Phía sau những dải băng – Tản văn Nguyễn Thị Minh Thảo

Vanvn- Những dải băng ngăn cách đã được gỡ nhưng những con đường đó đã chẳng thể quay lại như lúc đầu. Chẳng còn cô bán vé số nào đi qua mỗi ngày. Chẳng còn tiếng rao nào mà chỉ là những dáng hình lặng lẽ. Ai cũng vội đi, vội về và vội vàng lướt qua nhau.

Tôi đã chẳng còn nhớ nổi dáng hình của bạn tôi. Sau lớp khẩu trang chỉ là một đôi mắt đong đầy mây và những cơn mưa chực đổ. Vài ba câu hỏi thăm qua điện thoại, quanh đi quẩn lại chuyện đã tiêm ngừa chưa, có mua được thức ăn, có ra được khỏi nhà…

Cây bút trẻ Nguyễn Thị Minh Thảo

Mỗi lần bước ra đường như chơi một trò mạo hiểm mà không cần đeo kính thực tế ảo. Sau những ngày chăm chú xem những bản tin thời sự với những con số chỉ có tăng mà không có giảm người ta tìm đến những bộ phim chữa lành, những tiết mục mà trước đây họ cho là nhạt nhẽo thì sao nay lại thấy bình yên. Miễn đừng xuất hiện những từ như mất mát, chia ly,…

Dải băng đã được gỡ nhưng họ sống với tâm thế có thể ngày mai nó lại được giăng lên. Tuy nhiên, dù thế nào họ vẫn phải đi. Đi vì những miếng cơm manh áo. Đi vì chính là để tìm kiếm được sự bình yên, đi là để có thể trở về. Những bác sĩ tuyến đầu, những người dân phòng, lực lượng tình nguyện…

Tôi nhớ có lần tôi đọc đâu đó có người đã hỏi rằng: Tại sao con người biết mình sẽ chết nhưng người ta vẫn sống để chờ đợi điều đó? Tôi đã ngẩn người vài giây. Nhưng tôi lập tức nhận ra câu hỏi đó chưa chắc là câu hỏi đặt đúng. Đúng là con người ai rồi cũng sẽ chết, nhưng họ không “chờ đợi” điều đó. Họ chỉ biết thôi, và đôi khi họ lờ nó đi như họ chưa từng biết. Tại vì chẳng ai biết trước mình sẽ ra đi khi nào. Và điều đó cho con người ta được quyền hy vọng, rằng mai sẽ là một ngày họ lại thức dậy, mặt trời trên đầu và mặt đất dưới chân. Cũng như những con người xông pha ngoài kia, không phải họ không sợ cái chết, chỉ là hy vọng sống của họ mãnh liệt hơn, niềm tin vào sự sống đã kéo tất cả dậy.

Những người tuổi hai mươi chênh vênh, như tôi, như bạn tôi, như bao người trẻ ngoài kia lại càng chênh vênh hơn. Mỗi đêm đặt lưng xuống giường lại tự vấn bản thân, chính mình đã làm được gì và sẽ làm được gì? Nỗi lo về một thế giới hoang tàn đầy rẫy vết thương, chúng tôi có đủ khả năng chữa lành nó? Liệu thế giới có kết thúc trong tay chúng tôi, những người non trẻ và dại khờ? Chúng tôi như những chú cáo nhỏ lần đầu đi săn, đã không săn được thỏ lại còn bị con người săn.

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Tôi lại nghĩ đến thế hệ cha ông, những người đi qua mưa bom bão đạn và để lại máu và hoa cho hôm nay. Họ có như chúng tôi, đương tuổi hai mươi đã mạnh mẽ và trưởng thành như thế nào? Liệu rằng nếu hôm nay chúng tôi kiên cường vượt qua thì mai đây tương lai cũng đáp lại chúng tôi bằng những lời trìu mến?

Nhưng rồi nỗi lo của một thế hệ cũng không bằng nỗi lo của của một dân tộc. Chúng tôi không cô đơn, mọi người đều mang một nỗi lo chung. Còn biết bao người ôm nỗi sợ lớn hơn, những đứa bé đi còn chưa vững, những những người mẹ mang thai, những người trưởng thành đang là trụ cột chống đỡ một gia đình. Hóa ra nỗi sợ giai đoạn trưởng thành của chúng tôi cũng chỉ là một trong vô vàn nỗi sợ khác.

Đã sống thì nỗi sợ luôn tồn tại, vì chúng ta mang trong mình quá nhiều ràng buộc, dành quá nhiều yêu thương cho một thứ gì đó. Có yêu thương mới có sợ hãi. Chính vì tôi thương yêu gia đình nên tôi luôn lo sợ gia đình đó sẽ tan biến, chính vì tôi quá yêu cửa hàng đó mà tôi lo sợ một ngày cánh cửa đó sẽ đóng lại mãi mãi, chính vì tôi yêu cuộc sống này nên tôi mới sợ mất đi nó… Nhưng chính nỗi sợ lại cho ta nhận ra được những giá trị cuộc sống, biết trân trọng, biết giữ gìn.

Đã bao lần tôi tưởng tượng khi thế giới bình thường lại, tôi sẽ chạy ra đường, không mang khẩu trang, tôi sẽ chạy như mình chưa từng được chạy, lướt qua những cửa hàng quen, qua những khúc đường không mấy bằng phẳng, đạp cả lên đường đất đầy cỏ dại, dẫm lên những đường trải sỏi vụn, nhảy qua những bậc thềm xi măng… nghe gió lùa qua mái tóc dài buông xõa, thấy lồng ngực đập liên hồi, toàn thân căng tràn và nóng lên, từng tế bào cũng đang quay cuồng, để nếm được vị mặn của mồ hôi rơi khóe môi, ngửi được mùi “đường phố”, mùi “không khí ngoài trời” rồi há miệng thật lớn như để nuốt chửng được mọi thứ.

Những điều đó có thể chưa thực hiện được, nhưng tôi vẫn có thể đứng ở trước nhà với chiếc khẩu trang trên mặt, nhìn trước về con đường mà mình định đi và mơ về một tương lai mình sẽ lao ra ngoài như cánh chim tự do và an nhiên bay trên bầu trời cao rộng!

NGUYỄN THỊ MINH THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *