Trung du: Tình đất – tình người

 (Đọc Văn học hiện đại tỉnh Phú Thọ)

Vanvn- Giáo trình Văn học tỉnh Phú Thọ là cuốn sách mới ra mắt bạn đọc vào những ngày đầu tiên của năm mới 2022, do TS. Đặng Thị Bích Hồng, TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, TS. Hán Thị Thu Hiền, ThS. Đặng Lê Tuyết Trinh biên soạn. Trong khuôn khổ gần 400 trang sách, các tác giả đã nghiên cứu, hệ thống hóa những thành tựu nổi bật của văn học Phú Thọ, từ dân gian đến thành văn, từ khái quát đến cụ thể, từ phong cách thể loại đến phong cách tác giả. Cùng với đó, công trình song hành quá trình nghiên cứu về văn học Phú Thọ với thực tiễn giảng dạy nội dung này trong chương trình Giáo dục địa phương các khối lớp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Mỗi kế hoạch bài dạy văn học Phú Thọ là một cách thức cá thể hóa chủ đề, thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt của việc vận dụng Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH vào những đơn vị kiến thức khác nhau. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu một bài viết nằm trong tập sách nhiều ý nghĩa này.

Nhóm tác giả biên soạn Giáo trình Văn học tỉnh Phú Thọ, từ trái sang: Hán Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đặng Thị Bích Hồng, Đặng Lê Tuyết Trinh

Quê hương Phú Thọ với nhiều cảnh sắc độc đáo, những giá trị văn hóa phong nhiêu đã trở thành nguồn chất liệu dồi dào cho sáng tác của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Nhà văn Ngô Ngọc Bội chia sẻ: “Vĩnh Phú hiện nay là gia đình lớn trong tôi, thực tình không ngày tháng nào mà tôi không nghĩ tới nó. Tất cả sáng tạo của tôi bằng ngòi bút đều bắt nguồn từ mảnh đất vùng đồi mà ra. Vậy nếu không có những cái chóp đồi ấy để tôi nhún chân vỗ cánh lấy hơi thì rõ ràng tôi không thể bay lên được[1]. Nhà thơ Ngô Văn Phú tâm sự: “Lòng tôi không lúc nào nguôi ngoai về một quê hương mà từ khi tôi chào đời đến nay, mảnh đất trung du đã trải qua bao nhiêu thử thách, vui buồn. Tôi gửi gắm vào thơ lòng yêu quê da diết nhất[2]… Đó cũng là tiếng lòng chung của nhiều nhà văn, nhà thơ sinh ra, lớn lên ở Phú Thọ, có những tháng ngày gắn bó với không gian cội nguồn dân tộc này.

Tình yêu, niềm tự hào về quê hương Phú Thọ gắn liền với niềm tự hào về bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước. Cũng giống như Nguyễn Đình Ảnh đứng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh mà cảm khái “chào đất nước”, Hà Văn Thể từ đỉnh non Hùng nghĩ về rộng dài sông núi Việt Nam:

Ngọt núi Hùng xanh lộc mát sau mưa

Khát vọng của cha ông vẫn đời đời cháu con tiếp nối

Xin cúi mình trước cây đại già nghìn tuổi

Mà nghe sông dài núi rộng cất lời ca.

(Đi hội đền Hùng, Hà Văn Thể)

Kim Dũng từ mảnh đất Minh Nông nghĩ về chiều dài nền văn minh lúa nước:

Các vua Hùng gieo nắm thóc nơi đây

Buổi dựng nước vua tôi cùng cày cấy

Làng Minh Nông có tên từ thuở ấy

Hạt mùa xưa để giống đến bây giờ

(Từ Minh Nông nghĩ về cây lúa, Kim Dũng)

Cũng vì bề dày truyền truyền thống lịch sử văn hóa, quê hương các vua Hùng gợi niềm “bâng khuâng” cho cả những khách “đi qua” vùng đất Tổ:

Đi qua xóm núi Thậm Thình

Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm

Vua Hùng một sáng đi săn

Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này

Dân dâng một quả xôi đầy

Bánh chưng mấy cặp bánh giầy mấy đôi

(Qua Thậm Thình, Nguyễn Bùi Vợi)

Tình yêu ấy, có khi bắt nguồn từ những cảnh sắc bình dị, thân thương của mảnh đất trung du. Hình ảnh rừng cọ đồi chè, âm vang những câu ca Xoan Ghẹo đã trở thành một dấu triện riêng thể hiện đặc trưng văn hóa đất Tổ:

Chiều sương mơ hồ dăng

Khói chìm ngang lũng nhỏ

Nắng mềm pha với gió

Điểm đôi tàu cọ tơ

 

Chè xanh chân dốc xa

Nhịp cùng tay em hái

Gặp câu Xoan đọng lại

Búp đằm lưng gió hương

(Chiều quê trong ký họa, Hoàng Hữu)

Từ góc nhìn của một họa sĩ, Hoàng Hữu “ký họa” không gian trung du với kỹ thuật “pha” màu độc đáo: pha khói sương cùng nắng gió, pha sắc xanh cùng điệu Xoan, tất cả điểm lên tàu cọ, búp chè, hội tụ đủ hình, sắc, hương… Với khách phương xa hữu duyên gắn bó cùng Phú Thọ như Hoàng Hữu, Phú Thọ đã trở thành quê hương, đã khơi nên thi hứng. Với những cây bút sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, một dáng đất, dáng người cũng đủ gọi về ăm ắp xúc cảm. Đó là ký ức về giếng trường những tháng năm đạn bom khốc liệt, “tiếng máy bay” không át được âm thanh cuộc sống đời thường trong thân thuộc “tiếng gầu khua giếng cạn” và ấm áp “tiếng em cười”:

Để anh yêu từ một tối bình thường

Đêm chiến tranh, soạn xong rồi giáo án

Em vét nước, tiếng gầu khua giếng cạn

Lúc tiếng máy bay xa thoáng tiếng em cười.

(Giếng trường, Phạm Tiến Duật)

Là khắc khoải cố hương trong hình hài một con dốc nhỏ – con dốc của tháng năm tuổi thơ một đi không trở lại, con dốc lưu chứng những thăng trầm được mất đời người:

Tam Nông

đã khi nào ta cùng hẹn về thăm

cái dốc nhỏ không phanh nào dừng được

cái dốc nhỏ quanh co nhiều đoạn vượt

ta đã từng đi trước lại về sau

(Tam Nông, Nguyễn Hưng Hải)

Là nỗi nhớ nếp nhà đơn sơ với tường đá ong, mái cọ:

Nhà quê tôi

Tường rỗ hoa đá ong

Mái nghiêng màu lá cọ

 Đi trên đồi em ơi đừng sợ

Mưa ướt đầm là mưa trong ca dao

(Trung du, Tạ Minh Châu)

Là ngóng vọng bến Đan trong sắc hương mùa mới, nét đẹp diệu huyền chiều không gian “giấu” trọn niềm yêu tha thiết chiều thời gian:

Bến Đan sóng sánh mùa hoa gánh

Cau xanh vòm biếc ánh gương trầu

Nếp nương hương nắng thơm mùa bánh

Giấu cười tươi mới tới năm sau

(Bến Đan, Hà Phạm Phú)

Mỗi tên đất, tên làng vùng trung du đất Tổ đều là một cái tên gợi nhớ, gợi thương trong những người con quê hương phải “lang bạt” xứ người:

Làng Sỏi một thuở

“Xuân Lũng lắm ổi Xuân Lũng ương

Thạch Sơn lắm đá Thạch Sơn sỏi”

Bom Pháp dội lại bom Mỹ dội

Làng cháy mấy lần thân cọ đứt ngang lưng.

Nước giếng Giảng vẫn trong

Sắn Hóc Vai vẫn ngọt

Ngược chợ Bờ tấp nập bến sông Thao

(Làng Sỏi, Trần Nhương)

Và đi liền với nỗi nhớ thương là niềm khao khát được trở về đất mẹ:

Về Trung du, anh về cùng em

Gặp tháng giêng xanh, trắng rừng hoa sở

Câu xoan ghẹo xui lòng anh nhớ

Cô Tấm quê mình đêm hội Tam Nông.

(Sóng ngã ba sông, Nghiêm Thị Hằng)

Phía sau những câu thơ viết về vẻ đẹp cảnh sắc của quê hương xứ sở, sau những “tàu cọ tơ” (Hoàng Hữu), những “giếng cạn” (Phạm Tiến Duật), những “cái dốc nhỏ” (Nguyễn Hưng Hải), những “tường rỗ hoa đá ong” (Tạ Minh Châu), những “ổi”, “đá”, sắn” (Trần Nhương)… là tiếng lòng của con người đất Tổ, là tình quê, tình người, tình đời. Quê hương lưu giữ những tháng năm tuổi thơ khốn khó áo cơm nhưng nồng đượm tình thân:

Tuổi thơ cháu đã đi qua

Những mo cơm độn của bà chắt chiu

Những hôm đứt bữa gạo chiều

Ngóng bà về chợ đìu hiu nỗi lòng

(Nhớ bà, Tạ Minh Châu)

Đó là “tuổi thơ” của một người cháu cụ thể, nhưng cũng là ký ức chung của cả một thế hệ đã đi qua những tháng ngày tuổi thơ đói khổ. Song “tuổi thơ” ấy lại mãi mãi diệu kỳ bởi có sự “chắt chiu”, lo toan, chăm bẵm của “bà”. Đó là hơi ấm của tình yêu thương và đức hy sinh. Tạ Minh Châu đau đáu về miền tuổi thơ và nỗi nhớ bà, Kim Dũng lại lắng cảm xúc trong từng lời ru của mẹ:

Lời ru trong suốt giá gương

Thấy người đói rách thì thương nhau cùng

Lời ru tình nghĩa thủy chung

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

(Nghe mẹ hát, Kim Dũng)

Những tâm tình về ân nghĩa, thủy chung trong lời ru của “mẹ” từ thuở tấm bé đã nuôi dưỡng tâm hồn “con”, để “con” biết yêu thương những phận người “đói rách”, biết nâng niu tình người từ “muối mặn”, “gừng cay”. Lời ru ấy kết đọng truyền thống nghĩa tình từ những câu xoan thời Hùng Vương dựng nước, từ tục ngữ ca dao trong dặm dài lịch sử dân tộc. Đan lồng vào mạch cảm xúc về mẹ, Kim Dũng đồng thời thể hiện những giá trị văn hóa đẹp đẽ của người vùng đồi.

Hà Phạm Phú khi viết về chốn quê lại thao thức cùng nếp nhà đỉnh dốc, nơi lưu dấu dáng mẹ tảo tần “bấm ngón chân bật móng”, nơi khắc tạc vóc cha bàn tay “sần chai/ tưới đẫm đất đai”. Bao nhiêu lam lũ và ân tình cha mẹ là bấy nhiêu lam lũ và ân tình của trung du nguồn cội:

ngôi nhà ta con nhớ

cột cái gỗ xoan, cột con gỗ mỡ

mái cọ gầy cơ nhỡ tháng năm

nền đất giấc trưa con nằm

chênh vênh đỉnh dốc

gánh lúa về phanh ngực gió nam

(Cha, Hà Phạm Phú)

Quê hương Phú Thọ còn là điểm chứng của duyên đôi lứa, nơi khởi nguồn những xúc cảm tình yêu ngọt ngào:

Cơn mưa từ dạo tháng ba

Khung trời loáng thoáng màu hoa nhớ thầm

Gặp em hỏi chỉ sợ nhầm

Bao nhiêu xinh đẹp tưởng cầm trong tay

Cũng nhờ có ngọn gió bay

Khéo xui mình đến nơi này gặp nhau

Cũng nhờ mưa nắng bấy lâu

Câu xoan em hát bắc cầu sang tôi

(Tìm em giữa hội, Nguyễn Ngọc Bái)

Mối lương duyên được chắp từ cơn mưa tháng ba, từ lễ hội đền Hùng, và những nhung nhớ, tương tư, ngóng đợi được đan dệt từ màu hoa, sắc nắng, từ câu xoan… Để cứ mỗi dịp tháng ba về, người thương lại có cớ hẹn nhau, tìm nhau. Duyên tưởng “thoáng rồi lướt qua”, mà tình lại thẳm sâu, khắc khoải.

Ở khu vực văn xuôi, các tác giả cũng chú trọng thể hiện những cảnh sắc độc đáo của quê hương Phú Thọ và đời sống tinh thần phong phú của người trung du. Sao Mai trong ký sự Tìm đất tái hiện lại con đường núi Thanh Sơn dù “Bắt đầu từ phố Vàng vào, đường mới càng dốc tợn” nhưng trong con mắt của những người đang bừng khí thế đi khẩn hoang khi ấy, “Con đường cà phê, có hoa mùa thu, có quả mùa thu, mùi thơm dằng dặc, càng đi càng chả hết”… Dặm ngàn hương cốm Mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế dựng lại sống động những đặc sản ẩm thực và những không gian thân thuộc, đời thường của đồi đất trung du. Đó là cảnh tượng từng đồi cọ lúp xúp nối nhau dọc vùng đất sông Thao: “Lúc thong dong, khi cuống quýt cua ngoặt, con đường đến huyện lị chia hai: Rẽ lên miền cao Yên Lập, tiếp nối mạch đường lan man bên sông bên cọ lẫn trong lúa, cọ lẫn chè, cọ lẫn những mái cọ nắng mưa mòn cũ bồi hồi… đến tận Hiền Lương chiến khu xưa. Nhìn ngang thấy cọ, nhìn xuôi thấy cọ, nhìn lên thấy cọ, nhìn ngược thấy cọ. Đâu đâu đi trên đất Cẩm Khê, lữ khách luôn luôn chờn vờn nơi đáy mắt bóng cọ quây quần, bóng cọ đơn lẻ tiếp nối bên đường như người chạy tiếp sức” (Cọ ngàn xưa thổi động, Nguyễn Tham Thiện Kế). Đó là không gian của ngút ngàn cây trái với trám Liên Hoa, cọ bầu Trạm Thản, dứa, mít ống Phù Ninh, hồng Gia Thanh… Phù Ninh tứ thì hoa trái xanh tươi mời gọi thiết tha: “Về Phù Ninh miền trung du của trung du. Về miền cọ xanh, nón trắng. Về Phù Ninh miền trái ngọt đi em. Ta đón đợi. Về nơi tình người, phẩm cách người hiển hiện vào vị thơm hoa trái. Nước sông Lô mãi còn xanh thắm. Nước sông Thao mãi đắp phù sa. Trang giấy trắng Bãi Bằng mỗi ngày viết dài thêm một điều hay và tử tế. Câu ca Xoan trên môi em đã đằm lại nồng thơm mùi hoa trái ngây ngây” (Miền trái ngọt, Nguyễn Tham Thiện Kế)… Hoa trái nhiệt đới miền trung du ngọt sắc, và con người trung du thì tử tế, thiên lương.

Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn có quá trình gắn bó dài lâu và đặc biệt với quê hương Phú Thọ. Ông được đánh giá là nhà văn của nông dân, nông thôn và làng quê trung du đất Tổ. Trong sáu cuốn tiểu thuyết, bảy tập truyện ngắn và một tập truyện ngắn in chung, có những tập sách mà dấu ấn quê kiểng thể hiện ngay từ nhan đề tác phẩm, chẳng hạn như: Làng Cói Hạ (tiểu thuyết, 1989), Truyện kể trong làng (tập truyện, 1994), Phố làng (tập truyện, 1999), Người quê (tập truyện, 2005)… Văn xuôi Nguyễn Hữu Nhàn vừa tái hiện những vẻ đẹp của thiên nhiên, của phong tục tập quán bản làng, của tâm hồn người thôn quê, vừa phản ánh sự đổi thay của cảnh quê, người quê dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Sức người có thể khiến núi đồi xanh lại, khiến cuộc sống ngày một đủ đầy, no ấm. “Rừng tái sinh, rừng trồng đua nhau mọc làm núi Bặn xanh lại. Khe suối từ trong rừng ngày đêm róc rách chảy ra đến đầu Đát thì nhập lại đổ rào rào thành thác nước trắng xoá. Đồng Hù từ khi có nước được dân làng cày cuốc để trồng lúa. Từ hai vụ lúa nay thêm vụ màu cuối đông” (Chuyện tình Sức Son, Nguyễn Hữu Nhàn). Ngược lại, cũng chính con người, dưới tác động của đồng tiền, trở thành nguyên nhân mai một những truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng quê. “Tiền của về nhanh đến mức chà đạp, đẩy lùi văn hóa tụt về phía sau. Thế là đạo lý cương thường bị đảo lộn. Truyền thống bị tiêu diệt. Sự lố lăng, láo nháo thay thế cho diện mạo bình dị thanh bình ở mọi ngóc ngách của quê hương” (Tèo Vĩ Đại – Nguyễn Hữu Nhàn). Bằng quá trình gắn bó lâu dài với quê hương, bằng con mắt tinh nhạy của một nhà văn hóa học, Nguyễn Hữu Nhàn đã viết nên những trang văn như là sự tập hợp phong phú bức tranh cảnh sắc, phong tục tập quán, văn hóa ứng xử… ở làng quê, và phía sau những trang văn đó, bạn đọc nhận ra niềm thiết tha đồi đất trung du cội nguồn dân tộc.

Có thể thấy, văn học viết Phú Thọ, tiếp nối nguồn mạch văn học dân gian phong nhiêu, là tấm gương phản chiếu những đặc trưng văn hóa vùng đất Tổ. Đó là dấu hiệu của bản sắc địa phương, làm nên diện mạo riêng của văn học Phú Thọ. Trong đà lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cầm bút, nhiều nhà văn Phú Thọ đã hòa tiếng nói riêng mang bản sắc địa phương vào các vấn đề chung của văn học dân tộc, tạo nên những áng văn “ghi dấu ấn cảnh sắc, dáng nét, tâm hồn Việt Nam, nhưng là Việt Nam trong các dáng vẻ cụ thể của nó[3]. Đó cũng là con đường làm nên sự hòa quyện, thẩm thấu giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái riêng cá thể và cái chung phổ quát của văn chương vùng đất Tổ.

B.H

(Trích trong Giáo trình Văn học tỉnh Phú Thọ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022, tr.148-156)

_____________________

[1] Dẫn theo Nhà văn hiện đại Vĩnh Phú, Sở văn hóa Thông tin và Thể thao Vĩnh Phú, 1985, tr.14.

[2] Dẫn theo Nhà văn hiện đại Vĩnh Phú, sđd, tr.14.

[3] Nhà văn hiện đại Vĩnh Phú, sđd, tr.28.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *