“Lược sử văn học Việt Nam” mang tính toàn cảnh

Vanvn- Tác phẩm Lược sử văn học Việt Nam – do nhóm tác giả Trần Đình Sử (chủ biên), Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Vũ Thanh, Lã Nhâm Thìn, Trần Văn Toàn thực hiện. Cuốn sách chọn một cách viết dung dị, hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, song vẫn bao quát được toàn cảnh các cột mốc, các điểm sáng của lịch sử văn học dân tộc từ khởi thủy đến hiện đại.

Lược sử văn học Việt Nam gồm bốn chương, trong đó chương đầu tiên đưa ra một cái nhìn khái quát về văn học dân gian của người Việt, còn ba chương sau lần lượt trình bày ba giai đoạn lớn của lịch sử văn học viết Việt Nam (từ thế kỷ X đến năm 1885, từ 1885 đến 1945, và từ sau 1945 đến đầu thế kỷ XXI) trong sự tương chiếu một cách khá linh hoạt giữa bối cảnh văn hóa – xã hội với tình hình văn học từng thời kỳ. Không chỉ có đóng góp trong việc hệ thống hóa những tri thức nền tảng về lịch sử văn học Việt Nam một cách mạch lạc, khúc chiết, nhóm biên soạn còn khảo lọc kỹ lưỡng, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, đồng thời tận dụng vị thế của một công trình mang tính “lược sử” dành cho đại chúng để phổ quát hóa những góc nhìn cởi mở, mới mẻ và đầy thiện chí về nhiều vấn đề văn học từng gây tranh cãi (như sự kiện Nhân văn – Giai phẩm, tính chất “chính thống” của văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975…).

Đưa ra cái nhìn tổng thể về Lược sử Văn học Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu phê  bình văn học đã cho rằng, Lược sử văn học Việt Nam không chỉ là cuốn sách cần thiết cho bất kỳ người Việt quan tâm đến văn hóa dân tộc mà còn là tài liệu nhập môn bổ ích cho những bạn bè nước ngoài muốn hiểu rõ hơn về văn chương Việt Nam, và hơn hết là cá tính và tiếng lòng của con người Việt Nam được thể hiện qua văn học.

VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *