Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 1

Vanvn- Nhà văn Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952, quê quán ở Đan Hà, Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông đã xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 4 tập thơ, 2 tiểu thuyết, 4 tập truyện ký, 2 tập truyện ngắn, 3 tập tản văn và được trao Giải thưởng Cuộc thi Bút ký năm 2002-2003 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn và ký năm 2012 của Tạp chí Cửa Việt, 3 lần được Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tặng thưởng cho tác phẩm xuất sắc của năm.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân

Vào năm 1972, Nguyễn Trọng Luân đang học năm thứ 3 Khoa Cơ khí, Đại học Cơ điện Thái Nguyên thì nhận lệnh động viên. Sau chiến tranh Nguyễn Trọng Luân về trường cũ hoàn thành chương trình đại học. Những năm quân ngũ, ông chiến đầu trong đội hình sư 320 ở mặt trận Tây Nguyên, giữ chức vụ tiểu đội trưởng trinh sát, một vị trị mà trọng trách đòi hỏi phẩm chất của người chỉ huy cũng như sự thành thục nghiệp vụ điều-nghiên của lính trơn; bởi liên quan trực tiếp đến xương máu đồng đội và thành bại mỗi trận đánh của đơn vị.

Trong chiến cuộc đã tàn, có hàng ngàn hàng vạn người tiểu đội trưởng trinh sát, kí ức xương máu giờ đây đôi khi là cơn mê sảng hoặc vụt lộ rời vụn trong mỗi cuộc gặp cựu binh; Nhưng với Nguyễn Trọng Luân thì khác, phận số ông đã lĩnh nhiệm phải trở thành nhà văn để kể lại nghiệm sinh của thế hệ sinh viên Bắc Việt vào trận. Một biểu tượng tuyệt sinh đối cho Tổ quốc tồn sinh.

Đó là lý do tại sao tác phẩm của Nguyễn Trọng Luân đều chuyên biệt về chiến tranh. Ông tường trình một thứ văn xuôi, không quá cầu kỳ, nhưng đủ tinh tế,  giàu cảm xúc, ám, gợi, từ những chi tiết xác thực mà chỉ người trong cuộc mới thấm trải, gieo vào lòng người đọc những ngẫm suy buồn nhiều hơn vui. Một giá trị buồn, khiến người ta trở nên sâu sắc, thức tỉnh hơn với hiện tại. Ấy là những tác phẩm của Nguyễn Trọng Luân. Vanvn.vn trân trọng xin dẫn trích giới thiệu tiểu thuyết “Bình minh phía trước” của nhà văn Nguyễn Trọng Luân do NXB Quân Đội Nhân Dân ấn hành tháng 8.2023.

 

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 3

>> Bình minh phía trước – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Luân – Kỳ 2

 

Chương 12

 

Tháng 9 Mưa liên miên cứ như mưa rào tháng 7 âm lịch ngoài Bắc. Lá cây dính vào nhau không thể gỡ được ra. Dưới đất những thảm lá khô bấy lên ẩm mục, hôi xì. Những con kì nhông ôm thân cây chớp chớp mắt rình những con mối con kiến đang vội vã bò đi trú nước mưa. Mùa mưa, rừng Tây Nguyên luôn có một thứ mùi hôi hôi như quần áo lâu không giặt.

Những lớp lá khô gặp mưa lâu ngày mục dần trở thành thứ thức ăn cho hàng triệu con mối con giun và lũ tê tê lò dò đi bắt mối. Thi thoảng có ngày tạnh mưa chợt nắng lên là cả cánh rừng bốc hơi như khói. Những vạt đồi mùa khô đầy hoa dã quỳ hoa trinh nữ nay bốc lên cái mùi khai khai dai dẳng. Ở những rãnh phân thủy vẫn có những loại cây trông như cây riềng le lói hoa đỏ. Những bông hoa như cái nắm tay trẻ con mới đẻ. Mỡ màng yếu ớt. Càng mưa cái màu đỏ của loại hoa rriềng rừng này càng ánh lên nhóng nhánh. Ở kiềng c7 hầm nào cũng đầy nước và những con giun chết trương phềnh tái nhợt. Những cái hố đào xuống ở một góc hầm để làm chỗ tích nước mưa đầy ứ. Lính múc nước ở cái hố ấy đổ ra không kịp. Những cái sạp nứa trải trong hầm lem nhem bùn. Thằng Nhớn và thằng Hoan hì hụi tát nước bằng hai cái mũ sắt lính ngụy. Trung đội trưởng Phiến ngó vào hầm dặn dò. Mưa thế càng phải tăng cường cảnh giới đấy nhá. Bọn lính thám báo hay lợi dụng trời mưa mà xâm nhập vào chốt của mình rồi chỉ điểm cho pháo bắn. Nhớn nói cụt lủn. Rõ.

Trời càng mưa phía ta thì càng hay đi cải thiện. Đi cải thiện rất hay mò vào sát các ấp các bản. Ở đấy dễ gặp nhiều thứ rau hay quả hoặc măng tre. Những năm 1972 , 1973 mặt trận không vận chuyển được lương thực vào khiến quân ta đói. Lại có những đận xe chở lương thực từ tây nam về cao nguyên không có gạo mà toàn là đậu xanh. Chịu không thể hiểu đậu xanh ở đâu ra mà nhiều thế. Lính ta cứ đổ cho bọn lái xe vận chuyển nhầm. Lúc đầu ăn đậu xanh thấy ngon thế. Đã vài ba năm nay từ ngày rời quê hương miền Bắc đã ai được ăn canh đậu xanh, đã ai được ăn rá đỗ. Nay thì không có gạo cả tiểu đoàn cứ hết đồ xôi rồi lại nấu cháo đậu. Các tiểu đội ngâm rá đỗ rồi hì hụi ăn rá muối chua, canh rá, rá sào. Không có cơm ăn toàn đậu xanh hàng tuần liền bụng sôi rào rào. Thằng Hoan chả biết nghe ai mà nó bảo với thằng Nhớn, đấy nhá mày ăn rá đỗ nhiều quá quần mày ướt hết cả kia kìa. Thằng Nhớn cãi. Tao vừa bị té nước mưa vào đấy chứ. Cả hầm cười phá lên rồi hỏi thằng Hoan. Sao mày biết ăn rá đỗ nhiều thì ướt quần. Thằng Hoan cười he he. Mày hỏi tao thì tao biết hỏi ai? Nhưng tao nghe nói đậu xanh bổ lắm đấy nó tốt cho cái đường sinh lí sinh sản nghe chửa. Chúng nó trầm ngâm. Vậy mà chết thì phí đậu xanh quá. Nói rồi cả bọn cười hinh hích.

Mưa ra rả. Phiến lo lắng nhìn ra ngoài trời. Phía Thanh An có tiếng nổ đề pa ùng ùng. Tiếng đạn pháo réo eo éo qua đầu. Trái phá nổ rõ là xa thế mà lá cây cũng rung lên, nước mưa rơi rào rào. Đại trưởng chùm cái áo mưa rách ngắn đến ngang lưng cái mũ tai bèo nước rỏ từng dòng xuống cổ. Phiến ơi! Thằng Đấu đi cải thiện về chưa? Phiến chột dạ Chưa đại trưởng ạ. Đại đội trưởng chạy ngược trở ra. Phiến vội xách súng chạy theo. Trên hầm c bộ đang có cả ba b trưởng mặt mũi lo lắng. Chính trị viên phổ biến vội. Do mưa liên tục nên con suối ngăn kiềng tiểu đoàn với đường đi ra kiềng tăng gia lũ rất to. Theo bộ đội địa phương phổ biến những trận lũ ống đã từng diễn ra ở vùng này vào những năm 1969 , 1970 rất khủng khiếp. Điện thoại từ kiềng tăng gia báo về tiểu đoàn là có hai chiến sĩ gùi hai gùi rau sắn đã về từ trưa. Đại đội trưởng nói tiếp. Như vậy rất có thể hai đồng chí của đại đội ta mắc kẹt ở cơn lũ này. Cầu mong cho họ biết trèo lên cây cao hay không đi vào dòng lũ ống.

Trở về trung đội Phiến gọi Nhớn đi cùng mình. Đêm xuống rồi. Rừng trơn đất cứ bết lên dép. Mò mẫm mãi người mệt nhoài mới ra đến con suối kiềng tăng gia. Con suối lũ dữ thế mà nay đã cạn như thường. Những thân gỗ mục rác rưởi ràn rạt hai bờ suối có những chỗ dồn ứ lại. Đêm như đen quánh lại. Hai anh em mò mẫm dọc con suối. Thỉnh thoảng dừng lại, ngồi xuống rồi khẽ gọi. Đấu ơi. Cứ thế quá nửa đêm hai thằng mệt quá ôm gốc cây ngủ gật trong khi muỗi bám u u. Cho đến mờ sáng thì Phiến tìm thấy Đấu nằm chết mắc vào một ngọn cây sung chốc gốc. Thằng Đấu vẫn ôm gùi rau sắn. Mắt nó mở trừng trừng da nó bợt bạt. Trời sáng hẳn và mưa cũng đã tạnh. Hai người mang Đấu lên bờ chặt lá chuối rừng để Đấu nằm đó để làm cáng khiêng về. Những ngày tháng mưa rào đi câu cá trộm ở ao hợp tác xã lại hiện lên. Những ngày còn trẻ con hai đứa cùng chăn trâu cắt cỏ với nhau. Phiến vào đại học còn Đấu ở lại quê sản xuất. Chiến tranh lại làm cho những đứa trẻ cùng quê về cùng một đội ngũ và trớ trêu thay chiến tranh không bao giờ sắp xếp những nấm mồ theo thứ tự tuổi tác hay quê hương. Nấm mồ chiến sĩ hy sinh nào cũng như một cái nôi trẻ thơ úp ngược.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Tìm suốt một tuần lễ mà không thấy người lính già làm anh nuôi trên tiểu đoàn bộ. Có nhẽ anh ấy mắc vào một hốc đá nào không nổi lên được. Mà đã bị mắc trong hầm đá dưới suối dưới sông thì quá đau lòng. Là một lính sinh viên nên trung đội trưởng Phiến hay cả nghĩ. Rồi mai đây giấy báo tử của người anh nuôi ấy sẽ ghi thế nào? Vẫn viết là chôn ở nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận hay sao? Những cái chết vô tình rất đỗi bình thường nhưng đằng sau nó là cả một nỗi không bình thường.

Trung đội trưởng Phiến mấy hôm nay như người mất hồn. Chôn thằng Đấu rồi bó rau sắn nó mang về muối đã chua khẳn lên mà chả ai dám nấu.

Đại đội gọi Phiến lên đả thông. Đồng chí là người cùng làng với đồng chí Đấu lại có họ hàng với nhau càng phải quán triệt cho thấu đáo. Sự hy sinh nào cũng là đóng góp xương máu cho kháng chiến thành công. Chúng tôi giao một số kỉ vật như thư từ, múi dù hoa và cái cát tút đạn 20 ly mà Đấu đã làm thành cối giã trầu cho mẹ. Còn chuyện này đồng chí là B trưởng cũng nên quán triệt tư tưởng. Có bộ quần áo và cuộn dây dép của đồng chí Đấu thì đại đội giữ lại bổ sung cho anh em đang thiếu thốn.

Ngoài trời vẫn mưa rinh rích. Nỗi buồn như những hạt mưa mùa hạ gõ vào cái vỏ đạn pháo làm vại nước ngoài cửa hầm nhoi nhói buốt. Ở chiến trường không có thứ tình nào sâu nặng như tình cảm người cùng làng. Chỉ nhìn thấy người cùng làng thôi là mỗi người lính như thấy làng mình hiện lên, thấy như mình đang ngồi bên cha mẹ anh em và những bữa cơm dưới mái nhà tranh thanh bình.

Hai tháng sau, trung đội của Phiến có đợt quân bổ sung toàn lính Phú Thọ. Lính mới vào đến chiến trường vừa mười tám tuổi rưỡi. Đánh nhau hùi hụi vài tháng sau chú nào cũng già khú đế. Có anh nhà văn nào đấy bảo là lính ta già theo mỗi chiến công nghe cũng có lí. Phiến nhìn lính của mình và nhẩm trong đầu từng người từng đặc tính nết ăn nết ở nết đánh đấm, để mà giao nhiệm vụ cho họ. Lính vùng cao như Hà Giang Cao Bằng chậm và ít sốt rét hơn lính miền xuôi. Lính từ nông thôn đi có vẻ sốt rét cũng đỡ vật vã hơn lính học trò, lính sinh viên đại học và lính thành phố. Dần dần, đánh trận một thời gian thì lính nào cũng như nhau về mặt sốt rét, nghĩa là anh nào cũng như anh nào cũng rất có thể từ sốt thường tiến tới ác tính. Sốt ác tính là rất có thể sẽ ra đi.

Trung đội bám địch trên dãy 784 vừa mới khiêng thằng Bàng Thông người Lâm Thao đi viện Trung đoàn ở tuyến sau vì nó sốt lơ mơ mà tay huơ huơ như đứa trẻ con đi bắt chuồn chuồn. Trung trưởng Phiến báo về đại đội cho người lên khiêng thằng Thông đi viện ngay. Buộc cái võng để khiêng thằng Thông đi mà thấy khai khắm khú. Thì ra những cơn sốt rét đã làm nó đã đái cả ra võng. Thế mà cũng phải già một ngày mới ra đến viện. Lúc đi từ trên núi cáng còn nặng. Lúc đến viện cáng nhẹ hều. Chỉ nguyên trên đường đi viện thằng Thông hao có nhẽ đến vài kí. Ra đến viện mấy thằng khiêng Thông cúi xuống nói đủ nghe. Thôi, ở lại đây vài ngày cắt sốt thì về với chúng tao Thông nhé. Anh Phiến gửi cho mày lạng đường đây này. Chúng tao nhét trong cóc ba lô của mày rồi. Thông lờ đờ ứa ra giọt nước mắt. Mấy chú lính vội vã biến vào cánh rừng lồ ô đi như chạy về phía trận địa. Thông chìm vào giấc ngủ mơ màng như rơi từ trên cao xuống. Ở cái viện này ai cũng có cảm giác suối chảy ào ạt xung quanh lán bệnh nhân và rất nhiều chim chóc hót rền rĩ.

Hôm sau Thông tỉnh táo hơn. Đầu đang đau thon thót bỗng như rỗng tuếch khiến cả khối óc như quả bóng lá chuối sọc xoạch va vào vỏ sọ. Nằm trên giường quay nghiêng đầu là buốt cả đầu. Càng xê dịch càng thấy đau. Đau đến cả từng sợi tóc từng cái mụn ruồi cũng buốt nhoi nhói. Có người nói, sốt rét là nỗi đau tình ái của thần rừng, là nỗi khốn khổ trong cái không gian màu sắc hoang mang lơ mơ hụt hẫng của con người bị sốt. Đến ông Thần rừng cũng sốt và khi sốt thì màu rừng xanh bỗng trở nên toàn màu vàng. Trên đời này chỉ có động vật trong rừng sâu nó mới không sốt. Mà kỳ thật con người cũng không hiểu thú vật nó có sốt hay không? Vì con người chỉ tiếp xúc với thú rừng khi nó đã bị bắn hay bị bẫy chết. Con thú nó gần với rừng nó gần thiên nhiên rừng rú hơn nên có thể nó không sốt, còn con người thứ động vật siêu đẳng mới phải sốt. Sốt để thấy trời vàng ểnh, nước vàng tái, cây cối vàng thiu vàng thỉu. Nhìn đồng đội xung quanh,thấy ai cũng vàng nhun nhủn. Khi sốt, màu sắc cảm nhận được đều có mùi đó là mùi mồ hôi và ngay cả cái mùi cũng mềm oằn oặt. Người sốt rét nhiều quá nước tiểu vàng hươm, mắt vàng, da dẻ vàng, đến cái lưỡi cũng vàng khè bừa bựa. Đến khi bị cơn sốt chuyển thành ác tính thì da không vàng được nữa mà chuyển sang trắng ngai ngái như sáp ong, đôi mắt đờ dại, đi đái không ra nước tiểu, mà ra cặn nước lẫn máu tươi. Thế rồi chết mà cứ mở mắt trừng trừng. Nhiều kiểu sốt lắm. Sốt liên miên ngày này qua ngày khác. Sốt cách nhật là loại sốt công tử, ngày sốt ngày không. Sốt có khi chỉ về đêm, nên rất ghét bóng đêm. Có người chỉ sốt ban ngày. Có người cứ 1 giờ chiều là sốt và những người ấy luôn căm ghét buổi chiều, chỉ mong mau đến tối. Có người sốt là nôn. Nôn ọe váng cả rừng. Cứ phải ọe ầm ầm lên cho có cảm giác đỡ sốt. Nôn ra tiếng cũng là một cái thú của thằng sốt rét. Nhưng cũng có anh li bì nằm không một tiếng động. Có anh rên hừ hừ từ lúc sốt đến lúc cắt cơn. Rên đến mức võng đang lặng mà cũng đung đưa. Cái nhịp võng đung đưa theo tiếng rên của lính thật là hồn vía. Có anh rên thành bài, rên rất có nhịp điệu. Những bài rên não nùng, cảm giác như nếu mà không rên không đỡ sốt. Rên làm cho cái giường làm bằng tre nứa kêu cọt kẹt. Rên to đến nỗi muỗi không đốt được. Thôi thì rên chả có gì là xấu. Sốt rét mà rên cũng là sự tất nhiên, cũng như rừng thì phải xanh cây xanh lá.

Đã là lính Tây Nguyên thì tháng nào cũng phải sốt một lần. Cơn sốt cứ đến đúng theo chu kỳ tháng một lần hệt như đàn bà hành kinh. Chịu không hiểu sao lại thế. Lính ta chuẩn bị sốt là biết liền. Lúc ấy thấy người ăn khỏe hơn, bụng đói hơn, mà ăn cái gì cũng thấy ngon. Anh nào sốt cũng thèm của chua giống như gái ăn dở. Khốn nỗi người ngoài nhìn mấy anh sắp lên cơn sốt cứ như người giả vờ, mặt mũi ngoặt ngoẹo lử khử lừ khừ, mắt thì cứ vằn lên nhưng chân tay thì lười động đậy. Có anh hễ đã sốt là sốt tới 40, 41 độ và mồ hôi vã ra như tắm. Thế mà cắt sốt rất nhanh. Cũng có anh chỉ 38, 39 độ nhưng sốt liên miên vài ngày. Ai cũng như ai cắt sốt là ăn khoẻ như trâu. Nhưng lấy gì mà ăn cơ chứ. Chiến trường này là một vùng rừng đói, đói mê mẩn. Đói từ trên xuống dưới, đói toàn diện. Mà cơ thể yếu thì hay sinh bệnh nên càng đói càng dễ sốt. Thế là sốt xong cứ mò mẫm đi tìm cái mà ăn. Quanh khu vực bệnh viện của Trung đoàn, bệnh viện Sư đoàn đầy những cái bóng lính tráng run chân, run tay đi đào măng, tát suối… Sợ nhất là cơn sốt đầu tiên. Đang khỏe mạnh người sốt đổ sụp xuống rất nhanh. Càng to cao người sốt càng dễ gục. Càng những anh người thành phố càng dễ bị sốt ác tính. Còn mấy anh nhà quê nó chịu khổ nhiều rồi, nó lam lũ quen rồi thì có đỡ hơn.

Họ bảo sức đề kháng của người nhà quê tốt hơn, nên cái sự chống trả sốt rét cũng tốt hơn. Người sốt rét sợ nhất là đau đầu. Đau đầu từ khi sốt cho tới sau khi đã cắt cơn. Thậm chí khi cắt sốt rồi đau đầu còn tệ hơn, đau đến tận vài ngày sau. Đau đến mức có cảm giác đầu mình nó rỗng như có hai lớp vỏ, nó lỏng lẻo, nó lõng bõng lẫn cục sỏi trong đầu. Khi di chuyển trong óc có những hòn sỏi va vào vỏ sọ buốt nhói. Thế là kẻ sốt rét đi đứng không dám mạnh bạo, người rón rén co ro như con cuốc. Nhưng lính ta khi gần sốt là biết. Biết nên quyết tâm chống lại. Chỉ huy bảo với lính, phải đè những cơn sốt xuống không cho nó trỗi dậy. Không thể ngồi yên mà chịu chết vì nó. Biện pháp rất đơn giản là làm việc gì đó cho ra mồ hôi để quên rằng mình sẽ ốm. Vì thế mới có chuyện cán bộ biết lính sắp sốt rét liền phân công cho lính đi đào hầm. Đào xong cái hầm mồ hôi đổ túa ra khiến nhiều anh… hết sốt và quên sốt.

Nguyễn Trọng Luân thời chinh chiến

Sống ở Tây Nguyên vài năm không đếm được mỗi người đã uống bao nhiêu liều thuốc quy nin, đã chịu tiêm bao nhiêu ống thuốc vào mông đít và bao nhiêu lần nhìn thấy đồng đội mình bị sốt rét ác tính ra đi. Người ta bảo mọi thứ thuốc sốt rét đều là thứ thuốc rất độc, các trai trẻ cứ tự nguyện lùa những liều thuốc độc ấy vào người để chiến thắng sốt rét mà chiến đấu với kẻ thù. Không cần biết rồi nó sẽ ra sao sau này. Việc trước hết là chiến đấu chiến thắng kẻ thù. Người lính nào cũng từng nhìn thấy đồng đội mình bị áp xe mông vì thuốc tiêm Quinin. Những cái mông xẹp lép sau khi moi cả đống máu mủ và thịt thối rữa vì thứ thuốc sốt rét liều cao. Đã bao nhiêu người đã bị thọt chân vì áp xe mông, đi cứ nghiêng nghiêng một nửa người như sắp ngã xuống suối. Hầu như những người sốt rét nhiều quá anh nào cũng bị sa lá lách. Lính nào sa lá lách là bụng to như người chửa. Lính bụng to ở viện thường hay hỏi nhau mày sa độ mấy? sa lá lách độ 4 là nặng nhất có thể phải đưa ra hậu phương chữa trị. Loại bệnh này các cụ ta ngày xưa gọi là bụng báng. Còn những người sốt rét rừng các cụ gọi là ngã nước. Các cụ hay bảo, ngã nước rồi bị báng là dễ chết lắm. Những cái võng đung đưa cùng nhau đấy mà chả biết trên cái võng nào sẽ có thằng ác tính. Trong những cánh rừng chiến tranh cái chết cứ lởn vởn.

Vùng chiến địa cao nguyên có hai mùa khô mùa mưa trong đó có một khoảng giao mùa là lúc dễ dàng sinh bệnh. Nước độc, rắn độc, muỗi rừng, ở ăn trong hang trong hố lại thêm cái đói, cái suy kiệt dinh dưỡng, áo quần không đủ, khiến sốt rét Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh của người lính mới vào chiến trường. Lâu rồi thành quen. Lính ta bảo đến cái chết còn quen nữa là sốt rét. Người dân tộc Tây Nguyên khen bộ bộ đội chăm chỉ, khen bộ đội thương đồng bào, khen bộ đội bắn thằng giặc giỏi. Khen bộ đội quen chết. Cái gì bộ đội cũng quen. Quen đói, quen ốm đau, quen hát hay, quen cái chữ dạy đồng bào. Nghe đồng bào khen mà rớt cả nước mắt. Bộ đội quen tất tần tật. Đến cái chết cũng còn quen thì chả còn gì đáng sợ nữa. Môi thâm, rụng tóc, mắt kèm nhèm gầy gò là thương hiệu của lính B3. Dọc đường Trường Sơn nhìn lính đi trở ra là nhận biết được lính ở chiến trường nào, nhận ra lính nào là anh lính chiến đấu, anh nào hậu cần phục vụ, thậm chí rất dễ nhận ra những anh tụt tạt. Cũng trên con đường mang tên 559 ấy hễ thấy quần áo rách rưới gầy gò, da xám, môi thâm là lính B3. Sốt rét Tây Nguyên thành thương hiệu của lính B3. Một thứ thương hiệu buồn. Bàng Thông vào viện được hai hôm thì bắt đầu nằm rên li bì. Ngày thứ 3 nó hôn mê. Nó đái ra máu rồi nó đi. Lúc nó đi cái của quý của nó thẳng đơ nhả đạn ướt cả quần. Mấy y tá ở xê quân y bảo là nó thoát dương. Bản năng thằng người là thế. Cái thứ bản năng của những thanh niên chưa kịp làm người lớn thì đã hy sinh. Chiến tranh nó làm cho bao nhiêu người như thế ở khắp các chiến trường.

Dọc theo dãy núi Trường Sơn và trên mọi nẻo đường của chiến tranh có biết bao nhiêu nấm mồ người lính chết vì sốt rét. Chả có ai ghi trên nấm mồ chết trẻ ấy là chết sốt rét bao giờ. Cái chết nào cũng đau đớn thiệt hại cho quân mình đau đớn cho cha mẹ vợ con người lính ấy. Chết không có thấp cao. Những nấm mộ chiến sĩ và những nấm mồ sĩ quan đều hoang dại lạnh lẽo bên nhau. Ở chiến trường những nấm mồ không có cấp chức chỉ chung một cái tên liệt sĩ. Nếu con người mà phân biệt sự chết thấp cao ở chiến trường thì quả là sự nhẫn tâm. Sự phân biệt ấy chỉ làm yếu đi sức chiến đấu của người lính.

Mấy hôm sau, ở trên chốt trung đội trưởng Phiến thu dọn ở góc hầm có một cái túi ni lông bằng ruột rùa nước lính VNCH. Trong ấy có lá thư của thằng Thông gửi cho người yêu ở trường trung cấp Cơ khí ngành Giấy trên Bắc Thái. Nó viết là hi vọng sẽ quay trở lại với trường một ngày nào đấy, nó hi vọng sẽ về Phú Thọ quê nó có nhà máy giấy Việt Trì, nó sẽ góp phần làm ra những tờ giấy đẹp cho học trò quê nó và cả nước có giấy trắng tinh chứ không phải viết giấy đen hỉn như bây giờ nữa. Thằng Thông chết rồi chả có ai gửi lá thư này hộ nó. Lá thư ấy cũng nằm lại với vùng đất đỏ cao nguyên.

NGUYỄN TRỌNG LUÂN

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *