Tiếng nói trí tuệ, tài hoa của nhà văn Lý Văn Sâm

Vanvn- Thật rủi ro cho dân tộc nào khi sinh ra những anh hùng lại quên sáng tạo nên các nghệ sĩ lớn. Nếu không có những nghệ sĩ tài hoa, người đời chẳng có dịp hình dung rõ nét bộ mặt của ông cha, tổ tiên mình!

Nhà văn Lý Văn Sâm thời trẻ.

 

Chuyên đề Văn học Đồng Nai:

>> Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu thuyết Trần Thu Hằng – Kỳ 3

>> Khách của quê nhau rún – Tiểu thuyết của Khôi Vũ – Kỳ 3

>> Nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết “Trên mảnh đất này”

>> Vén sương, nhìn núi

>> Khách của quê nhau rún – Tiểu thuyết của Khôi Vũ – Kỳ 2

>> Chùm thơ Nguyễn Đức Phước

>> Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu thuyết Trần Thu Hằng – Kỳ 2

>> Chuyện nhỏ bên hồ tràm – Truyện ngắn Hoàng Ngọc Điệp

>> Khách của quê nhau rún – Tiểu thuyết của Khôi Vũ – Kỳ 1

>> Trở lại Đắc Lua – Bút ký của Lê Đăng Kháng

>> Thơ Trần Ngọc Tuấn: Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay

>> Má Năm – Truyện ngắn của Nguyễn Trí

 

Mấy mươi năm trước, trên đất Đồng Nai văn vật, nhiều chàng trai sinh ra thời tao loạn đã vươn mình đứng lên thành những anh hùng. Và thật may mắn, trong số đó, có người đã là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Lý Văn Sâm là trường hợp rất tiêu biểu cho cơ duyên ấy. Ông sinh ngày 17.2.1921, đã dành cho văn chương cách mạng trên 50 năm, coi như gần trọn cuộc đời. Vậy mà, những hiểu biết khám phá của người đời, nhất là những ai làm văn học sử, mới ít ỏi làm sao!

Tôi không muốn nhắc lại điều này – gần suốt cuộc đời, từ khi còn ở tuổi thanh niên, Lý Văn Sâm đã cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập của nhân dân. Ông là người đầu tiên đảm nhận vai trò Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng toàn miền Nam (hồi kháng chiến chống Mỹ), là Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng, rồi Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam… và nhiều năm nữa. Song, trước hết, Lý Văn Sâm vẫn là một nghệ sĩ, ở đâu và bao giờ, ông vẫn nguyên cốt cách, tâm hồn đa cảm, phóng khoáng và giàu lòng nhân ái. Lý Văn Sâm đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trên văn đàn Việt Nam và tồn tại dài lâu trong lòng người, vẫn những dấu ấn ấy! Tôi muốn nói về ông, với tư cách nhà văn, một người gần gũi với cuộc đời qua những những trang văn hay và đẹp, có sức lay động những gì sâu xa nhất trong hồn người…

Lý Văn Sâm xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1940, Khi đó, ông trên dưới 20 tuổi. Song, bằng những truyện ngắn mà thời xưa, và cho đến hiện giờ, người ta vẫn gọi là truyện đường rừng, Lý Văn Sâm có chỗ đứng riêng của mình. Lúc ấy, trên các loại báo chí, sách, người đọc biết nhiều truyện đường rừng của các cây bút nổi tiếng: Thế Lữ, Lan Khai… Sáng tác của Lý Văn Sâm xếp chung loại này, vì bối cảnh, con người hầu như thuộc về miền núi, một trong những tiêu chí khá quan trọng. Do đâu một thanh niên trai trẻ bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng những câu chuyện đôi khi nửa hư nửa thực này? Quê hương nhà văn, làng Bình Long bé nhỏ nằm ven sông Đồng Nai, song rất tiêu biểu cho xứ “mã thượng giang hồ”. Trai làng quanh năm cày sâu cuốc bẫm mà hết đỗi phóng khoáng, giỏi võ nghệ và cương trực… Dẫu sao, trong tâm hồn nhà văn đã phảng phất hương vị đậm đà cùa quê bưởi Tân Triều và bao lần xao động bởi sóng nước Đồng Nai bốn mùa căng đầy phù sa. Lớn lên, sau những tháng ngày nếm trải cuộc sống ở chốn kinh kỳ (đi học ở Huế), sẵn máu “tài tử”, văn chương, Lý Văn Sâm có dịp cọ xát đến tường tận cuộc sống đồng bào miền thượng nguồn. Chính mảnh đất mà ông hay gọi “Mã Đà sơn cước, anh hùng tận” đã nảy nở và phát triển tâm hồn phóng khoáng, khao khát tự do của Lý Văn Sâm bấy giờ.

Nhà văn hồi tưởng lại những năm tháng đó, từng kể rắng mình có ước ao lập nên gánh hát để phục vụ các nơi với mục đích từ thiện. Đấy là những ước mơ đậm màu sắc lãng mạn, Với hoàn cảnh bấy giờ, có thể là viển vông. Nhưng trên hết và trước hết, ý tưởng kia đã hướng về phía nhân quần, những người lao động bình thường và nghèo khổ. Bởi vậy, truyện đường rừng của Lý Văn Sâm mang bộ mặt và âm điệu khác hẳn so với các cây bút đương thời. Ở đó, không có những chi tiết, cảnh tượng rùng rợn, ma quái, kích thích đầu óc phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng hãy còn mù mờ, non choẹt và lắm ngờ nghệch của thiếu niên thị thành để đến lúc va chạm với đời thực thì hoảng sợ và thất vọng.

Truyện đường rừng của Lý Văn Sâm (sau này tập hợp chủ yếu trong tập Kòn Trô, xuất bản năm 1949, Mười lăm năm hận sử, năm 1947…) với những người “mã thượng giang hồ” thường bị đẩy đến bước đường cùng, sống ở miệt sơn cước nhưng tâm hồn đẹp đẽ, sáng trong, dũng cảm, bạo liệt mà cũng hết sức chân chất, thật thà để có lúc phải chết vì nó. Nhà văn tìm cách gửi gắm vào những sáng tác ấy khát vọng tự do, công bằng – những điều kiện mà xã hội thời đó không thể nào có được. Khung cảnh thiên nhiên bàng bạc chất thơ như ánh trăng hằng đêm vẫn tỏa sáng trên các nẻo đường thôn dã. Còn dãy núi rừng, vẫn uy nghi, hùng vĩ mà khôngxa lạ, và khác hơn, lại ấp ủ tâm linh người đời : “…Núi Bạch Hổ đứng sững trong cõi mịt mù của núi ngàn xanh xám. Một miếng mây trắng quấn qua đầu đỉnh non xa như một bức khăn tang. Hình ảnh trái núi kia trải bao năm cách biệt, vẫn nguyên vẹn như tấm lòng của một người tri kỷ” (Kòn Trô, 1941). Đấy là thiên nhiên nhân chứng của người đời cả niềm hạnh phúc lẫn buồn đau ! Có thể nói, truyện đường rừng của Lý Văn Sâm là sự bắt đầu từ tinh thần lãnh mạn đầy ý nghĩa nhân sinh đến với lý tưởng đấu tranh vì độc lập, tự do, dân tộc theo ánh sáng Cách mạng của nhà văn sau này.

Đến khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Lý Văn Sâm tham gia từ những ngày đầu. Từ năm 1947-1954 là giai đoạn sáng tác sung sức, quan trọng nhất của nhà văn. Hầu hết thời gian dó, ông hoạt động báo chí và văn nghệ cách mạng công khai ở Sài Gòn. Qúa trình sáng tác Lý Văn Sâm cũng là hành trình của một trí thức tìm đến và hoạt động cách mạng. Đóng góp tiêu biểu, xuất sắc nhất của nhà văn là việc khắc họa chân dung người trí thức Việt Nam trên những nẻo đường kháng chiến, đặc biệt là người trí thức mỏi mòn, quẩn quanh khao khát “thèm một ánh đèn” khi phải sống trong chế độ tù hãm. Bản thân nhà văn (một trí thức theo Cách mạng), và địa bàn hoạt động đặc biệt (công khai trong vùng địch tạm chiếm) đã giúp Lý Văn Sâm có được hiểu biết sâu sắc, phong phú và nhiều mặt.

Những sáng tác của ông thời kỳ này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tầng lớp thiếu niên, thanh niên miền Nam. Và cũng chính là nguyên nhân đã khiến chế độ tay sai bắt giam nhà văn nhiều lần. Ở những sáng tác của mình, Lý Văn Sâm một mặt phơi bày cuộc sống quẩn quanh, tủi cực của đồng bào trong vòng kìm tỏa, luôn khao khát tìm về “quê nhau rún”, mặt khác phản ánh sức vươn dậy của quần chúng vùng kháng chiến. Giọng văn Lý Văn Sâm bao giờ cũng là lời tâm tình, thiết tha, nồng nàm về quê hương, đất nước, về lẽ sống còn của dân tộc. Với người chiến sĩ hàng đêm lặn lội dưới ánh trăng, đó là lời ngợi ca trìu mến. Với ai đang sống mỏi mòn trong vùng tạm chiếm, văn Lý Văn Sâm là lời thiết tha gọi mời, thúc giục của cuộc đời tháo cũi sổ lồng, tự do ca hát, là tiếng quê hương đậm đà tình nghĩa…

Người trí thức bao giờ cũng ở vào vị trí trung tâm của một dân tộc, đất nước. Đó là cái “phong vũ biểu” đánh giá phần nào trung thực nhất tâm hồn, trí tuệ của một quốc gia. Cho dù họ bị ruồng bỏ để hát “bản du cu cuối cùng của loài người không còn đất sống” như trong văn chương của E. M. Remarque, nhưng ai dám bảo không tìm thấy ở đấy những tâm hồn đẹp nhất, trí tuệ tài hoa nhất ? Ở xứ ta, mấy chục năm liền, trừ vài hình ảnh những trí thức “sống mòn” của Nam Cao trước năm 1945, trong văn chương, đấy vẫn là hình tượng mờ nhạt, nhiều khi không rõ chân dung. Hoàn cảnh sáng tác đặc biệt, vừa để phục vụ yêu cầu cách mạng, vừa để có thể hoạt động lâu dài trong lòng địch, cộng thêm ý thức và bản lĩnh rõ ràng, Lý Văn Sâm trở thành một trong những cây bút hiếm hoi khắc họa nhiều gương mặt trí thức một cách chân thực và sinh động. Ông vạch ra cuộc sống quẩn quanh, vô vọng, vô vị của họ trong lòng chế độ cũ mà vẫn nhìn thấy đấy là những người đêm đêm “thèm một ánh đèn”[1] rồi kích họ “thoát ly” để “trở về” với “quê nhau rún”. Cũng do hoàn cảnh đặc biệt, nhiều trói buộc của cuộc đời người trí thức vùng tạm chiếm trong văn chương Lý Văn Sâm được khúc xạ thành chuyện “vợ bìu con ríu” cầm chân khách nam nhi. Có thể, đó là hình ảnh một người lầm lạc đến nỗi “tàn một mùa thơ”[2], sự quẩn quanh và níu kéo của gia đình, những phút giây thương thân, sợ chết khi “ngoài mưa lạnh”[3]… Nhưng đọng lại ở mỗi sáng tác Lý Văn Sâm thời đó là cảm giác chua xót vì ngột ngạt, hèn kém, niềm ân hận, nuối tiếc mòn mỏi tuổi xuân và cuối cùng cũng là khao khát được “chim bằng tung cánh”, được cống hiến cho độc lập, tự do. Bằng sáng tác của mình, nhà văn đã nhen nhóm nhiệt tình yêu nước của thanh niên, đồng bào trong vùng kìm hãm để đến khi gặp bão lớn chúng bùng cháy thành biển lửa! Viết về người trí thức, Lý Văn Sâm thể hiện sự hiểu biết tường tận, trung thực, cả khát khao, hoài bão lẫn phút giây hèn yếu của họ. Song, bao giờ nhà văn cũng tỏ ra sâu sắc và tinh tế của người trong cuộc, phân trần, tự vấn như chính bản thân mình. Với những đóng góp xuất sắc bằng cả tài năng, trí tuệ, và lòng nhân ái, Lý Văn Sâm đã được chính những người làm lịch sử văn chương thời đó đánh giá là “Một trong hai cây bút xuất sắc nhất ở miền Nam” những năm 1945-1954.

Thời kỳ chống Mỹ và giai đoạn sau này, Lý Văn Sâm viết ít hơn. Ông phải dành nhiều thời gian cho những hoạt động khác, theo yêu cầu của Cách mạng. Nhưng Lý Văn Sâm cũng đã để lại được những “bức chân dung”[4]đặc sắc. Đó là hồi ức về những người thân thuộc trên đường kháng chiến, những trí thức – chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm không ngại hy sinh cho Tổ quốc: Dương Tử Giang, Trần Hữu Trang, Vũ Tùng, Huỳnh Văn Nghệ… Phải chăng, những “bức chân dung” này đã bổ sung vào hình tượng những thanh niên trí thức trong cuộc cọ quậy tìm về dân tộc mà nhà văn đã viết trước đây, trong lòng chế độ cũ ?

Hành trình văn chương Lý Văn Sâm nằm trọn trên những nẻo đường kháng chiến của dân tộc. Ông gắn bó suốt đời với nhân dân và yêu thiết tha quê hương, nơi ông thường gọi bằng cái tên hết sức dân dã mà có sức lay động lòng người: “quê nhau rún” ! Suốt đời ông cống hiến cho sự nghiệp của nhân dân. Còn với thiên chức người cầm bút, Lý Văn Sâm là người nghệ sĩ đã khắc ghi chân thật bộ mặt quê hương, đất nước, biết ca khúc khải hoàn cho những chiến thắng và bài hát tang lễ trước nỗi đau buồn, mất mác của nhân dân. Người – trí – thức – nghệ – sĩ chân chính bao giờ cũng phải biết ơn nơi mình sinh ra. Còn người đời và quê hương của anh ta? Hãy tự hào về người con ruột và tài hoa của mình.[5]

                   BÙI QUANG HUY

_____________________

[1] Tên một truyện ngắn của Lý Văn Sâm.

[2] Tên một truyện ngắn của Lý Văn Sâm.

[3] Tên một truyện ngắn của Lý Văn Sâm.

[4] Tên tập truyện và ký của Lý Văn Sâm (các chú thích trong sách không ghi xuất xứ là của nhà văn Lý Văn Sâm; các chú thích khác của người biên soạn – B.Q.H.)

[5] Tựa bài viết do Ban tổ chức hội thảo về nhà văn Lý Văn Sâm ở Đồng Nai đặt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *