Cái nôi văn học sông Đà & bí mật “Đi xa để tìm gần” văn hóa Mường – Kỳ 2

Vanvn- Con sông Đà không chỉ để dấu ấn trong văn Nguyễn Tuân. Thời Liên Xô giúp ta xây dựng thủy điện Hòa Bình cũng đã xuất hiện một loạt cây bút tên tuổi: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Tạ Duy Anh, Giáng Vân, Vũ Hữu Sự, cả tuổi trẻ những cây bút ấy dâng hiến tâm sức ở đường hầm dẫn thủy và thân đập ngăn dòng. Khi tái lập tỉnh Hòa Bình từ Hà Sơn Bình, Lê Va mới có dịp gặp họ. Và theo Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình: “Cùng thời “Sông Đà” tại Hòa Bình các nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, Lò Cao Nhum, Bùi Minh Chức, Đào Khang Hải, Đinh Đăng Lượng, Nguyễn Thị Lũy, Hà Trung Nghĩa, Triệu Văn Đồi… đều ở đỉnh cao phong độ sức khỏe và sáng tác. Sau này tôi được nghe các anh kể tình bạn viết, không khí văn chương đã hóa giải cái thiếu thốn, khó khăn thời bao cấp để hàng loạt tác phẩm của họ ra đời”.

Nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình

Nhà thơ Lê Va còn “bật mí” điều ít người biết về văn hóa Mường: “Ở tỉnh Hòa Bình, người Mường là người bản địa, chiếm trên 60% dân số và là dân tộc có tỷ lệ dân số lớn nhất trong các dân tộc ở một tỉnh trong cả nước. Xưa, người Mường ít bị Hán hóa hơn so với người Việt (Kinh), nhưng nay thì người Mường tiếp nhận văn hóa người Việt rất nhiều, nhất là từ khi mở mang kinh tế thị trường. Do đó, không ít nét văn hóa Mường không còn nguyên vẹn, thậm chí sai lệch. Để bù đắp điều này (trong việc tìm kiếm), tôi nghĩ tới bộ phận người Mường Hòa Bình di cư vào Nam năm 1954 mà tôi gọi là Đi xa để tìm gần”.

>> Từ chuyện nhà văn “gàn” đến tình yêu văn hóa Mường Hòa Bình – Kỳ 1

>> Chuyện “Hoa hậu xứ Mường” & cái danh hão đáng sợ của một số hội viên – Kỳ cuối

 

Từ thơ văn đến nhiếp ảnh của Lê Va

* Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Tấn Việt, Lò Cao Nhum, Nguyên An, Y Phương và nhiều cây bút khác đã cảm hứng kiến giải về thơ Lê Va. Vậy ông có thể làm hoàn hảo thêm những ý kiến của các văn nhân khả kính đó, bằng cách ông “tự giải” thơ của mình không nhỉ? Còn tôi, tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Bắt xuân” của ông gần đây. Nó mang âm hưởng dân ca Mường. Ví như câu: “Anh giành tung quả còn đầu tiên/ Quả còn bay ngay vào rừng/ Anh cùng em ào vào rừng/ Bắt xuân”. Hẳn, ông “bắt” không ít những cung bậc văn hóa Xuân xứ Mường?

Nhà thơ Lê va: Nhân cuộc trao đổi này, tôi chân thành biết ơn các nhà thơ, nhà văn hóa khả kính Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Quang Thiều, Y Pương, Lò Cao Nhum, Nguyên An, Vương Tâm… không những kiến giải mà nhiều hơn thế là tận tình chỉ bảo tôi, giúp tôi trong sáng tác. Như trên đã nói, không có họ, tôi mãi chỉ là người yêu thơ. Những kiến giải của họ về thơ của tôi, chính là tình cảm, trách nhiệm của họ đối với tôi. Họ là những nhà thơ, nhà văn hiểu con người thơ, con người đời của tôi. Nhưng cũng phải nói thật, nhiều điều hay họ nói về thơ tôi, chính tôi không nghĩ đến khi viết và cả sau khi in. Có lẽ điều này được các anh suy từ câu chữ mà ra. Tôi mãi là học trò của các anh!

Còn tôi, trong cuộc sống tôi luôn quan sát, bằng mắt, bằng óc, bằng mọi giác quan các hiện tượng, sự việc, các vật thể, phi vật thể… rồi liên tưởng với một chủ đề nào đó (có khi chỉ một tiểu tiết), bật ra ý tưởng, rồi lao động, rồi biên tập cho thành bài thơ. Là người sống ở miền núi nên thơ tôi chú trọng hình ảnh miền núi, ý tứ người miền núi như: Chén rượu chao mang/Nhìn sâu mắt khách/Bắt tay nổ đốt/Người vùng cao cười/Nụ cười của em bé trong nôi (Người vùng cao đón khách). Còn bài thơ “Bắt xuân” ông nêu trên, là một bài thơ mang đậm cảnh vật miền núi, còn cái sự trai gái thích nhau, yêu nhau thì ở đâu, thời nào cũng vậy. Ở đây, sự mong ngóng nhau được đặt vào xuân cho thêm khao khát. Chờ tới xuân, tới nơi công khai, đông đúc, vui vẻ, truyền thống (ném còn) để nhanh như chớp mượn không gian rừng, dùng quả còn để Bắt – Xuân. Đúng như nhà văn nói, chính sự để ý đến bản sắc văn hóa Mường mà tôi đã “bắt” được không ít những cung bậc văn hóa Mường. Ví như đã trên 40 năm sống ở xứ Mường, gần đây tôi lần đầu tiên được nghe người Mường ở xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn nói người chết “ông ấy được việc rồi”, thế có nghĩa là họ coi đối với mỗi người, sống chỉ là một việc. Điều này rõ ràng cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Vì tôi thấy nó sinh động và mặc nhiên hơn đạo Phật dạy “Người ta chết chưa phải là hết” chẳng hạn!

* Văn xuôi có ý nghĩa như thế nào với các sáng tác của ông? Vẻ như ông bén duyên thể với thể ký, bốn tập cả thảy. Tiếc là tôi mới đọc một nửa trong số đó…

– Có lẽ do có duyên với xứ Mường nên đi đến đâu tôi cũng được bà con mở lòng đón nhận. Vì thế, tôi thường chớp được những chi tiết rất quý. Tôi nghĩ nếu là những tay truyện ngắn thì ra vấn đề đấy. Còn tôi chỉ thấy thèm, rất thèm truyện ngắn nhưng mình không có khả năng nên chỉ biết viết ký thôi, không viết thì phí. Cũng có những chi tiết tôi tóm được để sáng tác thơ, nhưng khó và nói được ít lắm. Ký giúp tôi không bỏ phí những gì quý giá đến với mình.

Ví như khi mới đến nhận công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, lần đầu tiên bắt gặp cảnh phạm nhân làm sinh nhật, bao chi tiết “động trời” như khi còn ở vườn rau họ tranh nhau những cành hoa dại ở bờ rào, nam nữ ở buồng giam khác nhau nên những anh tù nam vòng tay ra sau lưng chuyền những cành hoa dại ấy cho tù nữ, đêm về họ vừa hát vừa khóc, nhất là họ cắm những cành hoa dại ấy vào kẽ nẻ tường buồng giam, và nhiều chi tiết khác… Tôi đã viết bài thơ “Sinh nhật trong tù” in trên Báo Văn Nghệ Hội Nhà văn, nhưng thấy thòm thèm quá, tiếc chi tiết quá, nên tôi đã viết ký cũng với chủ đề này. Hay có lần tôi đọc một bức thư của người vợ trẻ người Thái ở Mai Châu gửi cho chồng đang bị tạm giam (vì đối với người tạm giam, trại phải kiểm soát thư từ). Tôi gai người khi đọc đến đoạn “Anh ơi, hôm qua trên này trời mưa rất to, thằng cu nó bảo, mẹ ơi, trời mưa thế này, nếu có bố ở nhà thì mai nhà mình lại có khối nhái để ăn mẹ nhỉ!”. Tôi cũng đã viết một bài thơ về cảm xúc này, nhưng rồi vẫn phải viết ký. Lại nữa, khi nghe bà vợ liệt sỹ tái giá sau khi chồng hy sinh đã 10 năm kể: “Vẫn ở nhà chồng, khi tôi quyết định tái giá thì mỗi khi mang quần áo, chăn màn ra suối giặt, tôi lại bớt lại một thứ mang về phơi ở nhà mẹ đẻ chứ không dám mang hết ngay khỏi nhà mẹ chồng…”. Chi tiết này tôi cũng không thể không viết ký. Hay khi tìm hiểu lấy tư liệu của một trung tâm hỗ trợ thay thế ma túy bằng methanon, khi đã đóng bút, gấp sổ rồi tôi mới hỏi vị giám đốc xem thường bệnh nhân nghiện ma túy họ đến đây do ai giới thiệu. Và tôi cũng choáng váng khi nhận được câu trả lời: Người nghiện họ bảo nhau chứ chưa thấy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nào giới thiệu cả.

* Chưa hết, ông còn lấn sang cả nhiếp ảnh. Xung quanh tập sách ảnh “Bờ Xưa”, xuất bản gần đây chắc cũng không kém phần thú vị?

– Đối với nhiếp ảnh, đúng là tôi có chạm vào, nhưng không phải sáng tác, chụp ảnh hay viết lý luận phê bình, mà cũng là do cái duyên như tôi đã nói, đó là sự phát hiện, phát hiện ngay trong tâm tư tình cảm của mình chứ không phải bắt gặp, nghe, nhìn như những chi tiết nêu trên. Thác Bờ trên sông Đà là một con thác nổi tiếng “Đệ nhất thác” nay đang nằm sâu dưới hàng trăm mét nước của hồ Thủy điện Hòa Bình. Ngày chưa đắp đập ngăn sông, ai cũng biết cảnh đẹp hiếm có này sẽ chìm ngập, nhưng từ khi biết nó sẽ chìm đến khi nó chìm hẳn phải cả chục năm, thế mà không cơ quan nào, văn nghệ sỹ nào nghĩ ra mà chụp ảnh lưu lại. Ngay tôi, cũng phải gần 40 năm sau tôi mới nghĩ đến điều này và tôi quyết tâm “mò tìm thác Bờ trên cạn”. Sau hơn 3 năm lọ mọ khắp nơi, tôi đã xuất bản tập ảnh “Bờ xưa”. Niềm hành phúc đến với tôi là cán bộ và nhân dân đã từng biết, từng ở phố Bờ trước đây đón nhận “Bờ xưa” một cách hết sức xúc động. Huyện Đà Bắc đã yêu cầu tôi in ngay trang đầu tập Bờ xưa:“Ấn phẩm đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đà Bắc lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 – 2025” và mua 300 cuốn tặng đại biểu chính thức của Đại hội… Ngay hôm đại hội, rất nhiều đại biểu điện cảm ơn tôi vì đã sưu tầm lại được những hình ảnh quý giá mà họ nghĩ là không bao giờ nhìn thấy nữa. Đấy, thú vị quá đi chứ!

Lê Va với các nhà nhiếp ảnh ở Hòa Bình

Những bài thơ trong sách giáo khoa

* Ông có những tác phẩm hiện diện trong giáo trình về Văn học địa phương, và sách giáo khoa tham khảo “Hướng dẫn cảm thụ văn học” – lớp 6. Thú thực, tôi cũng hơi ghen tị với ông sự vinh hạnh này. Vậy ông có thể “lai rai” về tác những phẩm này không nhỉ?

– Trong Chương trình ngữ văn địa phương tỉnh Hòa Bình của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản năm 2010, tôi được giới thiệu tiểu sử, quá trình sáng tác (sách ghi là sự nghiệp sáng tác), trích dẫn kèm phân tích mang tính giới thiệu 3 bài thơ, cả 3 bài thơ này đều đã in trên Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Bài thứ nhất: “Người vùng cao đón khách” là những trải nghiệm từ khi tôi vừa đặt chân tới vùng núi cao Đà Bắc (1977) mỗi khi đến với bà con. Từ những cử chỉ, tính cách, ánh mắt, nụ cười của người dân khi đón tôi, tiếp tôi, tiễn tôi… cứ thế ngấm vào tôi và tôi cũng chẳng biết để làm gì. Thế rồi hơn 20 năm sau, khi đã chuyển ra thành phố, gặp các anh Nguyễn Tấn Việt, Lò Cao Nhum, Bùi Minh Chức ở làng văn, rồi trong khoảnh khắc cảm xúc trào dâng, tôi nghi lại những gì mình đã thấy, đã được hưởng mà thành bài thơ:

Khách đến

Cứ làm bạn với ghế mây cái đã

Chủ nhà lặng yên

Tiếp sức cho lửa

Đón nước vào bếp

Lửa hát

Nước reo

Người cất lời!

 

Đỡ lấy cái nhọc đường xa

Chuyền cái hơi thơm của bản

Chén trà đu đưa* ấm lòng

Bát rượu men rừng mở lối

Hỏi thăm bố mẹ gửi tình

Hỏi thăm anh em chia phận

 

Nói lời dốc đứng

Cử chỉ khúc khuỷu

Tình đầy mây trắng quanh năm

Bụng trong mùa thu suối sớm

Chén rượu chao mang**

Nhìn sâu mắt khách

Bắt tay nổ đốt

Người vùng cao cười

Nụ cười của em bé trong nôi.

Trong tập “Các dạng bài Tập làm văn và Cảm thụ thơ văn lớp 6” do Nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ hai, tác giả Cao Bích Xuân cũng đã đưa bài “Người vùng cao đón khách” (trang 80) vào phân tích và hướng dẫn cảm thụ. Hơi tiếc một điều, do không có đời sống miền núi nên tác giả không đụng được vào những chi tiết hay như “hỏi thăm bố mẹ gửi tình/hỏi thăm anh em chia phận”. Đó là, gia chủ mời rượu anh, hỏi thăm bố mẹ anh có còn không, khỏe không rồi gửi anh (anh nhận và uống) chén rượu thay cho bố mẹ anh nếu còn. Hỏi xem anh được mấy anh chị em, rồi gửi anh chén rượu về cho họ, anh lại nhận và uống. Gửi tình và chia phận ở đây là thế!Không những thế, tác giả Cao Bích Xuân còn gợi ý cho học sinh: “chủ nhà hỏi thăm bố mẹ, anh em chúng tôi, lời nói trống không, nhát gừng, khó nghe, cử chỉ vụng về…”. Theo nhà thơ Nguyễn Tấn Việt thì đây “thật là một gợi ý nguy hiểm”. Quả thật người viết chưa hiểu về hai câu thơ này. Nếu khi chọn “Người vùng cao đón khách” và hướng dẫn cảm thụ về bài thơ này mà Cao Bích Xuân trao đổi thêm với tác giả thơ thì tránh được hạn chế này. (Tác giả CBX lấy bài thơ này trên Báo Văn Nghệ).

Hồi tôi công tác trong Trại Tạm giam của Công an tỉnh là thời kỳ Công trình Thủy điện Hòa Bình đang vào hồi cao điểm thi công. Vụ án tham ô tại Xí nghiệp 500 xe khi đó là vụ án lớn. Từ giám đốc xí nghiệp, kế toán trưởng … bị bắt tạm giam để điều tra và khi thành án thì có người thi hành án tại đây, kể cả vụ tham ô khi thi công đường dây 500KV cũng vậy. Từ đây, Trại tiếp nhiều khách “sang” từ Thủy điện Hòa Bình vào, Hà Nội tới, trong đó có ông Đinh La Thăng rất thân với ông Vương Văn Bốn – giám thị trại lúc đó và cả sau này. Rồi một hôm, tiễn đoàn khách cuối cùng đã trên 22 giờ. Đi cuối đoàn khách ấy là một người nữ trên 30 tuổi như tôi. Do đi cuối đoàn nên khi bắt tay chào nhau, chúng tôi đã cầm tay nhau lâu hơn người khác. Về đến phòng, tôi chỉ còn biết lao vào giường ngủ. Tưởng rằng mệt thế sẽ ngủ được ngay, nào ngờ cái bắt tay làm tôi trăn trở. Tự nhiên tôi giơ bàn tay mình lên nhìn. Và bài thơ bật ra:

Ba con đường lớn

Nằm ở bàn tay

Đường đời đi xuống

Đường học đi ngang

Đường tình chạy ngược

 

Ba con đường chính

Nằm gọn trong tay

Vòng vành lối mây

Trời sao ẩn hiện

Đứng ngồi bay liệng

Đến nơi nào đây?

Ba đường cái chính

Nằm ngoài bàn tay!

Đó là bài Vẫn ngoài bàn tay. Còn với bài Tản bước sông đêm. Trong nhiều đêm đi bộ bên dòng Đà giang, một không gian có thể nói vô cùng tuyệt vời, tôi đã quan sát, đã thấy và thủ thỉ tâm sự rồi muốn đưa ra thông điệp về các cạm bẫy trong cuộc đời:

Tôi đi bộ

Ở bờ sông

Ngay mép nước

 

Một chiếc thuyền đỏ đèn dò la vợt cá

Vài người quăng câu dẻo tay cuộn cước

Người đỏ đèn: săn lùng cá

Người quăng câu: đánh lừa cá

Chuyện đêm hay ngày không đáng bàn ở đây

Tôi đi bộ ở bờ sông đêm nay

Để mai còn đi đó đi đây

Và cố tránh cái điều

Cá không tránh được.

Không khí đầm ấm ở Hội VHNT tỉnh Hòa Bình

Những nhà văn, nhà thơ đã tiếp lửa cho Lê Va

* Ông có thấy tự hào và trách nhiệm khi ông trong số hiếm là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm lãnh đạo Hội VHNT địa phương? Ông có cảm thấy xung đột tình cảm giữa hai thực thể hội đoàn không? Một khi cần phải lựa chọn, ông sẽ đứng về phe nào? “Trung ương” hay “địa phương”?

– Tôi có chút tự hào làm chủ tịch Hội nhưng ở chỗ mình từ anh công an làm chủ tịch Hội hơn là nhà văn làm chủ tịch Hội. Và với tôi đã không làm thì thôi, đã làm là phải trách nhiệm. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm lãnh đạo Hội VHNT địa phương không những không xung đột giữa hai thực thể mà tôi thấy thuận, bởi tôi thấy văn học là cái gốc của nghệ thuật. Người của ngành văn học làm lãnh đạo dễ bao quát các chuyên ngành nghệ thuật khác nên cũng thuận. Tôi chưa nghĩ ra tình huống gì mà phải lựa chọn giữa trung ương và địa phương. Tôi nghĩ đi cho kỹ, cho hết cái địa phương sẽ gặp cái trung ương và có khi còn hơn thế!

* Con sông Đà không chỉ để dấu ấn trong văn Nguyễn Tuân. Thời Liên Xô giúp ta xây dựng thủy điện Hòa Bình cũng đã xuất hiện một loạt cây bút tên tuổi: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Tạ Duy Anh, Giáng Vân, Vũ Hữu Sự, cả tuổi trẻ những cây bút ấy dâng hiến tâm sức ở đường hầm dẫn thủy và thân đập ngăn dòng, ông có hơn một lý do giao tiếp với họ mỗi khi có dịp chứ? Sự nổi tiếng sau này của họ có tạo cho ông và Văn nghệ Hòa Bình một “cú huých” nào không? Người dân Hòa Bình có biết nhiều đến những tên tuổi ấy, qua những tác phẩm chứ ạ?

– Thú thực là khi các nhà văn ông nêu tên trên có mặt tại Công ty Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì tôi đang ở trên huyện miền núi cao Đà Bắc, chưa biết họ và cũng chưa bén mảng đến với làng văn Hà Sơn Bình. Sau này tôi mới biết họ viết giữa cái sôi động công trường, bên những ầm ào máy xúc, máy khoan và nổ mìn phá đá thì tôi đang lặn lội tới những bản làng xa xôi hẻo lánh trên rừng xanh núi thẳm. Khi họ ngồi viết trong những căn nhà công trường, thì tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn nghe người già kể chuyện núi rừng. Có thể nói các anh, chị ấy tiếp xúc với cái hiện đại thì tôi tiếp xúc cái bản sắc miền núi vô cùng mới mẻ với tôi và rồi để cùng được vốn sống ngấm vào mình. Rồi tôi viết sau họ, đã, đang và sẽ tiếp tục học họ trên trang viết.

Mãi sau này khi tái lập tỉnh Hòa Bình, tôi có gặp Dương Kiều Minh, Tạ Duy Anh và càng thích hơn thơ Dương Kiều Minh, văn Tạ Duy Anh. Cùng thời “Sông Đà” tại Hòa Bình các nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, Lò Cao Nhum, Bùi Minh Chức, Đào Khang Hải, Đinh Đăng Lượng, Nguyễn Thị Lũy, Hà Trung Nghĩa, Triệu Văn Đồi… đều ở đỉnh cao phong độ sức khỏe và sáng tác. Sau này tôi được nghe các anh kể tình bạn viết, không khí văn chương đã hóa giải cái thiếu thốn, khó khăn thời bao cấp để hàng loạt tác phẩm của họ ra đời. Là người viết, tôi rất thèm không khí ấy. Khi tôi từ Đà Bắc chuyển ra TP Hòa Bình, lúc đó mới là thị xã, các nhà văn “Sông Đà” còn kéo dài. Nhóm bạn văn thường gặp nhau, khi thì bên bờ sông Đà, lúc ở xóm nhỏ ven thị xã hoặc làng bản xa mà đầy thú vị.

Chính thời gian này, tôi có dịp gần gũi các nhà văn, nhà thơ đàn anh Nguyễn Tấn Việt, Bùi Minh Chức, Lò Cao Nhum, Ngô Quang Hưng… và nhờ các anh, từ người yêu thơ, tôi thành người làm thơ. Nhớ những đêm thơ được tổ chức tại Trại Tạm giam mà tôi làm phó giám thị thật ấn tượng. Cán bộ quản giáo, phạm nhân, các nhà văn, nhà thơ đều say sưa nghe thơ, đọc thơ dưới trời đêm yên ắng giữa sân trại mênh mông. Thời gian này Trại mở một lớp học bổ túc văn hóa cho cán bộ quản giáo. Trong một đêm thơ tại Trại, thầy giáo dạy văn Hoàng Thu hỏi một phạm nhân: “Đêm tối mà thông thống thế này sao anh không trốn?”. Người phạm nhân ấy trả lời: “Nếu trốn thì cháu trốn lúc khác, chỗ khác chứ không trốn lúc này, chỗ này”. Thầy Hoàng Thu năm nay trên 80 tuổi, mỗi lần gặp, tôi lại được ông nhắc lại kỷ niệm này. Nhờ không khí văn chương như thế nên tám năm công tác tại Trại tạm giam của Công an tỉnh Hòa Bình tôi viết được những bài thơ, bài ký tâm đắc “Sinh nhật trong tù” – thơ, “Quản giáo xin đất cho tử tù” – ký (giải thưởng cây bút vàng của Bộ Công an). Xin cảm ơn những nhà văn, nhà thơ đã trực tiếp, gián tiếp chỉ bảo và tiếp lửa cho tôi và những người viết ở Hòa Bình sau đó như Bùi Thị Tuyết Mai, Lê Mai Thao, Nguyễn Kim Cúc v v…

Tìm biểu bộ phận người Mường Hòa Bình di cư vào Nam năm 1954 – “Đi xa để tìm gần”

* Ông từng đặt vấn đề, lịch sử và văn hóa trung đại và cận đại của tỉnh Hòa Bình đang còn là một khoảng trống, chưa được nghiên cứu đầy đủ. Phải chăng sự sâu sắc đó xuất phát từ đời sống hay là do tác động của những cuốn sách ông đã đọc “Tỉnh Mường Hòa Bình” của Pierre Grossi, “Người Mường địa lý nhân văn và xã hội học”của Jeann Cuisinier; “Người Mường ở Hòa Bình” của Nguyễn Đức Từ Chi? Đây là đề tài khoa học không đơn giản, bởi cần thông tỏ quá nhiều kiến thức văn bản như Hán Nôn hoặc Pháp ngữ liên quan đến nhiều lĩnh vực như địa chính trị, địa văn hóa… Hẳn ông phải cần không ít sự tương tác với các chuyên gia?

– Lịch sử và văn hóa thời trung đại của Hòa Bình còn là một khoảng trống, tôi nhận thức điều này vừa từ cuộc sống vừa từ những cuốn sách hiếm hoi mà các học giả, nhà văn người Pháp, người Việt để lại. Cuộc sống giúp tôi nghe được những điều của Hòa Bình xưa chưa từng ghi trong sách vở nào. Những cuốn sách chứng tỏ cho tôi điều trống vắng ấy là có thật, từ đó thôi thúc tôi vào cuộc tìm hiểu lịch sử và văn hóa trung đại của tỉnh Hòa Bình. Đây quả là vấn đề rất lớn, nhưng nó đang là vấn đề trong cảm nhận của những người quan tâm, chứ chưa thành đề tài khoa học (tôi rất mong nó trở thành đề tài khoa học nhưng chưa phải lúc). Vì nó chưa trở thành đề tài khoa học nên tôi cũng chưa có dịp tương tác với các chuyên gia thuộc các lĩnh vực. Công việc chưa ai làm có cái khó đồng thời có cái thú vị như khi ta thám hiểm vùng đất mới. Khó ở những bước đi đầu tiên, nhưng thú vị vì chưa ai đặt chân tới, chưa gặp trở ngại, mà trở ngại đáng sợ nhất là trở ngại do con người.

Chỉ riêng văn học trung, cận đại của tỉnh Hòa Bình theo tôi nhận ra có thể kể đến  bài thơ khắc đá bên cạnh thác Bờ của vua Lê Lợi từ 1432; truyện thơ Hán Nôm viết về ông Đinh Công Trinh dài 348 câu viết từ năm Nhâm thìn 1832; “Hòa Bình Quan lang sử khảo” của Quách Điêu dài 340 câu in trên tạp chí Nam Phong từ 1925; hay truyện thơ “Đồi thông hai mộ””của văn sỹ Tùng Giang – Vũ Đình Trung phát tích ở Hòa Bình, viết về người Hòa Bình  từ nửa đầu thế kỷ 20 cũng bị xao nhãng đến mức cứ ngỡ “Đồi thông hai mộ” là ở Đà Lạt… Tôi nghĩ còn nữa văn bản văn học thời trung đại của Hòa Bình chúng ta chưa làm rõ!

Tôi chạm được vào đây tức là tôi lại có thêm cái duyên với Hòa Bình đấy! Thứ nữa, tôi nghĩ, nếu đã trở thành đề tài khoa học lúc này sẽ lại liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước, đến tiền, người này người khác. Không ít người họ chỉ nghĩ đến tiền chứ nghĩ gì đến khoa học. Biết bao nhiêu thứ trong thời buổi này, mà với tính cách của tôi, có lẽ tôi lại phải tránh xa. Thật thế!

* Theo tôi biết thì ông đã lần tìm các địa chỉ văn hóa Mường lưu dấu, tản mác khắp cả nước. Ông có thể kể một vài chuyến đi điền dã đáng nhớ của mình? Mục đích của dự án, tôi chắc chắn không đơn thuần là thỏa mãn cá nhân, nó cao cả hơn thế nhiều, nhất là một người ở vị thế như ông? Liệu dự án có đạt đích ông kỳ vọng? Nó có giúp ích gì thêm cho công tác quản lý và sáng tác của ông?

– Dân tộc nào cũng đều có sự tiếp biến văn hóa, người Mường Hòa Bình cũng vậy. Tùy hoàn cảnh sống, vị thế sống mà sự tiếp biến văn hóa nhanh hay chậm, mạnh hay yếu. Người Mường được coi là người Việt – Mường cổ. Sự tiếp biến văn hóa của người Mường không mạnh mẽ như người Việt (Kinh), bởi có nhiều lý do mà không ít nhà khoa học nghiên cứu, tôi không dám lấn sang chuyên môn này. Cũng chính từ cuộc sống, vốn sống tại nơi không phải mình sinh ra mà tôi nhận ra nhiều điều. Càng là dân tộc ít người, họ càng tìm cách giữ bản sắc văn hóa. Thậm chí có dân tộc, có thời còn “bịa ra” phép nọ, thuật kia… chính là để bảo vệ mình trước các dân tộc đông hơn, mạnh hơn.

Ở tỉnh Hòa Bình, người Mường là người bản địa, chiếm trên 60% dân số và là dân tộc có tỷ lệ dân số lớn nhất trong các dân tộc ở một tỉnh trong cả nước. Xưa, người Mường ít bị Hán hóa hơn so với người Việt (Kinh), nhưng nay thì người Mường tiếp nhận văn hóa người Việt rất nhiều, nhất là từ khi mở mang kinh tế thị trường. Do đó, không ít nét văn hóa Mường không còn nguyên vẹn, thậm chí sai lệch. Để bù đắp điều này (trong việc tìm kiếm), tôi nghĩ tới bộ phận người Mường Hòa Bình di cư vào Nam năm 1954 mà tôi gọi là “Đi xa để tìm gần”.

Năm 1954 và vài năm sau đó, người Mường Hòa Bình do một số nhà Lang dẫn đầu vào Nam. Từ đất Mường (bản địa) họ ra đi, đến nơi hoàn toàn xa lạ, chính vì thế họ càng phải giữ văn hóa, giữ bản sắc Mường để tồn tại. Là những trí thức Mường, người lãnh đạo dân Mường, nắm phong tục Mường, khi đưa dân vào Nam, các nhà langcó ý thức giữ gìn văn hóa một cách tự giác và lại không bị nhà cầm quyền cấm đoán. Trong khi người Mường ở tại quê hương Hòa Bình tiếp tục tinh thần và khí thế “đánh đổ chế độ lang đạo” nên đánh mất nhiều thứ quý giá thuộc văn hóa truyền thống. Thứ gì liên quan đến lang đạo là xấu, là phải bỏ. Đến những năm đổi mới, khi đã nhìn ra vấn đề thì lại thái quá trong việc phục dựng. Có người không hiểu sâu văn hóa Mường lại có quyền quyết định trong không ít việc liên quan đến văn hóa Mường. Đã vậy, vì kiếm tiền, họ có khi chỉ làm cho xong. (Tôi đã không ít tẽn tò trong câu chuyện này. Tôi sẽ kể vào dịp khác). Ý tưởng “Đi xa để tìm gần” đã đúng, chúng tôi đã tìm lại được không ít nét văn hóa gốc của người Mường từ Tây Nguyên. Ví như, mo Mường chỉ sử dụng trong đám tang. Thế mà ở đâu đó lại đem mo Mường ra như là nghi lễ khai mạc một lễ trọng? Tại Tây Nguyên, một người trên 80 tuổi và dòng dõi quan lang nói với tôi: Tiết mục mo ấy có thể mang trình diễn trên sân khấu để mọi người biết về nét văn hóa tang ma của người Mường thì được. Nhưng mang ra để khai mạc một lễ trọng là xúi quẩy. Tôi giật mình và thấm thía cái sự sai lệch của văn hóa nó nguy hại thế nào! Tôi sẽ tiếp tục “Đi xa để tìm gần” bởi thế!

Về việc dạy và học bộ chữ Mường

*Tôi được biết gần đây tỉnh Hòa Bình công bố bộ chữ Mường và đang đưa chữ Mường vào giảng dạy cho một số đối tượng cũng gây không ít ý kiến trái chiều. Là nhà văn đã và đang sống trên đất Hòa Bình, xin ông cho biết ý kiến của ông về việc này?

– Đây quả thực là câu hỏi thú vị nhưng cũng đầy nhạy cảm. Tôi chưa nói quan điểm của mình về vấn đề này trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào. Nay tôi xin dè dặt mà rằng: Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2295 về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình (gọi tắt là bộ chữ Mường). Với quyết định này, tiếng Mường đã có chữ viết chính thức về mặt pháp lý. “Bộ chữ Mường đã dần đi vào cuộc sống và dần phát huy chức năng, tác dụng của mình đối với đời sống xã hội Mường: đã có báo điện tử bằng chữ Mường, đã sử dụng bộ chữ Mường trong các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường, đã biên soạn từ điển Việt – Mường, Mường – Việt” – (TS. Phạm Văn Lam, Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Hơn thế, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã và đang mở các lớp dạy chữ Mường cho các thầy cô giáo là người Mường các địa phương trong tỉnh… Trước đó chữ Mường đã dùng để đăng tải các bài báo trên Báo điện tử Hòa Bình. Xin dẫn tiêu đề một bài báo trên trang Báo điện tử Hòa Bình bằng chữ Mường: “Kăp măt dwan dai biếu zư Dai hôi dai biếu twan kwốc kák zân toộc thiếw xổ Việt Nam lân thử II, năm 2020” dịch ra tiếng phổ thông “Gặp mặt đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020”.

Chúng tôi đã đến Tây Nguyên, tới vùng đồng bào Mường Hòa Bình vào Nam năm 1954 và được biết, những năm 1960, những quan lang lãnh đạo ở đây đã bàn nhau dùng tiếng Quốc ngữ để phiên âm tiếng Mường (chứ họ không gọi là chữ Mường), nhưng mỗi vùng Mường phát âm khác nhau, mà vùng Mường nào cũng cho là tiếng Mường của mình chuẩn nên việc này không thành.

Tiếng Mường thì đã có từ ngàn xưa và nay, người Mường đang sử dụng, thế mà, nhiều con em người Mường nay không biết tiếng Mường. Có gia đình bố mẹ là người Mường mà con không biết tiếng Mường, trước hết là do ở nhà, bố mẹ các cháu không nói, không dạy tiếng Mường cho các con thì sao chúng nói được tiếng Mường.

Nguyện vọng của một dân tộc đã có tiếng nói, nay lại có chữ riêng của mình là chính đáng, nhất lại là người Mường, một dân tộc đông dân trong tốp 5 của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Không những thế, văn hóa Mường đầy bản sắc, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường đồ sộ thông qua truyền miệng, nay được phiên ra chữ quốc ngữ thật quý.

Mong muốn của tôi là khi tổng kết Đề án “Dạy và học chữ Mường giai đoạn 2020 – 2025” nên có cuộc khảo sát nghiêm túc, bằng cách đơn giản là cầm theo bài báo hoặc văn bản ghi bằng chữ Mường đưa cho những người đã được học chữ Mường đọc và đọc văn bản tiếng Việt để họ viết ra bằng chữ Mường đã được học. Từ kết quả đó, chúng ta sẽ có cư xử tiếp theo với việc học bộ chữ Mường!

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ thực hiện

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *