Vanvn- Lê Kiên Thành và các nhân vật trong truyện ngắn Âm thanh là lớp thanh niên sinh ra cuối chiến tranh chống Pháp và lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ. Chuỗi truyện ngắn Lê Kiên Thành thực hiện kể về họ, lớp lứa thanh niên một thời có một đời sống trong sáng lãng mạn.
Như nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhận xét, Âm thanh chỉ như một truyện tình thơ mộng nếu tác giả non tay. Những chi tiết càng gần về cuối truyện đẩy Âm thanh gửi gắm thông điệp không thường không chỉ của thanh niên Việt một thời mà nó mang tầm nhân loại, đấy là sự yêu yêu thương cần mất mát hy sinh – chi tiết Thu quay về bản, dạy dỗ giúp đỡ các trẻ em với cái vòng tay huyền bí nâng tầm truyện lên một tầng nấc mới.
Lê Kiên Thành nguyên là phi công bay thử, sau khi hết tuổi bay anh là một doanh nhân ít nhiều thành đạt. Lê Kiên Thành chưa khi nào định trở thành nhà văn, thậm chí anh viết chỉ để vui với bè bạn một thời, cũng như nhắc nhớ một thời thuộc thế hệ anh, nhưng nghệ thuật cấu trúc xây dựng truyện ngắn của anh tỏ ra khá có nghề. Lối kể nhẹ nhàng, ngôn ngữ đời thường nhưng vô tình phản ánh được một thời của những thế hệ thanh niên mà chính họ nối bước cha anh làm những điều có ích cho đất nước.
NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ giới thiệu

>> Truyện ngắn Lê Kiên Thành: Âm thanh – Kỳ 2
>> Bất ngờ với Âm thanh của Lê Kiên Thành
>> Con trai cố Tổng bí thư nói về những vấn đề tồn tại trong Đảng
1.
Hồi mới bước chân vào lớp 8A, người tôi để ý đầu tiên là Thu. Bạn ấy có khuôn mặt bầu bĩnh, mắt to tròn luôn ánh lên vẻ tinh nghịch, khiêu khích như muốn nói rằng, này, bạn chẳng thể biết tớ là ai đâu!
Tôi là trai phố cổ. Dẫu năm tháng dài sơ tán xa Hà Nội cũng không làm phai nhạt phong thái tự tin, đĩnh đạc rất riêng mà cái không gian cổ kính, thiêng liêng đã ngấm sâu vào từng con người nơi ấy. Thế mà đứng trước Thu, tôi cứ lúng túng, không tự chủ và luôn cúi xuống khi hai con mắt to đẹp ấy nhìn thẳng vào mình. Đó là điều khiến tôi bứt rứt, hổ thẹn vô cùng.
Ngoài học giỏi, chơi bóng bàn tuyệt hay, Thu còn có giọng hát kỳ lạ. Trong và truyền cảm. Sinh hoạt ở Nhà văn hóa thiếu nhi, Thu đã có vài bài hát được thu và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam và, đó cũng là niềm tự hào của trường chúng tôi.
Cùng một nhóm bạn, chúng tôi hay đi cùng nhau trên con đường tới trường và về nhà rợp bóng mát của hàng sấu cổ thụ. Cứ bắt đầu bước vào đầu con phố ấy là Thu lại cười rất tươi: “Ê, Nam, cầm hộ tao cái cặp!”.
Cả trăm lần tôi muốn nói không để giữ giá thì cả trăm lần tôi ngoan ngoãn đưa tay ra, rồi khệ nệ xách hai chiếc cặp, chẳng biết nhét gì bên trong mà nặng khủng khiếp.
Bù lại, dù giả vờ như không để ý, nhưng tôi lại có được sự thích thú ngọt ngào khi ngắm Thu vừa nhảy chân sáo trên vỉa hè và vừa nói chuyện như bắn liên thanh với các bạn, rồi bất chợt lại im lặng, mắt lim dim, vừa đi vừa phập phồng cánh mũi hít hà mùi hoa sấu, trông thật ngộ.
Bố của Thu là cán bộ chắc cũng khá nên Thu ở trong một căn biệt thự gần cuối con đường đó. Ở chung với một gia đình nữa, bạn nói vậy. Đến trước cổng nhà, lấy cái cặp trên tay tôi, mắt nhìn đi chỗ khác, Thu chỉ nói: “Mai nhé!”.
Chẳng biết là mai gặp hay mai lại cầm hộ cặp.
Các bạn biết không, trong quãng đời đi học của mình, chưa bao giờ tôi lại cứ mong trời mau sáng để tới trường, chưa bao giờ lại khó chịu vì quãng đường đi học lại ngắn đến thế, như lúc đó.
Mẹ tôi có hôm cau mày nhìn tôi đang ngồi học, hỏi:
– Bài khó hay sao mặt cứ ngẩn ngơ thế?
– Vâng ạ!
– Thế sao lại tủm tỉm?
– À, là con nghĩ… chắc cả lớp cũng chẳng ai làm được!
Quay sang bố tôi, bà cười:
– Ông có hiểu trẻ con bây giờ không?
Bố tôi nói ý nhị: “Chúng nó là chúng mình hồi xưa thôi!”.
Tôi học cũng khá, nhất là môn văn, nhưng ngoại hình thì bình thường hơn cả bình thường. Cao ngỏng và gầy nên ở lớp bọn con trai gọi là “Nam sào”. Chỉ có một tài mà ít ai biết là tôi vẽ rất giỏi và rất thích vẽ. Nhà của bố mẹ tôi thì thật buồn cười: cửa thì ở Hàng Cân, đi sâu vào một ngõ tối và hẹp, qua bao nhiêu nhà khác, leo lên một tầng và cửa sổ lại mở ra Hàng Ngang! Trong nhà, tôi treo đầy tranh của mình, nhưng cuối năm lớp 8 tôi tháo hết, chỉ giữ lại bức đầu tiên tôi vẽ lúc 5 tuổi và bức cuối cùng tôi vẽ đôi mắt của Thu.
Không biết có phải tại tôi vẽ giỏi không mà từ khi có bức tranh “Đôi mắt” đó tôi như thấy mình chia sẻ được nhiều điều vui buồn trong cuộc sống của đứa con trai một mà đôi khi cũng rất cô đơn, buồn tẻ. Ánh mắt ấy cười mỗi khi tôi làm một việc tốt, nghiêm khắc mỗi khi tôi mắc lỗi, thật là lạ!
Hôm đấy là sinh nhật Thu, mấy đứa hay đi cùng đường được mời “tối đến nhà tao đi, ông bô, bà bô đi ăn cơm khách tới khuya cơ, tha hồ phá!”.
Cả bọn phân công nhau: con gái mua hoa, con trai mua bánh ga tô!
Khác hẳn với hình dáng đồ sộ bên ngoài của một ngôi biệt thự Pháp, hai căn buồng của nhà Thu thật giản dị. Trên tường treo hình hai ông bà lúc là bộ đội, ảnh hai chị em Thu khi còn nhỏ và cũng như nhiều nhà lúc đó, có hình Cụ Hồ ở vị trí trang trọng.
Đó là một buổi chiều cuối thu, trời đã se se.
Ăn uống, trêu đùa nhau chán chê, tự nhiên không khí bỗng chùng xuống. Thu với tay lấy cây đàn ghi ta và quay sang tôi: “Mày chạy ra tắt đèn hộ tao đi!”. Khi chỉ còn ánh sáng của hai ngọn nến, Thu dạo đàn và cất tiếng hát: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi…”, chúng tôi nhìn nhau thảng thốt! Ngay sau câu đầu tiên, căn phòng bỗng ấm lên như có ánh nắng mùa hè chiếu vào, điều gì lạ vậy?
Khi Thu hát đến đoạn: “… ôi mênh mông sóng xô khiến thuyền ta xa bờ…” chúng tôi cảm tưởng mình đang ngồi trên con thuyền đó, và hương vị mặn mòi của biển cả tràn ngập cả căn phòng.
Rồi khi bạn hát tiếp bài “Làng lúa, làng hoa” thì không gian lại đầy hương lúa chín, có cả gió và thoang thoảng mùi sen hồ Tây nữa!
Bài hát kết thúc, nhìn năm cái mồm mở hết cỡ mà không ngậm lại được, Thu bật cười: “Ê, tỉnh đi, tao đây!”. Chúng tôi chợt nhận ra năm đứa đang nắm chặt tay nhau nửa như sợ rơi xuống biển, nửa như sợ bị lạc vào cõi hư vô nào đó mà không tìm được lối về.
“Tao sẽ kể cho chúng mày nghe chuyện của tao với một điều kiện là không đứa nào được kể lại cho người khác, được không?”. Chúng tôi không ai nói được nên lời, mắt chỉ chớp chớp ra hiệu đồng ý và nắm tay nhau chặt hơn để nghe Thu kể chuyện.
2.
Thu kể:
“Hồi chống Pháp, bố mẹ tao sống và hoạt động trên Cao Bằng. Có lần tình cờ bố tao cứu sống một cậu bé bị nước cuốn trôi và gia đình người dân tộc đó cứ bắt bố phải mang thêm họ Vàng vì đó là đứa con trai duy nhất của dòng họ, những người khác bị bệnh tật, tai nạn mà chết cả. Lúc Mỹ ném bom, gia đình gửi hai chị em lên đó và được mọi người quý như vàng. Cái gì ngon nhất, bổ nhất, chỗ nào ấm nhất, êm nhất cũng là để cho Thu và Xuân (em gái Thu). Đường sá xa xôi, thỉnh thoảng chỉ bố lên thăm, lần nào gia đình cũng mổ lợn, giết gà thết đãi. Một lần tao còn nghe trộm trưởng bản nói nhỏ: “Bác phải đẻ con trai đi chứ, cần, chúng tôi kiếm cho một hay hai cô thật đẹp, thật ngoan”. May mà bố giãy như đỉa phải vôi, không thì cũng chết với tao, chứ ở đấy mà trai với gái! Học bài xong, tao hay ngồi xem mẹ bác chủ nhà dệt vải, hứng thì bi bô hát. Bà nghe, rồi thỉnh thoảng ngừng tay, nhìn tao lạ lắm. Đến một hôm, hai bà cháu ngồi trên thềm nhà, bà thủ thỉ:
– Thu à, có biết tại sao chim hót, gà gáy thì trời sáng không?
– Lúc đấy chúng nó ngủ dậy phải không bà?
– Không phải, chúng nó nói tiếng nói của Giàng (ông Trời) gọi ánh sáng về đấy cháu ạ.
Rồi bà im lặng, đôi mắt nhìn xa xăm về dãy núi phía bên kia.
– Bố con đã giúp chúng ta duy trì được dòng họ thì có lẽ Giàng thưởng cho con một giọng hát mà sau này con sẽ dùng để giúp người đấy. Khi nào 20 tuổi cố gắng lên đây, ta mong lúc đó vẫn còn sống để đưa con đến một nơi…
Tao nghe mà chẳng hiểu và cũng chẳng để ý. Khi bố mẹ đón về Hà Nội, chia tay, bà chảy nước mắt, ôm tao và nói nhỏ: “Hai mươi tuổi lên thăm bà nhé!”.”
Bọn chúng tôi ngồi gần như nín thở để nghe Thu kể. Bên ngoài, gió thổi dường như mạnh hơn, khí trời như lạnh hơn, hai cây nến lung lay ánh lửa như ai đang muốn tắt, làm câu chuyện thêm kỳ bí.
Thu lại kể tiếp: “Tao cũng quên câu chuyện đó cho đến cách đây vài tháng, ngoài trời khi ấy đang mưa nên tao vác cây đàn ra hát. Tự nhiên thấy giọng mình vang hơn, ấm hơn, như đang hát qua micro vậy. Tao nghĩ, chắc mình đã lớn. Nhưng lạ là trong phòng cứ thoang thoảng mùi hoa và ngạc nhiên khi mẹ đi qua và nói:
– Con mới mua hoa trong chậu đấy à? Mẹ chưa kịp vứt hoa héo, định chủ nhật đi chợ mua luôn thể.
Bụi hoa đã héo sao tươi trở lại, còn tỏa hương thơm như có cả vườn vậy. Và lời căn dặn của bà lại làm tao bừng tỉnh, lạ thế đấy chúng mày ạ.”
Thu ngừng kể, nhìn chúng tôi, còn chúng tôi nhìn nhau. Tôi liếc thấy thằng Sơn đang lén tự cấu cấu vào đùi xem có phải ngủ mê không, chắc thế.
– Chúng mày là những người duy nhất tao kể chuyện này, hãy giữ cho tao như đã hứa. Hãy đến nghe tao hát vì tao rất cần có người nghe, nhỡ mai sau có điều gì tốt thì là công chung của cả bọn, được không?
Sau ngày hôm đó, chúng tôi tự nhiên ít nói cười hẳn, nhưng lại cảm thấy thân thiết với nhau hơn lúc nào hết, vì chúng tôi có chung một điều bí mật vĩ đại, có chung một người bạn kỳ diệu vĩ đại. Thực ra tôi có đọc trong một cuốn sách nói về một nhà sư ở Tây Tạng cũng làm được điều gần như thế khi vuốt tay qua một khóm hoa thì hương thơm tỏa ra. Nhưng đây là bạn tôi, ngay cạnh tôi, làm được điều đó bằng tiếng hát, bằng âm thanh. Quả là vi diệu!
Tôi thức ba đêm để vẽ thêm hai bức tranh nữa: mũi và miệng của Thu. Mũi thì tôi nhớ lúc Thu phập phồng hít hương hoa sấu. Miệng là lúc bạn đang vừa ngân, vừa hơi cười và nắng thì tuôn trào, ấm áp.
Ba bức treo gần nhau trên ba tông màu xanh, hồng, nâu đẹp đến mức mẹ tôi ngắm và bảo: “Đừng nói đây là bạn gái của con nhé! Sao không vẽ nguyên cả khuôn mặt mà lại…”.
Tôi thì đắng lòng: “Đấy là đứa toàn gọi con bằng thằng Nam, mẹ ơi!”.
3.
Chủ nhiệm lớp tôi là cô Hiền, dạy văn. Một hôm, cô gọi tôi ra hành lang, hỏi:
– Ở nhà có chuyện gì phải không em?
– Dạ không ạ.
– Tại cô thấy em có gì hơi khác, chẳng còn hăng hái giơ tay phát biểu, trong lớp hình như cũng không tập trung. Nếu không có gì thì tốt, bọn em chuẩn bị đi thi văn cấp thành phố, cố gắng nhé!
Không phải hơi khác đâu cô ơi, mà đã vô cùng khác mới đúng, tôi nghĩ.
Cái buổi tối kỳ lạ ấy, không biết mấy đứa kia thế nào, đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về cuộc sống hiện tại của tôi. Còn cái gì mà chúng ta chưa biết với những người quanh ta vậy? Chắc là nhiều vô kể! Một cô bé, dẫu có học giỏi, đánh bóng bàn giỏi, thật khó có thể là thiên thần. Thế mà…! Tự nhiên, tôi hòa nhã, tốt bụng với tất cả bạn, kể cả thân lẫn sơ, biết đâu đấy, có ai bỗng nhiên lại…
Tan học, ra khỏi cổng trường tôi đã chủ động lấy cặp từ tay Thu trước cái nhướn mắt ngạc nhiên của bạn. Thỉnh thoảng lại dúi một thanh kẹo lạc rồi quay ngoắt đi để khỏi nghe lời từ chối (hay cám ơn). Những hôm bố mẹ Thu vắng nhà, chúng tôi lại đến nghe bạn hát. Không có người nghe hát không hứng, bạn đã bảo thế. Và chúng tôi chứng kiến biết bao điều kỳ lạ của âm thanh.
Có hôm, bạn cất tiếng: “Hò ơi, ơ… ới thuyền ơi…” thì cái “ơi” như một quả bóng bay, bay từ người này đậu sang người khác trong căn phòng ấy, gần đến mức tôi nghĩ mình có thể nắm nó vào trong bàn tay. Hôm thì bạn bảo, khi vui, âm thanh sẽ có màu hồng, và hát xong bài dân ca Ý thì cả căn phòng ánh lên như đang có ngọn đèn hồng rọi vào vậy.
Chúng tôi cứ chết lên chết xuống vì đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Riêng Thu, bạn chẳng có gì thay đổi, như đó chỉ là một trò chơi mà ai rồi cũng sẽ chơi được, nếu cố gắng, thật lạ!
Có lần, đi thăm cô dạy lý bị ốm về, Thu đố xem ai đi xe đạp trên đường xe điện lâu hơn, đứa nào thắng, muốn gì cũng được. Tôi “ok” luôn. Đường xe điện có chỗ lõm sâu và có chỗ phẳng chỉ vừa cái lốp xe thôi, đi trên đó là trò tôi chơi từ lâu lắm. Đứa trước đứa sau, hai ba cùng cho bánh xe vào đường xe điện. Thật không ngờ, Thu đi như trên đường phẳng, vừa bon bon, vừa hát vang! Tôi chỉ chạy được một quãng là chịu thua. Thật nhục! Về đến trước cổng nhà, Thu hất hàm hỏi: “Bây giờ sao?”. Tôi ngượng ngùng: “Thì bây giờ sao?”. Thu bật cười, nheo mắt: “Tao hỏi thật, nếu thắng, mày muốn gì?”. Tôi im lặng một giây, nhìn đi chỗ khác: “Tao muốn mày gọi tao bằng tên thôi, như thế có được không?”. Tôi ngượng chín người khi Thu phá lên cười ngặt nghẽo. Lau vội nước mắt, vừa dắt xe qua cửa, vừa quay lại, Thu nói trong tiếng cười: “Đến năm 40 tuổi nhé!”.
Hôm sau, giờ ra chơi, Thu đi ngang qua bàn, vứt cho tôi mẩu giấy trong đó ghi: “Ê, thua cuộc, khi nào cần, đi với tao lên Cao Bằng nhé!”. Thu biến nhanh sau cánh cửa lớp, chỉ còn tôi với mẩu giấy từ cuốn vở học trò và một niềm hạnh phúc ấm áp vô bờ bến.

4.
Sơn cũng là người phố cổ, nhà ở phố Thuốc Bắc. Không biết có phải vì gia đình làm thuốc bắc không mà trong các môn, Sơn khá nhất môn hóa. Nhà thuộc diện khá giả. Trong khi bố mẹ tôi chung nhau chiếc xe đạp Thống Nhất cũ thì mẹ và chị của Sơn đi hai chiếc Pơ-giô cáu cạnh, chỉ nghe tiếng tách tách giòn tan khi đạp ngược pê-đan cũng lịm người.
Sơn hơi nhỏ người nhưng đá bóng lại cực “xuya”. Học làm gì cho lắm, đằng nào tao cũng vào Thể Công, Sơn bảo tôi thế.
Chúng tôi ngồi gần nhau. Như đã thành lệ, kiểm tra toán, lý, tôi xích bài sang phía Sơn cho nó dễ cóp, còn hóa thì ngược lại. Tôi học đều các môn nên thường đứng thứ ba, thứ tư trong lớp, lại là học sinh giỏi văn của trường nên cũng nhiều thầy, cô biết. Và thế là trớ trêu đã đến.
Hôm trả bài kiểm tra hóa 15’, một bài rất khó, tôi được 5/10 với lời phê: “Cần cố gắng hơn”. Bài của Sơn được 3/10 với lời phê lạnh lùng hơn: “Sao lại sai giống Nam???”.
Nó nhìn sang tôi tuyệt vọng, còn tôi nhìn thầy Thủy dạy hóa xem có đủ can đảm lên xin sửa lại điểm, hoặc cho tôi, hoặc cho Sơn không. Như hiểu nỗi băn khoăn của tôi, nó khoát tay: “Tao cá với mày Pele cũng chẳng giỏi hóa hơn tao đâu”, rồi vỗ vỗ vào lưng tôi như người ta hay chữa nghẹn cho trẻ em vậy.
Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát bọn tôi đã chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 10. Trong người chúng tôi lúc đó luôn có cảm giác lo lo xen lẫn buồn và tiếc nuối cái gì đó mơ hồ.
Hôm đó là chủ nhật, tôi đang ngồi vẽ lăng nhăng thì nghe tiếng Sơn gọi cửa (cả lớp có mình nó biết nhà tôi).
Tôi hét: “Vào đi!” và cúi xuống vẽ nốt thì nghe tiếng nó và Thu chào mẹ tôi!
Rơi chiếc bút chì xuống đất đã thấy hai đứa đứng trước mặt, mẹ tôi thì nhìn Thu rồi liếc qua mấy bức tranh tủm tỉm.
– Tình cờ gặp ngoài đường, thấy bảo sang nhà mày hỏi bài tập, nó đòi theo tao.
Sơn nói nửa như phân bua, nửa như kể công rồi quay sang mẹ tôi: “Ôi, bác nấu gì mà thơm thế ạ, thế bác trai đâu ạ, lâu quá cháu không sang nhà thăm hai bác!”.
Mẹ tôi không kịp trả lời câu nào, chỉ đợi nó lấy hơi hỏi tiếp thì chen vào:
– Hai cháu ở lại ăn cơm với Nam nhé, chủ nhật bác làm bún chả ấy mà.
Vừa xoa hai tay vào nhau, vừa giả vờ nuốt nước bọt, Sơn xuýt xoa:
– Cháu cả năm chưa được ăn bún chả ạ. À, để cháu chạy ra ngay đây mua thêm bún và rau sống nhé, cháu ăn khỏe lắm, sợ thiếu đấy bác.
Rồi nó lại biến nhanh như nó xuất hiện.
Thu nhẹ nhàng:
– Dạ, bác có cần cháu giúp gì không ạ?
Mẹ tôi lắc đầu: “Cháu ngồi chơi với Nam đi, xong cả rồi, đợi bác trai và cậu Sơn về là ăn thôi!”.
Từ lúc Thu vào đến bây giờ, tôi đứng như trời trồng, tự nhiên thấy nghẹt thở như mỗi lần bị thầy cô gọi lên bảng trả bài. Khi Thu lại gần bàn xem tôi vẽ gì, tôi tranh thủ đứng che mấy bức hình trên tường.
– Ồi, không ngờ lớp mình có người vẽ giỏi thế! Thu vừa nói vừa lật mấy bức tôi đã vẽ xong. Rồi bất ngờ gạt tôi sang bên, Thu ngắm mấy bức treo trên tường.
Tôi lạnh toát người mà mồ hôi lại rịn rịn ở lưng, chỉ mong bố và thằng của nợ Sơn về để ăn chiều và thoát cảnh tra tấn tinh thần này.
Thu nhíu lông mày chăm chú xem từng bức rồi buông thõng: “Chả giống!”. Ở trong kia, tôi thấy mẹ bụm miệng cười, sao bà không tội nghiệp con mình nhỉ, thật lạ.
Bữa ăn thật vui. Nói nhiều nhất là Sơn. Bố mẹ tôi thì hỏi thăm gia đình Thu, cuộc sống gia đình có vất vả không, (úi giời ơi, tôi nghĩ thầm), sắp tới thi vào trường nào…
Tôi cả bữa chỉ nhìn thằng Sơn ăn hì hục và nghĩ: “Có khi nào ăn xong nó đau bụng và xin về sớm không nhỉ?”.
Nó ăn xong, không đau bụng, nhưng xin về sớm: “Cháu đi mà không xin phép bố mẹ ạ!”. Ôi, tao cám ơn mày nhiều, con chó chạy nhông suốt ngày ngoài đường chợt nhớ đến xin phép ai đó! Rồi bố tôi lại chủ động nói: “Con lấy xe của bố đưa bạn về nhé”.
– Dạ thôi, chúng cháu đi bộ được ạ, Thu nhẹ nhàng, cháu cám ơn hai bác, ngon và vui quá ạ!
Đường đã vắng người đi. Trời cuối xuân nên mát dễ chịu.
Khác với mọi ngày, Thu ít nói còn tôi thì bô lô, ba la một hồi rồi chẳng hiểu mình nói gì nữa. Vô duyên, tôi tự xỉ vả. Im lặng môt lúc, Thu hỏi trống không:
– Sắp tới mỗi đứa mỗi ngả, có nhớ… trường không?
Nhìn lá rơi xuống con đường mà chúng tôi vẫn hằng ngày đi học, tôi nói khẽ:
– Nhiều hơn cả một nỗi nhớ là gì nhỉ?
– Thì nhà văn tự nghĩ đi!
Không gian vẫn thoang thoảng mùi thơm của hoa ngọc lan hay hoàng lan từ nhà ai đó, còn đi bên tôi là một thiên thần sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu mà mãi sau này tôi mới biết, nhưng bây giờ tôi đã gần như ngất vì hạnh phúc.
Đẩy cửa vào nhà, Thu quay lại cười:
– Mấy hình treo trên tường không giống vì vẽ đẹp quá.
Tôi quay đi nhanh để Thu không nhìn thấy nụ cười sung sướng của đứa trẻ được người lớn cho kẹo trên miệng tôi, nó toe toét và vô duyên kinh khủng!
5.
Rồi cũng tới ngày phải chia tay nhau để mỗi người mỗi ngả. Thu hẹn sẽ quây quần lần cuối ở nhà bạn ấy. Chúng tôi mua nhiều hoa quả, bánh kẹo và thằng Sơn còn vác một can bia hơi chẳng biết cho ai uống. Mọi người nói chuyện nhiều, cố cười, cố pha trò nhưng ai cũng thấy là rời rạc, nhạt nhẽo, không khí cứ giả tạo, buồn buồn làm sao. Được một lúc thì Thu đứng phắt lên:
– Không được rồi! Thế này đi, mỗi đứa yêu cầu một bài, tao sẽ hát tặng, được không?
Sơn yêu cầu bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng“, Hằng sắp đi Nga – “Chiều Matxcơva“, Phượng thì muốn “Bài ca hy vọng“, Lan nghĩ một lúc rồi rụt rè: “Peng Peng của Pháp được không mày?”. Thu cười tươi: “Sao không được!”, quay sang tôi: “Còn Nam, (ôi, lần đầu tiên được gọi tên), mày thích bài gì?”.
Tôi để cơn choáng khi tiếng “mày” bổ vào đầu qua đi, nói nhỏ: “Những ánh sao đêm nhé?” (tôi đỗ trường Kiến trúc mà).
Chúng tôi lại lần nữa mê mẩn, đắm chìm trong những giai điệu và âm thanh thần kỳ. Thu đưa bọn tôi qua những con đường Hà Nội thân thương, rồi bay vút lên trời cao với những ước mơ và bao niềm hy vọng xanh ngắt, rồi nghe thấy tiếng xào xạc của rừng bạch dương trong buổi chiều ngoại ô thành Matxcơva… Và cuối cùng, khi bạn cất tiếng: “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua…” thì tôi rùng mình bởi cơn gió ấy! Không biết gió đến từ phương nào, chỉ biết tóc chúng tôi lay động, làn da được vuốt ve nhè nhẹ và mùi những căn nhà mới cứ ngào ngạt ngây ngất.
“Anh ơi, em còn đi xây nhiều nhà khắp nơi, (bạn đổi như thế cho hợp với người hát là nữ),
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng em những thấy càng thương nhớ anh
Dù xa nhau trọn ngày đêm
Em càng yêu anh càng hăng say
Xây cho nhà cao cao mãi…”
Không hiểu sao khi hát đoạn ấy, Thu nhìn thẳng vào mắt tôi, không chớp. Thật lạ, lần đầu tiên tôi không nhìn xuống mà giữ yên ánh mắt của mình, và lần đầu tiên, tự trong sâu thẳm, tôi nghe thấy tiếng lòng mình thổn thức: “Thu ơi, mình rất mến bạn. Không, xin lỗi, mình rất yêu bạn, yêu vô cùng, vô tận! Có lúc nào bạn hiểu được điều ấy không?”.
Tôi nhìn vào mắt Thu cho đến khi bài hát kết thúc và vô tình, một giọt nước mắt lăn xuống môi, mặn chát. May là căn phòng chỉ có ánh sáng nến như hôm sinh nhật bạn và mọi người cũng đang ngây ngất nghe hát nên không ai thấy giây phút xúc động của tôi lúc đó.
Chúng tôi chia tay nhau, ngoài Hằng đi Nga và tôi học kiến trúc thì Thu đỗ thủ khoa trường đại học Y Dược, Phương đại học Sư phạm và Lan vào trường Ngoại ngữ. Sơn rất vui được Thể Công gọi, xúng xính bộ quân phục ngay sau đó. Thế rồi chúng tôi không có cách nào thường xuyên gặp nhau như hồi ở phổ thông nữa. Chỉ có điều bí mật diệu kỳ dường như là sợi dây của số phận buộc chúng tôi vào nhau mãi mãi.
Riêng tôi, trong khoảng thời gian ấy, không biết bao nhiêu lần đã đạp xe trên con đường đó để cho ký ức thuở học trò ùa về cùng với mùi hoa man mác, không biết bao lần nhìn vào cái cổng xanh cũ kỹ mà nhớ lại câu “tranh không giống vì vẽ đẹp quá”, và rồi lại tự cười một mình…
Một hôm, vừa nghỉ hè, Thu đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà, nói luôn khi vừa thấy tôi:
– Đến đòi nợ đây, mai đi Cao Bằng nhé, tao mua vé cho hai đứa rồi. Mai bọn mình đi nhờ xe bố ra bến xe, 7 giờ tao đón.
Nói rồi Thu quay đi ngay không để tôi kịp hỏi lại một câu.
Biết chuyện, bố mẹ ủng hộ ngay, trên đó nhiều cảnh đẹp lắm, ông bà xuýt xoa, cả năm học mệt rồi, đi chơi đi. Chẳng phải đợi bố mẹ giục, tôi xếp nhanh quần áo và đồ dùng cần thiết, rồi cả đêm trằn trọc vì hồi hộp và sung sướng.
Đấy là năm Thu 20 tuổi. Chúng tôi xong năm thứ hai đại học.
Bố Thu chỉ dặn khi chúng tôi lên xe khách: “Đi đường cẩn thận, cho bố gửi lời thăm mọi người nhé!”.
Chặng đường đi thật xa và quanh co, khúc khuỷu, nhưng hai đứa chẳng cảm thấy mệt tẹo nào vì cùng tranh nhau kể những chuyện buồn cười ở trường, những trò bậy bạ trêu thầy cô, và thật giống nhau, chuyện hai chúng tôi trốn những tình yêu “không yêu” thế nào.
Tôi quên không kể, hai năm ở đại học tôi đã thành một chàng trai thật sự, vạm vỡ và cao gần một mét tám. Nam “sào” biến mất, sau lưng, tôi nghe mấy bạn gái thì thầm: “Như Đianov”, một nhân vật trong phim truyền hình Bulgari đang được ưa thích, sợ thế!
Thu thì không thay đổi nhiều lắm, vì cũng như nhiều bạn gái khác, bạn đã thành thiếu nữ từ lớp 10. Nhưng không để tóc đuôi sam mà búi lại, hơi trang điểm nhẹ, bạn giống hệt bức tranh “Người con gái Hà Nội xưa” mà tôi đưa đi thi và được giải, trở thành người con gái đẹp với nét gì rất gợi cảm, quyến rũ.
Đến huyện, chúng tôi nhờ hai thanh niên người dân tộc chở về bản trên hai chiếc minsk, và ở đây, chúng tôi bị chìm nghỉm trong yêu thương và kính trọng. Cả bản đợi, cả bản hỏi thăm và sau đó, cả bản chuốc rượu.
Tôi không biết các vị lãnh đạo được đón tiếp ra sao, nhưng ở đây, họ đón con gái của người đã giữ gìn sự tồn vong của cả một dòng tộc thì không một lời nào tả xiết.
Lúc đầu Thu được đưa đến chào Mế. Mế già lắm, nhưng vẫn tinh tường, ôm Thu và nói trong nước mắt: “Ta chờ con mãi và tin là con sẽ lại về, ta cầu xin, và Giàng đã nghe thấy!”. Rồi Mế kéo Thu lại gần: “Mai, thằng Páo, (người được bố Thu cứu), sẽ đưa con lên hang Noọng, nếu Giàng chấp nhận, về đây ta sẽ lại trao cho con một vật để con có thể cứu giúp nhiều người!”.
Chắc mình lại sắp bước vào một câu chuyện cổ tích nữa, tôi nghĩ.
Rồi cả tối hôm ấy mọi người quây quần, ăn uống, nhảy múa như ngày hội. Tôi bị các cô gái dân tộc chuốc cho say mềm, chỉ nhớ mang máng Thu và mọi người múa quanh đóng lửa, còn đống lửa, hình như cứ to lên, to lên mãi cho đến khi tôi không biết gì nữa. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy thì mọi người đã sẵn sàng. Thu lườm: “Hình như rượu mà các cô rót nó dễ say hơn nhỉ?”. Ơ, thế có phải là ghen không nhỉ, có thật không hả Giàng ơi, tôi nghĩ và mừng tỉnh cả rượu!
Thu phăm phăm đi trước với chú Páo. Tôi và hai thanh niên bản khệ nệ khiêng đồ lễ. Tới lưng chừng đèo, chú Páo hô: “Nghỉ tí!”. Tôi mệt không nói được nên lời, thả bịch túi đồ lễ, nằm vật ra phiến đá. Hình như thấy tội nghiệp vì đã mát mẻ lúc sáng, Thu ngồi xuống bên cạnh và quạt cho tôi. Tôi nhắm nghiền mắt. Mùi hương thoang thoảng từ cơ thể bạn làm tôi đã tỉnh lại say ngất ngây lần nữa. Lần này là tâm hồn bị say… Thật lạ, đứng dậy đi tiếp tôi không còn thấy mệt một chút nào, cảm tưởng có đi xa gấp đôi quãng đường nữa cũng được.
Tới hang, chú Páo sắp lễ rất cẩn thận. Một cái đầu con trâu với đuôi và bốn cái móng. Rồi vải vóc, khèn, cồng, chiêng. Hèn gì hai thanh niên gánh khệ nệ. Bác bảo hai thanh niên đi về, chỉ có cái Thu và người thân thôi (nghe thế Thu cười tủm tỉm, chả hiểu sao).
– Nếu lễ xong mà mưa là Giàng đồng ý đấy nhé.
Tôi nhìn bầu trời xanh ngắt, nắng chói chang và chỉ thầm nghĩ: “Nếu Thu không hợp để làm cái gì lớn lao, xin Giàng cho Thu hiểu lòng con, nếu trời cứ nắng là Giàng đồng ý nhé!”. Người Hà Nội đôi khi phải khôn vặt tí chứ, tôi nghĩ và cười tủm tỉm.
Chúng tôi quỳ sau lưng chú Páo nghe chú khấn bằng tiếng dân tộc. Cứ chú lạy, chúng tôi lạy, chú quỳ chúng tôi quỳ, chú nằm dang chân dang tay chúng tôi cứ y vậy. Gần một tiếng đồng hồ mà chú Páo không hề mệt. Thế rồi, trời bỗng dưng tối sầm, mây đen kéo đến dày đặc. Chú run rẩy: “Giàng về!”. Giọng chú khấn to hơn, nhanh hơn, khẩn thiết hơn.
Tôi nhìn xuống tay mình thấy da nổi từng hột to như da gà luộc!
Khi nghe một tiếng sét chói tai, chú Páo bật cười khanh khách: “Giàng đồng ý rồi, Giàng đồng ý rồi! Chúng con xin đa tạ!”.
Ngoài trời mưa như thác đổ. Gió gào thét như muốn quật đổ hết cây rừng. Tôi và Thu nhìn nhau đầy sợ hãi. Chú Páo lại có vẻ phấn khởi tột độ: “Ở lại đồn biên phòng ngủ, mai ta hãy về nghe!”.
Cách hang không xa lắm là đồn biên phòng 525. Thấy chú Páo và chúng tôi, các anh bộ đội reo lên mừng rỡ! Hóa ra chú như người cha của cả đồn vậy. Lấy quần áo khô cho chúng tôi mặc, các anh tất bật chuẩn bị bữa chiều đãi khách. Khi mọi người đông đủ, Thu trong bộ đồ bộ đội thùng thình bước vào. Tất cả bỗng im bặt. Mọi người, trong đó cả tôi, lần đầu trong đời được thấy tiên! Thu không đi mà lướt nhẹ, Thu không cười mà tỏa nắng ấm và bạn không nói mà đó là cả đàn chim đang hót, tôi nghĩ vậy.
Ăn xong, mọi người quây quần bên ngọn đèn măng xông, anh trưởng đồn, người duy nhất còn sống sau chiến tranh biên giới năm 79, giới thiệu: “Đây là một đồn nhỏ, chỉ có 15 anh em, nhưng chúng tôi phụ trách cả vài chục cây số biên giới. Anh em đa phần trẻ và quê dưới xuôi”.
Thu cười rất tươi, nói đáp lễ trôi chảy hệt chính ủy:
– Cám ơn các anh đã mời cơm, cho nghỉ nhờ. Nhưng cái em muốn nói là cám ơn các anh đã ngày đêm canh giữ và bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Lúc nãy em thấy có cây đàn ghi ta, cho em mượn và xin gửi tặng các anh vài bài hát được không ạ?
Mọi người reo lên và vỗ tay rần rần.
Các ngón tay đẹp như búp măng lướt trên phím đàn, Thu hát:
“Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở trên anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ
Anh ở biên cương biết rằng em năm ngóng tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt anh
Lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong…”
Bạn hát bằng giọng trầm ấm một cách lạ kỳ, như đúng giọng của một anh chiến sĩ nam 18 tuổi vậy. Mới hai câu đầu các chiến sĩ đã vỗ tay dào dạt. Anh chỉ huy khoát tay ra hiệu im lặng. Và chúng tôi nghe thấy tiếng dòng sông chảy, ở đâu ngoài kia và ở ngay trong trái tim mình.
Bất ngờ, bạn lên hai tông và giọng cao vút:
“Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa đông bắc
Em thương anh nơi chiến hào gặp rét
Mà em thương anh
Chiều nay đang đứng gác lo canh giữ đất trời áo ấm có lành không
Hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy”
Bài hát cứ như một cuốn phim, lúc thì hình ảnh người chiến sĩ nơi biên cương, lúc thì cảnh người con gái hậu phương, và họ cùng ngắm một con sông, cùng gửi vào đó một niềm thương và nỗi nhớ… Chắc suốt đời tôi không bao giờ quên được gương mặt các anh lính biên phòng hôm đó, từ người đồn trưởng kiên nghị đến những binh nhì như mới nhập ngũ hôm qua, hôm kia khi họ cùng chảy nước mắt vì một tình yêu chung, vì một nỗi đau chung.
Nghe hát tới khuya, các anh dẫn tôi và Thu đi nghỉ ở hai phòng nhỏ vẫn dành cho khách là gia đình chiến sĩ từ dưới xuôi lên. Chú Páo ngủ chung với trưởng đồn, bao giờ cũng thế, chú bảo.
Mệt quá tôi lăn ra ngủ ngay. Nửa đêm trời trở mưa to hơn, sấm sét dồn dập. Bất ngờ, cánh cửa phòng tôi bật mở, Thu lao vào như tên bắn, ôm chặt lấy tôi, hổn hển: “Nam ơi, Thu sợ!”. Tôi lấy chăn đắp cho bạn: “Nam đây, đừng sợ, đừng sợ!”. Thu run rẩy ôm tôi chặt cứng. Chừng năm phút sau bạn thở nhè nhẹ, chìm vào giấc ngủ.
Bây giờ đến lượt tôi run rẩy vì sung sướng. Sơn ơi, Hằng, Phương, Lan ơi, tôi đang ôm Thu để cho bạn ấy ngủ đây này, có tưởng tượng được không. Con cám ơn Giàng ngàn lần không nghe lời con mà vẫn làm ra mưa to và sấm sét. Để cho người con yêu sợ chết khiếp. Để cho con được ôm cô ấy, vuốt tóc cô ấy. Có thể ngày mai cô ấy lại sẽ gọi “thằng Nam”. Cũng không sao. Hôm nay, bây giờ, cô ấy đang nằm trong vòng tay con.
Mỗi lần sét, Thu lại ôm tôi chặt hơn, còn tôi lại mải ngắm khuôn mặt tuyệt vời của bạn chưa bao giờ lại gần đến thế và nghĩ: “Mưa của vùng cao liệu có kéo dài cả tháng không nhỉ?”.
Trời sáng dần. Mưa cũng đã tạnh. Tôi nhẹ nhàng gỡ tay Thu và ra khỏi phòng. Nhỡ ai thấy có khi họ hiểu sai về Thu mà tôi biết bây giờ đã là cái gì rất thiêng liêng với những con người ở đây.
Mọi người lại đón chúng tôi tưng bừng ở bản. Ai cũng chứng kiến trận mưa của Giàng. Trẻ con, người lớn xúm xít quanh Thu để sờ, để chạm vào con Giàng, như thế sẽ được nhiều sức khỏe, chú Páo giải thích.
Vui nhất là Mế. Đuổi hết mọi người ra ngoài, bà lấy trong rương được giấu kỹ một vòng đá màu rất lạ và dặn dò:
– Đã bao đời nay bây giờ mới có người được đeo nó. Khi con lại gần ai, nếu nó sáng xanh là con có thể giúp họ. Nếu sáng đỏ, hãy cẩn thận nguy hiểm. Hãy nhớ điều này, càng giúp được nhiều người, dòng họ Vàng càng phát triển, càng no ấm, con ạ. Hãy giữ và dùng nó con nhé.
6.
Lúc về khác hẳn lúc đi, chúng tôi hầu như không nói với nhau một lời nào. Mỗi người một ý nghĩ, mỗi người một cảm xúc. Cuộc chia tay ở bản thật cảm động với những cái ôm, những nụ cười, những hứa hẹn và thật nhiều nước mắt.
Chuyến xe về xuôi đông kinh khủng. Chúng tôi bị ép ngạt thở, may mà có chỗ gần cửa sổ. Mọi người kêu la oai oái, còn tôi, nhìn ra bầu trời và nghĩ: “Con cám ơn Giàng, đông nữa cũng được ạ!”. Tôi giơ cánh tay lên cao một lúc rồi đặt nhẹ vào vai Thu, nói bâng quơ: “Người đâu ra mà lắm thế…!”. Thu quay nhìn ra cửa nhưng tôi vẫn kịp nhìn thấy nụ cười trên khóe môi của bạn và cũng mỉm cười theo.
Xuống xe, Thu vươn vai, duỗi tay duỗi chân, lẩm bẩm: “Ôi, sướng quá!”. Tôi thì giấu vẻ buồn rầu, nghĩ: “Ôi, hết sướng rồi!”.
Đi cạnh Thu, người treo đủ thứ mà mọi người ở bản “quý lắm mới tặng”, mặc cái áo chàm xanh, đầu đội mũ phớt chú Páo tặng, tôi chẳng khác gì một ông buôn chuyến. Được dăm bước bỗng Thu ôm bụng, ngồi thụp xuống cười ngặt nghẽo. Tôi cũng phá lên cười theo trước con mắt ngạc nhiên của nhiều người đi đường. Thế rồi bạn tự nhiên khoác tay tôi, vừa đi vừa hát nho nhỏ bài gì đó. Còn tôi, tuy xách nặng thế nhưng tôi không đi mà bay, bay trong tiếng hát ấy, bay trong mùi hương như mùi trẻ con của thân thể Thu, bay trong niềm hạnh phúc vô bờ của chính mình.
Đứng trước cánh cổng xanh cũ kỹ quen thuộc, Thu nói trống không: “Cám ơn nhiều! Về nhé!”. Tôi nhìn bạn, cười không nói gì, nghĩ: “Mình sẽ đợi đến năm 40 tuổi, có tin không?”. Bất ngờ, Thu hôn nhẹ vào khóe môi tôi và biến nhanh sau cánh cổng. Sững mất mấy giây, tôi đưa tay đụng nhẹ vào chỗ đôi môi nóng hổi kia vừa chạm vào, quay đi và thất thểu bước. Rồi bất thần phóng như bay, tôi hét to chưa từng thấy: “Giàng ơi, con cám ơn, Giàng ơi!”. Mấy người già ngồi hóng mát bên hè nhìn tôi lắc đầu, chắc đang thương cảm: “Trông thế kia mà bị khùng!”.
Về nhà, tôi nói luôn mồm, hỏi bố mẹ luôn mồm: “Ôi, mẹ có cái áo mới ở đâu ra mà đẹp thế? Con Miu Miu ăn cái gì mà núc ních dễ thương thế hả bố?”. Cơn nói cười đến bữa ăn mới chấm dứt khi mẹ nhắc: “Con gắp đến ba miếng thịt vào bát mà vẫn chưa ăn kìa!”. Tôi ngạc nhiên nhìn bát cơm, bật cười, thẹn thùng, nói: “Sao con yêu bố mẹ thế không biết”, và đỏ mặt. Mẹ nhìn bố cười, khẽ nói: “Hình như có lúc, lâu lắm rồi, ông cũng như thế này, đúng không?”.
Buổi tối, tôi nằm và loay hoay với ý nghĩ: “Mình sẽ vẽ Giàng và treo ở một chỗ trang trọng trong nhà!”. Khổ nỗi, ngoại trừ tiếng sét, tôi chưa được gặp Người, các bạn ạ!
LÊ KIÊN THÀNH
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống số 6 bộ mới
(Còn tiếp 1 kỳ)