Xưng hô trong quan hệ thầy trò

Vanvn- Trong các ngôn ngữ phương Đông, đại từ nhân xưng luôn phức tạp. Chỉ một ngôi thứ nhất số ít thôi mà tiếng Việt có thể xưng tôi, anh, em, con, ông, bà, bác, chú.

Nhà văn Hồ Anh Thái

Học sinh đến trường, vẫn tự xưng em xưng con với giáo viên. Ở miền Bắc thời chưa xa, từ mẫu giáo cho đến đại học đều xưng với thầy cô là em. Ở miền Nam thì trước nay hầu như đều xưng con với giáo viên, giống như người ta vẫn xưng con với ông bà chú bác, chứ không xưng cháu.

Một bạn văn ở Hà Nội kể có người thầy yêu quý từ thời tiểu học. Học trò lớp bốn, mười tuổi, mà thầy khi ấy đã năm mươi. Ba mươi năm sau đến thăm thầy, trò bốn mươi và thầy tám mươi. Gọi thầy xưng con sao mà ấm áp thân thương. Rồi ông đề nghị: nhà trường nên bỏ cái tiếng em đi, học sinh nên xưng con với thầy cô cho gần gũi đầm ấm.

Đứa cháu học lớp mười hai liền nói, cháu mười bảy tuổi mà cô giáo dạy tiếng Anh mới đi dạy được hai năm, cô mới hăm lăm tuổi, không thể gọi cô xưng con được ạ.

Trong các ngôn ngữ phương Đông, đại từ nhân xưng luôn phức tạp. Chỉ một ngôi thứ nhất số ít thôi mà tiếng Việt có thể xưng tôi, tớ, tao, anh, em, con, ông, bà, bác, chú, cô, dì… Tùy theo thứ bậc gia đình, tùy theo cấp bậc địa vị xã hội, tùy theo tuổi tác, vân vân. Trong dòng họ, cứ theo thứ bậc mà xưng hô, có vẻ đơn giản. Nhưng cũng không đơn giản đâu, khi “bé con ông bác, lớn xác con ông chú”.

Đến văn phòng, nhân viên hăm lăm tuổi gọi giám đốc năm mươi tư là cô, xưng cháu xưng con, nếu vụ trưởng năm mươi tám tuổi thì gọi bác, xưng cháu xưng con. Trong cách xưng hô đã có hàm ý răn đe chớ có mưu toan vô lễ vượt mặt, khôn ngoan thì hẵng ở yên thứ bậc đã được xếp đặt.

Cách xưng hô ấy có thể coi là yên tâm không có sự “nổi loạn” hay “đảo chính” trong mối quan hệ sếp và nhân viên, nhưng sự cung kính an phận đã tạo nên “chủ nghĩa gia đình”, tự nó có thể kìm hãm những ý kiến trái chiều, phản biện, những sáng kiến, những đề xuất khác lạ. Trước một hội đồng để bảo vệ sáng kiến của mình mà cứ cháu xin ý kiến hoặc em xin phát biểu, vẫn toan tính lựa lời xưng hô sao cho êm tai hội đồng, thì cũng khó kiên định và quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình đến cùng.

Ra ngoài xã hội, người Bắc hay nhún nhường xưng với đối tượng là cháu là em, nhất là rất hay xưng em. Sự nhún mình xưng em được giải thích rằng khi chưa biết tuổi tác đối phương, cách an toàn là ta cứ xưng em, dưới người ta một bậc. Trong truyện ngắn “Chợ”, tôi nhận thấy một hiện tượng: “Người Bắc lạ thế. Khó mà xưng hô với nhau anh tôi theo kiểu công dân. Gặp nhau lần đầu chẳng cần biết tuổi cứ xưng em với bất kỳ ai. Gọi nhau trên điện thoại giao dịch, nào có biết mặt người ta mà cứ ton ton xưng em. Nhưng cứ thử quệt xe vào em, thử nhỡ mồm nhỡ tay với em một cái mà xem, em sẽ nhảy lên thành bố mình ngay”. Giọng đùa cho vui, nhưng chuyện kể là thật.

Với đối tượng bất kỳ, tôi nghiêng về cách xưng hô trung dung: anh và tôi, chị và tôi. Đấy là cách xưng hô cần thiết của công dân với công dân. Một ca sĩ đã trên tuổi mười tám, đã là nhân vật của công chúng rồi, ấy vậy mà MC phát thanh truyền hình cứ xưng là anh/chị và gọi người ta là em. Người dẫn chương trình giải thích: Gọi thế cho nó thân mật.

Đến lượt chàng kỹ sư công nghệ thông tin nọ, lên truyền hình lại chủ động xưng em với người phỏng vấn mình. Chàng giải thích: Xưng em cho nó lễ phép.

Không đâu, thân mật kiểu MC ấy là suồng sã nơi công cộng. Lễ phép kiểu kỹ sư ấy là quên mất vai trò công dân của mình. Ở trên các diễn đàn mà cứ gọi người khác là em hoặc tự xưng là em, nghe không ra tư cách đàng hoàng của công dân. Cả hai bên hãy chọn cách xưng hô cho đúng đắn vì họ đang hiện diện trước con mắt của bao nhiêu người. Mà nếu không có khán thính giả, chỉ hai người với nhau, thì cũng nên tự ý thức về con người xã hội của mình. Anh/chị và tôi. Bác và tôi. Hãy đàng hoàng tự tin vì ta là công dân và ta đã trưởng thành.

Ý thức công dân và ý thức xã hội là phải được hình thành và bồi đắp trong môi trường gia đình, trường học, xã hội. Từ bé đã được chỉ bảo thái quá phải nhún nhường khiêm tốn, phải kính trọng thưa gửi, tất nhiên khi lên một diễn đàn, ra trước phương tiện thông tin đại chúng, cứ xưng em xưng xưng con xưng cháu cho yên tâm. Cá biệt, cũng có khi xưng em xưng cháu vậy mà thực lòng cũng chẳng kính cẩn tôn quý gì đâu. Nói thế, sao cũng có người phản biện: thà lễ phép mà không thực lòng còn hơn láo xược chẳng biết trên biết dưới.

Nói như vậy là vì đang tồn tại một thực trạng của giáo dục, khi giá trị của người thầy bị xâm phạm. Nhưng cũng phải thấy rằng giáo dục nào tạo ra trò ấy và trò nào phản ảnh giáo dục ấy. Mấy chục năm hô hào cải cách giáo dục nhưng thực tế vẫn là một nền giáo dục vết thương. Kính chẳng đến nơi mà lễ cũng không ra phép tắc. Nhưng trong khi vun đắp lòng tôn kính thứ bậc, đừng vì thế mà rơi vào một cực đoan khác: làm hư hại ý thức công dân từ khi còn ít tuổi.

Trở lại một điều tưởng như là nhỏ, tưởng như là vỡ lòng, là khởi điểm. Đấy là cách xưng hô ở trường học. Gọi là thầy xưng em, vẫn có người bảo: Tôi là thầy giáo, anh em gì với học sinh.

Gọi là cô xưng con, vẫn có người bảo: Tôi là cô giáo, mẹ con gì với học sinh.

Con mà không hẳn là con. Em mà không hẳn là em. Người ta phải yêu mến muôn loài vì kiếp này con ong cái kiến con ngựa con dê kia có thể chính là anh chị em của ta ở kiếp trước. Cũng phải tôn kính mọi người vì trong muôn vạn kiếp đã trải, có khi kiếp này là cha mà kiếp trước là con, có khi kiếp này là anh mà kiếp trước là em. Biết vậy để mà điều chỉnh không chỉ là cách xưng hô. Con hay em thì cũng chỉ chứng tỏ là trong vòng đời này mình sinh sau, không hẳn để xác định thứ bậc hay trí tuệ. Xin hãy chọn cách xưng hô nào đề cao hơn ý thức công dân của học sinh, cái ý thức cần được bồi đắp từ khi còn ít tuổi. Ta đang rất cần cái đó.

Một thời chưa xa lắm, học trò đến trường vẫn gọi ông đồ là thầy mà xưng là trò. Người dạy học là thầy. Người đi học là trò. Như vậy cũng đủ ý nghĩa là trên và dưới, người đi trước và người đi sau, không quá gần gũi suồng sã, cũng không quá xa cách, học sinh không cảm thấy mình quá bé nhỏ. Nếu thấy xưng em không phù hợp thì có thể gọi là thầy cô mà xưng là trò. Thầy – trò. Cô – trò. Thưa thầy, trò xin phát biểu… Như vậy cũng đủ độ trung dung.

HỒ ANH THÁI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *