Vanvn- Như đã hứa với Thu, tôi ghé thăm mộ Dũng gần sân bay ĐP. Thắp nén hương và đặt bó hoa trắng lên mộ, tôi chợt nghĩ: “Nếu theo nghiệp bay tới cùng thì tôi sẽ ra sao nhỉ, vinh quang, thăng tiến như anh Phu Thai Pham, như đứa em Võ Văn Tuấn hay bây giờ đã thành sếu trắng như các bạn cùng phòng Deo, Ân, Ký ở trường học lái đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, sải cánh bay về cuối hoàng hôn và gửi tiếng chim trời tới những ai ở lại, như lời một bài hát Nga mà chúng tôi yêu thích?”…
>> Truyện ngắn của Lê Kiên Thành: Âm thanh – Kỳ 1
>> Bất ngờ với Âm thanh của Lê Kiên Thành
>> Con trai cố Tổng bí thư nói về những vấn đề tồn tại trong Đảng
7.
Từ hôm đi Cao Bằng về, bốn tháng liền Thu không liên lạc lại. Tôi nghĩ chắc bạn đi nghỉ hè với gia đình, xong lại vào năm học mới bận rộn. Còn tôi, những ngày sau đó tôi vẽ như điên, và quả thật, chưa bao giờ tôi có được nhiều những bức vẽ đẹp như thế!
Đầu tiên là bức vẽ thung lũng hoa tam giác mạch, sặc sỡ nhưng rất có chiều sâu và ẩn một niềm vui gì đó không tả được bằng lời. Tiếp đến là chân dung một thiếu nữ dân tộc, mỉm cười trong bộ trang phục nhiều màu sắc. Giống đến nỗi mẹ tôi bảo: “Mấy lần mẹ giật mình tưởng thấy cô ấy vừa chớp mắt!”. Ôi, với tôi, đó là lời khen quý hơn mọi lời khen!
Bức thứ ba tôi vẽ xong cất đi là tả về một cơn giông trên núi, sấm chớp, gió giật điên cuồng và một doanh trại bộ đội bé tí trên lưng đèo, leo lét một ánh đèn, nhỏ thôi, nhưng dường như không gió mưa nào che lấp được. Cứ mỗi lần lôi bức tranh ra ngắm là cái đêm huyền diệu ấy lại hiện về, với gió mưa, với run rẩy và cả với mùi hương của Thu thật ngọt ngào, mê hoặc!
Đang thắc mắc Thu làm gì với chiếc vòng thì một hôm đi học về, có mảnh giấy cài ở cửa: “Mai 7h tối lại nhà nhé, cần nói chuyện. Thu.”. Ôi, bạn cứ làm thế này đến lúc nào đó chắc tôi vỡ tim mất thôi, tôi thì thào trong hạnh phúc.

Chúng tôi ngồi cạnh cửa sổ phòng khách. Bố mẹ Thu về chơi quê nội ở Hà Đông, tối muộn mới về, Thu bảo thế. Uống nước và nói chuyên bâng quơ một lúc, đột nhiên Thu nói:
– Mế nói là Thu có thể chữa bệnh cho nhiều người khi đeo chiếc vòng. Bằng giọng hát của mình, Nam ạ.
Tôi nín thở chờ bạn nói tiếp.
– Không phải mọi bệnh và mọi người. Chỉ khi cái vòng phát ánh sáng xanh thôi. Bọn mình thử cùng nhau kiếm một hai người, nếu có kết quả thì tính tiếp, được không?
Tôi nhìn gương mặt trầm ngâm của Thu bỗng trào lên một niềm yêu thương vô hạn. Ôi, Thu của tôi, nỗi đau và niềm hạnh phúc của tôi! Mắt nhìn ra cửa sổ, ngập ngừng một lát, bạn nói:
– Còn điều này, Nam có thể hứa là sẽ không nói với ai được không, hứa chắc chắn được không?
Ơ thế không đợi đến 40 tuổi à, gọi tên không sớm thế, tôi nghĩ thầm, sướng rơn nhưng nét mặt thì vẫn ra vẻ nghiêm nghị:
– Mình thề…
– Không cần, mình tin mà!
Thu vẫn nhìn ra cửa sổ, như đắn đo điều gì ghê lắm.
– Mế còn nói thêm, nhưng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Và, mình phải trong trắng thì điều đó mới linh nghiệm, Nam hiểu không?
Tôi bị sặc ngụm nước đang uống dở và ho sù sụ. Trông tôi chắc thảm lắm nhưng Thu chẳng còn tâm trí đâu mà để ý, bạn nói tiếp:
– Thế mà hôm kia, anh Dũng 10i, trên bọn mình hai khóa í, về phép, sang nhà mình chơi và đặt vấn đề yêu mình, Nam ạ. Thật rối bời!
Tôi nhìn trân trân vào khoảng không, chẳng nghĩ được gì trong đầu mặc dù rất muốn. Không để ý đến sắc mặt người đối thoại, Thu nhìn sâu vào đáy cốc nước như đang tìm gì:
– Mình thật ra có tình cảm với anh từ hôm tặng hoa cho đội tuyển bóng đá của trường. Sau đó, anh ấy trúng tuyển phi công, bọn mình cũng thư từ qua lại… Nói chung chuyện dài, Nam cầm quyển nhật ký của mình đi, đọc những trang có vẽ hình trái tim í, rồi góp ý cho mình.
Thu nói xong cầm tay tôi tin tưởng. Tôi từ từ rút tay lại, nói: “Mình hiểu bạn mà, có gì sẽ giúp hết mình, mọi chuyện.”
Con đường từ nhà Thu về nhà tôi chưa bao giờ dài và lạnh lẽo đến vậy. Gió mùa chưa về mà sao buốt đến tận tim. Tôi lập cập lên thang gác, rón rén chui vào chăn và trùm kín lại. Tại sao, tại sao lại là anh ấy? Nếu là người khác, tôi chấp tất, nhưng anh Dũng thì… Anh là phó bí thư đoàn trường, học rất giỏi và đá bóng thì như một nghệ sĩ.
Hồi đó, cách hai lớp là xa vời lắm, chúng tôi nhìn các anh như một tầng lớp khác, hiểu biết hơn, khỏe mạnh hơn, ngang tàng hơn! Riêng anh Dũng thì đặc biệt, mới lớp 10 mà (khác hẳn tôi) đã có vẻ đẹp của người đàn ông thực thụ và tôi nghĩ tất cả con gái trong trường đều mê, trừ Thu (thật ngốc nghếch). Bố anh là cán bộ rất to, đến khi anh là một trong hai người của trường trúng tuyển phi công thì tôi lại nghĩ, tất cả con gái Hà Nội nào biết anh đều mê, trừ Thu (đại ngốc nghếch!).
Bật ngọn đèn ngủ, tôi run run mở cuốn nhật ký. Và mỗi dòng Thu viết như một mũi dao cùn đâm vào tim tôi. Vâng, chỉ có dao cùn mới có thể làm trái tim đau đến thế.
8.
Tôi giở quyển nhật ký.
Ngày… tháng… 19…: Hôm nay là ngày đặc biệt. Trường mình thắng liên quân các trường BĐ và NT 3-1, thật tuyệt vời. Khi thầy S phụ trách đoàn đưa bó hoa cho mình và bảo tặng đội bóng, mình run quá. Anh D nhận và nói: “Cám ơn!”. Sao mà con trai lại có giọng nhẹ thế nhỉ. Lần đầu tiên thấy tim bị lạc nhịp, Thu ơi là Thu.
Ngày… tháng… 19…: Đi sớm trực nhật. 5h30, trường vắng tanh, chỉ có đám trực nhật các lớp. Quét xong, đứng tựa hành lang, anh D ở đâu xuất hiện: “Em gì ơi, có chổi cho anh mượn với”. Đưa cái chổi mà tay run lập cập. Dừng lại một giây, anh hỏi: “Có phải hôm trước em tặng hoa?”. Mình dạ mà không nhận ra giọng mình nữa. Anh cám ơn, đi vài bước ngoái lại: “Xin lỗi, em tên gì? Ơ, anh rất thích cái tên ấy”.
Ngày… tháng… 19…: Đang đi ở sân trường và nghĩ vẩn vơ, bỗng có ai nắm tay và dúi vào một vật, “tặng em”. Đó là móc khóa xe đạp bằng nilon đan hình con cá vàng. Là anh. Sao con trai cùng tuổi không như thế nhỉ, đến nhìn thẳng chẳng dám nữa là…
Ngày… tháng… 19…: Cứ tự hỏi, sao bao nhiêu cái hay ho, tài giỏi lại có ở một con người nhỉ. Như thế có công bằng không? Người ta vẫn bảo “được cái này mất cái kia cơ mà”. Nhưng cái đáng sợ nhất là bố làm to đến thế, người ta sẽ bảo “yêu gì, yêu bố thì có!”. Ước gì bố mẹ anh ấy là người bình thường, như bố mẹ Sơn hay Nam ấy!
Ngày… tháng… 19…: Hôm nay, lần đầu tiên anh hẹn ra cuối sân bóng nói chuyện. Thì ra anh trúng tuyển phi công. Thì cũng phải thôi, người như anh có bay vào vũ trụ mình cũng không ngạc nhiên. Anh dặn cố gắng học và thỉnh thoảng, nếu rỗi, viết cho anh vài dòng. Mình giả vờ đùa: “Dạ, vài dòng thì được ạ”, và cười mà lòng thì tan nát…
Ngày… tháng… 19…:
Ngày… tháng… 19…:
Ngày… tháng… 19…: Lần đầu tiên nhìn thấy anh trong bộ đồ bay. Mồ hôi nhễ nhại nhưng anh cười rất tươi. Ánh mắt hơi ngước nhìn bầu trời như còn lưu luyến gì nơi ấy. Trái tim mình tan chảy. Anh ơi, dưới đất, nơi quê nhà xa xôi này có đứa nhớ anh, chờ anh.
Tôi không đọc thêm được nữa. Người ta hay nói con trai lớp lớn hay để ý đến con gái dưới một hay hai lớp, có lẽ đúng thế thật. Tôi chắc nằm trong số ít. Trong hẻm nhà tôi có mấy nhỏ cũng xinh mà chỉ được hai câu là tôi bỏ đi chỗ khác. Còn người tôi yêu quý cũng vậy, bỏ đi với người già dặn hơn, có điều kiện hơn. Không, cái này chắc là do buồn tủi thôi, Thu không phải người như vậy.
Sáng hôm sau mẹ tôi ngạc nhiên thấy các tranh trên tường bị dẹp đi hết, tôi treo bức “Đêm mưa” và cứ tần ngần đứng ngắm mãi. Bà đứng cạnh tôi, nhìn bức tranh và nói:
– Mẹ thích nhất ở đây là trong mưa gió thế vẫn có ánh đèn, vẫn có niềm hy vọng.
Bà nhìn tôi âu yếm, vuốt nhẹ bờ vai và mỉm cười nhân hậu. Tôi ôm lấy mẹ, giấu giọt nước mắt như hôm ở nhà Thu. Hôm đó là hạnh phúc. Hôm nay là đau khổ.
9.
Thật hồi hộp khi lần đầu tiên Thu thử chữa bệnh với chiếc vòng thần bí. Đó là ba đứa bé bị câm.
Khi mang trả cuốn nhật ký, tôi kèm vào đó lá thư của mình, chỉ có mấy chữ nhưng tôi đã viết trọn ba đêm không ngủ. “Thu à, từ đáy lòng, mình biết ơn bạn vì tất cả: bí mật về giọng hát, Cao Bằng hùng vĩ, Mế và chú Páo kính mến, những điều thầm kín trong cuốn nhật ký và cuối cùng là những phút giây ấm áp khi được ở bên bạn. Bạn phải tự chọn con đường tiếp theo của mình thôi. Nhưng tôi sẽ luôn cạnh bạn như những lúc đi học về trên con đường ấy, như cái đêm sấm sét kinh hoàng ấy, chắc chắn tôi luôn bên cạnh, dẫu bạn quyết định thế nào. Tôi tin là anh Dũng cũng vậy. Giữ gìn sức khỏe nhé.”
Những ngày sau đó Thu cùng tôi, đôi khi có thêm Lan và Phương cùng nhau đi kiếm “đối tượng” để thử nghiệm. Thu bảo: “Đầu tiên, những gì mà y học dân tộc có thể chữa bằng châm cứu hay thuốc nam, mình nghĩ có thể thử.”
Tưởng sẽ dễ, bệnh nhân thiếu gì, nhưng không phải. Có những người chiếc vòng không sáng. Có những người nghe xong thì len lén đi báo công an có nhóm lừa đảo, thật khốn khổ cho chúng tôi sau đó.
Chỉ khi chúng tôi đến trại nuôi trẻ em câm, điếc mà giám đốc là một người rất nhân hậu, bà đồng ý với điều kiện phải có sự chứng kiến của gia đình.
Tôi nhớ hôm đó là vừa qua một năm chúng tôi lên Cao Bằng, cái ngày mà tôi suốt đời không bao giờ quên được, ba em nhỏ và gia đình được đưa vào một lớp học của trung tâm. Hồi hộp, lo lắng, tò mò. Tất cả trộn vào nhau rồi nhân lên ba lần là tâm trạng của chúng tôi. Riêng Thu bình thản đến lạ kỳ. Ghé sát tai tôi, bạn thì thầm: “Khi thấy vòng sáng lên như Mế nói, Thu biết sẽ thành công.”
Ba em nhỏ, bị câm nhưng không điếc, tò mò nhìn chúng tôi. Sau khi giám đốc giới thiệu, Thu nhẹ nhàng xoa đầu từng bé:
– Chị sẽ hát tặng các em nhé, khi nghe, các em chỉ nhắm mắt để cảm nhận bài hát thôi, được không?
Ba đứa trẻ ngoan ngoãn gật đầu, và Thu cất giọng hát:
“A á ru hời ơ hời ru mẹ thương con có hay chăng
Thương từ khi thai nghén trong lòng
Mấy nắng sớm chiều mưa ròng
Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng
A á ru hời ơ hời ru
Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời
Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi
Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót
Giữa mùa xuân mừng con sẽ góp phần
Tương lai con đẹp lắm
Mẹ ngắm con cười.”
Tiếng hát mới mượt mà, da diết, ấm áp làm sao! Mọi người trong phòng như bị mê hoặc bởi âm thanh mà chắc chưa ai được một lần thưởng thức.
Mấy đứa nhỏ lúc đầu cựa quậy, sau ngồi ngay đơ, chỉ có bộ ngực phập phồng, mắt nháy nháy như đang mơ.
Thu lại lên thêm hai tông nữa để hát lời 2:
“A á ru hời ơ hời ru
Miệng con chúm chím xinh xinh
Như đài hoa đang hé trên cành
Khát nắng sớm và sương lành
Lá thắm rung cánh tay ôm ấp lấy hòa bình
A á ru hời ơi hời ru…”
Thu hát ba lần như vậy. Rồi căn phòng im lặng như tờ.
Mọi người chăm chú nhìn tụi trẻ.
Tôi, Lan, Phương thì nắm chặt tay nhau như lần đầu tiên ở nhà Thu.
Một đứa mở mắt, nhìn quanh ngạc nhiên khi thấy nhiều người lạ, rồi đột nhiên nhận ra và chạy về phía mẹ:
– Mẹ…!
– Mẹ, mẹ…
Mấy đứa cùng kêu lên những tiếng thiêng liêng nhất của đời người.
Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Nước mắt, nụ cười, tiếng hò reo. Một mình Thu lặng lẽ ngồi xuống ghế, lau nước mắt.
Chỉ một giây sau, tất cả phụ huynh, thầy cô giáo quây lấy bạn, ôm, níu kéo trong những tiếng nức nở: “Cám ơn cháu, ngàn lần cám ơn cháu”. Rồi: “Gia đình tôi mắc nợ cô đời đời, cô ơi…”.
Một người đàn ông, tóc đã bạc, gạt mọi người ra và quỳ thụp trước mặt Thu vừa lạy vừa khóc:
– Xin Thánh hãy nhận nơi chúng con ngàn lạy!
Thu vội vàng đỡ ông dậy: “Bác ơi đừng quỳ thế, cháu cũng không phải là Thánh đâu ạ!”. Vừa đứng lên hai giây ông lại quỳ thụp xuống: “Xin cám ơn Thánh đã cứu thằng cháu đích tôn của con, con lạy Thánh!”.
Chỉ có ai có người thân bị bệnh hiểm nghèo mới hiểu và quý những giây phút ấy.
Chỉ có ai là bạn của những người như Thu mới biết thế nào là niềm tự hào vô bờ bến.
Thu dường như cũng hạnh phúc ngây ngất. Nhưng tôi thoáng thấy một vệt máu nhỏ nơi cánh mũi của bạn và trái tim tự nhiên thắt lại.

10.
Một hôm, có vẻ rất vui sau một buổi chữa bệnh, Thu cười và hỏi:
– Sắp sinh nhật Thu đấy, Nam có nghĩ tặng gì không?
Kể từ khi biết chuyện của Thu và anh Dũng, không hiểu sao, tôi chỉ thích Thu gọi “mày, tao” như hồi phổ thông thôi, lạ thế. Tôi hỏi: “Thế Thu thích gì?”.
Gần như không nghĩ ngợi, Thu bảo:
– Tặng mình bức tranh “Đôi mắt” được không Nam?
Hôm tôi lau chùi và gói bức tranh, mẹ đang ngồi đơm cúc áo cho bố, hỏi:
– Con tặng Thu à?
Người mẹ, khi thương con hết mực thì sẽ đau khổ biết nhường nào khi thấy con mình phải từ bỏ thứ mà nó yêu quý nâng niu bao ngày. Tôi ngồi xuống, ôm lấy đôi vai gầy của bà: “Con ổn, con sẽ ổn thôi mẹ!”. Bà sửa lại giấy gói bức tranh cho thẳng thớm như thể cho ai đó chứ không phải cho người con gái đã “chê” con trai mình. Còn tôi hình như đã quen với cuộc sống mà Thu không có, hay không được có, trong tim, mà chỉ ở đâu đó xa hơn, trong trí não chẳng hạn.
Khi Thu ngắm bức tranh, tôi buột miệng hỏi: “Bạn đã nói thế nào với anh ấy?”.
– Đôi mắt thật sống động! Tôi đặt ở chỗ này nhé, Nam thấy có hợp không?
Chẳng liên quan gì tới câu hỏi, tôi nghĩ. Rồi Thu “à” một tiếng như sực nhớ ra:
– Mình nói còn đang học và còn nhiều việc phải làm sau khi học, anh ấy hỏi “có lâu không”, mình bảo chắc hơi lâu và anh ấy ra về, thế thôi!
Rót cho tôi cốc nước, giọng Thu trầm xuống:
– Hôm nọ nhận được thư, anh Dũng bảo sang năm tốt nghiệp, còn đùa: “Em thì lưỡng lự mà bao nhiêu cô lại cứ lao vào, buồn cười thật.”. Mình chẳng thấy có gì đáng hãnh diện hay buồn cười, chỉ buồn khi đọc những dòng ấy.
Im lặng một lúc, Thu tiếp:
– Nói thật nhé, khi người kia hơn mình về mọi mặt, không hiểu sao cứ có cảm giác như không phải của mình, cảm giác xa lạ thế nào ấy, khó tả.
Bạn nhầm rồi, người không ai có thể sánh nổi chính là bạn, là Thu đấy, tôi nghĩ và tự tức giận với điều phi lý đó.
– Nam này, đừng giận nếu Thu nói thế này nhé, hay Nam để ý đến Xuân nhà mình đi, nó ngoan, hiền và xinh nữa. Mà nó cũng thỉnh thoảng hỏi bạn đấy, mình khen bạn hết lời, nó nghe và cứ tủm tỉm, trông buồn cười lắm. Năm nay lớp 10 rồi, phổng phao như thiếu nữ ấy.
Nhìn và nghe Thu nói mà nỗi buồn tưởng chừng đã qua đi lại xâm chiếm tâm hồn tôi, bóp nghẹt trái tim đau khổ của tôi. Giả vờ đùa, tôi hỏi:
– Bạn khen tôi gì vậy?
– Thì tài hoa, giỏi giang, đẹp trai và đặc biệt là chân tình. Nam là người đàn ông lý tưởng nhưng lại gần gũi, không xa vời, không phải “với” như ai đó.
Nếu như trước đây mà nghe Thu nói thế chắc tôi về mất ngủ cả tuần, nhưng bây giờ, thật lạ, tôi nghe như bạn đang nói về ai đó hoàn toàn không phải mình.
Sau hôm sinh nhật, Thu còn chữa cho nhiều người nữa, lần nào cũng ngoạn mục, lần nào cũng tràn đầy tình cảm và bao điều xúc động. Nếu có tài, và có tiền nữa, tất nhiên, tôi sẽ làm một bộ phim về câu chuyện này và sẽ gửi đi tranh giải Oscar!
Nhưng sức khỏe của bạn yếu đi trông thấy, đó là điều tôi lo vô cùng. Nói với Thu thì bạn bảo: “Thế Nam không thấy chúng mình mang lại hạnh phúc cho bao nhiêu người à? Thu không sao đâu, yên tâm đi.”.
Một hôm tôi đang ngồi nghĩ vẩn vơ, bỗng nhiên như có ai nói vào tai mình: “Đi gặp Mế đi Nam, đi ngay đi!”. Tôi như bừng tỉnh, đúng rồi, phải nhờ Mế trước khi quá muộn.
11.
Tôi xin trường nghỉ mấy ngày để đi Cao Bằng.
Khi tôi xếp đồ, mẹ nhìn thương cảm, hỏi:
– Con chắc đi một mình?
Sau này nếu có con không hiểu tôi có yêu và thấu hiểu như mẹ đối với mình không nhỉ, tôi tự hỏi. Khi chào mẹ, tôi bước vội xuống cầu thang nhỏ hẹp, tối tăm, và biết chắc, sau cánh cửa, bà vừa gạt đi những giọt nước mắt cay đắng trên gò má nhăn nheo của mình.
Con đường lên Cao Bằng không có Thu sao nó dài và lạnh lẽo đến thế. Xe vẫn đầy người mà tôi lại cảm thấy cô đơn, vắng lặng như chỉ một mình một xe vậy.
Khác với niềm vui của chú Páo và mọi người, Mế không cười, không vui khi gặp tôi, chỉ nói khẽ: “Nam đấy à. Ăn chiều xong vào Mế nói chuyện nhé!”.
Buổi tối, bước vào buồng của Mế không hiểu sao người cứ run bắn, một nỗi sợ vô hình bao phủ con người tôi, bao phủ căn buồng của Mế.
– Thu không khỏe lắm đúng không con, thấy con lên là ta hiểu.
Rót cho tôi một ly nước lá rừng có mùi thơm là lạ, nóng hổi, Mế chầm chậm kể: “Ngày xưa, lâu lắm rồi, khi mà ông bà Mế còn bé cơ, ở bản có một người con gái tên Lìm vô cùng xinh đẹp và có giọng hát mà mọi chim rừng đều nín lặng để nghe. Cô có thể dùng giọng hát của mình chữa bệnh cho người nào mà vòng đeo trên cổ tay phát sáng xanh khi đến gần. Cái vòng đó tại sao cô có, không ai biết được.
Rồi một năm ở đây đại hạn hán. Cây cỏ, thú rừng chết gần hết. Lìm đã lên mỏm đá gần hang cất tiếng hát gọi Giàng. Ba ngày liên tục cô hát không nghỉ và đến khi giọng khản đặc thì mưa giông kéo tới. Muôn loài sống lại nhưng Lìm từ đó bị câm, không nói được nữa. Người ta thấy cô hay lên núi một mình, ngồi dưới gốc cây tùng cổ thụ nhìn về phía xa như chờ đợi điều gì. Rồi một hôm, mọi người thấy cô nằm trên phiến đá ở cửa hang và không còn thở nữa. Từ đó dân bản gọi đấy là hang Noọng, và chiếc vòng được gìn giữ cẩn thận để tìm người chủ thật sự của nó!”.
Mế im lặng hồi lâu. Rồi nói tiếp: “Khi hát để chữa bệnh thì sức khỏe bị rút đi nhiều lắm, cần biết giữ gìn và cẩn trọng thì mới lâu dài được, Mế có dặn Thu rồi. Nhưng thấy con lên mà không có nó, ta hiểu. Con hãy về và nói lại, không thì Mế sợ… Cứu người là việc tốt, nhưng cứu được nhiều người càng tốt hơn.”. Nói đến đây Mế nhìn chăm chăm vào ngọn đèn dầu đang leo lét.
Tôi rụt rè hỏi:
– Thế Thu cứ phải sống một mình mãi vậy à?
– Nó như bông hoa con ạ. Rồi có lúc sẽ tàn để còn ra quả.
Thế là thế nào nhỉ, tôi không hiểu. Mế lặng lẽ lấy trong rương một viên đá nhỏ, trong như cẩm thạch, đưa cho tôi: “Con giữ kỹ nhé, khi nào viên đá này trở nên đục là sức khỏe Thu yếu, mang nó lên đây, được không?”. Tôi “dạ” mà thấy mình như sắp tắt thở.
Quay về Hà Nội, lòng tôi nặng trĩu. Làm sao giúp được Thu đây?
Tần suất chữa bệnh của Thu ngày một dày đặc hơn, đã bao lần tôi năn nỉ, nhưng nụ cười thánh thiện của bạn, những giọt nước mắt của bệnh nhân, nhất là những em nhỏ, làm lòng tôi tan chảy, không đành ngăn cản.
Nhưng tai họa lại đến bằng con đường khác.
Trên đường đi học về gặp một đứa cùng trường, nó nói ngay: “Mày biết tin gì chưa, anh Dũng 10i mà đi phi công í, bị tai nạn mất rồi!”.
Tôi tự nhiên thấy trời đất tối sầm, đạp xe như bay đến nhà Thu. Gặp bố Thu ở ngoài hành lang, ông nói khẽ:
– Cháu vào với nó tí đi.
Thu đang ngồi gục mặt ở bàn, chiếc áo sơ mi đen làm bạn trở nên mong manh, nhỏ bé đến tội nghiệp. Khi tôi đặt nhẹ tay lên cái vai đang run bần bật, bạn không ngước lên mà nắm chặt lấy, tiếng nức nở cứ như muốn xé nát lòng tôi vậy.
Lúc sau,Thu nghẹn ngào:
– Sao làm được bao nhiêu việc tốt mà mình lại không cứu được anh ấy hả Nam?
Thu nhìn tôi bằng ánh mắt đau khổ đến tuyệt vọng.
Sau này, anh Hoàng, người cùng trúng tuyển một đợt với anh Dũng kể: “Về nước được mấy tháng, trong chuyến bay huấn luyện, máy bay của anh Dũng va chạm với máy bay biên đội trưởng khi cất cánh, chỉ mình anh ấy hy sinh. Cả đơn vị thương xót vì Dũng là một phi công có tài, tốt nghiệp bằng đỏ ở trường học lái.”.
Người ra đi thì đã ra đi, chỉ xót xa cho người ở lại. Thu cứ vật vã với ý nghĩ mình chính là nguyên nhân gây ra sự việc đau lòng ấy.
Tôi không ngờ là mình cũng đau khổ như Thu, mặc dù trước đấy không ít lần nghĩ tới anh Dũng là lẩm bẩm: “Chỉ được cái cậy…!”.
Nhìn bức ảnh anh Thu để trên bàn, tôi ứa nước mắt: “Em xin lỗi!”.
Gặp lại Thu sau đó chừng một tháng, tôi giật mình, đó là con người khác! Thu ít cười, ánh mắt đanh lại, nói gì cũng cộc lốc. Có lần Thu quát:
– Tại sao chỉ có vài ca này thôi, không biết thương người à?
Lan, Phương và tôi nhìn nhau.
Thu phăm phăm ra gốc cây xà cừ đứng, rồi bất thần úp mặt khóc nức nở.
Hai bạn gái đẩy tôi ra phía Thu và lỉnh đi chỗ khác.
Lại sát bên bạn, tôi nói nhỏ: “Thu này…”.
Bất chợt quay lại và ôm chặt lấy tôi, Thu khóc to hơn: “Sao Thu lại khổ thế hả Nam, mình có làm điều gì sai để Giàng bắt tội không, Nam nói cho mình biết đi, phải làm gì để anh Dũng sống?”.
Nước mắt bạn ướt hết bờ vai của tôi, chẳng biết an ủi thế nào, tôi cuống quýt: “Đừng khóc nữa Thu ơi, đau buồn quá sẽ ảnh hưởng sức khỏe, sẽ không chữa bệnh được và anh Dũng cũng sẽ không vui đâu.”.
Thực ra, mấy hôm rồi, tôi hoảng sợ khi nhìn viên đá Mế đưa, nó đã ngả màu đục đục. Tôi nói cho Lan, Phương nghe sự nghi ngại của mình và cả bọn đã thống nhất bằng mọi cách giữ sức khỏe cho Thu, không để bạn lao vào chữa bệnh như điên chỉ vì đau khổ.
Hôm đấy là bắt đầu nghỉ hè năm thứ tư, Thu gọi bọn tôi đến và bảo:
– Cô giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ em câm điếc gọi điện đến bảo, (chỉ nhà Thu khi ấy có điện thoại riêng): “Em ơi, cứu chị với. Họ đồn là chỗ chị chữa được bệnh câm, cả trăm người kéo đến van nài, vì em dặn không nói nên chị không biết làm thế nào. Họ ăn ngủ tại đây, ngày nào cũng chen lấn xin gặp chị. Em có thể giúp chị lần này không?”. Mai mọi người đến đấy với Thu, đánh dấu những đứa trẻ mà cái vòng phát sáng, rồi chúng mình tính tiếp.
Chúng tôi chọn được 23 em. Cô giám đốc cực kỳ vất vả giải thích với những người còn lại, nào là chỉ có những em không bị điếc, chỉ có những em thích hợp phương pháp chữa, nào là đây chỉ mới thử nghiệm…
Còn tôi thì vô cùng lo lắng khi các em nhiều đến như vậy. Viên đá đã sáng hơn lúc có chuyện anh Dũng nhưng không hề trong như lúc Mế mới đưa tôi. Trước hôm chữa, Thu nói: “Xong đợt này mình muốn lên Cao Bằng thăm Mế và nghỉ ngơi, Nam có còn muốn đi với mình không?”.
Tội nghiệp Thu, hình như bạn thấy có lỗi vì đã không thích tôi. Giấu cảm xúc của mình, tôi trả lời nước đôi: “Để xem mình có thu xếp được không, đang có triển lãm tranh mà mình muốn dự”. Thu buồn bã quay đi còn tôi thì chỉ muốn hét lên: “Còn chỗ nào xa hơn không, nơi mà người ta vẫn gọi là chân trời cuối bể ấy, mời tôi đi!”.
Buổi sáng hôm đấy thật đặc biệt, khi chúng tôi đến, các em đã ngồi trong lớp, còn phụ huynh thì vòng trong vòng ngoài, nét mặt ai cũng căng thẳng cực độ. Cô giám đốc dặn: “Đề nghị mọi người tuyệt đối im lặng, tuyệt đối, nếu không sẽ thất bại!”.
Thu bước lên bục, nhìn một lượt và trìu mến nói:
– Chị chỉ muốn hát tặng các em, hãy nhắm mắt nghe bài hát và tưởng tượng là đang nghe cùng bố mẹ nhé.
Không gian im lặng như tờ và Thu cất tiếng hát, lần này bạn hát bài “Trở về Surianto“, dân ca Ý:
“Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la
Lòng ta như rộn vang ngàn câu ca
Ôi đất nước xinh tươi như mộng đời
Lưu luyến trong tâm hồn bao người…”
Thật bất ngờ, đã nghe bạn hát bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ thấy giọng bạn trong, rung động, tình cảm đến thế. Tôi nhắm mắt và thấy biển xanh xa tít tắp, sóng, gió và hải âu tạo một thứ âm thanh kỳ diệu, vừa sống động, vừa êm đềm, vừa bao la, vừa gần gũi.
“Khắp trên đồi cây cối mọc xanh tươi
Khắp trong vườn ánh sáng tràn nơi nơi
Tình quê hương ngát trong lòng hương say
Lòng ta khó quên được chốn này.
Nếu ta từ biệt chốn này đi xa
Khác chi từ biệt với người yêu ta
Phải xa chốn quê hương đã nặng thề
Ai lẽ đâu không quay trở về.
Xin hãy về người ơi
Tình quê mến yêu đang đợi chờ
Trở về Surianto, hãy về người ơi…”
Bạn lại lên thêm tông nữa khiến âm thanh cao vút như tận từ trời xanh vọng về. Tôi nhìn ra xung quanh và giật mình, hàng trăm con người đều chắp tay, quỳ xuống, mắt nhắm nghiền chờ đợi và hy vọng. Thu vẫn hát, vẫn hát, say sưa và nồng cháy như đây là lần cuối cùng vậy. Rồi không gian im bặt. Mấy đứa trẻ vẫn ngồi yên trên ghế không cử động.
Tôi thấy ruột gan như thắt lại.
Lục tục một, hai, ba đứa tụt xuống đi ra ngoài tìm người thân. Bỗng một tiếng thét: “Mẹ ơi…!”, rồi bao nhiêu tiếng thất thanh như vậy cùng lúc: “Bố ơi, bà ơi, mẹ ơi…”.
Cả rừng người cùng ôm nhau, cùng khóc cùng cười trong niềm vui bất tận.
Thu mỉm cười ngồi xuống ghế. Tôi bước lại gần và hỏi:
– Có mệt nhiều không?
Bạn lắc đầu, nhướn nhẹ lông mày, nói:
– Sao đang vui mà mọi người lại tắt hết đèn thế hả Nam?
Hai khóe mắt của Thu chảy ra hai dòng máu, viên đá trong tay tôi vỡ làm đôi.
Tôi ôm lấy bạn kinh hãi thét lên:
– Thu ơi….!!!
Tiếng của tôi chìm trong bao âm thanh vui vẻ, náo loạn ngoài kia, không ai để ý Thu gục xuống.
***
Tôi, người ghi chép lại câu chuyện này, ngồi với Nam trong một quán cà phê yên tĩnh, ở một thị trấn nhỏ trên vùng cao. Nam từ tốn: “Từ đây đến bản của Mế cũng không xa lắm anh ạ. Chúng em lên đây cũng được năm năm rồi, không đầy đủ như dưới xuôi nhưng êm đềm và đầm ấm. Hàng ngày em đèo Thu đến trường cấp 1 dạy hát, học trò thương cô giáo mù lắm, bắt bố mẹ mang đủ thứ tới nhà, có khi là cả một con lợn con cơ, buồn cười lắm! Anh đừng viết lại chuyện của chúng em, đã lên đây, em không muốn nhiều người biết, anh ạ.”.
Rồi Nam dẫn tôi về căn nhà nhỏ bé mà vô cùng ấm cúng của hai vợ chồng. Tôi nhận ra bức tranh “Đôi mắt” và tấm hình người phi công tên Dũng. Bất ngờ một cô bé chạy ra: “Bố về!”. Đôi mắt cô bé tuyệt đẹp, hệt như bức tranh thu nhỏ. Rồi Thu, con người kỳ lạ bước ra, trên tay là bé trai mới một tuổi, xinh như một búp bê. Thu cười một nụ cười mà tôi tin rằng chỉ có ở thiên thần: “Em chào anh. Anh mới ở dưới lên ạ.”.
Tôi cứ nhìn Thu chăm chăm, phần vì câu chuyện, phần vì vẻ đẹp mà không lời nào tả được. Rồi mẹ của Nam bước ra:
– Cháu thích ăn gì cô mời, lâu mới có người Hà Nội đến chơi, thật quý quá.
Tự nhiên tôi buột miệng:
– Bún chả được không cô, hình như cô làm món đó ngon lắm.
Khi Thu bế thằng cu đi ngủ, Nam nói khẽ: “Hôm rồi con bé con nghịch cái vòng, khi cầm đến gần mẹ nó vòng bỗng sáng lên anh ạ. Em nghĩ và hy vọng cháu sẽ là người chữa cho Thu nhìn lại được ánh sáng.”. Một lời cầu nguyện chợt lóe lên trong đầu tôi: “Con cầu xin Giàng, hãy mang ánh sáng về cho con của Người lần nữa!”.
Bữa cơm chiều thật ấm cúng. Tôi cứ bâng khuâng mãi về tình yêu, tình bạn, tình mẹ con của những con người ấy.
Như đã hứa với Thu, tôi ghé thăm mộ Dũng gần sân bay ĐP. Thắp nén hương và đặt bó hoa trắng lên mộ, tôi chợt nghĩ: “Nếu theo nghiệp bay tới cùng thì tôi sẽ ra sao nhỉ, vinh quang, thăng tiến như anh Phu Thai Pham, như đứa em Võ Văn Tuấn hay bây giờ đã thành sếu trắng như các bạn cùng phòng Deo, Ân, Ký ở trường học lái đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, sải cánh bay về cuối hoàng hôn và gửi tiếng chim trời tới những ai ở lại, như lời một bài hát Nga mà chúng tôi yêu thích?”…
LÊ KIÊN THÀNH
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống số 6 bộ mới