Truyện ngắn của hội viên mới Đào Sỹ Quang

Vanvn- Đào Sỹ Quang còn có bút danh Thái Hà, sinh năm 1954 tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hiện sống tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ông từng là bộ đội Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ra quân, ông học tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, giảng dạy môn vật lý.

Nhà văn Đào Sỹ Quang

Các tập truyện ngắn của Đào Sỹ Quang đã xuất bản: Sự đời (2013), Đất và người (2015), Viên đạn cuối cùng (2016), Mùa tôm sú (2017), Điều như không thể (2018), Trời đang vào thu (2019), Đối mặt (2019), Bến hồng nhan (2023) và sắp in tiểu thuyết Ngày của những tháng năm.

Ông được trao Giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2013) cho tập truyện ngắn đầu tay “Sự đời”, Giải C Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần thứ II (2022), Giải B Cuộc thi Truyện ngắn về “Hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân” (2022), Giải nhất bút ký Đồng Nai (2015), Giải C Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức của UBND tỉnh Đồng Nai,…

Nhà văn Đào Sỹ Quang được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

 

THẰNG CHỐNG GẬY

 

“Một trai hai gái là đủ rồi, đẻ nhiều lấy gì mà nuôi.” – Ông  Thi Cử nói với vợ sau khi đẻ con thứ ba.

Hầu hết người làng Chài sinh con trai đầu lòng đều “cỗ xôi con gà” nhờ cụ Bá đặt tên, mong sự khởi đầu tốt đẹp. Sau khi hỏi giờ, ngày sinh, tháng sinh cụ Bá bấm bấm đầu ngón tay, lẩm bẩm: “Tín chủ có sao Lộc Tồn chiếu tại cung quan lộc… xứng với tên Hồng, Đỗ Thiên Hồng…” Tuy nhiên cụ Bá lại có câu “khóa đuôi”: “Tên hay tên đẹp mà không tu chí thì cũng hỏng!”

***

Xóm giềng ai cũng khen vợ chồng ông Thi Cử hiền lành, tốt nết và rất coi trọng việc học. Ông bảo, đầu tư  học hành cho con cái không bao giờ lỗ vốn. Từ những năm đói khát mà ông đã có được câu triết lí hay đến vậy. Rất có thể câu nói đó là của một nhà hiền triết? Nhưng khi ông đã thuộc, đã hiểu, đã biết vận dụng thì nó lại là của ông. Để rồi, ai đó trong làng mỗi khi bàn luận chuyện nuôi dạy con cái lại nhớ đến ông Thi Cử!

Để nuôi con ăn học, vợ chồng ông Thi Cử, ngoài việc trồng lúa, còn phải quăng thân ra sông ra biển đánh cá tôm. Làng Chài có ca dao: “Giàu nhất làng Chài là ông Thi Cử. Rách như tổ đỉa là bác Thành Bành”.

***

Đỗ Thiên Hồng tốt nghiệp cấp ba thì thi vào trường Đại học nông nghiệp, cho dù cái “nông lâm” ngày đó bị coi thường bằng câu truyền miệng: “Nhất Y, nhì Dược. Tạm được Bách khoa. Sư phạm bỏ qua. Nông lâm đút xó”.

Cuối tuần nào Hồng cũng về để xin tiền bố mẹ, khi lên trường không quên mang theo mấy cân cá khô, vài chai nước mắm đem ra chợ giời bán cho mấy bà phe phẩy. Chỉ có ông bà Thi Cử mới có đủ tiềm năng nuôi cái anh kĩ sư nông nghiệp tương lai! Thiên hạ kháo nhau như thế.

***

Trăng trên trời đang trải màu xuống sân gạch. Lâu rồi hôm nay hai vợ chồng ông Thi Cử mới có dịp ngắm trăng thượng huyền. Nói từ “ngắm trăng” cho nó thi vị, chứ trong đầu họ đang có xung đột xảy ra. Chuyện thằng Hồng vay nợ tiền để rồi mấy thằng xã hội đen phải bổ nhào từ thành phố về làng Chài! Thế là bao tiền gom góp tính làm việc lớn của vợ chồng ông Thi Cử phải ra đi để giải quyết chuyện  “con dại cái mang”. Chẳng biết nay mai thằng Hồng có làm nên trò trống gì không, chứ bây giờ nó như cái vòi bạch tuộc hút máu cha mẹ mà không biết xót! Ông Thi Cử đau trong lòng, ngẫm nghĩ: Con cái người ta cũng ăn học mà cha mẹ đâu phải khốn nạn thế này!

***

Hồng ra trường, lĩnh tấm bằng Đại học “xịn”, tuy nhiên cũng chỉ xếp ở loại  trung bình. Đúng lúc chiến tranh biên giới bùng nổ, Hồng cũng như bao bạn bè phải lên đường nhập ngũ đánh giặc. Nói đánh giặc cho oách, chứ anh kĩ sư nông nghiệp Hồng nào biết mặt thằng giặc vuông hay tròn. Anh ở tuyến hậu cần. Sau ba năm mặc áo lính, Hồng được kết nạp Đảng, đeo trên vai quân hàm thiếu úy trước khi ra quân chuyển ngành về dân sự. Anh được điều về một cơ sở nghiên cứu giống cây trồng của tỉnh.

Điều làm mọi người ngạc nhiên là, kể từ ngày khoác trên mình bộ quân phục, Hồng cao to hẳn lên, không còn “ốm ho” như trước. Tuy làm anh cán bộ nông nghiệp, nhưng Hồng vẫn về khoắng của “ông bà già” những gì có thể, mặc cho lũ đàn em “mặt nặng mày nhẹ”.

Số Hồng may. May vì có cái bằng đại học, lại ăn nói từ tốn , quan điểm chính trị thông suốt. Vì thế mà anh được nằm trong danh sách lãnh đạo kế cận, để rồi địa vị leo thang như một hàm số đồng biến!  Hồng đạo mạo, không còn tếu táo như xưa.  Anh lao vào học Anh ngữ để lấy thêm bằng Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ. Làng Chài giờ phải “bái phục” anh chàng Hồng “Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi”. Cái chức Giám đốc Sở đến với anh dễ như bước qua ngọn cỏ!

***

Vợ chồng ông bà Thi Cử giờ thấy mát mặt với thiên hạ. Người ta khen ông bà có đầu óc chiến lược trong dạy bảo con cái. Hai con gái ông cũng có nghề nghiệp vững vàng, gia đình hạnh phúc. Ông Thi Cử được phát biểu trao đổi về kinh nghiệm nuôi dạy con tại Hội nghị biểu dương Gia đình Văn hóa tiêu biểu của tỉnh!

Nhưng có một điều lạ là giám đốc Đỗ Thiên Hồng rất ít khi về nhà, kể cả việc hỏi han bố mẹ qua điện thoại. Thời bao cấp chả nói, chứ thời a-còng sắm một chiếc điện thoại dễ như mua mớ rau! Và, khi có điện thoại rồi nếu có “rung chuông” thì Hồng cũng chỉ được vài câu kiểu như xã giao. Nó nhạt hơn cả nước ốc ao bèo! Đểu thật. Mấy lần mẹ ốm liệt giường, Hồng “cử đàn em” mang tiền về. Hồi ông nội mất, Hồng là cháu đích tôn mà vẫn cứ “phải dự hội nghị quan trọng”, đúng là “một hiện tượng lạ”? Ông bà Thi Cử xấu hổ lắm, nhưng đành phải “diễn kịch” để mong qua mặt xóm giềng!

Vợ ông Thi Cử nhìn chồng nói giọng buồn tê:

– Cái thằng Hồng không dạy được vợ, để vợ nó lấn áp. Ngày mới cưới nhau thì con dâu nói ngon nói ngọt như mía lùi, thầy thầy u u, thưa thưa gửi gửi, ý tứ ra trò. Giờ cậy chồng có chức có quyền, nó lên mặt bà chủ. Người làng người xóm về chơi, nó chỉ lo bẩn nhà, lau chùi như đuổi khách đi! Ai thèm gì tiền của chúng nó, mà nó cứ tra hỏi thằng Hồng tiền thâm hụt đi đâu! Bữa con Phụng tới chơi, nó chẳng thèm nhìn mặt, liền buông câu: chị có phải bồ của ông Hồng không thì bay vào Sài Gòn mà tìm, ông ấy đang họp trong đó! Cái quân mất dạy, chả lẽ mắt nó mù hay sao mà không nhận ra em chồng? Thằng Hồng ra ngoài mồm năm miệng mười, bao nhiêu người phải ôm chân sợ nó, thế mà hễ về nhà là cứ như người bị hóc xương cá. Cứ bảo nó hiền. Hiền kiểu này thì nhà mình vô phúc ông ạ. Rồi người ta đồn, thằng Hồng biếu cha mẹ cả tiền tỉ, ông thấy oan chưa?

– Ối giời, thằng chồng mà coi thường cha mẹ thì con vợ ắt hẳn phải như thế chứ sao! Hỏng cả rồi!

***

Ông Thi Cử vốn là người kín đáo và thâm thúy. Ông chẳng bao giờ đánh giá người một cách hồ đồ. Giờ ông lọm khọm, da bọc xương, chắc chẳng còn sống được bao lâu, ông chỉ mong thỉnh thoảng con trai đưa vợ con về vui vầy cùng gia đình cho có thêm hơi ấm, mà sao khó thế! Chả nhẽ con ông lại bận việc hơn cả Thủ tướng Chính phủ hay sao? Ông khóc! Người sắp đi theo ma mà lại phải khóc. Khóc to nữa chứ!

Thế là một người làng Chài đi theo ma. Đám tang ông Thi Cử không có “thằng chống gậy”, vì giám đốc Đỗ Thiên Hồng cùng vợ con đang du hí ở bên Singapore. Gia đình họ qua đó đã hai ngày trong chương trình “cho sướng cái đời”. Điện thoại từ làng Chài phóng sang Sing đúng ba từ lạnh băng, rồi cúp cái rụp!

– Thầy đi rồi!

“Cái con mất dạy, chưa nói đã cúp máy! Đi rồi là đi đâu? Giám đốc Hồng liền bấm máy gọi lại cho em gái:

– Xong rồi là thế nào?

– Đang liệm!!!

Một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai vợ chồng tiến sĩ Hồng xảy ra. Người vợ ý kiến:

– Đằng nào ông cũng chết rồi, về bây giờ thì cũng giải quyết được gì!

– Cha chết thì phải về chứ, giải quyết gì là giải quyết gì?

Tức thì phu nhân nổi đóa:

– Tính toán không biết đằng tính, nó điện hôm trước nói thầy yếu lắm rồi, chả nhẽ nó nói thẳng ra là sắp chết. Vé khứ hồi, giờ thay đổi tốn kém thêm!

– Cô không về thì để tôi về, đến giờ phút này mà còn tính toán!

– Lúc sống thì chả thăm nom, giờ chết mới làm ra vẻ thương tiếc, loại đạo đức giả!

– Cô câm mồm đi!

Mảnh đất “thành phố cây xanh” nơi xứ người bỗng chao nghiêng…

***

Mấy gã trai làng trong đám tang làng Chài reo lên: “Ôi xe của ca sĩ Mit tơ Dàm!”. Chả là ca sĩ này giàu có và chơi ngông nhất nhì Đông Nam Á.

– Dàm đâu mà Dàm. Giám đốc Đỗ Thiên Hồng! Ái chà Lét xịch(*) mới cứng, bán cả làng Chài này đi may ra mua được cái bánh!

– Mày nói sao chứ, đắt thế hả?

– Thế đấy ông ạ, con đời mới này á, hàng đầu về khả năng vận hành vượt trội, chinh phục mọi địa hình, nội thất khỏi phải chê! Tháng trước thằng Uấn chó nó chở cháu phi về Hải Phòng, êm như ru. Thằng Uấn chó đi bóc lịch rồi! Mười hai năm!

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Hồng cùng vợ con ra khỏi xe. Các con mắt từ đám tang đổ dồn ra cổng. Những con mắt đang mệt mỏi vì những ngày lo tang gia bối rối. Ông Thành Bành nhanh chân chạy ra, như một người được phân công đón khách. Giám đốc Hồng như kẻ xa lạ từ hành tinh khác sà xuống trái đất. Thành Bành còn chưa vơi mùi rượu, nheo nheo đôi mắt nhìn xuyên vợ Hồng:

– Mẹ mày đẹp nhỉ, tao cứ tưởng người mẫu thời trang trong ti vi. Gái này thì ối thằng muốn xin chết! Đàn bà con gái làng này đến bao giờ mới biết tới cái váy mát mẻ thế này. Đúng là người đẹp vì lụa! Gớm vàng bạc đâu mà rủng rỉnh thế hả con?

Ông ta quay sang, nghênh nghênh cái đầu nhìn con trai của vợ chồng Hồng:

– Thế thằng này là thằng nào mà trông như ông Tây ấy hả?

– Dạ, con trai của con đấy ạ, cháu vừa lấy xong bằng tiến sĩ ở Mỹ về ạ. Cháu sẽ làm việc ở bên Mỹ, vì chỉ ở đó mới có môi trường làm việc tốt cho những người có học vị cao ông ạ! – Vợ Hồng nói.

– Tiến sĩ hả? Có phải tiến sĩ giấy mà bữa trước tao nghe Xuân Hinh nó diễn trên ti vi không? Đẹp giai quá, thế này thì nhiều vợ phải biết!

Không khí càng lúc càng căng thẳng cho giám đốc Hồng. Anh ta đang phải đối mặt với một tình huống hóc búa vì tay “bợm rượu”. Thành Bành nhìn xoáy vào Hồng nói:

– Thằng bố Hồng đây hả! Lâu lắm rồi ông mới gặp mày. Khác quá! Thế thế…tao nghe nói nhà mày có cả mấy biệt thự cơ hả. Làng Chài này xếp mày giỏi nhất đấy. Học hành tấn tới, vợ đẹp con khôn! Mà, ông xin hỏi mày, tại sao cha mày ốm lăn ốm lóc đến chết mà mày không về? Mày có biết mày là “thằng chống gậy” không?

Vợ ông Thành Bành nghe vậy hoảng quá chạy tới bên chồng hét lên:

– Thôi, ông Thành Bành ơi, ông nói nhiều quá, ông ra ngoài kia để cho vợ chồng chú ấy vào làm lễ thắp hương cho cụ!

Thành Bành liền quắc mắt quát:

– Bà thì biết cái con đéo gì!

Rồi Thành Bành như diễn thuyết, mắt vẫn dán vào Hồng: “Tao là bạn vong niên với bố mày, cả làng Chài này biết. Làng này không ai thương con và tốt với xóm giềng như bố mẹ mày. Thế mà, đến ngày chết thằng con chống gậy không về. Mấy ông mấy bà cứ thích đẻ con giai. Đẻ đi!  Đấy! Đợi để nó về chống gậy cho. Nó về đây này!

Giám đốc Hồng cũng cạn khả năng chịu đựng, liền mở miệng:

– Chuyện của gia đình tôi chú đừng cho xoi mói vào! – Nói đoạn Hồng kéo vợ con vào nhà.

– Tao cứ nói! Loại con như mày vứt mẹ sọt rác cho chuột nó tha! Cái loại con vô tâm vô cảm thì giàu có đến mấy vẫn là nghèo thôi con ơi!

“Thôi, chú thím chấp gì cái lão say rượu ấy, vào thắp hương cho cụ đi!” – Ai đó trong nhà nói vọng ra. Trái khế ở cổ giám đốc Hồng cứ giật lên giật xuống từng nhát ừng ực! Một không gian u ám bẽ bàng. Hồng muốn thoát khỏi nơi này thật nhanh, thật gọn!

Đến lúc này thì mọi người phải xông vào can thiệp, sau khi đã nghe “sướng” hai lỗ tai. Nhưng nào can thiệp nổi, Thành Bành vẫn lên cơn hừng hực. Con người này trong cơn say mà như tỉnh, đứng giữa sân nghêu ngao bài thơ học mót ở đâu đó:

– Mọi khi nhận điện thì vui/ Hôm nay nhận điện rụng rời chân tay/ Ước gì con được về ngay/ Để con báo đáp công này cha ơi! Chả biết Giám đốc này có rụng rời chân tay hay không? Có mà rụng cái phải gió! Giày dép thì bóng lộn, quần áo thì cứ như ngài đại sứ. Lại còn nước hoa nước hiếc nữa chứ. Không phải lối. Mẹ kiếp, luật pháp không bằng luật tục! Cha mẹ chết là phải về chịu tang! Đến ông Tổng thống cũng phải vậy!

– Thôi thôi, ông Thành Bành ơi, tôi xin ông tôi xin ông! Ông ơi!

Vợ ông Thành Bành không còn cách nào khác là phải nhờ người đẩy chồng ra phía cổng, trong khi ông chồng vẫn cố ngoái cổ lại “xả đạn”!

***

Hồng cùng vợ con đứng trước linh cữu cha. Tấm di ảnh phía trên quan tài như người còn sống nhìn thẳng vào mặt Hồng, giống như công an soi mói tên tội phạm nguy hiểm! Vợ con Hồng lấy tay chắp mấy nén hương đang cháy, đưa lên ngang đầu rồi vái lia lịa. Còn Hồng xem ra bài bản hơn, anh ta vái tới năm vái, sau đó cắm hương vào lư hương. Lùi lại hai bước, đứng nghiêm, chắp hai tay giơ cao ngang trán rồi gập mình xuống, quỳ hai gối, xòe đôi bàn tay úp lên mặt đất, cúi rạp đầu theo thế phủ phục. Sau đó lấy đà cất người lên đứng ở thế nghiêm như lúc đầu, rồi lạy tiếp, rồi lại cúi rạp đầu. Bất ngờ một con mèo đen từ đâu phóng đến (như bị chó đuổi) đâm thẳng vào mặt giám đốc Hồng đang cúi đầu ở thế phủ phục. Sự va chạm bởi một động lượng quá lớn làm cho máu mặt, máu mũi giám đốc tóe ra! Đám tang bỗng  nháo nhác. Người ta vội kéo giám đốc Hồng ra ngoài để băng bó, trong khi không biết con mèo biến đi đâu? Thật là một điều lạ lùng khủng khiếp chưa từng thấy ở làng Chài này…

Hồi còn mồ ma cụ Xã Đoàn nói rằng, mèo đen mà nổi loạn ở đám tang là độc lắm, độc lắm!

Nhà văn Đào Sỹ Quang

TRỜI ĐANG VÀO THU

 

Cái thú của tôi là tới nhà sách M, lớn nhất nhì thành phố. Cơ man là sách. Đủ loại. Ồ, “Cuốn theo chiều gió”! Ngày học cấp ba tôi đã từng đọc tiểu thuyết này do người chị họ cho mượn. Scarlett – người phụ nữ trong sóng gió cuộc đời và những mối tình…

– Cô thích tiểu thuyết này lắm hả?

Tôi ngẩng lên, ngỡ ngàng thấy gã thật lãng tử, nhìn tôi với vẻ mặt dịu dàng.

– …Dạ…

– Trông cô như một nhà văn?

Tôi lắc đầu. Bụng thầm nghĩ, tưởng làm nhà văn dễ lắm hả. Rồi bỗng thấy thinh thích câu nói của gã. Tưởng gã đi ngay, nào ngờ gã đã nán lại tiếp tục:

– Thời này mà vẫn có người yêu văn chương đến thế!

Tôi lặng im như không hề nghe thấy, tay vẫn cứ lật lật mấy trang sách. Dở hơi, thời nào chả có người yêu văn chương. Nhưng thật tình trong đầu tôi bối rối về câu nói “dở hơi” ấy. Gã như đoán đúng tim tôi. Loại cáo già! Tôi chớp chớp đôi mắt đa tình.  Gã lại hỏi tiếp :

– Một phụ nữ lãng mạn thế này chắc được chồng con cưng chiều lắm nhỉ?

– Anh thích phụ nữ lãng mạn hả?- chẳng hiểu sao tôi lại hỏi như vậy.

– Thích chứ! Rất thích! Như thế mới tuyệt vời!

Gã tươi tỉnh đến khó hiểu. Gã bám tôi, như hai người quen biết nhau từ trước, rồi gã xin được làm quen, nhưng tôi không tỏ ra một thái độ gì để gã có thể nghĩ tôi cũng có chút cảm tình (một chút thôi) với gã. Tôi cảnh giác. Ở đời lắm kẻ trông bảnh bao lịch sự nhưng tâm hồn lại trống hoác! Tôi hiểu tôi lắm, nhiều khi cứ giả vờ tỏ ra cứng rắn.

– Chắc anh đọc nhiều sách lắm hả?

– Tôi mê sách từ bé! – Gã trả lời tự đắc.

Tôi kể tên một số tác phẩm văn học nổi tiếng. Tác phẩm nào gã cũng như tóm tắt được nội dung, nhân vật chính. Hình như gã sinh ra là để đọc sách thật? Gã nói đúng. Và hình như hôm nay trời đất xui khiến gã phải tới nhà sách này để gặp ai đó, chính là tôi?

Gã tự giới thiệu tên là Phong, rồi xin tôi số điện thoại. Suy nghĩ một hồi, rồi  tôi đồng ý, đọc: 0-9-8-4-5 … Cho nhau số điện thoại là chuyện bình thường trong cái cuộc sống này. Vả lại, thật khó có phụ nữ nào lại có thể ghẻ lạnh trước sự lịch lãm, hiểu biết và đầy khí chất của người đàn ông.

– Cô tên gì nhỉ? – Gã vừa hỏi vừa đăng nhập số điện thoại của tôi.

– Tên gì cũng được!

– Sao lại tên gì cũng được?- Gã cười tình tứ.

– Tên đâu quan trọng, cứ gọi “gió” đi! Sở dĩ tôi nói vậy vì trong tôi tự nhiên hiện lên câu: cơn gió nào đưa anh tới đây? Chẳng biết đó có phải là câu thơ hay câu nhạc, mà tôi đã nghe thấy đâu đó. Và cũng có thể tôi chế từ một câu tương tự. Tôi đang bị phân tâm.

– Thật diễm phúc được làm quen với một phụ nữ thông minh và hài hước! – nét mặt gã rạng ngời hẳn lên. Gã biết thừa tôi nói đùa. Còn tôi đã vô tình để cho gã hiểu, câu trả lời của tôi chỉ là cái cớ để kéo dài thêm câu chuyện.

– Gió là phong. Phong và gió là một!

Biết bị hớ, tôi nhanh trí chuyển tên:

– Không phải đâu! Lan!

– Lan cũng hay. Hoa phong lan điệu đàng, tinh tế và trong sáng!

Tôi cười khích khích, liếc nhẹ gã … Rồi có tiếng “tít tít…” từ máy điện thoại của tôi trong túi quần jean. Gã giục: Cô lưu số của tôi vào đi!

Những khách hàng trong nhà sách, họ như chẳng hề để ý tới câu chuyện giữa hai chúng tôi. Rồi cũng đến lúc ai về nhà nấy, tôi mang đầy ắp những suy tư …

***

Gã nhắn tin cho tôi. Ngày nào cũng vậy. Có lúc gã gọi điện nói đủ thứ chuyện, chẳng đả động gì tới văn chương, tiểu thuyết. Rồi gã mời tôi tới nhà chơi. Nhà gã ở quận G, còn tôi ở quận H, cách nhau chừng mười lăm phút taxi. Tôi từ chối mà gã thì vẫn cứ mời tha thiết! Tha thiết lắm! Đến nỗi làm cho tôi cứ ngỡ mình như một công chúa xinh đẹp con nhà quý tộc để cho những kẻ si tình đắm đuối!

Một ngày tôi quyết định tới thăm gã. Bởi tôi nghĩ, một tên cướp hoặc một sở khanh không thể là gã, mà là người khác cơ. Tuy nhiên tôi luôn nhắc nhở mình phải cảnh giác. Có lúc tôi định dừng lại cuộc hẹn, nhưng làm như thế hóa ra mình thiếu bản lĩnh tự tin. Tôi vốn dĩ là một kẻ có cá tính mạnh mẽ và quyết đoán.

Buổi sáng mùa hè hôm ấy khi mặt trời đã tỏa những tia nắng chói chang, tôi tìm được tới nhà gã. Gã sống với một cô con gái đang học lớp bốn, tuần trước dì nó đưa về ngoại nghỉ hè. Vợ gã đi xuất khẩu lao động ở bên Malaysia, cũng sắp hết hạn hợp đồng. Gã đón tiếp tôi một cách dè dặt và lịch sự, không giống như tôi nghĩ tới những rủi ro… Tôi chẳng chủ động được những chuyện cần phải nói, cứ thao thao về mấy tin đọc được trên mạng… Gã thì kể về cuộc đời của mình đầy đắng cay nghiệt ngã. Tôi không nghĩ một người trông như gã lại có một quá khứ buồn tê như vậy. Mẹ gã mất từ lúc gã vừa chập chững biết đi. Cha gã, tay ghi-ta cự phách trong một ban nhạc Rock lôi về một người đàn bà to như hộ pháp, chỉ có mỗi tài ăn vặt và đòi hỏi chồng đủ thứ. Biết số phận của mình hẩm hiu, nên gã đã dấn thân theo cha vào con đường nghệ thuật để mong có việc làm nuôi thân…

Tôi đã bị gã chinh phục bởi lối kể chuyện hấp dẫn và bi hài. Đặc biệt đôi mắt gã rất có hồn. Tôi cắt ngang câu chuyện của gã bằng một đề nghị, khi nhìn thấy cây đàn ghi-ta treo trên tường. Cây đàn cũ kỹ, mặt đàn như bị ai đó cào cấu và có miếng băng keo dán lên một đường nứt. Cây đàn trông giống cây đàn của người hát xẩm mà có lần tôi đã gặp ở một bến xe nào đó.

– Anh đàn một bản đi?

– Cô thích đàn hả?

– Thì ai chả thích đàn!- Tôi cứ cái giọng kênh kênh như vậy. Gã liền lấy cây đàn xuống rồi hỏi tôi.

– Cô thích nghe bài gì? – Vẻ mặt gã rất tự tin.

– Fur Elise!(1)

– Ô, sao lại có sự trùng hợp đến thế ? Bản classic đầu tiên làm mê hồn tôi đó. – Gã như tìm được một sự may mắn.

Những âm thanh vang lên trong ngôi nhà nhỏ chỉ có tôi và gã. Ngoài phố kia tiếng xe cộ cứ rên rên, ình ình… Giai điệu bản nhạc rộn rã, nhưng nghe buồn hun hút, có lúc bật lên như muốn phá tung một sự kìm hãm nào đó để tìm về cái gì đã mất…Tôi không ngờ gã chơi đàn lại điêu luyện như vậy. Tôi mê tiếng đàn! Bản nhạc kết thúc, gã như không biết có ai bên cạnh. Gã đã thả hết linh hồn vào từng nốt nhạc…

– Anh đàn và hát một bài nào đi! – Tôi chẳng thể hiện cho gã biết mình thích hay không thích bản độc tấu vừa rồi. Mặc dù tiếng đàn đã làm tâm hồn tôi xao động. Tôi say đắm bản Fur Elise từ hồi đang là sinh viên năm cuối, do người yêu của một cô bạn thân chơi. Anh ta học ở nhạc viện âm nhạc, khoa ghi-ta. Rồi bạn tôi kể về lịch sử của bản nhạc ấy. Nghe chua chát, não nề muốn rơi nước mắt.  Bản  Fur Elise đã cấy vào tôi một tâm hồn lãng mạn từ hồi ấy. Ở đời này sẽ buồn tẻ biết bao khi ta không biết tới một nốt nhạc? Tôi tự tình với mình như thế.

– Cô thấy sao về bản nhạc vừa rồi?

– Muốn đi cùng Bết- thô- ven luôn!- Tôi cười tủm tỉm, nhìn nhanh vào đôi mắt gã đang đợi chờ.

– Đi cùng Bết- thô- ven luôn? Ôi, tuyệt vời!- Gã như muốn nhảy tung lên. Gã nhạy cảm thật.

Gã chẳng cần hỏi tôi thích bài gì nữa. Gã ôm đàn đưa ánh mắt ra ngoài cửa, nhưng chắc gã sẽ không để ý tới những gì đang chuyển động. Những nốt nhạc dạo đầu bản “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên vang lên điệu slow buồn. Giọng ca của gã trầm ấm theo những ca từ làm xao xuyến lòng người. Tôi ngồi im, hóa thân vào thế giới âm thanh…

– Cảm ơn anh, giờ tôi phải về!- Tôi nói sau khi lời ca “anh với em mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương” vừa kết thúc. Gã giật mình trước quyết định bất ngờ của tôi. Gã như người mất hồn! Không phải tôi muốn tỏ ra như thế, mà tại chiếc kim chiếc đồng hồ treo trên tường kia đang quay trong mắt tôi. Tôi không thể có lí do vắng nhà vào lúc này…

– Lúc nào rảnh cô cứ tới đây chơi với tôi. Tôi rất…

– Vâng, cứ biết thế!

Gã nhìn tôi đăm đắm bằng đôi mắt buồn rượi như vừa vô tình đánh rơi một báu vật xuống hồ nước mênh mông…

***

– Máy em có tin nhắn!

Tôi vội đưa tay nhận chiếc iPhone từ tay chồng. Lại tin nhắn của gã. Gã kêu buồn chỉ muốn chết khi nhận được dòng tin nhắn của tôi: “Mình biết nhau thế thôi, không thể tiếp tục vì một lí do tế nhị!”. “ Chồng cô ngăn cấm hả?”- Tin hồi âm của gã.

Tôi thấy thương gã thật sự. Nhưng tôi không thể làm gì hơn. Tôi là một phụ nữ có những tư duy hiện đại, nhưng không thể thoát ra khỏi cái vòng lễ giáo phong kiến mà cha mẹ dạy cho từ hồi chưa biết tới “chu kỳ” là gì. Một phụ nữ đã có chồng như tôi mà dám đến nhà một người đàn ông chơi một mình thì quả là đáng sợ trong con mắt của mẹ khi bà còn sống.

– Hôm nào anh mua cho em hai cái đĩa nhạc nhé?- Tôi bảo chồng.

– Đĩa gì?

– Độc tấu ghi-ta, trong đó có bản Fur Elise và Mùa thu cho em ca khúc của Ngô Thụy Miên!

– Để anh chở em đi mua, anh đâu biết mấy thứ lạ hoắc đó!

Lời nói của chồng như muốn đẩy tôi ra khỏi nhà. Nhắc tới đĩa nhạc, chồng tôi  liền mở bộ âm li làm vang lên những tiếng nhạc xình xình, rồi những ca từ của bản nhạc chế được nhả ra từ một ca sĩ bất đắc dĩ: “Ai trên đời chẳng uống rượu, mà uống rượu là phải say. Rượu mà uống không say không phải hay uống rượu … ai nói xuôi hay nói ngược thì vợ là vợ mà ta là ta…” Rồi chồng tôi cười hô hố. Chồng tôi được cái vô tư chẳng biết ghen tuông là gì. Ai cũng bảo tôi sướng lấy được ông chồng võ biền có đi ra ngoài cũng chẳng sợ ai ăn hiếp!

– Thôi anh tắt cái băng ấy đi, nghe phát khiếp!- Tôi lớn tiếng.

– Em kì thật, tự nhiên điên điên khùng khùng!

– Vâng đang muốn điên khùng đây!

– Đúng là đàn bà khó hiểu! “ Zoẹt!”- chiếc phích được rút ra khỏi ổ điện. Không gian bỗng lặng như tờ…

Chiếc Honda nổ máy, rồi cùng chồng tôi lao ra khỏi cửa mất tiêu! Đã có lần chính tôi lăn ra cười khi cùng chồng nghe bản nhạc chế vừa rồi. Chồng tôi nói đúng, đàn bà thật khó hiểu!

Tôi đứng bám cánh cửa nhìn bâng quơ ra đường phố, miệng ngân lên lời ca: “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ. Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…” Tôi nhớ gã. Tôi tương tư…

Gã lại điện cho tôi. Gã nài nỉ chỉ cần gặp tôi một vài giây, rồi gã sẽ không bao giờ làm phiền tôi. Tôi bỗng thấy ân hận, vì đã làm cho gã hi vọng điều gì đó. Rất có thể gã nghĩ tôi là một người yêu văn chương thì sẽ lãng mạn theo cách hiểu nông nổi của không ít người. Đó là sự buông thả. Nhưng, đấy là tôi nghĩ vậy. Chắc gì gã lại như thế…

Tuần sau gã hẹn tôi ở cà phê Window – một không gian lãng mạn. Tôi đồng ý, mặc dù nhiều lúc nhắn tin tôi vẫn từ chối các cuộc hẹn. Trong tôi đã mất đi ý thức cảnh giác tự lúc nào…

– Tôi mời cô li cà phê cuối cùng. Tôi sẽ không làm phiền tới cô nữa. Tôi tặng cô cuốn tiểu thuyết này, có thể cô đã rất hiểu về nó. Nhưng tôi muốn một sự sẻ chia, dù nhỏ nhoi…

Nghe gã nói mà người tôi nổi gai ốc! Chắc gã sang định cư ở Mỹ hay gã đang có căn bệnh quái ác gì? Đầu óc tôi quay cuồng, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh…

– Anh quyết định đây là li cà phê cuối cùng của chúng ta?

– Tôi linh cảm thấy điều đó!

– Hi hi… linh cảm thấy điều đó? Anh giỏi đấy, không làm phiền nhau ở thì tương lai hay thì hiện tại? Đàn ông đáng sợ thật! Anh đã có bao nhiêu li cà phê cuối cùng? – Tôi dồn gã cấp tập. Mặt gã trông thất thần. “Cho chết!….”. Tôi nghĩ. Tôi cười thầm. Tôi tinh nghịch. Tôi thích gây như vậy.

– Chắc tôi linh cảm sai? Tôi xin lỗi! Thật sự tôi không muốn đây là li cà phê cuối cùng!

– Thế sao anh nói vậy ? – Tôi vẫn muốn cự nhau với gã để hiểu thêm trái tim người đàn ông.

– Tôi xin cô mà! Tôi không muốn…. mất!

Gã không muốn mất tôi! Hi hi…Thật tội nghiệp. Tôi nhìn thẳng vào mặt gã. Sắc màu trên khuôn mặt gã biến đổi liên tục. Gã chờ đợi! Còn tôi vẫn cứ thôi miên gã bằng ánh mắt …

– Tôi không muốn mất cô. Tôi yêu cô! Đừng hỏi tôi về sự vô lí đó!

Gã yêu tôi? Đây đích thực là một người đàn ông mạnh mẽ! Tôi khẳng định như vậy. Lòng tôi bối rối. Hạnh phúc lớn nhất của người đàn bà là được nhận một lời tỏ tình của người đàn ông mà mình ái mộ. Tôi muốn nán lại để tiếp tục nghe những gì tiếp theo của gã. Nhưng có một lực vô hình đã kéo tôi đứng dậy.  Tôi lại phải xin phép gã ra về. Hình như đồng hồ hôm nay chạy nhanh hơn mọi ngày?

Nắng đang trải vàng trên vạn vật. Chẳng mất nhiều thời gian tôi đã về tới nhà. Tôi giở gói bọc cuốn sách mà gã tặng tôi ra xem. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”- Tiểu thuyết này tôi đã nghe người ta kể lại chứ chưa được đọc. Thật ngạc nhiên trong cuốn sách kẹp một bức thư của gã. Tôi vào phòng máy lạnh, nằm trên giường. Vào giờ này chắc chồng tôi và cu Ky đang vùng vẫy ở một hồ bơi trong thành phố. Tôi đang trong một không gian yên tĩnh và an toàn…

Gã giải thích, chiếc đàn ghi-ta này là phần thưởng trong cuộc thi âm nhạc khu vực. Dù có chết gã cũng không bỏ nó! Mảnh băng keo dán trên mặt đàn là bởi một lần gã say sưa tập bản Fur Elise mà không hề biết vợ đi làm về đang đứng bên cạnh. Vợ gã điên tiết giật cây đàn ném xuống nền nhà và buông câu nghiệt ngã: “Xướng ca vô loài!”.  Gã đau đến tận bây giờ.

***

– Anh mua cho em được rồi. Phải mất cả buổi sáng mới tìm được. – Chồng tôi khoe đã mua cho tôi hai đĩa nhạc. Anh cười sung sướng nhìn tôi, chờ đợi… Tôi chẳng nói lên được điều gì. Đến bây giờ tôi cũng chẳng thích hai đĩa nhạc ấy nữa. Tôi thích nghe gã đàn và hát.

Gã đã li dị vợ. Vợ gã đã hết hợp đồng lao động ở nước ngoài. Trở về nước tự nhiên vợ sinh chuyện rồi hai người viết đơn ra tòa xin thuận tình li hôn. Với con người như gã thì chẳng cần phải giải thích dài dòng cũng đủ hiểu tại sao vợ yêu cầu li hôn! Đứa con gái theo mẹ về ở với một người đàn ông cũng từ Malaysia về. Người này đã qua một đời vợ. Nghe nói vợ ông này đã không chịu nổi cái máu “ba lăng nhăng” của chồng nên đơn phương yêu cầu tòa án cho li hôn.

Giờ trong ngôi nhà của gã chỉ có cây ghi-ta làm bạn. Gã mở lớp dạy nhạc, cũng đủ kiếm ăn và không phải lo lắng mỗi khi nhận được cái thiệp đám cưới đám hỏi. Gã ước mơ có một người yêu âm nhạc và văn chương. Gã bảo, đó mới là cái chất sống. Tôi biết. Tôi hiểu. Gã cảm tình với tôi. Tôi yêu gã. Tôi đâu phải người cù lần mà không đoán biết trái tim người đàn ông. Nhưng tôi đang bị cái kìm vô hình. Tôi không thể sống theo sở thích của mình. Tôi không thể về với gã, vì tôi đã có chồng. Tôi không thể bỏ chồng vì những lí do vớ vẩn. Tôi thương gã, yêu gã, yêu tâm hồn gã và cả cái dáng dấp cao bồi của gã. Nếu trước kia mà gặp gã tôi sẽ tìm mọi cách “cưa” cho gã đổ. Tôi sẽ như nàng Scarlett thổ lộ tình yêu với Rehtt. Như thế chả có gì là xấu!  Tôi tự tin. Chẳng có lí do gì mà đàn ông không yêu tôi. Tôi đâu phải gái lanh chanh, bủn xỉn, đâu phải xấu xí, chưa muốn nói là “rất được”.

– Tin nhắn này em!- Chồng lại đưa chiếc điện thoại cho tôi.

– Mấy bà rửng mỡ lắm tiền suốt ngày rủ đi shopping! (không biết đây là lần thứ bao nhiêu tôi đã nói dối chồng?).

– Thì em đi cho vui! – Chồng tôi nói vậy. Anh là người làm ra nhiều tiền nhờ vào cái “vai u thịt bắp” ở cái chợ đầu mối lớn nhất thành phố này.

Tin nhắn của gã. Nội dung thì vẫn là những cảm tình khát khao với tôi, nhưng ngôn ngữ thì biến điệu hết sức linh hoạt và khó để cho người xem phật lòng…

Tôi và gã lại hẹn gặp nhau. Gã gầy đi trông thấy, nhưng vẫn giữ được vẻ phong trần đáng yêu. Gã cầm tay tôi. Bóp một cái nhẹ vụng về, giống như một kẻ ăn trộm. Và, nói một câu vụng về: “Anh yêu em!” Câu nói làm tôi ngộp thở. Gã đâu có biết tôi đang bị bệnh tim. Rồi một lúc nào đó tôi phải lên bàn mổ thay cái van đã bị vôi hóa. Tôi không phản ứng gì. Tôi sao đủ can đảm để phản ứng. Nhưng thật sự tôi cảm thấy hết đi những mỏi mệt…

***

– Em phải cố gắng uống thuốc và ăn uống, bệnh tim không được lo lắng gì cả. Bác sĩ nói với anh như vậy. – Chồng tôi đã bao đêm thức trắng để chăm sóc và động viên tôi ở bệnh viện này. Bệnh tim là bệnh của con nhà giàu – người ta vẫn thường nói thế. Mà, tôi đâu phải con nhà giàu. Cha mẹ tôi cũng chỉ là những công chức bình thường như bao người khác. Còn tôi đang trong giai đoạn nghỉ không lương, sống nhờ vào đồng tiền của chồng…

Tôi nhắn tin cho gã: “Anh đừng có đau khổ làm gì. Đau khổ là tự giết mình. Một ngày hạnh phúc mới sẽ đến với anh. Cảm ơn anh đã cho em những phút giây lãng mạn để em hiểu đời hơn. Chúng ta đừng gặp nhau nữa anh nhé. Em sẽ thay sim điện thoại. Cứ để cho những âm thanh mùa thu vang lên thánh thót…” Gã nhắn lại cho tôi: “Em đừng bỏ chiếc sim ấy, nó đâu có tội tình gì, ngàn vạn lần anh xin lỗi em. Cầu mong em mãi mãi bình an!”.

Tôi vùi đầu vào đọc cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Trời đang vào thu. Một chiếc lá vàng rơi … rơi qua khe cửa…

ĐÀO SỸ QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *