Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vĩnh viễn yên nghỉ ở Huế

Vanvn- Sau nhiều năm bệnh nặng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã qua đời vào lúc 2h30 sáng ngày 24.7.2023 (tức ngày 7.6 năm Quý Mão) tại TPHCM, hưởng thọ 87 tuổi. Hài cốt của ông cùng vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (vừa qua đời ngày 6.7.2023) sẽ được chuyển về thành phố Huế. Từ 14h chiều ngày 30.7 đến hết 31.7.2023, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức lễ tưởng nhiệm ông bà, sau đó được đưa đi an táng tại nghĩa trang gần đồi Vọng Cảnh.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937 – 2023)

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9.9.1937 ở Huế, quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.

Từ năm 1960, sau khi học hết trung học ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường chuyển vào học khóa I Ban Việt Hán – Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Trở về Huế ông tiếp tục học và tốt nghiệp Cử nhân Triết học Trường Đại học Văn khoa Huế năm 1964.

Đồng thời, khoảng thời gian từ năm 1960 – 1966, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn giảng dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức yêu nước. Sau đó ông thoát ly lên chiến khu chống Mỹ, hoạt động trên mặt trận văn nghệ cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất năm 1975.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng giữ các chức vụ như: Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP Huế, Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút đa năng, đặc biệt thành công về bút ký văn hóa, tác giả của rất nhiều tác phẩm về ký: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971); Rất nhiều ánh lửa (1979); Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984); Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984); Hoa trái quanh tôi (1995); Huế – di tích và con người (1995); Nhàn đàm (1997); Người ham chơi (1998); Ngọn núi ảo ảnh (2000); Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001); Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001);  Miền gái đẹp (2001); Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (2005); Miền cỏ thơm (2007); Ai đã đặt tên cho dòng sông, Tinh tuyển bút ký hay nhất (NXB Hội Nhà văn, 2010) và Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (4 tập, NXB Trẻ)…

Về thơ, ông có: Những dấu chân qua thành phố (1976); Người hái phù dung (1992).

Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008; Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 – 2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007.

Sau nhiều năm bệnh nặng, hai lần bị tai biến, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2h30 sáng ngày 24.7.2023 (tức ngày 7.6 năm Quý Mão) tại TPHCM, hưởng thọ 87 tuổi.

Theo nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hài cốt vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau khi hỏa táng được đưa về Huế.

Gia đình sẽ phối hợp tổ chức tưởng nhiệm ông bà từ 14h chiều ngày 30.7 đến hết 31.7.2023 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (01 Phan Bội Châu – phường Vĩnh Ninh – thành phố Huế), sau đó được an táng tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, cách sông Hương khoảng 2 km gần đồi Vọng Cảnh.

Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Vanvn.vn xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những người yêu quý nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường!

VANVN

One thought on “Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vĩnh viễn yên nghỉ ở Huế

  1. Lâm Bằng says:

    Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cưỡi hạc vân du. Trước đó gần 20 ngày, vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã về miền Mây trắng.
    Xin có câu đối đưa tiễn hai văn nhân tài danh.

    RẤT NHIỀU ÁNH LỬA TRONG MẮT TÔI, NGƯỜI HAM CHƠI ĐÃ VỀ MIỀN GÁI ĐẸP.
    KHOẢNG TRỜI – HỐ BOM ĐẦY HOA CÚC, DANH CA CỦA ĐẤT THÂN PHẬN TƠ TRỜI.

    (Vế trên lấy tên các tác phẩm của nhà văn H.P.N.T. Vế dưới là tên tác phẩm của nhà thơ L.T.M.D)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *