Người con gái Thăng Long – Tiểu thuyết lịch sử của Phù Ninh – Kỳ 2

Vanvn- Dực Thánh Vương mỉm cười nghĩ, người miền cao khéo ăn nói lại biết lấy lòng lắm lắm. Nhìn cô gái Thổ trẻ măng e thẹn Vương toan muốn nhận. Lại nghĩ, dân chúng sẽ chê cười cho là thắng trận lấy thê thiếp. Ham muốn lấy gái Thổ bây giờ không thể, đành phải gác lại.

Nhà văn Phù Ninh

VĂN HỌC TUYÊN QUANG:

>> Vũ Xuân Tửu – Những viên đạn đá găm vào tiểu thuyết

>> Thơ Đinh Công Thủy: Ngày mở ra như một hành trình

>> Người con gái Thăng Long – Tiểu thuyết Phù Ninh – Kỳ 1

>> Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy

>> Tuyên Quang vùng đất giàu truyền thống thơ ca

>> Vũ Xuân Tửu – Người chuyên viết về nỗi buồn nhưng lấp lánh niềm vui

>> Tuyên Quang trao tặng Giải thưởng Tân Trào

>> Nhà thơ Cao Xuân Thái: Như hoa tàn hoa nở để ta tin

>> Nhà văn “Ma làng”

>> Văn học dân gian Tuyên Quang

>> Đinh Công Diệp một đời “phiêu” cùng chữ nghĩa

>> Văn học hiện đại Tuyên Quang: Từ 1946 đến nay

>> Thơ Mai Liễu: Một đời tôi vẫn người của núi

>> Phù Ninh – Đôi vai kẽo kẹt nợ đời

>> Tuyên Quang – Vùng đất cổ giàu bản sắc văn hoá

 8.

Bảy ngày sau khi rời kinh đô Thăng Long. Hai quân thủy bộ hội ở bến Tam Kỳ trấn Tuyên Quang. Dực Thánh Vương tâu:

– Thần đi đường bộ đến trước đã hai ngày. Ba hôm trước ở bến Bạch Hạc có một ông già dẫn theo hai người trẻ đến xin đầu thú. Ông già khai rằng hai năm trước bố con anh em liều vào châu ấy định tìm mỏ đồng. Mỏ chưa tìm được đã bị tù trưởng sở tại nộp lên Thổ Ty. Khi biết họ có nghề đúc đồng, Thổ Ty sai họ đúc một một chiếc vạc lớn bảo là để làm linh vật. Sau lại sai người Thợ Cả xuống đồng bằng tìm mua chất kỳ thạch đem về chế đồng thau đúc mũi tên. Lại sợ họ không trở lại nên cho một người Thổ đi cùng để tiện bề thông tin tức. Thấy quân quan triều đình trẩy ngược, dò hỏi biết là nhà vua đi hỏi tội kẻ phản nghịch, ông già sợ tội chu di nên ra đầu thú. Thần xin dẫn họ ra để hỏi về đường đi lối lại.

Toán người tìm kỳ thạch bị giải vào dưới trướng. Dực Thánh Vương chỉ tay vào chàng trai Thổ nói:

– Người dân Thổ này nói được tiếng kinh kỳ. Nhà Vua hỏi:

– Từ đây đi đường thủy đến châu lỵ mất bao nhiêu ngày? Các ngươi phải nói thật, không được dối trá.

thợ cả phủ phục thưa:

– Tâu bệ hạ, thảo dân ham bạc mà dấn thân vào chốn núi rừng lam chướng này, cúi xin bệ hạ tha tội. Thảo dân có đi lại trong châu ấy thấy thuyền chở muối cập bến châu lỵ nhưng không rõ từ đây đi mất mấy ngày.

Lại hỏi:

– Người Thổ kia có biết không?

Chàng trai Thổ cũng làm theo thợ cả quỳ xuống, thưa:

– Dạ bẩm con chưa từng đi thuyền bao giờ, chỉ biết đi bè đi mảng xuôi dòng mất ba ngày.

Nhà Vua ra hiệu cho dẫn ba người đi. Khi họ ra khỏi, Nhà Vua nói với Dực Thánh Vương:

– Vậy lại cứ hai đường thủy bộ mà tiến. Gặp quân kia chặn đường, trước là chiêu dụ nói rõ phải trái, hẹn ngày giờ lui binh. Nhược bằng cố tình chống cự mới khởi chiến. Tránh đuổi đến cùng. Bắt được quân lính tránh sát hại, kể cả những đứa chưa chịu hàng. Tránh làm chủ tướng của chúng bị thương, tốt nhất dùng kế mà bắt. Quân vào châu lỵ nghiêm cấm cướp bóc của dân, nghiêm cấm tròng ghẹo đàn bà con gái. Kẻ nào bất tuân quân lệnh tất giết không tha. Lấy người mới bắt được cho theo sang đạo quân thủy để tiện việc hỏi đường.

Theo lệnh, ông già thợ cả và thợ hai được dẫn xuống thuyền. Chàng trai Thổ theo quân của Dực Thánh Vương. Hai quân cùng lúc khởi hành, đường thủy ngược sông Lô, đường bộ cùng hướng tiếp tục tiến về Vị Long.

Dực Thánh Vương tiến quân đến chân Đèo Lửa gặp địa hình hiểm trở buộc phải thận trọng. Vương bèn cho hạ trại, truyền lệnh canh phòng cẩn mật. Một mặt phái toán do thám đi vào sâu đất Vị Long. Ba người lính đem theo muối, thuốc lào cải trang làm dân buôn vượt sang bên kia đèo. Đến một bản ở chân đèo, họ vào ngôi nhà to nhất. Hóa ra là nhà trưởng bản. Chủ nhà hỏi:

– Đang lúc binh đao thế này, các người vào đây dò la tin tức hay sao?

– Không, chúng tôi đi buôn.

– Buôn gì? hàng đâu sao không thấy?

– Buôn muối, hàng còn để bên kia đèo. Chỉ mang theo một ít chào hàng.

– Một cân bao nhiêu?

– Năm tiền. Thấp hơn không bán.

Thỏa thuận giá cả xong, bọn giả lái buôn, bán trước cho chủ nhà hai cân làm tin. Một người lân la hỏi:

– Chẳng hay quân nào với quân nào đánh nhau mà xẩy trận mạc thế?

– Là quân của Thổ Ty với quân triều đình.

– Thật may chúng tôi vào được đến đây, nếu không có khi người thì bị bắt, hàng thì bị tịch thu. Hai bên đánh nhau, rồi ra chẳng biết thắng thua thế nào.

– Quân triều đình từ xa đến nhiều ít không rõ. Quân Thổ Ty dễ có đến mấy nghìn. Hà Chương em trai Thổ Ty với hai trăm Thổ binh trong tay trấn giữ trên Đèo Lửa. Chiếm giữ đèo cao, quân giỏi cung nỏ, quân triều đình e khó vượt qua được.

– Đang lúc binh lửa chẳng cần nhiều muối sao. Ông hãy mua cả món của chúng tôi rồi bán lại lấy lời.

– Được mang hết sang đây.

Bọn giả buôn muối đi ra, hẹn ngày trở lại.

Mặt trời nằm ngang đỉnh núi phía tây. Rừng già nhiều cổ thụ phủ bóng âm u tưởng như đêm xuống. Bọn do thám tìm cách luồn rừng về doanh trại trước khi trời tối. Sau khi nghe quân do thám bẩm báo tình hình, Dực Thánh Vương triệu các tướng dưới quyền đến bàn định. Vương nói:

– Sự tình này ta đã đoán từ khi xuất quân. Thổ Ty sẽ cho quân trấn giữ những nơi hiểm yếu hoặc đèo cao trên đường bộ, hoặc ghềnh thác trên đường thủy. Một tướng nói:

– Quân kia cậy vào thế chiếm giữ đèo cao, thông thuộc địa hình chắc lơ là phòng bị. Bỉ chức nghĩ rằng nên dùng một đạo quân tinh nhuệ dáo ngắn đoản đao, ngựa buộc mõm, người ngậm tăm, canh hai âm thầm tiến đến, diệt lính canh xông thẳng vào dinh trướng bắt sống chủ tướng. Thừa thắng đại quân ta ồ ạt đánh vào châu lỵ, Trác Tuấn tất không chạy thoát.

Dực Thánh Vương nói: – Theo kế ấy có thể nắm chắc phần thắng. Song nhà Vua đã tuyên rằng, xuất chinh lần này không lấy võ công làm trọng mà chính là chinh phục lòng người. Trước phải làm cho kẻ kia phân rõ chính tà, cực chẳng đã mới dùng đến gươm đao. Vậy nên các tướng phải bảo ban quân sĩ khi xông trận không ra tay sát phạt, không hành hạ Thổ binh, nhẹ tay với kẻ đã đầu hàng, không được làm kinh động dân tình. Đêm nay nghỉ ngơi lấy sức, canh gác cẩn mật đề phòng quân kia đánh úp.

Trời sáng rõ, mây núi tản quang, tiếng loa truyền từ chân đèo:

– Dực Thánh Vương vâng mệnh triều đình lệnh cho Hà Chương cầm đầu Thổ binh châu Vị Long hãy mau triệt thoái khỏi đèo, báo về cho châu mục sắp sẵn tiền bạc lâm. Hẹn cho chậm nhất đến giờ Thìn phải mở đường để ta tiến về châu lỵ. Lệnh không tuân tất sẽ bị trừng phạt. Vài nghìn tay cung nỏ chống sao nổi binh mã hàng vạn của triều đình.

Tiếng loa ngừng. Trời lặng gió, cây cỏ im phắc. Không cả tiếng chim hót. Hai bên trận tuyến âm thầm chuẩn bị giáp chiến.

Bóng nắng báo đã quá giờ Thìn. Dực Thánh Vương cho một đội tiền quân mặc giáp che khiên theo đường mòn tiến lên đèo khiêu chiến. Những đội khác chia nhiều toán xuyên rừng mà đi. Từ trên đỉnh đèo Hà Chương chỉ huy Thổ binh bắn xuống từng chặp một nhằm ngăn cản bước tiến quân triều đình. Những mũi tên tre chạm phải khiên đồng rơi lả tả.

Dực Thánh Vương xuống lệnh:

– Tiền quân tiến cầm chừng vừa để tiêu hao mũi tên của Thổ binh vừa đợi đại quân xuyên rừng bao vây đỉnh đèo từ phía bên kia. Thấy quân triều đình tiến chậm Hà Chương tính rằng Dực Thánh Vương sợ mai phục liền cho Thổ binh tràn xuống giáp chiến. Không ngờ trúng kế, một số Thổ binh bị bắt. Thổ binh càng đánh càng lộ rõ thế yếu. Tên tre bắn không gây nhiều sát thương, quân triều đình càng lúc càng tiến gần đỉnh đèo. Thổ binh mất dần nhuệ khí. Liệu thế chống không nổi, Hà Chương liền ra lệnh rút lui chỉ để lại một đội nhỏ tiếp tục bắn tên làm kế nghi binh. Thấy tên nỏ bắn xuống thưa dần, Dực Thánh Vương đoán là Thổ binh đã rút lui bèn lệnh cho toàn quân nhanh chóng lên đèo. Đội Thổ binh cố thủ trên đỉnh đèo quân ít, tên hết, thấy bị vây từ ba phía đành đầu hàng. Tất cả bị trói lại. Dực Thánh Vương truyền cho đại quân không đuổi gấp, đề phòng Hà Chương dùng kế mai phục. Về đến chân đèo bên kia, thấy quân triều đình không truy kích ráo riết Hà Chương cũng cho Thổ binh nghỉ lại lấy sức, sai người phi ngựa đưa tin gấp về châu lỵ.

9.

Trong khi người của Hà Chương còn trên đường thì trưởng bản Tấu ở chân Đèo Lửa phóng ngựa cấp báo tin dữ rằng Hà Chương và Thổ binh thua trận đang bỏ chạy. Thổ Ty cho gọi chú là Hà Đốc, em họ là Hà Đạt đến bàn bạc. Thổ Ty nói:

– Hiện quân triều đình đang thẳng tiến về châu lỵ ta tính thế nào?

Hà Đốc nói:

– Hà Chương cứng cỏi thế mà không giữ nổi lấy một ngày thì rõ là quân triều đình thế như nước vỡ bờ. Ta còn ngờ chưa chừng có người thông tin tức dẫn lối đưa đường. Cả hai điều này đều rất bất lợi cho ta. Bây giờ nếu tiếp tục đánh nữa sợ khó thắng nổi. Chi bằng xin hàng là hơn, tuân theo lệ cũ mà nộp cống thuế.

Thổ Ty dục hỏi :

– Còn ý chú Đạt?

– Lúc binh mã còn mạnh đã hàng là một cách, lúc thế cùng lực kiệt mới hàng là một cách.

Hà Chương gắt: – Đều là hàng cả có gì khác nhau.

Hà Đạt:

– Có đấy, chưa thua mà hàng có thể đặt ra điều kiện này nọ. Thua trận phải hàng khó thoát khỏi bị cầm tù.

Trác Tuấn nói:

– Đánh không thắng, hàng thì bị bắt vậy chỉ còn đường chạy. Đường đất châu ta núi rừng rậm rạp khe suối rịt ràng kẻ kia dễ gì đuổi được. Một mặt cho chạy ngựa báo chú Chương không về châu lỵ nữa, hãy đi đường tắt giữ lấy Đèo Lai. Nhất Đèo Lai thứ hai Đèo Lửa. Mất Đèo Lửa ta còn Đèo Lai. Một mặt trong chiều nay đem gia quyến lập tức chạy cả lên Thổ Bình, làm kế cỏ rạp gặp gió.

Nói xong cả ba đứng lên ai nấy về nhà gấp gáp tập hợp thổ binh, sửa soạn ngựa chiến, ngựa thồ.

Giờ Dậu, Thổ binh hộ tống gia tộc họ Hà ra khỏi châu lỵ. Vừa đi, Hà Đốc bàn:

– Con nhím một hang là con nhím dễ bị bắt. Chạy cùng một đường thế này lỡ chẳng may không thoát là cả họ bị diệt. Vậy hãy cho tản ra lẩn vào các bản ven đường. Người chạy vào bản này bị bắt còn người chạy ở bản khác. Quân triều đình sức đâu mà lùng khắp các bản.

Hai nhà văn Phù Ninh (bên phải) và Trung Trung Đỉnh

Thổ Ty cho là phải, lệnh cho làm theo lời Hà Đốc, tự mình cầm đầu Thổ binh chạy về Đèo Lai để hợp quân với Hà Chương.

Trời sẩm tối, quân tướng đến chân đèo, Thổ binh của Hà Chương tới trước lục tục hạ trại. Đội chặn hậu báo về là quân triều đình đóng lại châu lỵ. Thấy quãng cách hai quân còn xa, Thổ Ty cho binh lính lấy rơm rạ lợp lều lán, cắt cử canh gác phòng bị, nấu cơm tối. Sau bữa ăn, anh em họp bàn kế sách. Ngọn nến nhựa trám được đốt lên treo trên cành cây. Thổ Ty hỏi Hà Chương:

– Chú là người khí phách hùng hổ sao chưa đánh đã chạy?

– Triều đình đông quân là một nhẽ nhưng thua trận bởi tên tre của ta bắn vào thứ khiên đồng giáp sắt không làm xây sát gì. Quân triều đình thẳng tiến như đi vào chỗ không người. Nếu cố đánh chắc đã bị bắt sống hết cả, nói gì chạy được về đây.

Thổ Ty dậm chân nói như gào:

– Khiên đồng giáp sắt! Ta đã trù tính đến mũi tên đồng thau để chế ngự. Nhưng bây giờ mấy người đi tìm kỳ thạch mất tăm mất tích. Họ đã chết hay xiêu dạt ở phương nào ai mà biết được. Vậy binh mã của chú thiệt hại bao nhiêu?

– Số rút lui khoảng ba mươi đứa bị thương, số chết không đáng kể. Chỉ có hai mươi đứa ở lại đánh nghi binh chắc là bị bắt cả, không đứa nào thoát nổi.

Cả hai im lặng hồi lâu theo đuổi ý nghĩ của mình. Hà Chương gạt tàn cho ngọn nến sáng thêm, nói:

– Dầu gì cũng phải giữ lấy cơ nghiệp họ Hà. Ngày mai, khi trời sáng anh đem số ít Thổ binh lên Thổ Bình rồi trà trộn vào dân làng để sống cho qua đận này. Quân triều đình không thể đóng lâu ở nơi xa kinh đô rồi sẽ phải rút đi. Lúc đó anh trở về khôi phục cơ nghiệp. Tôi ở lại Đèo Lai xem tình thế ra sao sẽ liệu.

Thổ Ty ngẫm nghĩ mãi không tìm ra mưu gì hay hơn, nói:

– Thôi vẫn phải dùng kế tránh cơn gió mạnh vậy.

Bàn xong ai về trại nấy.

Đêm mùa đông miền rừng như được phủ bằng tấm chăn màu trắng. Rải rác chân đèo những đám lửa bập bùng do Thổ binh đốt lên sưởi cho đỡ lạnh. Bên đám lửa chỗ có tảng đá lớn là tốp Thổ binh làng Tạc. Người Thổ binh lớn tuổi nhất hút thuốc lào điếu này sang điếu khác. Người trẻ tuổi hơn nói:

– Sao anh không nằm ngủ lấy một lúc.

Người lớn tuổi đáp:

– Mắt cứ chong chong chẳng thấy giấc ngủ về cho. Bụng lo mẹ già ngã sàn gãy tay hàng ngày không có người cõng xuống bãi đại tiện. Chỉ mong đừng đánh nhau để được về nhà.

Người trẻ nói:

– Cung nỏ để bắn con hươu con nai lấy thịt ăn còn được chứ bắn người thì không nên chút nào. Quân triều đình đông như nước chảy, khiên đồng bền vững, giáp sắt, tên sắt cứng mạnh thổ binh ta làm sao đánh nổi. Phải chi có ai hiến cho Thổ Ty kế giảng hòa thì tốt biết mấy.

Người lớn tuổi vẻ ngao ngán:

– Cả như dân thường chúng ta đâu xảy chuyện binh đao. Đằng Nhà Vua thì muốn đất rộng dân đông thu được nhiều thuế chất đầy kho đụn, Nhà Thổ Ty muốn làm chúa một vùng không chịu qui phục, thế là đem quân đánh nhau. Có chết chóc thương vong cũng chỉ là quân lính với Thổ binh, Nhà Vua, Nhà Chúa chẳng mảy may sứt đầu mẻ trán.

Trác Tuấn về trại lòng dạ như có lửa, nghĩ đến cơ nghiệp tổ tông truyền lại nay bỗng chốc tiêu tan, một mình buồn rầu đi trong bóng đêm thành ra câu chuyện các thổ binh nói với nhau lọt cả vào tai. Thao thức toan tính mãi thành ra khó ngủ, khi gà gáy sang canh mới thiếp đi.

Hà Chương thấy trời sáng mà Thổ Ty chưa đi bèn sang trại. Hà Tuấn nằm trên sạp nứa, dáng mệt mỏi, thanh gươm một bên. Phút chốc Hà Chương ân hận về ý muốn tranh ngôi Thổ Ty với anh. Ngôi vị càng cao trách nhiệm càng lớn, quyền uy đâu phải có được dễ dàng. Mình chỉ có thể cầm quân trận mạc, không đủ mưu lược làm chúa. Đang định đánh thức anh thì Trác Tuấn giật mình vùng dậy, tay giữ chặt chuôi gươm, nét mặt căng thẳng. Nhận ra Hà Chương, Trác Tuấn bình tĩnh lại nói:

– Sau lúc bàn, đêm qua về tôi nghĩ lại để chú lại giữ Đèo Lai cũng không phải là kế vạn toàn. Trước sau chú đánh cũng không lại với quân triều đình. Kết cục là sẽ bị diệt, bị thương hoặc bị bắt. Vậy nên tôi tính thế này, ta xuống các bản lấy thêm người dồn sức lại đặt nhiều bẫy đá trên đèo này. Việc xong cả anh em ta kéo nhau đi, chú để lại hai chục đứa dũng mãnh, đợi quân triều đình lên đèo thì giật bẫy rồi chạy. Quân kia dính bẫy đá tất bị thương vong nhiều không dám đuổi tiếp.

Hà Chương cho là kế hay, liền đốc thúc Thổ Binh làm ngay. Một mặt Trác Tuấn xuống bản gọi người. Trong hai ngày mấy chục bẫy đá làm xong chờ sẵn trên đèo. Thấy chưa có động tĩnh truy đuổi Tuấn và Chương còn ở lại đèo, chưa rút đi Thổ Bình.

10.

Quân của Dực Thánh Vương vào châu lỵ dễ dàng. Toán do thám trình lên:

– Anh em Thổ Ty đem gia quyến thuộc hạ chạy lên cả phía Bắc. Có một đội phục binh đặt bẫy đá ở Đèo Lai. Dực thánh Vương không truy đuổi, đóng trại đợi thủy quân của nhà Vua, ngày đêm thân đi đốc thúc canh phòng để tránh bị Trác Tuấn tập kích bất ngờ. Vương ban bố mệnh lệnh cấm quân sĩ không được cướp bóc của cải, dọa nạt dân; không được chòng ghẹo đàn bà con gái.

Buổi sáng ngày thứ hai, Trưởng lão sở tại đến xin ra mắt Dực Thánh Vương. Trưởng lão nói:

– Thổ Ty bản châu lú lẫn mạo phạm đến oai trời, nay đã chạy xa không dám ngoái đầu lại. Chúng dân sở tại cử lão đến chúc mừng chủ tướng cùng đại quân xin được che chở cho yên phận làm ăn. Lòng thành dâng lên chủ tướng chút lễ mọn là sản vật chốn núi rừng. Sau nữa dâng cô gái Thổ, vốn con nhà lành để giải sầu khi trận mạc.

Dực Thánh Vương mỉm cười nghĩ, người miền cao khéo ăn nói lại biết lấy lòng lắm lắm. Nhìn cô gái Thổ trẻ măng e thẹn Vương toan muốn nhận. Lại nghĩ, dân chúng sẽ chê cười cho là thắng trận lấy thê thiếp. Ham muốn lấy gái Thổ bây giờ không thể, đành phải gác lại. Vương nói:

– Sợ rằng con gái miền ngược theo về xuôi không quen làm ăn. Hãy về gả chồng sớm đi cho có nơi có chốn.

Nói rồi bèn thưởng tiền lụa cho Trưởng lão.

Trưởng lão cùng người con gái lạy tạ ra về. Cô gái mừng rỡ, thế là thoát không phải xa quê hương bầu bạn đi làm thiếp hầu nơi xứ lạ.

Hai ngày sau quân thủy của Nhà Vua mới tới, Dực Thánh Vương ra bến sông đón vào châu lỵ. Nhà vua lệnh cho xuống bản mời người già cả trong lên triều kiến, dặn dò là nhất thiết không để họ phải lo sợ.

Người già các bản nghe Nhà Vua cho vời phần lo sợ, phần hiếu kỳ, cuối cùng dắt nhau đến đủ cả. Nhà Vua mặc áo vải, cho hết lính cấm vệ ra ngoài, chỉ để các văn thần cùng dự. Bước vào sảnh, các cụ phủ lạy cung chúc Nhà Vua an khang vạn thọ. Nhà Vua cảm ơn, sai văn thần đỡ dậy. Đợi cho các bậc cao niên bớt nỗi nghi ngại, Nhà Vua nói:

– Trẫm có lời chúc sức khỏe các cụ, xin chớ lấy gì làm lo lắng. Nay trẫm cất quân từ kinh thành xa xôi đến đây không phải để đánh dẹp bắt bớ thần dân của mình mà trước là để cho người Tống biết sức mạnh của dân Nam, đừng coi thường mà gây chuyện binh đao. Sau là bảo cho Thổ Ty châu Vị Long chớ bỏ cốt nhục mà kết bè với người ngoài hòng tính chuyện kia khác. Trẫm hỏi các bậc cao niên câu này, nếu châu lộ nào cũng như Vị Long thì khi giặc ngoài vào xâm lấn trẫm lấy đâu ra dũng tướng quân mạnh giáo cứng cung tốt để đánh lại. Nước đã về tay giặc liệu phủ lỵ này còn giữ được không? của cải mọi nhà có bị cướp đi không? trai tráng có bị bắt đi phu dịch ngoài biên ải hay không? Vị trưởng lão hôm trước ra mắt Dực Thánh Vương nói:

– Chúng dân biết tội, xin Bệ hạ gia ân.

Vì vậy sau khi trẫm hồi kinh, các bậc cao niên hãy khuyên can Thổ Ty họ Hà bỏ đường tối, theo đường sáng, quy thuận triều đình, cùng nhau giữ gìn cương giới để trăm họ yên ổn làm ăn. Được như thế là trẫm vui lòng.

Liền đó nhà Vua tặng mỗi phụ lão một tấm lụa hai thước để may áo. Các phụ lão đồng thanh hứa làm theo lời nhà Vua.

Ngày hôm sau quân triều đình dương cờ hiệu, chia hai đạo thủy bộ rút khỏi châu lỵ.

11 .

Quân do thám báo tin về là quân, triều đình đã rút. Hà Chương nói:

– Bất lợi về lương thảo, triều đình rút quân là việc ta nắm được từ trước. Nhân thời cơ này nếu ta đuổi theo đánh một trận tất sẽ thắng to. Để Nhà Vua bỏ thói thúc ép tuế cống chẳng phải là việc hay lắm sao!

Trác Tuấn bụng muốn đánh nhưng còn lưỡng lự:

– Trước hãy thu thập Thổ binh quay về lấy lại châu lỵ đã.

Hà Chương nói :

– Đã quyết phải đánh ngay trước khi quân triều đình qua Đèo Lửa. Tôi đã một lần thất trận, nay muốn đòi lại món nợ chính tại nơi này.

Nghe khẩu khí của Hà Chương, Trác Tuấn nói:

– Vậy chú đi trước làm tiền quân.

Lập tức lệnh cho Thổ Binh chỉnh đốn cung nỏ gươm giáo tiến về châu lỵ. Sĩ khí trong quân lấy lại được tám chín phần.

Đêm ấy Trác Tuấn về châu lỵ, hôm sau cùng Hà Chương khởi hết quân mã bản bộ truy kích. Đuổi đến chân Đèo Lửa thì gặp hậu quân của Dực Thánh Vương. Hai bên giao chiến ngay chân đèo, mạn bắc. Thế trận đã được bày trước, Dực Thánh Vương bèn đổi hậu quân làm tiền quân từ trên lưng đèo đánh trở lại. Thổ Binh của Hà Cương lại gặp phải thế bất lợi như lần trước. Mũi tên tre không cản được quân triều đình có khiên đồng che ngực. Trong khi mũi tên sắt đủ sức xuyên thủng khiên gỗ khiến nhiều Thổ Binh bị sát thương. Núng thế, Trác Tuấn bèn khua chiêng trống ra hiệu cho Hà Chương lui quân, nhanh chóng quay về giữ châu lỵ. Anh em Trác Tuấn, Hà Chương vừa lui được vài ba dặm, bất ngờ thấy quân triều đình dàn hàng ngang phía trước, lại thấy cả nghi trượng của Nhà Vua. Trác Tuấn giật mình biết là trúng kế. Cùng lúc Dực Thánh Vương thúc quân đánh mạnh. Anh em Trác Tuấn, Hà Cương bị kẹp ở giữa, phía đèo Lửa là cánh quân của Dực Thánh Vương, phía châu lỵ là đại quân của Nhà Vua. Dực Thánh Vương gọi to:

– Cả hai đường đều đã bị chặn, Hà Trác Tuấn xuống ngựa hàng đi sẽ được tha chết.

Trác Tuấn ra hiệu cho Hà Cương cùng xuống ngựa, rồi bất ngờ chạy tạt vào rừng. Thổ binh phần lớn nộp cung tên giáo mác qui hàng, số ít chạy theo hộ vệ chủ tướng.

Dực Thánh Vương hô to:

– Đuổi theo không để anh em Tuấn, Chương chạy thoát.

Chúng băng rừng đạp gai truy đuổi. Trác Tuấn, Hà Chương mỗi người một ngả. Cả hai đều vốn có sức khỏe, lại thông thuộc đường rừng nên sải bước rất nhanh. Trác Tuấn chạy sắp khuất tầm mắt toán quân đuổi phía sau, nhưng vừa lúc đó lại gặp một toán chặn phía trước. Trác Tuấn đứng lại tựa lưng vào gốc cây vung gươm gạt những mũi tên bắn đến. Vẫn có mũi tên trúng vào cánh tay, máu chảy thấm áo. Dực Thánh Vương đuổi tới đánh bay gươm của Tuấn. Chúng xô lại bắt được. Lúc sau, ở một hướng khác Hà Chương vướng phải dây rừng vấp ngã cũng bị bắt. Hai viên bại tướng được giải đến doanh trướng của nhà Vua vừa dựng ở chân đèo. Trước tiên Vua sai thầy thuốc trong quân bắng bó vết thương cho Trác Tuấn, lại ban hai bại tướng mỗi người một chén nước sâm uống cho lại sức. Nhà Vua nghĩ, lúc này phẫn khí còn hăng nên chưa phán hỏi phân xử điều gì.

Trác Tuấn, Hà Cương cùng hơn mười Tốt, Lữ trưởng bị giam trong cùng một lều bạt. Tất cả đều bị trói tay quặt về đằng sau. Trác Tuấn và Chương mỗi người lúc nào cũng có hai lính gác. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau. Trác Tuấn vẻ bình thản chờ đón kết cục. Hà Chương nỗi hận hiện trên nét mặt. Đâu ngờ nhà Vua thong dong tiến quân lập mưu để anh em Thổ Ty sập bẫy.

Nguyên là trước đó nhà Vua và Dực Thánh Vương trương cờ lui quân để nhử Trác Tuấn đuổi theo. Thủy quân quay lại ngay trong đêm, đổ bộ chặn phía sau, án ngữ đường lui của Thổ binh còn Dực Thánh Vương từ trên đèo phía trước đánh xuống. Chung qui vẫn là do tính hiếu thắng, nếu không sao đến nỗi chịu bị trói chờ đưa đi xử trảm. Đám Tốt, Lữ trưởng lặng lẽ đợi cái chết sẽ đến muộn nhất là khi trời sáng.

Trời đất như trêu ngươi những kẻ bại trận. Gà gáy mấy lần, đợi mãi trời chưa sáng. Đằng nào cũng chẳng thoát, chết sớm đi cho khỏi phải lo, một Lữ trưởng nói.

Giờ Thìn, cả bọn được giải đến bản doanh của nhà Vua. Dực Thánh Vương cùng nhiều quan võ nét mặt nghiêm nghị đứng chầu. Nhà Vua ban lệnh cởi trói. Cả bọn quì xuống nghe chỉ:

– Nay ta thân đến nơi này để khuyến bảo cho các ngươi rõ, Vị Long là đất của Đại Việt, người Thổ, người Mán cũng như người Kinh đều là dân Đại Việt. Kẻ nào ngông cuồng nuôi mộng cát cứ, rắp tâm liên kết với ngoại bang tức là mang tội đại nghịch. Các ngươi không biết sao? Đi theo ngoại bang khác nào đem thịt nuôi hổ đói. Đến khi mắc vào vòng cương tỏa hỏi thoát ra sao nổi. Xét các ngươi nông nổi nhất thời bị Trác Tuấn sai khiến nên tha cho Hà Chương cùng các Lữ trưởng, Tốt trưởng. Đặc ân cho Hà Chương thay anh cai quản châu lỵ được giữ lại một ngàn Thổ binh cùng khí giới.

– Chúng tội thần đời đời cảm ân đức của Bệ hạ.

– Các ngươi đứng cả lên đi. Hà Chương nghe cho rõ đây. Cầm quyền cai quản phải khuyến dụ dân chúng chăm chỉ làm ăn, không bỏ ruộng hoang, nghiêm trị trộm cướp, cờ bạc. Hạn trong ba tháng phải nộp đủ số thuế hằng năm. Tất cả thổ binh còn lại nộp cung nỏ gươm dáo vào quân khố rồi cho về nhà làm ăn. Riêng kẻ cầm đầu Trác Tuấn đưa xuống thuyền đem về kinh đô xét xử.

Trác Tuấn lạy tạ.

PHÙ NINH

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *