Nguyễn Quốc Trung vẫn nặng nợ với đời

Vanvn- Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung từ giã chúng ta vì dịch Covid-19 vào ngày 10.9.2021, nhưng anh đã để lại 5 tiểu thuyết: “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Thời chúng mình yêu nhau”, “Người trong cõi người”, “Đất không đổi màu”; cùng 5 tập truyện ngắn: “Người đàn bà hồn nhiên”, “Trong tiết thanh minh”, “Đêm trừ tịch”, “Người đến từ nước Mỹ” và gần nhất là “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” (NXB Hội Nhà văn, năm 2016).

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (hàng ngồi, thứ hai, từ trái sang) nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tháng 1.2017. Ông vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2022. Ảnh: XUÂN HẢI

TÁC GIẢ GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ VHNT:

>> Trần Anh Thái, con đường của trường ca

>> Nhà thơ Hoàng Trần Cương – Người thơ trầm tích

>> Cây đại thụ tuồng Hoàng Châu Ký

>> Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Bền bỉ trên con đường khó

>> Nhà thơ Việt Phương: “Thì là như vậy chứ còn sao”

>> Một giờ với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

>> Nhà văn Bùi Bình Thi: Tìm về với “Mặt trời trên đỉnh thác”

>> Nhà văn Dương Duy Ngữ: Duyên văn với hoa lan

>> Trần Hùng – Thơ của niềm “trinh tĩnh” đầu nguồn

>> Kịch của Xuân Đức với nhiều ám ảnh

>> Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm: Nụ cười vòng cuối

>> Nhà thơ Xuân Thiêm: Giản dị từ câu thơ đến đời sống

>> Nguyễn Huy Thiệp – Ngôi sao sáng của văn học đổi mới

>> Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Giữ lòng trong suốt đời

>> Bùi Hiển ‘khơi dậy điều tốt đẹp ở con người’

>> Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nhiều người đã phải trả giá cho ước mơ làm giàu nơi trời Tây

>> Nguyễn Bảo – Người kể chuyện chiến tranh và người lính

>> Nguyễn Hữu Nhàn – Nhà văn mãi viết về làng quê, người quê

>> Thương nhớ nhà văn Văn Linh

 

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1958 ở Hà Tĩnh, tham gia bộ đội cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (VNQĐ)… Anh sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, đề tài của nhà văn Nguyễn Quốc Trung chủ yếu là hình ảnh người lính trên chiến trường hoặc những người lính trở về thì với tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”, anh lại chuyển hướng sang đề tài dân sự.

Tôi cho là một bất ngờ, một khúc quanh của nhà văn mà tôi đã từng ở cùng nhiều năm trong cơ quan Tạp chí VNQĐ. Không chỉ bất ngờ về đề tài mà tập truyện còn bất ngờ cả về kết cấu, hành văn, giọng điệu và ngôn ngữ. Ở đó, hình ảnh những phận người nhỏ bé bị che khuất giữa đời sống kinh tế thị trường sôi động đã được nhà văn phát hiện, đồng cảm, chia sẻ và đưa ra những cảnh tỉnh trước sự thay đổi như vũ bão của cuộc sống, đi cùng với không ít hệ lụy khó lường.

Tôi nhớ, khi tập truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” xuất bản, có phóng viên hỏi Nguyễn Quốc Trung, đại ý: Là nhà văn quân đội từng viết nhiều về người lính, nhất là người lính làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia và đạt được một số thành công, vì sao lại chuyển sang viết truyện về đời thường, về cuộc sống nơi phố thị. Nhà văn trả lời: “Tôi là người lính viết văn, thường viết về đề tài chiến tranh, tuy vậy, trong chiến tranh vẫn có mảng sống đời thường. Bây giờ ở thành phố, tôi viết về cuộc sống bình thường trong xã hội, tạm gọi là thị dân. Nếu viết về chuyện tình yêu trai gái thì tôi không thể bằng anh chị em nhà văn trẻ, nên tôi phải tìm ra hướng đi riêng: Viết về những người khổ nhất, tưởng như họ bị gạt ra ngoài xã hội, nhưng chính họ là hồn cốt, đặt ra nhiều câu hỏi về thân phận con người nhất. Và tôi đi vào đề tài này một cách tự nhiên”.

Tôi đã đọc 4 tập truyện ngắn đã in của anh, đến tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” tôi được biết, anh phải đầu tư nhiều hơn, cả về vốn sống, kinh nghiệm. Đây cũng là tập truyện tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập. Cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại, ai biết đâu có một ngày bị đảo lộn, thay thế trong đớn đau!

Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng đứng trước những thách thức mới, gặp phải nhiều bi kịch. Đây chính là cái cốt để nhà văn “chớp” lấy khai thác, phản ánh trong tác phẩm của mình.

“Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” có 16 truyện ngắn thì có lẽ truyện ngắn cùng tên được Nguyễn Quốc Trung đầu tư công sức, trí tuệ, tài năng vào nhiều nhất. Tôi cũng tâm đắc với truyện ngắn này với suy nghĩ ban đầu, anh ấy đã chọn cái tên truyện ngắn này làm tên cho cả tập sách, chắc hay!

Nhân vật chính trong truyện là Út Lỡ, một thôn nữ xinh đẹp, dù gia đình có nhà cao cửa rộng trên phố nhờ số tiền đền bù giải tỏa từ công trình cầu Rạch Miễu. Thế nhưng cô phải sớm bỏ học trôi dạt lên TP Hồ Chí Minh làm công cho quán ăn, rồi hành nghề mại dâm. Cả nhà cô đang yên lành làm ruộng, làm vườn, rời từ quê lên ở phố như cá quăng khỏi nước, như chim lạc khỏi rừng! Nhà cao cửa rộng nhưng chẳng có việc làm để sống, vậy là lâm vào cảnh đói. Anh Hai cô la cà suốt ngày ở quán cà phê, sinh ra nghiện ma túy, má sốc buồn mà chết, ba buồn quá mượn rượu giải sầu. Nhà cô như địa ngục! Rồi người con gái cũng thấy chán nản, bỏ học ngang chừng để kiếm sống, đi bụi đời.

Hết làm gái đứng đường ở gầm cầu Thị Nghè, Út lại cặp kè với những người có tiền, có quyền để giải sầu, rồi họ bao trong những chuyến đi đây đi đó thác loạn. Tưởng chừng cam chịu phận thấp hèn để sống qua ngày, nhưng không ngờ tận thẳm sâu trong lòng thôn nữ bị mất vườn, mất ruộng này ẩn chứa một điều bí mật mà khi đọc đến những dòng cuối truyện làm không ít người phải giật mình. Đó là khi “Út liếc xéo cặp mắt màu chì sắc như dao lam và giọng đanh nghiến trả lời người đối diện về hành vi muốn nhảy cầu của cô: “Tôi phải sống để báo thù, cho các người hay, đừng có tưởng dân mất ruộng này tay không bất lực muốn làm gì cũng được đâu. Anh biết vũ khí của con này là gì không? Căn bệnh thế kỷ đấy”…

Truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” đề cập tới sự tiến bộ xã hội thông qua một công trình lớn, hiện đại ở Đồng bằng sông Cửu Long mà bao người được thụ hưởng, tuy nhiên đằng sau đó lại có những người vẫn phải lãnh sự thua thiệt, thậm chí một đời người phải văng ra khỏi đời sống bình thường. Qua đây, tác giả có lẽ muốn đề cập đến sự tha hóa, biến chất của con người đang diễn ra hiện nay trong công cuộc đổi mới đất nước, làm thay đổi quê hương mới. Nó diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi tầng lớp. Đấy cũng là bi kịch của con người, của sự thay đổi, canh tân. Dư âm lối sống, tập quán văn hóa với những hủ tục đây đó vẫn bám riết làm băng hoại con người ta. Thật là mâu thuẫn, đấy cũng là cái thử thách của công cuộc đổi mới hiện nay của chúng ta.

Viết “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”, sinh thời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã đưa ra 3 thông điệp cho bạn đọc: Với các nhà văn áo lính, họ không chỉ có những trang “tả trận”, viết về chiến tranh và đồng đội. Họ còn là những nhà văn đã và sẽ dũng cảm cảnh báo những hệ lụy của công cuộc đổi mới. Họ không chỉ nặng tình đồng chí, đồng đội mà ngòi bút của họ luôn thấm đẫm tình thương con người. Đúng như nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có lần viết: “Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm. Một tập truyện mang tính thời sự đáng đọc và suy ngẫm”.

Thập Tam trại, tháng 10.2021

NGÔ VĨNH BÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *