
Vanvn- Cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng sinh năm 1988, hiện là giáo viên Anh văn Trường TH & THCS xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Với một cây bút trẻ sáng tác bắt nguồn từ những ước mơ. Chính những ước mơ thôi thúc tác giả cầm bút thể hiện, và dần dần vun đắp thành hình tượng trong thế giới nghệ thuật. Nhìn vào các bạn trẻ tôi không bao giờ đánh giá bạn ấy viết cái gì. Điều cơ bản là viết như thế nào. Nhà văn không căn cứ vào sự kiện có thật hay không có thật. Tôi đã phát hiện ra Ngô Diệu Hằng có một cách nhìn riêng biệt. Tâm hồn của cô ấy luôn trong trẻo và tinh khiết thể hiện khát khao thánh thiện như trong những giấc mơ…
NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TĨNH giới thiệu
Giấc mơ tường vi
Ngôi nhà tôi mới thuê nằm hút trong một con hẻm, bao quanh bởi khu vườn cỏ dại mọc cao tận gối, có chỗ cỏ bò lên ngang với dãy hàng rào bằng gỗ, cứ như thể chúng muốn thoát ra ngoài những khung cửa tù sọc trắng bám đầy rêu phong ấy.
Bước chân vào khu vườn, toàn thân tôi bỗng nhiên ớn lạnh, những sợi lông trên tay dựng đứng cả lên. Tôi đẩy bước chân nhanh hơn, mắt cứ thế dán vào gáy của ông chủ nhà béo ú đang bước đi khệnh khạng phía trước. Bất chợt, giữa hai gốc dạ hương xanh xù xì hiện ra một cái cửa sổ màu tím kéo ánh nhìn tôi hướng về phía đó, một cây tường vi gầy xơ xác lá vẫn cố vươn lên tựa vào cánh cửa bị đóng chặt kia. Tôi hỏi đây là cây tường vi phải không. Ông chủ dừng lại, tỏ vẻ ngạc nhiên trong chốc lát rồi ông ta gật đầu: “Chắc thế”.
Trong ngôi nhà đó có một căn phòng bị khóa – căn phòng có cái cửa sổ màu tím đóng chặt kia. Tôi treo bức tranh Tím lên giữa phòng khách. Đó là bức tranh của mẹ, dấu vết duy nhất để tôi biết rằng mẹ đã từng là họa sĩ.
Bố nói, mẹ là một họa sĩ tự do, vẽ những bức tranh phóng khoáng và dào dạt với bao xúc cảm phiêu bồng. Chính điều đó đã chạm vào trái tim của chàng doanh nhân trẻ đang tràn trề nhựa sống. Ông quyết tâm dò theo những bức tranh để tìm ra người con gái có đôi mắt và trái tim biết hòa vũ kia. Và bố mẹ tôi đã yêu nhau như thế.
Mỗi lần nhìn sâu vào bức tranh tôi lại cảm thấy như mẹ đang vẽ chính mình. Nhưng sao đôi mắt mẹ u sầu và quạnh hiu đến thế. Người thiếu phụ nghiêng đầu bên giỏ hoa tường vi, chiếc khăn tím, hoa tím và dường như biển trời trong đôi mắt kia cũng tím biếc mơ màng. Càng nhìn tôi càng thấy nhớ mẹ da diết. Còn nàng, nàng nói: “Bức tranh của mẹ anh làm em thấy sợ. Càng nhìn càng thấy bức tranh như không có đáy, nó quá sâu và buồn. Đôi mắt thiếu phụ nhìn hoa mà không nhìn hoa, không nhìn chúng ta mà như đang nghiêng nhìn chúng ta…”. Điều đó nàng nói đúng. Rồi việc nàng bỏ tôi, gã trưởng phòng đang trên đà thăng tiến tình nguyện rời thành phố về một thị nhỏ có lẽ nàng cũng đúng.
Đầu hẻm có một Cà phê – Bar khá nhộn nhịp. Tôi khóa cửa, đổ mình vào màn đêm bước về phía đó. Tự thưởng cho mình một ly Dewar’s loại mạnh. Cứ thế, ngồi nhâm nhi và ngó nghiêng những gương mặt chưa quen trong tiếng nhạc trôi bồng bềnh. Trở về, quăng mình xuống giường, mặc cho nàng tiên xanh dẫn tôi đi qua những giấc mơ quen thuộc. Nàng mang tôi bay giữa vũ trụ bao la, đôi chút se lạnh và vài tia sáng vụt qua như những ngôi sao băng lấp lánh. Rồi tôi bước vào một điện thờ ngập tràn sắc tím, một không gian mênh mông rợn ngợp với mùi hương thoang thoảng ve vuốt bên vai. Đi mãi, đi mãi và từ trên cao đổ xuống một luồng ánh sáng xuyên qua lớp không gian màu tím ấy…
Màu tím loãng đi và chỉ còn nắng ban mai hắt thẳng vào mặt tôi thấy rát. Tôi ngồi dậy, dốc một hơi thật dài thổi vào không khí. Những giọt mồ hôi chảy xuống mắt nhồn nhột. Xuống khỏi giường, tôi đi vào phòng tắm, gội rửa cái bê tha đêm qua còn vương lại trên râu, tóc và trong từng hơi thở phả ra. Cái gã tóc mì tôm rũ rượi trong gương nhìn tôi bật cười.
Tôi nhớ có lần bố nói: “Hoa tường vi cánh mỏng, như người con gái mỏng manh, rất nghe lời nhưng cũng rất dễ cô đơn, tàn úa.” Hồi đó nhà tôi cũng có một cây tường vi, hoa màu tím. Mẹ tôi mang theo nó về nhà chồng rồi chăm sóc như người bạn tri kỉ. Có lần tôi nghe bà nội bảo bố “anh nên dạy vợ anh lại đi, đừng để cái gì cũng bắt tôi nhúng tay vào…”. Dù nội nói gì, bố vẫn để mẹ quấn quýt bên cây tường vi. Đêm nào cũng thế, trước khi ngủ, mẹ lại ra ngồi trước thềm, từng chùm từng chùm tim tím đung đưa như kể với mẹ bao điều. Mẹ ngồi yên lặng nghe tiếng thì thầm của cây lá, rồi bà vuốt ve cánh tường vi khe khẽ. Có lần tôi đang nấp nhìn mẹ thì nội kéo mạnh tay tôi vào phòng. Tôi mãi không thể quên câu nói của nội ngày hôm đó: “Vào chơi với nội, mẹ mày bị điên…”. Ban đầu nó làm tôi sợ, nhưng sau này tôi càng thấy thương mẹ nhiều hơn. Suốt một thời gian dài sau khi mẹ qua đời tôi đã bị mắc chứng trầm cảm. Cây tường vi cũng lặng lẽ héo tàn. Không biết nó buồn mà đi theo mẹ tôi, hay tại thiếu bàn tay chăm sóc.
Nội rất độc đoán. Không hiểu vì lý do gì, nội cấm không cho mẹ tôi vẽ. Nội ném hết đồ nghề của mẹ. Bố nhặt, nội lại đem đốt. Mẹ mồ côi, bước ra từ cô nhi viện. Thứ mẹ mang theo về là hộp đồ vẽ và cây hoa tường vi. Mẹ nói mẹ yêu và biết ơn bố vô kể. Có lẽ vì thế mà mẹ không muốn bố khó xử, buồn lòng. Mãi sau này tôi mới hiểu được sự chịu đựng của mẹ thật không dễ. Đôi tay người họa sĩ sẽ ngứa ngáy như thế nào khi mà những tác phẩm cứ xếp hàng trong suy nghĩ, khi khối óc cứ muốn bung ra với hàng ngàn chuỗi sắc màu đang cùng nhau nhảy múa trong đó.
Hoàn thành chương trình du học trở về, tôi ngã quỵ trước bàn thờ mẹ. Khuôn mặt mẹ gầy guộc, trắng bạch, những hố mắt sâu thẳm nhìn tôi sao chan chứa. Tôi gào khóc và lật tung tất cả, chỉ cần cái cảm giác được chạm vào bàn tay hay gò má mẹ một lần nữa thôi. Thứ duy nhất mẹ để lại cho tôi là bức tranh với hai chữ nguệch ngoạc “Con yêu”. Một loại phong đã ăn hết các móng tay của bà. Tôi nhìn bố, thầm trách bố đã làm gì mà không chăm sóc mẹ chu đáo. Tôi cũng oán hận nội vì đã làm cho nỗi nhớ mẹ mãi mãi băng chặt trái tim tôi.
Bố đi bước nữa, tôi cũng không ý kiến gì. Nội đã quá già. Phải có ai đó chăm sóc cho nội. Nội đã từng xua đuổi một người con dâu tốt là mẹ. Hy vọng vì tuổi già, nội sẽ biết bằng lòng. Còn tôi, mặc cho người ta bon chen hay thậm chí chửi rằng mình ngu, tôi xin sếp được về quản lý chi nhánh ở huyện và cơ duyên đưa tôi đến sống ở căn nhà này.
Cây tường vi có bàn tay chăm sóc cũng bắt đầu vươn ra những lá cành. Sau vài tháng, những nhánh xương xẩu nhú lên đôi ba chùm nụ bé xíu đu đưa. Một buổi sáng hây hây gió, như bao lần thức dậy, tôi chờ đón một sự đổi khác nào đó sẽ đến. Đập vào mắt là những chùm bông tim tím nhỏ xinh thổi vào lòng tôi một luồng xúc cảm thương mến. Thứ màu mây phiêu lãng kia khiến tôi vừa vui, vừa bồi hồi nhớ mẹ. Một suy nghĩ ngốc nghếch đột nhiên xuyên qua mớ tóc xoăn lọt vào đầu tôi, lẽ nào mẹ dẫn lối cho con đến đây và cây tường vi của mẹ đầu thai thành cái tác phẩm trước mặt con lúc này.
Lại một đêm thật khó ngủ. Gần sáng, tiếng máy của mấy bác xe thồ trong hẻm khiến tôi choàng tỉnh. Trời vẫn mờ mờ sương, các tán cây vẫn còn chen chúc nhau ngủ dưới ánh đèn đường chói lóa. Lạnh. Tôi nhận ra mình đang ngồi bên cửa sổ ngủ từ lúc nào. Không lẽ tôi bị mộng du chăng? Hai mày nhíu lại, một cơn đau đầu lóe qua. Tôi không cố nhớ nữa, đi vào phòng nằm tiếp đợi cho trời sáng.
Nhiều đêm liền tôi thấy như có cái gì đó chen vào giấc ngủ của mình. Không giống như mọi lần uống say nàng tiên xanh lại ru tôi trong thế giới màu tím của mẹ. Một giấc mơ lạ xuất hiện, cô gái có mái tóc nhung dài đứng nghiêng vẫy tôi. Từ xa xa mờ ảo cô gái vẫn toát lên dáng vẻ thanh thoát, dịu dàng và có chút gì đó thân thương. Tôi cứ đi theo cánh tay cô vẫy, qua một cánh đồng cỏ dại đầy gió. Giữa một khoảng cỏ mọc um tùm hiện ra mô đất bé xíu. Một ngôi mộ nhỏ xinh lạnh lẽo. Trong khoảnh khắc, bước chân tôi chững lại, dưới lồng đất kia có vẻ như là một hình hài bé xíu, đáng thương chăng. Đang bâng khuâng không hiểu chuyện gì thì cô gái lại xuất hiện, vẫy tôi đi theo. Đi mãi, đi mãi và nơi dừng chân là cánh cửa sổ màu tím. Cô chỉ xuống chỗ gốc cây tường vi rồi biến mất, cũng là lúc cái bụng tôi kêu ùng ục vì thứ nước cay đêm qua. Tỉnh giấc, từng chi tiết trong giấc mơ còn rõ mồn một và nó làm tôi rùng mình.
Mấy đêm liền, nhân lúc đang gấp rút triển khai dự án, tôi lấy cớ ở lại luôn văn phòng. Rồi không hiểu sao một buổi chiều tôi thấy nhớ cây hoa tường vi, bồn chồn lo lắng nó đã nở nhiều bông hay chưa, gió thổi mạnh thế liệu hoa có bị rụng cánh. Trở về, tôi chạy ngay đến tưới nước cho cây. Những chùm hoa màu mây phiêu lãng đung đưa như reo mừng. Bỗng nhiên tôi nhớ đến giấc mơ hôm ấy, một chút tò mò rúc rích trong mớ óc nghịch ngợm của tôi. Cùng một cái dao nhỏ, tôi bới từng miếng đất quanh gốc tường vi, khéo léo không để chạm sâu vào rễ. Dẫu tò mò nhưng tôi vẫn thầm mong giấc mơ kia là thứ vớ vẩn. Bỗng nhiên mũi dao đâm phải một vật cứng. Tôi cố dùng tay đào lên, thì ra là một chiếc hộp sơn còn tốt. Tôi giật mạnh cái móc khóa, bên trong có cuốn sổ nhỏ và chiếc chìa khóa bọc bởi một miếng vải màu xanh.
Tôi ngồi giữa phòng khách, lật mở từng trang Nhật ký Tường vi, thiếu phụ trong bức tranh Tím vẫn đang nghiêng nghiêng nhìn tôi như thế. Có lẽ chủ nhân của cuốn nhật ký chính là người con gái trong giấc mơ kia chăng, người đã mất cách đây bốn năm trong chính căn nhà này.
Ngôi mộ bé xinh trong giấc mơ hẳn là đứa con năm tháng tuổi của cô và người chồng bội bạc. Họ đã từng là một đôi rất đẹp, thứ tình yêu mà cô thường bảo “anh thương cả đôi bàn tay gầy guộc của em và em yêu cái mùi thơm thuốc lá môi anh còn vương lại trên đó…” Để rồi một ngày trang nhật ký của cô nhạt nhòa nước mắt và dư âm đâu đó từng hơi thở mệt nhoài, khắc khổ.
Lấy nhau gần hai năm mà vợ chồng cô vẫn chưa có con, gia đình chồng càng tỏ ra ghẻ lạnh với nàng dâu trẻ. Vốn dĩ họ đã không ưa gì Tường vi, cái vẻ mỏng manh yếu ớt và “vô dụng”. Hai vợ chồng cô ra ở riêng, chính tại căn nhà này. Tường vi ở nhà nội trợ và đọc sách, nhẹ nhàng và bình tĩnh, nhưng sự thực, tâm trí cô luôn rối bời, lo lắng. Có lần cô nghe thấy mẹ chồng bảo chồng cô hãy kiếm vợ khác và sinh cháu đích tôn cho bà. Tường vi sầu khổ nhưng không nói ra. Rồi một ngày cô động viên chồng làm theo như lời mẹ nói. Anh lắc đầu rồi bảo cô cứ yên lòng. Những giấc ngủ đã không còn ấm áp từ bao giờ cô không thể nhớ, cho đến một ngày có một người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện. Cô ta tự tin đến trước mặt Tường vi và giới thiệu “tôi sẽ là vợ mới của chồng cô và trong bụng tôi là con của anh ấy…”. Những hình ảnh ân ái cháy bỏng của chồng và người phụ nữ ấy cùng cái thứ giọng điệu nhọn sắc, mỉa mai của ả như ngàn mũi kim găm vào tim cô rướm máu, sự hụt hững như tầng mây xám che ngợp bầu trời, và niềm tin vụn vỡ, nát tan.
Chồng cô gật đầu. Anh ta nói sẽ ra đi và để lại cho cô tất cả. Với Tường vi, nó là tất cả, nhưng là tất cả những vụn vỡ của tình yêu. Éo le thay khi ngay sau đó cô biết mình có thai đã hơn ba tháng. Cái thai quá nhỏ và yếu đến nỗi chính cô cũng không hề cảm nhận được gì. Tường vi vỡ òa trong hạnh phúc tột cùng. Cô quyết định quên đi tất cả để chờ đón sự sống đang ương mầm lớn lên. Từng ngày, từng ngày cô mong ngóng giây phút đứa trẻ chào đời. Nhưng tường vi cánh mỏng. Căn bệnh đau tim mỗi lúc một nặng hơn. Việc cô cố giữ cái thai khiến bác sĩ lo lắng, khuyên can. Rồi đứa con cũng rời xa cô khi chưa kịp ra đời. Nỗi đau đó thêm lần nữa làm cõi lòng cô tan nát. Ngày qua ngày, Tường vi xem mình là hoa, chỉ trò chuyện cùng cây tường vi bên cánh cửa sổ tím và viết vào nhật ký những tâm sự thì thào.
Tôi mở căn phòng bị khóa ấy ra bằng cây chìa khóa trong chiếc hộp. Căn phòng toàn những sách. Mạng nhện và bụi bặm đã giăng kín những giá sách bằng gỗ, vài con bọ cạp chạy nhanh giấu mình vào góc phòng. Một tập giấy được bọc kỹ trong chiếc hộp đã rỉ rét phủ đầy những mẩu phân gián trắng đen. Phải mất mấy tiếng đồng hồ quét dọn tôi mới có thể đưa chúng ra đọc. Tường vi viết những tâm sự vào những bức thư mà người nhận là “Con yêu”. Hai từ ấy trong khoảnh khắc chạm vào lòng tôi thấy nghẹn lại.
Một người ở quán bar thấy tôi hay ngồi đó nên lân la đến chuyện trò. Thì ra gã ở cách tôi mấy nhà. Sau một hồi gạ chuyện, gã khen tôi gan lì khi sống được lâu ở căn nhà đó. Trước đây có vài người đến thuê rồi nhanh chóng dọn đi vì họ cho rằng ngôi nhà có ma. Tôi cười, nghĩ bụng “họ đúng đấy chứ”. Gã kể, cô gái bị chồng bỏ và sống trầm cảm, sau đó chết vì cơn đau tim. Người ta chôn cô ấy ở nghĩa trang thị trấn.
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi gói một bó hoa tường vi và tìm đến đặt lên mộ của cô. Tôi cũng đốt cuốn nhật ký gửi xuống cho cô. Có lẽ điều cuối cùng Tường vi muốn tôi làm là gửi những bức thư cô viết cho đứa con đã khuất. Tôi trở về nhà, cố gắng nhớ lại giấc mơ đêm hôm ấy, về khung cảnh mà Tường vi đã dẫn tôi đi qua. Tôi mon men theo dãy tường rào bằng gỗ trắng, cố gắng rẽ ra những đám cỏ dại mọc cao. Hì hục mãi tôi cũng tìm ra được vòm đất bé xíu nhô lên i hệt trong giấc mơ tôi thấy. Thắp một nén nhang lên đó và tôi giúp Tường vi gửi đến đứa trẻ đáng thương những bức thư.
Không biết ở trên thiên đường mẹ con họ có được ở bên nhau không. Liệu Tường vi và mẹ, hai người phụ nữ trong giấc mơ của tôi có gặp nhau ở nơi ấy. Họ sẽ kể về những người con của mình. Mẹ sẽ nhắc đến tôi với Tường vi và cô ấy cũng sẽ kể cho mẹ tôi nghe về những lá thư cô ấy viết, về cách cô ấy đi vào giấc mơ của tôi và cách tôi đã giúp cô ấy như thế nào.

Phút giao thừa lặng lẽ
Vào khoảng thời gian này, cách đây chừng mười năm, tôi đang cùng bố đặt những chiếc bánh chưng còn nóng ấm lên bàn thờ. Bố dặn bàn thờ tổ tiên không phải là nơi thích gì bày nấy, sau này có nhiều tiền cũng thế, chỉ cần mâm ngũ quả, bánh chưng, cau trầu, chén rượu, hoa cúc và nhang đèn thường xuyên là đủ. Nếu có thêm chén chè ướp hương hoa sen thơm ngon nữa thì các cụ càng quý.
***
Bố mẹ tôi hiếm muộn. Lúc tôi bắt đầu nhận thức được rằng bố mẹ mình già hơn nhiều so với bố mẹ những đứa bạn cùng trang lứa thì cũng là lúc mẹ tôi bị phát hiện mắc bệnh ung thư. Ngày đó ung thư đâu có nhiều như bây giờ, ngày ngày chứng kiến mẹ gầy đi nhưng tôi đâu dám tin mẹ đang cận kề cái chết. Bố tôi là thầy giáo làng, có thể nói việc trường, việc nhà không ai chê thầy Đảm chỗ nào được. Buổi đi dạy, buổi ra đồng, vườn luôn có rau xanh, nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng, mảnh vườn con không một ngọn cỏ nào có cơ may ngốc đầu dậy.
Những ngày cuối đời, mẹ tiều tụy như không thể tiều tụy hơn được nữa. Khi một người sắp sửa ra đi, dường như họ nhận thức rõ hơn ai hết giới hạn sống của mình là khi nào. Buổi trưa hôm ấy, mẹ bảo tôi vịn bà ra chiếc chõng tre dưới gốc bưởi. Mẹ nói:
– Từ nay, không ai nấu nước hoa bưởi cho con gái mẹ gội đầu nữa rồi. Con có giận mẹ không?
Tôi vấu chặt vào hông mẹ, những đốt xương tựa như muốn bật ra khỏi lớp vải áo, mẹ gầy xác xơ. Tôi lắc đầu mếu máo nhưng không dám khóc, tôi đủ lớn khôn để hiểu rằng mình phải chấp nhận sự thật và không được khiến mẹ phải bận lòng. Mẹ vuốt tóc tôi rồi nói tiếp, mới hai câu mà giọng mẹ nghe chừng đã mệt:
– Con nhớ để ý bố nhé. Đừng mải chơi. Đến tết là bố thường ho, khó thở. Con nhớ làm nước muối loãng cho bố con xúc miệng mỗi tối. Buổi sáng ông ấy thích uống một chén chè ngon trước khi ăn cơm. À… còn nữa, chớ có cắm hoa hồng trong nhà. Bố con không thích đâu.
Hôm đó mẹ tôi đi giữa đêm. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, rồi bố con tôi cứ ngồi lặng im bên mẹ như thế đến sáng, cứ như thể mẹ tôi chỉ đang ngủ thôi. Rồi mẹ ngủ quên mất không bao giờ tỉnh lại, tôi thấy những hạt bụi li ti óng ánh bay lên theo tia nắng ban mai bay ra ngoài cửa sổ. Vài hôm sau tôi thấy bố cũng ngủ quên không dậy từ sớm như mọi ngày. Người ta nói, ông giáo Đảm quả chung tình, khi vợ còn sống thì hết lòng chăm lo, giờ chị nhà ra đi ông ấy cũng buồn mà ngả bệnh.
Nghỉ hưu, bố ở nhà cày ruộng và chăm những luống hoa cúc. Tối đến, ông dạy học cho lũ trẻ nghèo trong làng. Người ta trả tiền, ông đã không nhận lại còn mắng cho. Người làng vốn thiệt bụng, nhiều bữa dậy sớm cầm chổi đi quét ngõ tôi thấy ai đó treo khi thì xâu cá rô khi thì nải chuối trước cổng nhà, hiểu ngay là họ muốn biếu bố tôi. Lũ học trò rất thích nghe thầy kể chuyện ma, nghe xong đứa nào đứa nấy ôm lấy nhau sợ muốn vãi ra quần không dám về. Thế là, cái lớp gần hai mươi học sinh đủ lứa tuổi ấy đêm nào đêm ấy đều đặn hoạt động. Lũ trẻ sợ cái uy nhưng yêu mến cái tài, cái đức của thầy. Nhờ thế, những năm tháng đi học xa tôi cũng an tâm phần nào vì bố sẽ không phải buồn khi có lũ học trò luôn quấn quýt. Thú vui và cũng là bạn tri kỷ của bố tôi là những khóm hoa cúc trước nhà. Ông nói hoa cúc rất được trọng đối với người phương đông ta, từ xưa hoa cúc đã được các cụ coi như là biểu tượng của lòng thủy chung, son sắt, bàn thờ tổ tiên của người Việt không thể nào thiếu được hoa cúc vào ngày tết.
Không hiểu có phải vì ảnh hưởng của bố không mà tôi lại yêu anh ấy cũng vì một cơ duyên với loại hoa đáng quý này. Năm ấy trời rét thật, bố tôi bảo tết này có lẽ cúc nhà mình nở muộn và cũng không được đẹp. Mai đào không có cũng không sao nhưng với ông, hoa cúc không thể thiếu. Mấy ngày giáp tết tôi nấn ná ở lại thành phố để đưa mấy cái khăn len đan được lúc rảnh rỗi đi bán kiếm chút tiền. Trước khi ra bến xe về nhà, tôi tạt qua chợ hoa chọn cúc cho bố. Đúng là chợ hoa ngày tết, nhìn gì cũng muốn mua, thứ nào cũng đẹp. Nhìn những bông hồng thắm đỏ đầy gai, tôi liền nhớ đến lời mẹ dặn. Có lần tôi hỏi bố mới biết, cha ông ta thường quan niệm rằng hoa hồng như người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, đẹp nhưng mau úa tàn, cánh hoa rơi lả tả thê lương; mẹ tôi thích hoa cúc vì nó chính là tấm lòng mẹ dành cho bố, thủy chung cho đến cuối đời như những đóa cúc vậy: Những cánh hoa khi rụng xuống vẫn bện chặt với nhau. Tôi suýt không cầm được nước mắt khi nghĩ đến mẹ. Bỗng nhiên từ luống hoa bên kia một người thanh niên đang nhìn tôi chăm chú, anh mặc áo bộ đội. Tôi cố lảng tránh khỏi ánh mắt người con trai ấy, có lẽ tại người ta thấy tôi rơi nước mắt giữa rừng hoa đẹp như vậy nên lấy làm lạ. Rời khỏi những bông hồng, băng qua những chậu mai, đào đắt đỏ, tôi đến khoảnh sân người ta bày hoa cúc. Thấy bông nào cũng đẹp tôi đâm ra lúng túng. Có một giọng nói ghé vào bên tôi, anh ta cúi xuống rút lên một bông cúc màu vàng tươi. Tôi nhận ra người con trai mặc áo bộ đội lúc nãy nhìn mình, chưa kịp đỏ mặt vì xấu hổ thì đã bị anh cuốn vào một dòng miên man về loài hoa kỳ diệu:
– Cô bé nhìn này. Chọn hoa cúc phải cận thận em ạ, nhất là chọn hoa đặt bàn thờ. Bông chỉ vừa nở thôi nhé, cánh phải thật tươi, úp vào đều nhau và thân hoa phải thật thẳng như thế này này – Vừa nói anh vừa rút lên vài bông đưa cho tôi – Em đi theo anh, bên này còn nhiều bông đẹp lắm…
Chọn hoa xong, anh bảo tôi cầm lấy hoa để anh kiểm tra lại xem có bông nào bị gãy mà người ta làm dối lấy tăm tre đính lại không. Tiền bạc thì không nói nhưng cắm chưa lâu mà hoa héo thì vừa mất cảm xúc vừa có tội với ông bà. Tôi nhìn quanh, ở vườn cúc chỉ có tôi và anh là người trẻ, còn lại là các cụ già – những người có kinh nghiệm chọn hoa cúc cho ngày tết. Chúng tôi nói chuyện một lúc, không ngờ anh và tôi lại là đồng hương. Anh chở tôi bằng xe đạp ra bến xe. Chiếc xe đò ngày tết thường chật chội, tôi phải ngồi dính sát vào người anh, cảm giác máu đang dồn hết lên má. Suốt chuyến đi chỉ toàn là anh bắt chuyện, còn tôi cứ ú ớ dạ thưa. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn trộm anh, đôi mắt anh đẹp thật, nhưng làn da có vẻ hơi sạm chắc tại nắng thao trường. Dường như không cần nói nhiều, những bông cúc đã nói hộ lòng chúng tôi, kéo chúng tôi gần lại với nhau. Năm đó anh không được đón tết ở nhà, chiều ba mươi đã phải có mặt ở đơn vị. Đơn vị của anh đóng ở Huế, thì ra những năm qua chúng tôi ở rất gần nhau nhưng lại chẳng hề biết nhau. Anh tên Tuấn, hơn tôi hai tuổi.
Tết năm sau, chúng tôi lại cùng nhau đi chợ hoa. Anh đích thân chọn những bông cúc tặng bố tôi, ông thích lắm. Tôi thì tặng bố mẹ anh một hộp chè hoa sen mua bằng tiền lương của mình và hai cặp bánh chưng do bố gói. Nhiều người trong làng thường nhờ bố tôi gói bánh chưng vì ông gói rất vuông, lạt đều, bánh đẹp, nếp dẻo và nhân thì mịn. Ngày mẹ tôi còn sống, tôi rất thích cảnh cả nhà ngồi quây quần nấu bánh chưng và đón giao thừa. Tặng những chiếc bánh chưng do bố gói tôi không lo bố mẹ anh chê nhưng sao chân tay vẫn cứ run rẩy khi sắp sửa bước vào nhà. Căn nhà khá rộng, có bố, mẹ và em gái anh. Bố anh là chủ tịch xã ở huyện bên, từ làng anh đến làng của tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ đạp xe. Nhà anh có xe máy nhưng anh vẫn đi đón tôi bằng xe đạp. Có lẽ cái tính nết cần cù, giản dị của anh được thừa hưởng từ mẹ. Bà có khuôn mặt phúc hậu, nhìn bà tôi nghĩ đến người mẹ đã khuất. Việc gói bánh, sắm tết, bày bàn thờ đều do một tay mẹ anh làm. Còn bố anh có vẻ độc đoán và theo chủ nghĩa thực dụng. Ngắm nghía hai cặp bánh chưng của tôi đưa đến, ông gật gật đầu trong khi tay vẫn mân mê mấy sợi râu dưới cằm:
– Bác nhà bên khéo tay quá. Năm nay không gói bánh nữa. Để tôi sai mấy thằng đi mua mấy chai rượu ngoại đặt lên bàn thờ cho nó oai. Bánh trái ít ít thôi, nhà chả có trẻ con bày làm gì cho nó rối rắm.
Anh là người khá tinh tế, anh đã sớm dặn tôi từ trên đường đi là đừng có bỡ ngỡ vì bố anh và bố tôi rất đối lập nhau. Em gái anh cũng chào một câu rồi đi vào phòng. Chỉ có mẹ anh là người cho tôi cảm giác thân thương và gần gũi. Bà chỉ cho tôi nhiều cái hay như cách pha chè sao cho ngon, cách làm bánh lá gai và cách chọn hương vừa thơm vừa bền thắp cho ông bà ngày tết. Những lần được gặp bà, tôi có cảm giác như trái tim đang được sưởi ấm trở lại tình yêu của mẹ. Tôi thầm mong được làm con dâu của bà.
Năm ấy, sau khi cúng giao thừa cùng gia đình, anh phóng thật nhanh đến nhà tôi. Chúng tôi ngồi uống chè trò chuyện cùng bố, đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Bố lui vào nghỉ sớm, còn lại hai chúng tôi ngồi trước ấm chè đã nguội. Tôi lấy cớ xuống bếp pha lại ấm chè khác. Tuấn cũng đi theo tôi, anh kéo tôi lại ở cửa bếp và ôm chầm lấy. Tay tôi lúc ấy vẫn giữ chặt cái ấm chè rất quý của bố, bé nhỏ thổn thức trong vòng tay anh ấm áp giữa đất trời lồng lộng tiết xuân sang.
Những ngày đến trường cùng lũ trẻ thơ và những lá thư anh gửi về đều đặn mỗi tháng là niềm an ủi duy nhất của tôi những năm tháng yêu anh. Có những lúc nỗi cô đơn lên đến tột độ và tôi đã ôm lấy miệng bật khóc, cả đêm nằm rấm rứt không sao ngủ được. Những lần như thế thường khiến đôi mắt tôi sưng húp vào sớm hôm sau. Bố không nói gì cả, ông đưa tôi một nắm bã trà gói trong miếng vải sạch bảo tôi chườm lên mắt cho hết quầng thâm. Tôi buồn một thì chắc bố cũng buồn gấp bội, thương con nhưng ông không biết nên làm sao cho phải. Bao nhiêu đám đến muốn dò hỏi tôi cho con trai, em trai họ, nhiều đám cũng vừa ý ông lắm nhưng ông đều cáo lỗi với họ và bảo: Chuyện dựng vợ, gả chồng phải là ý muốn của con cái, tôi không thể tự ý quyết được…
Bốn cái tết đi qua trong quãng thời gian tình yêu nhưng duy nhất một cái giao thừa chúng tôi được ở bên nhau. Cái tết thứ tư, đáng nhẽ anh được về nhưng vì gia quyến một đồng chí gặp chuyện buồn bất ngờ nên cấp trên cắt cử anh ở lại. Năm đó bố tôi phát bệnh hen suyễn trở lại, tôi cũng phải ở nhà không đi thăm anh được. Hai tháng sau anh có về được mấy ngày rồi lại đi. Mùa hè năm ấy anh bảo phải hành quân đi diễn tập dài ngày không về và cũng phải cắt liên lạc với người thân, gia đình. Tuấn cũng dặn, nếu nhỡ bố có chuyện gì không may thì em nhớ bảo bố mẹ anh một tiếng để họ nhờ người quen gần chỗ anh đóng quân chuyển lời cho anh. Không hiểu sao lần tiễn biệt hôm đó tôi cứ có cảm giác xa cách không biết đến bao giờ gặp lại…
Bố yếu quá, tôi vừa phải sắp xếp công việc vừa trông nom ông nằm viện. Cũng may có anh Cương giúp đỡ. Anh Cương là con của dì Mai người làng tôi, bố anh là liệt sĩ. Gặp bố tôi, anh mừng và chu đáo lắm vì anh chính là một trong những học trò ngày xưa được thầy Đảm dìu dắt. Bố mắc trong mình nhiều bệnh quá nên người nhanh chóng xuống sức. Nằm viện mấy tháng, ông kiên quyết đòi về nhà cho bằng được. Cứ hễ ngăn cản ông lại bảo: “Cha ông ta đúc rút được điều này: kẻ xấu thường sống dai, người tốt thường đoản mệnh, chết là sự giải thoát khỏi bĩ cực nhân gian về đoàn tụ tổ tiên có gì đáng sợ mà phải chạy chữa cho phí tiền phí của”.
Anh Cương kê thuốc và dặn dò tôi tỉ mỉ những món ăn cần tẩm bổ, cũng như những thứ không nên ăn để tôi nấu cho bố. Nói chung là kiêng cự nhiều, mà bố tôi cũng lười ăn lắm, ăn gì cũng không thấy ngon. Ông chỉ thích có bạn bè hoặc học trò cũ đến thăm, lúc ấy vẻ mặt ông tươi tắn rạng rỡ. Anh Cương hay về khám cho bố và trò chuyện với ông. Có vẻ bố tôi rất quý anh, anh ấy thành đạt nhưng bao giờ cũng hiếu thảo với mẹ già và biết đến tình làng nghĩa xóm.
Thời gian Tuấn hành quân diễn tập, tôi lu bu chạy lui chạy tới lo cho bố nên không còn thời gian nhớ đến anh. Mà có lẽ nỗi nhớ trong hoàn ảnh ấy chỉ khiến con người ta yếu đuối hơn. Nhưng sao đã gần ba tháng trôi qua rồi mà không thấy tin tức gì từ anh, tôi lo quá. Buổi chiều hôm đó, tôi đến nhà anh nhưng không có ai. Lúc toan ra về thì có một cô gái chạy xe máy vào nhà anh. Cô ta lấy khóa mở cửa vào nhà. Tôi dựng xe rồi rón rén bước vào hỏi thăm. Cô gái nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi trả lời:
– Bố mẹ tôi vắng nhà hết cả. Mấy ngày nữa mới về. Cái út thì đợi lát nữa.
– Thế cô là…?
– Tôi là con dâu. À, đúng hơn là con dâu tương lai của bác chủ tịch xã.
Tôi gần như chết lặng, suýt nữa bị hổng chân ở bậc tam cấp, lúng túng đến nỗi không mặc được dép mà bước đi. Tôi chào ra về. Chiếc xe đạp mini uể oải lăn bánh. Cô gái đứng trong nhà còn nói với theo:
– Đúng là quê hết sức!
Một tuần, hai tuần, một tháng, rồi ba tháng trôi qua, không một tin tức, không một lời giải thích từ anh. Bố tôi ra viện đã lâu nhưng bố mẹ anh cũng không đến thăm lấy một lần. Tôi triền miên những đêm không ngủ, nghe tiếng ho từng cơn của bố và nghe hết thứ tạp âm của cảnh vật, muôn loài về đêm. Một buổi sáng, bố gọi tôi đến bên giường:
– Con đừng sống như vậy nữa. Bố làm sao nhắm mắt khi thấy con đêm nào cũng sụt sùi nước mắt như thế. Mấy năm nay bao nhiêu đám đến hỏi nhưng bố chiều ý con. Nay bố không còn sống được bao nhiêu nữa, nếu con thương người bố này thì làm theo ước nguyện của ta được không?
– Xin bố cứ nói. Bố chỉ có con, một đời bố đã vì con…
– Dì Mai có gặp bố. Bà ấy nói anh Cương thích con nhưng không dám nói. Không phải vì đến lúc bố gần đất xa trời người ta mới nói vậy mà là dì Mai thương con lâu rồi, thấy cậu Tuấn lui tới nên đành thôi. Bây giờ ý bố cũng giống dì Mai. Con lấy anh Cương là bố yên tâm mà thanh thản nhắm mắt.
Đêm hôm ấy tôi khóc sưng cả mắt, tôi nhìn những bông cúc trổ bói gầy gò bung nở. Đám cưới hôm trước, hôm sau bố tôi hấp hối. Sau khi căn dặn riêng với chồng tôi, bố muốn tôi ngồi với ông những giây phút cuối cùng:
– Bố tin sau này con sẽ không khổ khi làm dâu nhà đó. Nhưng sẽ có lúc con gặp lại Tuấn và sẽ giận bố. Con đừng hối hận những việc gì đã làm. Ngày xưa người mẹ con yêu không phải bố nhưng rồi sống chung cũng nảy sinh tình cảm, cả hai chúng ta đều yêu hoa cúc vì bà ấy chính là một đóa cúc bất tử trong lòng bố. Hãy là đóa cúc luôn tươi thắm bên chồng con con gái nhé.
Tết năm đó, sau khi làm cơm cúng giao thừa xong, tôi xin mẹ chồng về nhà mình. Mẹ chồng vốn hiền lành, tâm lý, bà dặn chúng tôi ở lại giữ hương đèn suốt đêm cho bố tôi kẻo ông ấy cô quạnh mà tủi thân. Anh Cương pha một ấm chè rất thơm dâng cho bố. Anh không biết gói bánh chưng nhưng anh hứa năm sau sẽ tập gói để trình bố xem thử. Từ ngày lấy nhau xong, bộn bề trong sự ra đi của bố, tôi ít khi chuyện trò riêng với anh. Thấy anh chăm chút, kính trọng bố mẹ tôi, lòng tôi cảm kích nhưng sao vẫn không buông nổi lời nào cho nên tình nên nghĩa. Tôi dường như chưa quen với việc mình đã có chồng. Tôi nói khéo: “Anh về với mẹ kẻo bà buồn, em muốn chợp mắt một chút, mai em sẽ về sớm làm cơm cúng cho ông bà hai bên”. Anh có vẻ bối rối một lúc rồi gật đầu. Ra đến cửa, bỗng nhiên anh quay lại ôm chầm lấy tôi một cái siết chặt rồi quay đi thật nhanh. Tôi quá bất ngờ nên không kịp nhận ra mình có rung động gì không, chỉ thấy nước mắt trào ra không ngăn nổi. Tôi thấy nhớ anh Tuấn đến cắt lòng, nỗi nhớ cứ trào lên rồi dập xuống xoáy chặt lấy trái tim tôi muốn vỡ vụn ra. Cũng vào đêm giao thừa năm ấy, Tuấn đã truyền vào tim tôi một hơi ấm kỳ lạ khiến nó run rẩy, thổn thức. Giờ anh đang ở đâu, vì sao lại phụ tình tôi như thế…
Dẫu Cương không phải là người tôi yêu, nhưng anh ấy không có điểm nào đáng chê trách để tôi phải phụ nghĩa tình mẹ con anh ấy cả. Những giao thừa sau tôi bận rộn với nghĩa vụ con dâu, làm những việc mà mẹ chồng tôi vẫn thường làm. Gia đình càng trở nên ấm áp từ khi có bé Như.
Năm nay cái Như đã học lớp ba. Đợi nó lớn hơn, tôi sẽ dạy nó những gì tôi biết: Về ý nghĩa văn hóa và cách chọn hoa cúc, về cách pha chè, cách bày những thức cúng trên bàn thờ ngày tết… để nó có đi đâu, làm gì cũng không được quên cái bản sắc của dân tộc, cái nếp nhà của cha ông.
Tôi cứ nghĩ cái Như còn bé nên hễ nó hỏi gì tôi lại bảo: “Lớn thêm tí nữa, mẹ bảo cho con hết”. Nhưng bỗng nhiên một lần, câu hỏi ngây ngô của nó làm tôi phải đứng lặng người một lúc lâu:
– Bố Cương có phải mối tình đầu của mẹ không?
Ngạc nhiên hơn là chiều hôm qua, sau khi đi chợ tết về, nó kéo tay tôi vào phòng rồi vặn hỏi:
– Có phải mẹ rất thích hoa cúc không? Có một bác nói nhỏ với con thế. Bác ấy còn chỉ con cách chọn hoa cúc để cắm vào bình đặt lên bàn thờ của ông ngoại nữa.
– Ai… Ai bảo con thế?
Bác ấy mặc áo quần màu xanh giống chú bộ đội trong bức hình mẹ cất trong cuốn sổ đặt dưới gầm tủ đó.
Chuyện về Tuấn tôi đã nghe mẹ anh kể lại. Năm đó trong đợt diễn tập cuối cùng, một chút thiếu kỹ thuật của đồng đội đã khiến anh bị bỏng một nửa khuôn mặt và xương hàm bị tổn thương. Mấy tháng điều trị trong bệnh viện anh xin bố mẹ giấu kín vì sợ tôi chịu không nổi khi vừa lo cho bố vừa biết tin anh như vậy. Còn người con gái tự xưng là con dâu ngày ấy là con gái chủ tịch huyện, bây giờ là vợ anh. Dù đấy không phải người mà Tuấn và mẹ anh chọn nhưng dù sao cô ấy cũng thật lòng yêu anh. Biết tin anh gặp tai nạn cô ấy vẫn không chê, còn xin bố tiền để chữa trị vết thương ở mặt cho anh. Chuyện mai mối cho đến cưới hỏi đều do hai ông bố tự dàn xếp với nhau. Nhưng có lẽ đó là sắp đặt của số phận.
***
Còn vài phút nữa thôi là khoảnh khắc giao thừa tới. Mẹ ơi con gái mẹ giờ cũng có nếp nhăn rồi, cái Như đợi giao thừa mệt quá đã ngủ như cún con. Mẹ tôi cười hiền quá. Bố thì lúc nào cũng điềm tĩnh. Họ nhìn tôi trìu mến sau làn khói hương nghi ngút bay lên. Hôm nay anh Cương trực ở bệnh viện. Một mình tôi đón giao thừa cùng bố mẹ. Những bông cúc bung nở tỏa hương thơm dìu dịu.

Cánh bướm của tình mẫu tử
Trong chuyến tàu đời người có bao nhiêu sự gặp lại? Gặp lại người thân, gặp lại một mảng ký ức nào đó bị thất lạc tưởng chừng đã chìm khuất vào dĩ vãng, gặp lại một giọng nói hay một cảnh tượng có thể đã từng xảy ra hay đã vật vờ trong giấc mơ nào đó bây giờ hiện hữu trước mắt. Cái đầu của Quy làm việc không tốt từ bao giờ cô không thể nhớ. Cô dị ứng với những dãy số, quên tên những con đường, những mốc thời gian quan trọng trong quá khứ và cả những cái tên dù khuôn mặt họ vẫn xao xác đâu đó dưới làn tóc nhung. Sự gặp lại giữa Quy và “người đàn ông có mái tóc xoăn” là ga tàu nào trong chuyến tàu cuộc đời cô mà nó vừa quen vừa lạ, như mơ như thực, càng muốn lướt qua lại phải gặp, như khúc ray được mặc định phải dừng ở đó, vô tâm trở thành hữu tâm, buộc phải nghĩ suy, buộc phải kiếm tìm kẻ đứng sau sắp đặt…
Cơ quan của Quy tổ chức tiệc cuối năm tại nhà hàng Cây Me. Kẹt xe, đến muộn. Khi bước vào thì thấy mọi người đã đông đủ và đang chúc tụng nhau, còn có vài vị khách xuất hiện từ trước đó. Cô lễ phép cúi chào, mơ hồ không biết liệu cô đã từng gặp họ hay chưa. Rồi bất ngờ ông hiệu trưởng kéo cô lại gần: “Xin giới thiệu, đây là cô Hải Quy, giáo viên Anh văn”. Tất cả cùng nhau đứng dậy nâng ly. Trong số những vị khách trước mặt cô, có một người đàn ông cao gầy với mái tóc xoăn được buộc gọn gàng ở đằng sau khẽ cất tiếng: “Mời cô Hà Quy!”. Đôi má đổi sắc đào, ánh mắt cũng chuyển màu hoài nghi, cô hắt sang người đàn ông có dáng dấp nghệ sĩ kia những suy nghĩ chất vấn: Ông là ai, sao lại biết cái tên “Hà Quy” hay ông quá chén gọi nhầm? Giữa mớ tạp âm của tiếng chúc tụng, tiếng cụng ly “keng keng”, tiếng “ợ”, tiếng chuông điện thoại của ai đó riết giục giã, chẳng ai để ý người đàn ông kia nói gì. Chỉ là một error sound[1] mà thôi, cô nghĩ vậy và đưa tay gắn cốc bia lên miệng đánh “ực” như nuốt trôi luôn cái nhìn kỳ quặc từ người đàn ông lạ.
Từ nhỏ Quy đã thích vẽ, lớn lên thì thích xem tranh và không ít lần chính các họa sĩ đã phải gật gù trước sức tưởng tượng có phần đáng nể của cô gái trẻ. Quy có một người bạn thân thiết trong giới hội họa, anh chàng ngày nào suýt tặng cô một “nhát dao tình si” nay đã là chủ nhân một gallery có tiếng nội thành. Cô luôn là khách mời không thể thiếu trong các cuộc triển lãm tranh tại Phong’s Gallery và lần này cũng vậy.
Quy dừng lại trước một bức tranh, một không gian ngập tràn ánh sáng, bộ não người y như thật đang ứa ra thứ gì đó sền sệt, bầy nhầy bên dưới lưỡi dao bén sắc đang lơ lửng chĩa mũi nhọn xuống. Trong lúc đôi mắt đang bị ghim chặt vào đó thì một giọng nói tràn vào tai cô:
– Cô thấy gì ở đó?
– Không gian ngợp quá! Tưởng chừng tràn ra phía sau khung vẽ. Sự thành công của ánh sáng làm nổi bật phần trung tâm. Bộ não be bé đang phọt óc ra kia có vẻ như là của một đứa trẻ, nhưng sao lồi lõm, chằng chịt nhiều đường rãnh quá – Quy trả lời như tự vấn – Bộ não của mình có cần xẻ ra như vậy không? Đại não cũng đang trục trặc về trí nhớ.
– Vậy ai là người đưa lưỡi dao kia vào bộ não của đứa trẻ?
– Có thể là một bác sĩ tâm lý. Giới trẻ ngày nay gặp nhiều vấn đề về tâm lý, có những đứa trẻ sống khép kín, có những đứa lại thích “điên” để hòa hợp với “xu thế”, lớn thêm chút nữa chúng trở nên “gây hại” cho người xung quanh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng chỉ là những trang giấy trắng, chính người lớn và môi trường sống đã vẽ lên đó, có thể là một nét vẽ đẹp, cũng có thể là những vết nhơ hủy hoại. Có những ông bố bà mẹ bắt con ngốn hết đống sách vở nặng đến oằn lưng mỗi ngày rồi tôi luyện chúng trong lò bát quái, để rồi phải cuống cuồng mang chúng đến gặp bác sĩ tâm lý để mổ xẻ. Có những người mang danh “bố mẹ” nhưng họ chỉ biết sinh mà không dưỡng, chúng bị bỏ lại bên hè phố, trong công viên… Những đứa trẻ đó sẽ bị xã hội mổ xẻ sau khi đã vấy bẩn bụi đời.
Quy dường như muốn nói thêm nhưng cô chợt nhận ra người đứng bên cạnh cô vẫn im lặng. Chỉ có tiếng bước chân và tiếng rầm rì từ những người đang kéo đến xem tranh. Cô tháo suy nghĩ ra khỏi bức tranh và quay sang chĩa ánh nhìn vào người có giọng nói nam trầm. Người đàn ông cao gầy, da trắng, mắt sâu với mái tóc xoăn cũng đang trượt ánh mắt từ bức tranh xuống và dừng lại trên sống mũi cao cao của cô. Cô nhìn thấy một làn sương mỏng đằng sau hai cánh cửa sổ in vết chân chim trước mặt. Bây giờ thì bộ não bướng bỉnh cũng chịu khó vận động và cô đã nhớ ra lần gặp ông ta tại nhà hàng Cây Me. Quy hơi ngạc nhiên nhưng cũng không mấy bận tâm vì đấy chỉ đơn giản là sự hội ngộ tình cờ của những con người cùng say mê nghệ thuật. Những năm du học đất Ấn, đến thăm Jehangir Art Gallery hay Crystal Gallery[2], cô còn say sưa thưởng tranh với hàng tá những họa sĩ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế cái đầu lười biếng của cô cũng không cần phải cố nhồi nhét bất cứ thông tin gì về ông ta.
Quy đã xem đó là sự tình cờ và quên luôn cái “error sound” hôm ấy nhẹ như hất một cốc bia vào bụng nếu như cô không chứng kiến sự xuất hiện của ông ta ngay trong nhà mình, ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Xuống khỏi taxi, cô rón rén đi vào nhà muốn dành cho bố mẹ sự bất ngờ. Những giò phong lan treo dọc lối đi cứ ùa ra hớn hở vờn ve đón chào cô chủ. Nhìn qua ô cửa vào phòng khách, cô chết lặng trước một cảnh tượng quá đỗi lạ lùng, đang trò chuyện với mẹ lại là “người đàn ông có mái tóc xoăn” mà cô từng gặp. Rồi bỗng nhiên mẹ cô khóc thút thít trước mặt người đàn ông lạ. Ông ta rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn ân cần đưa cho mẹ đang sụt sùi. Có chuyện gì mà mẹ xúc động thế? Người đàn ông kia là ai mà cứ hết lần này đến lần khác cố tình xuất hiện trong cuộc sống của cô? Mẹ và ông ta có quan hệ gì? Những suy nghĩ ấy cứ quấn lấy đầu cô, như cuộn chỉ rối, càng cố gỡ càng xoắn chặt vào nhau. Cuối cùng, ông ta tiến lại bên mẹ cô, vỗ nhẹ lên vai bà như để ủi an rồi nói thêm một câu gì đó trước khi chào ra về. Người đàn ông bước những bước đi trĩu nặng, chiếc bóng bị hoàng hôn xô nghiêng đổ dài trên nền gạch. Quy thấy lo sợ, cảm giác như có cái gì đó đang vỡ ra.
Bữa cơm tối hôm đó cũng giống như mọi lần, bố mẹ cô không bao giờ giấu nổi niềm hạnh phúc khi con gái về ăn cơm chung. Mẹ cứ ra sức gắp thức ăn rồi thủ thỉ giục con gái lấy chồng. Bố cô lại rầy: “Sao mình cứ khéo lo, để con từ từ phấn đấu hoàn thiện mình đã. Nó đi lấy chồng, ai chạm cốc với bố?”. Nói rồi hai bố con cụng ly cười giòn giã trước sự lườm nguýt đáng yêu của mẹ. Nhìn nụ cười khoan khoái mãn nguyện của bố, cô chợt nghĩ: “Liệu bố có biết người đàn ông tóc xoăn lúc chiều không?”. Rồi cô nhìn sang mẹ, bà vẫn đang tủm tỉm một nụ cười hiền hậu thường ngày. Nhiều lần Quy đã thắc mắc tại sao mình không có anh chị em, mẹ cô lại cười hiền khô: “Mẹ khó sinh nở. Gần bốn mươi tuổi mẹ mới có con. Con không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác, bố mẹ muốn vun vén bù đắp cho con. Mẹ không sinh được nữa”.
– Tại sao sau bức ảnh con hồi nhỏ có tên Hà Quy?
Bố cô trông chừng đã mệt, đôi mắt đỏ hoe chống đôi mí sụp lên hắt ra một cái nhìn giận dữ:
– Sao con cứ đay mãi những câu hỏi vô nghĩa ấy? Hà Quy hay Hải Quy thì có gì đáng bận tâm đâu. Nhà mình chỉ có một mình con và con chỉ có một ông bố, một bà mẹ duy nhất, những người luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, luôn bên con và đừng có hỏi thêm những câu vớ vẩn.
Trở về thành phố với bộn bề trong công việc nhưng hễ nghĩ đến người đàn ông lạ xuất hiện trong nhà cùng với mẹ và sự giận dữ kỳ lạ của bố, Quy lại bần thần suy nghĩ và lo lắng. Chủ nhật tới là sinh nhật tròn hai mươi sáu tuổi, cô quyết định sẽ về nhà với bố mẹ. Phải nhanh chóng hàn gắn nếu có nguy cơ rạn nứt hoặc nếu chưa hề rạn nứt thì phải kết dính hơn nữa cái gia đình yêu quý của mình.
Bố nói bữa tiệc sinh nhật sẽ có thêm một người khách. Quy thấy không thoải mái lắm nhưng cũng không sao, những người bạn lúc nghỉ hưu mới là những người bạn quý. Bố cô trước là giám đốc một công ty du lịch, quản lý ba khách sạn lớn, bạn bè không sao đếm xuể, đàn bà chạy theo cũng không kể hết. Nhưng ông luôn thủy chung với người vợ hiền vì một hẹn ước. Đó là cô y tá xinh đẹp, người đã hết lòng chăm sóc chàng trai gặp tai nạn suốt một tháng nằm viện và đóng cả viện phí khi anh ta chưa thể nhớ ra mình là ai. Hai năm sau, chàng trai ấy quay trở lại tìm thì cô y tá kia cũng chưa lấy chồng, tình yêu của họ như tự khúc không lời cứ dìu dặt trong sâu thẳm trái tim mỗi người, thầm yêu và thầm đợi. Mẹ cô khó sinh nở, qua bốn lần phải đưa tiễn những đứa con chưa kịp thành hình, đau thương nối tiếp dằn vặt, rồi niềm vui cũng đến với họ khi cô bé Hà Quy chào đời. Cứ mỗi dịp sinh nhật con, mẹ cô lại kể câu chuyện tình kỳ diệu của họ cho con gái nghe như thêm một lần khắc sâu vào tim nó rằng: Họ là một gia đình.
Mọi thứ đã được bày lên bàn. Thức ăn thức uống tự tay hai mẹ con làm đặt cạnh những bông hoa cẩm tú cầu mà Quy và mẹ rất thích. Khi cô bê đĩa thức ăn cuối cùng lên nhà thì vị khách đã ngồi ở đấy đang chuyện trò cùng bố mẹ. Cô vừa kịp nhận ra đó là “người đàn ông có mái tóc xoăn” thì bố cô cũng ngay lập tức đưa lời: “Chào chú đi con. Đây là chú Hà, bạn của bố mẹ vừa từ Pháp trở về”.
– Chào chú!
– Chúc mừng sinh nhật cháu! Rất vui được gặp lại cháu!
Người đàn ông tóc xoăn trao cho Quy một món quà được phủ bởi tấm vải màu lam buông rủ. Cô cúi đầu cảm ơn trong khi đầu óc dường như đang bị xáo trộn, chẳng còn rảnh rang để điều khiển đôi chân và đôi tay nên làm gì. “Chắc hẳn đó là một bức tranh đẹp. Chú ấy là một họa sĩ đấy. Con mở ra xem đi!”, mẹ cô thúc giục. “Họa sĩ ư? Chắc hẳn rất đẹp ư? Mẹ mê ông ta vì ông ta là họa sĩ ư?”, cô lằm bằm ghen tức thay cho bố, nhưng rồi cô cũng nén được nỗi bực dọc và gượng cười trước ánh mắt mong chờ của mọi người. Tấm vải được kéo ra, Quy thấy từ trong đáy mắt của bố và mẹ dâng lên những sợi sóng mênh mang. Cô thận trọng xoay bức tranh về phía mình, một bức sơn mài kỳ công với chú rùa mắc cạn. Ông ta đã tốn đến bao nhiêu thời gian và công sức để làm nên được bức tranh tỉ mỉ đến thế, chừng ấy thôi đủ để gia đình cô nên đón tiếp ông ta một cách lịch sự, đàng hoàng bằng một bữa tiệc ấm cúng. Quy mang bức tranh vào phòng và tạm khóa lại những băn khoăn mỗi lúc một khó hiểu về người đàn ông mà giờ cô đã biết tên: Họa sĩ Hà Trương.
Người mà cô nên gặp để dò hỏi thông tin về Hà Trương nên là Phong. Chắc chắn Phong sẽ biết ít nhiều về người họa sĩ tiền bối này. Và Phong cho cô biết, Hà Trương sinh ra ở Cần Thơ, bố là một thương gia sống ở Pháp, ông học hội họa ở Việt Nam, ra trường thì được bố bảo lãnh sang Pháp, sau mười năm tên tuổi của cựu sinh viên này bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo. Vợ ông cũng chính là người mẫu đặc biệt nhất của ông, người chỉ thề làm mẫu cho một họa sĩ duy nhất, đó là chồng mình. Bức tranh Hoa bướm (Pensée) – nàng trinh nữ bướm rủ đôi cánh trắng muốt mềm như nhung uốn lượn đôi chân trần trên đồng cỏ ướt như đang e ấp tình yêu vu vơ với chàng họa sĩ, đã từng khiến cho bao người xem phải ngây dại, đờ đẫn trước vẻ đẹp của “nàng bướm”. Họ có với nhau hai thằng nhóc tuyệt đẹp. Những tưởng mọi thứ đều đẹp như tranh, cho đến một ngày Hà Trương chợt nhận ra chính ông đang bị nhốt trong một bức tranh vô hình mà người vẽ lại là “nàng bướm”. Sau một thời gian dài vắng bóng, người họa sĩ một thời tiếng nổi này trở về nước với một tâm thế khác. Hà Trương dường như có một liên hệ nào đó rất sâu sắc tại thành phố này mà ông ấy đang ra sức tìm kiếm.
– Nổi tiếng một thời? – Quy nhìn Phong thắc mắc.
– Anh quen họa sĩ Hà Trương, lần ông ấy về thăm lại trường xưa và tặng anh vài lời ngợi khen. Sau đó anh có liên lạc với ông ấy qua email và học hỏi từ ông rất nhiều. Khi anh mở gallery này, mỗi lần về nước ông ấy lại ghé thăm. Vài năm trở lại đây ông ấy dường như không vẽ được gì, do một lần không may bị rơi từ ban công tầng hai xuống. Mỗi khi cầm cọ vẽ hơi lâu tay ông ấy lại bị run. Em biết rồi đấy, còn gì đáng buồn hơn đối với một họa sĩ là mở mắt ra mà không được vẽ. Lần về nước này là lần ông ấy ở lại lâu nhất, khác với mọi lần đi chưa nóng giày đã bị vợ con và công việc thúc giục trở về. Có lần anh gạn hỏi về tai nạn nhưng ánh mắt ông ấy thoáng buồn rồi lảng tránh.
Có lẽ cuộc trò chuyện cùng Phong đã ít nhiều mang lại cho Quy những thiện cảm ban đầu đối với người họa sĩ họ Trương. Cô ngồi bần thần rất lâu trước bức tranh sơn mài với chú rùa mắc cạn rồi cúi xuống nhìn lên vết chàm trên ngực mình, vết chàm màu đỏ thẫm có hình thù tựa một chiếc mai rùa gồ ghề những hòn máu dưới da. Mẹ cô bảo, vết chàm có từ lúc cô mới ra đời và hình ảnh chiếc mai rùa gợi đến chữ Quy trong cái tên của cô. “Tình cờ hay sắp đặt? Hãy trả lời đi chú rùa kia, rồi ta sẽ giúp ngươi quay trở lại mặt nước…”, Quy chất vấn con rùa trong bức tranh như chất vấn chính mình rồi đưa tay giật lon bia cái “khẹt”, ngả cổ uống ừng ực. Một làn gió lạnh thổi qua vuông cửa sổ khiến những sợi lông tơ trên tay cô dựng đứng. Quy bỗng thấy căn phòng chao đảo và mọi thứ trước mắt nhòe đi, có chút gì đó xáo động trong bộ não. Đó là một “ga tàu” cô từng đi qua chừng năm năm về trước. Một không gian mộng ảo có tiếng nhạc bồng bềnh, rồi khung cảnh một quán bar đông đúc nhạc đèn hiện ra. Quy đang vui vẻ cùng đám bạn, người nói, người cười, xô xô đẩy đẩy, rồi nâng ly. Rồi choáng váng nôn nao. Cô đẩy cơ thể nặng nhọc của mình băng qua dãy hành lang tìm chút ánh sáng màu trắng dễ chịu hơn. Cô đâm bổ vào toilet, khỏa nước lên mặt và cố gắng xổ tháo ra ngoài thứ nước chua lòm chát nghẹn. Đầu óc có vẻ dễ chịu hơn nhưng chiếc đầm ôm khít trễ ngực thì không thoải mái chút nào. Cô vội vã quay trở lại quầy bar để mau chóng kết thúc bữa tiệc. Đi được vài bước thì cô thấy toàn thân mình vung lên rồi văng xuống sàn nhà bởi một cú va bất thình lình. Một người đàn ông tóc xoăn chừng trên năm mươi tuổi, ăn mặc lịch sự, đang cuống cuồng đỡ cô dậy và luôn miệng xin lỗi cô. Ông ta ân cần đặt cô lên một chiếc ghế rồi xoa nắn gót chân của cô đến khi nó cảm thấy dễ chịu trở lại. Nếu ông ta đứng lên nhận lời cảm ơn của cô rồi đường ai nấy đi thì mọi sự đã coi như chẳng có gì. Nhưng thay vì như thế, ông ta ôm chầm lấy người cô, đưa tay sờ soạng lên ngực trong khi miệng lắp bắp: “Vết chàm, vết chàm…”. Một cái bạt tai vang lên cùng tiếng cười mỉa mai, chế nhạo của đám người qua lại. Căn phòng đột ngột dừng phắt mọi hoạt động, các hình ảnh mờ dần rồi ẩn chìm thật sâu xuống sau vỏ não. Quy giật mình nhìn vào chữ ký trên bức tranh rùa: Hà Trương là ai?
Cô bắt đầu gắn kết những ga tàu đã đi qua có sự hiện diện của người đàn ông này. Đầu tiên là cái bạt tai tại một quầy bar trước đó năm năm. Cuộc gặp thứ hai là bữa tiệc nhiều thành phần tại nhà hàng Cây Me và ông ta đã gọi cô bằng cái tên “Hà Quy”. Phong’s Gallery, lần thứ ba họ gặp lại và cùng suy ngẫm về một bức tranh. Lần thứ tư, ngay trong ngôi nhà thân yêu, cô thấy ông ta ngồi cùng với mẹ. Thật lạ là ông ta được cả bố và mẹ cô cùng đón tiếp vào dịp sinh nhật và cô được nhận một món quà rất ý nghĩa, chú rùa mắc cạn. Ông ta muốn nói gì qua bức tranh và mục đích của ông ta là gì?
Sự tò mò càng trở nên ám ảnh. Chắc hẳn bố không phải là đồng minh, mẹ lại càng không thể. Vậy câu trả lời sẽ đến từ đâu? Quy mất ngủ vì câu hỏi đó, hết nhìn lên bức tranh rùa lại ngó xuống vết chàm trên ngực: Liệu có mối liên hệ nào chăng?
Rồi chính bức tranh rùa đã giúp cô có câu trả lời. Như mọi khi, lần này Quy lại trở về căn nhà ngoại ô mà không báo trước. Trong nhà vắng vẻ, chỉ có chiếc vô tuyến đang hát những bài dân ca. Cô nhẹ nhàng đi lên phòng và thấy cửa phòng ngủ khép hờ. Cô nghe thấy tiếng bố đang an ủi mẹ. Họ làm gì trong đó? Tại sao mẹ lại khóc? Một khoảng lặng kéo dài bóp nghẹt tim cô. Tiếng mẹ cô run run biến dạng:
– Nhưng ông ta là bố đẻ của con bé. Nếu ông ta cướp đứa con yêu quý mà chúng ta đã nuôi nấng bao bọc hơn hai mươi năm qua thì sao? Mình ơi, tôi không muốn. Hãy nói đây chỉ là một giấc mơ…
– Quyền quyết định là ở con. Không ai có quyền cướp đi hạnh phúc mà nó lựa chọn. Chúng ta cũng không có quyền xóa đi một sự thật. Nếu sau này con bé biết chúng ta giấu nó, ngăn nó nhận bố đẻ, lấy gì đảm bảo nó sẽ không oán hận chúng ta?
– Nhưng lỡ… Đáng nhẽ tôi và mình không nên gặp ông ta, càng không để ông ấy gặp con bé.
– Mình đừng ích kỉ như thế và cũng đừng tự dằn vặt nữa. Chúng ta đã làm mọi cách: đổi tên họ, chuyển nhà, cố gắng xóa mọi dấu vết nhưng ông trời khéo sắp đặt, bởi họ là máu mủ. Chú ấy đáng thương mà, con bé cũng nên đến thắp cho mẹ nó nén nhang…
Sự gặp lại. Ôi, sự gặp lại này mới choáng váng làm sao. Quy không biết nên vui hay nên buồn khi mọi thứ cô nghĩ là hoàn hảo về gia đình bỗng chốc bị xé toạc. Người mà cô gọi là bố mẹ và chăm sóc cô hơn hai mươi năm qua rốt cuộc chỉ là người dưng. Còn người mà cô tặng một cái bạt tai ngay lần gặp đầu tiên lại là bố đẻ. Họ đang giành giật để có sự lựa chọn từ cô, nên mừng vì gặp được bố đẻ hay là buồn vì những ngộ nhận bấy lâu? Kẻ đứng sau giật dây sắp đặt tất cả sự gặp lại này là ai? Những dòng suy nghĩ miên man cứ đè lên nhau, như những nhánh ray không biết nên rẽ hướng nào, bao nhiêu ngôi sao thắp nến lấp lánh trên bầu trời cũng không đủ soi sáng cho cô một lối đi.
***
Một khúc nhang cháy ngấm khẽ lung lay đổ gãy tung ra làn bụi trắng trước án thờ, một con bướm từ kiếp trước khẽ xòe cánh bay ra. Quy thấy qua ngấn nước mắt rưng rưng con bướm vẫn đang rập rờn đôi cánh trắng. Những giọt lệ vẫn đong đầy khóe mắt, cô đi theo cánh bướm dạo khắp căn nhà mái ngói đẫm mùi mốc meo. Trong một căn phòng tối tăm ẩm thấp, cô nhìn quanh một lượt rồi dừng lại trên chiếc giường đã bạc thếch vì mối mốc và mạng nhện. Một cảm giác ớn lạnh lan ra khắp má, rồi tiếp đến là một dòng khí như luồng điện phát ra từ lòng đất chạy dọc sống lưng ngược lên cổ rồi lên đầu. Trong làn nước mắt long lanh mờ ảo, hình ảnh một người phụ nữ mặc quần áo lao công hiện ra. Người mẹ đang bón cho đứa con ốm yếu bé bỏng những thìa cháo loãng, nét lo âu lộ rõ trên khuôn mặt hiền hậu chưa hết mệt nhọc sau ca làm việc. Trên bức tường phía đầu giường có treo bức tranh một nữ lao công quét rác đang cần mẫn làm sạch những con đường. Người mẹ nhẹ nhàng đưa mắt nhìn lên bức tranh rồi lại nhìn xuống đứa con trìu mến, đôi mắt ngập tràn tình thương yêu.
“Đó là chuyến về nước đầu tiên kể từ khi ta kết hôn. Đêm hôm ấy, khi đang lang thang về khách sạn thì hình ảnh người lao công cần mẫn quét rác trên phố khuya lạnh lẽo chợt khiến ta chạnh lòng đứng lại nhìn. Ta đứng nấp bên gốc cây châm thuốc, khi ngửng lên đã thấy chiếc xe rác khuất xa. Thì ra người phụ nữ quét rác ấy thật can đảm, cô ấy đã dùng chổi tấn công ta vì nghĩ ta là kẻ xấu. Bất ngờ quá nên ta cũng chống cự, nào ngờ làm cô ấy ngã trẹo chân và chảy cả máu. Nhà của cô ấy ở ngay trong hẻm. Ta dìu cô ấy về. Một đêm gió se lạnh, ta tò mò quay trở lại con hẻm và thấy nhà sáng đèn. Thực ra ta đã vẽ tặng người lao công ấy một bức tranh và muốn trao lại trước khi trở về Pháp. Chính là bức tranh con thấy trên tường kia. Cô ấy đã rất cảm kích về món quà và tâm sự hết lòng mình. Khi kể cô ấy vẫn xưng chị vì hơn ta ba tuổi. Mẹ con thực sự rất đáng thương. Thượng đế khi nặn ra Eva đã vô tình làm hỏng khuôn dạng của khe ngọc, khiến nó trở nên xấu xí và thừa thọt. Để rồi, người chồng sắp cưới vội vã bỏ chạy ra khỏi nhà như gặp phải ma trong lần gần gũi đầu tiên. Từ đó, mẹ con không nhận lời bất cứ người đàn ông nào, ngay cả trong giấc ngủ cô ấy cũng bị ám ảnh bởi nét mặt thất vọng, kinh sợ của người chồng xưa. Ta hỏi, ba mươi tám tuổi rồi liệu cô tính ở vậy mãi sao, cũng nên có đứa con để còn có chút ủi an lúc về già chứ? Không ngờ câu hỏi của ta lại là ngọn gió ngu ngơ chạm phải ngọn lửa khát khao vốn âm thầm cháy trong lòng người phụ nữ ấy. Trước ánh mắt đang long lanh ứa tràn nhựa sống mà vài phút trước đó thôi còn u ám một nỗi niềm cô quạnh, ta bỗng thấy tim mình se lại, bốc đồng và thổn thức. Xúc cảm của người phụ nữ muộn màng sắp được nếm mùi vị đàn ông và xúc cảm của một thằng đàn ông xa xứ thèm khát chút hương vị đồng nội cứ nóng níu, rạo rực quấn chặt lấy hai ta. Và rồi…”.
– Và rồi sao nữa?
– Mẹ con muốn có một đứa con. Khi ta tỉnh dậy thì mẹ con đã đi làm từ sớm và để lại một lời nhắn: “Xin cảm ơn. Nếu hạnh phúc được đâm chồi thì tôi cũng mãn nguyện vì bố nó là một người tốt. Đừng quay trở lại đây nữa”. Ngày sinh con, ta đã bí mật quay trở lại và lặng lẽ nghe con cất tiếng khóc chào đời. Trên ngực con có một vết chàm trông y hệt chiếc mai rùa, và ta đã xin được đặt tên con là Trương Hà Quy.
– Còn mẹ thì sao?
– Mẹ con ra sức xua đuổi và từ chối nhận mọi sự quan tâm từ ta. Trở về Pháp, công việc và gia đình cứ níu lấy ta. Ta đâu hay, mẹ con phải khổ sở như thế nào để nuôi một đứa trẻ hay ốm đau như con. Rồi buổi tối hôm đó, đáng lẽ mẹ con sẽ đi làm về muộn, sẽ bế con từ nhà hàng xóm về, cho con ăn bữa tối, cùng con nói chuyện, nghe con hát, đọc thơ và kể cho con nghe những mẩu chuyện cổ tích… Nhưng đêm ấy mẹ con đã không về nữa. Một tai nạn giao thông đã vĩnh viễn cướp mẹ con đi, để con phải vào trại trẻ mồ côi khi chưa đầy năm tuổi.
– Sao tôi lại không nhớ gì về tuổi thơ của mình nhỉ?
– Ta luôn thấy có lỗi với con. Khi ta biết tin và đi tìm thì con đã được nhận nuôi và không còn dấu vết nào nữa. Ta dường như u uất trầm trọng với những cơn ác mộng dằn vặt. Và khi ta rơi khỏi ban công, ta không chết, thì ta hiểu rằng chính mẹ con đã cứu lấy mạng sống này. Bà ấy sống khôn chết thiêng, bà ấy luôn phù hộ ta vì bà ấy muốn ta tìm thấy con.
Con bướm từ kiếp trước lại bay rập rờn trước làn khói hương mờ ảo…
Cô bé Hà Quy thấy mình đang nằm trong một căn phòng có nhiều giường xếp chồng lên nhau và rất nhiều hoa giấy. Ai đó dắt nó ra ngoài, nó ngồi trơ trọi giữa một đám trẻ lóc nhóc khóc khóc cười cười. Nó chỉ vẽ. Vẽ ngày vẽ đêm. Nó vẽ một con rùa con có chiếc mai nhỏ nhắn. Rồi một buổi sáng thức dậy, nó được mặc một bộ váy mới màu hồng ngồi đợi trong phòng. Một đôi vợ chồng bước vào ngồi xuống bên cạnh nó. Họ nhìn nó trìu mến, vuốt tóc, thơm má và xem tranh của nó, còn cho nó rất nhiều quần áo đẹp, phát cho bạn bè nó bao nhiêu là quà bánh. Rồi họ bế nó ra khỏi căn nhà có chiếc cổng hình vòm cung ghi hàng chữ “Trại trẻ mồ côi Hy Vọng”.
Con bướm đậu bên chiếc ảnh thờ người phụ nữ có đôi mắt cô quạnh rồi biến mất trong làn khói hương. Quy hoảng hốt đưa mắt tìm kiếm con bướm. Cô chạy như điên vào trong phòng, rồi lại lao sầm ra ngoài. Người đàn ông vội hỏi:
– Con tìm gì thế?
– Con bướm? Con bướm đâu rồi?
– Con bướm nào?
– Con bướm ma. Linh hồn của mẹ. Mẹ đi rồi. Bố ơi, mẹ bay đi mất rồi…!
NGÔ DIỆU HẰNG
_____________
[1]Lỗi âm thanh.
[2]Phòng trưng bày nghệ thuật.
- Tháng bảy, vọng mãi lời tri ân – Tản văn của Vũ Thị Thanh Hòa
- Số phận kho báu triều Nguyễn sau biến động ngày 5.7.1885: Chiến tranh và kho báu
- Tưởng nhớ nhà văn Võ Hồng, người ‘đánh thức thiên lương’
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0
- Đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm: Không đóng góp gì cho khoa học