Vanvn- “Những trống đồng từ lò Đông Sơn lưu lạc/ dấu ấn Việt Nam ra bốn biển lại quay về/ những chiếc trống sinh ra cho hội hè sao lấm máu chiến chinh/ nhắc những thuyền nhân: dù đến chân trời nào cũng chung một bọc”.
Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp sinh năm 1956, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội VHNT Thanh Hóa, hiện sống và viết báo, làm thơ tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã xuất bản 7 tập thơ, trong đó mới nhất là tập thơ Hành trình 6 (NXB Hội Nhà văn 2020) và được trao 5 Giải thưởng Lê Thánh Tông (Giải hàng năm của UBND tỉnh Thanh Hóa).
Đề từ cho tập thơ Hành trình 6, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đã viết: “Thơ trong tập thơ này có phổ suy tư khá rộng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thiêng liêng Tổ quốc đến trầm mặc những không gian văn hóa lịch sử, từ xung năng hấp lực tình yêu đôi lứa đến chộn rộn đa đoan cõi thế cuộc người. Hiển diện trong đây là một cái tôi đa sự và đa nghĩ, phong tình và phong trần”.

CHÁY BỎNG GIỌT THANH ÂM
… Những chiếc trống đồng Đông Sơn lưu lạc
từ 1500 năm, 2500 năm trước
nhà khảo cổ tìm trên đất Malai…
Trên đại dương
ngang dọc thuyền buôn thời cổ
những người Việt nào
ôm Trống đồng cặp bến bình yên?
Chiếc trống nào từng bạc tóc Mông – Nguyên
Chiếc trống nào ngủ yên dưới những cánh rừng thâm u Đại Việt
những đồng bằng đất đai màu mỡ Malai
từng gióng lên điệu trầm hùng trước các bộ lạc giao tranh
Những trống đồng từ lò Đông Sơn lưu lạc
dấu ấn Việt Nam ra bốn biển lại quay về
những chiếc trống sinh ra cho hội hè sao lấm máu chiến chinh
nhắc những thuyền nhân: dù đến chân trời nào cũng chung một bọc
Bão gió biển Đông có tiếng hú Trống Đồng
ngày giặc cướp Hoàng Sa tiếng trống quằn trong dạ
giặc lại chiếm Gạc Ma, tiếng trống từ đất liền bung ra mặt biển
ôm chiến sỹ quấn cở hồng giọt máu như nung
Trà Đông
làng đúc đồng Xứ Thanh nhộn nhịp sáng mai nay
tái hiện mặt Trống đồng tượng hình Chim Lạc
nam nữ trên mặt trống quên đời quấn quýt giao hoan
trong lửa giọt đồng nghìn độ máu định hình
Han rỉ vạn mũi tên đồng về bảo tàng yên nghỉ
mong chiến tranh chỉ còn trong ký ức thời gian
tiếng đồng khát khao nhảy nhót trong mắt người hình ngọn lửa
gọi những con tim vì non sông rùng rùng đứng dậy
qua nghìn năm còn cháy bỏng giọt thanh âm…
TRÊN NÚI TRƯỜNG LỆ…
(Tặng H.H)
Đền Tô Hiến Thành(*) quanh năm gió biển
Dạo quanh đền gặp móng nền biệt thự vua quan
Viên đá chỏng chơ, sạt một bên bởi phu đào móng
Em nhặt ánh li ti trong đá mơ màng
Dựa lưng núi, Đền tám trăm năm còn đó(*)
Biệt thự thời tây long lở trăm năm
Tinh thể thạch anh triệu năm cô đơn Trường Lệ
Phát tia cười trên tay em!
Tôi bước sau em ngập ngừng cỏ rối
Muốn băng lên lại sợ gai cào
Ai kéo được màu mây cổ tích
Khi cách trùng mặt đất tới trời cao
Trống Mái vì nhau đá chờ vô vọng
Ông Thiện, ông Ác đợi ai hóa phỗng giữa đời
Thông quệt bút ngang trời. Mây chợt vắng
Đá tuột tay… vệt cỏ loang người…
__________
(*) Đền thờ trên núi Trường Lệ, Tp Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; – thờ vị quan bộc nhà Lý Tô Hiến Thành. Tương truyền đến nay ngôi đền đã hơn 800 năm tuổi.
TRÊN BÃI BIỂN ĐỜI NGAO
Từ bể lên. Bỏ thừa một đại dương
Hai mảnh ngao ngự xó vườn tắm nắng
Như cánh bướm đậu. Thỏa thuê. Chả bù cho lúc sống
Hai mảnh khép đời ngao cắm mặt đáy bùn
Hoi hóp bóp mồm thả li ti chùm bong bóng nước
He hé nhìn tia nắng lọc qua ao
Cây trên bờ tư hữu đường vân nắng lận trong thớ gỗ
Vân nắng của ngao rộn rực vỏ ngoài, câu nhử lòng ham
Hai mảnh vải người thỗn thện che hờ
Diễn thời trang xốn mắt nơi bãi tắm
Trẻ con nhặt niềm vui vứt ở xó vườn
Mượn áng mây chiều, lưỡi ngao búng chùm tia nắng sót…

NGƯỜI LẤP AO, RA SIÊU THỊ MUA THƠM
Bình mộc chiếc eo thon
Bông sen trồi lên kiêu ba ngấn
Búp gió lay nghiêng khóe cười
Rẽ một đường cong thực ảo
Sen vào tranh kiêu sa sống ảo
Nguyên mẫu sen bình thản về lại ao nhà
Sắc vẫn nguyên
Thêm ngát cả hương
Che lá già dưới bóng
Nhường ánh sáng trời nuôi những búp non
Khép nụ ủ trời
Nếp hằn giấu nơi xếp tầng cánh thắm
Hôi hám ao bùn
Dâng sen
Nỗi buồn lặn luôn không hẹn
Người lấp ao ra siêu thị mua thơm.
TỪ HÔM NAY TÔI BIẾT SỢ NHỮNG BÔNG HOA
(Nhân Lễ hội Carnaval đường phố – Sầm Sơn)
Từ hôm nay tôi biết sợ những bông hoa
sợ ngắt về cắm trong bình, đêm nở ra người đẹp
em thấy hết cái tôi – tồi – tàn sợ biết lấy gì che
Từ hôm nay tôi biết sợ những em sò
sao ta có thể cho vào nồi luộc há mồm, há mỏ
em đang múa trong vỏ sò đường phố
hôm qua chết mấy trăm lần giữa cuộc rượu anh say?
Cái đẹp ẩn giấu khắp mọi nơi
sao mắt anh mù, nhìn đâu chỉ thấy mồi, không thấy em đang đợi
dù trong một bụi cỏ bên đường hay mụn vải buồm rơi…
Carnaval lễ hội đông người
đường Hồ Xuân Hương ngã vào chiều, trộn em ngầu bọt
gánh cả biển và em xô đến chân trời
Những bông hoa từ nay không phải là hoa
bởi đã nhường em tất cả vẻ thắm tươi nức nở
biển Sầm Sơn da thịt sóng đang cười…
MỰC TRẮNG ĐÃ BÙNG KHƠI
Con mực to sẽ là con bóng?
Mực lên bờ sẽ hóa thành em?
Em kín hở giữa thu dưới đèn như nắng mỏng
Ngúng nguẩy thăng hoa nhạc rốc chân dài
Ngồi cạnh biển, cụng ly thấm nhạc
Anh nhắm mực tươi rực môi má em cười
Nhạc múa thúc nhanh, gắp chạy theo, người nghẹn
Thêm món cá sũ vàng mời mọc đũa ma men
Giữa đại dương từng nuốt nhau để sống
Cá lặn biển bơi sông. Anh chực khuấy góc nồi
Ăn nhậu hả hê, quên mình: chiến bại
Sân khấu em hạ màn. Mực trắng đã bùng khơi…
CON ỐC SÊN KHÔNG TRÚT NỔI VỎ MÌNH
Gã trai nào ngồi sau xe – em chở đến…chở về khi tan sở
Nhờ mỗi việc dắt xe khi vào bãi đỗ
Gã không biết cầm cương xe, biết dắt làm sao?
Anh những muốn học làm quen…
Để mỗi bữa ngồi sau em, muốn quá
Ghét gã vụng kia, cứ thế thản nhiên ngồi
Muốn mắng gã trai kia: đồ bất lực
Đồ hèn!
Hắn xấu mặt… bỏ đi thôi
Nhưng không thể…gã đi, trừ khi chính em muốn thế
– Hắn là anh, con ốc sên tự sỉ
Tự khinh khi, không trút nổi vỏ mình.
NỬA THU LỞM CHỞM…
(Tặng N.T.P.Th.)
Nửa quả ổi trên bàn cắn dở
Dấu răng tôi vập vào nham nhở còn nguyên
Lúc chào em ra về, chợt nhớ
Tưởng tượng em cau mày nhặt… cái chỏng chơ
Chẳng cần biết quả vườn hay ổi chợ
Chỉ biết em đãi tôi…ổi thơm nức rợm vàng
Một phần quả, tôi ăn vào lịm ngọt
Phần bỏ lại vô duyên cợm vào mắt em
Đã làm hỏng buổi sáng mùa thu ấy
Hay thu vẫn sáng mùa, chỉ hỏng chính tôi?
Nửa quả ổi đã theo xe rác
Trên đĩa còn dấu răng rậm rực gai người…
ĐINH NGỌC DIỆP
Chuyên đề Văn học xứ Thanh:
>> Bản lĩnh, tâm hồn đôn hậu của… Người con gái Mường Biện
>> Mắt ngủ rồi – trái tim còn thao thức
>> Cùng Nguyễn Minh Khiêm tự tình với dòng sông
>> Tiềm năng văn học trẻ xứ Thanh
>> Từ Nguyên Tĩnh và tính vấn đề của Truyền thuyết sông Thu Bồn
>> Hai nửa tâm hồn trong “Đổi lấy mây trời” của Lê Vạn Quỳnh
>> Thơ Phạm Tiến Triều với không gian văn hóa xứ Mường
>> Huy Trụ – Chất thơ trữ tình sâu lắng
>> Nhà giáo xứ Thanh và những trang thơ thấm đẫm tình đời