Vanvn- Con người luôn có vô số những mâu thuẫn không giải đáp được. Lúc xa gia đình chúng ta mong mỏi biết bao được ngắm con đường về nhà, ôm ba mẹ một cái. Nhưng khi ở nhà quá nhiều ta lại mơ về một nơi xa, nơi đô thị phồn hoa người qua kẻ lại. Tất cả ý nghĩ đều không sai vì mùa dịch đã làm chúng ta rối loạn từ sinh hoạt đến tinh thần…

Mỗi một con người khi đi nơi khác học tập hay làm việc thì đều mong mỏi những ngày tết, ngày nghỉ để được về sum họp với gia đình. Chìm đắm trong mâm cơm mẹ nấu, vui tai trong tiếng gọi của cha. Và trong đợt dịch Covid-19 này nhiều người được thỏa lòng ước mong, được về nhà nghỉ dưỡng dài ngày. Các bậc bố mẹ cũng an tâm hơn khi con ở gần mình.
Thế nhưng khi chúng ta ở nhà quá lâu, không được ra ngoài nhiều, chủ yếu chỉ tiếp xúc với người thân, từ đó sự va chạm cũng nhiều hơn. Sự va chạm có thể sẽ giúp cho những người trong gia đình hiểu nhau hơn, gần gũi hơn nhưng cũng có thể mang đến nhiều phiền toái từ khoảng cách thế hệ và từ cách biểu đạt tình cảm khác nhau của mỗi cá nhân con người.
Các bậc cha mẹ sẽ luôn đặt cho con mình nhiều câu hỏi khó trả lời như: Sao lại dán mắt vô màn hình máy tính, điện thoại hoài vậy? Sao chỉ biết ăn rồi nằm không biết vận động? Sao lại thức khuya quá vậy? Những ngày xa cha mẹ cũng sống như vậy sao? Còn vân vân và mây mây những câu hỏi vì sao mà các bậc phụ huynh không hiểu nổi con mình. Ngoài ra, các bậc cha mẹ mùa dịch cũng phải cân bằng giữa công việc và gia đình, họ học thêm một môn học mới đó là học cách để hiểu con mình, để có thể đồng hành cùng gia đình trong cuộc chiến Covid-19.
Còn các phận người trẻ tuổi thì sao, họ đương nhiên cũng có những thắc mắc ngược lại đó là: Cha mẹ có thể bớt la mình chút được không? Cha mẹ có thể tôn trọng sự riêng tư của mình chút được không? Và cả những câu phản biện lại cũng đúng như “Tại con phải học, con phải làm việc,…” Rồi trong lòng họ cũng dâng lên một nỗi chán nản khi phải ở nhà, họ quên hết việc đã từng nhớ mâm cơm mẹ nấu mà giờ chỉ có nỗi nhớ bún đậu mắm tôm, bún bò, lẩu, trà sữa,… biết bao món ngon thèm thuồng lâu rồi chưa được ăn. Họ còn nhớ những tin nhắn í ới cùng bạn bè rủ ngồi la lê những quán cà phê, đi phượt khắp nơi. Chôn chân trong nhà nhiều ngày đã làm người trẻ cảm thấy đang ở trong cơn bão tinh thần, cơn bão cuốn hết đi những ấp ủ, dự định và chỉ để lại sự chán nản, vô định, không biết khi nào mới có thể trở lại bình thường.

Gần nhà tôi có một cậu nhóc vừa đậu đại học đang rất háo hức với cuộc sống xa nhà, nhưng dịch bệnh đã làm cho cậu chỉ có thể ngơ ngác tưởng tượng mọi hoạt động qua màn hình máy tính. Tâm trạng của cậu tân sinh viên xuống dốc không phanh, tôi chỉ biết an ủi rằng hãy vui vẻ tận hưởng cuộc sống khi còn ở nhà với bố mẹ. Hãy ăn đi ăn lại tô mì Quảng, tô cao lầu để nhớ rõ hương vị đặc biệt của quê nhà mà khi đi xa chẳng dễ để nếm được.
Cũng biết đâu được đợt dịch này chúng ta ở nhà có thể phát hiện ra được điểm mạnh mà bản thân luôn che dấu. Chẳng hạn phát hiện ra mình nấu ăn cũng khá được, mình có thể trồng rau hay mình cũng có năng khiếu nghệ thuật khi vẽ tranh lúc rảnh rỗi, vô số những điều mới lạ được tìm thấy ở mùa trong nhà. Chúng ta cũng có nhiều thời gian ở cùng với cha mẹ, người thân trò chuyện nhiều hơn. Sau này khi nhìn lại thì đây là những đoạn ký ức ấm áp, khó quên nhất.
Con người luôn có vô số những mâu thuẫn không giải đáp được. Lúc xa gia đình chúng ta mong mỏi biết bao được ngắm con đường về nhà, ôm ba mẹ một cái. Nhưng khi ở nhà quá nhiều ta lại mơ về một nơi xa, nơi đô thị phồn hoa người qua kẻ lại. Tất cả ý nghĩ đều không sai vì mùa dịch đã làm chúng ta rối loạn từ sinh hoạt đến tinh thần. Chúng ta đều ước ao được ra ngoài để cống hiến, để học tập, để làm việc hay chỉ là được một buổi dạo chiều quanh bờ sông quê ngồi ghế đá, cảm nhận được sự mát mẻ của từng làn gió mang hơi nước thổi vào, làm dịu bớt những lăng tăng trong lòng. Tất cả cũng chỉ đều mong mỏi một cuộc sống an nhiên, bình thường.
Chúng ta đều đang sống trong một mùa đặc biệt, không phải xuân, hạ, thu, đông mà là mùa ở nhà. Mùa để chiêm nghiệm, để sống chậm, để hiểu nhau hơn. Tạm gác lại mọi dự định, gác lại mọi tiêu cực, hãy chú ý đến những chi tiết lạc quan vẫn luôn hiện hữu quanh ta hay những câu câu chuyện với cái kết có hậu. Hãy bấu víu lấy niềm tin về một ngày mai tươi sáng, mỗi ngày bạn thêm hiểu gia đình, mỗi ngày là một tin tốt lành!
TRẦN MAI PHƯƠNG NGỌC