa thực hiện trọn vẹn. Nhà Vua vừa đến kinh đô tướng công Trần Cảo đã vào chầu tâu quốc sự:

– Bệ hạ hồi kinh, áo bào còn nhuốn bụi chưa kịp nghỉ ngơi, thần mang tội đầy mình nhưng vẫn phải bẩm tấu.

– Khanh nói đi, Trẫm đang muốn nghe xem những ngày qua ngươi giúp Thái tử việc triều chính ra sao?

– Tâu Bệ hạ, đêm hôm qua tin từ Trường An báo về, thời gian gần đây Khai Quốc Vương đóng ở Trường Yên, cậy có núi sông hiểm trở, tụ tập những kẻ trốn tránh, cướp bóc của dân mà tiêu dùng. Lại hiệu triệu quân sĩ dưới trướng rằng nhà vua cùng quần thần chỉ chăm chú vào việc xây đắp kinh đô Thăng Long, bỏ mặc Trường Yên, không cấp tiền sửa sang tu bổ. Vùng đất cố đô này thật sự bị lãng quên rồi. Nay ta chính đốn binh mã, dựa vào thế hiểm chia quyền trị nước với nhà vua há chẳng phải là việc nên làm sao. Mưu đồ phản nghịch đã rõ. Cúi xin Bệ hạ xuống chiếu cho bắt về triều định tội. Nhà Vua giữ vẻ trầm tĩnh nói:

– Trẫm ở ngôi lúc quốc sự bộn bề, phải đi bình định nhiều nơi, quả thật có chỗ chưa được chu toàn, việc ở Trường Yên phó mặc cả cho Vương. Trong lòng Vương có ý ghen với Thái tử mà sinh sự. Đã đến nước này Trẫm lại phải thân đem quân đi Trường Yên. Trần Cảo tâu:

– Việc Trường Yên xin Bệ hạ xuống chiếu sai một đại tướng cầm quân đi đánh dẹp là đủ. Mình rồng là trọng, Bệ hạ không cần mệt nhọc khởi giá một lần nữa.

Nhà Vua nói:

– Kẻ làm phản nếu là bọn thảo khấu chẳng nói làm gì, nay người đó lại liền khúc ruột với trẫm, tất trong lòng có điều ẩn ức nói không ra mới dẫn đến hành động mờ quáng. Trẫm phải thân đến đó, nghe hết sự giãi bày rồi mới định liệu. Còn như trẫm ngại khó nhọc, sai một đại tướng đem quân đi, Vương khó có thể hồi tâm chuyển ý. Như thế chỉ càng làm cho quân thần phụ tử thêm xa cách nhau mà thôi. Nói rồi nhà Vua xuống chiếu. Ra triều, đình thần lại dập đầu can. Nhà Vua đều bỏ qua.

Tháng tư ngày Nhâm thân giao cho nội thị là Lý Nhân Nghĩa ở lại giữ kinh sư đem thủy quân vào Trường Yên. Khai Quốc Bồ chia quân ra đóng ngoài thành Trường Yên hai mười dặm, lấy sông làm hào sẵn sàng nghênh chiến. Khi được tin người cầm quân không phải một đại tướng hay một trọng thần nào mà là đích thân nhà Vua, Vương lấy làm bối rối. Bèn truyền lệnh không khai chiến trước, tạm lui về giữ thành. Nhà Vua đến Trường Yên cũng không dàn trận, truyền chỉ: Trị tội nặng những kẻ cướp bóc quấy nhiễu dân lành. Tướng sĩ nghiêm theo quân lệnh không mảy may xâm phạm. Đại quân vào thành Trường Yên dân trong thành đem biếu trâu rượu đứng đầy đường. Vua sai sứ tuyên chỉ úy lạo. Người dân ai cũng vui mừng. Rồi cho người gọi Khai Quốc Vương tới trướng, nói rằng:

– Từ ngày dời đô công việc bộn bề nào mở mang xây đắp thành trì, nào bình định thổ tù, châu mục chưa thật lòng qui phục, nào tích lương luyện quân phòng bị người Chiêm, người Tống, thành ra đối với cố đô Trường Yên cũng để lơ là, thành ra con phải khổ sở. Nay Trẫm thân vào đây có việc gì trái ý thì hãy tỏ bày, hà tất phải dụng đến binh mã, để cớ cho thiên hạ chê cười về sau.

Quốc Vương cúi đầu không nói gì, hồi lâu quì xuống xin hàng.

Vua tha tội cho Quốc Vương, vẫn cho tước như cũ, xuống chiếu dời Quốc Vương cùng các liêu thuộc về kinh thành Thăng Long, truyền Dực Thánh Vương quản phủ Trường Yên.

Nhà vua hồi kinh liền thiết triều, Lý Nhân Nghĩa tâu các việc ở kinh đô:

– Đã qua thời hạn hai tháng chưa thấy Hà Cương đem nộp tiền thuế và lâm sản.

Tướng công Trần Cảo luận rằng:

– Kẻ kia chưa thấm ân đức của triều đình bụng còn toan tính chuyện này khác. Thần xin bệ hạ ban chỉ cho đem quân mã lên Vị Long bắt Hà Chương đem về trị tội. Cử một viên quan hàng tứ phẩm làm châu mục Vị Long, từ nay bãi bỏ việc cho người trong châu tự quản. Như thế phương ấy mới được yên ổn lâu dài.

Các đại thần khác bày tỏ sự đồng tình với chủ kiến của Trần Cảo, nhưng Thái Bảo Đào Thạc Phụ nói :

– Thần có ý khác với Trần tướng công và các vị. Phàm việc gươm đao đi liền với máu đổ xương tan. Mạng người là quý. Nếu như chúng là người Tống, người Chiêm động binh cướp nước ta thế đối đầu là không tránh khỏi. Còn như kẻ kia vốn dĩ là dân của triều đình nhất thời ngông ngổ làm càn thì lấy răn bảo làm đầu, sau là phủ dụ giáo hóa để họ cảm ơn sâu mới là kế sách lâu bền vậy.

Để cho các quan hai hàng văn võ bàn luận hết nhẽ, sau cùng nhà Vua truyền rằng:

– Đào Thái Bảo nói rất có lý. Đem quân đi bắt Hà Chương là việc dễ như lấy đồ trong túi. Bắt về rồi sẽ xử ra sao? Một Trác Tuấn ở đang đây Trẫm còn chưa quyết xử bề nào. Bắt thêm Hà Chương nữa mà làm gì. Phái một viên quan đi trị nhậm nơi rừng núi là việc tưởng dễ mà khó. Khó ở chỗ không thông thạo phong tục tập quán của dân bản địa, lời ăn tiếng nói không rành liệu người dân có chịu nghe theo? Trẫm muốn từ châu mục cho đến người dân thật bụng quy thuận triều đình, không dùng đến một mũi tên một ngọn dáo. Dân các châu miền ngược cũng như miền xuôi đều là dân Đại Việt, vậy nên động binh chẳng phải là kế hay. Các khanh hãy suy tính mưu lược lấy sự hòa mục làm đầu.

Bấy giờ Thái sư Lương Văn Nhậm bàn rằng:

– Phàm muốn tránh gươm đao trước là xá tội đổi oán làm ân, sau ban chức tước bổng lộc. Một khi được thụ hưởng ân sâu con người ta tất cảm phục mà theo về.

Đang khi triều đình nghị luận có tin báo tạm quyền Châu mục Vị Long Hà Chương đem nộp thuế cống, khố ty đã kiểm đếm đầy đủ. Nay Hà Chương muốn xin được vào thăm Trác Tuấn. Nhà vua truyền chỉ cho anh em được gặp nhau.

4.

Từ hôm được tiểu thư đài các đến thăm trong đầu Trác Tuấn sinh ra bao nhiêu câu hỏi, không tự trả lời. Cớ sao nàng cất công đến thăm một người bị giam lỏng như ta? Phải chăng vì sự hiếu kỳ muốn tận mắt thấy người miền núi gầy béo cao thấp ra sao, tận tai nghe giọng người vùng cao khàn trầm hay vang bổng; có gì giống, có gì khác người đồng bằng. Hay nàng có chút động lòng xót thương cho cảnh ngộ cá chậu chim lồng của ta? Bất luận là vì điều gì, được gặp nàng là chuyện phúc lớn đời ta. Nếu không bị bắt về đây chắc đâu đã có phúc ấy. Ta sẵn lòng đổi đất đai sản vật của cả châu để có được nàng. Làm chúa tể một vùng có nghĩa gì, công hầu khanh tướng triều đình cũng có nghĩa gì, có nàng ta sẽ làm một thường dân tự cày ruộng, săn thú để sinh sống. Ý nghĩ miên man, gương mặt Trác Tuấn như là khác hẳn đi. Giữa lúc ấy quan Nội hầu dẫn Hà Chương tới. Quan Nội hầu quay ra để anh em họ được tự nhiên trò chuyện. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi lặng một hồi lâu không nói được câu gì. Hà Chương thấy người anh bị giam mà béo khỏe hơn trước, duy thần thái có vẻ gì khác lạ mới hỏi:

– Vậy anh có bị tra khảo gì không ?

Trác Tuấn nói:

– Anh tuy bị bắt về kinh nhưng không bị đánh đập hay gông cùm xiềng xích lần nào. Những sự ăn uống được no đủ ngang như bậc quan triều đình. Hiềm điều mong nhớ quê nhà gia tộc mà không được tin tức gì, với lại luôn có lính canh gác suốt ngày chỉ quẩn quanh ra vào nơi ngôi điện này mà thôi. Vừa rồi…

Trác Tuấn toan kể chuyện có một tiểu thư đến thăm, nhưng kịp kìm lại.

Hà Chương kể:

– Sau khi nhà vua bắt anh đi, cả gia tộc ai ai cũng lo lắng nghĩ phen này chắc sẽ bị xử tội hình, hoặc là bị giam cầm khổ sở. Khi trở về đem chuyện anh vẫn được bình an ra kể hẳn từ già đến trẻ đều lấy làm lạ. Cũng từ ngày ấy dân tình được yên ổn, nhất nhất nộp đủ số thuế. Đường sá xa xôi chậm trễ nộp thuế cống cũng không bị nhà vua trách phạt.

Sau hết Chương nói:

– Hay là anh nên dâng sớ lên xin nhà vua ân xá để sớm được trở về bản châu ta, như thế chị dâu và mọi người đỡ phải lo lắng đêm ngày.

Tuấn thấy em tính tình có phần thay đổi, không còn một mực hung hăng cầm cung lên ngựa như trước nữa mới nói:

– Nếu chú thấy làm thế là phải thì để anh suy tính. Ngày mai trở về nói cho mọi người chớ bận tâm lo lắng quá. Xét mọi nhẽ nhà vua chẳng nỡ khép mình vào trọng tội, mạng sống chắc là giữ được, còn như bao giờ được tha về chưa thể nói trước.

Anh em chia tay, ngùi ngùi, mong sớm ngày gặp lại ở quê nhà.

5.

Từ đầu triều nhà vua đã sách lập sáu Hoàng Hậu. Duy có đích phu nhân là Lập Giáo Hoàng Hậu được đặc cách quy chế xe kiệu, y phục khác với các cung khác. Lập Giáo Hoàng Hậu sinh trưởng nam là Phật Mã được sách lập làm Hoàng thái tử. Đến năm Nhâm Tý lại phong Hoàng thái tử là Khai Thiên Vương, xây cung Long Đức ở ngoài thành cho ở, ý muốn để thái tử hiểu biết mọi việc của dân. Vì thế mà địa vị Lập Giáo Hoàng Hậu càng cao hơn hẳn các bà hậu kia. Lập Giáo Hoàng Hậu nghe đâu tin đồn nhà vua sẽ tha cho Trác Tuấn và còn gả con cho hắn thì lấy làm bức xúc bèn đến thẳng điện Càn Nguyên, đợi tan buổi chầu liền hỏi nhà Vua:

– Chẳng hay việc châu mục Vị Long bệ hạ tính thế nào?

Từ trước đến giờ ít khi Hoàng hậu can dự vào việc triều chính, nhà Vua nghe biết là có chuyện khác thường tìm cách nói lảng:

– Hậu lo việc nội cung yên ả thế là giúp ta nhiều lắm rồi hà tất phải bận tâm đến những việc ngoài cung thất.

Không để nhà vua tránh sang chuyện khác, Hoàng hậu liền nói:

– Thiếp nghe các đại thần truyền tai nhau rằng Trác Tuấn sẽ được nhà Vua tha bổng, lại còn được làm phò mã, chẳng biết chuyện thực hư thế nào. Thiếp sinh được hai mụn con gái. Để thưởng công phò giúp bệ hạ lên ngôi mà công chúa trưởng An Quân đã phải lấy chồng già hơn mười tuổi. Nay nhà vua lại định gả công chúa Khâm Thánh lên ngược làm dâu. Dứt ruột đẻ ra chúng, hỏi làm sao thiếp không xót cho được.

Những lời của Hoàng hậu làm nhà Vua thêm tỉnh táo. Tha cho Trác Tuấn quả là đã từng trù tính đến. Còn việc gả con gái thì chưa bao giờ. Nào ngờ Hoàng hậu hiến cho một diệu kế, nếu có việc như thế chẳng phải là tốt lắm sao?

Suy ngẫm hồi lâu nhà Vua nói:

– Ta lấy làm vui vì hôm nay Hậu giúp ta cởi được cái nút rối khó gỡ bấy lâu. Bắt giam Trác Tuấn đã hơn hai tháng trời việc xử trí chưa xong bề nào. Nghe lời Hậu sẽ thả cho hắn về quê. Nếu ta lại đem một công chúa gả cho hắn, hai nhà kết thân đời đời giao hảo là việc không gì hay hơn.

Lời khen khiến cơn giận của Hoàng Hậu càng nồng:

– Có trời cao đất dày chứng giám, bệ hạ không điếm xỉa gì đến thân phận đàn bà của mẹ con thiếp, lại còn nói là thiếp gỡ rối cho bệ hạ. Thế này thiếp đến đập đầu vào cột mà chết đi cho rồi.

Nhà vua giảng giải:

– Là hậu nói ra việc gả công chúa cho châu mục Vị Long chứ ta chưa khi nào nghĩ đến. Việc của An Quân ván đã đóng thuyền, vả bây giờ công chúa với Nghĩa Tín hầu con cháu đầy đàn phúc lộc phú quí mấy nhà sánh kịp. Trong triều đang còn năm công chúa đến tuổi cập kê, nay cho một công chúa lên ngược làm dâu cũng giống như việc gả An Quân cho Tín Nghĩa hầu, vừa là việc nhà vừa là việc nước. Việc nhà ngai vàng họ Lý thêm bền vững, việc nước cương vực đất đai ổn định, trăm họ miền xuôi miền ngược tránh được họa binh đao chí thú làm ăn vui hưởng thái bình. Đạo làm vua trị vì thiên hạ còn mong gì hơn thế nữa. Giả như lúc nước gặp nạn phải gả con cho tướng giặc để làm kế hoãn binh cũng còn phải gả nữa là. Huống hồ châu mục các miền đều là người một nước, cho con làm dâu những nơi đó là tìm cho chúng chỗ sung sướng phải đâu là bắt đi đày ải. Ta nói sự hơn thiệt như thế nhưng sẽ không bắt ép, công chúa nào thuận lòng mới gả, vậy nên hậu chớ quá lo lắng.

Hoàng Hậu nguôi được đôi phần nhưng vẫn nói thêm:

– Có công chúa nào dám cưỡng lệnh nhà vua sắp đặt bao giờ. Con cái của bệ hạ, người muốn gả cho ai thì tùy. Thiếp chỉ còn Công chúa Khâm Thánh, xin bệ hạ không bắt lấy chồng xa, để mẹ con thiếp được gần gũi bên nhau, phòng sau này về già đau yếu có mẹ có con. Nếu cho lên ngược làm dâu, vạn nhất lúc thiếp nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ Công chúa làm sao về kịp.

Hoàng Hậu nói đến đây hai hàng nước mắt lã chã. Nhà Vua nói:

– Trẫm hứa là không ép duyên con gái, còn như công chúa nào thuận lòng trẫm cũng sẽ không ngăn.

Hoàng Hậu lau nước mắt dời điện Càn Nguyên.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

6.

Công chúa Khâm Thánh từ nơi Trác Tuấn về cung trong lòng xao động. Người trai miền sơn cước ấy vừa tuấn tú vừa mạnh mẽ, trí lự. Xem ra nhiều trang nam tử chốn triều trung còn lâu mới sánh kịp. Con người sinh ra nơi núi rộng sông dài tung hoành vó ngựa nay phải chôn chân trong bốn bức tường cung điện chắc là vô cùng buồn khổ. nhớ đến cố đô Hoa Lư sừng sững núi cao, lại nhớ con sóc được thả về rừng. Chàng trai kia cũng giống như con sóc ưa phóng khoáng sông núi mây trời. Đâu chỉ riêng chàng, chính là ta cũng mong được ra ngoài cung cấm sống ở nơi đồng nội cỏ hoa.

Phải chi nhà vua tha cho chàng trở về theo ý nguyện; phải chi ta được đi cùng chàng về chốn xa xôi ấy. Nghĩ đến đó bỗng dưng thấy trong người rạo rực. Năm nay ta đã đến tuổi lấy chồng. Vua cha sẽ gã ta cho công tử con một vị đại thần nào đấy. Thế là cuộc đời mãi trói buộc chốn kinh thành. Trong lòng chạo rạo công chúa lại một mình đến chỗ Trác Tuấn.

Được gặp lại cô tiểu thư Trác Tuấn vui mừng ra mặt. Chàng cảm tạ tiểu thư đến thăm lần nữa rồi nói:

– Ta có một việc muốn cậy nhờ tiểu thư chẳng hay là người có hạ cố giúp cho không?

– Vậy chàng cứ nói ra, nếu làm được tôi rất sẵn lòng.

Tuấn nói vẻ chân thành:

– Ta muốn dâng biểu tâu xin nhà vua mở lượng khoan từ cho được về bản quán, quản trị dân châu, cam kết từ nay một lòng qui thuận. Song hiềm vì từ nhỏ sống nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ quen cưỡi ngựa cầm cung cam làm kẻ ngắn học, xem văn từ chữ nghĩa hiểu được đôi phần, còn như cầm bút viết ra là việc chưa từng làm đến. Tiểu thư thương tình …

Trác Tuấn nói đến đó, tiểu thư ngang lời:

– Tôi đã hiểu ý của ngài. Để về nhà sẵn giấy mực tôi sẽ viết, ngày mai đem sang. Còn điều gì muốn tâu, ngài cứ nói chớ ngại ngùng.

Bất chợt, Hà Tuấn hỏi:

– Chẳng hay quí danh tiểu thư là gì xin cho biết tiện bề thưa gửi.

Một giây ngần ngừ, tiểu thư nói:

– Gọi tôi là Trường Yên. Ngài vừa nói quen cưỡi ngựa cầm cung, sắp tới triều đình mở kỳ thi võ, ngài có muốn ghi tên hay chăng?

– Tiểu thư cứ hay nói giỡn, kẻ bị giam cầm sao được so tài cùng các võ tướng.

– Đã là mở cuộc thi thì người có tài đều được dự, ai tài hơn là người thắng cuộc đâu có sự phân biệt. Ngài có bụng muốn thứ sức để tôi viết luôn vào tờ biểu.

– Được như thế thì còn gì bằng, xin tiểu thư viết cho.

7.

Mùa hè năm Ất Sửu kỳ nhà Vua cho mở kỳ thi võ môn bắn cung. Thể lệ thi gồm ba tư thế: đứng bắn, phi ngựa bắn và đi thuyền bắn, mỗi tư thế bắn ba phát. Đã quá cận ngày, nhà Vua không xem đến những điều cầu xin khác, chỉ ban khẩu dụ cho Trác Tuấn được phép dự thi. Các Vương, các tướng là Khai Thiên vương, Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương, Khai Quốc Vương; Tả kim ngô Phí Xa Lỗi, Hữu kim ngô Vệ Trúc, Tả vũ vệ Đào Thản, Hữu vũ vệ Đỗ Giản đều ghi tên ứng thí. Sân điện Hàm Quang ngay bên bờ sông Nhị là nơi diễn ra cuộc so tài, người ngựa rộn ríp, cờ xí rợp trời. Tướng công Trần Cảo được giao làm chánh chủ khảo chủ khảo cùng hai quan võ hàng đại thần làm thành viên. Nhà Vua thân ra thị sát cuộc thi.

Giờ thìn, loa truyền dõng dạc: “ Bắt đầu thi môn bắn cung tư thế đứng tại chỗ, Tả kim ngô Phí Xa Lỗi bắn trước”. Tiếng hò reo vang dậy mỗi khi người thi bật dây cung. Quan giám khảo Khai Thiên Vương báo điểm: “ Hai mươi lăm điểm, hai vòng tám, một vòng chín ”. Các vương, tướng lần lượt vào thi. Người đạt điểm cao nhất là Khai Thiên Vương, hai mươi tám điểm, hai vòng chín, một vòng mười. Võ trường nhao cả lên khi loa xướng tên Trác Tuấn, không có chức vị gì đi kèm. Các phu nhân, công chúa, tiểu thư hầu không biết gì về danh phận người ứng thí này, ngoại trừ một người là công chúa Khâm Thánh. Công chúa mặc đúng bộ xiêm áo hôm đến thăm Trác Tuấn, ngồi trên khán đài cùng Lập Giáo hoàng hậu. Trác Tuấn bước từng bước dài thong thả vào vị trí, chưa vội giương cung, đưa mắt nhìn lên khán đài có ý tìm kiếm tiểu thư Trường Yên. Tuấn chắc thể nào tiểu thư cũng đến xem. Và quả nhiên họ đã nhận ra nhau, Công chúa còn nháy nháy mắt ra chiều khích lệ. Bấy giờ Trác Tuấn mới giương cung, bắn ba phát liền như là không ngắm. Ngồi trên đài Công chúa lo thót tim. Sau lời báo điểm của Khai Thiên Vương, võ trường lại nhao lên:

“ Hai vòng chín, một vòng mười ! Khai Thiên Vương và Trác Tuấn đạt điểm cao nhất ! ”

Sau mười khắc tạm nghỉ, loa truyền: “Tiếp tục thi môn bắn cung tư thế phi ngựa ”. Một cặp ngựa ô, một cặp ngựa nâu được dẫn ra để người dự thi tự chọn. Thứ tự vào thi không thay đổi, đầu tiên là Phí Xa Lỗi. Lần này Xa Lỗi tụt hai điểm. Những người tiếp theo phần lớn cũng mất điểm vì tư thế phi ngựa bắn khó hơn. Đến lượt Khai Thiên Vương, mọi cặp mắt chăm chú dõi theo để xem Vương có bị tụt điểm như người khác không. Vương vừa xuống ngựa, loa truyền: “ Hai mươi tám điểm, bằng lần trước ”. Cuối cùng Trác Tuấn xuất hiện trên lưng con ngựa ô mà Dực Thánh Vương vừa cưỡi, ra roi phi nước đại, trong nháy mắt đặt tên giương cung bắn liền. Công chúa Khâm Thánh càng lo, nhỡ đâu lần này chàng không bằng Khai Thiên Vương. Công chúa không phải đợi lâu, tiếng loa đã vang lên: “Hai mươi chín điểm, một vòng chín, hai vòng mười. Tư thế phi ngựa bắn cung Trác Tuấn đạt điểm cao nhất ! ”. Cả võ trường ầm vang lời khen ngợi, công chúa Khâm Thánh suýt nữa thì đứng lên để tán thưởng, nhưng chợt nhớ đến thân phận của Trác Tuấn nên ngồi yên. Vẻ vui mừng xem thi võ của công chúa Khâm Thánh làm Hoàng hậu để ý. Phải chăng là Công chúa muốn kén chồng qua cuộc thi này. Được thế thì tốt, trước nay Hoàng hậu có chút lo lắng về tính tình khác thường của Công chúa, thích bay nhảy phóng khoáng như đàn ông, đã đòi ở lại Hoa Lư, sau nhà vua truyền khẩu dụ mới chịu về kinh.

Đã đến lúc bước vào chặng thi đi thuyền bắn cung. Cả giám khảo lẫn người xem dời đến khán đài dựng bên bờ sông. Hai tấm bia một trắng, một xanh được neo ngoài giữa dòng. Hai chiến thuyền hạng nhẹ, một chiếc sơn trắng, chiếc kia sơn xanh, ứng với màu hai tấm bia. Mỗi thuyền tám đôi chèo lăm lăm đợi lệnh. Quan giám khảo cho năm người dự thi xuống một thuyền. Để phân biệt, mỗi người phải viết danh tính của mình lên cánh tên. Khi mọi người đã đứng vững trên thuyền, quan giám khảo phất cờ cho thuyền chèo ngược dòng nửa dặm rồi quay xuôi. Người thi sẽ bắn khi thuyền lướt đến tầm ngắm thuận lợi nhất. Với Trác Tuấn tư thế này có phần khó khăn vì ở miền núi sông suối chảy xiết ít đi đường thủy, nếu có thường dùng mảng mà không hay dùng thuyền. Giám khảo cho Trác Tuấn xuống cùng thuyền với Khai Thiên Vương, ý để được công bằng. Tuấn đứng trên thuyền thấy vững vàng hơn đi mảng càng vững dạ.

Hai chiến thuyền nối nhau xuôi dòng, tiếng mái chèo xô nước rào rào, tiếng dây cung phựt phựt dồn dập. Trong chốc lát thuyền cập bến, người dự thi xách cung lên bờ, chờ đợi. Lần này ban giám khảo phải chở hai tấm bia về, xem tên từng người để xét. Thời khắc làm Công chúa Khâm Thánh lòng như lửa đốt. Lần này chỉ cần chàng trai chốn sơn lâm không bị thấp quá là đủ để nhà Vua để mắt đến. Mọi người càng sốt ruột khi thấy quan giám khảo đi đến chỗ nhà vua, chừng như hỏi ý kiến, vậy chắc là có chỗ khó xử. Quan giám khảo tâu rằng:

– Thi đi thuyền bắn cung Khai Thiên Vương được hai mươi chín điểm, Trác Tuấn được hai mươi tám điểm, kém một điểm. Cộng cả ba lần thì điểm của hai người lại vừa ngang nhau, vậy có cho Trác Tuấn được lĩnh thưởng bằng với Khai Thiên Vương hay không? ”.

Nhà Vua vuốt râu, mỉm cười nói rằng:

– Các khanh sao bụng dạ hẹp hòi làm vậy. Đã cho dự thi, nay trao giải việc gì còn phải phân biệt.

Quan giám khảo dụt dè tâu lại:

– E rằng các vương, các tướng khác sẽ sinh lòng tự ái.

– Nếu ai cũng tự ái mà gắng gỏi cho bằng hoặc hơn Khai Thiên Vương và Trác Tuấn thì triều đình chẵng đã có thêm nhiều người giỏi hay sao? Nhà ngươi hãy đi mau xướng danh.

Quan giám khảo vừa lui được vài bước, nhà Vua gọi lại, truyền khẩu dụ:

– Lúc xướng danh, ngươi trả cho Trác Tuấn chức châu mục. Một là để người ấy thấy sự công bằng, khoan dung của trẫm, hai là không để các quan khanh có ai đó nghĩ mình phải đứng dưới thường dân.

Nhà vua và các quan khanh về lại sân điện Hàm Quang. Khi tất cả đã yên vị, loa truyền điểm trong lần thi đi thuyền bắn cung và tổng điểm của từng người.

Hai con tuấn mã lông tía pha hồng được dắt ra trước sân, trên bục đặt hai hộp gỗ hình chữ nhật sơn son thếp vàng. Quan giám khảo xướng loa:

– Đồng giải nhất thuộc về hai người. Một là Thái tử Khai Thiên Vương Lý Phật Mã, hai là châu mục Vị Long Hà Trác Tuấn.

Nhà vua dời khán đài xuống sân điện truyền quan cấm vệ cầm cương chuyển cho mỗi người một con tuấn mã. Nhà vua lại mở hai hộp gỗ lấy ra hai cây cung cánh nạm vàng lần lượt trao cho Thái tử và Trác Tuấn.

Công chúa Khâm Thánh không còn giữ ý liền đứng lên reo to để cổ vũ. Nàng mừng cho cả hai người, một người là anh trai, còn người kia không còn xa lạ mà đã trở nên mối quan tâm của nàng.

8.

Môn thi bắn cung kết thúc, mọi người lục tục ra về, Công chúa Khâm Thánh còn đứng lại trên khán đài đưa mắt nhìn đám đông khắp lượt có ý tìm kiếm. Dưới sân điện Trác Tuấn vai đeo cung, tay vuốt ve con tuấn mã lông tía. Nó cũng to cao và săn vó như con ngựa chiến ở trên quê, nhưng đẹp hơn về màu lông. Trác Tuấn muốn đem niềm vui thắng cuộc san chia đến người con gái mà đêm ngày hằng thương nhớ. Hãy chờ cho mọi người tản đi hết, biết đâu có thể gặp nàng. Chợt nhìn lên khán đài, chỉ còn một người đứng đó, không ai khác chính là tiểu thư Trường Yên bèn dắt ngựa đi tới. Tiểu thư

cũng đã nhìn thấy Trác Tuấn và con ngựa lông tía liền xăm xăm bước xuống.

– Trước xin chúc mừng chàng đã thắng cuộc. Tiểu thư nói khi chưa giáp mặt.

– Công này là của tiểu thư. Vậy xin tiểu thư nhận lấy con tuấn mã.

– Dù rất thích cưỡi ngựa, nhưng tôi nhận sao được. Nhà vua thưởng cho tài bắn cung của chàng, chứ tôi đâu có chút tài nào. Sau nữa chúc mừng chàng được Nhà vua cho phục chức châu mục.

– Nhưng nhà vua vẫn chưa ban chiếu tha cho tội cho ta – Trác Tuấn nói.

Công chúa cười to:

– Chuyện đó mà chàng vẫn còn lo hay sao. Một khi nhà vua cho làm châu mục thì có nghĩa chàng đã là mệnh quan triều đình, đâu còn tội tình gì. Nhà vua vì mến tài chàng mà làm tắt, chiếu xá tội chắc ban trong nay mai mà thôi. Ngày chàng được trở về Vị Long hẳn là không còn xa nữa – Giọng của tiểu thư đượm vẻ bùi ngùi.

– Từ khi bị bắt về đây, ngày đêm tôi mong được tha bổng để trở về quê nhà. Bây giờ được phục chức, ngày được tha cũng sắp đến tưởng là niềm vui khôn xiết, thế nhưng lại cảm thấy rất buồn vì sẽ không còn được gặp mặt tiểu thư. Người miền núi thẳng tính, hay nói thật, từ hôm trông thấy tiểu thư tôi một lòng mến mộ, ngày đêm mong nhớ muốn được kết duyên chồng vợ.

Đôi mắt tiểu thư ánh lên như mắt nai tơ. Từ lâu tiểu thư đã muốn nghe lời này, song còn ngần ngại:

– Cảm tạ tấm lòng chàng nhưng việc trăm năm thiếp là phận gái còn phải xem ý tứ người trên, chẳng thể nói một lời quyết đáp, chỉ e vì thương con nên cha mẹ muốn gả chồng gần. Lại nữa việc hôm nay chàng mới ngỏ thiếp đâu biết trên quê chính thất nhà chàng tính nết hiền dữ ra sao. Một xe hai ngựa kéo sợ là xe đổ ngựa ngã lại hóa dở dang.

– Dù trên quê ta đã có vợ nhưng về việc này chẳng có gì làm tiểu thư đáng phải lo lắng, tính nết cô ấy hiền lành, biết thuận theo ý chồng, hai con ngựa kéo chắc chắn cỗ xe sẽ chạy nhanh hơn. Xin tiểu thư hãy tin lời ta. Nhân ngày vui hôm nay cho tai theo chân đến thăm nhà tiểu thư được chăng?

– Chàng hãy nén đợi ngày được nhà Vua ân xá. Mọi người ra về đã lâu rồi, đến lúc thiếp cũng phải về, hẹn ngày gặp lại.

Nói rồi tiểu thư quay gót, một mình Trác Tuấn trên sân điện, gió từ sông thổi từng đợt làm tung bờm con tuấn mã.

9.

Trác Tuấn dắt con tuấn mã lững thững trở về biệt điện, đến nơi, thấy không còn một bóng lính canh, thay vào đó là những người phu dịch lễ phép cúi chào, hệt như chàng đang ở châu lỵ với chức vị châu mục như xưa. Một người chừng như là quản gia thưa rằng họ được tướng công phái đến sẵn sàng làm theo sự sai bảo của chàng. Một phu dịch khác tới dắt con ngựa vào tàu, rồi đem thóc đến cho nó. Trác Tuấn đặt cây cung lên giá ngắm nghía. Lòng nhân từ hay là sự xem trọng người tài của nhà vua mà ta được tha bổng? có lẽ cả hai. Nhưng bây giờ làm sao nói được sở nguyện của mình đến nhà Vua và phụ mẫu tiểu thư. Không lẽ đi hỏi tiểu thư. Biết nhà nàng ở nơi nào? Bèn gọi người quản gia trò chuyện, rồi nói:

– Xin hỏi nhà người có biết tiểu thư Trường Yên đôi lúc qua lại đây là con vị đại quan nào chăng? Nàng cổ cao ba ngấn, da trắng như trứng gà bóc, đi đứng khoan thai, nói tiếng dịu dàng.

Người quản gia thưa:

– Như tôn ông nói thì trong thành Thăng Long có biết bao nhiêu là tiểu thư mệnh phụ đều đẹp như tiên sa làm sao tiểu nhân nhận biết được. Nhưng có điều tiểu nhân biết rõ là chỉ các hoàng hậu, phi tần cùng các công chúa mới được đi lại nơi nội điện, mà các công chúa thì không một ai có tên là Trường Yên. Đó là tên mới của cố đô Hoa Lư. Có khi tiểu thư là một công chúa mà tôn ông không biết đó thôi.

Trác Tuấn nói:

– Không lẽ như thế.

Câu chuyện đang dở thì có chỉ gọi Trác Tuấn vào chầu. Người quản gia giúp mặc đồ lễ phục, rồi theo một công công dẫn vào chính điện Càn Nguyên. Nhà Vua ngự trên ngai vàng nét mặt khoan hòa, khác hẳn nhà Vua vẻ oai phong lẫm liệt mà Trác Tuấn từng giáp mặt những ngày chiến trận. Bá quan văn võ tề tựu hai hàng, thái sư tuyên Chiếu:

– Hoàng triều Đại Việt Thuận Thiên đệ tứ niên, nguyên châu mục Vị Long là Trác Tuấn mới rồi hồ đồ nghe lời xúi dục của người nước Nam Chiếu, tụ tập dân binh sinh lòng cát cứ, bỏ nộp thuế má khiến cho nhà vua phải cất quân bình định, bắt về kinh thành. Xét nay đã thật lòng hối cải, lại nghĩ đến tổ tông nhiều đời chăn dân được tiếng tốt nên xóa hết tội trạng, cho được giữ châu mục vị Long như cũ, hằng năm phải nộp đủ thuế cống, chăm lo phòng giữ biên cương, hết sức đề phòng người Nam Chiếu, người Tống xâm phạm bờ cõi. Từ nay về sau phải hết lòng trung, nếu còn tái phạm, tịch thu sản nghiệp, ba đời tội chết không tha. Truyền Hà Trác Tuấn lĩnh chỉ.

Trác Tuấn bước ra lạy tạ, nhà Vua cho được bình thân, nói:

– Trước khi trở về bản quán chăn dân có điều gì thỉnh cầu cho được nói.

Trác Tuấn phủ phục, ngửng lên tâu:

– Tiểu thần cảm tạ ơn đức cao dày của bệ hạ, nguyện tuân chỉ mà làm. Trong lòng run sợ nhưng đã được bệ hạ mở lượng nên mạo muội nói ra rằng tiểu thần có một sở nguyện được thành thân với tiểu thư Trường Yên, mãi mãi là tôi con triều đình.

Nhà vua và bá quan thảy đều ngỡ ngàng, không phải vì Trác Tuấn muốn lấy vợ người kinh thành mà vì không biết tiểu thư mà Tuấn nói đến là ai. Nhà Vua thì từ lâu tính kế lâu dài đã có chủ kiến muốn gả một trong số các công chúa lên ngược nên mới cho Trác Tuấn được thỉnh cầu. Nay nghe Trác Tuấn nói thế nhà vua liền làm kế hoãn binh, nói:

– Còn phải hỏi tiểu thư đó có thuận về chốn sơn lâm với ngươi không đã.

10.

Nhà vua truyền cho gọi ba công chúa vừa tuổi dậy thì là Khâm Thánh do Lập Giáo hoàng hậu sinh, Thủy Linh do Tá Quốc hoàng hậu và Thụy Bình do Lập Nguyên hoàng hậu sinh đến cung Thúy Hoa. Trong ba công chúa thì Khâm Thánh xinh đẹp nhất. Nhà Vua nói:

– Ơn trời nay cha mới thay nhà Lê trị vì thiên hạ, quốc sự còn lắm nỗi gian truân. Trong nước thì nhiều năm lo kiến thiết tân đô nên thuế má chưa giảm được cho muôn dân, đê điều canh nông không ít nơi còn bê trễ, người dân đói khổ còn nhiều. Triều chính chưa thật êm thuận đã lại nảy sinh nạn quan tham nhũng nhiễu, thổ hào miền biên viễn chưa qui về mối nhất thống. Ngoài cõi người Chiêm ở phương nam, người Nam Chiếu, người Tống ở phương bắc dòm dỏ nội tình, chỉ e họ nhân lúc triều ta mới lập, lòng dân chưa yên mà cất quân xâm lấn. Cơ sự như thế người làm vua hằng đêm ngủ không ngon giấc.

Nhà vua nói đến đó ngừng lại nhìn từng người chừng như muốn xem các con có thấm ý mình. Ba công chúa thấy vua cha nói những điều nghiêm trọng thì cúi đầu lắng nghe, len lén nhìn nhau.

Nhà vua nói tiếp:

– Ba con nay đều đã đến tuổi thành gia thất, mẹ cha chăm nuôi khôn lớn đã vậy còn lo gả con vào nhà tử tế mong để phúc lại cho cháu chắt mai sau. Phận làm con là phải biết nghe lời cha mẹ, các con tuy là phận gái cũng nên biết ghé vai cùng cha gánh vác việc nước. Mới rồi vì việc ở châu Vị Long mà cha lại phải một lần lên ngược đưa thủ lĩnh châu ấy về kinh. Xét nhân cách người này đàng hoàng chững chạc, có chí lự. Muốn cho bốn phương phẳng lặng, nuôi sự bình yên lâu dài, đổi sự đối địch sang hòa hiếu nên cha định gả một công chúa cho Trác Tuấn. Vậy trong các con ai có thể thuận theo ý cha, giúp giữ yên một phương bờ cõi?

Nhà vua vừa dứt lời, công chúa Khâm Thánh nói:

– Công ơn sinh thành dưỡng dục của phụ hoàng và mẫu hậu suốt đời chúng con ghi lòng tạc dạ. Phận làm con những mong báo đáp được muôn một. Hai em con tuy cũng đã đến tuổi thành gia thất, nhưng là chị nên con xin thuận lời phụ hoàng lên ngược làm dâu, dầu xa xôi cách trở cũng không quản ngại. Vả từ thuở nhỏ tính con thích ra chơi ngoài thôn dã, nay có đi lấy chồng xa âu cũng là duyên số tiền định vậy. Chỉ áy náy rằng sớm hôm không được hầu hạ phụ hoàng cùng mẫu hậu mà lỗi đạo làm con. Lại nữa chắc là mẫu thân con sẽ buồn nhiều, mong phụ hoàng lựa lời khuyên nhủ, được như thế con yên lòng xuất giá.

Nhà vua mừng thầm, việc tưởng khó mà nhẹ như lông hồng, công chúa Khâm Thánh thật biết nghĩ, tin chắc về sau sẽ cùng chồng làm cho phương ấy thành phên dậu vững chắc của giang sơn xã tắc. Hai công chúa Thủy Linh và Thụy Bình chưa hết ngỡ ngàng vì sự quả quyết của chị gái mà không phải gạn ép gì. Nhà vua lưu Khâm Thánh lại, cho Thủy Linh và Thụy Bình lui gót. Cầm tay con gái nhà vua dặn dò:

– Con vì giang sơn xã tắc mà đi làm dâu chốn rừng thiêng nước độc, trong lòng cha mẹ ngùi ngùi thương xót. Vợ chồng ăn ở hòa thuận con cái đề huề là điều cha mẹ không mong gì hơn. Vạn nhất chồng con còn mang lòng hùng cứ mãi mã chiêu binh tính chuyện kia khác thì con khéo lựa lời tìm mọi cách mà khuyên giải. Nếu khuyên giải không xong, đến nước con rể bố vợ thành hai bên đối địch thì phải sớm tìm cách báo về, chớ để xảy ra cảnh nuôi ong tay áo, dẫn lối cho chồng lấy trộm nỏ thần như trong truyện Mị Châu Trọng Thủy thời xưa. Chắc hẳn con không muốn cha phải lâm thế cùng tự vẫn nơi cửa biển như An Dương Vương thủa ấy. Cha mẹ cho con đem theo năm bảy thị nữ đỡ đần, Quỳnh Như là đứa thông minh có thể giúp con khi việc gấp.

Công chúa gạt nước mắt thưa:

– Dù yêu chồng bao nhiêu con cũng quyết không phụ công cha mẹ. Nếu có việc kia xẩy đến con sẽ hết sức khuyên can, không để đến nỗi cha phải động binh lần nữa.

Con nói vậy cha lấy làm yên lòng, cha đã truyền quan thái bảo làm chủ hôn. Ngày đón dâu chẳng còn bao xa, cha cho con viên ngọc minh châu có khắc hình kinh đô Thăng Long làm quà chúc phúc, để con luôn nhớ mình là công chúa nhà Lý, có bổn phận phò giúp cho vương triều được bền vững dài lâu, không bao giờ quên ơn cha mẹ.

PHÙ NINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *