Vanvn- Nhà văn Phù Ninh tên thật là Nguyễn Văn Mạch sinh năm 1942, quê ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, gia đình chuyển đến sinh sống tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương từ năm 3,4 tuổi và gắn bó với xứ Tuyên từ đó.
Nhà văn Phù Ninh từng làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tuyên, Tổng biên tập Báo Tân Trào (1988-1991), Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Tuyên Quang (1991-1994), Tổng biên tập Báo Tuyên Quang (1994-1998), Chủ tịch Hội Văn nghệ Tuyên Quang (1991-2004)…

Năm 1964, ông nhận công tác tại Bảo tàng Tân Trào ở Sơn Dương, Tuyên Quang có cơ hội tiếp cận với những tư liệu về lịch sử. Qua những câu chuyện kể của người dân trong vùng, dần dần những sự kiện, nhân vật đã ngấm vào ông để làm nên những truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết… Ông đã xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết, chủ yếu gắn với đề tài lịch sử như: Tân Trào rạng ngày độc lập, Người con gái Thăng Long, Trần Nhật Duật, Về Tân Trào, Dòng Lô êm trôi,… và được trao một số giải thưởng văn học của trung ương lẫn địa phương. Qua những trang viết của mình, ông đã đánh thức và gieo vào tâm trí người đọc tình yêu, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Vanvn.vn trân trọng giới thiệu một số chương trong tiểu thuyết lịch sử của ông: Người con gái Thăng Long.
VĂN HỌC TUYÊN QUANG:
>> Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy
>> Tuyên Quang vùng đất giàu truyền thống thơ ca
>> Vũ Xuân Tửu – Người chuyên viết về nỗi buồn nhưng lấp lánh niềm vui
>> Tuyên Quang trao tặng Giải thưởng Tân Trào
>> Nhà thơ Cao Xuân Thái: Như hoa tàn hoa nở để ta tin
>> Văn học dân gian Tuyên Quang
>> Đinh Công Diệp một đời “phiêu” cùng chữ nghĩa
>> Văn học hiện đại Tuyên Quang: Từ 1946 đến nay
>> Thơ Mai Liễu: Một đời tôi vẫn người của núi
>> Phù Ninh – Đôi vai kẽo kẹt nợ đời
>> Tuyên Quang – Vùng đất cổ giàu bản sắc văn hoá
Chương Bốn
1.
Có được bảo vật làm chỗ dựa tinh thần, Thổ Ty quay ra lo vật lực. Trước hết là việc lương, sức cho các làng mỗi mẫu ruộng nộp hai dậu thóc, hai dậu gạo để dùng vào việc quân. Cho em họ là Hà Đạt xuống các bản làng đôn đốc. Sau mùa gặt một tháng số thóc gạo đã nộp đủ. Cách hai mươi dặm dựng một nhà kho, giao cho trưởng bản phải lo canh giữ. Phòng thóc gạo chưa dùng đến để lâu trong kho bị mục ải, bèn truyền cho các trưởng bản giữ kho cứ một năm lại đem đổi thóc mới.
Việc quân, Thổ Ty xuống lệnh cho các làng bản tuyển mộ Thổ Binh. Phàm trai tráng từ mười bẩy đến ba mươi tuổi phải ghi vào sổ đầy đủ bản quán cùng họ tên, ngày tháng năm sinh. Hẹn trong một tháng các làng bản phải đem sổ sách nộp lên châu. Lại sai gia nhân, thuộc hạ đến từng nhà căn cứ sổ sách tra xét đối chiếu rõ ràng. Những người khỏe mạnh sức vóc cao to ghi vào sổ riêng. Nội trong ba tháng làm xong việc kê biên danh tính tráng đinh.
Thổ Ty sai Hà Chương đi huấn luyện võ nghệ, tập bắn cung, cưỡi ngựa. Cứ mười làng bản gần nhau Hà Chương cho tụ họp về một nơi. Trai tráng đi tập luyện phải đem theo nỏ cứng cung mạnh với bó tên trăm chiếc và gạo thịt để tự nuôi, chỉ có muối là được Thổ Ty cấp. Tại mỗi nơi Chương bắt tập luyện ba tháng. Hết mỗi đợt tập luyện chia quân hai bên, đánh trận và thi bắn cung tên. Những người giỏi nhất cứ ba chọn một xung vào đạo quân Tồng, nghĩa đạo quân làm anh em với Thổ Ty. Quân Tồng đóng ở châu lỵ làm căn bản, cơm ăn áo mặc do Thổ Ty cấp. Những người khác về nhà làm ăn, lúc có việc binh sẽ gọi đầu quân. Nửa năm việc chiêu mộ và luyện tập Thổ binh đã thành. Cứ mười hai người thành một đội, mười đội thành một tốt, mười tốt thành một lữ. Thổ binh của cả châu có ba lữ, ba nghìn sáu trăm người. Lương thảo dữ trữ trong kho đã đủ.
Cuối năm, vào lúc nông nhàn, Thổ Ty xuống lệnh hội quân ở đất Thổ Bình.
Mỗi lữ cử một đội, cùng với quân Tồng tổng thao diễn binh mã chia quân đánh trận. Thổ Ty chỉ huy Bạch quân, Hà Chương chỉ huy Hắc quân. Bạch quân đóng đồn trại giữ châu. Hắc quân từ xa tiến về, giả như từ ngoài cõi đánh vào. Thổ Ty chia lực lượng Bạch quân làm hai. Một cánh phô trương thanh thế chặn con đường lớn, một cánh im lặng mai phục nẻo đường tắt. Tướng Hắc quân Hà Chương tính tình nóng nảy, lại sợ tiếp tế lương thảo khó khăn liền dùng kế tốc chiến, thúc quân tiến theo đường tắt hiểm yếu.
Không ngờ trúng kế của Bạch quân, bị vây chặt vào lũng hẹp, thế cùng quân tướng phải đầu hàng.
Lúc thu quân Hà Chương hỏi:
Sao Quằng chắc là Hắc quân sẽ đi đường hẻm? – Chú cũng là người hiểu việc. Quân từ xa đến tất cần thắng nhanh nhằm tránh cái họa về lương thảo. Vả chú vốn là người nóng tính lại không sợ nguy hiểm nên sẽ chọn đường gần.
Giả như Hắc quân đi đường bằng thì đã chiếm được bản doanh mà Bạch quân còn bị bao vây từ phía sau. Quằng có tiên liệu đến sự đó? – Cầm quân như người giỏi cờ. Đương nhiên là trù liệu mấy nước. Phải cho do thám biết rõ hành tung quân địch mà kịp thời ứng phó. Nếu kế mai phục không thành thì lập tức rút ngay đại quân về bảo vệ bản doanh. Đến nước ấy không có trận đại thắng nhưng bản doanh vẫn giữ được.
– Thắng trận cốt ở mưu kế chưa hẳn ở quân mạnh.
– Phải chăm lo cả hai, không một sự nào được lơ là.
2.
Trên đường từ Thổ Bình về, Thổ Ty được cấp báo có sứ nước Nam Chiếu đến xin tiếp kiến.
Thổ Ty hỏi:
– Sứ đoàn có bao nhiêu người? Gia nhân:
– Thưa có ba người.
– Quân hộ vệ nhiều hay ít? – Năm mươi
– Lễ vật có những gì? – Chỉ đếm thấy có năm mươi con ngựa tốt cùng nhiều kiện hàng.
Thổ Ty bảo Hà Chương cùng một đội quân kỵ về trước đón sứ đoàn ở nhà trạm, còn mình thong thả đi sau ngẫm nghĩ đối sách. Tới châu lỵ, chỉnh đốn binh mã làm thanh thế, thay đổi áo mới ra lệnh:
– Cho mời sứ đoàn vào, bảo với họ cho được đem theo mười quân hộ vệ. Số còn lại cứ ăn nghỉ tại nhà trạm. Bảo tộc trưởng ở đấy phải tiếp đãi tử tế, cấp đủ thóc ngô cho ngựa.
Cùng tiếp sứ với Thổ Ty có chú ruột là Hà Đốc. Người trong sứ đoàn đều mặc áo nhuộm chàm khuy vải cài ngang, thân áo phía trước thêu hình mây bay.
Thổ Ty hỏi:
– Thêu hình mây trên áo nghĩa lý thế nào?
Sứ Nam Chiếu nói:
– Thưa ngài châu mục Vị Long, xứ sở chúng tôi khí hậu mát mẻ, quanh năm mây phủ, lại ở về phương Nam, nên có tên là Vân Nam. Xứ Vân Nam người đông, địa thế hiểm yếu, bèn tự lập, lấy quốc hiệu là Nam Chiếu, không thần phục Nhà Tống.
Vào cuộc thương nghị, sứ Nam Chiếu nói:
– Hoàng thượng bản quốc gửi tặng Quý Châu hai mươi kiện lụa tốt và năm mươi ngựa giống của người Di làm quà ra mắt xin ngài châu mục nhận cho. Lụa đã mang theo đây, ngựa buộc ngoài dịch quán.
Thổ Ty sắc mặt không đổi, nói:
– Đa tạ nhà vua cùng sứ đoàn. Chỉ ngại là bản châu dân thưa, sản vật nghèo nàn, không có gì tặng lại.
– Xin ngài châu mục chớ băn khoăn, Hoàng thượng bản quốc chỉ mong kết thân với Quý Châu ta đây mà thôi. Người dặn sứ đoàn chúng tôi nói lại với ngài châu mục rằng: Bản quốc với Quý Châu Vị Long sông núi liền kề, từ canh tác đến y phục phong tục tuy có tiểu dị nhưng là đại đồng. Vua tôi nhà Tống trước sau vẫn coi bản quốc là ngụy triều lúc nào cũng lăm le khởi binh chinh phạt. Bản quốc ngày đêm phải đối địch với quân Tống ở mặt Bắc, còn Quý Châu ta canh cánh lo chống đỡ với Lý triều ở mặt Nam. Vậy hai bên há chẳng nên liên kết lại làm thành bè lớn. Như thế không còn phải lo phía sau có người đánh úp mà dốc toàn lực cự lại thế mạnh hai đầu. Xin được nghe cao kiến của ngài Thổ Ty và các mưu sĩ.
Thổ Ty hỏi lại ý đe dọa :
– Ngài lấy gì làm bằng cớ dám gán cho ta tội chống lại triều đình nhà Lý?
Sứ Nam Chiếu cười mà rằng:
– Thời trước Quý Châu chẳng đã từng không quy thuận nhà Đinh, nhà Lê đó sao. Nay lại tích trữ lương thảo, tuyển mộ thổ binh, luyện tập hàng năm trời là để làm gì vậy. Cái chí lớn của ngài Thổ Ty lồng lộng. Thiết nghĩ hà tất phải che dấu.
Thổ Ty vẫn nghiêm nét mặt:
– Việc nước Nam Sứ thần biết mà không biết. vua Lê Ngọa Triều làm việc càn dỡ, vô đạo, giết anh cướp ngôi thử hỏi ở vào địa vị của Hiển khảo ta sứ thần sẽ hành xử thế nào? Sứ thần cũng không biết Ngọa Triều đem quân lên Vị Long bắt được dân thường đem về kinh đánh đập dã man, nhiều người đã chết. Sao có thể đem so Ngọa Triều với đương kim Hoàng thượng nhà Lý? Sư thần Nam Chiếu biện bạch: – Nói về hai vua Lê, Lý đúng một đằng là nhân một đằng là quỷ. Còn nếu được ngồi vào chỗ của châu mục bản sứ nhất định không chịu để người sai khiến. Nhà vua bản quốc đã làm sẵn bản minh ước, tự tay ký một bên giao cho sứ đoàn đem sang đây, còn một bên dành cho ngài Thổ Ty.
Nói xong đưa bản minh ước cho Thổ Ty xem. Minh ước viết:
“ Ngày này tháng này năm này nước Nam Chiếu và Châu Vị Long nguyện kết liên minh. Hai bên cam kết rằng: không lấn đất, không bắt người, không cướp bóc của cải từ súc vật đến lương thực của nhau. Nếu một bên có biến, bên kia phải giúp binh lực. Trong một lúc hai bên cùng có biến thì đều phải cố giữ.
Thổ Ty xem xong đưa cho Hà Đốc. Đốc xem rồi không nói gì, ra hiệu cho cháu, ý phải cẩn trọng.
Trác Tuấn nói:
– Thành ý của nhà vua quý quốc cùng quý sứ đoàn ta đâu dám chối. Hiềm nỗi phụ thân qua đời chưa mãn tang, ta được tạm quyền coi giữ việc châu không thể tự quyết. Theo phong tục của bản châu những đại sự phải hỏi ý kiến ông cậu. Cậu ta hiện ở trang ấp riêng mãi trên Thổ Bình cách đây hai ngày đường mà lưu sứ đoàn bốn năm ngày e không tiện. Ngần ngừ một lúc Trác Tuấn nói tiếp:
– Hay là thế này, sứ đoàn để lại bản minh ước rồi về tâu lại với nhà vua bên đó rằng bản châu vui mừng được quý quốc kết liên minh. Mấy ngày nữa ta sẽ cho người mời ông cậu về. Việc tốt thế này chắc là ông cậu bằng lòng. Minh ước ký xong ta sẽ đưa sang, một là thỉnh an nhà vua hai là đáp lễ và thăm quý quốc.
Sứ giả tỏ vẻ băn khoăn, trao đổi với các liêu thuộc, hồi lâu nói:
– Ngài Thổ Ty đã nói hết lẽ thế, chúng tôi đành nghe theo. Chỉ mong ngài thu xếp công việc sớm sáng thăm bản quốc chúng tôi cùng là trao bản minh ước đầy đủ chữ ký. Trác Tuấn nói:
– Đa tạ! đa tạ. Rồi tiến sứ đoàn ra quán dịch.
3.
Sứ Nam Chiếu đi rồi Thổ Ty triệu em trai cùng Hà Đốc bàn định. Thổ Ty nói:
– Vua nhà Lý mới được nước và dời đô ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long, thanh thế ngày càng mạnh. Thăng Long gần bản châu ta hơn Hoa Lư, sự ràng buộc sẽ càng chặt. Theo lệ các triều Đinh, Lê ngày trước hằng năm Vị Long phải đóng thuế, cống nạp sản vật sơn lâm. Mấy năm nhân triều đình có biến nên ta bèn tự bỏ. Nay thế nước đã định, sớm muộn triều đình cũng sẽ bắt nộp thuế, đòi cống. Ta nên khu xử thế nào cho phải?
Hà Chương nóng nảy, nói:
– Vị tất phải theo chuyện cũ. Bản châu ta tự cai quản mấy mươi đời nay, có thuế cống chỉ là làm lệ. Gần đây Thổ Ty chẳng đã lo việc phòng bị chu tất đó sao. Vậy nên theo ý của đệ ta luyện quân cho tinh nhuệ, mua nhiều ngựa tốt, tích trữ lương thảo, nếu triều đình khởi sự binh đao thì ta dùng binh đao mà địch lại. Ta có lợi là dựa vào thế núi khe hiểm trở, thông thuộc đường tiến thoái, lại không phải chuyên chở quân lương. Triều đình dẫu có vây đánh, lâu ngày cạn lương tất phải rút về. Ta như ngọn cỏ rạp xuống một thời, chờ cơn gió đi qua lại ngóc dậy.
Hà Đốc nói:
– Tuy nhiên dẫu nhiều lương, lắm ngựa, đông quân ta cũng chỉ là một châu, đâu phải một vương triều. Chống lại triều đình là chống lại một quốc gia. Chẳng những thế dân chúng truyền nhau rằng Vua Lý là người trí lự mà khoan dung, cái cơ thịnh vượng ngày càng hiện rõ. Động binh không phải là chuyện hay. Chi bằng luyện tập binh mã cốt giữ an nội châu, sức dân các bản nộp sản vật lên, hẹn ngày đem về kinh. Như thế người dân được yên ổn làm ăn mà vẫn có của cải cống nộp.
Hà Chương nói:
– Nước Nam Chiếu ở xa mà cũng phải đến tính chuyện lập liên minh. Tuy minh ước chưa ký, nhưng thế là đã có sự thỏa thuận. Từ nay mạn bắc không phải phòng bị nữa, hoặc giả thế núng ta còn có thể cầu viện họ.
Hà Đốc:
– Về lực mà nói ta chưa hẳn là yếu. Song xét về đại cục thì đất một châu sao có thể nên vương. Một châu chỉ có thể hưng thịnh lên trong một nước hưng thịnh. Vị Long ta tự xưa thuộc về Đại Việt. Nam Chiếu dầu gì cũng là người nước ngoài. Một khi họ trở mặt, hai bề ép lại ta trở tay sao kịp.
Vậy nên quy thuận về nhà Lý là thượng sách. Nếu một mực đối đầu việc chuốc lấy bại vong tất là sẽ đến.
Nghe bàn lý lẽ mỗi người mỗi phải, Thổ Ty im lặng hồi lâu, mãi sau nói:
– Này là việc lớn quan hệ đến chuyện tồn vong của Vị Long, đến cơ nghiệp tổ tông mười mấy đời để lại, phải suy ngẫm kỹ càng, không thể vội. Hôm nay hãy bàn đến đây đã.
Hà Đốc và Hà Chương đi rồi, Trác Tuấn châm hương thắp lên bàn thờ tổ, khấn rằng:
– Nay vua Lý ở ngôi đã vững, thế tất châu ta phải quy phục. Con cháu những muốn noi theo đường của khảo tổ, hiển tổ riêng đứng một góc trời, luyện tập Thổ binh, tích chứa lương thảo. Hòa hay chiến xin được bảo ban.
Khấn đến đó, bỗng nhiên bình hương bốc cháy. Trác Tuấn mừng, thầm nhủ quyết thực hiện cho được ý nguyện làm chủ một cõi của tổ tiên.
Tránh hội bàn nhiều lời khó quyết, Trác Tuấn gọi Hà Chương đến nói:
– Quân đã luyện, lương đã tích, hãy cứ thử sống mái một phen xem sao.
Nếu như chống không nổi khi đó xin hàng cũng chẳng sao, bất quá bị truất chức châu mục là cùng. Vậy giao cho chú dẫn ngay hai trăm Tồng binh ra đóng giữ Đèo Lửa. Nếu triều đình phái quan thu thuế đến thì nói thác mấy năm nay hạn hán, mất mùa, dân tình đói kém, xin triều đình tha cho ba năm. Họ cố vào bắt lại đưa về châu. Vạn nhất triều đình tiến đánh phải cố giữ lấy Đèo Lửa. Đấy là nơi hiểm yếu nhất của châu ta. Mất Đèo Lửa, châu lỵ khó mà giữ.
Nghe tin Hà Chương đêm quân ra Đèo Lửa, Hà Đốc lại đến can Trác Tuấn:
– Cháu nên cho người ra gọi Hà Chương quay lại. Triều trước nhà vua vô đạo, dân tình oán hận, trên dưới bất hòa mà ta chống không nổi. Nay đã sang đời vua sáng tôi hiền, ta nên qui thuận là hơn hết.
Trác Tuấn không nói lại nửa lời. Xem thể đủ biết để ngoài tai lời can, Trác Tuấn vẫn quyết chủ trương muốn xưng bá một vùng không quy phục triều Lý.
4.
Bấy giờ là niên hiệu Thuận Thiên thứ tư, Lý Thái Tổ ở ngôi được bốn năm. Triều đình sau khi thiên đô Tướng công Trần Cảo nhận trọng trách tổng quản xây dựng. Nào cung điện của nhà vua, hoàng hậu; lầu các của phi tần, hoàng tử, công chúa; phủ đệ của đại thần, hoàng thân, quốc thích; nào chùa chiền, miếu tháp ở kinh đô, ở các trấn thành. Từng đó công trình cần biết bao nhiêu công sức, của cải. Nào gỗ đá cống nạp từ miền ngược, nào gạch ngói lấy từ trung du và châu thổ.
Tướng công không đủ quyết bèn tâu lên:
– Thần đã chia các quan đem theo binh lính thúc giục các châu lộ gần xa nộp đủ thuế đinh, thuế điền. Song nhiều châu sách nguồn động xa xôi như Bình Nguyên, Đô Kim, Lạng Châu, Thang Châu, Diễn Châu triều trước đã quy thuộc triều đình nay dây dưa cống nộp. Đây đó có vài tù trưởng kéo kết nhau tính chuyện bạo nghịch. Có tin báo Châu mục Vị Long là Hà Trác Tuấn luyện binh, tích lương hùa với người Nam Chiếu kháng mệnh triều đình. Những nơi xa khuất ấy nếu không sớm thống suất sẽ xẩy đến hai việc khó. Một là không đủ tiền tài nhân lực kiến thiết quốc đô. Hai là đất đai bờ cõi khó định. Rồi ra phương Nam thì người Chiêm Thành quấy nhiễu, phương bắc thì người Tống nhòm ngó. Đến lúc đất đai bị ngoại xâm lấn chiếm, đặt quận huyện cai trị bấy giờ làm sao thu phục lại được.
Nhà vua cho thiết triều cùng các đại thần bàn định quốc sự.
Đào Hầu nói:
– Thần cho rằng châu mục mấy nơi ấy cho rằng vua ta mới ở ngôi, ngai vàng chưa vững, binh lực chưa mạnh, mới sinh sự nọ kia. Xin Bệ hạ cho chúng thần đem quân đi bảo cho kẻ kia biết rõ ân uy của triều đình. Nếu kẻ kia biết trời cao đất dày một lòng qui phục thì tốt. Nhược bằng có ý chống đối nghiêm trị để nêu gương. Đặt quan triều đình đến trị nhậm. Một vài nơi làm như thế những nơi khác tự nhiên phải theo về. Bờ cõi được giữ yên, triều đình mới cường thịnh.
Đình thần lại có người tâu:
– Thần nghĩ dân chúng đã nhiều phen hoảng loạn như gà phải cáo, nay nếu động binh lòng người lại nơm nớp lo sợ, hương thôn lại một lần tán tác, còn đâu chuyên chú việc nông tang. Ruộng hoang đồng vắng, đói rét cơ hàn sao gọi được là yên dân. Những lời bàn ấy, ai cũng có lý của mình, nhà vua để lọt tai, song le kế sách đã được trù hoạch bèn phán rằng:
– Mùa đông tháng mười năm nay trẫm sẽ thân cầm quân lên mạn ngược, lấy Dực Thánh Vương làm tướng tiên phong.
Trần Cảo tâu: – Xuất quân tuy là việc lớn song ngôi vua còn lớn hơn. Xin bệ hạ ban ấn tiên phong cho một đại tướng cầm quân đi là đủ. Mình rồng không nên khinh xuất. Kính mong bệ hạ tính đến đại cục.
Đào Hầu bàn: – Lời của Tướng công rất thấu đáo. Thần xin được đem quân vào chỗ đất hiểm nguyện không đánh thắng không trở về.
Nhà Vua nói: – Chí khí của các khanh rất đáng khen. Trẫm cũng rất tin ở tài thao lược của các khanh. Có điều xuất binh lần này thắng thua không phải nơi trận mạc mà chính ở lòng người. Trước là nhằm tuyên bố đức nhân từ giáo hóa của triều đình, sau là qui thuộc các châu lộ về một mối. Thắng trận bằng gươm giáo không bằng qui thuận được lòng dân. Đó mới thật là kế vẹn toàn dài lâu. Việc rất hệ trọng, trẫm phải thân cầm quân tỏ lòng khoan lượng, kẻ kia mới chịu theo về. Khi trẫm rời cung, việc triều chính giao cho Khai Quốc vương.
Chiếu chỉ đã ban, các khanh không bàn thêm nữa. Truyền Dực thánh vương chỉnh đốn quân ngũ sẵn sàng.

5.
Biết tin nhà Vua cầm quân lên mặt Bắc, công chúa Khâm Thánh nói với Hoàng hậu cùng mình vào tẩm điện. Đang lúc nhà Vua xem xét địa đồ định đường hành quân lần cuối. Công chúa vội thưa:
– Xin phụ hoàng cho con theo đi một chuyến. Khi ở lại Trường Yên đã được Dực Thánh dạy cưỡi ngưạ bắn cung, nay đứng vào hàng quân không có gì làm vướng bận. Hay ít ra cho con được hầu hạ phụ hoàng những ngày người hành quân khó nhọc.
Nhà vua lấy làm khó xử. Trước nay công chúa vốn được yêu chiều nhất trong số các con, tính tình công chúa ưa phóng khoáng, không thích giam mình nơi cung cấm. Tuy thế việc cho con gái theo đòi binh nhung nhà Vua chưa từng nghĩ tới. Lại nữa, mới đây tin từ phương Nam về, Triệu tướng đã tử trận trong khi đánh quân Chiêm vào xâm phạm bờ cõi. Tuy hai người chưa đính ước nhưng tình ý giữa họ đã đến tai nhà Vua và Hoàng hậu. Nhà Vua truyền hãy tạm giấu chưa cho công chúa biết. Nay công chúa đòi theo lên ngược, nhà Vua nửa muốn cho được thỏa nguyện bay nhảy, cũng là để khuây khỏa nỗi buồn về mối tình nửa chừng đứt đoạn với Trần tướng; nửa lo chốn lam chướng không hợp với thân gái liễu yếu tơ đào. Nhà Vua quay sang Hoàng hậu, nói:
– Ý hậu thế nào?
Dẫu chiều con còn hơn cả nhà Vua, Hoàng hậu cũng không thể thuận cho con gái đến nơi trận mạc, bèn nói:
– Lần cất quân này đường sá xa xôi, núi sông cách trở, thời hạn hồi cung còn chưa định, có biết bao nguy hiểm rình rập, thế nên nhất quyết không để công chúa đi cùng. Mai đây bình định xong miền biên viễn tất có ngày bệ hạ đi kinh lý. Lúc ấy công chúa theo xa giá du ngoạn cũng chưa muộn. Bệ hạ nên hứa cho con được vui.
Được lời Hoàng hậu gỡ bí, nhà Vua nói:
– Con hãy ở lại kinh bên mẫu hậu, sau này cha sẽ cho con du ngoạn không chỉ châu Vị Long mà còn nhiều vùng đất khác.
Tháng mười thời tiết khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, quân lương tích trữ dễ dàng, huy động nhân lực vận chuyển lúc nông nhàn không mấy khó khăn. Ngày Kỷ Sửu, giờ Thìn ngót một trăm thuyền chiến, thuyền hàng tề tựu ở bến Bồ Đề. Nhà vua áo giáp màu cánh gián, mũ trụ, tay cầm cung bước xuống thuyền rồng. Những cánh buồm trắng, những cánh buồm nâu giương lên kín mặt sông. Hồi trống lệnh nổi lên dõng dạc báo lệnh xuất quân.
Quân bộ do Dực Thánh Vương chỉ huy ra khỏi cửa bắc cùng giờ. Tiền quân là Đội kỵ binh năm trăm ngựa. Quân bộ hai ngàn theo hướng Sơn Tây ngược lên. Hai quân thủy bộ hẹn gặp nhau ở bến Tam Kỳ bên bờ sông Lô.
6.
Thổ Ty vẫn khao khát chế tạo được tên cứng cung mạnh bèn cho thợ cả cầm đầu toán người về đồng bằng tìm chất kỳ thạch đúc đồng thau.
Ba người, nón lá, áo quần nâu, khoác tay nải ra khỏi châu lỵ lúc nửa đêm. Người trước người sau hàng một, lặng lẽ như đang cuộc săn. Không một ai được biết, không một ai nhìn thấy. Sương dày đặc, người sau nhìn người trước chỉ thấy lờ mờ. Đi đầu là chàng trai người Thổ có sức vật hổ. Anh chàng cao chân bước làm cho hai người Kinh có lúc phải chạy gằn mới kịp.
Mỗi khi lên dốc, chỉ nghe tiếng thở càng lúc càng gấp hơn. Lúc xuống dốc, người đi đầu bước chậm lại, khoảng cách giữa họ thu hẹp. Trời sáng dần, cây cỏ bên đường đã hiện rõ. Ông già đi sau hỏi:
– Đã sắp hết đất Vị Long chưa?
Chàng trai Thổ:
– Còn leo mấy con dốc nữa.
Vẫn hàng một bước, lầm lũi. Với chàng trai Thổ ngày mai ngày kia đến đâu không thể nghĩ ra. Ông già lo làm sao chuyến đi trót lọt. Chàng Thợ Hai mong chóng trở lại Vị Long. Hồn vía chàng đã bị cô gái Thổ tên Hân hút mất, chẳng biết hay là ăn phải bùa yêu. Thấy nói con gái Thổ thả bùa yêu cho ai, người ấy không thoát được.
– Tôi muốn nghỉ lắm rồi – Thợ Hai nói:
– Cố chút nữa đến chỗ có con suối nghỉ ăn cơm luôn thể tiện có nước uống.
Trời lạnh mà mồ hôi túa thấm ướt vai áo. Thợ Hai cởi phăng áo ra thắt ngang người. Lâu sau nghe tiếng suối rì rào, trước mặt hiện ra một thác nước trắng xóa giữa bốn bề xanh thẳm. Chẳng phải đợi ai ra lệnh, mỗi người tìm một chỗ bên bờ suối ngồi nghỉ. Chàng trai Thổ lấy từ trong tay nải ra ba ống cơm lam và một gói muối vừng. Chàng đưa cho ông già trước, rồi mới đến thợ Hai.
Ông già, chính là Thợ Cả. Ông loay hoay chưa biết cách bóc cơm lam nào. Chàng trai Thổ cầm con dao ngắn vừa chẻ vỏ ống cơm lam vừa nói một câu tiếng Thổ. Thợ cả nhắc:
– Bây giờ còn trong đất châu Vị Long nói tiếng Thổ bớt dần đi. Khi về xuôi nhớ không nói nữa. Nghe thấy tiếng Thổ có thể họ sẽ sinh nghi, bắt nộp quan, rắc rối to.
Chàng trai Thổ tạt vào ven đường bứt mấy tàu lá dong trải lên phiến đá, rồi đổ muối vừng ra. Cả ba quây lại quanh cái mâm bằng lá, bẻ cơm lam chấm muối ăn. Chừng một nửa ống cơm, thợ cả đã có vẻ ngắc ngứ. Tạng ông không ưa của nếp. Chàng trai Thổ nói:
– Chỉ được ăn cơm lam bữa này nữa thôi. Mai ngày xuống đồng bằng làm gì có. Ông cố ăn lấy sức mà đi.
Thợ Cả vẫn không dùng hết phần của mình, để mẩu cơm lại, đứng lên vục nước suối uống. Chàng trai Thổ tên Heng đã ăn xong, nhìn mẩu cơm tiếc rẻ lại cầm lên ăn nốt. Cơm nước xong xuôi, nải ai nấy khoắc họ bắt đầu lên đèo. Thợ Hai:
– Có chuyện gì vui vui kể đi.
Chàng trai Thổ nháy nháy mắt về phía thợ cả ra ý ngại. Không ngờ ông già tán thưởng ngay:
– Nói đi cho vui miệng vui chân.
Chàng trai Thổ cười cười nói dượm:
– Chỉ có chuyện đàn bà con gái mới vui.
– Thì cứ nói, có ai lạ đâu mà phải ngượng.
Chàng ta hắng giọng nói:
– Tôi kể một chuyện vui của người Thổ. Có một anh chàng mới lấy vợ. Mỗi đêm hai ba lần nằm lên bụng vợ vẫn chưa hết thèm. Cô vợ người phờ phạc nhưng không biết làm thế nào. Một hôm vừa đi chợ về, trời nóng nực, mồ hôi đầy người, chưa kịp đặt gánh xuống anh chồng đã đòi. Bực quá, cô ta nói bừa rằng lúc đi qua suối cái ấy rơi mất rồi còn đâu nữa mà đòi. Có muốn thì ra đấy mà tìm. Anh chồng tưởng thật vội chạy ra suối mò. Thoát được chồng, cô vợ mới đi lo cơm canh, rồi tắm rửa sạch sẽ đâu đấy. Vừa lúc anh chồng từ suối về vẻ mặt hớn hở, hai tay cầm hai con trai to kềnh. Đưa trai cho vợ anh ta nói, thấy rồi, những hai cái. Cô vợ cười mỉm cầm nó vào buồng, giả như trả về chỗ cũ. Ăn cơm xong là anh chàng đòi ngay. Cô vợ đã qua được cơn mệt nên bằng lòng. Phải chờ đợi lâu nên anh ta làm hùng hục như trâu húc mả. Anh ta nói với vợ: làm cái đánh rơi sướng thật. Cô vợ nhịn cười nói: Những hai cái làm sao không sướng. Anh chồng: Từ mai cứ đánh rơi để tôi đi mò.
Thợ hai hỏi:
– Chàng có đi mò không?
Cả bọn cười vang. Chàng vui miệng kể tiếp những câu chuyện cười của người Thổ. Họ đã đang ở lưng chừng Đèo Lửa. Con đèo cao nhất án ngữ đường vào Vị Long. Triền từ về châu lỵ lên dốc đứng, nhiều khúc gấp thành thử đi chóng mệt. Sang đến bên kia, triền xuôi nam thoải dài tới mấy dặm. Đến đoạn đường gấp khủy tay, chàng trai Thổ nói:
– Nghỉ chút nữa lấy sức, rồi đi một hồi dài là tới đỉnh.
Hai người kia đều mệt liền dừng cả lại. Đứng đây nhìn về chân đèo phía châu Vị Long cảnh sắc bày ra như một bức tranh. Nắng rực rỡ, cánh đồng với những thửa ruộng bậc thang đủ mọi hình dạng dài ngắn chen nhau. Đây đó vài chòm cây cọ giống những chiếc ô đứng lặng giữa đồng. Con đường vào làng màu nâu, phân cánh đồng làm hai nửa. Nơi cuối đồng về phía Đông là những ngôi nhà mái lá cọ màu xám nhạt, lửng lơ làn khói lam mờ. Đấy là bản Khuổi Trang. Dưới mái nhà kia, cô vợ trẻ của chàng giờ này chắc đã về đồng đang nhóm lửa nấu cơm trưa. Mẹ chàng địu cháu ra suối cắt về những cây rau cải tươi xanh. Chàng vừa kể chuyện vui đấy, phút chốc bỗng trở nên thờ thẫn, hồn vía phiêu diêu nơi những thửa ruộng, cánh rừng, con suối… Mẹ con bà cháu đang sống yên lành dưới mái nhà đầm ấm thì bỗng có lệnh đòi chàng về châu. Cứ tưởng bị vu tội trộm cướp, hay tụ tập chống lại Thổ Ty, mẹ anh một mực kêu oan. Đến châu mới hay Quằng giao cho đi cùng người Kinh về xuôi để mua thứ hàng gì thấy bảo là quốc cấm. Quằng còn nói, chàng là người khỏe mạnh, tháo vát, đời ông đã theo Thổ Ty đi công việc về xuôi. Là nói thế chứ khi chàng lớn lên đâu thấy mặt ông. Làm sao được ông truyền bảo cho về xuôi phải ăn nói đi đứng thế nào. Lệnh của Thổ Ty, người trong châu ai dám chống lại bao giờ.
Ông già thợ cả hiểu nỗi lòng người bạn trẻ đồng hành. Hãy để chàng ta ngoái nhìn quê hương làng bản lần nữa. Cuộc đời có biết bao nhiêu bất trắc rình rập phía trước. Ai dám chắc chuyến đi này có được ngày về. Còn bao nhiêu năm tháng nữa mới đến ngày ấy nếu có. Lúc bấy giờ liệu còn tay vững chân mạnh hay thân tàn ma dại lê bước như con chó bị đánh què. Tâm trạng của chàng trai Thổ, thợ cả đã nếm trải. Không riêng chàng trai Thổ cả chàng thợ hai mỗi bước đi trong lòng đều cảm thấy bất an. Sẽ là dang dở cho việc của Thổ Ty và cả đám thợ. Còn mối tình chớm nở …
Rồi cũng đến lúc họ phải cất bước. Cả bọn im lặng gắng sức lên đèo, lòng nặng trĩu. Chàng trai Thổ đôi mắt hoe hoe. Trong đầu Thợ cả hình dung ra con đường xa lắc. Từ bến Bạch Hạc sang đò lớn sông Cái hai ngày hai đêm cập bến Bồ Đề. Còn qua tỉnh Nam mới đi Thanh. Về Thanh nhưng chẳng thể ghé Đông Sơn. Khi ra đi lén lút nay việc chưa thành biết nói thế nào. Chẳng lẽ nói dối là đã tìm thấy mỏ, trong lúc đợi xin phép quan sở tại nên về xuôi mua muối mắm dùng dài ngày. Thôi đành tránh làng đi con đường khác. Rồi ra có hay không một lần đặt chân về làng. Lan man nghĩ đến chuyện kỳ thạch. Có thể tìm thấy. Chỉ lo số bạc lần nữa, cho vào bị cói mà đeo. Gỡ được một nút rối tưởng đã có thể chợp mắt thì một nút khác lại đã hiện ra, soắn suýt, chằng chịt, khó gỡ hơn. Thổ Ty gả em gái cho con mình, cấp ruộng tốt, trâu khỏe để làm ăn biến bọn thợ đúc thành người Thổ ăn đời ở kiếp chốn sơn lâm. Có nhà cửa trâu ruộng, ăn ở coi là sung túc, lúc dời quê ra đi cũng không mong gì hơn thế. Cái ơn lớn lắm, phải ghi nhớ mãi. Chiều thuận như thế. Còn chiều ngược.
Hai năm sống trên đất Vị Long, xem xét động tĩnh của Thổ Ty thấy nào đúc vạc đồng mười hai ngăn làm linh vật, nào chiêu mộ luyện tập dân binh, nào dạo mua ngựa tốt, giờ lại tìm đúc tên cứng. Cái ý mưu bá đồ vương, hùng cứ một phương không chịu qui phục triều đình ngày một rõ ràng. Việc ta đi mua kỳ thạch mà thành chẳng phải đã là giúp vào đó một tay hay sao. Dân binh của Thổ Ty dẫu có đông, sản vật của một châu Vị Long dẫu có nhiều nhưng bì sao được với quân triều đình. Thổ Ty chống với nhà vua khác nào trứng chọi đá. Sớm muộn gì không tránh khỏi bại vong. Lúc bấy giờ hình quan truy xét ra thì cả cha con anh em mắc vào tội đại nghịch, cả làng cả họ tránh sao khỏi án chu di. Nhưng nếu ta không làm hẳn Thổ Ty sẽ chẳng để yên cho con trai và các người anh em. Nghĩ đến đó, việc đi tìm kỳ thạch vốn đã là sự cưỡng ép, niềm tin không mấy nay càng trở nên nao núng. Sự nao núng ngày một lớn dần. Có lẽ nào ta lao tâm khổ tứ lặn lội nơi rừng thiêng nước độc để nhận lấy kết cục thảm khốc ấy, kết cục không làm rạng danh cho làng mà còn trở thành chuyện trong thiên hạ mãi về sau.
Mỗi người trong số họ ý nghĩ miên man như kẻ mộng du lâu sau mới tỉnh, lầm lũi xuống đèo, bước chân nặng như bị buộc đá.
7.
Ngày thứ ba họ đến phố Bạch Hạc bên bờ sông Cái. Nhà cửa sát bờ sông, phần nhiều bằng tre, gỗ. Chỉ có dăm bảy nhà gạch. Chắc của quan lại và người buôn gỗ. Dặn hai chàng trai ngồi nghỉ chỗ gốc gạo cạnh ngã ba đường, Thợ Cả nói:
– Chờ tôi đi tìm nhà trọ. Một đêm nay ta ngủ trên bờ nữa thôi. Mai ngồi thuyền khỏi phải đi bộ mỏi chân, đỡ mệt, lại tránh được nhiều sự bị xét hỏi.
Chàng trai Thổ gần như không nói để tránh người khác phát hiện thấy giọng lạ. Lâu lâu chàng nài Thợ Hai kể chuyện vui cho đỡ sốt ruột.
– Kể thì kể, nhưng chỉ được nghe, không được hỏi lại. – Được.
– Làng nọ có chàng Ngốc. Đêm đầu tiên chàng ta cứ dí cái của mình vào rốn vợ. Hôm sau vợ đem chuyện kể với mẹ đẻ. Người mẹ dặn, lấy mỡ bôi lên bụng từ rốn trở xuống xuống. Cô vợ theo làm lời mẹ. Đêm đến lại như hôm trước, vừa đặt lên bụng vợ thì cái của chàng tuột vào của vợ. Cô ả mừng thầm phen này ăn chắc. Chẳng ngờ chàng Ngốc tưởng mình làm vợ thủng bụng, sợ quá vội vùng dậy chạy tuốt ra đường. Chạy mãi đến khi mệt quá mới dám đứng lại. Cô vợ không được được sung sướng vừa tức vừa buồn cười. Hai ba ngày sau chàng ngốc lần mò về làng nghe ngóng. Gặp ai cũng hỏi mấy hôm nay làng có đám tang nào không. Người nào được hỏi cũng nói, có ai chết đâu. Chàng ngốc đánh bạo về nhà thấy vợ vẫn sống nhăn răng mới thật hoàn hồn.
Chàng trai Thổ hỏi:
– Sau vợ chồng họ có làm được cái kia không?
– Đã dặn không được hỏi kia mà.
– Thôi không hỏi, kể đi.
Tối đến, cô vợ vẫn làm mẹo cũ, khi cái của chồng tuột vào cô ta liền ôm chặt lấy không cho chàng Ngốc vùng dậy nữa.
Cả hai phá ra cười, một phút quên đi những nỗi phiền muộn.
Tìm được nhà trọ, thợ cả dạo quanh phố chợ mua vài thứ lặt vặt. Ông chột dạ thấy quân lính lố nhố, có cả quân kỵ, ngựa chạy rầm rập bụi mù phố sá. Để ý thấy mỗi phố có đến hai chỗ gác. Giả làm bộ nghễnh ngãng thợ cả hỏi một người bán nước chè:
– Chẳng hay quan lính đi đánh dẹp phương nào mà đông làm vậy? Người này có vẻ thông tỏ:
– Nhà ông không biết sao là quân triều đình đi đánh Thổ Ty châu Vị Long trên mạn ngược. Nghe đâu ông ta liên kết với người Nam Chiếu kháng mệnh nhà Vua, không chịu nộp thuế. Thế nên nhà Vua mới cất quân đi hỏi tội.
Nghe đến đó Thợ Cả bủn rủn chân tay nhưng cố làm ra vẻ như không có chuyện gì, hỏi thêm:
– Quân triều đình trú lại phố ta bao ngày nữa? – Chắc độ hai ngày. Này nhé, từ kinh đô lên Hạc đã ba ngày, tất phải nghỉ độ một hai ngày mới đi tiếp. Quân lính đông thế này giá rau quả cá thịt bỗng chốc tăng lên trông thấy. Mong cho quan quân mau chóng lên ngược, phố phường trở lại bình an. Mà thôi ông đi đi đừng hỏi nữa. Ngộ nhỡ có người trông thấy nghi là kẻ gian dò xét binh tình mà bắt lại thì khốn. Chỉ chờ câu nói ấy thợ cả vội quay gót rảo bước. Trở lại chỗ gốc gạo, thợ cả giật áo nói nhỏ bảo hai chàng trai cùng về nhà trọ ngay.
Dưới ánh đèn dầu lạc khêu nhỏ, thợ cả kể lại vắn tắt sự tình cho hai người kia biết, rồi nói với chàng trai Thổ:
– Bây giờ chàng ngủ đi, chớ có ra ngoài nữa, để lão với thợ hai nghe ngóng thêm sẽ liệu bề lui tới. Ông già cùng thợ hai khép cửa đi ra bờ sông Cái. Những lời người dân bên đường nói làm ông rối trí, phải đến một nơi vắng vẻ để trấn tĩnh và bàn tính với người cùng làng. Bao nhiêu câu hỏi hiện lên. Ta có nên đem bàn với chàng trai Thổ? Ngộ nhỡ anh ta không chịu theo? Hay bảo anh ta lẻn trốn đi. Nhưng nếu để một người miền núi lớ ngớ giữa đồng bằng chỉ một hai ngày là bị bắt. Chàng ta cũng như con cháu mình. Chẳng qua tại số trời gắn buộc với mình, tại Thổ Ty bắt buộc nên phải đi thôi. Ở nhà mẹ già, vợ trẻ, con dại ngày đêm ngóng đợi chàng về với họ. Những người dân quê miền ngược ấy cũng giống người miền xuôi, họ có tội gì đâu.
Gió sông se se phả lên mùi tre nứa ngâm ngai ngái. Quê ông cũng ở bên con sông, là con sông Mã suốt năm cuồn cuộn. Sông không lớn thế này nhưng cùng đủ mênh mang và có vẻ hùng vĩ, dữ dằn hơn. Gió sông mát mẻ quạt ráo mồ hôi do lo sợ quá túa ra ướt đầm lưng áo lúc nào không biết. Tâm trí ông đỡ mù mịt đôi phần. Ông thì thầm với người đồng hương:
– Tình thế này xem ra là không thể đi tiếp được. Bởi chưng bác cháu ta thế là mắc vào trọng tội mất rồi. Là tội đồng lõa với kẻ phản nghịch chống lại triều đình. Có lẽ phải nói chàng trai Thổ rõ hết mọi lẽ an nguy mà cùng theo cách của ta.
– Thổ Ty cho người đi cùng vừa để thúc dục vừa theo dõi bác cháu ta, lại nắm lấy bí mật chỗ mua kỳ thạch nữa. Tuy thế trước lẽ sống chết chắc chàng ta cũng sẽ nhận ra mà nghe theo.
Bàn bạc đồng thuận được với nhau, hai người trở về nhà trọ. Nhìn chàng trai Thổ ngủ ngon lành. Thật đáng thương, anh ta đâu biết mối hiểm nguy đang kề cận. Ông già nằm ngửa nhìn lên trần nhà. Chiếc đèn treo trên tường leo lét tuồng sắp tắt. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng thạch sùng tắc muỗi. Trằn trọc mãi không chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng. Suy đi tính lại, nên thế này, lại nên thế kia. Đều là những sự nguy hiểm đến với mình. Chừng đến canh hai ông già mới thiếp đi.
Pháp trường đông nghịt. Người người chen lấn cố nghển cao để xem cho rõ. Hai cha con, thợ bạn, thợ hai, bị trói mỗi người một cọc. Cả đứa cháu nội của ông mới ba tuổi lẫm chẫm cũng bị dẫn ra đứng cạnh cha. Đao phủ mặc áo đen, quần đen, quấn khăn đen, tay lăm lăm thanh đao to bản, lưỡi sáng lóa. Chốc chốc hắn ta lại khua đao làm phát ra tiếng lạt sạt rợn người. Tiếng chiêng buông chậm rãi rầu rĩ như từ âm phủ vọng về. Chợt một hồi trống lệnh gắt gỏng, tiếng quan giám trường lạnh lùng ra lệnh xử trảm. Đầu con trai ông rơi xuống bãi cỏ, máu loang đỏ một vùng. Ông già thét lên một tiếng kinh hoàng. Cả ba người cùng thức. Ông già mồ hôi đẫm áo, không dám kể lại ác mộng với hai người trẻ. Sau giấc mơ khủng khiếp ông càng dứt khoát hành động theo cách của mình. Không thể ngủ tiếp, thợ cả nhẩm những lời sẽ nói chỗ cửa quan ngày mai sao cho trôi chảy, thông thoát.
Sáng ra cả bọn dậy sớm. Ăn sáng, thợ cả trả tiền trọ tiền cơm, cảm ơn nhà chủ xong cùng nhau ra bến sông. Chàng trai Thổ cứ ngỡ sẽ xuống thuyền đi tiếp nhưng thấy ông già dẫn đến một chỗ vắng người, bảo họ chụm lại gần, nói:
– Sự thể gay go lắm. Trên phố đâu đâu cũng có chỗ gác xét hỏi người qua lại. Bọn ta khó có thể đi lọt. Giả như ta có đi thoát rồi ra biết về đâu. Bởi lẽ Triều đình cất quân rầm rầm rộ rộ như thế dân binh của Thổ Ty chống sao nổi. Ta có lấy được kỳ thạch cũng khó quay về. Cho là về được đi chăng nữa, lúc bấy giờ Thổ Ty làm gì còn ngồi được ở chức châu mục?
Chàng trai Thổ hiểu ra tỏ vẻ lo lắng:
– Vậy ông tính thế nào?
– Chỉ còn cách ra đầu thú may ra mới thoát khỏi tội chết.
– Đã theo vào đến đây, mọi việc cháu xin nghe ông.
– Chàng đã hiểu rõ tình thế không oán trách gì ta. Vậy cứ để mặc già định liệu.
Họ đến một trạm gác, ông già nói với lính canh: – Chúng tôi có người miền ngược muốn bẩm báo lên quan trên nội tình nơi ấy. Nhìn bộ dạng chàng trai Thổ, lính canh tin ông già liền gọi đổi gác tự dẫn đi tiếp. Qua hai trạm nữa, cuối cùng cả bọn bị đưa sân một ngôi nhà lớn. Lúc sau một vị quan mặc võ phục oai phong từ trong nhà bước ra. Đó chính là Dực Thánh Vương. Người dẫn giải bảo họ lạy. Cả bọn nhất nhất làm theo.
Ông già lần lượt khai tên họ, tuổi tác quê quán từng người. Sau đó cứ sự thực kể lại từ khi lên ngược tìm mỏ, bị bắt nộp cho Thổ Ty; việc Thổ Ty sai đi mua kỳ thạch đúc mũi tên, đến khi gặp đại quân thì bàn nhau ra thú tội, mong được khoan hồng.
Dực Thánh Vương nét mặt không đổi, thỉnh thoảng hỏi cắt ngang. Khi ông già đã khai hết, Dực Thánh Vương hỏi:
– Chàng trai Thổ có biết nói tiếng Kinh không? – Bẩm đại quan, anh ta nghe được nhưng nói thì chậm. Dực Thánh Vương lại hỏi:
– Những điều ông nói có đúng sự thật không? Nếu các người dối trá tội sẽ càng nặng hơn. Chàng trai Thổ:
– Bẩm quan, ông già nói thật cả không có gì gian trá. Xin đại quan tha cho vì lệnh của Thổ Ty mà phải làm thôi.
PHÙ NINH
(Còn tiếp)