Một tín hiệu đáng mừng

Vanvn- Tôi đăng lời kêu gọi gửi truyện ngắn cho Báo Văn Nghệ bộ mới của Hội Nhà văn Việt Nam lên trang fb cá nhân vào lúc 9h43 phút ngày 7.6.2021. Vào lúc tôi ngồi viết những dòng này là 10h, ngày 9.6, tức chỉ sau hơn một ngày, hộp thư email của tôi đã nhận được tổng cộng 47 truyện ngắn gửi cộng tác. Quả là một con số kỉ lục. Một tín hiệu đáng mừng.

Đáng mừng, khi một cái status đơn thuần chỉ là mời gọi gửi truyện ngắn, nhưng có đến 99 lượt share (tính đến thời điểm này).

Đáng mừng, khi nhận được sáng tác của những cây bút chuyên nghiệp, có uy tín trong làng văn hiện nay. Cả những cây bút tự cho là nghiệp dư, nhưng luôn bền bỉ, sáng tạo trong từng tác phẩm, cũng đã nhanh chóng gửi truyện về.

Xin thưa, là mới chỉ hơn một ngày.

Đáng mừng, khi thấy có rất nhiều các cây bút thế hệ Gen Z (tức sinh từ năm 2000 trở về sau) cũng tham gia gửi truyện.

Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Cách làm hiện nay của Báo Văn Nghệ là mới mẻ, và bước đầu mang lại những tín hiệu đáng mừng”. Và… “Văn hay không đọc không khen mà đi tâng bốc văn dở thì đó là tự hủy hoại mình”.

Tất cả những điều trên nói lên điều gì?

Văn chương không chết. Tình yêu văn chương vẫn còn đó. Dẫu biết, mỗi người đến với văn chương bằng con đường và tâm thế khác nhau, với những toan tính khác nhau. Nhưng tựu trung, vẫn là những hăm hở sáng tạo, trong đam mê khám phá cuộc sống và tâm hồn con người.

Trên thế giới này, từ xưa đến nay, những ai chọn văn chương, đều mong muốn một cuộc đổi đời. Đó có thể là đổi đời về tiền bạc (nên nhớ ở các nước lớn, bản quyền văn chương được trả với giá rất cao, nhiều nhà văn danh tiếng giàu có chỉ nhờ vào viết lách) Đó có thể là đổi đời về tinh thần hay nhận thức xã hội. Văn chương thực sự không phải là những trò khoe mẽ, những hỉ hả tầm thường.

Nhưng sao lâu nay người ta có vẻ nguội lạnh với văn chương? Hay nói đúng hơn là văn chương không có những tác phẩm hay, mặc dù các tờ báo có trang văn không phải là ít?

Tôi không phải là người có khả năng trả lời những câu hỏi lớn này. Nhưng từ quan sát của mình, tôi thấy sở dĩ văn chương nguội lạnh, là do chính văn chương không còn sức hấp dẫn, bạn đọc không còn bị văn chương quyến rũ. Nhiều nhà văn vẫn âm thầm viết, nhưng rồi cũng không khỏi nản lòng. Vì sao? Vì không có bạn đọc. Văn chương cũng như bóng đá, phải có khán giả/ bạn đọc.

Ở Việt Nam, phải nhìn vào thực tế này: chúng ta không thể sống bằng nghề viết văn. Nhưng để theo đuổi văn chương, chúng ta cần bạn đọc, cần không khí cởi mở, cần sự nhìn nhận trân trọng đúng mực. Văn hay không đọc không khen mà đi tâng bốc văn dở thì đó là tự hủy hoại mình.

Cho nên, tôi nghĩ, cách làm hiện nay của Báo Văn Nghệ là mới mẻ, và bước đầu mang lại những tín hiệu đáng mừng. Ít nhất từ góc nhìn chủ quan của tôi. Dĩ nhiên, mọi việc không phải dễ dàng như thế. Cũng như văn chương thực sự không phải là những thao tác bàn phím chóng vánh như thế. Phải bền bỉ, chấp nhận nhọc nhằn.

Nhân đây cũng xin thưa rằng, tôi không phải là người của Báo Văn Nghệ, tôi chỉ là một nhà văn được mời cộng tác chọn truyện cho Báo Văn Nghệ các số ra trong tháng 8.2021. Vai trò của tôi chỉ có vậy. Còn lại tôi cũng như các tác giả khác. Nếu muốn đăng ở Báo Văn Nghệ thì tôi vẫn phải gửi truyện về cho một nhà văn nào đó hoặc gửi cho tòa soạn. Nghĩa là tôi không có “quyền lực” gì. Nhưng tôi rất thích cái kiểu này. Chúng ta là những nhà văn thỏa sức quyền lực trong tác phẩm của mình.

Lúc này, giữa những ngày tháng cam go chống dịch Covid, tôi viết những dòng này, có thể hơi to tát, lạc dòng, nhưng đây cũng là một kiểu ghi chú. Tôi có linh cảm về một không khí văn chương thực sự đang diễn ra.

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn tất cả các tác giả đã gửi truyện ngắn về. Với tôi, đó là một sự ưu ái hay “chiếu cố”. Xin ghi nhận tất cả. Và xin kính chúc mọi người mạnh khỏe, sáng tạo!

9.6.21

TRẦN NHÃ THỤY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *