Vanvn- Thạc sĩ Trương Kim Ngọc là một trong những cây bút trẻ hiếm hoi yêu thích phê bình văn học hiện nay ở TPHCM. Đề tài cô quan tâm là thơ hiện đại, đặc biệt là thơ trẻ thế hệ 7X, 8X của thành phố này: “Với tinh thần mong muốn mình là chủ thể của mọi cảm xúc thăng hoa, các nhà thơ thế hệ 7X, 8X Sài Gòn đã bộc trực những mong muốn mãnh liệt trong bước đường đi tìm cái tôi giữa thời đại mới. Phải nói rằng, tìm cái tôi bản ngã hay cái tôi nhục cảm nhưng phải nhân văn giữa thời đại ngày nay tưởng dễ mà khó”.
Họ tên đầy đủ Trương Thị Kim Ngọc sinh ngày 25.5.1989 ở vùng đất biên giới của tỉnh An Giang, tốt nghiệp Cao học văn học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hiện cô đang dạy ở Trường THPT Marie Curie ở quận 3 và độc lập nghiên cứu văn học, cộng tác với báo chí.

Cảm quan của thế hệ thơ 7X, 8X TPHCM về thế giới
và con người những năm đầu thế kỉ XXI
Từ trước đến nay, thơ luôn là tiếng nói của tâm hồn, đọc thơ chúng ta phần nào cảm nhận được nơi sâu thẳm trong trái tim người làm thơ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu hơn cách nhìn, đánh giá của các nhà thơ về cuộc sống và con người xung quanh. Chúng ta hãy đến với những dòng thơ của thế hệ nhà thơ 7X, 8X Sài Gòn để hiểu hơn thế giới quan của các nhà thơ vào những năm đầu thế kỉ XXI.
Thế giới biến động – Người quen thành người lạ
Đối với một nhà thơ, bất cứ sự thay đổi nhỏ bé nào của tạo vật cũng làm nên những rung động lớn lao. Thế giới trong cách nhìn của những nhà thơ là một thế giới vận động không ngừng. Chính vì thế các nhà thơ có lúc cảm thấy cuộc sống lướt qua khi mà họ chưa kịp nhìn cũng không kịp hiểu.
Với các nhà thơ, sự biến động gần như bao phủ mọi khía cạnh, nó không chỉ nằm trong cách sống, nhịp sống mà ở cả khí trời để sống. Nhiều chuẩn mực thay đổi cùng lúc, không chỉ riêng các nhà thơ mà với những người khác, đó là điều khó tiếp nhận. Tất cả không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng lúc ban đầu rồi choáng ngợp sau đó. Nhiều màu sắc mới phủ lên cuộc sống, nhưng thế giới đa sắc màu trong mắt các nhà thơ chỉ là một sân khấu lớn với nhiều phân cảnh. Nơi đó, họ cần diễn tốt vai diễn mà cuộc đời giao phó. Bằng một trái tim nhạy cảm, các nhà thơ biết mình đang diễn nhưng không thể dừng lại, cũng như chưa tìm được cách rời khỏi “sân khấu cuộc đời” đó.
Theo thị thành chúng tôi tập trôi
Người hối hả cho kịp mùa xe buýt
Có ai hay chúng tôi việt dã thế hệ mình
Thì cứ tới, im lặng đi, và tới
Thế hệ tôi mắt mù đạp lá qua sông
(Thanh trần thay bè bạn, Thục Linh)
Các nhà thơ chấp nhận thả mình trôi theo nhịp sống vội vã, im lặng bước đi như kẻ mù lòa không nhìn thấy, không cần biết. Thế hệ các nhà thơ 7X, 8X là thế hệ năng động, tích cực trong việc tiếp thu những thay đổi của thời đại. Nhưng việc tiếp thu quá nhanh, quá nhiều, một lúc nào đó khiến họ thấy thật khó khăn khi bản thân không tìm được giá trị sống mà ngược lại phải chạy đua, xô đẩy, chà đạp, vùi dập nhau. Mỗi ngày thức giấc, những thông tin mới không ngừng hiển thị. Nếu chọn bỏ qua, các nhà thơ sợ mình lạc hậu nhưng nếu họ chọn tiếp nhận thì lại sợ chính bản thân “ngộ độc”. Để rồi, các nhà thơ cảm thấy thế giới mình đang sống như một nơi xa lạ. Con người trong thế giới ấy cũng xa lạ. Thiết lập cho nhau những mối thân quen mang tên “xa lạ”.
Ở một nơi
Mọi người đều không quen nhau
Ai cũng là người lạ
Ở một nơi mọi người đều không thân nhau
Ai cũng là người lạ
Ở một nơi mọi ngươi đều thân quen nhau
Ai cũng là người lạ…
(Người lạ, Trần Lê Sơn Ý)
Lời tâm sự của các nhà thơ phản ánh rõ bi kịch của thời đại. Có lẽ cuộc sống vội vàng quá, mọi người không đủ thời gian quan tâm bản thân thì sao có thể nhớ đến người khác. Nhưng đó không phải là một cái cớ để con người tiếp tục sống vô tâm. Đây mới là điều khiến các nhà thơ trăn trở, sợ một ngày nào đó, khi con người muốn tìm lại tình cảm chân thành đã không còn kịp quá nhiều người đã chọn cách làm người xa lạ để “hợp thời”.
Các nhà thơ cũng nhận ra một điều nghịch lý, con ngươi tuy không muốn vun đắp cho những mối quan hệ đời thực nhưng lại thích nhân rộng những mối quan hệ trong thế giới ảo. Sự thật trái khoáy ấy, có lúc khiến các nhà thơ giật mình vì không thể hiểu.
Ngày điện thoại rung bần bật trong túi quần
Dạo phố trong tiếng ồn
Tiếng ồn va tiếng ồn
Người đi không nhìn mặt nhau
Đêm điện thoại rung bần bật đầu giường
Giật mình thấy những gương mặt không quen biết ban ngày
Hiện ra trong sự im lặng.
(Mobile phone, Ly Hoàng Ly)
Có lẽ trong thế giới đó, con người không cần đặt nhiều tâm tư cho nhau. Nếu muốn biểu thị sự quan tâm, họ chỉ vài dòng tin ngắn gọn, hay đơn giản bằng cái “like”. Những tiện ích của xã hội hiện đại không làm con người gần gũi mà ngược lại càng trở nên xa cách. Và đến một lúc nào đó, lại thêm một kiểu “người xa lạ mới” xuất hiện, người xa lạ với chính mình.
Con đường nồng nặc mùi Chanel số 5
100 cô gái vứt mùi thật của mình vào đống rác và rưới lên thân thể mùi mình của xa xỉ nước Pháp
Đi ngang qua sự hôi thối của chính mình
Họ bịt mũi
(Ảo giác, Ly Hoàng Ly)
Bản chất con người luôn cần sự thay đổi để ngày càng hoàn thiện hơn nhưng không nên vì thế mà đánh mất những điều thuần hậu mình từng có. Các nhà thơ như đang vẽ một bức tranh biếm họa, trong bức tranh ấy, con người chối bỏ chất riêng của mình để đồng bộ một mùi vị cùng nhiều người khác. Và sau đó gặp nhau trong hình bóng của nhau, con người đều chung cảm giác vô cùng tệ hại với đối phương.
Thế giới giả dối – Người chân thật thành kẻ ngụy trang
Nếu các nhà thơ đã nhìn thấy thế giới xung quanh không ngừng thay đổi thì họ cũng hiểu những hình ảnh bình yên với vật chất tinh tươm chỉ là cảnh “thái bình giả tạo” nhằm che giấu những xáo trộn bên trong.
… nhìn ra ngoài kia chút đi
lá vẫn xanh
gió vẫn thì thầm
dù bao giờ cũng thế
gió xàm tấu những điều phết lác
mình
đừng có mà ngờ nghệch
vụng dại tin dấu hiệu bình yên…
(Nhìn ra ngoài chút đi , Hoa Nip)
Trong mắt các nhà thơ, cuộc sống phủ màu dối trá. Cuộc sống không minh bạch giữa đúng – sai, thiện – ác. Các nhà thơ không thể khẳng định bất cứ điều gì khi mà tất cả những điều hiện diện trước mắt, họ không biết được bao nhiêu phần sự thật.
Nhưng em ơi
Vây quanh mình là rừng rừng người tỉnh
Những người tỉnh chưa từng nghiện xì ke
Nhưng chúng thích chích vào tay mình quyền lực,
Nhưng chúng khoái bơm vào tay mình vàng ròng,
Nhưng chúng khát tọng vào mồm mình mỹ vị…
(Những kẻ điên thường hay nghiện ngập, Ngô Liêm Khoan)
Những nơi cần sự chân thật lại hiện diện những điều không thật, cuộc sống hiện đại vốn ngột ngạt nay thêm phần mệt mỏi. Có lúc các nhà thơ sẽ không tránh khỏi cảm giác chán nản, bi quan. Như một cách tự bảo vệ, các nhà thơ biến mình thành kẻ ngụy trang.
Nằm cuộn như con quấn chiếu
Cảm xúc cũng quấn chiếu
Đừng đụng vào tôi
Đừng đụng vào tôi!
(Con quấn chiếu, Ly Hoàng Ly)
Sự mệt mỏi làm các nhà thơ có lúc muốn thu mình, khép kín, trốn tránh tất cả. Một sự ngụy trang đầy ý thức, họ muốn tự mình chìm đắm trong thế giới của riêng mình, bỏ quên đi những bước chân hối hả mỗi ngày để thấu hiểu bản thân hơn. Nhưng cũng có thể các nhà thơ nhận thức được mình dần trở thành “nạn nhân” khi sống trong một thế giới giả dối. Bên ngoài mang một vẻ năng động nói cười nhưng bên trong là cảm giác bị trói buộc, sống đời vô nghĩa.
Người phụ nữ tự trói mình
Người phụ nữ bảo mọi người này anh chị ơi hãy trói tôi lại
Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ mỉm cười thỏa mãn vì bị trói gô
Rồi cười sặc sụa chảy nước mắt
Rồi bỗng mếu rồi bỗng khóc
Rồi giật đùng đùng
Rồi gào lên ấm ức
Rồi rú lên tuyệt vọng
Gục xuống
Giẫy giẫy
(Performance photo, Ly Hoàng Ly)
Không biết vô tình hay cố ý, con người quên đi giá trị sống đích thực, họ chấp nhận phủ lên mình những điều xa lạ, họ không nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp mà chấp nhận tìm đến những mối quan hệ chỉ vì lợi ích. Cho nên, các nhà thơ cảm thấy xung quanh ai cũng trang bị nhiều chiếc mặt nạ thủy tinh, thậm chí bản thân các nhà thơ cũng góp phần vào đấy.
Thế hệ các nhà thơ 7X, 8X đã đại diện cho một giai đoạn sáng tác sôi nổi tại Thành phố Hồ Chí Minh những năm 2000 – 2015. Chúng ta đọc thơ để hiểu thêm quan niệm về thế giới và con người của các nhà thơ nhưng cũng hiểu thêm rằng, những điều khiến con người suy tư, trăn trở luôn luôn tồn tại, mỗi thời đại là một kiểu biểu hiện khác nhau. Chúng ta dù muốn hay không cũng không thể tách khỏi môi trường sống của mình, chúng ta chỉ có thể thay đổi cách tiếp nhận của bản thân để thế giới quan của chúng ta thêm nhiều gam màu tươi sáng. Thế hệ các nhà thơ 7X, 8X Sài Gòn dù sao cũng đã mở ra cho những người yêu thơ một khoảng trời thơ nhiều màu sắc, những màu sắc đó đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo thơ ca Việt Nam đương đại.

Từ khát vọng đi tìm cái tôi bản thể
đến khát vọng tìm lại cái tôi bản năng mang tính nhân bản
Theo từ điển Triết học: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính con người, có quan hệ tich cực đối với thế giới và với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập, kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình”, việc khẳng định cái tôi là điều rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Riêng với các nhà thơ, họ đóng vai trò là một người sáng tạo, việc thiết lập cho mình một cá tính độc đáo để có những trang thơ độc đáo là điều cần thiết. Các nhà thơ Sài Gòn thế hệ 7X, 8X cũng mang theo niềm khao khát đó, đọc những dòng thơ được sáng tác vào những năm đầu thế kỉ XXI, ta thấy được khát vọng tìm lại cái tôi bản thể của các nhà thơ, không chỉ thế chúng ta còn cảm nhận một nỗi niềm tìm lại cái tôi bản năng mang tính nhân bản.
Từ khát vọng đi tìm cái tôi bản thể
Trong những năm đầu thế kỉ XXI khi xã hội có nhiều biến đổi, các nhà thơ thế hệ 7X, 8X lúc ấy vẫn còn là những người trẻ tuổi, độ tuổi đang xây dựng giá trị bản thân. Họ mong muốn có một cuộc sống “tự do thật sự” để thỏa sức sáng tạo. Ai cũng có những ước mơ muốn theo đuổi và cũng có những trách nhiệm cần gánh vác. Cho nên, các nhà thơ không tránh khỏi cảm giác muốn đi tìm cái tôi bản thể để họ khẳng định với đời rằng mình đủ sức vươn cao, bay xa theo những ước nguyện lớn lao, đủ sức sống trọn vẹn là chính mình.
Tôi đã từng mơ những giấc mơ chim ưng
Trên trời cao vợi
Rồi một ngày, không biết tự lúc nào những giấc mơ bay đi
Chỉ còn những chiếc lông chim bay trở lại.
(Dư âm, Lê Mỹ Ý)
Nhưng dù có đi tìm, thỉnh thoảng bắt gặp, các nhà thơ đều hiểu rằng cái bản ngã ấy không thể lâu dài. Dù vậy họ không ngừng mong đợi, tìm kiếm, càng lúc càng muốn chiếm lĩnh bản thể nhiều hơn bằng các sống đến tận cùng.
Bằng cảm giác bị thời gian xâm thực
Tôi sống như một cái cây với bộ rễ bạo liệt đâm sâu vào lòng đất
Lách qua những lỗ nẻ, tõe ra như vòi bạch tuộc, kiến tạo một bản đồ với những dục vọng cuồng điên ngấm ngầm
Nhưng phía trên, cành lá chỉ uể oải vươn đến những tầng không gian tầm thường
xòe những bóng râm tầm thường
đầy mâu thuẫn với cơn khát sôi sục của bộ rễ muốn bừng lên, thức dậy những chồi non bằng hàng triệu triệu rễ con xâm thực ngược lại thế giới này
Như cơn mưa ngược từ mặt đất
Tôi muốn phóng khao khát của mình lên tận những tầng không gian chưa một ai tới được.
(Tự khúc, Khương Hà)
Tuy các nhà thơ mang một nội tâm sôi sục, mãnh liệt, muốn sống một đời cháy bỏng với niềm riêng nhưng bên ngoài lại đang sống uể oải, tầm thường. Cái tôi của các nhà thơ có lúc muốn phóng mình lên tầng cao để có thể thỏa thích khám phá một trời tự do, chưa ai biết đến nhưng thực tế luôn “Nhận về một giấc chiêm bao”. Chính cách nhìn phản biện của các nhà thơ về cuộc đời đã tạo nên mâu thuẫn trong lòng họ, một mặt các nhà thơ chấp nhận hiện thực đang tồn tại nhưng mặt khác họ không ngừng tự vấn để thỏa mãn những hoài nghi trong lòng về cuộc sống. Có lúc các nhà thơ tự khẳng định cuộc đời do họ vẽ ra, họ lựa chọn nhưng có lúc lại không ngừng ray rứt về điều đó, muốn phủ định tất cả, đốt cháy những gì đang có chỉ để tìm khoảnh khắc “thật là mình” là cái tôi bản thể ước ao bứt phá.
Em ước ao về một cánh bồ công anh mỏng dính mong chờ hơi thở nhẹ để cất mình
Cánh hoa vượt đại dương nhưng em không thể vượt rào lòng mình
Em giấu vội hạt mầm và mơ một cú cất mình vô tư lự
(Bay, Nguyệt Phạm)
Như một vòng luẩn quẩn, bước chân đi tìm bản thể của các nhà thơ không ít lần dừng lại vì thất bại, họ nhận bản thân đang huyễn hoặc, càng cố vùng vẫy càng làm mình tổn thương…
Quá trình đi tìm cái tôi bản thể của các nhà vô vàn khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm khi mà đâu đâu cũng là những cuộc đời theo cùng công thức. Và đôi lúc chính các nhà thơ cũng tính toán đời mình theo công thức ấy.
Anh thấy mình là đám đông
co ro vội vã
đi làm bằng dép xỏ ngón
giấu giày trong ba lô
mặc áo mưa 2000 đồng
quần xăn đến gối
cáu bẳn vì một người dưng chạy xe bên cạnh…
(Lòng anh cần một cơn áp thấp, Trần Đình Thọ)
Trong bất cứ thời đại nào, con người cũng mong muốn sống là chính mình. Nhưng không ai có thể sống trong thế giới của riêng mình, các nhà thơ cũng vậy. Mặc dù khi đọc những trang thơ của thế hệ thơ 7X, 8X ta nhận rõ những cá tính quyết liệt, những trái tim nhạy cảm không hề hờ hững với cuộc đời nhưng họ bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố do thời đại phát sinh. Cho nên, với ý thức tự thân, các nhà thơ vẫn luôn muốn đi tìm bản thể. Chỉ có như thế họ mới thấy mình có cuộc đời hoàn thiện.
Đến khát vọng tìm lại cái tôi bản năng mang tính nhân bản
Sâu vào hành trình đi tìm cái tôi bản thể, các nhà thơ thêm ước nguyện tìm đến cái tôi bản năng. Nguyện vọng này khởi phát từ trái tim tràn ngập yêu thương. Các nhà thơ thế hệ 7X, 8X Sài Gòn những năm đầu thế kỉ vẫn còn là những trái tim trẻ với tình yêu cuồng nhiệt, khát vọng của họ sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các nhà thơ không chỉ đơn giản là khát khao yêu mà trong tình yêu mong muốn tìm đến cái tôi bản năng, cái tôi nhục cảm mang tính nhân văn. Tình yêu trong tâm trí của các nhà thơ phải đạt đến tận cùng. Tình yêu đó có quyết liệt nhưng cũng nhẹ nhàng tinh tế.
Hỡi những kẻ ngủ đêm
Mang tình yêu
Đi ngủ
Thức được nữa không anh
Đem tình yêu
rọi nắng
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nỡ ngủ
hở anh
(Đêm là của chúng mình, Ly Hoàng Ly)
Để tìm được cái tôi bản năng đó, các nhà thơ hiểu bản thân không được phép mềm yếu, cần tự cởi bỏ những chấp niệm tình yêu, mong muốn giao hòa thật sự. Các nhà thơ thẳng thắn bộc lộ những khát vọng tình yêu, sẵn lòng phá bỏ những rào cản, húy kỵ để khẳng định tiếng nói nhân bản của trái tim. Tình yêu cần được trọn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác.
…chiếc cúc áo len lén
bờ đá say sưa con nước rần rần
chảy đi những lời nguyền từng làm ai bật khóc một lần
cho ngày gọi tên hạnh phúc
em người đàn bà từ anh – thường trực
những khát khao không thể đặt vòng
(Không thể đặt vòng, Minh Đan)
Có lẽ, chưa bao giờ trong thơ lại lên tiếng thẳng thừng như vậy, lời thơ mãnh liệt nhưng cũng chân thành, cởi mở. Các nhà thơ khơi thêm nhiều cảm hứng sáng tạo cho người đọc về cái tôi. Với tinh thần mong muốn mình là chủ thể của mọi cảm xúc thăng hoa, các nhà thơ thế hệ 7X, 8X Sài Gòn đã bộc trực những mong muốn mãnh liệt trong bước đường đi tìm cái tôi giữa thời đại mới. Phải nói rằng, tìm cái tôi bản ngã hay cái tôi nhục cảm nhưng phải nhân văn giữa thời đại ngày nay tưởng dễ mà khó. Tất cả mọi thứ đều có thể trở thành trào lưu, con người dễ bị cám dỗ, hết sức mình đuổi theo những trào lưu đó, con người sợ mình lạc hậu, cố gắng bắt nhịp cùng mọi người, để rồi kết quả tạo nên phần đời mang mẫu số chung. Nỗi niềm canh cánh trong lòng các nhà thơ đầu những năm 2000 cũng là nỗi niềm trăn trở của thế hệ trẻ Việt Nam một thời. Tuy nhiên, càng ngày xã hội càng hướng đến cuộc sống với thông điệp san sẻ, yêu thương, biết ơn, trân trọng, vì thế chúng ta hãy tin rằng cái tôi đáng mong đợi của chúng ta vẫn luôn tồn tại. Hãy dùng cách sống chân thành và tràn ngập lòng biết ơn để có được cuộc sống “thật là mình” như thế hệ thơ 7X, 8X Sài Gòn từng mong đợi.
TRƯƠNG KIM NGỌC