Vanvn- Trên tàu chỉ có tôi – Lộc út là “ngoại đạo” nghề biển, lại là giáo viên dạy văn nghỉ hè rảnh rỗi theo tàu chơi nên được phân công ghi nhật ký hải trình. “Đây là chuyến đi rất quan trọng” – thuyền trưởng Lộc Hai luôn miệng nói như vậy từ khi tàu đang bơm dầu, đổ đá cây ở cảng. Lúc đó anh đã dặn tôi:
– Sản nghiệp, kinh nghiệm mấy đời của nhánh tộc mình đều gom hết trong chuyến đi này, chuyện lớn chuyện bé chú út đều phải ghi lại thật rõ ràng, ngày nào cũng ghi… tôi sắm cho chú cuốn sổ bìa da cùng những cây bút tốt nhất. Tất cả ở trong cái túi có tới mấy lớp nilon chống thấm này, chú cứ đeo luôn bên mình!
– Dạ em hiểu rồi, mình có cần ghi giai đoạn chuẩn bị không anh?
– Có chứ! Chuyện gì cũng phải có đầu có đuôi mới dễ hiểu, mới giữ được lâu…
Trước giờ khởi hành, tôi thức trắng đêm khởi biên “pho sử” theo chỉ đạo của anh Hai, bắt đầu từ huyền sử truyền miệng trong dòng họ…

Tôi hiểu ý anh Hai nên chỉ ghi sơ sài về những đời trước, chủ yếu tập trung viết sâu vào thời đại của anh Hai. Anh là huynh trưởng, từ mấy chục năm nay những việc lớn trong gia đình, sau này nhập thành đại gia đình hay nhánh tộc, đều do anh quyết định. Tôi được ăn học tử tế, lấy vợ, được chia đất cất nhà riêng một tay anh Hai lo. Các anh, chị khác cũng vậy. Lúc nhỏ họ theo anh Hai xông pha sóng bão học nghề biển, lớn lên được anh dựng vợ gả chồng, chia đất cất nhà. Anh có mặt ở từng gia đình từ đám hỏi, đám cưới cho đến những tiệc mừng nho nhỏ sau chuyến làm ăn trúng đậm trở về…
Từ nhiều đời trước, trong gia tộc đi biển của tôi có truyền thuyết về mỏ cá nằm cách từ đường Lộc tộc khoảng ba ngày hai đêm hải trình theo hướng mặt trời mọc. Nơi đó là “rún biển” với vùng nước xoáy mênh mông dày đặc tôm hùm, hải sâm và các loại cá quý. Hơn trăm rưỡi năm trước, cụ tổ Lộc Các được cho là đã đến nơi đó, vẽ sơ đồ hải trình và mô tả về thiên văn, địa lý, sản vật ở mỏ cá rất chi tiết trong một cuốn sách đặt tên là “Ngư thư”. Cuốn sách đó từng được thờ ở từ đường Lộc tộc, nhưng qua biết bao biến thiên của lịch sử, “Ngư thư” chỉ còn lưu truyền cùng nhiều thế hệ của Lộc tộc qua lời kể “tam sao thất bổn” rất mơ hồ và ngày càng mơ hồ hơn nữa. Thế nhưng Lộc Hai – huynh trưởng trong đại gia đình nhất phái chúng tôi, đồng thời là tộc trưởng Lộc tộc suốt mấy mươi năm qua vẫn nuôi ý chí sắt đá về cuộc chinh phục đại dương mênh mông, sóng gió để tìm bằng được mỏ cá. Anh đã vận động em út, họ hàng ba lần góp sức người, sức của để đóng tàu ra khơi. Uy tín ở một ngư phủ lão luyện như anh hao mòn sau những thất bại. Trong làng chài toàn mang họ Lộc này đã có những gia đình chít khăn tang, ly tán, vỡ nợ… Trên trán anh Hai thêm nhiều vết nhăn, đầu có thêm nhiều tóc bạc, đôi mắt buồn đi nhưng vẫn nung náu quyết tâm. Anh mang cái dáng nghiêm nghị mà u ám đó đến từng nhà em út, cháu con động viên, chia sẻ, an ủi rồi thuyết phục họ về một chuyến đi “chở vàng trở về”! Anh phân tích chuyến đầu thất bại vì áp lực của các chủ nợ; chuyến thứ hai thiếu thiết bị nên lạc đường. Chuyến thứ ba trang bị tốt hơn và có kinh nghiệm của hai chuyến đầu, nhưng không may gặp bão khi chưa kịp đến đích. Anh nói: “Nếu chúng ta dốc sức đầu tư làm được tàu lớn hơn, tối tân hơn thì lo gì không thành công. Một khi đã tìm được mỏ cá thì đời này sang đời khác cứ đánh tàu ra chở cá về bán lấy tiền chia nhau”. Anh còn lo xa đến mức phải phân phối lợi nhuận cách nào cho công bằng, phải tích lũy để đóng thêm tàu, mở mang các cơ sở hậu cần. Vài năm sau khi tiền bạc đã dư dả, sẽ xây nhà lầu với biệt thự cho toàn làng chài. Sẽ lập thêm trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn để đón khách các nơi về tham quan học tập; phải gửi con em họ tộc sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ… học nghề cá rồi mua thiết bị hiện đại của họ về tận thu mỏ cá, tiếp tục làm giàu… Nói chung là anh Hai đã vẽ ra một thiên đường mà theo lời anh không quá mười năm là sẽ thành hiện thực. Làng chài Lộc tộc bừng bừng khí thế sau hoạt động dân vận kiên trì đầy cảm xúc của anh Hai. Thế là nhà nhà lại dốc sức chạy vạy gom góp tiền của đưa cho anh Hai đóng tàu mới… Anh Hai lấy luôn niềm mơ ước của mình đặt tên cho canh bạc gần 10 tỷ đồng này – “Mỏ cá”. Tàu dài hơn 32m, rộng 7,5m, cao hơn 5m được gắn động cơ 1800 mã lực. Trên tàu được trang bị đầy đủ máy định vị, dò cá, hải đồ màu điện tử, pin dự trữ công suất lớn, thiết bị liên lạc viễn thông v.v… tất cả đều là hàng nhập thế hệ mới nhất. Những ngày sắp xuất bến, “Mỏ cá” mới toanh, cao to lừng lững nổi bật lên giữa hàng trăm tàu cá bình thường khác đang neo đậu xung quanh, khiến ai cũng phải trầm trồ, xít xoa. Anh Hai trở thành ngôi sao của bến tàu, làng chài Lộc tộc cũng nổi tiếng theo chiếc tàu ngoại cỡ của mình. Những ngày đó trông anh Hai rất đặc biệt với nét mặt nghiêm nghị, ánh mắt thâm trầm, đĩnh đạc trong bộ đồ lớn bốn túi, ngậm điếu thuốc trên môi, chấp tay sau đít đi tới đi lui trên bến cảng nhộn nhịp. Nhìn anh trong lòng tôi dâng lên niềm tự hào về huynh trưởng, tộc trưởng oai vệ, ý chí, tài năng của mình.
*
* *
Chiều hôm đó anh Hai làm lễ cúng long trọng. Sau khi cơm no rượu say, hai mươi mốt thành viên thủy thủ đoàn chia tay gia đình, ôm hành lý lên tàu ngủ luôn để bốn giờ sáng bắt đầu ra khơi. Thật cảm động khi trên con tàu chật chội, anh Hai vẫn dành cho tôi bàn làm việc nhỏ gắn chặt xuống sàn tàu và chiếc ghế nệm mút bọc nhung êm ái đặt dưới tấm bạt che nắng để tôi ngồi viết “sử” cho hành trình quan trọng này. Hai ngày đầu tiên trôi qua trong bình yên, biển lặng sóng, trời cao, nắng đẹp, gió hiu hiu. Tôi ngồi trong “tháp ngà” ngắm bình minh rực rỡ trên trùng dương bao la rồi tìm chữ tả thủy thủ đoàn ai cũng rạng rỡ, tươi cười…. Sáng ngày thứ ba, các thiết bị trên tàu phát hiện một luồng cá lớn, mọi người phấn khởi báo cáo anh Hai xin được thả lưới. Anh Hai lắc đầu:
– Mục đích chuyến đi này là tìm ra mỏ cá, chúng ta phải hy sinh những lợi ích nhỏ để đến được mục tiêu lớn.
Tôi xin ý kiến anh Hai:
– Em ghi lại tọa độ, lỡ… không tìm được mỏ cá, chúng ta vẫn còn vốn liếng quay về?
Anh Hai quắt mắt giận dữ:
– Chú định làm nhụt chí ba quân à?
Tôi xanh mặt, nhìn ánh mắt nảy lửa đó, tôi tin anh dám ném những người trái lệnh xuống biển chứ chẳng chơi. Tàu lại lầm lũi tiến về phía Đông. Ba ngày tiếp theo, anh Hai tiếp tục từ chối những luồng cá. Anh Ba, anh Bốn, anh Năm đến gặp tôi phàn nàn:
– Ông Hai rủ mình đi đánh cá hay du lịch vậy? Đã mấy ngày, chưa có một con cá bỏ hầm là sao? Cá thì bao la trước mắt mà không cho thả lưới, kỳ quá!
Tôi trấn an ba anh:
– Anh Hai tính toán giỏi lắm, các anh cứ tin vào anh ấy!
Ba người hậm hực quay về vị trí, liếc ra phía đuôi tàu, tôi thấy anh Hai với mái tóc bồng bềnh đang đăm chiêu thả khói thuốc lên trời. Sáng ngày thứ bảy, thấp thoáng phía trước là ba tàu sắt treo cờ nước ngoài, anh Hai ra lệnh vòng xuống phía Nam nhưng ba tàu trắng xám vẫn đuổi theo. Chừng hơn một giờ sau thì “mỏ cá” bị ba tàu sắt bao vây ở khoảng cách ba trăm thước. Anh Ba nhìn vào máy xác định tọa độ rồi nói:
– Đây là vùng biển của ta, cứ thả lưới không sợ gì cả!
Thủy thủ đoàn suốt mấy ngày bó gối chán ngấy, nghe vậy hào hứng triển khai công việc. Anh Hai lật đật chạy tới cản lại:
– Để coi tình hình sao đã…
Anh Hai chưa dứt lời, ba chiếc tàu sắt thả xuống ba ca nô chở đầy lính áo xanh rừng với súng ống như đánh trận ào ào tiếp về phía “mỏ cá”, những tiếng la ó, xì xồ của chúng ngày càng rõ. Trên tàu chúng tôi mọi người cũng nhốn nháo chạy lên boong lo âu, căng thẳng bàn tán. Nhìn mấy lá cờ đỏ với nhúm ngôi sao vàng ở góc đang phần phật lao lên cùng mấy chiếc ca nô, tôi rụng rời tay chân vì biết đã đụng bọn kiểm ngư Trung Quốc. Trước lúc ra khơi, tôi đã nghe nhiều, đọc nhiều về bọn hung thần này trên báo đài nên bây giờ trong đầu cứ lâm râm cầu nguyện…
Hai chiếc ca nô áp vào hai bên mũi tàu “mỏ cá”, chiếc còn lại áp vào đuôi. Những tên lính lực lưỡng đu bám vào mạn tàu rồi nhảy phốc lên. Hai thằng có mặt đầu tiên vội leo lên nóc tàu bẻ cây ăng ten để dập tắt liên lạc của tàu chúng tôi với bờ, với bạn, với biên phòng của mình. Chúng dùng súng ngắn, súng dài, dùi cui, roi điện… và những bộ mặt hung dữ quát tháo các ngư dân dồn hết lên mũi tàu để chúng khám xét. Chúng tát vào mặt, đá vào mông hoặc nện dùi cui lên đầu, lên vai mọi người để phủ đầu. Chúng bắt anh em phải kéo áo lên tự trùm mặt, trùm đầu mình rồi quỳ xuống sàn tàu. Tôi cũng bị quất dùi cui vào lưng đau điếng nên lật đật làm theo ý chúng. Chúng rầm rập đến khui hầm cá, lôi lưới cụ ra kiểm tra sau đó xúm lại bàn tán. Tôi đoán chúng không thấy cá, ngư cụ còn mới tinh nên nghi tàu chúng tôi hoạt động gián điệp, vậy là càng căng! Tôi đưa mắt tìm anh Hai qua khe hở chiếc áo trùm đầu, thì ra anh đang quỳ sát tôi với chiếc áo bốn túi đĩnh đạc quen thuộc giờ quấn trên đầu. Bất ngờ anh kéo áo xuống, ngẩng mặt xổ một tràng… tiếng Tàu, bọn lính hung hăng kinh ngạc liền lôi anh ra riêng một góc. Chúng cho anh Hai mặc lại áo chỉnh tề đứng trước chiếc bàn viết “sử” anh đã thiết kế cho tôi. Ngồi vào chỗ của tôi bây giờ là gã chỉ huy đám lính hung hăng. Hai bên nói chuyện với nhau khá lâu. Tôi cố nhớ anh Hai học tiếng Trung Quốc từ khi nào, à! Phải rồi khi tôi lên chín hay mười gì đó; có ông thầy phong thủy người Hoa đi ngang làng và được anh Hai trịnh trọng mời về. Anh Hai khi đó mới gần ba mươi, còn ông khách cỡ năm mươi, mặt tròn hồng hào, đầu hói và có nốt ruồi dưới cằm. Ông nói tiếng Việt khá sõi, lúc nào cũng vui vẻ chào hỏi người lớn kẻ nhỏ trong nhà. Ba mẹ tôi mất đã lâu, anh Hai “quyền huynh thế phụ” đưa ông khách đi thăm thú hết “giang sơn” của dòng họ Lộc. Đất đai nhà tôi rộng hơn ba trăm mét giáp biển, kéo sâu vào tận chân núi hùng vĩ. Tôi nghe loáng thoáng ông khách trầm trồ khen đất đẹp rồi chỉ cho anh Hai sửa nhà, sửa bếp, sửa cửa chính, dán bùa và quy hoạch lại bãi thuyền của gia đình.

Ông khách ở nhà tôi suốt ba tháng và được anh Hai hậu tạ khá nhiều tiền, vàng cùng một bát nhang cổ đặt ở nhà thờ tộc Lộc mà ông rất mê, xin mãi. Tôi còn nhớ trước khi lên đường, ông khách nói với cả nhà tôi:
– Ngộ đi làm phước cho thiên hạ, khi nào mỏi chân, già yếu về đây nương nhờ nhé!
Anh Hai bắt tay khách, hứa:
– Nhà tôi đất đai rộng rãi, ông muốn cất nhà tôi sẽ cho đất…
Có lẽ anh Hai đã học tiếng Hoa với ông khách ngày đó. Những năm sau này, khi đã cùng kiệt sau ba chuyến dốc lực tìm Mỏ cá, anh Hai đã ra biên giới phía bắc, buôn bán với người Hoa nên vốn ngoại ngữ khá thêm…
Sau khi anh Hai giao tiếp được với bọn lính Trung Quốc, chúng cho chúng tôi đổi từ quỳ sang ngồi xuống sàn tàu và tháo bỏ áo che mặt, che đầu. Chúng thu hết lưới cụ, các máy liên lạc, định vị, dò cá và cả mấy cái radio anh em thường nghe thời sự, ca nhạc đem xuống ca nô chở về tàu sắt. Khi chúng đi rồi, anh Ba đấm ngực khóc òa:
– Tụi nó cướp hết rồi, giết anh em mình rồi!
Anh Hai lại tỏ ra mừng, khoe:
– Vì tôi nói tôi là người Hoa, làm chủ tàu, nên chúng mới không bắt hết anh em và đưa tàu về giam. Thôi, cứ tìm đường về nhà đã, tới nhà ta sẽ tính tiếp…
Anh Ba nức nở:
– Thà bị nó bắt để chính phủ mình còn thương lượng chuộc về, nó làm kiểu này là đẩy mình vào chỗ chết. Về nhà ăn nói sao với bà con, chủ nợ?
Anh Năm chửi thề, phun nước miếng:
– Tụi chó, biết vậy hồi nãy tử chiến, có chết cũng hả giận!
Anh Hai thở dài:
– Mình yếu hơn họ, phải nhịn thôi. Biết đâu trên đường đi tìm mỏ cá sẽ có lúc họ giúp ta!
Anh Bốn nghiến răng, dậm chân thình thịch:
– Sao có thể tin bọn cướp đó! Tôi già rồi không thì xin vào hải quân bắn chết mẹ tụi nó.
Anh Hai đăm chiêu nhìn biển bao la rồi phẩy tay, mệt mỏi nói:
– Cho tàu về đi!
*
* *
Không còn thiết bị liên lạc, định vị, tàu “mỏ cá” như người mù mò mẫm đi về phía Tây. Đi đến ngày thứ mười hai vẫn không gặp một tàu bạn nào, hành trình càng trở nên mờ mịt. Hai mươi mốt người trên tàu ai cũng hốc hác, phờ phạc và nặng trĩu nỗi lo hết lương thực, nước uống khi khẩu phần từng người đã giảm xuống chỉ còn một nửa và nguy cơ phải giảm thêm…
Dù tình hình đã rất bi đát, hàng ngày tôi vẫn ngồi trong “tháp ngà”, lúi cúi ghi chép nhật ký hải trình. Lúc xuống tàu tôi nghĩ sẽ phụ việc với anh em ở tất cả các khâu, khi nào rảnh rỗi mới viết. Thế nhưng lúc chưa gặp giặc thì anh Hai không cho buông lưới. Lúc muốn vớt vát trở về thì không còn thiết bị, ngư cụ. Thế là trên tàu ngoài tổ máy ra, dường như ai cũng thất nghiệp ngày này sang ngày khác. Tôi chẳng có việc gì làm cho đỡ chán nên lại trút tâm tư, trách nhiệm vào cuốn sổ anh Hai giao. Phát dùi cui tên lính Tàu quất vào lưng tôi còn đau rát. Tôi căm ghét chúng nó bằng mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm. Tôi muốn chửi chúng là quân cướp biển chó má, quân xâm lược ngang ngược. Muốn kể về nỗi đau, nỗi nhục bị chúng ức hiếp vào cuốn sổ này cho hậu thế biết. Nhưng anh Hai đã tuyên bố nhường nhịn chúng; hy vọng dựa vào chúng để tìm mỏ cá. Tôi còn biết làm gì? Thôi thì quên phắt chuyện này cho yên thân! Một hôm khi anh Hai đang nghỉ trưa ở khoang thuyền trưởng, anh Ba dẫn đầu bốn, năm người đến gặp tôi, hỏi:
– Mấy hôm nay chú út ghi cái gì vào sổ?
– Em ghi những gì anh Hai giao…
Anh Ba sấn tới giật cuốn sổ trên tay tôi:
– Đưa tao xem…
Tôi khom người cố giữ cuốn sổ, la toáng lên:
– Anh Hai chưa duyệt không ai được đọc…
Từ phía sau ai đó đã ôm tôi lại cho anh Ba giật sổ. Anh Ba ngắm nghía cuốn sổ sang trọng, nặng trịch rồi mở ra đọc to: – “Ngày… “Mỏ cá” gặp kiểm ngư nước ngoài, nhưng nhờ anh Hai giỏi tiếng Hoa đấu lý quyết liệt đuổi họ xuống tàu, không có tổn thất đáng kể, mọi người đều bình an vô sự”…
Anh Ba tức giận ném cuốn sổ xuống sàn tàu, chỉ mặt tôi gầm lên:
– Mày viết đổi trắng thành đen như vậy mà không thấy nhục à! Mày học hành nhiều nên chữ nghĩa dối trá, bất lương.. mày tính lừa cả con cháu sau này ư?
Anh Ba vung tay định tát tôi thì bất ngờ bị hai cái bóng lao đến đạp ngã xuống sàn tàu. Hai thằng hộ pháp đã xuất hiện kịp thời để cứu tôi. Tôi vùng chạy qua phía chúng nó để được bảo vệ. Anh Hai có cặp con trai song sinh đặt tên Sấu và Cọp, cả hai đều to lớn, lầm lì. Tôi từng thấy chúng luyện võ. Thằng anh là Sấu đấm bể trái dừa, thằng em là Cọp bóp vỡ vụn viên gạch ống. Trong làng gọi chúng là hai thằng “bàn tay sắt” và chưa ai dám gây gỗ với chúng. Anh Hai rất tự hào với cặp song sinh này, nhờ chúng mà anh được mọi người nể trọng hơn…
Anh Ba lồm cồm ngồi dậy vuốt máu mũi, ức nghẹn hỏi Sấu với Cọp:
– Tụi bây vừa hỗn vừa hèn. Lúc giặc lên tàu sao không đạp vào mặt nó mà lại răm rắp quỳ?… Ông Hai đâu rồi? Ông Hai ơi là ông Hai!
Hai thằng hộ pháp cởi trần đứng khoanh tay khoe cơ bắp cuồn cuộn, thằng Sấu hất hàm hỏi lại:
– Bộ mấy ông muốn làm loạn hở?
Mấy người đến gây sức ép với tôi, kể cả anh Ba, biết không thể địch nổi cặp “bàn tay sắt” nên lủi về chỗ của mình. Thằng Cọp nhặt cuốn sổ lên đưa tôi, dặn:
– Chú út cứ làm theo lời ba, ông nào lộn xộn… quăng luôn xuống biển!
Tôi biết anh Hai đang ở đâu đó, nghe hết chuyện ầm ĩ vừa rồi, nhưng anh không muốn ra mặt nên để hai “đại diện” của mình xử lý những kẻ muốn nổi loạn.
Bữa cơm chiều trên tàu thật ngột ngạt, mỗi người chỉ lưng chén cơm ăn với mấy con cá câu được kho lên. Anh Ba mặt còn sưng vù nhai cơm với đôi mắt căm hờn. Anh Hai điềm tĩnh như không có chuyện gì, cặp “bàn tay sắt” vừa ăn vừa liếc bốn phương đề phòng, những người còn lại cúi mặt với khẩu phần ít ỏi của mình. Nội bộ đang có “chiến tranh lạnh”, tôi ở phe anh Hai. Anh Ba cùng cha con anh Bốn, anh Năm là phe đối lập; những người còn lại im lặng chờ đợi xem phe nào thắng thế sẽ ngả theo. Cơm xong anh Hai gọi tôi với Sấu và Cọp đến góc sàn tàu làm ấm trà. Anh hỏi tôi:
– Chú có ghi vụ hồi trưa vào sổ chưa?
Tôi thật thà bày tỏ:
– Thưa anh! Chuyện không hay đó ghi làm gì.
Anh Hai nhướn mắt, nhăn trán:
– Cũng phải ghi, ghi đầy đủ là thằng Ba cầm đầu bọn vô kỷ luật cố tình phá hoại. Chính nó với vai trò máy trưởng đã làm tàu chạy chệch hướng, chạy mãi không thấy bờ để mọi người hoang mang…
– Nhưng anh Ba làm thế để được gì? Cả tàu đang trong tình trạng thiếu ăn, thiếu uống mà? Tôi thắc mắc.
– Chú ngây thơ lắm, bọn nó cất giấu lương khô nước uống để ăn vụng, uống trộm nên đâu sợ đói. Kéo dài hành trình thì đói khát sẽ làm tình hình trên tàu bất ổn, vai trò chỉ huy của ta sẽ không còn nữa…
Thằng Sấu coi bộ sốt ruột nên hiến kế:
– Để đêm nay khi cả tàu đã ngủ say, con với thằng Cọp xuống hầm truy lùng. Nếu tìm ra kho lương thực của chúng, ba cứ tuyên bố vạch mặt, tống giam mấy cha tham nhũng này!
Anh Hai gật đầu:
– Cũng chỉ còn cách đó!
Đêm đó tôi ngủ sớm, lòng nặng trĩu phiền muộn. Cứ nhắm mắt là trong đầu lại vang lên câu chửi nặng nề của anh Ba: “Mày học hành nhiều nên chữ nghĩa dối trá, bất lương; viết đen thành trắng mà không biết nhục…”.Trong đời tôi chưa bao giờ bị ai chửi đau như vậy. Tôi bỗng căm ghét ông Ba và nhóm có của chìm của nổi của ông ta. Tôi lồm cồm ngồi dậy ra chỗ sáng đèn ngồi viết tội ác tham nhũng, chệch hướng của họ như anh Hai gợi ý lúc chiều. Ngòi bút của tôi lúc này thành công cụ phục thù, chữ nghĩa háo hức tuôn ra ào ào, sôi sục. Viết xong thấy hả dạ, thanh thản, tôi về chỗ ngủ. Cha con anh Hai nằm bên cạnh đang gáy rất to. Có lẽ họ vờ ngủ say để đối phương không đề phòng, “giờ G” sẽ đánh úp. Nửa đêm gió bỗng giật mạnh rồi mưa xối xả, tiếp đó là bão dữ dội làm “Mỏ cá” chòng chành kêu răng rắc như muốn vỡ. Tôi mệt phờ với sóng gió và căng thẳng với “giờ G” nên chẳng thể chợp mắt. Suốt mấy ngày nay, “Mỏ cá” không còn thiết bị liên lạc, không có radio nghe tin tức nên không nắm được diễn biến thời tiết. Thiếp đi một lúc, mở mắt thấy ba cha con anh Hai không còn ở chỗ ngủ, tôi chưa biết mình phải làm gì thì nghe tiếng la hét ồn ào ở gầm cầu thang lên sàn tàu. Tôi định đến đó xem sao thì bị ai đó đánh một cú trời giáng vào đầu, không còn biết gì nữa…
*
* *
Tôi cảm thấy ướt át và lạnh cóng, đầu đau như búa bổ nên đưa tay lên xoa đầu. Nhưng cánh tay không rút ra được nên giật mình, mở choàng mắt. Đã sáng bảnh từ khi nào, nhưng trời vẫn âm u mưa lất phất kèm gió giật cấp tám, cấp chín. Tôi quay về phía hai tay tê dại mới biết mình đã bị trói vào chiếc bàn hàng ngày ngồi viết “sử”. Anh Hai cũng trong tình trạng bị trói như tôi, ngồi dựa vào mạn tàu. Hai thằng Sấu và Cọp bị cột đấu lưng và bốn chân vào nhau nằm thành một đống trên sàn tàu. Cả ba cha con vẫn đang ngủ li bì. Bây giờ thì tôi hoảng sợ với điều mình vừa hiểu ra. Cả ba cha con anh Hai đã bị đánh thuốc ngủ liều cao bằng nước pha trà rồi bị bắt trói. Nhóm đảo chính thấy tôi không uống trà vì sợ mất ngủ nên mai phục đập một phát cho ngất đi. Phe anh Ba đã ra tay trước! Tôi đang tính kế thoát thân thì anh Ba cầm đầu một nhóm hơn mười người từ hầm tàu chui lên, tôi vờ nhắm mắt lại. Anh Ba quát: “Dội nước cho tụi nó tỉnh”! Mấy người kia làm theo. Anh Hai vật vờ tỉnh lại bị anh Ba nắm tóc kéo đầu:
– Ông mở mắt ra xem chúng tôi xử hai thằng con hỗn láo, gian ác của ông. Làm đi tụi bây!
Cọp với Sấu cũng được dội nước cho tỉnh rồi “quân đảo chính” tháo từng bàn tay của chúng ra khỏi dây trói, đặt lên thớt gỗ. Thằng Báo cháu vợ anh Ba với thân hình lực lưỡng đen bóng dùng chày vồ… nện xuống. Tôi nghe thằng Cọp rồi thằng Sấu kêu thét hãi hùng mà sợ muốn ngất đi. Anh Hai nức nở gào lên:
– Sao tụi bây tàn nhẫn quá vậy!
Anh Ba mỉa mai:
– Sao lúc chúng nó đàn áp, đánh đập anh em tui, ông không nói là… tàn nhẫn? Xử luôn thằng “quan văn” nịnh bợ cho tao!
Tôi như chết lâm sàng khi thằng Báo với hai thằng con anh Bốn, anh Năm đến mở dây trói xốc dậy. Chúng đặt bàn tay phải của tôi lên mặt bàn viết sử… Vẫn tiếng anh Ba:
– Tụi bây đã đọc cuốn sổ của thằng Lộc út rồi phải không? Thằng này bề ngoài nhu mì yếu ớt, nhưng thật ra bàn tay nhung của nó còn độc địa hơn bàn tay sắt của hai thằng kia. Lấy kéo cắt hết mấy ngón tay cầm bút của nó!
Tôi cố vùng vẫy gào lên: “Em làm theo lệnh anh Hai, em không có lỗi… tha cho em…!”
*
* *
Tôi giật mình ngồi dậy, mồ hôi vã ra như tắm, thấy hai bàn tay còn nguyên, mừng rỡ vô cùng nhưng cũng rùng mình ớn lạnh với ác mộng vừa trải qua. Cảm thấy khó thở tôi rời chỗ ngủ dưới hầm, lên boong tàu. Anh Hai trong bộ đồ bốn túi đang đăm chiêu thả khói thuốc lên trời. Cả bầu trời tím thẫm bình minh với ráng vàng ở phía đông đang ửng lên báo hiệu một ngày nắng đẹp. Hai thằng Cọp và Sấu đang cởi trần hùng hục tập võ gần chỗ cha nó đứng hút thuốc. Tôi thơ thẩn đi về đuôi tàu thấy anh Ba với thằng Báo đang đánh răng, rửa mặt. Mũi của anh Ba sưng to, tím bầm. Tôi cố nhớ vụ thằng Cọp đạp anh té đập mặt xuống sàn tàu là thực hay mơ. Nhớ mãi không ra nên lại thắc mắc: “Nếu là chuyện trong mơ sao mũi anh Ba sưng vù. Nếu là chuyện thật sao cuộc sống trên tàu vẫn bình thường? Khó hiểu quá!” Tôi vội về chỗ ngủ tìm cuốn nhật ký hải trình. Phải rồi, chỉ cần đọc lại vài trang trong đó sẽ hiểu hết mọi việc. Nhưng tôi sực nhớ: “Trong đó làm gì có sự thật!” Cầm cuốn sổ vừa sang vừa đẹp trên tay run run, tôi thở dài chán chường trên con tàu ầm ĩ ra khơi và đang buồn bã trở về. Không tìm được mỏ cá, không xác định được phương hướng; con tàu chở đầy ảo vọng, phe phái và âm mưu tranh đoạt này đang mò mẫm, lang thang trên đại dương mênh mông, chưa biết đi về đâu! Tôi buồn quá, không biết tâm sự cùng ai nên viết ra câu chuyện đau đớn này. Viết vào chính cuốn “sử” đã biến tôi thành “quan văn” đáng kinh tởm. Viết để thấy mình còn tồn tại giữa hỗn mang phi lý. Viết để giải tỏa mặc cảm bị nguyền rủa là “văn nô”. Vừa viết vừa ê chề nhục nhã với câu chửi của anh Ba: -“Mày học hành nhiều nên chữ nghĩa dối trá, bất lương…”!
LẠI VĂN LONG