Bà Tư Duy Liên, người thầy của tôi

Vanvn- Nhà xuất bản Trẻ sắp ra mắt bạn đọc cuốn “Hồi ức Đỗ Duy Liên – Cuộc đời của mẹ“. Bà Đỗ Duy Liên là nữ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất.

Bìa sách Hồi ức Đỗ Duy Liên – Cuộc đời của mẹ.

Như lời giới thiệu đầu sách của bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, “Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn – TP.HCM; ngay cả sau khi nghỉ hưu, bà cũng dành gần 20 năm “nghỉ ngơi” của mình cho công việc từ thiện ở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi thành phố. Cần phải nói: cuộc đời Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời – của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ – để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình”.

Để hiểu thêm về người phụ nữ đã tận tụy gắn bó gần trọn cuộc đời cho TP.HCM này, Vanvn xin trích giới thiệu một bài viết trong phần 4 cuốn sách – “Trong tình thương của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, các con gia đình liệt sĩ”.

1. Tôi gặp dì Tư Duy Liên (sau đây xin được gọi là bà) lần đầu tiên cách đây 48 năm trong một cuộc họp giao ban của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Sài Gòn, khoảng tháng 10.1975, tại 192 đường Yên Đổ, nay là Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Sài Gòn vừa trải qua cuộc chuyển giao cũ – mới được 6 tháng. Cán bộ phụ nữ đến họp ai cũng trang phục na ná nhau: quần ni lông đen, áo bà ba phần lớn màu xanh, nâu hoặc xám, khó phân biệt được ai từ chiến khu ra, ai từ miền Bắc về và ai là dân hoạt động nội thành. Trong những người na ná nhau ấy, tôi bỗng thấy nổi bật lên một phụ nữ cử chỉ duyên dáng, lịch lãm, gương mặt trái xoan, đôi mắt thông minh và nụ cười đẹp hồn hậu. Qua cách bà chào hỏi thì có vẻ như bà quen biết gần hết những người dự họp đến từ các quận và các cơ quan của thành phố.

Nghe xung quanh người thì gọi bà là chị Tư, người thì gọi dì Tư, tôi hỏi thì được biết đó là bà Đỗ Duy Liên, thường gọi là Tư Duy Liên, một trong các phó chủ tịch của Thành hội Phụ nữ. Khi đi qua chỗ tôi ngồi ở cuối phòng họp, bà dừng một chút, nhìn tôi giây lát rồi hỏi với vẻ dịu dàng: “Dân Hà Nội về phải không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại bà: “Dạ, sao dì biết ạ?”. Bà cười, nụ cười sáng bừng và thật ấm áp: “Thì, nhìn bộ vó và hai cái túm tóc thả ngang vai là biết. Con tên gì? À, Thế Thanh. Dì có nghe dì Năm Đang nói. Họp xong ở lại dì nói chuyện chút nghen”.

Tôi dạ mà hồi hộp không biết dì Tư sẽ nói chuyện gì. Hóa ra, câu chuyện mà người lãnh đạo có tác phong gần gũi ấy nói với tôi hôm đó là xoay quanh việc bà khuyên tôi nên thường xuyên đọc báo Phụ Nữ Sài Gòn (mới ra đời trước đó 5 tháng), nên từ thực tế đi công tác ở các quận mà viết tin, bài cộng tác với báo. Trước mắt, với vốn ngoại ngữ được đào tạo ở đại học, nên tập dịch các mẩu chuyện ngắn. Cứ mạnh dạn dịch và viết, các anh chị trong ban biên tập sẽ sửa cho để từ đó có kinh nghiệm viết tốt hơn. “Dì Tư cũng từng làm báo trong chiến khu và nội thành, có gì khó cứ hỏi dì Tư sẽ hướng dẫn”.

Rồi bà viết vào cuốn sổ tay của tôi địa chỉ nơi ở của bà và số điện thoại nhà. Tôi đã làm theo lời khuyên của dì Tư Duy Liên, đã được dì Vân Trang (chủ bút những tháng đầu tiên trong năm 1975), dì Phương Điền (tổng biên tập đầu tiên), chị Năm Tuyết (phó tổng biên tập), chị Liên, dì Mười Mai động viên giúp đỡ trong những ngày đầu chập chững làm quen với công việc viết báo.

Chỉ ít lâu sau tôi được chuyển hẳn từ Ban Tuyên huấn Thành Hội Phụ nữ về làm việc ở báo Phụ Nữ Sài Gòn (sau này đổi tên là báo Phụ Nữ TP.HCM). Tôi và các đồng nghiệp ngày ấy cùng trang lứa trên dưới hai mươi tuổi như Lê Thị Bạch Mai, Ngọc Tuyết, Thiều Nguyễn… thật may mắn được làm việc với những người đi trước luôn tin cậy, dám giao việc cho lớp trẻ. Với riêng tôi, trước khi được đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về báo chí ở trong nước và ở nước ngoài, bà Tư Duy Liên chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt tôi vào nghề báo, năm đó tôi mới 22 tuổi.

2. Những năm đầu sau ngày 30.4.1975, đám cán bộ, phóng viên chúng tôi sống theo kiểu bán thoát ly, ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Công việc khiến chúng tôi – những người rất trẻ, được gần gũi với các vị cán bộ lãnh đạo phụ nữ, để nhận các chỉ đạo, để trợ giúp công việc cho các dì, các chị. Có một đặc điểm tương đối khác với bây giờ, đó chính là vốn tri thức, tác phong dứt khoát và kỹ năng nói – viết khá tốt của các vị nữ lãnh đạo. Chủ tịch và Phó chủ tịch Thành Hội như dì Tám Thanh (Nguyễn Thị Thanh), Tám Chí (Bùi Thị Nga), Tư Duy Liên (Đỗ Duy Liên), Hai Thanh (Lê Thị Thanh)… đều là những người thường xuyên viết các bài xã luận, bình luận cho báo Phụ Nữ Sài Gòn thời kỳ đầu. Chữ viết của ai cũng đẹp, cũng đúng chính tả và câu văn diễn đạt thật mạch lạc.

Tôi và các đồng nghiệp của mình đã nhận được từ các dì, các chị – đặc biệt là bà Tư Duy Liên nhiều bài học trong công việc, trong cuộc sống, những bài học mà người cho không cố ý dạy và người nhận tiếp thu một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng.

Từ trái: bà Đỗ Duy Liên (người thứ tư) chung vui với Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh (người thứ hai) và Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Tuyết (người thứ nhất) nhân 20 năm thành lập báo Phụ Nữ TP.HCM, 1975-1995. Ảnh tư liệu

Bà Tư là người được giao trách nhiệm sáng lập báo Phụ Nữ Sài Gòn chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày (17-19.5.1975) với sự giúp công giúp của rất tận tâm và rất hiệu quả của ông Nguyễn Văn An, một doanh nhân, cũng là bạn của chồng bà Tư (ông An đã bán 10 cây vàng của gia đình để làm vốn ban đầu cho báo hoạt động). Vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghe bà Tư Duy Liên kể lể công tích của mình hoặc đòi hỏi sự ưu đãi của tờ báo. Ngược lại, bà còn là tấm gương cho chúng tôi trong công việc làm báo rất mới mẻ khi ấy. Dù rất bận công việc, khi còn là lãnh đạo Hội cũng như khi làm giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, rồi trở thành phó chủ tịch nữ đầu tiên của UBND Thành phố, bà Tư luôn năng nổ có mặt ở những mũi nhọn trong lĩnh vực bà phụ trách và đặc biệt là luôn tìm thì giờ viết bài cho báo.

Bản thảo của bà Tư thường được viết tay trên giấy một mặt, nét chữ rõ ràng, ít chỗ gạch xóa, chừa lề rộng để tiện cho công tác biên tập. Bà thường nói, bản thảo viết rõ, viết sạch và chừa lề đủ cho việc sửa chữa khi cần là thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những người làm nhiệm vụ duyệt bài, sửa bài. Đó là văn hóa ứng xử.

Khi thỉnh thoảng vì quá bận phải giao việc soạn bài phát biểu của mình cho một cán bộ dưới quyền, thái độ của bà Tư khi nhận kết quả công việc từ cán bộ bao giờ cũng rất nghiêm túc. Bà đọc kỹ và khi có những chỗ cần sửa, bà luôn cho cán bộ biết vì sao nên sửa để họ có thể hiểu và tự mình rút kinh nghiệm. Tác phong đó của người lãnh đạo vừa thể hiện sự tôn trọng lao động của người giúp việc đồng thời cũng là cách đào tạo, rèn luyện họ. Thỉnh thoảng tôi cũng “bị” bà kiểm tra thái độ, nhận thức và kỹ năng của người làm dân vận, người làm báo.

Có lần, khoảng giữa năm 1976, bà gọi tôi đến nhà và hỏi: “Khi đi viết về các nhân vật người tốt việc tốt, con có đi tìm gặp những người là vợ sĩ quan chế độ cũ có chồng đi học tập cải tạo không?”. Tôi thưa dạ chưa, ban biên tập chỉ đạo ưu tiên viết trước gương công nhân, nông dân sản xuất tốt, thành phần đó để sau. “Vì sao lại để sau?”.

Thấy tôi im lặng, không trả lời được câu hỏi, bà Tư đã nói với tôi thật nhẹ nhàng: “Để Tư nói con nghe, viết gương lao động tốt của công nhân, nông dân là đúng rồi. Nhưng ưu tiên viết trước là chưa đúng đâu. Bởi vì, các sĩ quan chế độ cũ khi phải đi học tập cải tạo do hoàn cảnh chính trị hiện tại đã để lại cho vợ con họ nỗi khổ gấp đôi những người không cùng hoàn cảnh. Vừa phải chịu đựng khó khăn chung về kinh tế hậu chiến như bao gia đình, vừa chịu đựng cảnh xa cách vợ chồng ngay trong hòa bình với nỗi phập phồng lo sợ cho sự an toàn của người thân, lại vừa chịu đựng sự định kiến “vợ sĩ quan chế độ cũ”, tuy không phải là tất cả nhưng rõ ràng là một thực tế nặng nề không tránh khỏi. Thế nhưng phần lớn trong số họ vẫn cố gắng phấn đấu xoay xở kiếm sống, nuôi dạy con cái đàng hoàng và chấp hành pháp luật thay vì có những phản ứng tiêu cực.

Vậy những phụ nữ ấy có xứng đáng để nhà báo cùng lúc viết về họ như những người tốt là công nhân, nông dân trong giai đoạn hiện nay không? Con à, người ta có thể chấp nhận sự thiếu ăn, thiếu mặc do xã hội vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, nhưng khó có thể chấp nhận sự thiếu công bằng trong ứng xử. Đã đành sự định kiến có nguồn gốc từ cuộc chiến tranh lâu dài và phức tạp trên đất nước ta. Nhưng nhận thức mới là quan trọng, nhận thức phải vượt lên sự phức tạp đó. Xã hội khó ổn định lâu bền, dân tộc khó có sức mạnh phát triển khi để định kiến ấy kéo dài. Con có đồng ý với Tư không?”. Thay cho câu trả lời, tôi đã rời chỗ ngồi tới ôm bà Tư thật chặt.

Những lời bà nói tuy nhẹ nhàng mà như một tia sáng rọi vào tư duy hạn hẹp của tôi. Có thể nói, cuộc “sát hạch nhận thức” rất sớm đó của bà Tư Duy Liên cùng với những bài phát biểu và hành động thấu cảm của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với thanh niên Sài Gòn những ngày tháng đầu sau 30.4.1975 đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tôi về hòa hợp, hòa giải, đoàn kết người Việt Nam, dù ở phía nào, vì mục tiêu tạo ra sức mạnh để xây dựng và phát triển đất nước.

3. Những ai đã từng làm việc và sống chung với bà Tư Duy Liên cả trong chiến tranh và hòa bình đều có thể tương đối thống nhất một nhận xét: bà vừa có sự sang trọng, lịch lãm của một người Tây học xuất thân trong gia đình trí thức (ba của bà là bác sĩ thú y của chính quyền Pháp trước năm 1945 và chị em bà lúc nhỏ học ở trường Pháp), vừa có sự từng trải, chân thật, giản dị và gần gũi của một cán bộ cách mạng từng trải qua bom đạn, tù đày, sống gắn bó với quần chúng trong các nội đô miền Nam trước ngày hòa bình.

Ngay cả khi đã là phó chủ tịch UBND TP.HCM, tủ áo quần của bà vẫn rất đơn giản. Vài bộ áo dài không thuộc loại đắt tiền để dự các cuộc lễ lớn và tiếp khách nước ngoài, vài bộ quần đen áo bà ba hoặc áo kiểu, hai đôi dép thấp để đi làm, một đôi giày có gót vài phân để mặc với áo dài. Khi phát triển phong trào “nhà nhà nuôi heo” để góp phần cải thiện đời sống, khắc phục tình trạng chung thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nhà bà Tư cũng nuôi heo. Từ cơ quan về nhà sau giờ làm, bà thay đồ mặc nhà rồi tự mình rửa chuồng, tắm heo, cho heo ăn như bao nữ chủ gia đình thời ấy.

Sau “nuôi heo”, gia đình bà Tư còn tiếp tục “cải thiện đời sống” với nuôi gà, nuôi chim cút (bán trứng), cá rô phi (bán giống) trong thời gian dài như bao người dân khác. Bà đón ông cụ, ba của bà, từ Lâm Đồng về ở chung trong nhà và hằng ngày dù bận thế nào cũng dành thời giờ chăm sóc, trò chuyện với ông. Các con của bà, hai người con đầu đi học xa về cùng người con út đang học phổ thông luôn đồng hành cùng mẹ và chắc không thể quên lối sống giản dị và hiếu đễ của mẹ những ngày tháng ấy, cho đến tận nhiều năm sau này.

4. Nhiều người vì quan tâm đến sự đơn chiếc của bà Tư sau khi chồng bà hy sinh (ông là liệt sĩ Lê Duy Nhuận, phụ trách Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, hiện có tên đường ở quận Tân Bình, TP.HCM), và vì cả sự quý mến một người phụ nữ mà nhan sắc và sự duyên dáng còn đậm đà như bà, đã hỏi “vì sao không đi bước nữa?”. Câu trả lời của bà Tư thường là một nụ cười và một lời nhẹ nhàng: “Già rồi, sống với công việc, với con cái là đủ rồi”.

Có thật đủ không như bà Tư nói thì chỉ có bà Tư biết rõ. Nhưng tôi thì có cảm nhận khác với câu trả lời ấy của bà Tư và đã có lần táo gan thổ lộ mà không bị bà bác bỏ. Sự táo gan đó của tôi sau này được chính tôi lý giải: phần vì hồi đó tôi còn rất trẻ, năng nổ, thẳng thắn và có chút ít năng lực; phần vì tôi là con của một liệt sĩ bà từng quen biết trên mặt trận Sài Gòn – Gia Định. Có thể cũng vì những điều đó nên tôi may mắn được bà thương yêu gần gũi, tin cậy giao việc và giao cả những tâm tình riêng tư, sâu kín vào những lúc sức khỏe thể chất của bà giảm sút tưởng khó hồi phục.

Lần ấy, khoảng nửa đầu năm 1983, khi bà Tư nằm bệnh viện Chợ Rẫy do một cơn bệnh khá nặng, phải tiến hành đại phẫu, bà đã nhắn tôi vào gấp dù tôi mới vào thăm bà cách đó mấy ngày. Tôi vừa bước vào phòng bệnh dành riêng cho bà, đã thấy bà ngồi sẵn trên giường với vẻ chờ đợi. Bà ngoắc tôi lại ngồi trên giường với bà và đưa cho tôi một túi vải nhỏ màu mận chín. “Con giữ giúp dì những thứ trong túi này nhen. Đây là những bức thư người ta viết cho dì, con có thể đọc để biết. Nếu Tư hết bệnh thì con đưa lại cho Tư. Nếu không thì con đưa lại cho các em. Thôi, con về đi vì tới giờ bác sĩ thăm bệnh rồi”. Tôi đi như chạy ra khỏi phòng bệnh để tránh cho bà phải thấy những giọt nước mắt mềm yếu của mình.

Buổi tối đó tôi đã đọc hết các bức thư. Không nhiều, thư nào cũng ngắn nhưng đều chứa chan tình cảm yêu thương thắm thiết dành cho bà của một người vừa là cấp trên, vừa là bạn lớn hơn bà 4 tuổi. Sự hấp dẫn của mỗi người, gia cảnh giống nhau (cả hai đều đã mất người bạn đời trong chiến tranh và đều có con cái) và cả những trải nghiệm sinh tử trong cuộc chiến đấu ác liệt vì đất nước đã dẫn tới sự đồng cảm, rung động khó giấu.

Tại căn cứ kháng chiến giữa rừng, với sự sắp xếp của tổ chức, họ đã có những giây phút thật ngắn ngủi chỉ có hai người ngồi đối diện nhau, chỉ đủ để “người ấy” bộc bạch tình cảm cùng với một lời cầu hôn. Nhưng kết quả là chỉ có lời gửi đi mà không có lời đáp lại. Trong bức thư của “người ấy” gửi bà Tư sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, tôi nhớ có những dòng tha thiết, đại ý: “Khi Tư quay đi, tôi đã đứng nhìn theo bóng Tư đi xa dần rồi hút trong trảng le mênh mông, lòng tôi dâng lên một tình yêu thương khó tả. Phía Tư đến là cuộc chiến đấu ở nội thành đầy hiểm nguy rình rập. Thương Tư và luôn đợi câu trả lời Tư dành cho tôi mai này…”.

Khá lâu sau khi bà Tư ra viện, trong một lần hai dì cháu tâm tình về chuyện “người ấy” đang được nhiều người mai mối để tục huyền, tôi đã táo gan “tấn công” bà Tư: “Tại Tư từ chối nên hòa bình rồi mà “người ấy” còn ở vậy tới giờ. Tư nói thật đi, con thấy Tư có thương người ta mà?”. Bà Tư nhìn tôi giây lát rồi trả lời bằng giọng thật dịu dàng: “Có. Đó là người rất tốt, rất thông minh và ấm áp. Nhưng mà, hồi người ta ngỏ lời thì tình cảm của Tư chưa đủ để đáp lại và lúc đó, chưa ai thay thế được chú Tư của dì. Còn bây giờ thì chút tình cảm có hồi đó cũng đã nguội đi rồi. Vả lại dì Tư tin người ấy vẫn còn thời gian và cơ hội tìm hạnh phúc riêng tư. Tư và người ta giữ một tình bạn tốt là đủ rồi”.

Bà Tư nói vậy nhưng tôi, bằng hiểu biết và những gì cảm nhận được từ bà và “người ấy”, tôi tin chắc một điều: nếu nói hòa hợp tinh thần là điều cực kỳ quan trọng để đem lại hạnh phúc và giữ sự kết hợp được bền lâu, thì đó chính là điều mà “người ấy” đã tìm thấy ở bà Tư. Và tôi tin bà Tư cũng rất hiểu người ấy. Nhưng tôi cũng cảm nhận được một sự thật khác, một điều quan trọng khác nơi bà Tư – vượt lên trên sự “hòa hợp tinh thần” của hiện tại còn là tình yêu của bà như thuở ban đầu dành cho người chồng đã khuất, là tình thương vô bờ của người mẹ cho các con đã xa cha mẹ quá lâu, đã phải chịu thiệt thòi, mất cha quá sớm vì chiến tranh.

Bà im lặng sống vì tình yêu với chồng và vì tình thương yêu dành cho các con của bà – im lặng mãi cho tới khi bà lâm bệnh nặng, trí nhớ từ chối những ký ức buồn vui…

5. Là một nhà báo, từng phụ trách Tiểu ban Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và từng làm tổng biên tập tờ báo Cờ Giải Phóng của Khu Sài Gòn – Gia Định vào các năm 1964 -1965, bà Tư hẳn nhiên có sự quan tâm đặc biệt đến công tác báo chí và các nhà báo nữ dù đã từ lâu bà giữ trọng trách bên chính quyền. Sự quan tâm của bà bao giờ cũng rất sâu sát, cụ thể. Nghe nói báo Phụ Nữ không đủ giấy in báo vì hạn mức được cấp mua quá ít (cơ quan chức năng cấp theo kiểu cào bằng, báo có lượng bạn đọc ít hay nhiều đều được cấp như nhau), bà Tư nghe ngóng rồi gợi ý với Ban biên tập báo tìm cách mua lại giấy của những tờ báo ở các tỉnh có nhu cầu in thấp, thậm chí rất thấp. Cách làm đó quả nhiên giúp báo Phụ Nữ (và một vài tờ báo khác ở Sài Gòn) khắc phục được tình trạng thiếu giấy in.

Trong một lần gặp gỡ các nhà báo nữ của TP.HCM do báo Phụ Nữ tổ chức, bà Tư được phản ánh còn không ít nhà báo nữ vất vả, hằng ngày đi công tác và đưa con đi học bằng xe đạp. Ngay sau đó bà đã tác động với ngành thương mại thực hiện chính sách bán xe gắn máy giá rẻ cho các nhà báo nữ. Nhà báo Cổ Thị Minh Thu ở Đài Truyền hình Thành phố mua được chiếc Honda PC vào dịp đó.

Bà Tư có người bạn rất thân thiết là bà Nguyễn Thị Bình. Hai bà là bạn của nhau suốt từ thời thiếu nữ, từng công tác với nhau trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) ở Hội nghị bốn bên tại Paris. Khi bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Phó Chủ tịch nước, bà Tư đã sớm thiết kế buổi đến thăm và làm việc của bà Bình với toàn thể cán bộ, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, như một sự động viên dành cho tờ báo của giới nữ.

Khi chị Vũ Kim Hạnh gặp sự cố báo chí, phải thuyên chuyển khỏi cương vị tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bà Tư đã sớm gọi điện thăm hỏi, động viên. Khi nghe tin tôi – lúc đó là tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, bị kiểm điểm gay gắt trong nhiều buổi (chủ yếu là vì sự khác biệt trong nhìn nhận những vấn đề mang tính báo chí) và có thể sẽ phải thuyên chuyển công tác cùng với một vài đồng nghiệp khác, bà đã viết thư cho ông Hà Đăng, lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, để ông hiểu rõ hơn về đội ngũ cán bộ báo chí ở TP.HCM đa phần năng động và dũng cảm như thế nào trong đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ cái mới trong nhận thức.

Bà nói với tôi: “Tư viết cho anh Hà Đăng vì ảnh từng công tác với Tư trong giai đoạn chuẩn bị Hội nghị bốn bên ở Paris và cũng vì muốn ảnh hiểu hơn về đặc thù báo chí ở địa bàn từng là Sài Gòn này, nhưng thú thiệt là Tư không có nhiều hy vọng vì Tư nghĩ đây là câu chuyện của hệ thống…”.

Khi mọi chuyện diễn ra như đã dự cảm, bà Tư gọi tôi đến nhà và nói, chỉ một lần đó: “Tư biết con buồn vì không được trực tiếp làm báo nữa. Nhưng con à, vẫn còn nhiều việc có ích khác để làm với tinh thần một nhà báo. Tư cũng có chuyện buồn, buồn lâu lắm vì bị hiểu lầm trong giai đoạn chiến tranh. Chuyện hiểu lầm đó có ảnh hưởng đến công việc của Tư sau hòa bình. Nhưng buồn không có nghĩa là không tiếp tục làm việc, không tiếp tục cống hiến cho dân, cho nước. Mình mới là người hiểu rõ mình nhất. Con nhớ vậy nghen”.

Từ sau ngày 5.6.1996, là ngày tôi chính thức rời vị trí công tác ở báo Phụ Nữ, tôi đã trải qua nhiều công việc. Làm việc gì tôi cũng ghi nhớ lời dặn của bà Tư năm 1996. Còn bà Tư, chắc vì thương tôi và cả vì sợ tôi nản lòng nên năm 1999, bà gửi cho tôi món quà nhân ngày nhà báo, đó là một ngọn nến xinh xinh kèm theo một tấm thiệp nhỏ ghi những dòng chữ rất đẹp, rất rắn rỏi, như sau: “Ngày 21.6 nào Tư cũng nhớ đến cô nhà báo của mình. Đốt nến lên con sẽ thấy đời rất sáng con ạ. Dì Tư gửi con một chút quà để nhắc con nhớ, con là một nhà báo. Ngày 21.6.1999. Dì Tư Duy Liên”.

Món quà và tấm thiệp ấy là kỷ niệm hữu hình quý giá của tôi với bà Tư – người mà tôi luôn yêu kính và luôn thấy đẹp trong cốt cách, tâm hồn. Cả khi tôi vào nghề báo 48 năm trước và cả khi tôi làm những công việc không thuộc nghề báo mà tôi không được chọn lựa, bà Tư luôn là người thầy của tôi, dẫn dắt tôi đi qua những bước đường khác nhau của cuộc đời với tinh thần một nhà báo.

Dì Tư, con cảm ơn và thương Tư nhiều lắm.

NGUYỄN THẾ THANH

Báo Người Đô Thị 5.2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *