Khi Tết đến, đại dịch chưa đi… – Tản văn của Nguyên Tô

Vanvn- Một mùa xuân nữa lại đến sau tiết đông hanh hao và nỗi lo toan cuối năm trên vai mỗi người. Tết mà không nghĩ đến chơi Tết, vì còn phải lo đề phòng dịch bệnh.

Tôi đã sống trong những cảm xúc dữ dội mà đại dịch đem đến, để chợt nhận ra rằng sống chậm giữa mùa xuân cũng là một sự trì hoãn, và giao tiếp trong điều kiện đặc biệt ấy cũng là cách để con người tự khám phá năng lực bản thân!

Mấy tháng trước, bạn tôi là bác sĩ được tăng cường vào TP HCM hỗ trợ cho đồng nghiệp trong bệnh viện dã chiến. Từng gần 20 năm làm việc ở bệnh viện tuyến cuối, hằng ngày đối mặt với đủ loại cái chết nhưng anh không thể tưởng tượng phải có lúc chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người như trong đại dịch Covid-19.

Nhà văn Nguyên Tô ở Bắc Ninh

Rồi khi bố mất đột ngột, anh không về được. Tất cả mọi người trong đoàn đều khóc. Nhân viên nơi khách sạn anh được bố trí ở cũng khóc. Khi anh chuyển chỗ ở, họ tặng anh chiếc balô để mang di ảnh bố trên lưng cho đỡ tội. Mất mát luôn như một thứ u tối án ngữ tất cả, nhưng chúng ta được cứu chuộc tâm hồn bằng yêu thương. Ðiều đó giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn. Khi tạo hóa đẩy con người vào vòng luân hồi sinh tử, ta hiểu cái chết là gương mặt huyền bí nhưng minh triết của sự sống để đánh thức những yêu thương.

Người mẹ ở nhà, đêm ngày mòn mỏi chờ con. Anh gọi về cho mẹ: “Cuối năm con sẽ về”. Cuối năm là Tết, là cái mốc quen thuộc ai cũng trông đợi để được sum vầy. Khi anh về, căn phòng bố nằm đã khóa chặt, bụi phủ cả trên tay nắm cửa. Mẹ rưng rưng nhắc: “Tầm này mọi năm, ông ấy đang chuẩn bị dọn dẹp để đón Tết”.

Trước cơn hấp hối của bố để sang cõi vân du, anh – đứa con trai duy nhất – đã không thể có mặt. Anh thấy mình mắc lỗi. Nhưng trong kia còn bao gia đình đối diện với cơn “đại hồng thủy” dịch bệnh, anh thấy mình vẫn còn may mắn khi được trở về thắp nén hương tạ lỗi với bố để rồi mái đầu trung niên sẽ gục vào lòng mẹ già. Trước bất hạnh của người khác, vẫn thấy sự độ lượng của số phận dành cho anh.

Người ta thường hẹn nhau gặp mặt cuối năm. “Tết về gặp nhé” – lời ước mong quen thuộc dồn vào thông điệp giản dị, sao tim ai cũng thấy xôn xao. Có nhiều con đường mở ra thế giới nhưng chúng ta chỉ có một chốn để quay về. Ðó là quê hương, nơi cha chôn xuống góc vườn cái nhau và cuống rốn, để cầu mong con lớn lên khỏe mạnh, tâm hồn lương thiện, nồng nàn như đất mẹ. Ðó là vòm trời ấu thơ lấp lóa màu cổ tích, là nơi an trú bình yên trước những tai ương của số phận. Dù cho mọi cánh cửa có khép lại thì quê hương vẫn đón ta trở về.

Hồi nhỏ, Tết nào tôi cũng thức bên nồi bánh cùng ông bà. Ðến khuya vớt bánh, thế nào tôi cũng được phần chiếc nhỏ nhất. Giao thừa nào bà cũng cúng tổ tiên bằng món chè kho dẻo quánh, ngọt lừ nấu bằng đậu xanh với đường hoa mai. Ông thì có nhiệm vụ gọi tôi dậy lúc sang canh. Ông đốt một bánh pháo nhỏ, sau đó trịnh trọng bóc mứt và mừng tuổi cho tôi.

Sáng mùng 1, tôi được rửa mặt bằng nước lá mùi già. Ông bà dặn không được đi xông nhà khác, kẻo dông cả năm. Rồi ông lại đốt một bánh pháo đỏ. Xác pháo đầy sân, mùi khen khét và thơm. Ký ức về ông bà cứ sống động trong tôi. Ðến nỗi, có lần trở về, tôi vẫn tưởng ông đang ngồi trên phản, tấm lưng rộng, hơi gù, mắt đeo kính, đọc báo. Bà thì lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu và chờ tôi gãi lưng. Tấm lưng gầy guộc đã chở miền tuổi thơ tươi đẹp của tôi đi qua những tháng ngày ngây dại.

Thế đấy, tất cả đều sống động. Tết luôn hiện hữu, dù chỉ với chút không khí xuân, ngọn gió se sẽ lay động dưới cánh đào phai mong manh hay lộc nõn khởi lên trong mỗi người khao khát đoàn viên. Ra đi để trở về. Ra đi để thấy dòng đời cuộn chảy bi ai và tráng lệ.

Tôi từng mang về nhà trong những dịp Tết với nhiều thứ xa xỉ, thừa mứa, chỉ đến khi dịch giã tác oai tác quái, bên bờ vực của sự chia cắt mới hốt hoảng nhận ra rằng sự êm đềm và giản dị thật vô giá! Mới thấy sám hối vì từng dành thời gian cho những thứ màu mè phù phiếm. Covid-19 với tôi đang là liều thuốc tiết chế tối giản tiêu dùng và hưởng thụ. Nếu cuộc sống vẫn vận hành như thời trước dịch Covid-19, tôi tin tương lai của các con tôi sẽ phải đối mặt nhanh hơn với những điều kinh khủng: Cạn kiệt tài nguyên, vật lộn với khói bụi, tắc đường… Nỗi lo cơm áo cũng không kém nỗi lo bệnh tật.

Covid-19 là tai ương đeo bám loài người nhưng cũng là dịp để thức tỉnh những chân giá trị của cuộc sống. Tôi chợt nghĩ khổ đau để thức tỉnh, để nhìn sâu vào bản thể thì khổ đau ấy không còn là cơn gió nghịch chiều của số phận nữa.

NGUYÊN TÔ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *