Hoàng Phủ Ngọc Tường và một thế hệ dấn thân

Vanvn- Thế là Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi. Chúng ta lại tiễn biệt thêm một con người thuộc một thế hệ đặc biệt, thế hệ của Ngô Kha, của Trần Vàng Sao, của Trần Quang Long, của Bửu Chỉ, của Nguyễn Đắc Xuân…

Họ là những người sống cùng thời với Trịnh Công Sơn, một thế hệ không yên lòng nghe “đại bác ru đêm vọng về thành phố”, không yên lòng nghe “tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm/ quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn”, nghe giữa phố phường “lựu đạn cay và đá, chai độc thoại/ máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em” (thơ Trần Quang Long).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937 – 2023)

Không cam lòng nên những con người ấy đã chọn con đường của trái tim “viết lịch sử mình trên mặt đất/ bằng từng nét máu thắm tươi”.

Và rồi mỗi người đã viết nên lịch sử của mình, người thì bằng cái chết như Ngô Kha, Trần Quang Long, người thì bằng những năm tháng tù đày như Bửu Chỉ, người thì bằng cuộc hành trình qua những chiến khu như Nguyễn Đắc Xuân.

Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc về một thế hệ như thế.

Thế hệ dấn thân

Hoàng Phủ Ngọc Tường được định vị trong văn học sử như một người viết tùy bút xuất sắc sau Nguyễn Tuân. Cùng với một hai người khác nữa. Nhưng điều gì làm nên sự độc đáo mà không nhiều người có thể đạt được ấy?

Sự phong phú của ngôn từ và vốn sống, vốn trải nghiệm? Điều ấy đã đành. Sự dấn thân? Cũng đúng.

Tùy bút của ông Tường, dù là thời Rất nhiều ánh lửa hay thời Bản di chúc của cỏ lau đều mang cái sôi sục của con người đứng trong lịch sử, tham gia làm nên lịch sử, một thế hệ dấn thân, cái mà có lẽ chỉ có trong những tùy bút của Nguyễn Tuân thời kháng chiến chống Pháp.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn nữa là một nền tảng văn hóa đặc biệt, vừa tiếp thụ sâu sắc truyền thống, vừa rộng mở với những trào lưu triết học, văn hóa rất đương đại của Tây phương từ cổ điển cho đến những năm 1960, một tư thế văn hóa rất đặc biệt của thế hệ ông Tường, rất khác tư thế của những nhà văn định hình con người văn hóa trong thời thuộc địa như Nguyễn Tuân.

Tư thế ấy có lẽ là cái không khí của thời đại, có ở những đại học ở một nửa nước Việt thế kỷ trước.

“Con đường tơ trắng của kẻ sĩ đất Việt”

Hoàng Phủ Ngọc Tường sớm hiện diện trong sách giáo khoa với bài bút ký về một dòng sông. Sự lựa chọn ấy rất đúng và tinh tế cho một cuốn sách giáo khoa.

Nhưng cũng cần nhớ rằng ông không chỉ viết rất hay về thành cổ, về Quảng Trị, về Huế, về dòng sông, mà ông còn viết rất hay về hai ngọn núi đặc biệt, một gắn với cuộc đời của Nguyễn Trãi (Côn Sơn) và một gắn với lịch sử một thời (Bạch Mã).

Ở Bạch Mã, ông nhìn thấy cái hư ảo của cuộc đời, của lịch sử, được lưu lại trong “những phế tích luôn luôn mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp đau đớn của những thánh tích còn lưu lại trên tro tàn của những gì mà con người từng xây dựng nên và tưởng rằng sẽ tồn tại mãi mãi”.

Còn ở Côn Sơn, ngọn núi gắn với Nguyễn Trãi – vị trí thức có một cuộc đời hào hùng nhưng cũng bi kịch bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường đạt được mặc khải về một con đường của người trí thức Việt, “con đường khổ ải mà thân phụ Nguyễn Trãi đã đi suốt cuộc đời, con đường không đạt mệnh nhưng không bao giờ dẫn tới nỗi xấu hổ”, con đường mòn sỏi đá, “con đường tơ trắng của kẻ sĩ đất Việt qua nhiều đời”.

Và cũng trên ngọn núi ấy, ông mặc khải về một lẽ sống “vô trú” của người kẻ sĩ Việt, “coi lầu son gác tía là cõi tạm, và đến khi cần tới tiết tháo hoặc khi đời không còn nhiệm vụ gì thì nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của tâm thức giữa lòng vũ trụ xanh biếc”.

Rồi thì cuối cùng, sau một cuộc đời đầy ắp trải nghiệm và cả những khổ ải, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi xong con đường trên tơ trắng của mình. Vĩnh biệt ông, con người của một thế hệ!

Vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ

———————

“Tác phẩm dù chỉ viết trong 10 ngày nhưng tôi đã nghĩ về nó bằng nửa cuộc đời của mình” – Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói về bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông khi trả lời phỏng vấn nhà báo Kim Oanh cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần năm 2008.

“Đời sống, rồi cũng chỉ là “hoa bên trời” theo như cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng những đóa hoa mộng trong tâm tưởng thì còn mãi” – Trần Nhã Thụy (báo Tuổi Trẻ năm 2007).

“Không giống một số người, nói khác, viết khác, làm khác, nghĩ khác, họ luôn đeo cái mặt nạ ngăn cách tâm trạng thật của mình với xã hội, Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói chơi, hay nói bốc đồng trong cuộc rượu, cũng chân thật đến tận cùng” – Ngô Minh (báo Tuổi Trẻ năm 2007).

 PHẠM XUÂN THẠCH

Báo Tuổi Trẻ 7.2023

TIN LIÊN QUAN:

>> Có buổi chiều nào như chiều nay…

>> Hoàng Phủ Ngọc Tường và những chữ ‘T’

>> Lễ tưởng nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ

>> Chàng du ca của tự do và tình yêu

>> Sông Hương qua bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường

>> Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng Lâm Thị Mỹ Dạ vĩnh viễn yên nghỉ ở Huế

>> Hoàng Phủ Ngọc Tường – Người thổi hồn vào ký

>> Lâm Thị Mỹ Dạ khả ái, hiếu khách và tốt bụng hiếm có

>> Một nhà thơ vừa ngang qua…

>> Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ‘để chia cùng ngọt đau’

>> Lâm Thị Mỹ Dạ: Như nước mắt lặn sâu vào đời…

>> Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Đàn bà làm thơ trăm cái khổ”

>> Mụ Dạ

>> Đi rồi sao, Dạ ơi!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *