Vanvn- Đào Hữu Phương sinh ngày 22.12.1947 tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, quê cha xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Năm 1964, học hết lớp 7, trong thời gian chờ đủ tuổi đi bộ đội ông xin vào làm việc tại Hợp tác xã sản xuất Giấy và bị một tai nạn lao động, phải cắt bỏ tay trái. Từ đây ông bắt đầu quãng thời gian hơn 10 năm dạy vỡ lòng rồi đi học trung cấp kế toán về làm việc trong Hợp tác xã Thủ công nghiệp của địa phương cho đến khi mô hình tập thể này giải tán.
Nhà văn Đào Hữu Phương có truyện ngắn viết cho thiếu nhi in Tập san Người Bạn Văn Hóa của tỉnh năm 1966, mười năm sau Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa in truyện dài “Những người bạn chí thân” của ông. Đến nay ông đã có 12 đầu sách viết cho thiếu nhi, được nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Giải C Giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994. Ông được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp năm 2002.
Truyện dài “Tiếng vọng rừng xanh” được nhà văn Đào Hữu Phương viết xong năm 2010. Năm 2012 NXB Kim Đồng chọn in truyện này trong chương trình “Sách Nhà nước tài trợ cho các trường trung học cơ sở miền núi-vùng sâu-vùng xa”. Do khuôn khổ sách đã rút gọn một số trang bản thảo của truyện này.
Chuyện kể lại một chuyến về thăm quê nội với nhiều chuyện bất ngờ và lý thú của Tuấn Minh. Cùng với Tú, đứa em họ ở quê, Tuấn Minh đã có công giúp công an phá được một vụ chiếm đoạt trống đồng, vạch trần chân tướng một tên tội phạm đang bị truy nã trong cái lốt của người em song sinh. Hai anh em cũng đã rất kỳ công tìm hiểu và đưa ra ánh sáng một câu chuyện xảy ra từ rất lâu để minh oan cho hai mẹ con bà thím…
Vanvn.vn xin giới thiệu truyện dài “Tiếng vọng rừng xanh”, bản đầy đủ của nhà văn Đào Hữu Phương đến bạn đọc.
NHÀ VĂN NGUYỄN THAM THIỆN KẾ giới thiệu

>> Tiếng vọng rừng xanh – Truyện thiếu nhi của Đào Hữu Phương – Kỳ 2
1
Chiếc Toyota màu trắng dừng lại trước cổng Uỷ ban Nhân dân huyện. Bố Tuấn Minh mở cửa xe, nói:
– Nào, ra ngoài cho thoáng lúc đã con. Ông xem đồng hồ, tỏ ý sốt ruột – Sao giờ chú Lâm vẫn chưa ra đón nhỉ?
Ông vừa dứt lời thì từ trong cổng cơ quan Công an huyện một chiếc Uyn rồ máy phóng tới. Chú Lâm dừng xe, tắt máy, nói:
– Mọi người đi đường có mệt lắm không? Em bận giải quyết mấy việc đột xuất nên không ra đón kịp. Thế này anh ạ. Nghe tin anh về huyện nhà công tác, thủ trưởng cơ quan em muốn mời anh ghé chơi. Anh ấy bảo lâu lắm rồi hai người không gặp nhau. Hai giờ chiều mới đến giờ làm việc. Anh đồng ý nhé.
– Nhất trí! Bố Tuấn Minh vui vẻ. Vậy ta đưa xe vào Công an huyện nghỉ lúc đã.
– Thế còn con? Tuấn Minh hỏi – Con muốn về nhà nội ngay bây giờ cơ.
– Cháu khỏi lo! Chú Lâm xoa đầu nó – Chú sẽ đưa cháu về trước. Ở nhà ông bà và em Tú cũng đang rất mong.
Bố Tuấn Minh hỏi:
– Ý con thế nào? Đằng nào thì cũng phải đi bằng xe máy. Từ đây về nhà nội đường rất xấu, loại xe gầm thấp này không lên được.
– Con đồng ý đi luôn với chú!
– Vậy chú cháu lên đường cho sớm! Nói với ông bà bố phải ở lại làm việc, chủ nhật mới về được.
Tuấn Minh chui vào xe lôi túi quà và cái ba lô du lịch của mình ra, hăm hở nhảy lên sau chiếc Uyn lấm bụi. Chú Lâm nổ máy. Chiếc xe lao vút đi.
Hết địa phận phố huyện, nhà cửa thưa vắng dần. Núi đồi hiện ra lớp lớp trước mặt. Chiếc Uyn cồng kềnh lướt nhẹ trên con đường đất đỏ mịn màng. Chú Lâm quay lại nói:
– Tất cả chỉ có hơn một ki lô mét đường đất thế này thôi. Từ vụng Láu đến Cửa Đặt nền đường toàn đá, ngồi sau chưa quen rất xóc. Cháu chịu khó một tí nhé.
– Cửa Đặt còn xa không chú? Chỗ ấy có gì đẹp không?
– Cửa Đặt chỉ là một phố nhỏ miền sơn cước. Nó nằm giữa nơi cửa sông Đặt đổ ra sông Chu nên có tên gọi như vậy. Phố không đẹp nhưng được nhiều người biết đến vì ở đấy có đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn và đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước. Danh nhân Cầm Bá Thước là cụ tổ ba đời của nội. Đến cháu là đời thứ năm.
Tuấn Minh phấn khởi hỏi lại:
– Thật thế à chú? Đến Cửa Đặt chú dừng để cháu vào Đền thắp cho cụ tổ nén hương nhé!
Xe chạy chôm chôm trên nền đường mấp mô, lởm chởm những đá. Tốc độ so với lúc đầu đã khá chậm nhưng Tuấn Minh nhiều lúc vẫn bị hất tung lên vì những cú xốc bất ngờ. Phải mất gần hai mươi phút chiếc Uyn mới vượt qua con đường dốc chật hẹp và nguy hiểm. Chú Lâm vẫn để số một cho xe đi chầm chậm. Phía trước đột ngột mở ra một khoảng không rộng thoáng với dòng sông xanh ngắt và tiếng nước chảy rì rào nghe như một bản nhạc. Tuấn Minh reo lên:
– Ôi, đẹp quá! Chú cho xe dừng lại đi! Nó nhảy xuống, lục ba lô lấy ra chiếc máy ảnh tự động, hăm hở bấm liền mấy kiểu rồi hỏi – Cái thác này tên là gì hở chú?
– Đây là Thác Mạ! Chú Lâm giải thích – Trông nó đẹp và nên thơ thế nhưng rất nguy hiểm. Bè mảng đi qua phải có những tay sào cừ khôi mới an toàn. Năm ngoái ở đây vừa xảy ra một vụ tai nạn rất thương tâm. Con đò dọc trên đường từ Hạ Sơn lên Cửa Đạt khi vượt thác bị gãy chân vịt, va mạnh vào đá ngầm đã bị đắm, làm chết năm người, trong đó có một thanh niên. Anh này người thành phố, phạm tội làm con dấu giả gây hậu quả nghiêm trọng đang trên đường bỏ trốn…
– Anh ta tên là gì chú có nhớ không? Tuấn Minh hồi hộp hỏi.
– Hoàng Mai! Chú Lâm đáp – Hồ sơ vụ này chú trực tiếp làm.
Tuấn Minh bỗng trở nên đăm chiêu. Hoàng Mai là con vợ chồng một họa sĩ già, ở cách nhà Tuấn Minh chỉ một con phố. Mai vốn là sinh viên khoa hội họa trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, vì vi phạm kỉ luật nên bị nhà trường đuổi học. Mai can tội làm con dấu giả tiếp tay cho bọn tội phạm gây án, bị công an phát lệnh bắt khẩn cấp, phải bỏ trốn. Sau đó có tin gã đã chết trong một vụ tai nạn đắm đò trên thượng nguồn sông Chu. Người ta an táng Mai ở nơi vớt được xác, sau đó gia đình cũng được mời lên nhận lại một số di vật và mộ phần của người xấu số. Không ngờ cái thác đẹp này lại chính là nơi anh ta tử nạn.
Bị cuốn theo dòng suy nghĩ, Tuấn Minh gần như không hỏi thêm chú Lâm một câu nào nữa. Qua Cửa Đặt nó cũng quên không bảo chú dừng xe để vào Đền thắp hương cho cụ tổ. Chú Lâm thấy Minh áp đầu vào hông mình thì nghĩ có lẽ cu cậu đã mệt nên không hỏi chuyện nữa mà chỉ tập trung tinh thần để lạng lách, tránh tất cả những cái ổ trâu, ổ gà trên đường cho thằng cháu ngối sau khỏi bị xóc. Cái không khí buồn tẻ ấy kéo dài suốt hơn một giờ đồng hồ nữa. Tuấn Minh chỉ thực sự bừng tỉnh khi chiếc Uyn đột ngột dừng trước một ngôi nhà sàn và tiếng thằng em họ nói như reo:
– Ông ơi, bà ơi! Bố cháu và anh Minh đã về rồi!
***
Bữa ăn sáng chỉ có cơm nếp chấm muối vừng nhưng Tuấn Minh cảm thấy rất ngon miệng. Nội nhìn hai đứa, cười nói:
– Thằng Minh lên đây với ông bà, ăn thế này có chịu được không? Miền núi thì vẫn cứ là miền núi. Trên này người ta không nói ăn sáng mà chỉ gọi là lót dạ. Để ông bảo chú Lâm mua sẵn thùng mì tôm, hôm nào ngấy cơm nếp thì ủ mì với trứng gà mà ăn đổi bữa.
– Ăn thế này cháu thấy còn ngon hơn ăn phở dưới thành phố nhiều ông ạ! Tuấn Minh nói – Sáng nào ông bà cũng đồ xôi nếp cho cháu, ăn cả tuần cũng được.
Nội cười xoa đầu nó:
– Đó là cháu nói đấy nhé! Ông chỉ lo chưa hết ngày thứ ba đã la ngấy thôi. Bữa đầu cháu cảm thấy ngon vì đang lạ miệng mà.
Dưới sân chợt có tiếng chó sủa. Tuấn Minh nhìn qua cửa sổ thấy ngoài cổng có một người trạc tuổi bà đang lăm xăm đi vào. Nội vội đặt bát xuống, đi nhanh lại phía cầu thang. Nội xuống đến chân cầu thang thì cũng vừa lúc bà khách đi tới. Nội lên tiếng trước:
– Có việc gì mà thím sang sớm thế?
Bà khách đáp:
– En sang gửi bác mấy chục vay bữa trước. Sợ lúc nữa bác lại lên trại rừng. Chiều hôm qua em sang nhưng thấy nhà có khách nên không vào. Bà khách đáp.
Nội cười:
– Khách khứa gì đâu! Thằng đích tôn nó ở thành phố về chơi. Cả bố nó cũng lên nhưng đang còn bận họp hành gì đấy dưới huyện. Thím lên nhà đi. Sáng nay bà ấy đồ cơm nếp, lên ăn với tôi một bát lót dạ.
Bà khách nói:
– Em ăn rồi! Bác cầm tiền cho em về.
Nội nói:
– Thì cứ để đấy mà tiêu. Tiền lúc này tôi đã cần đâu!
– Không! Bác cứ cho em gửi lại đã. Lúc nào cần em lại sang nhờ hai bác.
Bà vừa nói vừa dúi tiền vào tay nội rồi chào nội ra về luôn. Nội nhìn theo, lắc lắc đầu:
– Cái thím này!
Trở lên nhà, nội vào bếp lấy con dao nắp và cái mũ lá rộng vành ra. Nội hỏi:
– Các cháu ăn xong chưa? Bây giờ ông phải lên trại rừng. Anh em ở nhà mà chơi. Rồi nội dặn – Lát nữa bà về thằng Tú đưa anh Minh sang thăm bà thím. Nhớ mang biếu bà gói bánh nhé!
Nội nói rồi đeo dao, đội mũ bước xuống cầu thang.
Tuấn Minh hỏi Tú:
– Ông bảo bọn mình đi thăm bà thím nào vậy?
– Bà Kiên! Cái bà vừa sang trả tiền cho ông nội ấy.
– Bà ấy có họ với nhà mình à? Sao chưa bao giờ anh nghe bố anh nói chuyện này cả nhỉ?
– Chỉ là bà con xa thôi! Nhưng ông mình coi bà ấy như em ruột. Rồi Tú kể – Bà ấy nghèo và khổ lắm! Chồng là bộ đội chống Pháp, đã hi sinh, có người con trai độc nhất lại bỏ theo phi công Mỹ, đến giờ vẫn bặt tăm. Chú ấy là Cầm Bá Kiên. Ông nội bảo chú Kiên sinh cùng ngày với bố em.
Tuấn Minh thấy là lạ. Lâu nay nó chỉ mới nghe người ta nói về những kẻ phản bội bỏ hàng ngũ ta chạy theo giặc trong chiến tranh và sau này là chuyện những người bỏ Tổ quốc đi di tản bằng con đường vượt biên chứ chưa nghe ai nói chuyện một người nào đó chạy theo phi công Mỹ cả, nhất là người đó lại chỉ là một dân quân người dân tộc thiểu số ở nơi núi rừng heo hút này. Nó hỏi:
– Em bảo chú Kiên chạy theo phi công Mỹ. Thế chú ấy đi bằng cách nào?
Tú kể:
– Chuyện thế này. Năm 1996, trong một lần đưa lực lượng ra đánh phá sân bay Sao Vàng, một chiếc cường kích F 105 bị bộ đội ta bắn cháy. Nó cố lết sang được đến đất Nghệ An thì rơi. Thằng phi công nhảy dù xuống Bù Cheo, ngay trên địa bàn xã mình. Hôm ấy đại bộ phận dân quân xã đã xuống huyện hội thao. Ở nhà chỉ có hai người là chú Kiên và bác Đốc. Bác Đốc là người miền xuôi cùng gia đình lên xã ta định cư từ năm 1963. Hai người chỉ có một khẩu súng trường và hai viên đạn nhưng họ vẫn quyết tâm lên Bù Cheo bắt sống thằng giặc lái. Từ nơi xuất phát đến chỗ thằng giặc lái nhảy dù xuống đường đất khá xa và khó đi. Hai người phải mất hơn một giờ leo núi mới tiếp cận được mục tiêu. Lúc ấy qua điện đài thằng giặc lái đã liên lạc được với căn cứ. Trên bầu trời quanh nơi hắn đáp dù có hai máy bay động cơ cánh quạt thay nhau quần đảo. Thằng giặc lái đã trút bỏ hết những thứ không cần thiết trên người và đang ngồi trên một phiến đá đợi đồng bọn đến cứu. Một tay hắn lăm lăm khẩu súng ngắn. Bác Đốc đưa ra đề nghị bắn vào cánh tay cầm súng của hắn rồi ào lên bắt sống nhưng chú Kiên không nghe. Chú bảo bác Đốc ngồi lại còn mình thì xách súng lần lên sát mục tiêu. Một lúc sau thì xuất hiện một chiếc trực thăng. Chiếc trực thăng rà sát ngọn cây ngay trên đầu thằng giặc lái và chú Kiên. Một khoang cửa trên thân máy bay được mở ra và một cái thang dây được thả xuống. Lúc thằng giặc lái đứng dậy chuẩn bị bước lên thang dây thì bất ngờ chú Kiên cũng nhảy ra, vai đeo cây súng chúc ngược xuống đất, hai tay cầm cái khăn mù xoa trắng vẫy lia lịa. Thằng giặc lái nhận được tín hiêụ đầu hàng liền dừng lại nhường cho chú Kiên leo lên trước rồi hắn mới leo lên sau. Khi cả hai đã chui vào khoang máy bay, chiếc thang dây cũng được kéo lên và cánh cửa đóng lại. Chiếc trực thăng nâng độ cao rồi bay mất hút. Hai chiếc máy bay cánh quạt quần thảo trên bầu trời suồt hơn một tiếng đồng hồ cũng lần lượt biến mất. Bác Đốc thất vọng vì nhiệm vụ bắt sống phi công không hoàn thành lại để cho đồng đội mang cả vũ khí chạy theo giặc nên rất buồn. Bác nhặt nhạnh mấy thứ thằng giặc lái bỏ lại cùng chiếc dù rồi xuống núi trở về. Đến giữa đường mới gặp đại quân ta đang kéo lên…
– Như vậy chú Kiên là kẻ phản bội à?
– Cũng không thể nói khác được! Vì tất cả sự việc xảy ra trên đỉnh Bù Cheo hôm ấy chỉ có mình bác Đốc biết. Từ hôm ấy bà thím bị dân bản xa lánh, chính quyền địa phương hoàn toàn bỏ mặc kể cả những lúc bà gặp khó khăn. Nội là người rất thông cảm và thương bà nhưng cũng chỉ giúp đỡ được đôi chút.
– Từ ngày đất nước thống nhất đến giờ bà thím có nhận được tin tức gì của con trai mình không?
Tú lắc đầu:
– Không! Chỉ có điều lãnh đạo địa phương và dân bản cũng thông cảm và bớt kì thị, xa lánh nên bà sống cũng dễ chịu. Cả bác Đốc từ ngày được nhận mấy chục héc ta rừng khoanh nuôi, kinh tế phát triển khá cũng tỏ ra quan tâm đến bà nhiều hơn. Có việc gì phù hợp bác ấy cũng dành cho bà làm và bao giờ cũng trả công cao hơn những người khác. Thỉnh thoảng bác ấy còn cho bà lương thực và tiền để mua quần áo, chăn màn.
Tú lại bàn lấy gói bánh bỏ vào túi thổ cẩm khoác lên vai. Vừa lúc có tiếng chân người bước lên cầu thang. Nó nói:
– Bà về rồi! Mình đi thôi anh.
***
Từ lúc xuống khỏi cầu thang nhà bà thím, Tuấn Minh bỗng trở nên rất trầm tư. Quen như ở thành phố nó đi mà mắt không nhìn đường nên cứ vài bước lại vấp. Tú lo ngại hỏi:
– Anh làm sao thế? Có đau không?
Tuấn Minh như chợt tỉnh. Nó cúi xuống xoa mấy ngón chân, cười xòa:
– Không sao! Là do anh đi đường núi chưa quen thôi mà.
– Lúc ở nhà sang đây anh bước gọn thế. Sao giờ cứ vấp liên tục như vậy? Anh có tâm sự gì à?
Tuấn Minh rẽ vào gốc dâu da ven đường, kê dép ngồi rồi nói:
– Chẳng có tâm sự gì cả. Nhưng đúng là anh đang mãi suy nghĩ về trường hợp của chú Kiên. Ngồi xuống đi. Theo em thì việc chú ấy mang súng lên trực thăng theo giặc có đáng tin không?
Câu hỏi khá bất ngờ của Tuấn Minh làm Tú thật sự lúng túng.
– Anh nghi ngờ chuyện ấy à? Sự việc xảy ra ở tít trên đỉnh núi cao gần một ngàn bảy trăm mét, lại chỉ có hai người, một người đã bỏ theo giặc còn người kia trở về kể lại, nếu không tin thì còn biết hỏi ai!
– Đành là vậy! Nhưng anh thấy trong chuyện này có điều gì đấy rất không ổn. Từ những di vật chú Kiên để lại và qua câu chuyện bà thím kể về con trai mình thì có thể dễ dàng nhận ra chú ấy là một người rất trung thực, ngay thẳng. Chính bởi đức tính trung thực, thẳng thắn ấy mà chú đã làm mất lòng nhiều cán bộ lãnh đạo trong xã khi họ bị chú đấu tranh, phê phán tệ quan liêu, lãng phí, tham ô của công. Là một thanh niên có nhiều hoài bão lại có cái vốn văn hóa đã tốt nghiệp cấp hai, chắc chắn nếu năm ấy không được tòng quân giết giặc như nguyện vọng chú ấy cũng sẽ chọn con đường học tiếp ở một trường Trung cấp chuyên nghiệp nào đó để trang bị cho mình một vốn kiến thức cần thiết sau này trở về phục vụ quê hương. Nhật kí chú ấy nói rất rõ điều này. Tham gia lực lượng dân quân xã là chú ấy muốn góp phần bảo vệ bản làng một thời gian trước lúc thoát li. Là con trai liệt sĩ, lại là một người con rất có hiếu và thương mẹ nên không có chuyện bỗng chốc chú hạ súng theo giặc dễ dàng như vậy. Vì chú thừa biết nếu mình làm cái việc hèn nhát của kẻ phản bội Tổ quốc ấy thì khác gì bôi nhọ danh dự người cha đã khuất và mẹ mình sẽ phải gánh chịu hậu quả như thế nào…
– Ý anh là…không có chuyện chú Kiên theo giặc và những điều bác Đốc nói là sai?
– Điều đó thì anh cũng chưa dám khẳng định. Nhưng anh muốn hỏi là sau khi nghe bác Đốc báo cáo sự việc đã có ai đặt câu hỏi nghi vấn hoặc lên hiện trường xác minh lại chưa?
– Hình như là chưa! Nội nói ngày ấy sau khi nghe bác Đốc kể lại, chủ tịch Cầm Bá Chấp đã sốt sắng làm báo cáo gửi lên huyện rồi lập tức cho thông báo đến khắp các bản trường hợp chú Kiên đã không làm tròn nhiệm vụ bắt sống phi công Mỹ mà còn mang cả vũ khí lên máy bay theo giặc.
– Chủ tịch Chấp là người thế nào? Ông này có phải trước đó một năm là Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán có dính chuyện tham ô hàng ưu tiên của tỉnh bị chú Kiên phê phán rất kịch liệt như bà thím đã kể không?
– Phải đấy! Lạ là hồi ấy ông ấy không những không bị kỉ luật mà còn được đưa lên làm Chủ tịch xã.
– Vậy thì rõ rồi! Mắt Tuấn Minh sáng lên – Tú này, đường lên Bù Cheo bây giờ có khó đi lắm không? Từ đây lên chỗ thằng phi công Mỹ đáp dù đi hết bao lâu? Em đã lên đó lần nào chưa?
– Em lên trên ấy hai lần rồi. Một lần theo nội sang bản Pang bên Quế Phong để lấy thuốc cho bà. Một lần theo bố em và các chú Kiểm lâm lên đấy phục bắt bọn lâm tặc chặt phá pơ mu. Đường rất khó đi. Từ đây lên đó người khỏe có nhanh cũng phải đi hết hai giờ. Nhưng anh muốn biết để làm gì?
– Anh muốn lên xem lại hiện trường!
– Anh không đùa đấy chứ?
Tuấn Minh lắc đầu:
– Không! Làm sao lại có thể đùa với một chuyện nghiêm túc thế này được. Ngày mai em đưa anh lên Bù Cheo nhé!
Tú lưỡng lự trước quyết định khá bất ngờ và táo bạo của ông anh họ:
– Chuyện này…phải để hỏi ý kiến nội đã.
– Bọn mình phải bịa ra một lí do gì đấy để vắng nhà một ngày. Nếu nói thật anh e nội sẽ không đồng ý.
Tú nói:
– Thế cũng được! Nhưng em chỉ lo anh leo núi chưa quen. Còn việc lên trại rừng với nội, chiều nay có đi nữa không?
– Có chứ! Nhưng bọn minh đi luôn bây giờ đi. Trại rừng có xa không?
– Xa đấy! Nhìn thì thấy nó ở ngay trước mặt kia kìa, nhưng đi nhanh cũng phải mất nửa giờ mới tới.
Tuấn Minh bật dậy, hăng hái:
– Không vấn đề gì ! Bọn mình hành quân luôn đi.
2
Hai anh em đang rảo bước trên đường. Bỗng Tú đột ngột dừng lại hỏi:
– Anh Minh này. Sao hai bác lại đặt tên anh là Cầm Lê Tuấn Minh?
Tuấn Minh giải thích:
– Bây giờ ở thành phố người ta đặt tên như thế cả. Phải đủ cả họ bố, họ mẹ. Ví dụ Đỗ Hoàng Thanh Quang, Mai Trần Hoài Đức…
– Còn con gái?
– Con gái cũng thế: Bùi Dương Hương Lan, Nguyễn Hà Lệ Thủy…
– Vậy không lót thị à?
– Làm gì còn thị với na. Quê lắm!
– Rắc rối! Em nghĩ như nhà ta, ông nội là Cầm Bá Núi, bố anh là Cầm Bá Sơn, bố em là Cầm Bá Lâm, em là Cầm Bá Tú còn anh cũng chỉ nên đặt là Cầm Bá Tuấn hoặc Cầm Bá Minh, vừa đơn giản lại dễ nhận họ hàng, anh em.
– Ôi! Tuấn Minh phá lên cười – Thế thì còn gì gọi là thời đại văn minh! Sắp sang thế kỉ hai mốt rồi. Bây giờ việc xác minh anh em, dòng họ thế giới người ta đã thực hiện bằng phương pháp so sánh gien. Thôi, để lúc khác sẽ bàn tiếp chuyện này, Gìơ em cho anh biết trên trại rừng của nội có gì hấp dẫn không?
– Đã gọi là rừng thì chỉ có cây chứ làm gì có nhiều thứ như ở thành phố!
– Chẵng lẽ không có suối, không có khe hay một cái hang đá nào à?
– Có đấy! Hang Dơi! Nó nằm ở phía tây trại rừng, trên đường lên bản Tùm. Anh có muốn vào trong ấy xem không?
Mắt Tuấn Minh sáng lên:
– Có! Em nhớ đưa anh vào hang Dơi nhé!
Đến một ngã ba, Tú đưa Tuấn Minh rẽ vào một con đường đất đỏ. Hai bên nền đường còn hằn rõ vết lốt bánh xe cơ giới tạo thành hai cái rãnh khá sâu. Tú nói:
– Đây là đường lên bản Tùm. Bản Tùm là một trong bốn khu vực có trữ lượng gỗ quí nhiều nhất vùng nên vào thời điểm cơn sốt phá rừng lên cao, con đường này xe cộ đi lại rất tấp nập. Cách đây chừng hai mươi phút đi bộ có một lèn đá. Lèn đá nằm cách đường không xa. Hàng Dơi ở trong lèn đá ấy. Một thời nó được bọn lâm tặc dùng làm nơi tập kết gỗ đưa từ bản Tùm xuống. Đủ số lượng và có thời cơ chúng mới cho ô tô lên chở đi…
– Em nói sao? Tuấn Minh ngắt lời Tú – Ô tô cũng vào đây chở gỗ được à? Từ phố huyện lên, qua Cửa Đặt và Thác Làng đều phải đi bằng cầu phao, đường nhiều chỗ lại hẹp chỉ đủ lối cho một người dắt xe đạp, ô tô làm sao đi được?

Tú giải thích:
– Em quên chưa nói để anh biết. Đến xã mình có thể đi bằng hai đường. Đường qua Cửa Đặt thì anh biết rồi. Còn một con đường khác, ô tô có thể đi được là đường từ Khe Hạ lên. Lối rẽ ở ngay ngã ba Bù Đồn. Tú dang tay khoát một vòng trước mặt, tiếp – Vùng này có tên gọi là bản Ngồng. Bản Ngồng ngày xưa nổi tiếng vì có rất nhiều cọp nên hầu như không có người ở. Cứ vào lúc mặt trời gần lặn chúng lại kéo nhau ra đường ngồi chầu, đợi có người đi qua là bắt. Người trong Lẹ đi xuống, người bản Tùm đi ra, người ngoài Bù Đồn, Na Mén đi vào đều phải tranh thủ lúc buổi sáng hoặc quá trưa sang chiều. Vậy mà năm nào cọp cũng cướp đi một, hai mạng. Dân các vùng thì cứ nghe nhắc đến cọp bản Ngồng là anh nào cũng co rúm lại. Anh biết không, con cọp dữ nhất trong đàn cọp ở bản Ngồng này là một con cọp có bộ lông màu xám. Nó thường xộc vào các bản bắt lợn và vồ người ngay cả ban ngày. Mấy phường săn trong vùng đã tìm mọi cách để tiêu diệt nhưng không được. Vậy mà nó đã bị cụ tổ Cầm Bá Thước giết chết chỉ bằng một viên đạn. Điều kì diệu là năm ấy cụ tổ nhà mình chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi!
– Có chuyện ấy thật à? Tuấn Minh nghi hoặc hỏi.
Tú quả quyết:
– Thật một trăm phần trăm! Tí nữa lên chòi anh bảo nội kể cho mà nghe.
– Thế nội lên đây lập trại rừng lâu chưa? Trại có rộng không em?
– Rộng lắm! Tất cả là mười lăm héc ta, trong đó có mười héc ta là rừng khoanh nuôi, ba héc ta rừng trồng và hai héc ta đầm lầy. Diện tích rừng khoanh nuôi nội nhận với xã bất đầu tính từ đây.
– Thế nào gọi là rừng khoanh nuôi? Tuấn Minh hỏi.
– Rừng khoanh nuôi là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho địa phương quản lí. Những người được xã cho nhận lại việc này có nhiệm vụ bảo quản, chăm sóc. không cho kẻ xấu vào chặt phá. Hàng năm được nhận một khoản tiền công là năm mươi ngàn đồng một héc ta. Anh có muốn đi sâu vào trong rừng chơi một lúc không?
– Có! Tuấn Minh xắn cao ống quần, hăm hở theo Tú vào rừng.
Nhìn bề ngoài, quả lúc đầu Tuấn Minh vẫn nghĩ những ngọn đồi xanh rì cây rừng và luồng nứa này là sản phẩm thiên nhiên ban tặng. Nhưng càng đi sâu vào mới thấy nó thực sự đã được bàn tay con người chăm sóc, bảo vệ. Tuấn Minh cứ nghĩ mình sẽ phải lội trên thảm thực bì đầy gai hoặc dẫm lên những đám lá mục nhiều sâu và vắt. Nhưng không. Lối hai anh em đi là một con đường được san lấp khá công phu. Mặt đường không rộng nhưng đủ chỗ để hai người đi ngược chiều có thể tránh nhau. Nền đường còn hằn rõ rất nhiều lốt chân người lẫn lốt chân trâu. Tú bảo ngày nào nội cũng đảo một vòng trên con đường này để đi kiểm tra. Song song với con đường là tuyến hào rộng một mét và sâu cũng gần một mét. Tú cho biết bây giờ dân các bản vẫn giữ thói quen thả trâu vào rừng kiếm ăn và ngủ qua đêm, nếu không đào hào ngăn chúng sẽ kéo cả bầy vào phá, rừng khó mà phát triển được. Nhờ con đường và tuyến hào này mà những cánh rừng khoanh nuôi nội nhận với xã đều phát triển tốt. Riêng tuyến hào mùa mưa còn có tác dụng dẫn nước vào khu hồ đầm để trữ nước nuôi cá.
Đi qua hai cánh rừng là đến một vùng hồ đầm trải rộng dưới chân những dãy núi. Khu đầm được ngăn làm hai ô bởi một con đập lớn. Mặt đập rộng tới gần hai mét, cỏ trồng đã bén xanh nhưng vẫn để lộ màu đất thó đỏ au, khỏe khoắn. Tú cho biết đầm có tổng diện tích hai ngàn mét vuông. Nơi sâu nhất là bảy mét. Tổng khối lượng đào đắp khoảng năm ngàn mét khối. Phần lớn công việc nội phải thuê máy xúc, còn lại là thuê dân bản và lao động dưới xuôi lên làm. Mỗi năm riêng nguồn lợi thủy sản nội thu không dưới một tấn cá. Dung lượng nước chứa trong hồ ước khoảng năm mươi ngàn mét khối. Mùa khô nội phải thu hoạch cá sớm để thả nước chống hạn cho mấy cánh đồng của ba làng Khang Khèn, Lùm Na, Na Mén.
Khuất sau rừng luồng thấp thoáng có một nếp nhà sàn lợp lá cọ, đã cũ. Tuấn Minh hỏi:
-Vùng này bây giờ có đông dân ở không? Ngôi nhà sàn kia là của ai vậy?
Tú đáp:
– Nơi này cho đến bây giờ vẫn chưa có người ở. Ngôi nhà ấy là của vợ chồng người em họ xa của nội. Vợ chồng cô chú ấy trước ở ngoài Na Mén, đời sống quá khó khăn. Nội bảo họ chuyển lên đây, giao cho mấy sào đầm cạn để trồng lúa, một héc ta đất đồi để trồng cây và cùng nội chăm sóc, bảo vệ rừng khoanh nuôi. Cuộc sống nay đã khấm khá hơn nhiều.
Hai anh em qua đập để sang một đồi keo. Từ đây nhìn lên đã có thể trông thấy rất rõ cơ ngơi của nội. Đó là một nếp nhà sàn nho nhỏ dựng chênh vênh giữa đỉnh đồi. Trong nắng sớm ngôi nhà bừng sáng lên, trông vừa đơn độc, vừa ngạo mạn giữa một không gian điệp trùng rừng núi. Bất chợt từ chân cầu thang ngôi nhà nhỏ ấy vọt ra một con vật nhỏ xíu. Con vật lao như tên bắn xuống chân đồi rồi lại nhằm hướng hai anh em đứng hùng hục tuông lên.. Tuấn Minh nhanh chóng nhận ra đấy là một con chó săn có bề ngoài rất dũng mãnh và bộ lông màu xám thật ấn tượng. Con chó cất lên một tiếng “ẳng” rồi vẫy đuôi chồm lên xoắn lấy Tú. Tú cũng đưa cả hai tay ra ôm lấy nó vuốt ve:
– Vện! Mày có nhớ tao không?
– “Ẳng” Con chó ngước nhìn Tú, sủa một tiếng rõ to như muốn nói: “Có”
Tú bảo:
– Nó hiểu được tiếng người đấy. Anh thấy nó có khôn không?
– Khôn lắm! Tuân Minh tấm tắc – Nhưng vừa rồi em gọi tên nó là gì? Vện à?
– Vâng! Tên nó là Vện!
– Vện! Nghe quê quê thế nào ấy! Con chó thật dũng mãnh lại có bộ lông xám đẹp thế.
– Nội đặt tên cho chó thường căn cứ vào màu lông. Ở nhà con có màu lông đen là con Mực, con có bộ lông loang lổ là con Khoang, còn con này có bộ lông màu xám thì gọi là con Vện. Vện là con chó khôn nhất nhà nên nội đưa nó lên đây ở. Những lúc nội có việc phải về nhà nó vẫn ở lại trông coi chòi và cây cối trên này.
– Nó giỏi giang thế sao em không tìm cho nó một cái tên cho có ý nghĩa một tí. Bây giờ người ta hay đặt tên cho chó bằng tiếng nước ngoài.
– Nhưng em có biết ngoại ngữ đâu. Hay anh đặt cho nó một cái tên tây đi. Tây nhưng phải dễ gọi và bình dân một tí.
Tuấn Minh nhìn con Vện, suy nghĩ rồi nói:
– Anh đặt cho nó một cái tên bằng tiếng Pháp nhé.
– Tiếng Pháp! Là gì anh?
– Lu!
Tú ôm bụng cười ngặt nghẽo:
– Ôi! Anh chê Vện là quê mùa giờ lại đặt cho nó một cái tên còn cỗ lỗ và quê hơn. Một con chó đẹp và dũng mãnh như thế mà lại gọi là Lu thì nghe sao được?
– Em chưa nghe anh giải thích. Lu tiếng Pháp nghĩa là Sói. Nó là một con sói xám. Không bình dân và đầy ý nghĩa à?
– Đúng vậy chứ anh? Thế mà mới nghe qua em cứ nghĩ đó chỉ là một cái tên nôm, quê mùa một cục. Vậy từ giờ em sẽ gọi nó là con Lu! Tú quay sang nói với con chó – Nào Vện! Từ nay tên mày đổi là Lu nhé! Lu! Nghe rõ chưa? Đồng ý thì trả lời tao đi!
Con chó đứng dựng lên, đưa cả hai chân trước cho Tú nắm rồi sủa một tiếng “ẳng” rõ to.
Bất ngờ con Lu vùng khỏi tay Tú, quay đầu lao vọt xuống chân đồi. Tuấn Minh nhìn theo, kịp nhận ra mục tiêu của nó là một sinh vật to bằng bắp chân, toàn thân mốc thếch đang lủi nhanh vào một bụi rậm. Cuộc rượt đuổi kết thúc nhanh chóng và chỉ lúc sau con Sói xám đã tha lên một con chuột to tướng thả vào tay Tú. Tú nói:
– Chuột mốc đấy! Hai năm nay tự nhiên ở đây nứt ra loài gặm nhấm nguy hại này. Nó nặng tới một kí, chuyên đào phá các loại cây trồng có củ và cắn cây non. Đặt bẫy không mấy hiệu quả. Nội đang nghĩ cách để tiêu diệt chúng.
Từ ngoài ngã ba bỗng vắng lại tiếng động cơ xe máy rồi một chiếc Min màu đỏ hùng hục vút ngang con đường dưới chân ngọn đồi hai đứa đang ngồi. Tú nhìn theo rồi nói:
– Xe của chú Lò Văn Sao ở bản Tôm đấy! Chắc chú ấy lên bản Tùm chở người ra Khe Hạ. Mình sang chòi chơi với nội đi anh.
Hai anh em kéo nhau lên chòi. Trên chòi nội có đủ thứ. Tuấn Minh thích nhất là cây nỏ. Cây nỏ thân được làm bằng một loại gỗ quí, cánh làm từ một đoạn tre gai, còn cái dây thì được làm bằng da một loại thú rừng nào đấy vừa bền vừa dai. Tất cả đều nổi màu nâu bóng. Dây nỏ rất căng. Tuấn Minh thử mấy lần mà vẫn không kéo lên nổi.
Chợt dưới đường lại vọng lên tiếng động cơ xe máy rồi chỉ một lúc sau chiếc Min đỏ lúc nãy xộc lên. Chủ phương tiện tắt máy, dựng xe trước chòi, bô bô hỏi:
– Chào bố! Bố có khỏe không?
Nội vui vẻ:
– Anh Sao à? Tưởng đi đón khách trên bản Tùm? Lên chòi uống nước đi.
– Thôi! Để lúc khác bố ạ. Con đang vội. Người có tên Sao rút trong túi ra một xấp bạc, nói – Con cần mua giúp anh bạn một ít gỗ bạch đàn. Định lên bản Tùm nhưng ngại đường trên ấy xấu quá, sợ xe không lên được. Bố bán cho con năm chục cây. Mỗi cây chặt làm hai đoạn, mỗi đoạn chỉ cần để dài ba mét thôi. Chiều thứ bảy con đưa xe lên chở. Con gửi trước bố một triệu. Bố làm cho con cái giấy bán gỗ rừng trồng, có xác nhận của xã để vận chuyển cho tiện.
Gã trao xấp bạc cho nội, đợi nội kiểm xong lại lên xe, nổ máy nói:
– Con về luôn đây! Rồi cho xe lao xuống đường.
Tuấn Minh tụt vội xuống cầu thang, chạy ra sân đứng nhìn theo.
– Có gì mà trông anh hớt hải thế? Tú cũng theo ra hỏi.
Tuấn Minh không trả lời mà kéo Tú ra góc sân, hỏi nhỏ:
– Người vừa đến đưa tiền cho nội tên là Sao à?
– Vâng! Chú ấy là Lò Văn Sao, người bản Tôm. Anh biết chú ấy à?
– Không! Tuấn Minh lắc đầu – Nhưng trông chú ấy anh thấy rất giống một người…
– Ai?
– Hoàng Mai! Một tên tội phạm ở thành phố, gần nhà anh. Nhưng hắn ta đã chết trong một vụ đắm đò ở Thác Mạ từ năm ngoái rồi.
Tú phá lên cười:
– Anh này! Chết rồi thì làm sao còn sống lại được. Vả lại anh nói Hoàng Mai là người thành phố kia mà? Chú ấy là Lò Văn Sao. Mấy năm trước chú ấy đi làm ăn tận trong Tây Nguyên. Nhà chú ấy bây giờ giàu thuộc diện nhất nhì trong xã…
– Chú ấy làm nghề gì?
– Xe ôm! Cái Min đỏ là phương tiện hành nghề của chú ấy đấy.
– Chỉ chạy xe ôm mà giàu nhất nhì trong xã kia à? Tuấn Minh đột ngột hỏi sang một đề tài khác – Tú này, bây giờ vùng mình có còn chuyện lâm tặc khai thác, buôn bán lâm sản nữa không?
– Vẫn còn! Nhưng chúng hoạt động tinh vi lắm! Tú nhìn ông anh họ hỏi – Anh tìm hiểu việc ấy để làm gì?
Tuấn Minh nhìn về phía lèn đá, hỏi:
– Em có nghĩ việc chú Sao đang trên đường đi bản Tùm lại quay lên trại rừng của nội mua bạch đàn là có vấn đề không? Anh nghĩ có thể vừa rồi chú ấy đã vào trong Hang Dơi. Biết đâu trong đó lại không là nơi tập kết những khúc gỗ lậu. Anh đã được tận mắt thấy các chú kiểm lâm bắt và kiểm tra một xe gỗ xoan khi đi qua địa bàn thành phố. Bên dưới lớp xoan em có biết họ xếp gì không? Toàn pơ mu và lát hoa! Hay bọn mình vào trong đó xem đi.
– Vậy để em mượn nội cái đèn pin đã. Trong hang tối lắm!
Hai anh em mượn đèn, xuống đồi rồi đi nhanh về phía lèn đá. Con Lu lăng xăng chạy trước. Lèn đá còn cách đường đến hai trăm mét. Hang Dơi nằm khuất sâu bên trong nên rất kín đáo. Hai bên lối mòn có những cây so đũa bị bẻ gãy gục cho biết chắc chắn vừa có người vào hang. Hai anh em vạch lá tiến vào. Càng vào sâu không khí càng ẩm thấp. Mùi phân dơi xộc lên hôi hám, nồng nặc. Anh sáng yếu dần rồi tắt hẳn. Tú cúi nhặt một hòn đá ném vào phía trong. Liền đó là một chuỗi âm thanh lào xào hỗn tạp vút qua vút lại trên đầu.
Tuấn Minh hỏi:
– Tiếng gì nghe lạ thế?
– Dơi đấy! Để anh hiểu thế nào là Hang Dơi!
– Thằng quỉ! Bấm đèn lên đi.
Tú giương đèn pin lên bấm. Lũ dơi càng hốt hoảng bay loạn xạ. Hai anh em thận trọng vịn vào những cạnh đá nhớp nhúa dò dẫm đặt từng bước một. Hang có rất nhiều ngách. Quanh quẩn mãi hai thằng vẫn không tìm ra được cái gì. Con Lu thì từ lúc vào hang đến giờ chẳng thấy tăm hơi đâu. Tú nói:
– Bọn mình ra thôi. Chắc chú ấy không làm cái việc ấy đâu!
Bỗng từ trong một ngách hang vọng ra tiếng con Lu xủa ăng ẳng. Tú bấm đèn, cùng Tuấn Minh lần theo tiếng chó xủa đi vào. Đấy là một ngách hang tương đối khô và kín đáo. Cạnh chỗ con Lu có một cái bì xác rắn. Cái bì đựng vật gì bên trong, thoạt nhìn tưởng như là một đứa trẻ lên ba, lên bốn. Hai anh em cùng nhào lại, tháo đoạn thừng buộc túm bên trên mở ra xem rồi cùng thốt lên:
– Trống đồng!
Tuấn Minh hồi hộp hỏi:
– Sao lại có trống đồng ở đây?
Tú suy nghĩ rồi nói:
– Em nhớ ra rồi. Đây là cái trống đồng ông trưởng bản Tùm đào được trong vườn tháng trước.
Tuấn Minh ngạc nhiên hỏi:
– Em nói sao? Vùng mình cũng đào được trống đồng?
– Vâng! Nó nằm ở độ sâu hơn hai mét. Ông ấy đào được lúc đào ao. Nhưng sau đó nghe nói có người mang giấy giới thiệu của Giám đốc Bảo tàng tỉnh lên đem về thành phố rồi kia mà. Sao bây giờ nó lại ở đây?
– Giấy giới thiệu của Bảo tàng tỉnh? Tuấn Minh suy nghĩ rồi quả quyết – Đây đúng là một vụ lừa đảo, chiếm đoạt cổ vật. Thủ phạm chắc chắn là Lò Văn Sao rồi. Rất có thể việc lão lên trại rừng của nội mua gỗ là để hợp pháp hóa việc vận chuyển báu vật này đi. Lạ thật! Không lẽ anh ta vẫn còn sống! Rồi Tuấn Minh hỏi – Tú này, bản Tôm có xa không? Ngày mai trên đường từ Bù Cheo về anh em mình ghé vào nhà Lò Văn Sao đi.
– Bản Tôm không xa lắm. Nó lại nằm trên đường lên Bù Cheo nên nếu anh có ý định kết hợp như vậy sẽ rất tiện. Tú chỉ cái trống đồng hỏi – Thế còn cái trống này, mình đem về nộp cho các chú trên Uỷ ban luôn chứ?
Tuấn Minh kéo cái bì, nhặt đoạn thừng buộc lại như cũ, nói:
– Hãy cứ tạm để nó ở trong này đã. Chắc chắn lão chưa dám đưa ra khỏi địa bàn đâu. Anh nghĩ việc này chỉ nên báo cho mình bố em biết thôi.
3
Đêm đã khuya mà Tuấn Minh vẫn thao thức không sao chợp mắt được. Chả bù cho tối hôm qua ngồi nói chuyện với ông bà và thằng Tú chưa đến mười giờ nó đã buồn ngủ díu mắt vì lần đầu phải đi xa, đường lại quá xấu. Còn hôm nay tuy rất mệt vì cả ngày lội khắp nơi nhưng nó vẫn không sao ngủ được vì đã gặp quá nhiều chuyện khiến nó phải suy nghĩ. Sự việc chú Cầm Bá Kiên đem theo súng lên trực thăng theo giặc thực sự đã gây cho nó một cú xốc vì còn nhiều điều không hợp lí. Cuốn nhật kí và những lời mẹ chú kể trong nước mắt về người con trai hiếu thảo của mình khiến nó linh cảm có chuyện gì đấy chưa thật rõ ràng trong sự việc này. Tuấn Minh tự hứa với lương tâm phải quyết làm sáng tỏ mọi chuyện để trả lại sự công bằng cho mế con thím. Nhưng dự định lên Bù Cheo đã không thực hiện ngay được vì ngày mai hai đứa phải lên trại rừng giúp nội thu dọn cành ngọn khi người ta đến chặt bạch đàn. Sự việc tiếp theo làm nó bận tâm không kém là chuyện chủ nhân chiếc Min đỏ có tên là Lò Văn Sao. Lò Văn Sao giống Hoàng Mai một cách kì lạ. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn có điều gì uẩn khúc? Tuấn Minh nghĩ để trả lời câu hỏi này chỉ còn cách tìm hiểu lại lai lịch Sao qua thằng em họ. Nhưng giờ này chắc Tú đã ngủ say rồi. Bỗng Tú trở mình, đặt tay lên vai Tuấn Minh hỏi:
– Anh vẫn chưa ngủ à?
– Chưa! Còn em?
– Em cũng không ngủ được!
– Hay quá! Anh có chuyện này đang muốn hỏi em. Hay bọn mình xuống sân ngồi cho mát đi. Trăng sáng lắm.
Hai anh em cùng bật dậy, nhẹ nhàng đi lại phía cầu thang.Tú nôn nóng hỏỉ:
– Có chuyện gì thế anh?
– Chuyện chủ nhân chiếc Min đỏ…
– Anh không tin đấy là chú Sao người bản Tôm như em đã nói à?
– Anh vẫn cứ ngờ ngợ thế nào ấy! Em có thể nói kĩ hơn một chút về chú ấy được không?
– Được! Nhưng anh cần điều đó để làm gì?
– Là thế này. Người dân tộc thiểu số mình nếu sinh ra và lớn lên ở quê, sau này đi học, dù có thành đạt, được chuyển về thành phố làm việc ai cũng giữ một nét riêng rất dễ nhận, đặc biệt là giọng nói và đôi mắt. Như bố anh ấy, làm việc ở một cơ quan cấp tỉnh, nhập khẩu thành phố đã hơn hai chục năm mà các bác, các chú ngoài Hà Nội vào công tác ngay lần gặp đầu vẫn nhận ra là người miền núi. Họ chỉ không phân biệt được bố anh là người dân tộc Thái hay dân tộc Mường thôi. Đằng này anh thấy trên gương mặt Lò Văn Sao chẳng có một nét gì để có thể gọi là người miền núi cả. Trông chú ấy nhanh nhẹn, hoạt bát và sắc sảo có khi còn hơn cả người Kinh.
– Những gì anh nhận xét thật có lí. Như vậy anh cũng rất nên tìm hiểu để biết thêm về con người này. Chú Sao đúng là người bản Tôm, thông minh, học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên chỉ mới học hết lớp chín chú ấy đã phải bỏ làng theo mấy người ngoài Bù Đồn vào Tây Nguyên làm kinh tế. Được đúng năm năm, sau khi đã kiếm đủ một số vốn cần thiết để cưới vợ thì chú ấy trở về nhà. Ai cũng bảo so với lúc ra đi bây giờ trông chú ấy chững trạc và lanh lợi lên rất nhiều. Giải thích sự thay đổi ấy của mình chú bảo vì suốt năm năm ở Đắc Lắc chú không theo mấy người cùng đi lên rừng trồng cà phê mà tá túc ở thành phố Buôn Ma Thuột làm nghề chạy xe ôm. Va chạm với đủ hạng người và đời sống đô thị nên tính cách thay đổi nhiều. Còn một lí do nữa cũng có thể giải thích cái điều anh băn khoăn là chú ấy vốn dĩ không phải người Thái. Gốc gác của chú ấy là người Kinh. Nội bảo quãng năm 1970, 1971 gì đấy có một bà hay lên vùng mình buôn bán, đổi chác vào nhà gặp bà nội bảo dưới Hạ Sơn có hai đứa trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi đều là con trai, đứa nào trông cũng rất kháu, hiện chúng đang được chăm sóc ở trạm y tế thị trấn. Bà ấy hỏi có ai muốn nuôi bà ta sẽ xin rồi bế lên cho. Lúc ấy ở bản Tôm có vợ chồng ông bà Lò Văn Páo đã gần năm mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có con. Bà mình lặn lội vào hỏi. Ông bà Páo mừng lắm, hẹn bà ấy xin rồi đem cả hai đứa trẻ ấy lên cho mình. Hai ngày sau bà ấy lên nhưng chỉ đem theo một đứa còn một đứa đã có người xin và đem về xuôi trước đó một ngày. Ông bà Páo rất mừng, biếu bà ấy cả thúng lúa nếp và nửa cái mật gấu. Thằng bé ấy được đặt tên là Lò Văn Sao, được ông bà Páo quí như con đẻ. Sao sống và lớn lên trong tình thương yêu của hai vợ chồng già.
– Sự thật đúng như vậy chứ? Tuấn Minh nôn nóng ngắt lời Tú.
– Anh này! Tú gắt – Chuyện nghiêm túc như vậy em bịa làm sao được.
– Anh xin lỗi! Là anh muốn hỏi thế cho chắc chắn vì anh thấy trong câu chuyện của em có một tình tiết liên quan đến một người mà anh sắp kể ra đây…
– Anh muốn nói đến Hoàng Mai?
– Đúng vậy! Hoàng Mai là con nuôi của vợ chồng một họa sĩ già, nhà ở một khu phố cũ, cách chỗ ở của bố mẹ anh không xa. Theo chỗ anh biết thì thời điểm họa sĩ đưa Hoàng Mai về thị xã nuôi cũng trùng với thời điểm người đàn bà kia đưa Lò Văn Sao lên cho ông bà Páo. Lúc ấy hai vợ chồng họa sĩ đâu cũng đã ngoài bốn mươi mà vẫn chưa có con. Trong đợt đi thực tế sáng tác ở miền tây huyện Thọ, ông được người ta mách có một cặp song sinh là con trai bị mẹ bỏ rơi ở trạm y tế thị trấn Hạ Sơn. Ông vội tìm đến và xin nhận một đứa về nuôi. Đứa bé ấy được vợ chồng ông đặt cho cái tên là Hoàng Mai. Hoàng Mai là tên ghép giữa họ Hoàng của ông và họ Mai của bà. Hoàng Mai được nuôi dạy trong những điều kiện tốt nhất và được ông truyền cho nghề vẽ và làm tranh khắc gỗ của mình. Học hết lớp mười hai Hoàng Mai thi Đại học ba năm liền nhưng không đỗ. Sau đó bố mẹ nuôi phải xin cho Mai vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, học khoa hội họa, trở thành một sinh viên rất có triển vọng. Nhưng do thiếu sự quản lí chặt chẽ của vợ chồng ông bà họa sĩ già, Hoàng Mai đã đua đòi và kết bạn với một số phần tử xấu ngoài xã hội, làm nhiều việc gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nhà trường, sau đó bị nhà trường buộc thôi học. Về nhà Hoàng Mai chẳng những không chịu sửa chữa mà còn tiếp tục trượt dài trên con đường tội lỗi. Hắn đã nhận lời khắc con dấu giả, tiếp tay cho một số kẻ làm ăn bất chính gây án nên bị công an ra lệnh bắt khẩn cấp. Biết tin, Hoàng Mai đã bỏ nhà trốn biệt. Một tuần sau thì gia đình được cơ quan công an mời đến thông báo Hoàng Mai đã bị tử nạn trong một vụ đắm đò trên thượng nguồn sông Chu. Ông bà họa sĩ già lúc ấy sức khỏe và mắt mũi đã rất kém song cũng cố nhờ người đưa lên để nhận lại một số di vật của đứa con nuôi hư hỏng và xấu số vì các thủ tục mai táng người ta đã làm trước đó cả rồi…
Tú đột ngột ngắt lời Minh:
– Anh có nhận ra điều gì trong chuyện này không?
– Tất nhiên là có! Còn em?
– Em thấy có mấy chi tiết quan trọng. Cặp song sinh bị bỏ rơi, thời gian Hoàng Mai bỏ trốn và ngày con đò bị đắm ở Thác Mạ trùng với ngày trở về của Lò Văn Sao!
– Chính anh cũng đang nghĩ đến những điều ấy đấy! Sao lại có sự trùng hợp đến kì lạ như vậy!
Tú phấn khởi nói:
– Em nghĩ sự việc đang dần sáng tỏ. Hồ sơ vụ đắm đò năm ngoái chắc chắn vẫn còn lưu ở Công an huyện. Lúc nào anh em mình sẽ hỏi lại bố em. Ngày mai giúp ông dọn dẹp cành ngọn xong, còn thời gian anh em mình sẽ lên bản Tôm, đến nhà chú Sao chơi. Biết đâu lại chẳng tìm thêm được vài tình tiết mới.
– Nhưng phải có một lí do gì đã chứ?
– Có rồi! Bọn mình lên báo cho chú ấy là gỗ đã chặt xong!
-Tuyệt quá! Vậy mà anh không nghĩ ra.
– Gìơ khuya rồi, mình đi ngủ thôi anh, để còn lấy sức mai giúp nội.
***
Tú gò lưng hăm hở vừa đạp vừa lựa tránh những cái ổ gà để đưa chiếc xe địa hình trườn lên dốc. Tuấn Minh ngồi sau ái ngại hỏi:
– Anh xuống nhé!
– Đừng! Tú ngoái đầu lại, vừa thở vừa nói – Cứ ngồi nguyên thế, không sao đâu!
Trầy trật một lúc nữa chiếc địa hình cũng cõng được hai thằng lên đỉnh dốc. Tuấn Minh định nhảy xuống nghỉ một lúc cho hoàn hồn thì Tú đã cho xe lao thẳng xuống dốc, tốc độ mỗi lúc một nhanh. Tuấn Minh hoảng hốt la lên:
– Em không phanh à?
Tú vừa cười vừa nói:
– Phải để nó lao thả phanh thế này mới khoái!
– Nguy hiểm lắm! Phanh lại đi!
– Anh yên tâm! Dốc này thì đã thấm gì!
– Dừng lại! Tuấn Minh hét lên – Anh nhảy xuống đây!
– Đừng! Nhảy xuống lúc này rất nguy hiểm. Sẽ không có chuyện gì đâu! Tú nói một cách tự tin và để chứng minh cho lời nói của mình nó đã điều khiển chiếc địa hình đi qua con đường dốc có rất nhiều ổ voi, ổ gà và lắm khúc quanh một cách an toàn. Tuấn Minh toát mồ hôi hột. Xuống đến đoạn đường bằng, Tú cho xe tạt vào một gốc cây có bóng râm rồi mới dừng lại. Tuấn Minh nhảy xuống, gắt:
– Em liều thế? Đường vừa dốc vừa lắm khúc quanh như vậy mà cứ cho xe phóng ào ào, không hề đụng đến phanh là cớ làm sao?
Tú quệt mồ hôi trên trán, cười hề hề:
– Bọn em đi như vậy nó quen rồi. Đường rừng mà cứ lên dốc lại xuống dắt, xuống dốc phải bóp phanh thì thà cuốc bộ còn nhanh hơn.
– Nhưng đi như vậy nguy hiểm lắm!
– Anh không thấy trên ti vi lúc đổ đèo các tay đua còn đạp như điên là gì?
– Nhưng đó là nghề sống của người ta. Họ lại còn có đủ thứ bảo hiểm. Chứ như bọn mình nếu tai nạn xảy ra…
– Không sao! Tú hồn nhiên ngắt lời ông anh họ – Ở trên này tất cả mọi người đều đi như thế cả. Chưa thấy ai bị tai nạn!
Tuấn Minh lắc đầu:
– Nói như em thì anh cũng chịu! Nó ngoái nhìn con đường dốc gồ ghề, lởm chởm đá và vô số ổ gà, ổ trâu ngao ngán nói – Đúng là đồng bào dân tộc mình khổ thật! Một con đường cho tử tế cũng không có để mà đi. Anh thấy bố anh cứ loay hoay với các dự án phát triển hạ tầng cho các huyện miền núi mà không nghĩ việc đầu tiên là phải làm cho mỗi xã một con đường. Cứ thế này, nguyên chuyện đi lại cũng đã ngại rồi còn nói gì đến làm các việc khác! Nó nhìn đồng hồ hỏi – Bọn mình đi hết hai mươi phút rồi. Đã gần đến bản Tôm chưa?
– Bản Tôm kia rồi! Tú chỉ sang một bản nhỏ chừng hơn hai chục nóc nhà trước mặt nói – Ngôi nhà xây ba gian lợp ngói cạnh nếp nhà sàn cũ kia chính là nhà của chú Sao đấy. Đường vào trong ấy rất đễ đi. Nào, lên xe thôi anh!
Chỉ mấy phút sau chiếc địa hình đã đưa hai anh em đến trước ngôi nhà gạch sáng sủa. Chủ nhà ra tận cổng đuổi chó rồi nhìn hai thằng hỏi:
– Các cậu ở bản nào? Tìm anh có việc gì không?
Tú nhanh miệng đáp:
– Bọn cháu ở ngoài Ngồng. Ông cháu sai lên bảo chú bạch đàn đã chặt đủ số lượng rồi
– A! Các cậu là cháu già Núi đấy à? Vào nhà đi! Chủ nhà tỏ ra thân mật – Nhà tự làm lấy hay thuê người chặt mà nhanh thế?
– Ông cháu thuê mấy người trong bản chặt.
Chủ nhà rót nước cho hai đứa rồi nhìn Tú hỏi:
– Cậu này mình đã gặp mấy lần. Tên là gì?
– Cháu là Tú. Cầm Bá Tú!
– Bố cháu là Công an huyện phải không?
– Dạ phải!
– Còn cậu? Chủ nhà chỉ Tuấn Minh – Trông cậu cũng quen quen.
– Cháu là Cầm Lê Tuấn Minh. Cháu mới từ thành phố lên chơi với ông bà nội.
Mặt chủ nhà vụt biến sắc. Nhưng rồi rất nhanh anh ta đã lấy lại thế tự nhiên, chủ động hỏi tiếp Tuấn Minh:
– Thế à? Ở thành phố cháu ở phố nào?
– Nhà cháu ở phố Hà Văn Mao, gần phố Cầm Bá Thước!
– Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước! Hay thật! Ở tỉnh mà người ta cũng lấy cả tên các lãnh tụ nghĩa quân người miền núi đặt tên phố à? Chủ nhà giả bộ ngây ngô hỏi.
– Chú đã xuống thành phố lần nào chưa?
– Rồi! Nhưng chỉ đi qua lúc vào Tây Nguyên và từ Tây Nguyên trở ra thôi.
– Chú có nhớ phố nào không?
Chủ nhà lắc đầu:
– Nhớ mỗi cây cầu gọi là cầu Bố. Nghe người ta nói tưởng nó to lắm nên mới có tên gọi như vậy. Nhưng lúc đi qua thì thấy nhỏ xíu! Chủ nhà thích thú phá lên cười làm Tuấn Minh và Tú cũng phải cười theo.
Ngoài đường có một người đang dắt xe đạp đi vào. Anh ta bước cà nhắc như người bị thọt. Chủ nhà vội chạy ra, cố ý đón người ấy từ ngoài cổng. Hai người đứng nói chuyện rì rầm một lúc lâu rồi người kia dắt xe đi ra còn chủ nhà thì quay vào.
– Anh bận chút việc giờ phải lên bản Kụt. Hai em uống nước rồi về bảo ông cứ xếp gọn lại đấy, để phơi nắng vài ngày cho khô bớt rồi anh sẽ đánh xe lên chở nhé!
Hai anh em uống thêm ngụm nước rồi đứng dậy chào chủ nhà ra về. Chúng dắt xe tản bộ trên con đường rợp bóng cây. Bỗng Tú đứng lại hỏi:
– Anh có phát hiện gì mới không?
Tuấn Minh khẳng định:
– Người này đúng là Hoàng Mai! Lão ta thật láu cá nhưng rất tiếc là đã để lòi cái đuôi cáo ra ngay từ lúc đầu rồi!
– Anh chắc chắn đúng thật là Hoàng Mai đấy chứ? Tú gặng hỏi.
– Chắc một trăm phần trăm!
– Thế sao trong túi áo người tử nạn vụ đắm đò năm ngoái ở dưới Thác Mạ lại có giấy chứng minh nhân dân của Hoàng Mai. Và theo chỗ em biết thì ngay cả chú Lò Văn Sao khi về địa phương cũng đã trình đủ giấy tờ tùy thân của mình cho xã, trong đó cũng có chứng minh nhân dân? Tú vẫn thắc mắc.
Tuấn Minh ngửa mặt lên trời, hai mắt lim dim nói:
– Việc bây giờ cần phải làm sáng tỏ là những tình tiết ấy. Cũng lạ thật!
ĐÀO HỮU PHƯƠNG
(Còn tiếp)