Báo chí – những trung gian công cộng cho toàn cầu hóa

Vanvn- Người Pháp vào Việt Nam đã mang đến báo chí như một không gian công cộng mới mẻ. Không gian này hoàn toàn có tính phi vật chất nhưng thực sự tạo nên một sức mạnh đáng kể.

Trong giai đoạn đầu, khi những đặc điểm xã hội hiện đại chưa hoàn toàn xuất hiện, báo chí chủ yếu bằng tiếng Pháp và mang giá trị thông tin một chiều từ phía chính quyền thực dân đến với xã hội bản địa. Những tranh luận nếu có đều chỉ gắn với cộng đồng nói tiếng Pháp, cộng đồng thực dân. Toàn quyền Rousseau, theo hồi ký của Doumer, đã “phải chịu rất nhiều những cuộc công kích mà các tờ báo nhằm vào ông”[1]. Báo chí tiếng Pháp đương thời có lượng công chúng rất nhỏ nên không thể trở thành đại diện cho một nhóm người đọc, không phản ánh những tình cảm của một lượng độc giả nghiêm túc, vì chỉ “biểu đạt quan điểm cá nhân của người biên tập”[2]. Dù vậy, không thể không nhận ra rằng báo chí là một phần của “sứ mệnh khai hóa” tại Đông Dương. Sản phẩm này của xã hội hiện đại phương Tây đã góp phần quan trọng theo nhiều chiều kích khác nhau, vượt khỏi những chờ đợi mong muốn hay sự phản kháng từ cả hai phía.

Nhà lý luận phê bình Phùng Ngọc Kiên

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2023:

>> “Cá Linh đi học” – món quà nhân văn dành cho thiếu nhi

>> ‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn

>> Quê hương – Chiến tranh – Đức tin Hi vọng và Tình yêu

>> Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành

>> Cuộc chơi tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà

>> “Một mùa hè dưới bóng cây”: Còn lại một chữ tình

>> Những tranh luận biểu kiến sự chuyển biến của trường văn học

>> Lời dẫn vào sách “Tự chủ văn chương & sứ mệnh tự do”

>> Người hóa phép cho chú cá linh bay lên

>> Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc

>> “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”: Sự khốc liệt bao dung

>> “Tuyệt không dấu vết”: Cuộc đào sâu tiềm thức con người

>> “Một mùa hè dưới bóng cây” và… rượu…

>> Chiến tranh như là nó đã xảy ra

>> Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do nhìn từ lí thuyết trường văn học

>> Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2023

 

Trong nghiên cứu của mình về sự trỗi dậy trong thời hiện đại của các cộng đồng không thuần nhất về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo – mà ông gọi là các cộng đồng tưởng tượng[3] – Benedict Anderson đã nói tới vai trò của báo chí như một thứ môi giới các thành viên, các nhóm xã hội, các tầng lớp khác nhau đúng như tên gọi media của nó có gốc từ medium. Đặc biệt ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng mang tính “sản xuất hàng loạt” đặc trưng của quan hệ sản xuất tư bản cũng như năng lực “đồng bộ hóa” mang lại một sự kết nối vô hình giữa những ai tham gia, tự phát hoặc tự nguyện, vào cộng đồng đó. Không tính đến kinh tế và chính trị vốn là nền tảng cho những hoạt động tương tác xã hội, báo chí có lẽ là một hoạt động sớm cho thấy tính toàn cầu hóa ở Việt Nam thời hiện đại. Một trường hợp tiêu biểu có lẽ là Nguyễn An Ninh với tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè) được viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp[4]. Peycam có lý khi cho rằng Nguyễn An Ninh, cùng với một người đồng chí con lai Pháp là E. Dejean de la Bâtie, có vị thế bên lề trong cái “làng báo Sài Gòn”, đặc trưng cho tính chất “lai” (metissage) của họ. Nhưng chúng tôi muốn thêm rằng chính sự “lai” đó vừa là kết quả vừa là nguyên nhân cho những hoạt động báo chí của họ, vừa là những hứa hẹn, triển vọng, vừa là những giới hạn của hành vi viết báo. Bởi lẽ họ vượt thoát được khỏi những quy tắc kiểm duyệt của chính quyền nhưng lại bị lệ thuộc vào một không gian giới hạn của người đọc, dù có lúc cao điểm tờ báo của Nguyễn An Ninh đạt tới gần 2.000 bản/số, chiếm tới 10% tổng lượng in báo mỗi kỳ của Sài Gòn.

Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là: Thứ nhất, tờ báo dù không thể mua tin tức thời sự từ ARIP hoặc Havas – hai đơn vị độc quyền tin tức ở Đông Dương – nhưng đã làm được việc “phân tích chính trị” dành cho những độc giả quen thuộc tình hình chính trị đương thời. Thứ hai, theo Peycam, tờ báo đã vay mượn rõ ràng, hình thức và kỹ thuật biên tập, của hai tờ báo Pháp rất nổi tiếng đương thời (và cho tới tận bây giờ) là Le Canard Enchainnél’Oeuvre. Thứ ba, Nguyễn An Ninh đã giúp người đọc khám phá lại văn hóa Đông phương không phải như cách đọc lại truyền thống ở Nam Phong, mà qua những tác giả phương Tây đương thời trong trào lưu hướng về Đông phương như L. Cadière, V. Segalen, P. Claudel, R. Tagore, M. Gandhi,… Dù chỉ có trọng tâm chính trị, không thể phủ nhận điều đó góp phần tạo ra cảm thức về tính đương thời trong một chuyển động toàn cầu đối với người đọc Việt Nam nói riêng, và trí thức nói chung. Như Peycam nêu giả định, bởi chưa có những chứng cớ thuyết phục, rằng Nguyễn An Ninh đã nỗ lực tìm kiếm một quan điểm mỹ học cấp tiến cho sự giải phóng cá nhân trong bối cảnh thuộc địa như một sự “chất vấn thẩm quyền” của ách cai trị thực dân.

Nhà nghiên cứu nhắc đến phong trào Ngũ Tứ và những trào lưu tiền phong phương Tây (Dada, Siêu thực) hẳn đã tạo ra những dư chấn cho người thanh niên xuất thân Nho học và đắm mình trong không gian châu Âu đầy những biến động, chính trị và mỹ học, của thập niên 1920. “Tuy chúng ta không có bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa Ninh và các phong trào trên, nhưng chắc chắn khi ở châu Âu anh đã tiếp xúc với nền văn hóa phản kháng này trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng đạo đức tràn ngập xã hội Pháp và châu Âu”[5]. Đây rõ ràng là một câu hỏi bỏ ngỏ trùng với những giả định của chúng tôi về những tác giả văn học Pháp ngữ như Nguyễn Văn Ký, hay thi sĩ như Hàn Mặc Tử. Theo tìm hiểu của Peycam, trong hồ sơ Sở Liêm Phóng đối chiếu với con số của Nguyễn An Ninh, có tới 600 người đặt mua dài kỳ tờ Chuông rè vào năm 1924, và nhận xét rằng đó là một con số khá ấn tượng với một tờ báo chính trị đối lập luôn chịu mọi sách nhiễu từ chính quyền, và bị thống đốc Maurice Cognacq tìm mọi cách triệt hạ. Bởi lẽ số người đọc thật sự như vậy còn cao hơn do đặc thù giao tiếp đương thời. Nghiên cứu của Peycam khi thống kê cho thấy độc giả chính của nó là trí thức người Việt dù viết bằng tiếng Pháp, trong đó không chỉ có sinh viên Nam Kỳ mà cả Hà Nội, không chỉ công chức mà cả các tòa báo. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tờ báo muốn đi theo con đường đó như l’Essor Indochinois của Cao Văn Chánh, l’Écolier Annamite của học sinh trường Chasseloup-Laubat và Sư phạm Gia Định với sự góp mặt của Lâm Hiệp Châu, người trước đó cũng đứng ra tổ chức tờ báo tiếng Pháp Jeune Annam. Theo logic vận hành của trường lực mà Bourdieu nêu lên, rõ ràng tờ tạp chí của Nguyễn An Ninh đứng ở vị thế tiền phong, cấp tiến của nền báo chí đương thời.

Một liên hệ khác mang tính toàn cầu của báo chí chính là việc những tờ báo xuất bản tự do tại Pháp được bí mật đưa về Việt Nam. Những đảng viên cộng sản Pháp là người Việt Nam như Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đưa về Việt Nam để giác ngộ quần chúng những tờ báo như Việt Nam hồn, Le Paria[6]. Một mặt khác, vào tháng 3/1926, tờ Jeune Annam của Lâm Hiệp Châu xuất bản bất chấp Nghị định cấm dân thuộc địa ra báo. Gọi tờ báo như thế là “báo chí du kích” nhằm vận động dân chúng và đồng thời công khai đối đầu với chính quyền, Peycam cho biết số lượng in lên tới 2.500 bản/số. Điều đáng chú ý là tờ báo in lại những bài báo trên L’Humanité và cả Le Paria là những tờ báo thiên tả và cực tả tại Pháp[7]. Những tờ báo này này đều bị cấm in ấn, phát hành hoặc lưu trữ ở Đông Dương. Điều này cho thấy rõ ràng tồn tại những kênh giao thương ngầm giữa chính quốc với thuộc địa, bên cạnh những kênh chính thức. Báo chí đương nhiên góp phần quan trọng vào sự thông thương giữa Việt Nam với thế giới, và như vậy tham gia vào quá trình toàn cầu hóa dù có những độ trễ nhất định.

Bất chấp những vụ bắt bớ, trấn áp và tịch thu, các hoạt động có động cơ yêu nước này diễn ra rất mạnh sau đám tang Phan Chu Trinh – người nhận được sự bảo vệ từ phía Liên đoàn nhân quyền Pháp – và cho thấy một mối liên hệ tất yếu của các hoạt động chính trị và xã hội trong thời đại hướng đến toàn cầu hóa, mà phương Tây lúc này là trung tâm trọng lực, là một cực quan trọng chi phối và định hướng những chuyển động ở thuộc địa. Cực phương Đông hầu như bị tê liệt. Sự trưởng thành vào những năm sau 1926 của báo chí Nam Kỳ về mặt chính trị như nhận định của Peycam – dù hãy còn yếu ớt về cấu trúc – là một dấu hiệu khác chuẩn bị cho những sự trưởng thành của trường văn học. Bởi lẽ như đã nói ở trên, báo chí tạo thành một dung môi quan trọng bậc nhất để nuôi dưỡng sự vận động của trường văn học. Bởi tính chất dung môi đó mà ai đọc báo là một điều vô cùng quan trọng. Vào những năm 1920 thì chủ báo – như Phan Văn Trường – là một sự xa hoa. “L’Echo AnnamiteĐông Pháp thời báo – theo Peycam – trông cậy vào một công chúng gồm những người Việt tầng lớp trung lưu có học thức ở đô thị. La Tribune Indochinoise được sáng lập cho giới tư sản giàu có đã đồng hóa, những người mà Bùi Quang Chiêu luôn cam kết bảo vệ quyền lợi. Bất kể ngôn từ Marxist, tờ l’Annam suốt một thời gian được tài trợ bởi một địa chủ giàu có, rất có thể chỉ có độc giả là giới tư sản trung lưu hay công chức biết tiếng Pháp thay vì nông dân hay công nhân nhà máy”[8]. Peycam sau những phân tích về đặc điểm báo chí như thế đã cho rằng báo chí diễn đàn trong làng báo Sài Gòn đánh dấu sự chuyển tiếp từ “nền văn hóa đặc quyền và bề trên”, mang tính phân tầng, ở đó giới trí thức, intellectuel, đứng biệt ra một bên sang một nền văn hóa thừa nhận sự đa dạng, hỗn hợp như vốn có trong xã hội Việt Nam đương thời[9].

Tác phẩm “Tự chủ văn chương & Sứ mệnh tự do”, Phùng Ngọc Kiên chủ biên, Đoàn Ánh Dương, Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023.

Trong một hình dung khác về tính toàn cầu về tư tưởng, Peycam nhắc đến việc Phan Văn Trường, Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan Long thuộc về nhóm “báo chí đối lập định chế hóa”. Phan Văn Trường “tin rằng chủ nghĩa thực dân và chế độ thực dân là bộ phận của ách thống trị tư bản toàn cầu cần phải tiêu diệt”[10]. Điều này có liên quan đến mối quan hệ vô hình nhưng hiện diện rõ ràng giữa các không gian địa lý và chính trị có thể cách nhau rất xa trong thời hiện đại. Chính báo chí đã đóng vai trò quan trọng này. Cùng với giáo dục, báo chí chính là không gian tinh thần có một sự tương thông, liên lạc giữa chính quốc với thuộc địa. Giai tầng thị dân ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung là những người đầu tiên tham gia vào một mô hình chính trị và văn hóa được dựng nên bởi người Pháp. Đó là một mẫu hình chính trị công khai hoàn toàn mới mẻ, mà người Việt đã được chứng kiến và giờ đây có thể tham gia. Tiếp tục truyền thống tại mẫu quốc, quyền lực của báo chí tiếng Pháp tại thuộc địa khá mạnh khi được thể hiện thông qua những sự công kích với chính quyền.

Toàn quyền Doumer từng than phiền về những chiến dịch ác ý của báo chí[11], còn Toàn quyền Klobukowski bị huyền chức sau một đợt công kích thành công của báo chí tiếng Pháp[12]. Cho nên với người Việt Nam thì báo chí, theo Peycam, đã “tạo ra một lĩnh vực tranh biện giúp cho người ở nước thuộc địa diễn dịch lại các tư tưởng ngoại lai áp đặt và rồi chiếm hữu luôn các tư tưởng ấy để phục vụ những mục tiêu dân tộc”[13]. Nhưng nếu ban đầu đó là câu chuyện của những tờ báo tiếng Pháp, thì dần dần báo chí quốc ngữ cũng nhanh chóng tham dự công tác “môi giới” này. Việc diễn dịch lại này đối với tư tưởng phương Tây ở những giai đoạn đầu của báo chí được thể hiện rõ nhất là qua các biên khảo mà Phạm Quỳnh cùng những bạn đồng chí thực hiện trên Nam Phong từ tiếng Pháp, và từ chữ Hán. Sau đó, một bước tiến quan trọng của báo chí quốc ngữ là sự cấu trúc hóa tư duy phương Tây trong lối tổ chức tờ báo để đến với bạn đọc cũng như cách tiếp cận các vấn đề xã hội. Theo Phan Ngọc, ba nhân vật châm biếm của Phong Hóa trở nên tiêu biểu cho xã hội thôn quê từ góc nhìn giới trí thức Tây học chính nhờ lối tư duy cấu trúc hóa kiểu Pháp:

Với tờ Phong Hóa ta bắt gặp loại nhà báo phương Tây mà trước đây ít thấy. Đó là những người chỉ chú ý đến sự kiện trước mắt, phê phán nó kịch liệt, không xét đến gốc gác, không đi sâu vào bản chất, chỉ nhìn ở hiện tượng […]. Nhưng phải đến Phong Hóa, mới có loại tranh châm biếm khắc họa những nhân vật có thực, hay hư cấu, tới mức điển hình, nhìn thấy là biết ngay, không một lời giải thích. Muốn làm thế phải phân tích đối tượng để rút ra chi tiết điển hình, cấp cho chi tiết này một nội dung tư tưởng, đặt nhân vật vào những tình huống tiêu biểu để tính chất nhân vật được mọi người nhìn thấy rõ ràng. Cái khó ở đây không chỉ ở tài năng vẽ mà trước hết ở một sự cấu trúc hóa đối tượng kiểu châu Âu. Cho nên Việt Nam trước khi tiếp xúc với phương Tây chưa có tranh biếm họa[14].

Việc mở một tờ báo rất tốn. Theo Peycam cho biết, Diệp Văn Kỳ đã phải bỏ ra số tiền 20.000 đồng bạc Đông Dương để lấy quyền chủ nhiệm (directeur) tờ Đông Pháp thời báo của Nguyễn Kim Đính[15]. Các tờ báo chính trị độc lập đều thua lỗ do chi phí cao mà số bán có hạn. Có điều chính báo chí đã cho thấy sự “tha hóa” có xuất phát từ Pháp, từ chính quốc. Để chống lại, báo chí tiếng Việt đã tự tách khỏi mô hình mẫu quốc “trở thành một phương tiện cho phe đối lập chống thực dân của người bản xứ ở đô thị truyền bá và kêu gọi hành động”[16]. Một nhận xét thú vị của Peycam về báo chí quốc ngữ Nam Kỳ, song có thể áp dụng cho tình hình chung ở Việt Nam khi đó: “Trớ trêu thay, việc bị ép buộc phải phi chính trị hóa này lại khiến các ký giả viết bằng tiếng Việt tiếp cận được lượng độc giả bình dân và đa dạng hơn, nằm ngoài số dân chúng đồng nhất về ý thức hệ là giới thân hào nhân sĩ và công chức nói tiếng Pháp”[17].

Những phân tích kỹ càng của Peycam cho thấy báo chí ở Nam Kỳ bắt đầu biết đến sự vận hành dựa trên logic kinh tế qua những thành công của những tờ báo chính trị và luận chiến, đặc biệt bắt đầu sau năm 1926. Đó là bước chuyển sang chuyên nghiệp thay vì dựa vào những sự tài trợ của chính quyền hoặc các Mạnh Thường Quân. Tờ báo tiếng Pháp L’Echo Annamite được Nguyễn Phan Long tục bản từ tháng 1/1924 nhanh chóng trở thành nhật báo tin tức khi mua tin trực tiếp từ Havas và có tới ba trang để quảng cáo và điểm báo. Đến cuối năm 1924, tờ báo phát hành tới 3.500 bản/kỳ. Việc chọn lọc các bài in lại từ những báo khác cho phép tờ báo trở thành diễn đàn chính trị như việc đăng lại bài Khát vọng của người An Nam của Phạm Quỳnh trên số 23/10/1925, rồi các bài tiểu luận thiên tả của Phan Văn Trường. Tuy nhiên tính công khai và tự chủ tài chính buộc chủ bút phải giữ giọng điệu ôn hòa như vụ việc chính quyền thực dân bắt Nguyễn An Ninh. Phóng sự điều tra của Vương Quang Ngươn nhiều lần được đăng lại ở những báo khác cho thấy uy tín cũng như vị thế của tờ báo. “Ngươn và sau này là Nguyễn Văn Bá đã đặt ra những tiêu chuẩn mới cho nghề báo chuyên nghiệp trong cách họ sử dụng những bằng chứng về thói bạo quyền và những trò thao túng về phía chính quyền, cảnh sát và tư pháp thực dân. Sự nổi tiếng của những ký giả điều tra này cho thấy mức độ trưởng thành mới trong số độc giả Việt đang kiếm tìm những thể loại thay thế cho những bài giáo huấn chính trị”[18].

Dù người ta có thể viện đến lập trường chống thực dân mạnh mẽ của Nguyễn Phan Long như một lý do cho sự thu hút người đọc tới mức là “tờ báo Pháp ngữ của người Việt Nam được đọc nhiều nhất”[19], thì không thể không thấy rằng tính chuyên nghiệp của báo chí đã tăng lên đáng kể. Nhờ đó tờ báo thu được rất nhiều quảng cáo, đặc biệt là các công ty kinh doanh lớn của Pháp. “Điều mỉa mai và cũng là dấu hiệu thành công thương mại rõ ràng là tờ báo của người Việt vốn tạo dựng uy tín bằng chính kiến chống thực dân lại thu hút nhiều đầu tư của người Pháp”[20]. Nói cách khác điều đó ít nhiều mang lại sự tự chủ cho tờ báo xứ Nam Kỳ này tới mức Nguyễn Phan Long quyết định bán lại nó vào tháng 10/1928 nhằm đầu tư vào một tờ báo quốc ngữ khác. Cùng với tờ báo tiếng Pháp này là tờ báo tiếng Việt Đông Pháp thời báo với sự tham gia ban biên tập của Trần Huy Liệu, bất chấp sự kiểm duyệt ngặt nghèo từ phía chính quyền. Bắt đầu cầm bút cho tờ báo này từ tháng 1/1925 khi Toàn quyền Varenne bắt đầu nới nhiều quy định hạn chế báo chí so với trước, Trần Huy Liệu cùng với Bùi Công Trừng, Bùi Thế Mỹ công khai phản biện những vấn đề thuộc địa cũng như bàn luận các vấn đề quốc tế để trở thành “ngọn cờ đầu của chiến dịch chống thực dân”[21]. Mức độ tiên phong của tờ báo được thể hiện qua tầm ảnh hưởng về mặt chính trị, tới mức thống đốc Cognacq cho phép Nguyễn Văn Của – sở hữu tờ Lục Tỉnh tân vănCông luận báo – xúc tiến cả một chiến dịch báo chí chống lại Đông Pháp thời báo. Định hình như tờ báo chiến đấu, ủng hộ những phong trào vận động, Đông Pháp thời báo được coi là tờ báo của nhân dân, hiện diện nhiều trong những cuộc mít tinh hoặc kêu gọi mọi người xuống đường. Trong một năm số độc giả tăng gấp đôi, mỗi kỳ in 10.000 bản trong khi tổng lượng in của báo Sài Gòn cả Pháp lẫn Việt chưa đến 25.000[22]. Sự lột xác này không đơn giản gắn với vấn đề chính trị thuần túy khi nhìn từ lăng kính chuyên nghiệp, mà còn thể hiện khả năng tiếp cận đông đảo quần chúng thuộc đủ mọi thành phần thông qua việc tự khẳng định vị thế của một nguồn thông tin đáng tin cậy về nhiều chủ đề. Sau khi tờ báo này bị đình bản, Diệp Văn Kỳ cho ra mắt tờ Thần Chung cũng giành được những thành công đáng kể về thương mại. Có lúc con số đạt tới 15.000 bản/kỳ.

Trước khi đi đến việc xem xét các tác nhân là tác giả, cần kể đến sự phân bổ của quyền lực trung gian là báo chí như chính tên gọi của nó, media – phương tiện trung gian. Việt Nam thời kỳ trước 1945 gồm ba kỳ với những quy chế chính trị hoàn toàn khác nhau, từ đó có những điều kiện khác nhau về kinh tế và văn hóa. Sài Gòn là thuộc địa và mang dáng dấp một thành phố Pháp. Huế là kinh đô của triều đình nhà Nguyễn, được gọi là An nam. Hà Nội là thành phố thuộc Bắc Kỳ, nhận sự bảo hộ của chính quyền thực dân. Xét về địa lý thì Huế đứng ở trung điểm giữa Hà Nội và Sài Gòn, song xét về điều kiện phát triển thì Huế vẫn thuộc về không gian của nhà nước phong kiến, và nhất là thiếu vắng những điều kiện quan trọng của sản xuất công nghiệp, bất chấp những điều kiện quan trọng về con người. Những điều này được thể hiện ngay qua số lượng báo và tạp chí xuất bản như trên biểu đồ.

Nhìn vào biểu đồ có thể nhận thấy báo chí trong vai trò trung gian đã giữ vai trò quan trọng để truyền dẫn, tập hợp các tác nhân tham gia vào trường. Số lượng báo chí tập trung ở hai khu vực thành thị lớn ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, và vượt hẳn khu vực Trung Kỳ. Xét trên tổng số báo chí năm 1925, khu vực Trung Kỳ chỉ bằng 1/7 so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Số lượng báo chiếm ưu thế ở hai đô thị lớn của Việt Nam lúc ấy là Hà Nội và Sài Gòn. Xét theo ngôn ngữ thì báo tiếng Pháp của mỗi vùng, Bắc Kỳ hoặc Nam Kỳ, nhiều gấp 10 lần ở Trung Kỳ, nhưng Băc Kỳ dù ít số Pháp kiều hơn nhưng lại có số lượng báo chí lớn hơn. Với báo tiếng Việt, thì Bắc Kỳ vẫn gấp đôi Trung Kỳ, còn Nam Kỳ thì gấp bốn lần. Như vậy, số lượng đầu báo tiếng Việt ở Nam Kỳ gần gấp đôi Bắc Kỳ. Có nhiều hệ quả có thể được suy ra từ đó.

Thứ nhất rất khó có những tờ báo ở tỉnh như các nước khác, Pháp chẳng hạn. Bởi lẽ báo chí nếu có được xuất bản thì sẽ chỉ tập trung ở những khu vực đô thị quan trọng và do thế mới có được tập khách hàng đủ lớn cho phép nó duy trì sự tồn tại. Hơn nữa, báo chí trong thế kỷ 20 dù có thể được phát hành ở nông thôn hoặc hướng đến nông thôn như đề tài thì không gian sản xuất và tồn tại của nó chỉ có thể ở thành thị. Những vấn đề nó quan tâm sẽ chỉ ở thành thị, hoặc được biểu đạt, đánh giá theo cách của thành thị. Diễn ra quá trình tập trung tiếng nói báo chí ở một không gian nhất định là đô thị.

Thứ hai, việc tập trung một số lượng lớn các báo chí tại một khu vực địa lý tạo ra một sự liên lạc giữa chúng, từ đó cho phép tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng. Đó là sự cộng hưởng hai chiều, vừa theo hướng cạnh tranh, vừa theo hướng hỗ trợ. Nhờ sự cộng hưởng này, tiếng nói của báo chí bản địa trở nên mạnh hơn so với số lượng cũng như so với vị thế của chúng trong bối cảnh thuộc địa chịu những sự kiềm tỏa, kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền thực dân như chúng ta đã thấy ở trên khi bàn về đối trọng với quyền lực chính trị. Trong các cuộc tranh luận xảy ra trên báo chí đương thời, bất luận mục đích của các tác nhân tham gia vào đó ra sao, những sự tương tác làm lộ ra những vấn đề mà văn học hiện đại phải đối mặt để giải quyết. Cuối cùng, cần nói đến một sự tương quan giữa báo chí quốc ngữ với báo chí tiếng Pháp về mặt số lượng phát hành như một sự phân cấp các nhóm người đọc. Mặc dù số đầu báo tiếng Pháp lớn hơn nhưng số phát hành của báo quốc ngữ lại lớn hơn do có tập khách hàng lớn hơn. Điều này giúp cho báo quốc ngữ có thể sớm tự chủ hơn khi có thể quay vòng nhanh hơn, có nhiều thể nghiệm hơn để vận động nhanh hơn.

***

Sự xuất hiện của thực dân Pháp tại Việt Nam và Đông Dương vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tạo ra một sự biến đổi cưỡng bách đối với cấu trúc văn hóa, xã hội và kinh tế bản địa. Những tuyên bố về “sứ mệnh khai hóa” của chế độ thực dân đã trở thành một thứ diễn ngôn vừa che đậy, vừa thúc đẩy các động cơ khai thác và chiếm đoạt của người Pháp nơi xã hội thuộc địa. Chúng cũng vừa quyến rũ vừa ngăn cản người dân Việt Nam “liên hiệp” với những thứ xa lạ: con người, văn hóa, tri thức,… Bất luận mục đích của những chính sách, hoạt động hoặc hành vi từ phía chính quyền thực dân ra sao, không thể không nhận ra rằng từ đầu thế kỷ 20, kinh tế thuộc địa đã biến đổi theo hướng thị trường. Do vậy đã có sự thông thương ra thế giới qua ngả chính quốc; có những sự cải thiện đáng kể trong việc khai thác thiên nhiên để phục vụ đời sống xã hội nói chung dựa trên tri thức khoa học. Nền giáo dục theo lối mới mang lại một cấu trúc tư duy phân tích kiểu phương Tây, mở rộng hơn khả năng tiếp cận tri thức cho xã hội thuộc địa. Nhưng chính sách giáo dục thuộc địa cũng tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng về trình độ học thức giữa một số rất ít học đến trung học và chủ yếu phần còn lại chỉ dừng ở bậc tiểu học, những người mà nhờ vào học vấn được thụ hưởng sẽ trở thành độc giả và tác giả của một nền văn học bản địa đang sinh thành. Một phần nhỏ những người này sẽ tham gia vào trường trí thức hiện đại trong tư cách tác giả. Họ có vai trò sáng tạo những điều mới mẻ trong văn chương hoặc tái sản xuất chúng trên báo chí. Còn phần lớn là độc giả tiêu thụ và thưởng thức sản phẩm được tạo ra dựa trên các quan hệ thị trường có trình độ không cao. Những sự chênh lệch này sẽ có hiệu ứng tới những vận động của trường văn học trong không gian thuộc địa mà chúng ta sẽ còn quay trở lại.

Dù sao, đây cũng là không gian công cộng mang tính tinh thần hoàn toàn mới đối với người Việt Nam mà “vô tình” người Pháp đã gợi ý cho họ. Nó cho phép họ tham gia vào một tiến trình toàn cầu hóa chuẩn mực giá trị chính trị, đạo đức và thẩm mỹ. Hơn nữa nó cung cấp cho họ công cụ và cơ hội kết nối không chỉ với thế giới bên ngoài, mà cả kết nối với nhau trong một tổng thể địa lý bị chia cắt một cách vô cớ thành các “kỳ” nhằm mục đích chính trị thực dân, vốn được diễn đạt quen thuộc như là cách thức “chia để trị”. Sự kết nối này đã góp phần vào việc tạo ra một sự đồng bộ hóa về tinh thần để sinh thành một cộng đồng được hình dung (imagined community) theo cách hiện đại. Tất cả điều đó sẽ là cơ sở cho sự hình thành những quy luật vận hành của trường văn học thuộc địa thông qua quá trình tích lũy và kiến tạo tri thức của nền văn học thuộc địa những năm 1930-1940.

PHÙNG NGỌC KIÊN

 (Nguồn: Tự chủ văn chương & Sứ mệnh tự do,

Phùng Ngọc Kiên chủ biên, Đoàn Ánh Dương,

Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn 2023,

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023)

______________________________________

[1] Doumer (2015), Xứ Đông Dương, tr.226.

[2] Doumer (2015), Xứ Đông Dương, tr.227.

[3] Xem thêm Anderson (1983), Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism; các bản dịch sang tiếng Việt: Cộng đồng tưởng tượng (Lưu Ngọc An dịch, Viện Nhân học Văn hóa, 2018); Những cộng đồng tưởng tượng (Nhiều người dịch, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2019).

[4] Xem Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.98-104.

[5] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.198. Nhà nghiên cứu cũng chia sẻ với Hồ Tài Huệ Tâm trong nghiên cứu về các phong trào cấp tiến ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi bà cho rằng việc “các học thuyết vô chính phủ đã có tác động mạnh mẽ đến chàng trai Nguyễn An Ninh”.

[6] Xem Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.240-241.

[7] Xem Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.302-303.

[8] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.298.

[9] Xem Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.299.

[10] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.298.

[11] Xem Doumer (2015), Xứ Đông Dương, tr.226-228.

[12] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.79.

[13] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.61.

[14] Phan Ngọc (2006), Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp, tr.63.

[15] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.372. Cho đến năm 1930, đồng bạc Đông Dương được neo giá theo đồng franc với tỷ giá 1 ăn 10. Như vậy, cần tới 300.000 franc để làm chủ nhiệm một tờ báo ở Đông Dương.

[16] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.115.

[17] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.120.

[18] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.252. Nhìn từ góc độ này để thấy phóng sự của Vương Quang Ngươn khác rất nhiều với phóng sự của Vũ Trọng Phụng, kiểu phóng sự tập trung vào các vấn đề xã hội chứ không trực tiếp đối địch với chính quyền. Lựa chọn viết về chính trị bằng chữ quốc ngữ, phóng sự của Vương Quang Ngươn chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ từ chính quyền.

[19] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.253.

[20] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.254.

[21] Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.221.

[22] Xem Peycam (2015), Làng báo Sài Gòn, tr.229.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *