Vanvn- Mặt trời vừa lên. Dòng sông Cái ngay phía trước mặt tôi, lúc nãy hơi nước buổi sớm bốc lên phủ kín như khói, giờ đang tan dần. Khi mặt trời lên hơn cây sào, khói sóng hoàn toàn dứt hẳn. Dòng sông hiện ra trong vắt như gương, le lói nắng. Đoạn sông từ đây xuôi về biển, thường gọi là sông Đà Rằng. Cầu Đà Rằng hăm mốt nhịp dài hơn cây số nằm vắt qua dòng sông ở mãi dưới kia, đứng đây nhìn thấy những chiếc ô tô chỉ còn nhỏ xíu. Cây cầu này nổi tiếng nhất miền Trung về độ dài, lại ở ngay gần núi Nhạn Tháp của thị xã nên người ta thường gọi chung là núi Nhạn sông Đà để chỉ phong cảnh biểu tượng cho vùng đất Tuy Hòa.

>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ III
>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ II
>> Truyện dài thiếu nhi của Huỳnh Văn Quốc: Tiếng vọng ngày xanh – Kỳ I
CHƯƠNG XII
TẾT!
Thấy tôi đan rổ đã thành thạo, mẹ khích lệ thêm:
– Con ráng làm cho giỏi, tết mẹ cho tiền đi chơi. Tôi phấn khởi lắm. Nhiều đêm thức rất khuya bên ngọn đèn dầu. Mẹ vót nan, tôi đan liền tay, có đêm đến chục mê rổ. Vậy mà không hề biết mỏi là gì, trong đầu lại cứ văng vẳng câu hát ru em:
“Cu kêu, ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết, dựng nêu ăn chè.
Chè gì? Chè đỗ chè khoai
Bắt anh giã nếp canh hai chưa rồi“.
Câu hát chắc là xưa lắm, cho nên tết đến chỉ mới có thèm chè thôi! Nhưng muốn được hưởng niềm vui đơn sơ ấy, vẫn phải lao động thật nhiều mới có được. Ai khéo đặt câu hát, giản dị mà hợp với tâm trạng tôi quá! Tôi đã qua vài ba cái Tết kể từ khi bắt đầu cảm nhận được cái náo nức của không khí mùa xuân. Vậy mà lần nào nghe người ta rậm rịch đón Tết, tôi cũng ngập tràn nỗi rạo rực trong lòng. Thằng Tiêu và thằng Túc đã rủ tôi từ sớm, rằng tết nay, ba đứa sẽ cùng đi chơi thị xã, ngắm biển và leo núi Nhạn. Hấp dẫn lắm. Cho đến lúc này, tôi chỉ mới được đi thị xã một lần cùng với mẹ. Năm ấy, sau ngày cha mất, mẹ cũng đã đan sàng, bán cho người ta đậy rổ dựng cá. Chiếc rựa duy nhất hồi cha dùng, mẹ nhấc không nổi, vậy mà mãi rồi cũng quen. Mẹ chẻ nan thoăn thoắt. Những chiếc nan được chuốt mỏng đều tăm tắp, không lệch chút nào. Giờ đây chiếc rựa lưỡi cũng mòn đi nhiều, mỏng ra, nhưng lại có phần còn sắc hơn trước. Chiếc rựa đã trở nên nhẹ nhàng trong tay mẹ, cán nhẵn bóng.
Lứa sàng đầu tiên mà tôi có chút công lao ấy, mẹ dẫn tôi đi chợ Tết. Đêm ấy tôi không sao ngủ được, cứ nằm day qua trở lại, tưởng tượng ra cảnh chợ Tết với đủ điều hấp dẫn. Đâu chừng ba bốn giờ sáng, gà eo óc gáy râm ran khắp xóm, mẹ đã chuẩn bị sẵn quang gánh xếp sàng vào. Hai chồng sàng ở hai đầu gánh trĩu xuống quá đầu gối mẹ, cứ kĩu cà kĩu kịt đôi vai, nhịp nhàng theo bước chân của mẹ. Tôi theo sau, tim đập rộn ràng. Bầu trời còn đầy sao. Ngôi sao Mai sáng nhất, rực lên một góc trời, như tươi cười chào tôi và mẹ. Dưới đất cỏ còn đẫm sương. Gió nghịch ngợm lay những vì sao đang ngủ vùi trên lá. Lá rùng mình. Sao choàng tỉnh chạy đâu mất hết!
Ra đến chợ xã. Mẹ hỏi tôi đã mỏi chân chưa. Tôi nói không hề gì. Mẹ cười âu yếm, bảo tôi mới được đi lần đầu nên hăng lắm, nhưng giờ có xe ngựa tội gì mà không đi! Bác xe ngựa móc quang gánh của mẹ lên xe. Tôi được bác cho ngồi cạnh. Mẹ ngồi sau. Chợ xã nhỏ bé vẫn im lìm trong giấc ngủ. Nhưng những người đánh xe ngựa đã thức chờ khách tự hồi nào. Vẫn chưa đủ chuyến, bác xe ngựa bắt chuyện với tôi, hỏi han đủ thứ, thỉnh thoảng lại cười giòn khi nghe tôi hỏi lại những câu ngộ nghĩnh. Thấy đã bộn người, bác giật dây cương, miệng “tróc, tróc” mấy tiếng, ngựa lấy thế rướn tới rồi kéo xe chuyển bánh. Móng ngựa gõ lóc cóc trên đường hòa với tiếng lục lạc leng keng, tạo nên bản nhạc tươi tắn của buổi sớm mai với âm thanh rộn rã. Tôi cảm thấy phơi phới trong lòng. Cái gì cũng mới lạ đối với tôi. Những cột điện trong sương mờ, đứng sừng sững chăng những hàng dây thép thẳng căng, cứ hiện ra rồi lùi lại đằng sau. Vào thị xã, trời vẫn còn tối mờ mờ. Những dãy nhà hai bên đường nhựa đang còn chìm trong giấc ngủ. Chỉ có hai hàng cột đèn điện vẫn thức suốt đêm, hắt ánh sáng xuống lòng đường, bóng chiếc xe ngựa ngả dài trên phố. Phía mé biển, mặt trời chưa mọc nhưng đã ửng cả một vầng hồng trên trời thẳm.
Chợ thị xã như bừng tỉnh khi mặt trời lên. Tấp nập kẻ mua người bán. Hàng nào tôi cũng thích xem, cứ nhìn ngắm đến nỗi va vào người khác, mẹ phải vừa đi vừa giục mãi. Gian hàng mây tre nằm sâu bên trong. Gánh sàng của mẹ cứ va quệt, chen mãi mới vô được. Chủ hàng đã từng mua rổ rá của mẹ từ trước, gọi mẹ là bạn hàng, vừa trông thấy đã đon đả ngay. Bà ta cũng có một thằng con trai chắc trạc tuổi tôi nhưng béo phì, đang đứng đòi tiền ăn sáng. Vì bận tiếp mẹ tôi nên cu cậu không được đáp ứng, đành đứng ra một góc, nhưng lại cứ nhìn chằm chằm mẹ tôi, làm như lâu giờ ở phố không thấy người! Ngã giá xong, chủ hàng kiểm lại số sàng, bà ta kêu lên: “Chị Bảy! Có mười tám đôi mà sao nói hai chục?” Tôi đang ngắm ngó những hàng xung quanh, nghe tiếng kêu của bà cũng giật mình quay lại. Mẹ tôi ngạc nhiên: “Chị nói sao, thiếu à? Tôi đếm kỹ rồi mà!” Hai người lại chúi đầu vào đếm đi đếm lại thêm mấy lần nữa, vẫn chỉ mười tám đôi. Mặt mẹ phờ ra, ngơ ngẩn. Lúc đó tôi thấy thằng con chủ hàng ngồi trên ghế đẩu, tay cứ vòng ra sau ngọ nguậy như cầm nắm vật gì. Thấy lạ, tôi bước lại nhìn, thì ra là mấy đôi sàng. Đúng sàng của mẹ rồi! Tôi kêu toáng lên như sợ mất thêm lần nữa: “Mẹ, mẹ ơi! Sàng của mình đây mà!” Mẹ sấn lại, mừng phát run: “Ờ, ờ, vậy là đủ… đủ rồi…” Bà lại nói như năn nỉ con chủ hàng: “Cháu cầm chơi rồi đưa lại cho thím chớ, không nói gì cứ để tìm mãi”. Bà chủ hàng gườm gườm thằng con: “Mày hư đốn lắm, lần sau đừng có theo ra dây nữa!” Nếu nãy giờ mà ở làng, tôi đã vật cổ nó tống cho mấy quả đấm nhớ đời. Còn lúc này nó xìu mặt xuống, mắt vẫn liếc về phía tôi ra chiều hậm hực lắm. Ra khỏi gian hàng, mẹ dẫn tôi đi sắm quần áo tết, vừa đi vừa trầm trồ: “Bữa nay nếu không có con phát hiện, công mình làm khó nhọc, hai đôi sàng cũng đành cúng cho bọn gian”. Tôi phàn nàn: “Vậy mà mẹ còn nói ngọt với thằng khốn ấy! Nó bị ăn đòn mới xứng”. Mẹ tôi đưa tay quệt mồ hôi: “Thôi mà, cứ cầu hiền là hơn. Tới xứ người ta, cũng đừng nên làm ê mặt họ. Bấy nhiêu đủ thấm rồi”.
Trưa về không còn gặp xe ngựa, mẹ và tôi cuốc bộ, nắng khát khô cả cổ. Vậy mà mẹ bảo ghé vào quán nước đá, tôi lắc đầu quầy quậy. Tuy còn bé nhưng là con trai, theo mẹ đi chợ tết tôi đã thấy ngượng, không hiểu sao nghĩ đến việc hai mẹ con vào quán ngồi uống nước, tôi càng thấy ngượng hơn! Mẹ biết ý tôi nên thôi không ép, chỉ nghỉ từng chặng, mỗi lần nghỉ là tôi không muốn đứng dậy nữa. Chân cẳng mỏi rũ rượi. Khi về đến nhà, tôi mừng còn hơn lúc đi, mừng hơn được quà tết… Mãi sau này, buổi chợ tết đầu tiên đi cùng mẹ ấy vẫn còn in đậm trong ký ức tôi, cho dù sau này tôi có được đi xe thoải mái, chắc cũng không thể nào có được cái cảm giác sung sướng ngọt ngào của thuở đầu tiên được lội bộ đến thị thành cùng mẹ.
Tết năm nay, đi chơi cùng với thằng Tiêu thằng Túc, chúng tôi cũng đi xe ngựa. Những chiếc xe ngựa đầy nhóc lũ trẻ choai choai chúng tôi, lặc lè tiến về thị xã. Thằng Tiêu bảo nên leo núi trước rồi đi biển. Đâu có gì phải bàn cãi, núi Nhạn Tháp đã ngay trước mặt chúng tôi rồi. Ngày xưa núi này có lắm khỉ, nhưng bây giờ chẳng thấy một con. Những bậc thang xây bằng xi măng dẫn du khách lên tới đỉnh. Núi Nhạn Tháp không cao nhưng đẹp. Từ trên đỉnh nhìn xuống, toàn cảnh thị xã được bày ra trước mắt với nhà cửa, phố xá và người xe xuôi ngược. Bên cạnh chân núi, dòng sông Chùa đang xuôi về biển, ngăn cách bên này là thị xã, bên kia là làng quê yên ả thanh bình. Xa về phía trong một chút, dòng sông Đà Rằng cũng đang chảy xuôi dòng với sông Chùa. Hai nhánh sông ôm lấy ngôi làng vào giữa. Cảnh đẹp như tranh. Phía cuối sông, biển đã hiện ra trước mắt với từng đợt sóng trắng nhấp nhô. Thằng Túc hối:
– Đi xem biển rồi về. Trời nắng lắm rồi đấy!
Mặc dù còn đang luyến tiếc không khí ở đây nhưng tôi cũng đành phải theo chúng nó. Từ đầu phố, đi đến cuối phố là tới biển. Từ xa, biển hiện ra ở phía chân trời như một bức màn khổng lồ màu xanh chăng ngang trước mặt. Khi tới bãi biển rồi, tôi thực sự choáng ngợp trước cái rộng lớn bao la của biển. Một màu nước xanh thẳm không bến không bờ, mênh mang đến tận chân trời. Trong giờ địa lý phổ thông ở lớp năm, thầy giáo có giảng nước biển vốn không phải màu xanh, vì biển rộng và sâu quá nên nhìn không thấy đáy, chỉ thấy chập chùng một màu xanh mà thôi. Nếu không, sao hạt muối từ nước biển lại trắng? Đây quả là dịp tôi được tận mắt nhìn thấy biển, nhìn thấy những gì mà trước nay chỉ được nghe kể lại hoặc đọc từ sách. Tôi như quên đi không khí ồn ào của đủ lớp người đông đảo cũng đang chơi tết trên bãi biển. Tôi ngắm nhìn biển như bị thôi miên. Tầm mắt tôi bị cuốn hút về phía chân trời, khát khao và ngưỡng vọng. Trong tôi bừng lên một cảm giác phấn chấn, thấy như mình đang lớn lên trước biển.
Có lẽ, hai địa điểm thu hút người đi chơi nhất ở lứa tuổi chúng tôi là núi Nhạn và biển. Tuy nhiên, các trò chơi như lô-tô, xóc đĩa, phi tiêu được tổ chức trong khu vực chợ, chúng tôi cũng không thể bỏ qua. Nhất là thằng Túc, nó mê xóc đĩa đến nỗi cứ sà vào đấy là chẳng muốn đi, cứ như bị hút hồn vào đó. Những đồng tiền mang theo, nó rất dè sẻn trong việc ăn uống. Vậy nhưng nó không ngần ngại đặt vào sòng “bầu cua”, tức xóc đĩa. Phải nói, trò chơi này đơn giản nhưng khá hấp dẫn, với những ai có máu ăn thua lại càng có ma lực thu hút. Viên súc sắc trong trò chơi này có sáu mặt khắc hình sáu loại vật: bầu – tôm – cua – cá – gà – nai. Trên tấm giấy trải ra cũng vẽ như vậy, chủ cái cho súc sắc vào tô đậy kín, lắc liên hồi, ai chọn hình nào thì đặt tiền vào hình đó. Thằng Túc lúc đặt con gà, lại ra quả bầu. Đặt quả bầu, lại ra con gà. Nóng mặt, cậu ta đặt mãi vào quả bầu. Lần này thì trúng thật. Khoái chí lại chơi tiếp. Chỉ vài lần trúng, rồi lại năm ba lần trật, một chốc, túi tiền đã hết nhẵn! Túc thấy ức quá, như có ai lừa mình! Sao lại thua dễ dàng như vậy được? Phải gỡ lại! Cậu ta mượn tiền của tôi và thằng Tiêu. Hai đứa gộp lại hơn số tiền đã bị thua, Túc đem đặt hết vào hình con gà. Đĩa được mở ra, chúng tôi cùng reo lên vì hình con gà thật! Nhận tiền xong, Túc không chơi nữa, cất tiền trúng rồi trả tiền mượn lại cho chúng tôi. Gã chủ cái sấn sổ đứng dậy:
– Này này, thắng rồi thì không đánh nữa hả?
– Đó là quyền của tôi. – Thằng Túc đáp nhưng mắt đã chực chạy.
– Không nói lý được. Mày khôn còn để cho tao khôn với chớ!
Gã nắm cổ áo thằng Túc. Tôi và thằng Tiêu xáp lại, gườm gườm nhìn gã:
– Ông đừng có dọa nạt trẻ con, không biết xấu à?
Thấy ồn ào, đám người hiếu sự xúm lại. Gã nọ còn đang phân trần với mọi người, ba đứa chúng tôi nháy nhau chạy mất, mặc cho phía sau lưng còn đuổi theo những tiếng chửi tức tối.

CHƯƠNG XIII
MÙA SOI
Những ngày Tết bao giờ cũng qua nhanh… Nhìn hoa vạn thọ bắt đầu khô cánh, tàn úa dần đi, tôi thấy nuối tiếc vô cùng. Tết là những ngày vui nhất, được ăn ngon mặc đẹp lại còn mặc sức chơi đùa, ấy là chưa kể tiền mừng tuổi người lớn hào phóng lì xì. Tinh thần lúc nào cũng thấy phấn chấn, thảnh thơi.
Lại tiếp tục đến trường học tập, về nhà giúp mẹ những việc hàng ngày. Công việc cứ đều đều, tẻ nhạt làm tôi phát chán. Bỗng nhiên sáng nay cả nhà dậy sớm, chuẩn bị một việc làm mới. Nhà tôi được Hợp tác xã chia khoán cho mấy sào đất sa bồi ngoài bãi sông, vẫn thường gọi là đất soi, dùng vào việc trồng hoa màu, rau quả. Đất này người ta thường trồng dưa, mướp, bí ngô là chủ yếu. Nhà tôi cũng vậy. Mẹ đã chuẩn bị sẵn các loại hạt, nào là dưa hấu, dưa gang, bí ngô… mỗi thứ một nhúm lớn gói trong bọc giấy. Hôm nay ngày nghỉ, anh Hai và chị Bốn cũng ở nhà đi làm soi. Trời còn đang tờ mờ. Mẹ và anh Hai giục đi gấp. Làm soi chỉ tranh thủ vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, còn trưa xế thật khó mà làm trên cát nóng!
Đi đến cuối con đường làng, chân tôi đã đặt lên bãi cát. Nhưng dòng sông Cái vẫn ở tít ngoài xa. Hai bên bờ toàn cát. Cát trải rộng mênh mông, xa bên kia sông là làng mạc trải dài, chỉ thấy một vệt màu xanh thẫm. Lội qua mấy con lạch, nước ấm chân chứ không như tôi ngại. Chị Bốn thấy tôi xắn quần, bảo: “Không cần, lát nữa băng qua mấy đám lau, đằng nào cũng ướt”. Quả thật những trảng lau cao vượt đầu người, sương đọng dày như mây trắng, cách vài thước không nhận ra gì cả. Khác với lúc lội lạch, bây giờ đi trên cạn mà tôi thấy lạnh cóng. Ai cũng tắm mình trong sương, quần áo đều ướt đẫm, bết vào da, sũng nước. Thấy tôi run lập cập, anh Hai cười: “Lát nữa nắng lên, thèm một chút lạnh cũng không có nữa đâu!”
Qua hết trảng lau, đám soi nhà tôi đã hiện ra, trên bãi từng bụi cỏ lớn mọc xanh tốt. Công việc đầu tiên là phải dọn sạch cỏ rồi mới đào lỗ gieo hạt. Cỏ mọc trên cát, bụi to nhưng bám rất mềm, nhổ một lát đã sạch. Mặt trời vừa lên. Dòng sông Cái ngay phía trước mặt tôi, lúc nãy hơi nước buổi sớm bốc lên phủ kín như khói, giờ đang tan dần. Khi mặt trời lên hơn cây sào, khói sóng hoàn toàn dứt hẳn. Dòng sông hiện ra trong vắt như gương, le lói nắng. Đoạn sông từ đây xuôi về biển, thường gọi là sông Đà Rằng. Cầu Đà Rằng hăm mốt nhịp dài hơn cây số nằm vắt qua dòng sông ở mãi dưới kia, đứng đây nhìn thấy những chiếc ô tô chỉ còn nhỏ xíu. Cây cầu này nổi tiếng nhất miền Trung về độ dài, lại ở ngay gần núi Nhạn Tháp của thị xã nên người ta thường gọi chung là núi Nhạn sông Đà để chỉ phong cảnh biểu tượng cho vùng đất Tuy Hòa.
Ở đoạn từ thượng nguồn đổ về đây, sông có tên là sông Ba, chảy qua tỉnh Đắk Lắk từ Tây Nguyên rồi xuống Phú Yên đồng bằng và duyên hải, nên mới có câu:
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng,
Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên!”
Câu này tôi thường nghe mẹ đọc, bảo là xuất hiện từ thời Chín Năm, người Phú Yên gánh gạo lên Tây Nguyên tiếp tế cho bộ đội đánh giặc. Ở trường tôi đã học đoạn trích tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, kể chuyện về anh hùng Núp ở Tây Nguyên của nhà văn Nguyên Ngọc. Đó là đoạn người già làng kể chuyện “Thanh gươm ông Tú”. Mỗi lần mưa to gió lớn, ông Tú lấy gươm ra múa, mưa tạnh ngay, trả lại sự bình yên cho buôn làng. Một hôm mưa bão dữ dội, ông Tú múa gươm mạnh quá, khi mưa tạnh chỉ còn chuôi gươm trong tay, lưỡi gươm đã văng xuống dòng sông Ba và bị cuốn về xuôi, người Kinh nhặt được. Từ đó người Thượng và người Kinh đều có chung trách nhiệm trong việc bảo vệ sự bình yên cho mọi người từ miền xuôi đến miền ngược. Dạy xong bài học, thầy giáo hỏi: “Các em có biết sông Ba là sông gì không?” Chúng tôi ngơ ngác, thầy nói: “Sông Ba trong câu chuyện chính là sông Đà Rằng chảy qua địa phận tỉnh ta, mà làng mình nằm ngay ở ven sông đấy. Quê hương của anh hùng Núp ở thượng nguồn, còn chúng ta ở hạ nguồn. Bài học dạy chúng ta đoàn kết, và thực tế địa lý như vậy cũng đã dạy cho chúng ta điều đó từ rất lâu rồi. Các em nhớ lấy”. Từ lâu, đám học trò chúng tôi vẫn cho rằng chuyện trong sách là chuyện xa vời, không ngờ nay nghe thầy nói lại gần gũi với chúng tôi đến vậy! Lập tức cả lớp như quên đang giờ học, đứa nào đứa nấy cứ rộn lên những câu chuyện kể về dòng sông quen thuộc hàng ngày. Thầy giáo như chia sẻ niềm kiêu hãnh trẻ thơ của chúng tôi, không đập bàn quát “Im lặng, trật tự” như mọi khi nữa. Chắc thầy cũng đang sống lại những kỷ niệm của mình với dòng sông. Bỗng nhiên thầy hỏi: “Các em có thích nghe bài thơ của một nhà thơ viết ca ngợi dòng sông nơi ông ta sống không?” Cả lớp đồng thanh: “Thích ạ, thích ạ”. Thầy hắng giọng rồi đọc chậm rãi, tôi nghe hay nhưng mới nghe lần đầu nên chỉ nhớ mấy câu mở đầu và vài câu giữa:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
……………………………………….
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ”(1)
Không biết do bài thơ hay, hay do giọng đọc xúc động truyền cảm của thầy, mà chúng tôi mắt đứa nào đứa nấy cũng rưng rưng, thấy thương yêu con sông quê mình quá! Cả lớp như lặng đi. Thầy bảo: “Nếu nhà thơ ấy mà sống ở đây, chắc chắn dòng sông Đà Rằng của chúng ta cũng sẽ có được một bài thơ hay không kém”. Xong thầy lại mỉm cười: “Viết về quê hương mình, đành phải chờ ở chính các em vậy!” Chúng tôi hiểu đó là thầy “chọc tức” để kích thích chúng tôi học văn cho hay. Nhưng thật ra khi nghe bài thơ, tôi như bị cuốn hút vào đó, trong lòng dâng lên một thứ cảm xúc khó tả, cũng muốn làm thơ ca ngợi quê hương và bày tỏ lòng mình. Còn làm như thế nào, tôi làm sao biết được. Trong lớp, tôi đã từng là đứa học văn kém nhất, bị thầy phê là quá nghèo tưởng tượng, văn khô như ngói. Bây giờ nghĩ lại còn ngượng chín người! Lần ấy đang học lớp bốn, thầy ra đề văn: “Hãy tả một người bạn thân trong lớp”. Tôi cắn bút suy nghĩ, mãi rồi cũng viết được một đôi giấy vở, lựa toàn những từ theo tôi là “sáng tạo” nhất. Nộp bài rồi mà lòng cứ phấp phỏng, mong ngóng tới ngày thầy trả bài sẽ được nhận một điểm số… kha khá! Đến ngày trả bài, thấy bài đầu tiên trong xấp giấy thầy cầm rõ ràng là nét chữ của tôi. Tôi khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng phen này thế nào cũng được điểm cao, nên thầy cầm sẵn như vậy để đọc làm mẫu cho cả lớp! Thầy cứ đi qua đi lại không nói gì làm cho tôi càng hồi hộp, tâm lý muốn biết kết quả ngay giống như trò chơi xóc đĩa mà thằng Túc mê mệt. Đột nhiên thầy dừng lại, rút bài tôi và bài của một người khác giơ lên cả lớp: “Đây là hai bài văn dở nhất kỳ này, bài của em Quyết và bài của em Thìn, chúng ta sẽ dùng làm mẫu để sửa cho cả lớp”.
Sao lại như vậy được, tôi có nghe nhầm không dây? Rõ ràng là không, vì thầy đã đọc lên vanh vách: “Đây, bài của em Thìn: Ở lớp em có người bạn thân tóc đen như than mặt trắng như giấy chân rất to tay cũng rất to. Văn gì không chấm phẩy, lại tả rất quái dị, nếu có một người bạn như vậy chắc lớp ta không ai dám tới học nữa”. Cả lớp cười lăn cười bò. Vì tôi cũng bị “tuyển” văn dở nên không dám cười, nhưng vẫn đau cả bụng. Thầy tiếp: “Còn đây là bài của em Quyết: Người bạn thân ấy mặt mày sáng láng, minh mẫn. Ai lại dùng từ mặt mày nghe rất thô!” Từ “minh mẫn” tôi cho là một trong những từ “sáng tạo” tôi nghĩ nát óc mới ra được, cứ hy vọng thế nào cũng được khen, giờ hóa ra lại bị chê nặng nhất! Tôi hiểu rằng vì không hiểu ý nghĩa của từ ngữ mình dùng, lại suy nghĩ chủ quan, làm sao mà văn không ngô nghê, buồn cười! Bài văn hai điểm ấy như một liều thuốc cực mạnh làm tôi quyết tâm “lấy lại danh dự”. Bao nhiêu từ ngữ gặp phải trong sách và trong đời sống, tôi đều chép vào sổ tay, hỏi han rồi ghi chú cẩn thận. Tôi lại mượn nhiều sách về đọc, học tập những từ ngữ trong đó. Đến cuối năm, những bài tập làm văn của tôi được xếp vào diện hai bài hay nhất lớp. Một bài của lớp trưởng và một bài của tôi, lại được chọn làm mẫu văn hay đọc cho cả lớp! Thầy còn bảo bài tôi hay hơn, nhưng cho điểm tám bằng với lớp trưởng, vì chữ xấu quá! Nhược điểm này thì tôi không khắc phục được, đã quen nết từ bé rồi. Nhưng tôi lại viết rất đúng chính tả, kể cả những từ khó cũng chưa bao giờ sai. Hồi vào lớp một tôi không viết nổi một chữ cho ra hồn, ghép vần thì cứ ấm a ấm ớ, cuối năm thầy giáo phải vớt điểm tôi mới đủ tiêu chuẩn lên lớp! Vậy mà từ năm lớp hai, tôi đã khắc phục được điểm yếu này, một hôm cầm sách lớp năm của chị thằng Tiêu đọc được truyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” từ dầu chí cuối, không sai vấp một chữ nào. Câu chuyện hấp dẫn mà tuổi tôi chưa học tới, tôi mê quá lấy giấy ra chép lại toàn bộ câu chuyện, một ngày thì xong. Những chuyện kể khác như “Trần Quốc Toản ra quân”, “Trí khôn của ta đây”… tôi đều thích thú chép lại. Nhờ niềm say mê đó mà tôi đã đọc thông viết thạo lúc nào không hay, mặc dù chỉ mới lớp hai! Điểm chính tả tôi luôn đứng đầu lớp. Thầy giáo lớp một cũng dạy tiếp tôi ở lớp hai, đã nức nở: “Em tiến bộ vượt bậc!” Cuối năm ấy tôi và hai bạn nữa được chọn dự hội nghị “Cháu ngoan Bác Hồ”, thầy và trò đều cuốc bộ về mãi hội trường ủy ban xã xa gần vài cây số để dự chung với học sinh các trường khác. Những anh chị thiếu niên được đeo khăn quàng đỏ ở quanh cổ, tôi thấy sang lắm, oai lắm. Còn chúng tôi mới ở tuổi nhi đồng, chỉ được gắn chiếc huy hiệu măng non trên ngực áo, được mấy ai thấy mà oai! Nhưng rồi tôi lại nhớ lời cha cũng như lời thầy phụ trách: “Phải vươn lên như mụt măng mọc thẳng, đến tuổi trưởng thành thì cứng cáp như tre vậy!”, tôi cũng thấy hăng hái phấn khởi biết bao! Cả trường tiểu học của tôi, học sinh từ lớp một đến lớp năm gộp cả lại, được kết nạp đội viên tiền phong và được nhận danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, chỉ đếm được trên đầu ngón tay chứ mấy. Thầy giáo bảo đây là đợt đầu tiên của các trường kể từ sau ngày miền Nam giải phóng. Thật vinh dự vô cùng!
Lên lớp ba, khả năng viết chính tả rất tốt của tôi được cô giáo chú ý. Cô chọn bốn đứa đại diện cho bốn tổ, sửa lỗi chính tả cho các bạn trong tổ của mình. Mới đầu tôi hãnh diện lắm, cứ nghĩ mình cũng đang tập tành làm “thầy giáo” ngay từ nhỏ. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy công việc này đối với tôi như một hình phạt. Trong giờ ra chơi, những đứa học dốt lại được quyền chơi bắn bi đánh đáo và đủ trò vui khác, còn chúng tôi bị buộc phải cắm đầu cắm cổ ngồi trong lớp mà sửa lỗi chính tả cho bạn! Có hôm gặp bài nhiều từ khó, bạn viết sai ít nhất cũng hai ba chục lỗi. Tôi lại thật thà dùng bút chì sửa hết ra ngoài lề, đến lúc lỗi vẫn còn nhiều mà đã hết chỗ ghi! Cô giáo qui định: “Em nào bị sai từ mười lỗi trở lên, sẽ bị lớp phó học tập đánh vào bàn tay một thước kẻ thật mạnh. Sau đó cứ thêm một lỗi là lãnh thêm một thước!” Lớp phó học tập có cái tên rất đẹp: Trần Thị Hồng Vân! Ra ngoài thì bẽn lẽn e thẹn, nhưng vào lớp lại khác hẳn. Những tay thước do Vân nện, có khi còn đau hơn cả cô đánh, nhiều đứa bảo vậy. Tôi thoát môn chính tả, nhưng lại bị hai thước từ tay Vân về việc đọc bảng cửu chương bị vấp hai lần. Hồi đi dự cháu ngoan Bác Hồ, vốn ghét con gái nên Hồng Vân bắt chuyện, tôi chỉ trả lời nhát gừng, lại còn ngồi cách xa ra. Không biết Hồng Vân có nhớ chuyện ấy không mà lúc này thẳng tay nện thước không chút nhân nhượng “nể nang”! Tôi căm lắm, vừa đau vừa tự ái vì bị con gái đánh, nghĩ bụng sẽ học thật chăm cho… biết mặt! Trong lớp có một đứa khá lớn so với tôi, hôm bị Hồng Vân đánh năm thước vào tay, nó tức quá trên đường về đã trả đũa lại Hồng Vân mấy tát tai, xong còn dọa: “Mách cô giáo thì tao nghỉ học, tao còn đánh nhiều hơn nữa”. Hồng Vân vừa đi vừa khóc, về nhà cha biết chuyện, hôm sau xách chiếc roi cày đến lớp sau giờ ra chơi, hỏi “Thằng Chạm là thằng nào?” Chúng tôi chưa hiểu ra chuyện gì đã thấy Chạm nhanh chân lách ra khỏi nhóm, định chạy, mặt tái mét. Nhưng cha Hồng Vân còn nhanh hơn. Ông chộp ngay cánh tay Chạm, vút liền mấy roi ứa máu, chỉ nghe tiếng gió rít cũng đã nổi da gà! Xong ông hằm hằm ra về, chẳng nói chẳng rằng. Lúc cô giáo đến chỉ còn thấy Chạm ôm mặt khóc bài hơ bài hải. Nhiều đứa tranh nhau thưa lại câu chuyện. Cuối cùng cô giáo phạt Chạm về tội đánh bạn ngoài đường, phạt Hồng Vân về tội không mách với cô mà mách cho gia đình! Cả hai đều phải viết bản kiểm điểm và phải hứa trước lớp sẽ không tái phạm. Những chuyện ấy cứ làm chúng tôi nhớ mãi!
Mải suy nghĩ miên man, ký ức của tôi như dòng sông trước mặt, cứ lặng lẽ chảy, chảy mãi chảy hoài. Tiếng anh Hai làm tôi trở về thực tại:
– Cố gắng đào sâu một chút Quyết ơi!
Tôi ngoái cổ lại:
– Em thấy sâu lắm rồi!
Đang làm, anh Hai dừng tay chạy lại hướng dẫn:
– Ở đây chỉ toàn cát, dây bầu dây bí sẽ không sống được nếu không bám rễ được vào đất. Nhưng đất thì ở sâu dưới lớp cát dày này, mình phải đào đến khi nào thấy lớp đất ấy thì mới tra hạt được. Đất phù sa đấy, tốt lắm!
Thì ra là như vậy. Hèn chi những bãi dưa bò trên cát nóng nhưng xanh tốt quá trời! Năm ngoái, nhà thằng Tiêu trồng dưa trên cả một bãi soi lớn, rộng có hàng mẫu. Cha nó dựng hẳn một lán trại với mái và vách đều che bằng tranh, dùng để canh bãi, đồng thời hái trái cất vào trong đó. Ban ngày thường chỉ mình nó trông coi, nó rủ chúng tôi ra chơi cho có bạn. Tôi và thằng Túc được nó đãi những bữa dưa căng bụng. Nhưng tôi không thích bằng được nằm khểnh trên đệm lá khô, vừa đón gió mát rười rượi vừa đọc những trang truyện tuyệt vời. Nhà thằng Tiêu không có sách, nhưng thằng Hiệu vừa học cùng lớp, vừa là bạn cùng làng, đã đem sách đến cho mượn rất nhiều. Cứ mỗi quyển, thằng Tiêu lại biếu cho nó một quả dưa. Tôi được đọc ké và thấy cuốn hút vô cùng. Toàn là truyện hay như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Nghìn lẻ một đêm”, “Nhạc Phi”… Những trang sách đã làm cho thế giới tuổi thơ của chúng tôi càng thêm thú vị. Đọc chán, chúng tôi lại rủ nhau ra bãi bắt dế, bắt ong. Những chú ong bầu cần mẫn lượn qua lượn lại trên những bông mướp, bông bí vàng rực. Chúng tôi cứ việc đợi ong ta đậu lại trên hoa là đưa tay tóm lấy. Phải khéo léo và liều lĩnh mới được. Cũng may nọc ong bầu không nhức lắm. Những con ong chúng tôi bắt được, đem nhốt vào túi ni-lon, chúng kêu vo vo u u cũng tạo được nhiều thích thú. Chúng tôi gọi đó là những chiếc máy hát!
Dế thì khó thấy hơn, nhưng hấp dẫn hơn ong. Vả lại bắt ong còn bị người lớn rầy, bảo để nó phối hoa cho đậu quả. Còn dế thì bắt bao nhiêu tùy thích. Nhưng lại vấp vào chuyện khác, là không được dẫm vào dây và quả. Quả còn tránh được, chứ dây thì thật khó. Những quả bí ngô to bằng vò nước, có quả to vòng như bánh xe hơi. Quả mướp thì dài đuỗn nằm khuất dưới lá. Những quả dưa phình to, người lớn đã moi cát cho nằm chôn xuống dưới, chỉ lộ ra một phía nhỏ người ngoài khó lòng nhận thấy. Những chú để tinh khôn cứ núp dưới lá, gáy lên ríc ríc. Chúng tôi vừa dỏng tai nghe ngóng vừa căng mắt ra nhìn. Có khi hai ba đứa chộp một con mà không dính, lại vấp vào những quả bí ngã dúi dụi. Tuy vậy cả buổi mỗi đứa ít nhất cũng được chục con. Thằng Tiêu và thằng Túc lựa ra một con xấu nhất ngắt lấy đầu cắm vào que tăm, thả hai con dế cồ vào mũ rồi xoăn tít chiếc đầu ấy kích thích chúng đá nhau giáp lá cà. Phải nói chúng đá hăng thật, đến khi con thua bỏ chạy, con thắng rung cánh gáy ríc ríc trông thật oai phong. Tuy thích nhưng thấy trò này có phần dã man nên tôi không làm, chỉ cho dế vào chiếc hộp giấy kèm với mấy đọt lá non, mang về cho chúng gáy vui nhà. Những chú dế than đen mun, có hai vạch vàng trên lưng cổ, hai sợi râu ở đầu như hai chiếc cần ăng-ten cứ ngọ ngoạy liên tục, chốc chốc lại hứng chí rung cánh gáy vang. Tiếng gáy của để than trầm nhưng chắc nịch. Ngược lại, để cồ lửa gáy nghe trong vắt, vút cao. Ai đặt tên là cồ lửa thật xứng. Đôi cánh của nó vàng rực như lửa. Khi gáy, cồ lửa rung đôi cánh trông rất đẹp, đẹp hơn nhiều so với dế than. Lúc đá, dế lửa hung hăng, còn dế than lì đòn hơn, nhưng ít nhanh nhẹn hơn. Xem ra thắng thua cũng còn tùy, mỗi giống một tính. Tuy vậy tôi vẫn thích dế lửa hơn ở vẻ đẹp của nó.
Ở thôn quê, chúng tôi tha hồ chơi với những thú vui như vậy. Nhưng cùng lứa tôi ở phố, chúng nó thèm chơi dế lắm. Tôi không tận mắt chứng kiến, nhưng thấy anh bán cà-rem cứ chiều chiều mua dế của học trò chúng tôi trước cổng trường thì đủ biết. Anh ta qui đổi mỗi con dế hai que kem. Anh mang về thị xã bán lại cho thiếu niên ở đó, chắc phải đắt hơn nhiều nên anh mới dám mua như vậy! Có đứa đưa tiền mua kem, anh không bán ngay mà gạ hỏi với giọng dỗ dành: “Không có dế đổi à?”. Chúng tôi cứ bắt dế chơi chán lại đem đổi cho anh. Học buổi chiều, phải đợi đến giờ ra chơi anh mới tới. Tiếng dế nhốt trong cặp có khi gáy lên làm cho thầy giáo nổi giận, răn đe đủ kiểu nhưng chúng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Hễ nghe tiếng chuông leng keng của anh cà-rem tới là mắt đứa nào đứa nấy sáng ra, gió nồm hiu hiu đang buồn ngủ cũng tỉnh hẳn. Có hôm bắt được nhiều dế quá, chúng tôi ăn cà-rem tê cả bụng, về nhà bị tiêu chảy phải chạy đến rũ người. Vậy mà vài ngày sau, lại lò dò đi bắt dế!
Tuy vậy, bắt dế chỉ là một thú vui của riêng tuổi nhỏ. Còn xúc cá bống ở sông lại có cả người lớn tham gia. Mỗi người một chiếc rổ, giữa trưa nắng ngâm mình dưới nước nghe mát lạnh. Chiếc giỏ tre thân vịt đeo bên lưng, cứ chúc vành rổ cào cào vào lớp cát dưới lòng sông Con, đưa lên mặt nước, bươi bươi và tóm gọn những anh bống cho vào giỏ. Trưa nắng, cá hay chui dưới cát nên xúc dễ dính. Người nào xúc giỏi, có khi mang về cả một vịt đầy, ở nhà khỏi phải đi chợ. Tôi chợt nhớ câu chuyện Tấm Cám rủ đi xúc cá, chắc cũng ở một lạch sông như vầy thôi. Nhưng sông Đà Rằng thì chắc là nhiều cá bống hơn sông của Tấm Cám rồi! Cá bống đem kho mặn, ăn kèm với bông bí luộc, ở quê tôi không ai là không thích. Đó là những thứ mà dòng sông Đà Rằng đã hào phóng ban tặng. Tôi cũng thường xuyên đi xúc cá bống, nhưng cá thì ít mà nắng gió thì nhiều. Vì ra bãi sông, nhiều trò chơi hấp dẫn quá, tôi không thể chuyên tâm vào một chuyện duy nhất được. Những ngày xúc cá, ngâm mình dưới nước, khi lên bờ da bắt nắng ghê gớm. Chỉ vài ngày là làn da dù trắng trẻo đến mấy cũng trở nên đen sạm, cho nên người tôi đen cháy. Hèn chi dân chài không tìm đâu ra một người da trắng!
Trời đã gần đứng bóng. Quả như lời anh Hai nói, lúc này trời nóng đến nỗi tôi chẳng nhớ nổi hồi sáng sớm đã lạnh vì đẫm sương như thế nào nữa, cứ ngỡ như bãi soi đã nóng bức sẵn từ sáng tới giờ! Hồi đi chơi và bắt dế ở bãi dưa nhà thằng Tiêu, tôi ít thấy nóng hơn bây giờ, một phần vì có sẵn trại dưa bên cạnh để che mát, một phần vì hào hứng trong trò chơi. Còn đây dù sao cũng là việc làm. Cứ ngồi chồm hỗm mà đào, đôi chân tôi đã tê mỏi lắm rồi, nắng lại bốc hừng hực từ mặt cát bốc lên, nắng táp từ trên lưng áp xuống. Cát tuy mềm, nhưng lúc này tôi đào đã chậm lại nhiều, không còn hăng hái nhanh nhẹn như lúc sáng. Được cái công việc cũng đã sắp xong. Những hố tra hạt rộng bằng chiếc thúng lớn, sâu hơn cánh tay tôi mới tới lớp đất bùn bên dưới, có nơi còn sâu đến háng. Mẹ cặm cụi tra hạt vào cũng gần xong, nói với tôi mà như phân công cho cả nhà cùng nghe:
– Thằng Quyết ưa chơi, mai mốt tới mùa soi, mướp, dưa có trái, dựng chòi cho nó ra đây canh giữ. Ban đêm thì giao cho thằng Quân.
Nếu mẹ không nói ra, chắc tôi cũng sẽ đòi canh chòi cho bằng được. Mùa soi của mẹ chỉ ở mướp, dưa, bầu, bí. Còn mùa soi của tôi phải nói là cả đất trời sông nước của thiên nhiên cộng lại. Nghĩ về một mùa soi như vậy, tôi không còn thấy mệt chút nào.

CHƯƠNG XIV
MÙA THI
Một hôm thằng Chạm thì thầm hỏi tôi:
– Quyết à, nhà mày gần nhà Hồng Vân không?
– Nhà nó ở xóm trên, nhà tao xóm dưới, cũng không gần gì mấy. Mà mày hỏi làm gì vậy?
Thằng Chạm lại thầm thì, vẻ mặt vừa hào hứng vừa ngượng ngập:
– Mày không thấy nó đẹp gái à?
Tôi ngớ ra. Ừ nhỉ! Mới đó mà nhanh thật. Chúng tôi đã sắp hết tuổi thiếu niên, có đứa đủ tuổi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Tôi cũng đang là đối tượng Đoàn, sẽ được kết nạp trước kì thi tốt nghiệp cấp II, thầy Cư chủ nhiệm lớp cũng là Bí thư Đoàn trường bảo vậy. Nay đang là những tháng cuối cùng của năm học lớp 9, con trai con gái trong lớp đều quan tâm tới nhau hơn, không còn mắc cỡ ngại ngùng như trước nữa. Nhiều đứa “trưởng thành” sớm, tối không lo học mà đã lo đến nhà bạn gái “tán tỉnh”, có thể bạn học cùng lớp, có thể bạn ở ngoài. Có lẽ tôi là thằng “lạc hậu” nhất nên vẫn còn tính trẻ con như ngày nào, chỉ biết có sách vở. Thằng Chạm nài nỉ tôi:
– Tối nay mình đến nhà cậu, cậu dẫn mình tới nhà Hồng Vân chơi nhen!
Tôi giãy nảy:
– Sao không đi ban ngày?
– Mình còn phải làm giúp cha mình.
– Vậy thì cậu đi một mình. Ban đêm mình ớn lắm.
Thằng Chạm xuống giọng:
– Nếu nhà khác mình đi một mình cũng được, nhưng nhà Hồng Vân mình ngại lắm!
Tôi cười:
– Sao? Ngại mà cũng đòi đi?
– Nhưng vì Hồng Vân đẹp gái, mình lại cứ muốn đến nhà chơi.
Tôi nói cho xong chuyện:
– Vậy thì còn ngại gì nữa. Cứ “liều mình như chẳng có” là xong thôi.
Chạm lại bần thần:
– Nói thật với Quyết, mình còn ngại mấy chiếc roi cày của cha Hồng Vân lắm. Không biết ông còn nhớ mặt mình không?
Tôi bật cười:
– Cậu thật là… Sáu bảy năm rồi, cậu đã lớn nhiều mà vẫn chưa quên mấy chiếc roi cày hồi nhỏ sao? Theo mình, cha của Hồng Vân quên từ lâu rồi, người lớn hay quên chuyện trẻ con lắm. Cậu chưa phải người lớn, vậy mà bày đặt…
Chạm cười ngượng ngập:
– Nghĩ lại hồi đó mình bị Hồng Vân đánh đau quá nên phát cáu. Chớ nếu bây giờ, Hồng Vân có đánh mình một trăm roi chắc cũng chẳng thấy đau!
Tôi làm ra vẻ hiểu biết, lắc đầu:
– Cậu bị hớp hồn rồi!
Chạm cười vu vơ, tôi tiếp:
– Xem ra cậu rảnh thật đấy! Con gái học giỏi, nó lên mặt lắm, cậu đừng có tơ tưởng! Kỳ thi tới nơi rồi, dứt tốt nghiệp cấp II là tiếp tới chuyển cấp lên lớp mười. Kỳ thi nào cũng găng cả, vậy mà cậu không lo, còn lo cha của Hồng Vân có nhớ mặt mình không!
Chạm xua tay:
– Cậu nói giống thầy Cư quá. Nhưng nói thật, mình chán học lắm rồi, tốt nghiệp lớp 9 sợ còn chưa được, nói gì lên lớp 10. Cha mình đã sắm sẵn bộ đồ nghề thợ mộc, chờ mãn năm học mình sẽ ở nhà để lo làm ăn. Sau đó cưới vợ, vậy là xong.
Có lẽ Chạm nói cũng đúng. Trong lớp hiện giờ đang chia thành hai hướng. Một hướng đợi tốt nghiệp xong sẽ xin học các lớp Trung cấp chuyên nghiệp để ra đi làm, nếu rớt ở nhà làm thợ. Còn hướng kia cứ theo lên học cấp III, tuy nhiên còn phải đợi kết quả thi, có đứa còn quả quyết nếu thi rớt, năm sau sẽ lại tiếp tục thi lớp mười, không đổi hướng! Tôi thì không dám nghĩ đến sự kiên trì như vậy, chỉ thầm quyết tâm sẽ đậu ngay đợt này, chứ nếu thi rớt, việc học sẽ bị “mất trớn” ngay, chắc gì năm sau đã đủ khí thế để thi đậu! Hơn nữa nhà tôi cũng đâu thuộc diện nằm dài ra mà học. Phải làm! Mẹ tôi hứa: “Nếu thi đậu, nhà dẫu nghèo, mẹ cũng cố cho con ăn học. Thà nghèo tiền bạc chứ đừng để nghèo kiến thức, cha con nói rồi”. Tôi chỉ là một học sinh học tập rất ngẫu hứng, nói như ngôn ngữ thể thao là “phong độ” không ổn định! Khi hứng lên, tôi học rất khá, cứ lấy lớp phó học tập làm chuẩn, có khi tôi gần “soán ngôi” chứ không ít. Thầy cô và bạn bè đều nhìn tôi với đôi mắt tin tưởng, thường ngầm xếp vào loại “top ten” của lớp!
Nhưng chỉ được một thời gian là tôi lại lơ là, về nhà không bao giờ ngó ngàng đến sách vở, ngoài việc làm giúp mẹ, cứ hễ rảnh ra là kiếm sách truyện hoặc những sách ngoài chương trình về đọc, rồi lại đi chơi! Kết quả nhiều môn tôi gần như bị “mất căn bản”. Những thầy cô tin tưởng quí mến tôi nhất, có lúc đã buộc phải phê vào sổ liên lạc: “Kết quả học tập đi xuống trầm trọng. Học hành như thế à?”. Thông thường ở các lớp, cứ nửa năm đầu tôi học khá, nửa năm sau bắt đầu ỷ lại nên lơ là, tuột dốc lúc nào không hay. Kết quả cuối năm bao giờ tôi cũng chỉ được xếp loại học tập trung bình khá. Vậy nhưng nhiều khi thi đố vui để học giữa các trường, hoặc thi học sinh giỏi, bao giờ tôi cũng được chọn vào đội tuyển của trường. Tôi chỉ học giỏi các môn xã hội, còn môn tự nhiên chỉ rớ tới mỗi khi phải đối phó với kì thi. Những môn tự nhiên, khi tôi đã để mắt đến rồi thì học cũng đâu đến nỗi. Tôi không học tủ, nhưng kết quả thi của những môn này bao giờ cũng cao điểm vào hàng nhất nhì lớp. Còn môn văn là môn tôi đam mê, tuy cao nhất so với lớp nhưng điểm đạt vẫn thấp hơn những môn này! Những lúc ấy tôi thấy học toán-lí-hóa sướng hơn học văn nhiều, nhưng vì tôi không chăm nên kết quả trung bình cả năm vẫn thấp, vẫn bị lệch so với môn văn. Giá như tôi không đợi “nước tới chân mới nhảy”, mà học các môn này ngay từ đầu nhỉ? Một sự nuối tiếc muộn màng gây nên cảm giác hụt hẫng trong lòng tôi. Tôi giận mình đâu phải là thằng không có khả năng, vậy mà bao nhiêu năm vẫn cứ học lệch, ngẫu hứng, tuy cũng được thầy khen bạn mến nhưng chưa bao giờ có được một suất phần thưởng cuối năm mang về cho mẹ mừng cả! Bao nhiêu lần nuối tiếc là bấy nhiêu lần tôi tự hứa sẽ khắc phục từ đầu, vậy nhưng rồi lại bị “nguội” quyết tâm sau ba tháng hè, khi bước sang năm học mới vẫn cứ lặp lại sai lầm cũ! Chiến thắng bản thân thật khó.
Năm học lớp 9 đã sắp qua rồi, hai kì thi quyết định sắp tới rồi, vậy mà tôi vẫn bỏ bê sách vở, mãi đến lúc này nghe mẹ nhắc lời cha “thà nghèo tiền bạc chớ đừng nghèo kiến thức”, tôi mới vắt chân lên cổ mà chạy! Kiến thức thì nhiều mà thời gian lại ít, đêm đêm tôi thức đến hai ba giờ sáng, tức là phải học bù lại những ngày không chịu học. Chẳng có gì phải kêu ca, cho chừa mày đi, Quyết ạ! Tôi tự rủa sả mình như vậy. Bốn môn thi, hai tự nhiên, hai xã hội, học gấp gáp trong vòng một tháng. Tôi chia ra mỗi tuần phải “đánh” bay một môn. Thời gian đã eo hẹp mà những đứa ỷ học từ sớm rồi nên cứ tới nhà tìm tôi, ngồi chơi hàng buổi. Tôi không biết làm cách nào, không chơi với nó thì mất lòng, mà chơi thì mất thời gian, làm sao học kịp chương trình? Anh Hai góp ý: “Dễ ợt! Em cứ ôm sách vở lên chùa ông mình mà học, vừa yên tĩnh vừa khỏi bị bạn bè phát hiện quấy rầy”. Mẹ tôi giục ngay: “Phải đấy, lên chùa học cho Trời Phật phù hộ, thi dễ đậu. Ngày xưa, cô giáo Lý ở làng này cũng đã ôn bài vở hàng tháng ở chùa mới thi đậu Tú tài đấy”. Chuyện này thì tôi có nghe. Lúc ấy ở làng hiếm người học lắm, không như bây giờ, học lên Tú tài càng hiếm, cho nên trai tráng thời kỳ ấy mới có câu: “Rớt Tú tài anh đi trung sĩ” kia mà! Nhưng Tú tài cũng đâu có dễ đậu. Đó là cô Lý bây giờ đang dạy trường làng, và anh Trương mất đã lâu. Hai người yêu nhau, rủ nhau cùng đến chùa học cho Trời Phật phù hộ như lời mẹ tôi nói, sau khi thi đậu sẽ lấy nhau. Đến kì thi, chỉ một mình cô Lý đậu, còn anh Trương bị rớt. Anh buồn bã suốt mấy ngày và đã tìm đến cái chết. Dân làng ai cũng cảm thương anh, chép miệng thở dài: “Thua keo này bày keo khác, việc gì phải lụy đến thân”.
Chùa làng được xây trên một khu đất cao biệt lập với xóm làng, quanh năm thoáng mát. Vì có ông tôi (bên ngoại) trụ trì ở đây nên tôi thường lui tới. Ngôi chùa đối với tuổi thơ tôi có gì như vừa bí hiểm vừa xa lạ. Những hàng chữ Hán cùng với các hình vẽ ông Thiện ông Ác đã một thời làm tôi tò mò và e ngại. Bây giờ thì tôi không còn cảm giác ấy nữa. Tôi thấy như các ông đang chào tôi, vui mừng khi thấy tôi đến, vì ở đây vắng vẻ quá! Chỉ những hôm rằm và mùng một đầu tháng âm lịch, chùa mới đông người cúng bái, còn thì chỉ mình ông tôi sớm khuya tụng kinh gõ mõ. Thấy tôi đến học, ông vui vẻ bảo:
– Ở đây tha hồ cho con học. Nếu ăn cơm chay được thì trưa ở lại ăn với ông, khỏi phải về mệt.
Ở với ông, phải nói là thoải mái thật. Tuy đạm bạc đơn sơ nhưng phóng khoáng vô cùng. Buổi trưa ăn cơm, tuy không mặn mà như ở nhà, nhưng mọi thứ đều rất thơm tho, tinh khiết. Hèn chi không bao giờ tôi thấy ông bị bệnh. Chiếc nồi đồng ôm thắt eo ngang hông như hình củ tỏi, ông dùng để nấu cơm. Gạo lức nấu nồi đồng ôm ăn với muối mè, tuy không phải cao lương mĩ vị gì nhưng ăn mãi không chán. Những miếng cháy ở quanh hông nồi, vàng ruộm, ăn rất thơm miệng. Chỉ có nấu nồi đồng ôm, cơm mới thơm tho đậm đà như vậy. Tôi như được ăn hạt cơm khác mà từ trước đến giờ chưa được nếm qua. Ở quanh vườn chùa, rau nấu canh mọc nhiều, ông tôi thường hái rau dền làm món chính. Rau dền tía nấu canh, nước đỏ như khoai tím, ăn rất thơm. Những bữa cơm trưa ăn cùng ông, món ăn đơn sơ mà tôi thấy ngon miệng lạ! Thỉnh thoảng ông lại dạy tôi dăm ba chữ Hán nói về đạo đức. Tôi nắn nót viết vào sổ tay, thấy trang trọng vô cùng.
Ban ngày tôi học ôn ở chùa, ban đêm về nhà thức nhồi bài đến khuya, quay đi quay lại đã hết veo thời gian. Vậy nhưng tôi cũng đã gạo bài “cạn kiệt” những điều trong sách, không còn phải lo lắng gì nữa. Tôi bước vào phòng thi tốt nghiệp cấp II với tâm lí hết sức thoải mái, tự tin. Kết quả điểm số tôi rất cao, môn nào cũng đạt 9 điểm, đứng thứ nhì sau đứa đậu thủ khoa có môn toán đạt mười điểm. Vậy nhưng khi cộng điểm học tập cả năm, kỳ thi này tôi điểm cao nhưng vẫn chỉ xếp loại trung bình! Lặp lại bài học cũ rích nhưng khó sửa! Giá như ngay từ đầu năm tôi đã học cực lực như kì thi này thì kết quả xếp loại chắc chắn sẽ ở hàng đầu. Chỉ tại vẫn chứng nào tật nấy, cứ đợi “nước đến chân mới nhảy”!
Nỗi buồn “xếp hạng” cũng chỉ thoáng qua, tôi lại vùi đầu vào chặng ôn thi chuyển cấp. Đang trong khí thế của đợt thi tốt nghiệp đậu cao tôi “thừa thắng xông lên”, học rất nhanh. Thằng Dự học cùng lớp vốn là anh em con cô con cậu với tôi, đã không hăng hái lại còn gieo tư tưởng bi quan:
– Nói thiệt với anh Quyết, chỉ có anh em mình nghèo mới phải cắm đầu cắm cổ học mà còn lo ngay ngáy như vầy. Chớ tụi nhà khá, nó có học hành gì đâu, nhưng chưa thi đã biết đậu rồi đấy!
– Sao lạ vậy?
– Lạ gì mà lạ! Người ta đút tiền vào các cửa, làm gì mà con em họ chẳng đậu. Trong khi vào lớp 10 đâu phải cứ xét từ năm điểm trở lên là đậu như thi tốt nghiệp. Phải cạnh tranh, như vậy ai có tiền là cạnh tranh mạnh chớ sao!
Chuyện hối lộ và gian lận trong thi cử, tôi đã nghe nhiều rồi. Lúc này lại nghe thằng Dự tâm sự, tôi không khỏi ăn khoăn:
– Chẳng lẽ bài thi không làm được câu nào, vẫn cứ có tiền đút lót là đậu à?
Dự ra vẻ sành sỏi:
– Anh chỉ biết học chớ chưa biết mánh khóe của thiên hạ đâu. Thiếu gì cách họ phù phép cho hơp lí! Nói anh biết, nhà thằng Tiêu cũng đang “chạy” cho nó vào lớp mười đấy. Hồi chị nó cũng “chạy” theo kiểu ấy mà tốt nghiệp được lớp mười hai. Có hai người trùng tên, vậy là bài điểm cao được đánh tráo tên cho chị nó. Còn người kia bị rớt, ức quá chút xíu nữa là tự tử, may mà can kịp.
Từ lâu thằng Dự vốn được coi là sành đời quả không sai. Nó giống như thằng Chạm, thứ gì cũng biết, duy chỉ có việc học là chểnh mảng. Tôi cũng chểnh mảng như nó nhưng khác nhau ở chỗ, cứ tới kì thi là tôi lập lại được “trật tự”. Còn nó thì “lập lại” không nổi, đành buông xuôi luôn. Nó nói chuyện tán tỉnh con gái rành hơn chuyện học, còn thằng Tiêu và thằng Chạm cũng vậy, cho nên bi quan về việc thi cử là phải. Vậy mà thằng Tiêu còn muốn học lên theo con đường tiêu cực, trong khi thằng Chạm và thằng Dự đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái nghề. Tâm lí tôi vốn thoải mái, vậy mà nghe lời tính toán của thằng Dự, tôi cũng đâm lo lắng, ngán ngẩm. Chúng nó đã tính trước cả rồi, nếu thi rớt chuyển cấp sẽ ở nhà làm nghề này nghề nọ. Còn tôi lỡ thi rớt sẽ biết làm gì đây?
Ngày đi thi, mẹ bảo anh Hai theo tôi để cổ vũ tinh thần. Tôi không chịu, nói để đi với bạn bè, cổ vũ lỡ rớt thì xấu hổ chết. Thằng Năm xóm dưới có lần tâm sự với tôi, lúc trước nó nhác việc nhà lắm, nhưng dạo này chuẩn bị đi thi, nhiều việc cha mẹ chưa bảo nó đã tự giác làm trước rất chu đáo. Nó bảo phải làm vậy để lỡ có thi rớt, cha mẹ sẽ nghĩ thương mà không nỡ rầy la. Thằng này quả là khôn khéo thật!
Thi cả ngày mà trường lại xa, mẹ và ông cho tiền ăn trưa. Tôi vốn ngại quán xá, cố ăn sáng thật no để thay cho bữa trưa, còn tiền sẽ mua sách mà đọc. Những lúc mải chơi tôi cũng đã quen nhịn như vậy rồi. Tính tôi rất lười ăn, không thấy đói trong những lúc đi xa. Vào phòng thi, tôi lầm lũi làm bài cho đến hết giờ, thấy đề khó, làm câu được câu không, rất khó đoán điểm. Nhiều đứa bỏ ra trước. Tôi cố “nhằn” cho hết các câu mới thôi. Lúc ra tới cổng trường, tôi đã thấy ngay anh Hai đứng chờ tự lúc nào! Câu đầu tiên anh hỏi:
– Sao em, làm bài được không?
Tôi dè dặt đáp:
– Vốn liếng bao nhiêu, em dốc ra cả, thấy cũng không đến nỗi bí lắm.
Anh thở phào:
– Vậy thì ổn rồi. Anh em mình tìm chỗ ngồi nghỉ để chiều em thi cho thoải mái.
Trường cấp ba này vốn cũng là trường quê mới dựng được vài năm, xung quanh hàng quán thưa thớt, hôm nay lại gặp học sinh chen chúc không đủ chỗ ngồi, phải đứng cả ra ngoài đường, vừa nhai bánh mì vừa bàn tán sôi nổi bài làm khi sáng. Có đứa vui vẻ ra mặt, có đứa rầu rĩ chẳng muốn tham gia. Hai anh em tôi không chen vào đấy. Anh Hai bảo tôi dắt xe đạp đi vòng ra sau cánh đồng, dọc theo con mương lớn có nhiều cây dương. Tới một nơi khá vắng vẻ, hai anh em ngồi xuống vệ cỏ bên gốc dương. Anh Hai lấy từ trong bọc giấy ra hai cuốn bánh tráng, vừa cười vừa nói:
– Mẹ biết em không ưa ăn quán, sợ nhịn đói làm bài không tốt, nên đã làm sẵn hai cuốn bánh bảo anh mang đi “tiếp tế” cho em.
Nhìn cuốn bánh to bằng bắp tay, tôi không hề có cảm giác đói chút nào. Lúc này tôi đâu còn muốn ăn, nhưng vẫn phải ăn với anh Hai cho vui lòng mẹ. Gió đồng mơn man thổi. Tôi cảm thấy thật thơ thới trước môn thi còn lại, chắc sẽ không phụ lòng mẹ và anh.
***
Những ngày chờ đợi kết quả thi cứ như kéo dài ra. Chúng tôi thỉnh thoảng lại rủ nhau đi xem điểm, lần nào đi cũng chỉ thấy sân trường vắng tanh, chưa dán yết. Thời gian trông chờ càng lâu, tư tưởng tôi càng biến đổi liên tục. Lúc mới thi về, tôi vẫn an tâm về bài làm của mình, đầu óc rất thanh thản. Khi đã qua nửa tháng rồi mà chẳng có tin tức, tôi lại đâm lo, nghĩ hôm đó mình làm thiếu chỗ này nhầm chỗ nọ, rồi gạch xóa lung tung, nếu gặp giám khảo khó tính họ không thèm đọc thì rớt là cái chắc! Càng nghĩ tôi càng thấy mất tự tin. Sao mà mung lung quá! Từ chỗ lạc quan, tôi dần dần cảm thấy bi quan, không còn niềm tin vào chính khả năng của mình nữa.
Giữa lúc tôi đã bắt đầu chán nản thì thằng Tiêu đến. Đâu khoảng chín mười giờ đêm, tôi đang ngủ vùi bỗng nghe tiếng gõ cửa thật mạnh:
– Quyết ơi! Quyết ơi! Có kết quả rồi.
Tôi vùng ngay dậy. Nhưng mẹ tôi còn nhanh hơn, hình như mấy đêm nay bà không ngủ được, bà bước lại mở cửa. Thằng Tiêu ào vào. Giọng nó hào hển nói:
– Đậu rồi! Đậu rồi! Làng mình có sáu đứa thi kì này, ông cao điểm nhất bọn đó!
Bao nhiêu phấp phỏng chờ đợi, bây giờ như vỡ òa ra. Tôi mừng đến phát run, hỏi rối tít:
– Vậy hả? Có thiệt không? Mà sao lại đêm hôm mới biết như vầy?
Có lẽ vui quá nên thằng Tiêu không giấu giếm:
– Nói thiệt, tôi định nhờ người quen xuống thị xã “chạy” giùm. Ông ta bảo kết quả đã công bố từ chiều, còn “chạy” gì được nữa! Tôi liền rủ mấy đứa xách hon-đa chạy lên trường. Thấy điểm tôi không cao nhưng cũng vừa đủ đậu, mừng quá trời. Nhìn sang điểm ông, thấy điểm cao gấp hai, tôi phấn khởi quá, về ghé nhà con bồ chơi một lát rồi vào đây báo trước cho ông mừng. Tôi chưa về nhà mà!
Lúc này trông thằng Tiêu thật đáng mến. Xởi lởi, nhiệt tình và thật lòng! Phần mình đã ổn rồi, tôi lại nghĩ đến những đứa khác, hỏi nó:
– Trong nhóm bạn bè gần đây, đứa nào cũng đậu hết chớ?
Thằng Tiêu chép miệng:
– Rớt nhiều! Thằng Dự nè, thằng Chạm nè, thằng Đinh nè… còn nhiều lắm, ngay cả con Hồng Vân cũng rớt còn nói chi ai!
Tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác. Vậy là “tan đàn sẻ nghé” cả. Tội nghiệp thằng Dự em họ tôi, sao không cố lên một chút, chưa thi đã tính bỏ cuộc! Còn Hồng Vân, nghe đồn gia đình đã ưng thuận cho một đám đến hỏi, tính cưới “tảo hôn”, bây giờ với kết quả này thì rõ rồi! Những năm này, trường cấp ba còn khan hiếm quá, tỉ lệ đậu có khi một phải chọi mười. Thi vào lớp 10 sao mà cơ cực! Tôi mừng cho tôi nhưng vẫn thấy buồn cho những bạn bè khác, rớt rồi thì mỗi đứa một cảnh. Giá như có nhiều trường để việc thi bớt ngặt, bạn bè tôi cùng được vào học hết thì hay biết bao nhiêu.
HUỲNH VĂN QUỐC
_____________
(1) Bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh.