Người hóa phép cho chú cá linh bay lên

Vanvn- Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Nối tiếp thế hệ 8X đã phần nào định hình tên tuổi, một loạt những cây bút trẻ 9X xuất hiện, vừa đông đảo mà lại vừa gây được ấn tượng cũng như sự chú ý của dư luận văn học nước nhà. Lê Quang Trạng là một trong số những cây bút 9X kể trên, anh cũng là tác giả trẻ được nhiều bạn đọc, bạn viết đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng.

Nhà văn Lê Quang Trạng

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2023:

>> Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc

>> “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”: Sự khốc liệt bao dung

>> “Tuyệt không dấu vết”: Cuộc đào sâu tiềm thức con người

>> “Một mùa hè dưới bóng cây” và… rượu…

>> Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do nhìn từ lí thuyết trường văn học

>> Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2023

 

Sinh năm 1996, ở Mỹ Luông thuộc huyện cù lao Chợ Mới, An Giang, Lê Quang Trạng được tắm mình trong bầu không khí đậm chất miệt vườn sông nước. Bên cạnh cảnh vật thiên nhiên nên thơ, trữ tình; người dân chan hòa, hào sảng, thì những trầm tích văn hóa của quê hương Trạng cũng lắm phần độc đáo, mê hoặc và gợi mở. “Dân Hai huyện” là từ mà cư dân Nam Bộ thường gọi đất và người Chợ Mới, với thái độ vừa kính nể vừa mang ý nghĩa về một vùng quê “chuẩn mực”. Bởi cư dân nơi đây có gốc gác là cháu con của lớp người năm xưa được đức Chưởng cơ Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dẫn dắt vào Nam lập nghiệp. Có lẽ vì những dấu ấn văn hóa kể trên, mà vùng đất Chợ Mới không chỉ sinh ra những văn nhân nghệ sĩ hết sức tài ba, vang danh cả nước như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp… mà nay còn sinh ra và nuôi dưỡng nên cây bút trẻ Lê Quang Trạng.

Yêu quý vốn văn hóa của quê hương, Trạng tìm hiểu tận tường chuyện xưa tích cũ; anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về nơi mình sinh ra với niềm tự hào và nhiệt huyết. Tiếp xúc Trạng từ hồi anh còn là cậu học trò ở trường THPT Châu Văn Liêm, dõi theo bước đường chữ nghĩa của anh, tôi không mấy bất ngờ với những thành tích anh liên tiếp đạt được, bởi người yêu chữ nghĩa, yêu văn hóa quê nhà đến vậy, ắt sẽ chấp cánh bay cao.

Bây giờ, Trạng đã ở tuổi 27, tên tuổi đã được bạn đọc biết đến qua một số đầu sách, các giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc. Kiểm nghiệm lại, thấm thoát anh đã theo cái nghề văn ngót 10 năm. 10 năm ấy, từ một cậu bé đạp xe lon ton đến nhà tôi mỗi buổi chiều tà, ngồi trước ghế đá chờ tôi đi làm về chỉ để tha thiết nhờ đọc giúp bài thơ, nay đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với một bề dày nhất định về gia tài văn học cho riêng mình. Anh vẫn hay ghé trước nhà tôi, ngồi bên ghế đá ấy để chờ tôi về, dúi cho một quyển sách mới in cùng vài câu đề tựa chân thành và thổn thức. Lặng lẽ, lắng nghe, cầu thị, chân thành và có một sức viết bền bỉ, khỏe khoắn… là những điều mà người ta hay nhắc đến anh. Riêng tôi, tôi nhắc đến anh như một con ong cần mẫn, chọn một lối đi riêng cho mình, tránh sự ồn ào của đám đông để góp nhặt từng con chữ, miệt mài, nghiêm túc và cẩn trọng chăm chút từng trang bản thảo như chăm chính đứa con máu mủ của mình. Đó không chỉ là đức tính cần thiết của nghề văn, mà còn là sự trân trọng với văn chương và bạn đọc của một người sống hết mình với chữ!

Gần đây tôi gặp lại anh, vẫn lặng lẽ và chân thành như xưa, chỉ trang viết là đậm màu và ngày càng sâu sắc. Là một người trẻ, Lê Quang Trạng đã không ngần ngại dấn thân và thử nghiệm với nhiều thể loại văn chương. Trạng viết nhiều cả về số chữ lẫn thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài, thơ, tản văn cho đến bút ký và tùy bút. Ở mỗi thể loại, anh đều có sự chắt lọc và chiêm nghiệm rất riêng, chừng như đôi mắt quan sát tinh tế và sự nhạy cảm của tâm hồn Trạng, luôn rung động và ào ạt muốn giãi bày.

Truyện dài “Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023 về văn học thiếu nhi

Lâu lâu lại nghe Trạng nhắn rằng anh đang ở Tam Đảo mù sương, ít lâu sau lại nghe đang đi rong ruổi ở U Minh Miệt Thứ, rồi lại thấy những trang viết về miền biên thùy Tây Nam. Đi nhiều, chịu khó lăn xả vào những ngõ ngách của đời sống; lắng nghe và thích thú với những điều xưa – mới. Đức tính ấy đã giúp Trạng có được những trang truyện ngắn về chiến tranh hết sức lay động, để rồi sau trang viết, người ta không chỉ nghe tiếng vọng từ tác phẩm anh, mà còn nghe cả sự mến yêu đến từ những cựu chiến binh – những nhân vật, những người trải lòng cho nhà văn viết truyện.

Và bây giờ, Trạng lại bắt tay vào một địa hạt văn chương khác, nơi những trang viết nhuốm màu xanh tươi và dành cho thiếu nhi (cũng như những tâm hồn thơ trẻ). Đọc truyện dài Thủ lĩnh băng vịt đồng do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019, rồi nay đọc bản thảo truyện dài Cá Linh đi học của anh, tôi như thấy lại hình ảnh của những đứa trẻ quanh mình, và cả những lời thì thầm rất đỗi trẻ con của chính tôi hồi còn nhỏ, suốt bao năm như vẫn xanh lên trong một khung trời ký ức, nay được Trạng gợi nhắc trở về, vẹn nguyên một màu nguyên thủy!

Trạng cho biết rằng, truyện dài Cá Linh đi học được anh ấp ủ và viết trong hơn 2 năm. Khởi đầu là sự nhen nhóm từ những lần anh theo ghe cào cá đi dọc miền sông Tiền mùa nước nổi. Sự đang dạng của thiên nhiên được những người lớn tuổi kể lại trong niềm tự hào và nuối tiếc. Thiên nhiên miền Tây ngày một suy giảm hiện rõ trong sự ít dần của nhiều loại thủy sản, cùng với niềm đau đáu về những miền đất bị cuốn trôi đi. Với góc nhìn trẻ thơ, và vốn sống Trạng tích góp về những loài thủy sản, anh đã dựng lên những nhân vật cá Linh Ống, cá Heo, Tôm, cá Tra, bác Rùa, bà Lóc… Từ những cá tôm quen thuộc của miền sông nước, Trạng đã cho chúng nói lên tiếng nói của mình. Đó là lời tâm tình rất đỗi trẻ thơ về những niềm vui nỗi buồn, nhưng bên trong lại là những bài học không chỉ là kiến thức về miền Tây mà còn là lời nhắc nhở về ý thức sinh thái cộng đồng nơi cuối nguồn Mê Kông bao đời trù phú.

Cá Linh đi học mang dáng dấp như một lời kể chuyện tâm tình thủ thỉ, hóm hỉnh và đầy màu sắc. Lồng ghép những hình ảnh về một miền đất phù sa châu thổ cùng với những câu chuyện nhuốm màu cổ tích. Qua truyện dài Cá Linh đi học, Lê Quang Trạng không chỉ vẽ nên một bức tranh miền Tây bằng những nét cọ trẻ thơ xinh xắn, mà anh còn gửi gắm đến các bạn đọc nhỏ tuổi những bài học về gia đình, sự gắn kết yêu thương và tình yêu động vật.

Có người bảo rằng, sứ mệnh của văn học thiếu nhi là đem đến cho các em những người bạn dễ thương và sáng tạo. Với quyển truyện dài Cá Linh đi học, Lê Quang Trạng không chỉ đem đến cho các bạn nhỏ những người bạn từ miền sông nước Cửu Long, vừa gần gũi nhưng lại vừa thú vị, với áo giáp bạc của cá Linh, với chiếc móng có thể hóa thành điều ước của bác Rùa… Bên cạnh đó, truyện còn có những khoảng lặng để độc giả nghĩ suy và lấp đầy vào đó bằng những lý lẽ, câu chuyện nối tiếp rất riêng của các bạn. Gợi mở và giúp các bạn nhỏ đồng sáng tạo là một thiên chức của một nhà văn viết cho thiếu nhi bằng cả tài năng và cái tâm lúc nào cũng xanh tươi đầy sức sống.

Khép lại những truyện dài Cá Linh đi học, tôi thấy như những chú cá bay vụt lên, ngoe nguẩy nhìn rồi rủ tôi cùng bơi đến một vương quốc đầy sóng bạc và những người bạn. Ấy, chẳng phải tôi vừa nhập tâm mình vào nối dài cho cái kết truyện của Trạng đó sao? Bằng sự lắng nghe, quan sát và tài kể truyện thiếu nhi bẩm sinh (thứ không phải nhà văn nào cũng dễ dàng có được), Trạng đã làm cho nhân vật đồng thoại của mình bay lên, chú cá đâu chỉ bơi một mình trên trang viết, chú ta còn (sẽ) bơi cùng tôi và các độc giả đến một chân trời nào nữa? Nơi chỉ có tình yêu thương mà muôn màu đẹp xinh đầy sức sống.

MINH AN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *