Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 3

Vanvn- Đây là lần thứ 2 Phiến bắn vào người bên mình. Trước đó Phiến từng 3 lần là dũng sĩ. Nhiều lúc Phiến cũng không lí giải nổi cuộc đời mình sao lại hẩm hiu đến thế. Phiến đã gần chục lần bắn hạ lính đối phương, đã gặp nhiều cái chết mà sao chẳng thể quen. Cứ mỗi lần hạ một tên địch là Phiến lại mất ngủ. Mỗi lần chôn đồng đội lại càng dằn vặt thao thức vài đêm…

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 4

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 2

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 1

 

                                    

3.

Mưa dã man.

Mấy thằng ở chốt về vừa đi vừa cằn nhằn có thằng còn chửi thề.

Hôm nay thay chốt còn mấy nắm cơm từ hôm kia đã lên mùi tương Bần rồi nhưng cũng để lại cho bọn lên thay. Trung đội phó Phiến bảo bọn lên thay chốt:

– Gọt vỏ ngoài đi mà khợp. Được tí nào hay tí ấy. Bọn lên chốt cười gật gật, mặt mũi mồm miệng nhợt nhạt nước mưa. Phía Hàm Rồng pháo đề pa ong ong…reo réo bay qua đầu, rơi choang choác phía đường 19. Đạn pháo nổ cách chốt hai trăm mét mà nước mưa trên lá rừng rơi rào rào như đuôi trâu vẩy bùn. Hàng ngày lính chốt luôn được hưởng những đợt pháo bắn của quân địch một cách vô tội vạ. Ở chốt căng thẳng bẩn thỉu và buồn bã. Pháo địch bắn vừa sợ vừa đỡ buồn. Cứ mỗi đận lên chốt là cả tháng trời, có khi còn hơn, kéo đến hai ba tháng. Tóc tai cắt kéo cho nhau sạch ơn ởn mà đến khi bàn giao chốt cho thằng khác tóc đã cờm cợp nuốt chửng cái tai. Tóc dài ra thì mắt sâu xuống, mặt quắt lại, rỉ mắt bám bụi đất bazan sau những trận pháo của địch được nước mưa loang ra nâu xin xỉn. Nhìn những mớ tóc của lính chốt nó như túm râu ngô già dính nước. Trung đội phó Quyết người Hà Giang dẫn quân lên chốt hỏi Phiến:

– Mày để lại cho tao xin mấy quả US đi. Cho tao xin cả mấy quả “tức thì” nữa nhé.

– Ừ để tao chỉ cho bọn mày những chỗ đã gài lựu đạn “tức thì “. Cẩn thận đấy nhá, mày phải quán triệt kĩ vào, nhất là bọn lính mới. Quyết chui vào hầm với Phiến rồi chui lên. Hai thằng B phó chỉ cho nhau các vật chuẩn, những hướng địch hay mò lên chốt và không quên bàn giao cả ôm rau khoai lang héo quắt chưa ăn đến. Trong lúc Quyết B phó chui ra chui vào với B phó Phiến thì Thành Ích nhìn vào cái giá súng ở góc hầm, tay xoay xoay những ống lồ ô cạo sạch vỏ xanh thành trắng làm thành những trang giấy xoay của lính. Hỏi Phiến:

– Thằng nào làm thơ đấy Phiến ơi?

– Thằng Hoan làm đấy.

Đại bác địch lại bắn. Trời mòng mọng những bọng nước dầm dề. Lá cây cứ dính vào nhau gỡ không ra. Thành Ích gọi:

– Hoan ơi, bọn tao sẽ làm nốt cho tròn hai ống thơ nhé. Ồi này bài này hay quá mày ạ. Say thuốc Lào là của đứa nào. Thằng Hoan bảo, bài của thằng Đấu Thái Bình đấy, hay dã man. Hí hí. Có hột thuốc lào chó nào đâu mà say. Nó bịa đấy. Thành Ích và thằng Hoan thân nhau vì chúng nó đều là hạt nhân văn nghệ Trung đoàn từ năm trước.

Thằng Hoan dặn:

– Khi nào “hết giấy” thì nhớ mang ống thơ về Thành Ích nhé. Chốt xê mình có đến 2 kilôgam thơ làm gì chả đánh thắng địch. Chúng nó cười he he lúc pháo địch éo éo qua đầu. Ngày đi vào chiến trường lính nào cũng có vài chục tờ giấy pơ luya, mươi cái ruột bút bi để biên thư. Có thằng mang bút máy Trường Sơn hay Hồng Hà thì lại thiếu mực. Xin nhau tí mực ở chiến trường khó ngang bằng xin thuốc ký ninh. Đánh trận lính dòm dòm kiếm được cái lọ mực trong ấp, trong đồn địch thì hết ý. Còn giấy Pơ luya chỉ sau vài tháng là khan hiếm vì lính xé ra làm giấy cuốn thuốc rê. Giấy hiếm, mực hiếm và đối với lính chiến dưới đơn vị thì hiếm nhất là khả năng gửi thư ra miền Bắc. Thế mà lính ta ở trên chốt vẫn làm thơ. Thơ như là niềm an ủi tinh thần lúc lính ta buồn. Khi đau khổ bi thương hoặc lúc vui sướng con người hay bật ra thơ. Nhưng hình như thơ ở lúc đau khổ buồn bã nhất thường hay hơn thơ lúc vui lúc sướng. Lính ta bảo với nhau thế. Thì ra lính lấy ống lồ ô lồng vào khung như giá súng. Cạo trắng mặt ngoài ống lồ ô ra làm giấy viết. Cái anh bút bi viết trên ống nứa đẹp đáo để. Viết đến đâu xoay ống đến đó. Thế là thành tờ báo tường trên chốt. Chả có tờ báo nào ngắn gọn súc tích và dễ xuất bản đến thế. Cũng chẳng người làm báo nào dễ chết đến như ở đây, viết báo trước mũi súng địch và buông báo là hạ gục những tên địch lầm lũi lao lên “tòa soạn”. Trên cái ống lồ ô ấy có cả thơ cả những bài văn xuôi ghi lại những trận giữ chốt của chính mình. Nó chính là sự ghi chép trận địa của lính. Hầu như những cảm xúc ở tờ báo ống này rất nhanh rất ngắn và rất thật. Ngồi ở trận địa mà viết ra văn được thì quá là tài. Phải là những con người dũng cảm và tài hoa. Thực ra nó có thể chả phải là văn. Cũng chả thể nói họ tài hoa nhưng nói họ dũng cảm thì rất đúng. Thành Ích từng biết có khúc lồ lô mang về được đến tiểu đoàn thì những người viết cũng đã hi sinh cả. Những trang “báo ống” có máu và âm âm những tiếng cười nói những thì thầm xen lẫn tiếng súng nổ của chiến trận.

Lần lên chốt này Thành Ích đọc được bài “ Ống “ của thằng Hoan. Thành Ích khoái lắm. Cái thằng da trắng như con gái nhưng được cái bắn cối 60 rất giỏi lại biết viết văn nữa chứ. Bài ống đại loại thế này. Lính chốt thuộc loại “ lính bốn ống”. Ống nước, ống cối, ống cóng, ống thơ. Góc hầm chốt nào cũng có vài ống bương nước dự trữ, những cái ống lồ ô nút lá để tích trữ nước dùng cho lính nhiều ngày không xuống suối. Ống cối là trận địa chốt nào cũng có cối 60. Thứ vũ khí cơ động bậc nhất của lính chốt. Ống cóng là cái cóng vật bất ki thân của những chiến sĩ đánh trận trong rừng. Cóng để đựng nước, cóng để lấy cơm để đun nấu. Một ống cóng chỉ đun vài cái lá bứa và tí mì chính là sống rồi. Chỉ có ống thơ thì gần đây lính ta mới sáng tạo ra. Làm thơ vào ống bương, đọc thơ trên chốt. Chả cần người uyên thâm nho nhe gì, lính ta cứ nói thật thế mà cũng ra cái câu nói rất chi quan trọng là “Bốn ống” nghe cao siêu vời vợi. Lính ta bảo cứ nói thật sống thật thì sẽ ra văn. Văn chương là ở sự sống bên cạnh sự chết. Không đặt cái sống bên cạnh cái chết thì sống có nghĩa lí gì? Sống chỉ quý giá khi đặt nó gần với cái chết. Vậy nên ở trên chốt nhiều thứ văn chương lắm. Văn chương chết và văn chương sống. Người chế ra văn thơ trên chốt chính là xạ thủ cối 60 tên Hoan. Thằng Thành Ích khoái ống thơ lắm. Nó bảo đấy là thơ lồ ô. Lồ ô là thứ tre Tây Nguyên nên thơ lồ ô rất chi là Tây Nguyên. Là người đi qua nhiều đơn vị khiến Thành Ích biết nhiều chuyện và thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Cái thiệt thòi nhất của Thành là sự phấn đấu luôn bị đứt quãng. Sau này Thành cho rằng đó là sự đứt quãng đáng yêu. Thành chặc lưỡi, kệ đời thằng mục. Mình là lính chiến thì cứ chiến thôi. Thành Ích vui vì trong đơn vi nhiều thằng cũng nghĩ giống mình.

Trước khi về với trung đội của Quyết Hà Giang thì Thành Ích từng là lính của B phó Phiến. Thành Ích vẫn còn khoái một hồi được cùng Phiến đi làm nhiệm vụ ở nhà Hòa Hợp. Nhà hòa hợp là một dãy nhà tạm thời do hai bên dựng lên ở một vị trí giáp ranh chiến tuyến để hai bên quân ta quân địch đến đấy gặp gỡ nhau và để cùng hướng tới thực hiện các điều khoản Hiệp định. Nhà hòa hợp là nơi giao lưu để mong muốn người hai bên sẽ hiểu nhau hơn và cùng căm ghét chiến tranh cùng yêu hòa bình để một ngày nào đấy sẽ tiến tới thống nhất hai miền. Sự đời nghe thì dễ thế thôi mà đâu có dễ. Những tưởng nhà Hòa Hợp được dựng lên từ mong muốn hòa hợp thì sẽ là nơi chứng kiến sự nảy sinh và nhân rộng những ước muốn hòa bình cho cả hai bên. Thế mà chỉ vài tháng là thất bại. Mấy cái nhà hòa hợp không có người lai vãng khiến cả hai bên nhìn nó như một cứ điểm đã xuống cấp. Chả thấy bên ta phổ biến thất bại vì sao, cứ im im cho nó tự lùi vào dĩ vãng. Ấy thế mà Thành Ích và Phiến thì mỗi lần gặp nhau là dấm dứt nói chuyện về những ngày làm công tác hòa hợp. Theo Thành Ích đã thích hòa hợp thì hai bên đều không được tinh tướng. Cứ muốn tỏ ra ta hơn đối phương. Muốn hòa hợp mà không nhịn nhường nhau thì làm gì có hòa hợp. Hòa hợp để cho lính đỡ phải chết của cả hai bên cơ mà. Bên nào cũng khoe mình giỏi mình đúng. Giỏi cái khỉ gì, cứ cãi lấy được chả bên nào nghe bên nào. Thằng địch nói rất hăng về lí tưởng mà lí tưởng của đối phương đương nhiên là phải khác bên mình. Hì hì. Thành Ích cười. Chỉ tổ ban ngày nhìn nhau trên nhà hòa hợp tối lại phục kích nhau thì có mà còn lâu mới hết chết. Nói rồi Thành Ích thở dài.

Kể từ sau ngày nhà Hòa Hợp tan vỡ, bên nào bên nấy lùi về phòng tuyến của mình và lại là chuỗi ngày đánh nhau thí xác. Tiểu đoàn của Phiến nhận nhiệm vụ chốt giữ vùng ven liền tù tì vài tháng rồi. Mấy ông cán bộ tiểu đoàn lầu bầu, mẹ kiếp chả biết bao giờ các cốp ở trên mới cho D khác vào chia lửa ở cái hành lang “cắm cờ” này. Hoa thơm mỗi thằng ngửi một tí đi. Lính tráng rên rẩm, cách mạng là phải bằng nhau cơ mà. Có thằng lại bảo, thôi xay lúa khỏi ẵm em. Mẹ kiếp, chỗ nào chả oánh nhau. Chỗ nào chả là nhiệm vụ. Chỗ nào chả gian khổ hy sinh. Công việc tăng gia ở phía sau là trồng rau nuôi lợn cũng vinh quang chứ cứ gì thằng đánh nhau mới là dũng sĩ. Có thằng buông thõng một câu, chỗ nào chả chết. Ngay cả khi bỏ chạy về tuyến sau mà vẫn chết. Biết thế nào mà tránh được bom đạn. Lính tắc lưỡi, khắc đi khắc đến, kệ cha đời thằng mục.

Mưa thối nát cỏ cây, người thì nửa bò nửa đi nửa ngồi nửa đứng. Lên trên chốt mà ca cẩm khó khăn có mà ca cẩm hết ngày này sang tháng khác chả hết. Bao nhiêu nỗi khổ kể ra có mà đến mùa quýt chưa cạn. Lính ta thường nói thế. Ca cẩm mãi rồi lại cười với nhau hì hì. Đời thằng mục chỗ nào chả như chỗ nào. Bước chân vào đến Trường Sơn là lính nào cũng biết câu ca đời thằng mục… Thằng mục là thằng nào thì cứ mơ hồ vậy thôi, nhưng mà ai cũng thấy mình là thằng mục. Ấy vậy mà cấm có thằng nào bỏ chốt, chả bao giờ có thằng chuồn khỏi chốt cả. Cứ trần lưng ra mà đánh nhau mà chịu bom chịu pháo. Phía sau của lính là hậu phương mang nỗi hy vọng kỉ cương dòng họ và cha mẹ người thân trông chờ. Không ai muốn cha mẹ mình ở nhà sẽ một ngày bị xấu hổ vì sự hèn yếu của mình. Sống và chết cũng vinh quang như nhau đứng ngang hàng với nhau cho chí làm trai. Kỷ luật nặng nhất ở chiến trường là mất chốt là đào ngũ. Kỷ luật nặng thứ hai là bỏ mất xác đồng đội. Đã có những trường hợp hi sinh cũng phải quay lại mang xác đồng chí mình về. Đại đội trưởng bảo thế và lính thì thằng nào cũng hiểu thế. Bên kia suối là lính VNCH bên này suối là quân ta. Lính tráng được “quán triệt” rõ ràng. Đất đai của ta thấm máu đồng chí đồng bào nên chúng ta phải giữ, phải sống chết với đất. Không được nhu nhơ nghe chưa? Đừng có sợ chết. Sống ở ngay chỗ cái chết ấy, nghe chưa? Nghe rồi ạ. Lính đồng thanh dạ rồi nhưng vẫn phải hỏi lại. Thủ trưởng ơi, quán triệt là gì? Có phải là dặn dò không ạ? Thủ trưởng cười hì hì. Có thế mà cũng phải hỏi lại. Lại muốn tôi quán triệt cho lần nữa hả?

Bê phó Phiến dẫn trung đội xuống chốt. Mười một thằng tóc như rễ tre râu ria không ra râu ria, loe hoe khắp mồm cau cáu màu chì. Thằng Nhớn lầm lũi đi trước bỗng nó ngó lại:

– Anh Phiến ơi chỗ nào có nương cho bọn em kiếm quả bí quả mướp nắm rau làm vài ăng gô canh ăn nhé. Lại cái tội ca cóng. Phiến biết chiến sĩ của mình ở trên chốt mấy tháng nay háo lắm, nhưng kiếm quả bí quả mướp bây giờ là có tội với đồng bào. Thôi được, đoạn nữa đến cái nương đã bỏ hoang mấy năm trước hái rau tàu bay nấu canh với mì chính mà húp vậy. Phiến im im, rồi tiếng ừ chầm chậm thoát ra thành… hừ. Mùa mưa năm trước gạo ăn 2 lạng một ngày đói rã rời chân tay. Đi gùi sắn về cho anh nuôi vơ được mớ rau tàu bay xuống suối múc một ăng gô nước cứ xách đi mãi đến chỗ xa địch mới ngồi chẻ từng cái mảnh lồ ô khô mỏng như đóm hút thuốc lào rồi đun canh tàu bay. Đun như thế mới không có khói. Có sắn bên cạnh mà không dám ăn vì sợ mất phần anh em ở nhà đang đói. Vừa húp canh tàu bay vừa chảy nước mắt. Chảy nước mắt đấy mà không khóc được. Đói thì khó khóc lắm.

Chỉ nhớ nồi canh rau tập tàng của mẹ nấu lúc còn ở nhà thôi. Cái vị canh rau tàu bay hăng hăng ngòn ngọt…

Là lính đại học Sư phạm, Phiến đã từng ra nhà Hòa Hợp hồi tháng 3 tháng 4. Ở đấy Phiến và cán bộ địch vận từng nói chuyện với phía bên kia. Cùng hút thử thuốc lá của đối phương, cùng thăm hỏi quê quán tình hình vợ con rồi có cả lúc hát cho nhau nghe. Nhưng lính tráng thì đơn giản chứ cán bộ hai bên đối với nhau cứ sường sượng. Thế rồi lại oánh nhau. Con suối chảy dưới chân nhà Hòa Hợp nay thành ra con suối chạy phân chia hành lang Plei Dit. Nó chảy theo hướng đông về nam rồi quành sang tây. Thế là con suối chảy cả phía bên địch rồi lại sang phía bên ta. Hôm mới lên chốt thằng Nhớn quấn lá ngụy trang quanh người bò xuống suối. Nó lội qua suối chặt được mươi quả bắp chuối cho vào bao cát chưa kịp quay về thì gặp địch. Thấy tiếng AR15 rèn rẹt lại thấy tiếng US. Bê phó Phiến vội gọi thằng Hoan bắn mất vài quả cối 60 chặn đường cho Nhớn chạy về. Thằng Hoan bắn vài quả rồi lấy cành lá xua thật nhanh cho tan những làn khói mỏng. Tối hôm ấy Nhớn bị kiểm thảo về tội “ suýt chết vì miếng ăn”.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Ở chốt là cấm được ca cóng. Chỉ một tia khói le lói là ăn pháo ngay. Thế mà lính vẫn đun nấu được nồi rau khoai lang rồi húp xì xụp. Đêm khuya chui vào hầm che kín hai đầu bắc hăng gô lên nhóm lửa bằng mấy mảnh lồ ô khô chẻ nhỏ. Khói cay xè mắt, bịt mồm ho hừ hự. Đợt chốt này trung đội Phiến ăn may. Không mất thằng nào lại diệt được địch, đánh lui 5 lần địch mò lên trận địa, thu hồi súng và triển khai thêm hệ thống giao thông hào liên kết. Ngụy trang tài tình khiến địch không phát hiện được trận địa của ta. Vừa đi Phiến vừa cười một mình. Một sáng thằng Đấu ló đầu lên khỏi hầm cảnh giới. Quái lạ, cách cửa hầm chỉ chừng chục mét xuất hiện rau khoai lang xanh mơn mởn. Đấu mừng trong bụng. Lại được bữa no đây. Nhưng chột dạ, chiều hôm qua làm gì có lùm rau kia. Rất nhanh nó nổ súng đoàng đoàng vào cái mớ rau khoai lang. Một tiếng rú lên và hai cái mớ rau khoai lang khác vùng chạy. Cả chốt nổ súng. Có ba thằng thám báo chết ngay một thằng, hai thằng chạy qua suối thì cũng trúng đạn. Phiến cho thu hồi ngay rau khoai lang của địch quấn quanh người 3 thằng lính ngụy chết đưa vào hầm ăn dần. Trong mớ dây khoai lòng thòng còn lủng lẳng một củ khoai bằng ngón chân cái. Thằng Đấu lấy cái rút dép cạo đất trên củ khoai rồi nhai rom róp. Nó kêu ngọt thật. Ăn xong, mấy thằng ngụy trang lại cẩn thận rồi bò ra lôi xác thằng ngụy xuống chân đồi để khỏi ngửi thối.

Con suối chảy theo đường cắm cờ chỉ vài tiếng đi bộ thì nó lại quẹo về hướng quân ta. Thế là cái đường giáp ranh ấy cắt ngang suối. Từ lúc ấy con suối Yaleo này thuộc về quân Giải phóng.

Một hôm thằng Đấu Thái Bình gày cóc kẹ hỏi Phiến:

– Bê phó ơi, ở nhà Hòa Hợp ta và địch làm gì?

– Làm cái sự hòa hợp cứ làm gì. Mày không nghe chính trị viên quán triệt à? Cố đỉn thế!

Thằng Đấu lại hỏi:

– Các anh đi công tác hòa hợp hay được hút thuốc Điện Biên bao bạc. Bọn em ở nhà thèm vêu mõm.

Vừa lúc ấy gặp tổ tuần tra của tiểu đoàn đi ngược lại. Tổ trưởng tuần tra gọi B phó Phiến ra thì thầm vẻ nghiêm trọng. Rồi họ đi. Tổ tuần tra cho bọn đi chốt về nhúm thuốc rê của Miên. Phiến chọn một chỗ kín đáo cho nghỉ giải lao. Ngồi cuốn thuốc nhả khói mắt nhìn về mấy dẫy nương phía bên kia suối Phiến nhớ lại hồi đầu năm đi nhà Hòa Hợp. Cái nhà lợp tôn trắng của VNCH còn phần thân và tường do quân Giải phóng làm đơn sơ nhưng đẹp. Chỉ tội mấy ngày đầu mùi phảng phất xú uế vẫn còn. Phía ta, cán bộ chính trị chọn một số chiến sĩ có văn hóa ra tiếp xúc với phía địch. Bên kia cũng vậy, họ chọn sĩ quan tâm lý chiến ra đối đáp. Cái sự đề phòng nhau ấy khiến cho những cuộc tiếp xúc hòa hợp cứ sường sượng gai góc. Chỉ có những thằng lính đi theo cán bộ thì vô tư. Lính ta được hút thuốc Ruby của VNCH còn lính bên kia thì hít hà cái mùi thuốc Điện Biên bao bạc và chè gói Hồng Đào thơm ngát. Phiến bần thần ngồi kể với anh em trong trung đội của mình ngày cùng thằng Thành Ích ra nhà hòa hợp, rồi lại kể đận Thành Ích bị kỷ luật cho đi tăng gia tít ngoài núi Chư Prông. Mãi đến gần đây Thành Ích được phục hồi cấp binh nhất làm xạ thủ B40 và chuyển về trung đội của Quyết Hà Giang.

Chuyện cứ như bịa.

Phiến kể.

Phiến và Thành Ích cùng 2 cán bộ địch vận được cấp trên cử ra nhà Hòa Hợp. Có người lính VNCH hỏi Thành Ích:

– Anh có biết ca không?

Thành Ích cười:

– Tưởng gì, ca ngon lành mà. Thành Ích là cây văn nghệ của đội văn nghệ trung đoàn cứ mỗi năm biểu diễn một lần.

– Vậy anh ca tui nghe. Tôi thích nghe bài ca bên Việt cộng các anh.

Sẵn máu văn nghệ Thành sốt sắng:

– Anh thích bài gì bên tôi?

Người lính bên kia nói khe khẽ;

Tôi thích bài có câu… bến nước Cửu Long còn đó em ơi…

Thành Ích cười rất tươi. À, bài hát TÌNH CA”. Bài này là của nhạc sĩ người miền Nam đấy…

– Dạ vâng, chúng tôi thích lắm mà đâu có dám hát

Thế là mặc cho cán bộ hai bên đang chính trị chính em, mấy người lính xúm vào nghe nhau hát. Lính VNCH thì hát cải lương còn quân giải phóng Thành Ích hát Tình Ca.Phải nói là lúc ấy sự việc diễn ra quá đột ngột ngoài kịch bản của mấy anh sĩ quan địch vận trung đoàn. Họ nín bặt. Bài diễn thuyết dở dang. Họ nghe tiếng hát và chứng kiến nước mắt ngân ngấn của bộ đội Thành Ích và những người lính đối phương.

Ngay chiều hôm ấy từ nhà Hòa hợp về, Thành Ích được gọi lên Tiểu đoàn ngồi kiểm thảo. Sự kiểm thảo tức là viết bản kiểm điểm thật sâu sắc nộp cho chính trị viên tiểu đoàn rồi hôm sau vác ba lô đi tăng gia. Chỉ huy nói, không thể để loại lính tráng yếu kém về ý thức chính trị ra phía trước, nơi cọ xát cả về thể xác và tinh thần người chiến sĩ cách mạng với quân thù.

Phiến kể với anh em trong trung đội chuyện thiếu úy trợ lí địch vận tên Dụng là người quản lí số thuốc lá kẹo bánh từng ngày lên nhà hòa hợp. Mỗi hôm lính bên này bên kia hút thuốc của nhau cũng chỉ vài điếu, còn lại cuối ngày anh Dụng địch vận lại mang về niêm phong lại ghi sổ đàng hoàng. Hôm sau lại mang bao thuốc ấy lên nhà hòa hợp. Chỉ một tuần là bao thuốc hết mùi thơm. Lên nhà hòa hợp chả ai động tới. Bao thuốc dở để mốc được anh Dụng ghi vào biên bản giao ban “còn 4 điếu thuốc mất mùi…”. Thằng Nhớn nuốt nước bọt. Phí thế mất toi 4 điếu Điện Biên bao bạc.

Thằng Đấu còi hỏi Phiến:

– Thế còn vụ thịt bò hòa hợp là sao? Hồi đó em cũng được ăn thịt bò nhà Hòa Hợp đấy nhé.

– À ừ ừ chuyện thế này. Phiến kể:

Một hôm bò của dân tràn qua lối hàng rào cũ của đồi X30 thì dính mìn. Con bò to dễ đến hai tạ. Cách nhà Hòa Hợp chỉ chừng 100 mét. Cả hai bên nhìn nhau. Chả bên nào nói gì. Phải cuối giờ trưa viên sĩ quan bên kia mới rón rén đề nghị. Hai bên cho người ra xẻ thịt con bò cho lính ăn kẻo phí. Bên ta thì ông trợ lý địch vận giả vờ ngần ngừ hồi lâu… rồi mãi sau cũng đồng ý. Thế là lính ta lính địch mỗi bên cử hai người dò dẫm ra xẻ con bò ra làm đôi. Bỏ cái đầu lại, còn mỗi bên vác về một nửa con đủ 2 chân. Chiều tối hôm ấy chia mỗi đại đội một ít. Giữa mùa đói kém được ăn miếng thịt bò thật như uống nhân sâm.

Ngồi hút thuốc ven rừng, kể chuyện với đồng đội mình về nhà Hòa Hợp hồi đầu năm Phiến lại nhớ lúc ngồi ở nhà Hòa Hợp nhìn về phía đông, phía bên kia con suối. Phía ấy, những mái nhà lợp tôn trắng lóa mắt, nghe ru ru động cơ xe bình bịch, cái thứ tiếng động rất quyến rũ mà xa lạ với lính mình. Ở đó cũng những bản làng có lùm chuối và những ngọn pơ lang chòi lên giữa xanh thẳm lồ ô. Phía trước phía sau hai bên con suối, cả hai phía đêm đêm vẫn pung ping tiếng tơ rưng thâm trầm vọng vào đêm vắng.…

Những bản làng người Gia rai, Ê đê ở bên vùng địch là vùng dồn dân nhà tôn loe lóe dưới nắng. Còn làng ở bên quân giải phóng thì tất cả là lợp lá trung quân. Đàn bà con gái ở những làng bên kia mặc quần ca tăng áo pul sáng màu nhóng nhánh. Rõ nhất là con gái bên kia mặc áo ngực còn con gái bên vùng giải phóng của ta thì thả rông. Phiến cười nói với anh em, gái bên giải phóng cứ để lũng lẵng thế trông lại hay đáo để.

Suỵt. Có hai người từ bên kia suối lội sang. Cả tổ chốt nép vào bụi cây. Thì ra đó là 2 cô gái đi nương về. Phiến thở phào còn thằng Đấu vui ra mặt.

– Chào đồng bào cách mạng.

Hai cô gái ngực căng như ngực chim cu gáy, hai cái quai gùi thít chặt khiến cặp vú vênh lên, cười đỏ má.

– Bộ đội đi công tác? Bộ đội ưng dưa, ưng bí của đồng bào à?

Thằng Đấu làu bàu:

– Mẹ kiếp họ lại bảo bọn mình đi mổ dưa đi mổ bí của họ. Cái đồng bào giáp ranh này cứ nhơn nhơn, họ thân cả bên ta lẫn bên địch anh Phiến ạ. Rồi nó hét to:

– Đồng bào nói chơi chơi. Bộ đội không quán triệt cái bí cái dưa của đồng bào đâu nhé.

Hai cô gái cười. Hạ gùi đầy ngô mới bẻ trên nương xuống và cùng ngồi dưới lùm cây dẻ gai. Thằng Đấu nhìn bê phó Phiến nói nhỏ:

– Em còn cái cuộn chỉ đen, anh cho em đổi mấy quả ngô nhé. Ngô của họ thơm lắm. Phiến ừ. Hai cô gái nhìn cuộn chỉ của thằng Đấu làm ngơ. Cả hai cô liếc về phía thằng Hoan trắng trẻo. Thằng Đấu còi hiểu ngay cầm cuộn chỉ đưa cho thằng Hoan.

Đấu liến thoắng:

– Bồ đồi Hoan đoàn kết đồng bào, đổi bắp, ăn bắp làm cách mạng.

Hai cô gái nhìn Hoan rồi ghé tai nhau nói nhỏ, đoạn cười ré lên. Thằng Đấu còi dỏng tai rồi cũng phá lên cười

– Đồng bào nói trúng cái bụng bộ đội rồi. Trúng rồi.

Hoan hỏi, nó nói cái gì hả mày? Đấu nháy nháy mắt. Nó bảo mày to cao trắng trẻo là nhiều nước, Còn tao gầy đen nó bảo tao ít nước. Cả trung đội cười rũ rượi. Hai cô gái đưa cho Hoan đến hơn chục bắp ngô. Xong xuôi vụ đổi ngô hai cô gái nói:

– Ây dà, bộ đội ưng cái bắp của đồng bào nhiều nhiều. Cái lính Quốc gia họ cũng vừa xin bắp mình. Mình cũng cho họ đấy mà.

Cả tổ chột dạ. Hỏi:

– Đồng bào vừa cho lính Quốc gia bắp hả? ở đâu?

– Bên kia suối kìa.

Đúng lúc ấy súng nổ. Tiếng AR15 roen roét. Phiến và Đấu lăn vào bụi cây rồi bắn mỗi thằng nửa băng AK về bên kia suối. Cả hai bên cùng kéo nhau chạy. Thằng Nhớn xốc một cô thằng Đấu kéo một cô. Váy áo và gùi bắp tơi tả. Rừng im lặng. Cả tổ vô sự. Hai cô gái bản cũng vô sự, một cô bị rách váy đến tận mông phập phành mếu máo:

– Ầy dà, cái línhlính Quốc gia nó xin bắp mình nó lại bắn mình chớ. Không tột không tột! Hu hu! Thằng Nhớn liếc cái váy rách phấp phới cười tủm tỉm. Hỏi, anh Phiến ơi bọn này nó không mặc quần lót à? Vừa lúc cả lũ cười ré lên thì lại một tràng AR15 réo qua. Phiến dẫn anh em đi về hướng tiểu đoàn còn hai cô gái lẹo dẹo đeo gùi bắp về bản. Con suối chảy giữa rừng tự dưng thành cái ranh giới tạm thời của vùng giải phóng và vùng còn của VNCH. Con suối chả có tội lỗi gì mà nó cứ phải chứng kiến những cuộc bắn nhau dai dẳng nhiều năm. Vừa lúc qua một khúc suối nhỏ thì gặp một chú lính trắng trẻo thư sinh ngồi bên cái ba lô cũ màu đã bạc. Nhìn thấy lính chốt về nhoẻn cười. Anh ta hỏi, này các anh ơi các anh đi chốt về đấy à. Chốt lâu không mà tóc tai gớm giếc thế? Qua suối này là sang nó ngay đấy hả. Chào nhé các đồng hương. Đột nhiên Phiến quay lại. Cái ba lô màu bạc, da trắng thắt k59… đúng rồi. Phiến gọi này đồng hương ơi, anh đi cùng chúng tôi về tiểu đoàn bộ luôn kẻo lạc đường vào địch. Anh lính trả lời, thôi các anh cứ đi đi. Tôi đi sau. Phiến gắt, anh đứng lên đi vào giữa chúng tôi. Người lính thoáng bối rối rồi đứng lên. Phiến mở khóa nòng AK đi kề sau người lính. Đúng rồi, cóc ba lô bên trái rách khâu bằng miếng ni lông đen. Người này cao 1 mét 65, da trắng đúng như tổ tuần tra vừa dặn dò kỹ với Phiến. Bỗng người lính quay phắt lại Phiến và rút khẩu súng ngắn. Đoàng đoàng Phiến bắn ngay. Trung đội giật mình quay lại thì người lính chiêu hồi đã chết. Ba lô vẫn dính trên người. Chỉ sau 15 phút các tổ tuần tra đã đến nơi. Nhìn thấy người lính nằm chết ven đường đều cẩn thận giở giấy ra xem những thông báo chi tiết từ trên sư đoàn. Sau khi đối chiếu thấy đúng là tên công vụ trên cơ quan đi chiêu hồi thì ai nấy thở phào. Tối hôm ấy điện từ Trung đoàn xuống khen ngợi tiểu đoàn của Phiến đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Họ nói đây là một chiến công đặc biệt. Chiến công đặc biệt mà chả thấy thưởng huân chương hay bằng khen gì cả. Nghe đâu ông chính ủy gửi tặng ban chỉ huy tiểu đoàn một gói thuốc lào An Thái loại 100 gam. Chiến công ấy được ỉm đi rất nhanh và không ai muốn nhắc đến. Người lính chiêu hồi ấy chỉ còn lại trong những câu chuyện nửa kín nửa hở. Ai cũng chỉ biết đến thế và được khuyến cáo không nên đồn đại nhỏ to gì nữa chỉ để lại cho trung đội phó Phiến đại học day dứt.

Đêm ấy B phó Phiến không tài nào ngủ được lấy một tiếng đồng hồ mặc dù ở trên chốt về đại đội cho nghỉ 1 đêm không phải gác. Người lính kia không hiểu vì sao mà lại đi chiêu hồi? lại lấy được cả sổ ghi chép của thủ trưởng, rồi lại cả súng k59 nữa. Phiến cứ phân vân, rồi người ta sẽ báo tử cho anh ta thế nào? Cha mẹ anh ta sẽ đau buồn ra sao. Đã chiến đấu nhiều trận diệt nhiều địch nhưng hôm nay Phiến lại phải diệt một người từng là đồng chí mình. Cảm giác bất bình thường cho một người lính. Sao anh ta lại chọn cho mình kết cục này? Chết và sống cứ liền bên nhau thậm chí có lúc lẫn lộn vào nhau.

Đây là lần thứ 2 Phiến bắn vào người bên mình. Trước đó Phiến từng 3 lần là dũng sĩ. Nhiều lúc Phiến cũng không lí giải nổi cuộc đời mình sao lại hẩm hiu đến thế. Phiến đã gần chục lần bắn hạ lính đối phương, đã gặp nhiều cái chết mà sao chẳng thể quen. Cứ mỗi lần hạ một tên địch là Phiến lại mất ngủ. Mỗi lần chôn đồng đội lại càng dằn vặt thao thức vài đêm. Nhập ngũ năm 1971 từ trường đại học, Phiến phấn đấu là trung đội phó huấn luyện quân rồi dẫn quân đi B. Vào chiến trường đúng năm đỏ lửa, chiến đấu liên miên. Trung đội trưởng Phiến đã nổi tiếng chiến đấu gan dạ trong tiểu đoàn. Cuối năm 1972 phục kích đánh địch giải tỏa đường x5 thám báo địch luôn bám sâu vào đội hình ta đặt mìn và tập kích. Một đêm Phiến đã bắn nhầm vào một chiến sĩ của trung đội bạn bò sang xin thuốc lào. Khổ nỗi khi Phiến hô khẩu lệnh thì anh lính đó lại bỏ chạy.  Thế là Phiến nổ súng. Những ngày sau Phiến như người mắc bệnh trầm cảm. Lúc nào đầu cũng lắc lư và lảm nhảm nói cái gì đó, rồi khóc rồi cười. Đang từ trung đội trưởng Phiến bị hạ xuống tiểu đội phó. Phiến tâm sự với anh em vào chiến trường sau mình, đời chả biết thế nào mà lần. Chả ai tài giỏi với súng đạn, chả có cái chết nào giống cái chết nào. Chỉ có mỗi một cái giống nhau đó là một nỗi đau buồn tột cùng cho một người mẹ ở quê thôi.

NGUYỄN TRỌNG LUÂN

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *