Văn học Tây Nguyên trong tiến trình xây dựng đất nước

Vanvn- Sáng 15.4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều dẫn đầu tham dự Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2023 khu vực Tây Nguyên (các chi hội Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng) và tọa đàm “Văn học Tây Nguyên trong tiến trình xây dựng đất nước”do Hội Nhà văn Việt Nam cùng với Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk phối hợp tổ chức.

Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều thông báo về một số hoạt động của Ban chấp hành khóa 10 Hội Nhà văn Việt Nam.

Mở đầu hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã thông báo về một số hoạt động của Ban chấp hành khóa 10 Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho biết trong nửa đầu nhiệm kỳ của Ban chấp hành (BCH) Hội đã gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Mặc dù vậy, BCH đã có nhiều hoạt động thúc đẩy đời sống văn chương nước nhà.

BCH đã tiến hành trao giải Tác giả trẻ, thành lập Hội đồng văn học Thiếu nhi (trước đó là Ban văn học Thiếu nhi) và trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn xúc tiến dự án “Sách miễn phí cho cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa” với mục tiêu ra được 10 vạn cuốn sách trao tặng độc giả trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng còn hẻo lánh, không có điều kiện tiếp cận được với sách.

Trang web Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Phan Hoàng phụ trách thời gian qua đã được tạo sự gắn kết giữa các nhà văn với bạn đọc của mình. Bảo tàng Văn học Việt Nam với tân Giám đốc Nguyễn Thị Thu Huệ đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ, số lượng người đến thăm Bảo tàng trong một năm qua bằng 10 năm trước đó cộng lại.

Trụ sở Nhà xuất bản Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội đang được sửa chữa, trong tương lai sẽ là không gian sang trọng, nơi đón tiếp các nhà văn và bạn đọc đến giao lưu, chia sẻ về tác giả, tác phẩm. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết BCH ghi nhận mong muốn của các nhà văn Tây Nguyên về khả năng tổ chức Đại hội toàn thể các nhà văn khóa 11…

Phó Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Bình Phương thông báo với Hội nghị 2 công việc quan trọng mà BCH đã tiến hành trong thời gian qua là xét kết nạp hội viên và trao giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết công việc xét giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc nghiêm túc, cởi mở (chấp nhận các khuynh hướng), trách nhiệm (gắn với trách nhiệm của nhà văn, của người sáng tác). Quá trình xét giải thưởng được tiến hành qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, trên tinh thần không có vùng miền, nghiêm túc (năm 2021 không có giải thưởng thơ, 2022 không có lý luận phê bình).

Kết quả giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam trong hai năm qua nhận được sự đồng thuận tương đối của các hội viên và dư luận. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng thông báo về giải thưởng mới của Hội là giải Tác giả trẻ có 4 hạng mục cho những người viết dưới tuổi 35. Đây là một cố gắng của BCH khóa 10 và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, được đặt ra để kích hoạt tiềm năng sáng tạo ở những người viết dưới tuổi 35 trên toàn quốc.

Nhà thơ Trần Hùng, Ủy viên BCH đã báo cáo chi tiết về công tác tổ chức của các chi hội. Theo nhà thơ Trần Hùng, trong thời gian hai năm qua đã thành lập thêm được 7 chi hội trên toàn quốc, cả Tây Nguyên có 28 hội viên. Số hội viên  HNV Việt  Nam tăng không đáng kể bởi số hội viên kế nạp xấp xỉ với số hội viên mất trong năm. Ở một số tỉnh, công tác phát triển chi hội gặp nhiều khó khăn, các di biến động của hội viên không được ghi nhận đầy đủ. Cá biệt có nơi quan hệ giữa chi hội với các cơ quan chức năng địa phương chưa thuận lợi. Vừa qua, BCH đã ban hành Quy chế mới về hoạt động của các chi hội.

Mở đầu buổi Tọa đàm, nhà thơ Nguyễn QuangThiều đặt hai câu hỏi vĩ mô và vi mô: câu hỏi vĩ mô là văn chương đang đồng hành như thế nào với đời sống này? Câu hỏi vi mô là các nhà văn Tây Nguyên viết gì, viết thế nào để xứng đáng với sự kỳ vĩ của con người và vùng đất này? Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các nhà văn nhà thơ cần rời khỏi tháp ngà bước về phía đời sống để trả lời các câu hỏi đó trước bạn đọc. Ông hy vọng đời sống kỳ bí, lớn lao của vùng đất Tây Nguyên sẽ sản sinh ra các tác phẩm lớn. Mảnh đất này không chỉ có những di sản dân gian mà các nhà văn Tây Nguyên sẽ sáng tạo ra những di sản mới, với nhịp điệu mới, khát vọng mới…

Nhà văn Linh Nga Niê Kdăm thuộc chi hội Đăk Lăk

Phát biểu tại Tọa đàm, nhà văn Linh Nga Niê Kdăm thuộc chi hội Đăk Lăk cho biết các nhà văn Tây Nguyên rất khó khăn trong việc công bố tác phẩm, do vậy văn học Tây Nguyên cũng khó đến với cộng đồng bạn đọc rộng rãi. Tây Nguyên có tiềm năng nhưng số tác giả hội viên còn hạn chế. Mong BCH có hoạt động, có sự phối hợp để bồi dưỡng tác giả Tây Nguyên tham gia Hội. Phải có sự kế cận, trao truyền trong lĩnh vực văn học để có tác giả trẻ. Về hoạt động Hội, đề xuất tổ chức hội nghị ở các tỉnh để BCH gặp gỡ hội viên.

Nhà văn Thu Loan chi hội Gia Lai nói chị biết thời gian qua, BCH Hội Nhà văn chú trọng phát triển văn học thiếu nhi nhưng chị đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam xây dựng đề án về văn học Tây Nguyên, tập trung phát triển các thể loại truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký.

Nhà thơ Tạ Văn Sĩ, chi hội Kon Tum nêu lên một thực trạng là có những người viết đang có tiềm năng phát triển, nhưng đến khi làm công chức hay quan chức là thôi viết. Ông đề nghị BCH chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển người viết dân tộc thiểu số.

Nhà văn Niê Thanh Mai, chi hội Đăk Lăk, cho biết công việc của các chi hội là tìm kiếm các nguồn lực, các tác giả tiềm năng để giới thiệu với Hội Nhà văn Việt Nam. Sự kết nối giữa anh em viết Tây Nguyên cần được củng cố gắn kết hơn nữa để phát triển hội viên, bồi dưỡng những tác giả có tác phẩm xứng đáng với vùng đất và sự kỳ vọng của người đọc. Do việc công bố tác phẩm khó khăn, một số tác giả làm việc với cơ sở xuất bản trôi nổi, cần trao đổi với Nhà xuất bản Hội nhà văn để có thể xuất bản được những tác phẩm tốt nhất, có chất lượng nhất.

Nhà văn Nguyễn Văn Rèn ở Đăk Lăk cũng đề nghị BCH cần quan tâm đến công tác kết nạp hội viên mới ở Tây Nguyên

Nhà văn Đặng Bá Canh, chi hội Đăk Nông, tân hội viên của HNV Việt Nam, cho rằng các hội viên cần phải đào sâu vào chất liệu của chính vùng đất mình đang sinh sống để sản sinh ra tác phẩm. HNV Việt Nam cần bồi dưỡng nâng đỡ các tác giả dân tộc và cả những cây bút người Kinh tâm huyết với vùng đất nơi họ đang sinh sống.

Nhà văn Phạm Đức Long, chi hội Gia Lai tâm sự các nhà văn, các cây bút không cần phải nóng ruột, cứ yêu mảnh đất nơi mình sinh sống sẽ sinh ra được tác phẩm

Nhà thơ Văn Công Hùng chi hội Gia Lai phát biểu

Nhà thơ Văn Công Hùng chi hội Gia Lai phát biểu, khẳng định mỗi nhà văn nhà thơ đều có một vùng ký ức của mình; cần tận dụng kho tàng quý giá đó để viết. Ông nói người viết không nên trông chờ vào tài trợ, mà tự thân vận động, dựa vào vốn sống của chính mình để viết. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, lọc qua facebook, qua báo chí để hình thành tác phẩm. Ông đề xuất không dùng từ “tài trợ” mà dùng từ “đặt hàng”, nhà nước “đặt hàng” người viết.

Nhà văn Nguyễn Thanh Hương, chi hội Lâm Đồng nói ông học hỏi rất nhiều từ ý kiên của các nhà văn, nhà thơ tham dự tọa đàm. Theo ông, nhà văn nhà thơ là người gieo hạt, người đọc là người vun trồng hưởng thụ.

Nhà văn  Lê Văn Thiềng, chi hội Kon Tum đề xuất nên có chi hội các nhà văn thiểu số hay hội đồng văn học miền núi, hội đồng văn học dân tộc trong Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Bùi Minh Vũ của chi hội Đăk Lăk đề xuất nên có giải thưởng về văn học các dân tộc và nên có hội thảo về văn học các dân tộc ở Buôn Ma Thuột…

Kết thúc Tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã giải đáp ngay một số vấn đề mà các đại biểu tham dự Tọa đàm đặt ra, Ông nói các vấn đề đặt ra tại Tọa đàm cũng chính là những vấn đề mà BCH Hội nhà văn thời gian qua trăn trở. BCH ghi nhận các ý kiến của các đại biểu dự Tọa đàm, một số ý kiến khả thi, BCH sẽ cho triển khai thực hiện ngay. Ông hy vọng buổi Tọa đàm sẽ là một cú hích để văn học của vùng đất Tây Nguyên có những bước phát triển mới, xứng đáng với tầm vóc của vùng đất và kỳ vọng của bạn đọc cả nước.

***

Trước đó, 1400 cuốn truyện thiếu nhi đã được đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam và đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn gửi tới các em học sinh tại các trường học vùng sâu vùng xa ở tỉnh Đăk Lăk trong hai ngày 13 và 14.4.2023. Đây là số sách truyện trong tổng số 4000 cuốn được Hội Nhà văn Việt Nam gửi tới các em học sinh thiếu nhi các trường học tại Đăk Lăk trong dự án của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tham gia đoàn công tác Hội nhà văn Việt Nam có Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều, các Phó Chủ tịch Hội Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Trần Hùng, Phan Hoàng cùng đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk tham gia cùng các hoạt động của đoàn.

Chiều 13.4, đoàn đã trao 200 cuốn sách đầu tiên cho các em học sinh tại Trung tâm hòa nhập trẻ khuyết tật tại thành phố Buôn Ma Thuột. Sáng 14.4, đoàn tiếp tục trao 1200 cuốn sách cho các em học sinh Trường trung học phổ thông Buôn Đôn (Buôn Ma Thuột) trong khuôn khổ Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam huyện Buôn Đôn năm 2023 với chủ đề: Sách và những chân trời mới. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã trồng cây kơ nia lưu niệm trong khuôn viên trường Trường trung học phổ thông Buôn Đôn. Trong cả buổi sáng 14.4, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu với các em học sinh Trường trung học phổ thông Buôn Đôn.

YÊN BA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *