Khát vọng hoà bình

Vanvn- Ngày 25.11.2023 tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ giỗ tưởng niệm 73 nạn nhân vụ thảm sát năm 1969. Lần đầu tiên một đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã về đây dâng hương. Là người con của mảnh đất đau thương và anh hùng này, kỹ sư – doanh nhân – nhà văn Phan Đức Nhạn đã có bài viết xúc động, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các nhà văn tại bia tưởng niệm Khu Di tích lịch sử Bình Dương

Vụ thảm sát kinh hoàng ở Trảng Tràm vào mùa đông năm 1969 vẫn còn tái tê, lạnh buốt tới hôm nay. Bọn lính Rồng xanh vây ép dồn dân làng ra bãi cát, bắn xối xả, tàn sát 73 người dân vô tội, chỉ còn sót một mầm sống năm ngày tuổi thoi thóp được người mẹ che chở lẫn trong máu và xác người.

Mấy mươi năm chiến đấu, vùng đất và con người nơi đây có thêm trăm ngàn câu chuyện. Người Đảng viên tuổi hai mươi Phan Thị Nga hoạt động chìm trong khu dồn ở Bình Dương, chị bị quân địch phát hiện, theo dõi, bắt giữ. Biết được chị là đầu mối thông tin quan trọng về cơ sở cách mạng trong khu dồn nên chúng đã dùng mọi thủ đoạn, đưa tính mạng mẹ chị ra để đe doạ, dụ chị đầu hàng. Khi không lay chuyển được ý chí chiến đấu của chị, chúng đã bịt mắt bắn chị để gỡ đi một điểm kết nối của ta và uy hiếp người dân trong khu dồn. Trước họng súng quân thù, chị Phan Thị Nga từ chối bịt mắt để được nhìn thấy bà con làng xóm và bình thản giáp mặt với lưỡi hái tử thần. Bọn ác ôn lên đạn, chị hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Súng nổ chị ngã xuống mảnh đất quê hương, nhưng âm vang lời hô của người nữ anh hùng vẫn còn vọng mãi tới mai sau.

Nhân chứng Bốn Hê (đứng) và Phan Đức Nhạn – cậu bé sống sót trong vụ thảm sát Trảng Tràm năm xưa, đang “Kể chuyện Bình Dương” trong Chương trình “Khát vọng hòa bình”

Chị Hai Nhiên, xứng danh người con gái vùng cát. Tình yêu lứa đôi chị dành cho người cộng sản nằm vùng. Một lòng phục vụ nhân dân, tinh thần cách mạng chị dành cho quê hương đất nước. Một đời từng trải đắng cay, bao cực nhọc khó khăn, trái tim người mẹ đau đáu dành cho con tất thảy. Ngày thoát ly, chị gửi đứa con gái đầu lòng cho ông bà nội chăm chút, đứa út lên 5 chị gửi về nhà ngoại. Trên đường công tác, nhớ con chị tranh thủ về thăm. Giặc đánh hơi vây ráp bắt chị. Biết chị là vợ người lãnh đạo Cộng sản cấp tỉnh, chúng dụ hàng, bày trăm mưu, chị đáp bằng ngàn kế. Chúng gỡ khăn bịt mắt để chị ẵm con nhằm lung lay tinh thần người mẹ. Quyết không khai, tỉnh táo, tinh thông, chị chọn cái chết kiên trung, không làm kẻ đầu hàng. Giặc lên đạn, chúng bóp cò súng, chị hô vang Hồ Chí Minh muôn năm, đả đảo quân bán nước… máu chị phun ra thấm ướt con thơ…

Ông Mai Sáu đi trên sân bê tông dày hơn 10 cm, cạnh nhà giam, Nghe tiếng người kêu trong lòng đất, ngay dưới chân mình: Anh ơi! Anh cho tôi đi với. Ông Sáu đột ngột dừng lại. Ông đọc rõ họ tên người, quê quán từ miền Bắc vào. Tội quá, một xác người chết ngồi, bị trói chéo 2 tay ra sau lưng, họ bị chôn sống. Chiến tranh thật tàn khốc. Ông lấy miếng gạch vẽ lên nền bê tông một vòng tròn chừng nửa thước. Chúng tôi hì hục đục lớp bê tông. Ông Mai Sáu nhẹ nhàng đưa xác người lên đặt trên nền đất. Chúng tôi bàn hoàng kinh ngạc. Bằng phép màu nào mà một người mình trần mắt thịt như ông Mai Sáu lại nghe được tiếng gọi người âm, nhìn rõ thực tại được che khuất trong lòng đất?

Lễ giỗ tưởng niệm 73 nạn nhân vụ thảm sát năm 1969 ở Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam.

Tôi về Bình Dương nghe bà con kể chuyện, ngọn cờ Cách mạng vươn cao bởi tinh thần nhân dân có cội nguồn gốc rể. Sống là xứng đáng truyền thống cha ông. Chết là thành người bất tử. Vùng đất linh thiêng, nhân dân anh hùng. 11 di tích cấp tỉnh, 4.700 con người nằm xuống, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.347 liệt sĩ… Cái giá độc lập tự do được lượng hoá bằng xương bằng máu trên mảnh đất này để “Khát vọng hoà bình” hôm nay thấm vào gan ruột.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dâng hương tưởng niệm các nhạn nhân

Thời kháng chiến, các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Cao Duy Thảo từng đồng cam cộng khổ với nhân dân Bình Dương… ”

Mười năm sau chiến tranh, Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Gia Vi, Vũ Tú nam, Đoàn Giỏi, Trung Trung Đỉnh, Ý Nhi, Từ Sơn, Thanh Thảo, Trịnh Đường, Minh Tâm, Đào Xuân Quý… trở về nơi đây dựng tượng đài văn học. “Quê hương”, “Cát cháy”  rồi lại “Cát xanh”, “Hoa lông chông trên cát”’ Giọt nước Trường Giang …Mặt biển mặt trận”, “Gương mặt thách thức”, “Người đi dép một chân”… Ngô Thanh Dũng, Võ Truyền, Phan Đấu, Phan Toại, Phan Hoàng… Chị Nhờ, chị Nga, chị Cúc, Lê Quang Cảnh, Hồ Trượng, Phan Thanh Toán, Nguyễn Trung Thu và bao nhiêu lớp người nằm xuống vì ước mơ cao đẹp và khát vọng hoà bình… để nhà thơ Ý Nhi đã viết:

Những người còn sống khi đặt chân lên cát

Tưởng như mình chạm tới thịt xương

Cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân

Cát như máu hai mươi năm đã đổ

 

Tôi tìm đến những đền đài tưởng niệm

Nào hay đâu chỉ là cát ấy thôi

Hạt cát nào trong đáy mắt bỏng sôi

Đang lặng lẽ lan đi trên gò má.

Hôm nay cũng tại mảnh đất này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Năm cùng những người cầm bút tiêu biểu của đất nước trở về đây với tấm lòng thơm thảo. Dưới tấm thảm màu xanh phủ trên từng hạt cát hôm nay có cả mồ hôi, máu và nước mắt. Các anh lại đi, lại viết tiếp “khát vọng hoà bình” để nhân dân ngàn đời thấu được một ngày an yên quý giá biết nhường nào. Là người con lớn lên trên vùng đất linh thiêng này chúng tôi mãi quý trọng và luôn ghi nhớ…

Bình Dương – Quảng Nam tháng 11.23

PHAN ĐỨC NHẠN

Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *