Từ chuyện nhà văn “gàn” đến tình yêu văn hóa Mường Hòa Bình – Kỳ 1

Vanvn- Tiếp sau cuộc đối thoại với nhà thơ Hải Thanh – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã trò chuyện với nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình, một địa phương nổi tiếng với không gian văn hóa Mường độc đáo đã trở thành nguồn cảm hứng cho trang viết của Lê Va mà theo ông: “Tình yêu Hòa Bình đến với tôi vừa tự nhiên vừa không tự nhiên. Tự nhiên ở chỗ  tình yêu ấy thấm dần trong tôi lúc nào không biết. Và không tự nhiên ở điều tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu cái hay, cái đẹp vừa hiển hiện vừa trầm tích của Hòa Bình. Khi cần thì cái vốn văn hóa (trải nghiệm) được huy động vào sáng tác, bài viết của mình. Đó chính là lúc tình yêu Hòa Bình trong tôi phát sáng”.

Nhà thơ – Đại tá Lê Va

Đại tá – nhà thơ Lê Va còn vui mừng tự hào “bật mí” rằng ông mới phát hiện ở TP Hồ Chí Minh hiện có con đường mang tên Quách Điêu, một nhà văn tài năng người Mường gốc Hòa Bình mà tên tuổi ít được biết tới: “Tuy vậy, sinh thời ông Quách Điêu được/bị người Mường Hòa Bình gọi là Đồ Gàn vì cái tính không giống ai của ông. Rồi người Hòa Bình cũng chẳng biết tại TP Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Quách Điêu. Đến nay, đối với tỉnh Hòa Bình, Quách Điêu vẫn là ông Đồ Gàn. Tôi muốn mượn câu chuyện có thật này để thưa rằng, hiện tại ở tỉnh Hòa Bình cũng đang có 5 kẻ gàn”.

Nhà văn Quách Điêu, 5 kẻ gàn và sự tủi thân của Chủ tịch Hội

* Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Chào nhà thơ Lê Va, xin ông cho phép bắt đầu cuộc trao đổi luôn: Hiện nay hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hòa Bình có bao nhiêu thành viên, trong những năm qua đã sáng tác và hoạt động như thế nào, trong mối tương tác với Hội VHNT Hòa Bình? Theo tôi biết, hầu như hội viên các Hội trung ương thì đều là hội viên Hội VHNT địa phương. Có một cơ chế phối thuộc nào không? Và nếu có thì sự chủ động ấy thuộc về Hội VHNT Hòa Bình hay là ở anh chị em Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam? Bao nhà văn nhà thơ còn niềm hứng khởi sáng tác?

– Nhà thơ Lê Va: Tôi vừa gặp và xác minh chính xác một thông tin mà tôi cho đó là một sự kiện đối với tỉnh Hòa Bình: tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh hiện có một con đường mang tên một người Mường Hòa Bình – đường Quách Điêu. Người Pháp ghi nhận Quách Điêu là một nhà văn của người Mường, ông giỏi chữ Hán, chữ Nôm, tên ông đã được đưa vào ngân hàng tên đường và Sài Gòn – Gia Định trước đây (có thể từ thời Pháp thuộc) đã lấy tên ông đặt tên một con đường.

Tuy vậy, sinh thời ông Quách Điêu được/bị người Mường Hòa Bình gọi là Đồ Gàn vì cái tính không giống ai của ông. Rồi người Hòa Bình cũng chẳng biết tại TP Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Quách Điêu. Đến nay, đối với tỉnh Hòa Bình, Quách Điêu vẫn là ông Đồ Gàn. Tôi muốn mượn câu chuyện có thật này để thưa rằng, hiện tại ở tỉnh Hòa Bình cũng đang có 5 kẻ gàn.

Không gàn thì tại sao nàng Phan Mai Hương lúc nào cũng nhấp nha nhấp nhổm. Đứng trên bục giảng trường chuyên Hoàng Văn Thụ mà lòng dạ mây gió nơi nào? Nghỉ hưu, nàng phóng ngay ra biển. Sóng ư? Muỗi. Say sóng ư? Đối với nàng chỉ như vài điều cỏn con. Thế là tập ký “Hành trình hải giàn” trình làng và ngay sau đó được giải thưởng viết về biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Cứ thế nàng đẻ sòn sòn. Đẻ nhanh đến nỗi bạn bè không kịp hỏi thăm, chúc mừng.

Không gàn tại sao Lò Cao Nhum bỏ dạy học từ thời Hòa Bình cũ đến chia tay ngành công an ngay từ khi Hà Tây quê lụa vừa sáp nhập với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình để về lại mường Mùn với “nóc nhà ta có hoa Khau Cút” của mình. Khi tái lập tỉnh Hòa Bình năm 1991, người ta vời mãi “cụ” Lò mới thũng thẵng khoác túi dết về tỉnh đầu quân vào Sở Văn hóa rồi gắn bó với Hội VHNT cho đến lúc nghỉ hưu. Trong hành trình gàn ấy cụ Lò cất được một vò “rượu núi” rõ to. Cụ cứ nhăm nhe lấy rượu núi làm say khách đến thăm bản Lác thì hỡi ôi, chưa uống rượu núi, khách đã say đứ đừ trước nụ cười trẻ con của cụ.

Người ta cũng xếp Lê Va trong số này, vì nhẽ gì mà đang Phó trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh, ghế mà biết bao người ước muốn lại đùng đùng xin nghỉ… rồi nào có được nghỉ mà lại bị trên hai trăm kẻ gàn nhẹ hơn bắt làm chủ tịch Hội VHNT tỉnh… thí dụ thế!

Còn việc phối thuộc giữa Chi hội Nhà văn VN tại Hòa Bình với Hội VHNT tỉnh không/ chưa có một cơ chế cụ thể, mới chỉ là sự phối hợp hoạt động trong những công việc cụ thể như tổ chức Ngày thơ Việt Nam, tham gia các cuộc thi, các trại sáng tác… Sự chủ động trong phối thuộc này thường từ phía Hội VHNT tỉnh. Ở tỉnh Hòa Bình thì Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn VN tại tỉnh, do đó có thể nói là thuận hơn trong mọi hoạt động của cả hai bên. Điều mừng hơn, cả 5 hội viên NVVN ở Hòa Bình sức khỏe còn tốt và mỗi người đều đang miệt mài trong sáng tác!

Nhà thơ Lê Va đón nhà thơ Ko Un của Hàn Quốc về thăm Hòa Bình

* Hội VHNT Hòa Bình thường niên hẳn cũng phối thuộc với các ban ngành đoàn thể của tỉnh tổ chức sáng tác theo chủ đề nhất định mà thường gọi là các cuộc thi. Chất lượng các cuộc thi ấy ra sao? Có phát hiện ra các cây bút mới để trao giải hay không? Hay người nhận giải lại vẫn là mấy gương mặt quen? Các nhà văn nhà thơ có danh tước trung ương đóng góp những gì cho những cuộc thi ấy?

– Trong hệ thống chính trị cấp tỉnh của ta hiện nay, có Hội VHNT. Về mặt tổ chức, đây là cơ quan thuộc khối Hội đặc thù. Tôi hỏi thật, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế nghĩ gì nếu ông là nhà văn, chủ tịch Hội VHNT, hàng năm đều ngồi ký kết giao ước thi đua với chủ tịch Hội Người mù, chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam?… Mỗi lần phải ký kết như thế, nói thật tôi tủi cho cho mình, tủi cho văn học nghệ thuật lắm lắm!

Còn nữa, nếu mồng 5 Tết, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế được đón một cụ ông không quen biết đến nhà, nâng niu Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp thơ Việt Nam” trong sự cảm động và tự hào vô bờ bến và rưng rưng giới thiệu “Tôi vừa vinh dự được CLB Thơ Việt Nam trao tặng” và đề nghị được xuống sinh hoạt với Hội VHNT tỉnh cho vui”… thì nhà văn cư xử thế nào? Chưa hết, CLB Thơ Việt Nam ở Hòa Bình lại do chủ tịch tỉnh ký quyết định thành lập nữa đấy!

Đúng là lãnh đạo Hội thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, cơ cấu nhân sự theo đúng quy trình 5 bước i xì như các đầu ngành khác, nhưng không được hưởng chế độ khám chữa bệnh ở Ban Bảo vệ sức khỏe của tỉnh, trong khi phó trưởng phòng các ngành lại có tiêu chuẩn này. Lại nữa, nhiều lãnh đạo sở, ngành vẫn nghĩ Hội VHNT trực thuộc Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch (VHTT&DL). Trước đây, các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh, Hội thường chỉ đứng ngoài. Nếu cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (Sở VHTT&DL) không ghi đầu việc cho Hội thì đúng là Hội “không phải làm gì”?.

Nhìn chung các cuộc thi, các trại sáng tác đều là điểm nhấn của hoạt động VHNT tại địa phương. Bên cạnh việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần trong tỉnh thì qua đó, việc phát hiện các nhân tố mới là vô cùng quan trọng. Như chúng ta đều biết, hội viên cao tuổi của các hội giờ có thể chiếm tới 2/3. Do đó việc phát hiện, bồi dưỡng (mà tôi hay nói là chăm bẵm) các nhân tố mới là một trách nhiệm của lãnh đạo Hội và cá nhân người lãnh đạo cao nhất của hội.

Việc phối thuộc với các ban ngành đoàn thể, nhất là với các huyện, thị trong tỉnh còn cũng rất cần. Nếu Hội không chủ động, các cơ quan nêu trên không phối hợp thì khi tổng kết Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” họ sẽ không có gì để tổng kết ngoài thống kê các đội văn nghệ cơ sở, phong trào bóng chuyền, hoạt động của các nhà văn hóa, số thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa, gia đình văn hóa… Đó không phải văn học nghệ thuật. Bởi như Nghị quyết 23 nêu: “Văn học nghệ thuật là một bộ phận tinh túy của văn hóa”, mà tinh túy thì đâu có nhiều! Vậy ai, cơ quan nào mang văn học nghệ thuật đến với mọi cơ quan, địa phương nếu không phải các văn nghệ sỹ và Hội VHNT?

Nhà thơ Lê Va đưa đoàn nhà văn đi thực tế ở hồ Hòa Bình.

Nghề tay trái và lòng biết ơn nhà thơ Nguyễn Tấn Việt

* Tôi có thể khẳng định ông là người thành công kép, cả nghề “tay phải” lẫn nghề “tay trái”. “Nghề phải” ông đạt tới quân hàm đại tá. “Nghề trái” có hơn chục tập sách, và được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình liền tù tì hai khóa. Vậy nhà thơ quan niệm thế nào là nghề trái thế nào là nghề phải. Trong khi nghề trái ông lại thăng tiến đến hàm giám đốc sở?

– Trước hết xin cảm ơn ông ưu ái mà khẳng định Lê Va, thành công kép cả “nghề tay phải” và ‘nghề tay trái”. Tôi xin bộc bạch như thế này: Cho tới ngoài một hoa giáp, tôi đã và đang làm hai công việc chính là công tác công an và hoạt động văn học nghệ thuật. Với 34 năm làm anh công an, đó là mưu sinh, hàng tháng việc ấy nuôi sống mình. Khi lấy vợ, sinh con thì việc ấy giúp mình cùng vợ nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Và trong những năm tháng làm công an ấy tôi có làm thơ, viết báo, xuất bản sách, rồi tham gia BCH Hội VHNT tỉnh. Thế nên vai chính là công an ăn lương, công việc kèm theo là hoạt động văn học nghệ thuật. Khi đủ điều kiện có thể rời khỏi ngành công an (việc chính) để tập trung làm việc mà mình yêu thích (trước là việc phụ), công việc phụ trở thành công việc chính. Thực ra đối với tôi gọi đây là “nghề tay trái” và “nghề tay phải” là nói theo xã hội, chứ công an không phải một nghề, đó chỉ là một việc mà xã hội cần, rất cần để giữ cuộc sống bình yên. Hết tuổi công tác, đa số công an hưu trí không biết làm gì thêm dù sức còn khỏe, tuổi đời chưa phải là cao và rất muốn có việc gì đó để làm. Khác với bác sỹ, giáo viên, kỹ sư nông nghiệp… khi nghỉ hưu họ vẫn tiếp tục công việc nếu muốn, vì đó là nghề, họ có một nghề trong tay. Anh công an không được như thế. Còn đối với danh xưng nhà văn, nhà thơ, đối với tôi lại càng không là một nghề, bởi vì tôi chưa từng được đào tạo viết văn, làm thơ, bởi vì nó chưa bao giờ nuôi sống tôi chứ chưa nói đến gia đình. Do đó 2 việc chính trong đời tôi là làm công an và hoạt động văn học nghệ thuật cũng xin được gọi nhờ là “nghề tay phải” và “nghề tay trái” theo cách gọi chung như thế cho ngắn gọn.

Tôi chủ động rời ngành công an trước 6 năm (xin nghỉ hưu trước 6 năm) từng gây xôn xao trong dư luận. Đó là, đúng ngày 10.6.2011 – ngày sinh nhật lần thứ 52 của mình, tôi dậy sớm, tập thể dục, tắm gội rồi tới cơ quan. Ngồi vào bàn làm việc, với tay rút tờ A4 viết ngay đơn xin nghỉ hưu rồi cầm ngay sang nộp Công an tỉnh. Tôi nghĩ, cả đời, mình thực hiện rất nhiều quyết định do người khác ký, nay chính mình ra quyết định cho mình thì mình phải toàn quyền. Chính vì để được toàn quyền nên tôi đã không nói thêm nửa lời mà chỉ nộp đơn xin nghỉ rồi ra về. Do tôi có 3 con là cán bộ Công an tỉnh, trong đó con dâu cả ở phòng Tổ chức cán bộ nên chỉ 2 giờ sau tin đó được loan ra. Vợ tôi – cô giáo vùng cao lập tức phi xe máy từ Đà Bắc về. Cả nhà kéo lên cơ quan đấu tố tôi là ích kỷ, chỉ biết mình, người ta muốn không được mà mình lại xin nghỉ, hay là có “con nào”, nghỉ rồi theo nó… Trong lãnh đạo Công an tỉnh có người nghĩ, chắc tay này có phi vụ gì nên phải “bỏ của chạy lấy người” trước khi sự việc vỡ lở…

Để đi tới quyết định rời khỏi ngành Công an đối với tôi là một quá trình giác ngộ, ngộ về chất lượng cuộc sống, ngộ về cái mình có, ngộ về cái hay, cái đẹp. Rõ ràng là số đông nhân loại đã, đang và sẽ vẫn là không được làm việc mà mình yêu thích, và tôi cũng nằm trong số đông ấy. Vậy, văn học là lĩnh vực mình yêu thích, mình đang phải dùng nó như “nghề tay trái” và giờ là lúc mình có quyền chuyển nó thành “nghề tay phải”. Nếu mình cứ tiếc nuối giữ mãi những điều đã có trong tay, không dám buông bỏ, không dám thay đổi tư duy làm sao vươn tới ước mơ, khi giấc mơ ấy đang ở trong tầm tay của mình?

Tôi nghỉ sớm ngành công an không phải để làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, mà nghỉ là để tập trung cho đi và viết. Tuy thế, đến tháng 6 năm 2012, tại Đại hội lần thứ IV (2012 – 2017) của Hội VHNT tỉnh, tôi được bầu làm chủ tịch và Đại hội lần thứ V (2017 – 2022) tôi tái cử chủ tịch Hội. Hiện tại thu nhập chính của tôi là lương hưu của một đại tá công an, tôi không bao giờ quên mình là một sỹ quan công an nghỉ hưu. Nhưng tôi luôn tự hào (không bao giờ khoe mẽ) mình là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và càng tự hào khi số đông không biết điều mà tôi tự hào. Ví như, nếu chỉ tính riêng tỉnh Hòa Bình từ 1945 (khi có ngành công an) đến nay, có thể có hàng trăm đồng chí giám đốc, phó giám đốc Công an tỉnh, nhưng cũng tính từ 1945 đến nay Công an tỉnh Hòa Bình mới chỉ có duy nhất một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi dám nói ra suy nghĩ này, trước hết là để nhắc mình ở cả niềm tự hào, ở cả trách nhiệm công dân và bổn phận của một nhà văn. Và, cũng là tâm sự của tôi chia sẻ cùng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Chúng ta hãy tự hào và xứng đáng với danh xưng nhà văn. Không ai có thể bêu xấu Hội Nhà văn, phá Hội Nhà văn trừ các nhà văn hội viên!

* Lê Va sẽ giới thiệu về mình như thế nào nhỉ ? Đại tá ? Nhà thơ Hội viên Nhà văn Việt Nam? Hay nhà quản lý? Trước khi chuyển hẳn sang nghề tay trái, ông có thần tượng văn học nào không? Nhà văn nhà thơ nào ông coi là hình mẫu lý tưởng cho mình?

– Hiện tôi đang là Chủ tịch Hội VHNT của một tỉnh, đó cũng chỉ là một công việc được anh em tín nhiệm tin tưởng ủy thác. Điều tôi luôn nhớ, mình là nhà văn, viết là công việc sống còn của nhà văn. Từ khi còn là anh công an làm thơ viết báo cho đến khi trở thành hội viên Hội Nhà văn VN rồi làm Chủ tịch Hội VHNT của tỉnh, người tôi coi là thần tượng chính là nhà thơ Nguyễn Tấn Việt. Ông vừa mang nhân cách một con người đĩnh đạc, vừa là người Thơ chính hiệu. Thấy câu thơ hay ông mừng quýnh lên. Nghe người đọc thơ ông vuốt lại mái tóc, và ngồi thật ngay ngắn… Nếu không có nhà thơ Nguyễn Tấn Việt thì có lẽ tôi chỉ dừng lại ở người yêu thơ mà thôi. Những bản thảo thơ ban đầu của tôi được Nguyễn Tấn Việt sửa chằng chịt bằng mực đỏ tôi còn giữ. Từ nhà thơ Nguyễn Tấn Việt tôi ngẫm ra: Đối với thơ, không dạy được nhưng học được!

Với các bạn văn trẻ Hòa Bình. Nhà thơ Lê Va nhớ lại: “Nếu không có nhà thơ Nguyễn Tấn Việt thì có lẽ tôi chỉ dừng lại ở người yêu thơ mà thôi. Những bản thảo thơ ban đầu của tôi được Nguyễn Tấn Việt sửa chằng chịt bằng mực đỏ tôi còn giữ. Từ nhà thơ Nguyễn Tấn Việt tôi ngẫm ra: Đối với thơ, không dạy được nhưng học được!”

“Tình yêu Hòa Bình đến với tôi vừa tự nhiên vừa không tự nhiên”

* Hòa Bình là trung tâm không gian văn hóa Mường ở VN, trong khi ông là người Kinh toàn tập, lãnh đạo Hội VHNT ở vùng đất đa văn hóa nhiều lễ hội nhiều tục hèm nhiều kiêng cữ mới cũ vốn trọng cái danh xưng, ông xoay xỏa thế nào nhỉ?

– Đúng, tôi là người Kinh toàn tập như nhà văn nói. Tuy nhiên từ nơi tôi sinh ra và lớn lên (18 tuổi) đến trung tâm đất Mường Hòa Bình chỉ 60km theo đường số 6, trong khi một số học giả người Pháp họ từ Paris hoa lệ sang Việt Nam và lên Hòa Bình từ đầu thế kỷ 20, khi nơi đây còn “ma thiêng nước độc”  thì họ vì cái gì nếu không phải Tình yêu văn hóa Mường, chứ không hẳn đơn nhất là khám phá để củng cố ách thực dân. Nhờ họ, chúng tôi hôm nay mới có được vài cuốn sách viết về tỉnh Mường Hòa Bình mà tìm hiểu. Quý vô cùng. Và tôi vô cùng thấm thía với tâm sự của học giả người Pháp Pierre Grossi khi kết thúc tác phẩm “Tỉnh Mường Hòa Bình” xuất bản lần đầu năm 1926 bằng Pháp ngữ, đó là: “Tôi yêu mến tỉnh Mường và dân chúng ở đó, tôi lấy làm tự hào khi nghĩ rằng họ đã đối xử tốt với tôi. Cho nên, kết luận của tôi là: để xây dựng tỉnh Hòa Bình thì phải biết yêu tỉnh Hòa Bình!”. Đây cũng chính là điều mà nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đề cập đối với cá nhân tôi. Tôi khẳng định: Tôi cũng là người yêu Hòa Bình. Tôi đã từng nói và tiếp tục khẳng định điều này bằng việc làm của mình đối với vùng đất và con người Hòa Bình, kể cả người Mường, người Tày, người Dao gốc ở Hòa Bình đang sinh sống các nơi trên đất nước Việt Nam.

* Chẳng lẽ lại chỉ duy tình mà xong! Y như tuổi 18 ông đi bộ cả ngày, ngủ đêm ở bến xe khi nhận công tác ở Hòa Bình chăng? Ông đã yêu Hòa Bình bằng hiện thực của cả cuộc đời mình. Tình yêu ấy tự nhiên mà có hay còn có nguyên do khác? Tình yêu xác thực bao giờ cũng gắn với trách nhiệm. Ông có phải là người đã có tình yêu xác thực?

– Tình yêu Hòa Bình đến với tôi vừa tự nhiên vừa không tự nhiên. Tự nhiên ở chỗ  tình yêu ấy thấm dần trong tôi lúc nào không biết. Và không tự nhiên ở điều tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu cái hay, cái đẹp vừa hiển hiện vừa trầm tích của Hòa Bình. Khi cần thì cái vốn văn hóa (trải nghiệm) được huy động vào sáng tác, bài viết của mình. Đó chính là lúc tình yêu Hòa Bình trong tôi phát sáng. Nhiều người hỏi tôi về những thứ mà tôi đã viết về Hòa Bình, tôi chỉ có thể giải thích ngắn gọn, đó là do cái duyên. Duyên mang tôi đến với Hòa Bình và Hòa Bình bỏ nhiều thứ vào trong tôi. Nếu không phải cái duyên thì sao bao người đến với Hòa Bình, họ hiểu Hòa Bình trước tôi, có trong tay tư liệu trước tôi… nhưng lại chỉ đến tôi, tôi mới viết về điều đó. Tôi cảm giác mình luôn như chùm ăng-ten thường trực 24/24 để đón lấy những tin tức Hòa Bình và đặt những tin tức ấy vào đúng vị trí của nó, nhất là những chỗ còn đang trống vắng.

Nhớ khi vừa chân ướt chân ráo đến Hòa Bình, các bạn tôi có người khóc vì khó khăn, viết thư về nhà than vãn đủ điều, riêng tôi lại chỉ kể những điều hay của Hòa Bình. Tôi làm việc này, lúc đó chưa phải vì tình yêu Hòa Bình (vì đã biết gì đâu mà yêu) mà chỉ nghĩ đơn giản, nếu mình kể khổ thì gia đình thương, thương mà chẳng giúp được thì càng thêm lo. Thế thôi. Và những cán bộ công an cùng tôi lên nhận công tác tại huyện vùng cao Đà Bắc ngày ấy, đến nay chỉ còn mình tôi ở lại Hòa Bình. Từ một thân một mình, nay tôi đã có một gia đình 10 người của ba thế hệ. Tôi nghĩ, nếu không lên Hòa Bình, không ở lại Hòa Bình thì tôi dứt khoát không thể trở thành một nhà văn, nhà văn của đất Mường Hòa Bình.

Nhà thơ Lê Va trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

* Tại sao người Mường có câu: Mường có lang, làng có đạo?

– Về câu “Mường có lang, làng có đạo” theo tôi nên hiểu thế này: Trước hết nói về từ mường. Mường vừa là danh từ chung chỉ một vùng cư dân sinh sống đồng nghĩa với bản, làng, thôn, ấp, lớn hơn nữa là xã, huyện, vùng… Khi ấy từ “mường” viết thường. Còn dân tộc Mường, người Mường, tiếng Mường… là các danh từ riêng chỉ tộc người thì viết hoa.

Lang là người đứng đầu một vùng Mường – một chức vị mang tính cha truyền con nối và có quyền uy cai quản dân Mường. Các vùng Mường đều phải có người đứng đầu tức Lang. Chưa có lang thì dân bàn nhau tìm đón lang. Hoặc nhà lang vùng này cử con của mình đến làm lang vùng khác. Như vậy đã là vùng Mường (xưa) thì phải có lang. Hòa Bình xưa với 4 dòng họ lớn Đinh, Quách, Bạch, Hà truyền đời làm lang cai quản các vùng Mường. Khi người Pháp thành lập tỉnh Mường sau là tỉnh Hòa Bình, đứng đầu tỉnh là chức quan Tuần phủ (như các tỉnh khác) thì Tuần phủ lại kiêm chức Chánh quan lang, tức là đứng đầu Hội đồng quan lang trong tỉnh, dù chức vị này không có lương nhưng rất quan trọng và không thể thiếu.

Làng là một đơn vị hành chính nằm trong xã. Làng của người Mường cũng gần giống như làng miền xuôi. Người Mường không dùng từ bản như một số dân tộc miền núi Tây Bắc khác.

Đạo ở đây chính là chức lang ở mường nhỏ. Một ông lang đẻ được mấy người con trai, thì chỉ con trai cả nối nghiệp làm lang tại quê gốc, các con thứ thì gọi là đạo chứ không là lang. Chế độ lang đạo là như vậy. Dưới Lang có các chức Ậu để giúp truyền chỉ lệnh và đôn đốc dân thực hiện. Dưới Ậu là một số Cai giúp việc nhà Lang… “Mường có lang, làng có đạo” là như vậy!

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ thực hiện

(Còn tiếp)

______________________

Nhà thơ LÊ VA

Sinh 1959

Quê quán: Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội

Trú quán: Thành phố Hoà Bình

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình

Ủy viên BCH Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình

Từng là: Phó trưởng CA huyện Đà Bắc; Phó Giám thị trại Tạm giam CA tỉnh Hòa Bình; Phó trưởng phòng Công tác chính trị; Phó trưởng phòng Hậu cần CA tỉnh Hòa Bình. Nghỉ hưu với cấp hàm đại tá.

Giải thưởng:

– Tặng thưởng bài thơ hay của Báo Văn Nghệ năm 2001

– Giải Nhì về thơ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2007

– Giải B về văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình 1991-2000

– Giải B về văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình 2001-2006

– Giải A về thơ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2015

– Giải C về thơ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2015

– Giải thưởng Cây Bút vàng của Bộ Công an năm 2018

– Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT năm 2020

– 12 giải A, B, C của Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình các năm từ 2001 đến 2018

Đã xuất bản:

Nắng giao thoa – Tập thơ

Nhịp đập hai mùa – Tập thơ

Chớp núi – Tập thơ

Khúc thức – Tập thơ

Tha thẩn xanh – Tập thơ

Lên núi tìm trầm – Tập thơ

Bức đại tự đỏ – Tuyển tập thơ

Làng rừng đang phố – Tập ký

Người không bị lãng quên – Tập ký

Về gần – Tập ký

Như chưa hề có thác – tập ký

Công phá – Sách chuyên đề

Truyện thơ Đinh Công Trinh – Một văn bản văn học quý của người Mường Hoà Bình – Sưu tầm và giới thiệu

Bờ xưa – sách ảnh

* Có tác phẩm được tuyển vào chương trình giảng dạy văn học địa phương; và  sách giáo khoa tham khảo:“Hướng dẫn cảm thụ văn học” – Lớp 6.

 

XIN XEM TIẾP:

>> Cái nôi văn học sông Đà & bí mật “Đi xa để tìm gần” văn hóa Mường – Kỳ 2

>> Chuyện “Hoa hậu xứ Mường” & cái danh hão đáng sợ của một số hội viên – Kỳ cuối

 

One thought on “Từ chuyện nhà văn “gàn” đến tình yêu văn hóa Mường Hòa Bình – Kỳ 1

  1. Nguyễn Thị Bình says:

    Thật lòng mà nói “nghề” viết của các Văn nghệ sỹ, chưa được quan tâm, mà họ đang vẫn âm thầm làm đẹp cho đời một cách bền bỉ, tôi không giám nói là họ “bị coi thường”; Mà cơ chế chính sách của ta chưa được định nghĩa một cách hoàn hảo với “nghề viết” nói chung Hội VHNT nói riêng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *