Truyện ngắn của hội viên mới Y Nguyên

Vanvn- Nhà văn Y Nguyên ở Phú Yên bắt đầu sáng tác, có tác phẩm in báo trung ương và địa phương từ năm 2001. Đã in riêng bốn tập truyện ngắn và có sáng tác in chung trong các văn tuyển.

Nhà văn Y Nguyên

Các tác phẩm chính đã xuất bản: Những đứa con của gió (tập truyện ngắn, 2002), Người không có nơi về (tập truyện ngắn, 2004),Thiên đường không có tòa án (tập truyện ngắn, 2022), Phố núi mù sương (tập truyện ngắn, 2023). Nhà văn Y Nguyên đã đạt được giải khuyến khích cuộc thi “Viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên” năm 2004. Giải 4 cuộc thi “Viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” năm 2006. Giải nhất cuộc thi “ Viết từ trái tim” chủ đề “ Mùa yêu đầu” do công ty cổ phần Bạch Minh tổ chức năm 2014. Giải 3 cuộc thi sáng tác truyện ngắn Đóa hoa đồng thoại năm 2019. Giải B văn xuôi của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2022 (tập sách Thiên đường không có tòa án. Giải nhất cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” do tạp chí Nhà văn và cuộc sống tổ chức năm 2023.

Nhà văn Y Nguyên được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

 

NHỮNG ĐỨA CON CỦA GIÓ

 

Gió gầm gào, cuồn cuộn, đổ xô xuống sườn Tây của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Gió hổn hển vượt đèo, băng suối, luồn lách hối hả qua những tán cổ thụ đại ngàn. Gió men theo nhánh núi xoãi mình ra biển Đông, đắc thắng phi nhanh xuống đồng bằng. Nhọc nhằn của cuộc trường chinh đã khiến gió Nam Lào – lúc vượt khỏi sườn Đông – hóa ra hung hăng, cáu kỉnh. Suốt từ tháng 5 đến tháng 9 gió nóng hầm hập; gió khô không khốc. Những lốc gió xoáy tròn, giật trái, giật phải, dày vò không thương tiếc mọi vật cản trên đường. Đường sá mù bụi. Nhà cửa mù bụi. Đồng lúa con gái đương thì bón bao nhiêu phân vẫn cứ xác xơ, đỏ quạch. Gió thổi mờ mắt, rát mặt khách đi đường. Chỉ đến đêm gió mới tạm dừng cơn cuồng nộ. Gió mệt nhoài, thiếp ngủ để vạn vật kịp hoàn hồn, chuẩn bị sức lực chịu đợt tra tấn kế tiếp vào rạng đông.

…Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống cũng là lúc gió Tây Nam bắt đầu đuối sức. Gió trở nên hiền hơn, dịu dàng hơn như muốn an ủi, lưu lại chút tình với người, với đất trước khi xếp dọn hành trang, giã biệt đồng bằng. Nhưng không! Đó chỉ là sự lắng dịu, ve vuốt tạm thời của một cuộc bàn giao; bởi khi gió Tây Nam vừa im trống, xếp cờ thì đã thấy lao rao cái hơi hướm buốt giá khẽ khàng của ngọn gió mùa Đông Bắc. Trong màn mưa sầm sập trắng trời, gió bấc đổ về mỗi lúc một mạnh thêm. Không quay cuồng đỏng đảnh, gió bấc cứ hun hút, hun hút triền miên cả ngày lẫn đêm, mang theo hơi hơi lạnh của miền cực Bắc như cứa ruột gan người. Gió làm tím tái tay chân, làm khô nẻ những bờ môi thiếu nữ. Gió đuổi đàn chim di cư sải cánh mau hơn về phương Nam. Đêm đêm, gió rít qua mái nhà, rền rĩ ca vang bài ca bất tuyệt về nỗi gian truân của kiếp người.

…Không phải lúc nào gió cũng bạo cuồng, dữ dội. Cuối xuân, đầu hạ, gió nồm mát rượi đổ về trên sóng lúa rập rờn xanh. Những cánh diều chao lượn. những chiếc chong chóng quay tít mù. Thật bình yên. Nhưng rồi cũng chỉ là những khoảnh khắc bình yên. Những khoảnh khắc mong manh như chút bình yên của cuộc đời…

Làng tôi – từ xa xưa – đã có tên gọi: làng Gió…

***

Tương truyền, tổ tiên của họ Vũ là thần Gió. những đứa trẻ mang họ Vũ – khi bắt đầu tuổi ăn, tuổi chơi – đều được nghe kể rằng: Bà Tổ chín đời của dòng tộc là cô gái ngụ cư không cha không mẹ. Ngày ngày, nàng phải ra bãi mò cua, bắt ốc để kiếm cái ăn. Thuở ấy đất rộng, người thưa; cồn bãi suối khe còn hoang vu, không một bóng người. Cô gái nghèo khổ cứ suốt ngày lang thang cùng với gió. Nàng có giọng hát tuyệt hay. Khi nàng cất tiếng hát, vạn vật như sững sờ, vũ trụ như chết lặng – và những con thú dữ gặp nàng cũng trở nên hiền như đất. Nàng đâu biết rằng: cả thần Gió cũng bị mê hoặc bởi những thanh âm kì diệu kia. Những cơn gió – dù hung hãn, bạo cuồng cách mấy – cũng phải dịu đi, nguôi đi cơn tức tối trước giọng ca nàng. Rồi đến một ngày, thần hóa thân làm chàng trai dũng mãnh đến gặp nàng, thổ lộ tình yêu. Như những thỏi nam châm trái chiều chỉ chờ dịp lao vào nhau, mối tình giữa họ cũng nảy nở chóng vánh, cũng hừng hực đam mê, cũng bạo cuồng như nhịp phi của gió và đằm thắm, ngọt ngào như lời ca của cô thôn nữ đương thì. Cuộc giao hoan thần thánh diễn ra vào một đêm không trăng, giữa cồn bãi mênh mông, đong đầy những lời ru của gió. Người đàn bà thiếp đi, ngập tràn hạnh phúc; và trong giấc mơ, tai nàng còn nghe văng vẳng lời thì thầm tự không trung: Ta để lại cho nàng đứa con trai thần Gió. Con chúng ta sẽ trở thành Ông Tổ của một vọng tộc đất này. Hãy cố gắng nuôi dưỡng nó. Vinh quang và hạnh phúc đang chờ nàng…

Cũng tương truyền, cụ Tổ đời thứ 8 ra đời vào một ngày mưa to, gió lớn. Bàn tay trái cụ có dấu son in hình chữ “Vũ”. Cụ bà mới lấy chữ “Vũ” làm họ cho con. Vũ tộc khởi nguồn từ đó. Và sau này, những thành đạt, vinh quang – cũng như những đau thương, mất mát – của dòng họ đều khởi nguồn từ một chữ “Vũ” tiền định. Người họ Vũ, dẫu có tha hương hay cư ngụ chốn quê nhà, vẫn luôn nhớ mình là những đứa con của thần Gió…

***

Tôi sinh ra đời vào một buổi trưa tháng 5; một buổi trưa hầm hập những cơn gió Lào rát bỏng. Chưa khi nào gió Lào tháng 5 lại dữ dội đến thế. Không trung quằn quại, bị bóp nghẹt, rồi vỡ bung theo tiếng gầm gào của gió. Người ta đóng kín các cửa; nhưng gió vẫn luồn lách theo ống máng, theo những kẽ hở mái nhà, rít u u, xộc vào miệng mũi đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, đang hớp hớp những hụm không khí cho phản xạ hô hấp đầu đời. Giấy khai sinh tôi mang tên Vũ Đại Phong. “Đại Phong” là gió lớn; và cuộc đời tôi cũng sóng gió chẳng kém cái tên mang đầy những dự cảm tiền định kia…

Vừa tròn ba tháng tuổi, mẹ tôi bệnh mất. Bố tôi như dại người đi vì nỗi đau. Ôm tôi trong tay, ông ngồi lì bên quan tài vợ, nhìn trân trân vào ngọn nến hồng leo lét. Mắt ông ráo hoảnh. Trong mắt in hình những giọt nến chảy dài, đông cứng trên mặt ván.

Chôn cất mẹ tôi xong, có người bà con xa ngỏ ý xin tôi về nuôi. Chòm xóm cho là ý hay, cố sức nói vào. Thật bất ngờ, bố tôi từ chối. Ông lạnh lùng: Nó mang họ Vũ; là con cháu của thần Gió. Nó phải lớn lên cùng với gió…. Như để hưởng ứng lời bố, ngọn gió ngoài trời chợt lồng lên, lao xao, đắc thắng như ngàn con tuấn mã hí vang một góc trời…

Mới bốn lăm tuổi đời; cái tuổi đang thời sung mãn; nhưng bố tôi không chịu tục huyền. Ông lẳng lặng làm việc, chịu đựng nhục nhằn để nuôi nấng anh em tôi. Ông chịu đựng nhục nhằn với một nghị lực hung bạo, tàn nhẫn; và tôi – thằng Vũ Đại Phong – đã lớn lên, đã trưởng thành từ đôi tay chai sạn của bố, từ những bát cơm mặn mồ hôi bố, từ chiếc roi mây dài mà bố sử dụng không nương tay mỗi khi tôi tỏ ra yếu đuối, đớn hèn…

***

Gia phả họ Vũ ghi rằng: Cụ Tổ đời thứ tư là một võ tướng lừng lẫy. Nhưng con trai ông – Cụ Tổ đời thứ ba – lại không mê chuyện đao thương, côn quyền. Cụ Tam Đại chọn nghiệp văn chương. Cụ đã từng lều chõng đi thi, đậu tiến sĩ, được bổ chức Hàn lâm tu thư, làm việc tận kinh đô. Chốn quan trường muốn no cơm ấm cật, vinh thân phì gia phải biết nhẫn nhục, cúi luồn. Cụ Tam Đại đẫu chọn nghiệp văn nhưng vẫn mang họ Vũ. Cái cốt cách ngang tàng của hậu duệ thần Gió đã khiến cụ không được lòng cả người trên lẫn kẻ dưới. Trong triều, các vị đại thần lắm phen phải bầm gan, tím ruột khi nghe những vần thơ châm biếm; những vần thơ đá động đến chuyện riêng tư không lấy gì làm tốt đẹp của các vị. Nghề đời, kẻ bẩn không thích thằng sạch, kẻ dở không thích thằng giỏi. Nếu thằng giỏi lại là cấp dưới của mình thì càng quá lắm!

Chưa có cớ chính đáng để trả đũa, các vị đành nuốt giận, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Và đây; thời cơ đã đến:

Nhân tiết xuân, hoàng thượng ngự giá cùng văn võ bá quan ra ngoài thành đi dạo. Giữa đất trời rộn ràng xuân sắc, vua cao hứng mở cuộc thi uống rượu, đề thơ. Vị tiến sĩ trẻ người non dạ – trong lúc chuếnh choáng hơi men – đã đọc bài thơ tức cảnh, trong đó có hai câu: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (*)… Lập tức, một vị đại thần bước ra rũ áo, khom lưng: Tâu thánh thượng, cần nghiêm trị kẻ làm thơ phản nghịch…. Tại sao? Trước mặt đấng chí tôn mà hắn dám tuyên bố: chỉ cúi đầu trước hoa mai. Thật là đại nghịch! Một vị khác theo chân: Còn nữa; tâu thánh thượng; hắn là quan văn; hắn “cầu cổ kiếm” để làm gì – nếu không phải là muốn làm loạn…. Các vị còn lại đồng loạt nhao nhao: Phải nghiêm trị, tâu thánh thượng! Vậy là Cụ Tổ tôi bị lột hết mũ áo, bị đục tên khỏi bia tiến sĩ, bị tống ngục.

Ngày giải cụ ra pháp trường, hoàng đế – vốn tiếc tài năng của viên quan trẻ – đã cho người thân tín đến khuyến dụ: Nếu khanh chịu thành khẩn, ăn năn – tội chết có thể miễn…. Cụ Tổ tôi vẫn khẳng khái vươn cổ chịu chém. Bức huyết thư Cụ để lại cho vua có đoạn viết: …Thần chỉ có một cái đầu và một tấm lòng son dâng lên hoàng thượng. Đời người, ai cũng một lần chết. Máu của họ Vũ không thể bị bôi bẩn…

Vợ con kẻ loạn thần được khai ân tha về quê quán. Và Cụ Cố tôi đã chào đời khi những giọt nước mắt tóc tang còn chưa ráo trên khuôn mặt người góa phụ trẻ vừa trải qua cơn ác mộng hãi hùng…

***

Anh cả tôi – Vũ Đại Vũ – là sĩ quan quân đội. Anh cao lớn, khỏe mạnh, tinh thông cả thập bát ban võ nghệ. Thời trẻ, anh từng suýt được chọn vào đội tuyển võ thuật quốc gia; nhưng bố tôi phán – giọng lạnh như băng: Tao dạy võ cho mày để làm chiến binh; không phải để múa may trên sàn diễn! Vốn khí chất hiền lành, anh cả răm rắp tuân lệnh bố, chọn con đường binh nghiệp. Anh cần mẫn hoàn thành chức trách, thăng tiến đều đều. Bố tôi ưng bụng lắm. Ông không bao giờ buông nửa lời khen; nhưng mỗi lần nhìn anh, mắt bố tôi sáng rực, đầy vẻ mãn nguyện.

Anh thứ tôi – Vũ Đại Lộc – vốn không mấy có năng khiếu võ nghệ. Sợ bố, anh cũng phải tập luyện cầm chừng. Nhưng võ công của anh – gắng lắm – cũng chỉ dừng ở mức… tự vệ. Bố tôi thường lầu bầu: Thằng này chắc rồi chẳng nên cơm cháo gì! Thi trượt hai lần vào đại học quân sự, anh hai rụt rè xin bố cho thi trường kĩ thuật. Bố tôi không cản; ông chỉ thở dài: Thôi! Tìm một nghề kiếm cơm cũng được, tao không cấm; nhưng đừng dính chuyện tranh danh đoạt lợi…. Vậy là anh hai tôi sổ lồng. Anh vốn có máu mê kĩ thuật từ bé!

***

Nói sang chuyện tôi. Tôi – Vũ Đại Phong – là một đứa con hoang. Trong ba anh em họ Vũ, tôi có duyên nợ nhiều nhất với chiếc roi mây của bố. Nếu không tin tưởng vào lòng chung thủy của người mẹ quá cố, hẳn bố có thể sẽ nghi ngờ tôi không phải họ Vũ…

Nghe kể lại rằng: lúc bé, mỗi khi có chuyện tức giận, tôi lại nhắm mắt, há miệng, gào đến tím tái cả người. Dữ như bố tôi cũng không thể bắt tôi nín khóc. Anh cả, anh hai phải thay phiên nhau dỗ dành hàng buổi mới êm.

Tôi biết nói rất sớm. Mười tháng đã bập bẹ. Đầy tuổi tôi đã nói được những câu ngắn. Không hiểu do mất mẹ sớm hay do tinh lực dồn cả lên miệng mà thân thể tôi ốm yếu, gầy còm, kém xa các anh. Thiên hạ gặp tôi vẫn trêu đùa: Thằng này nướng một lửa thì sống; hai lửa thì… khét!

Ở trường, tôi học không đến nỗi tồi; nhất là môn văn và những môn… rách việc (theo cách gọi của bố tôi) như vẽ vời, hát hỏng. Khổ thay, không phải cái gì tôi cũng… thông thái. Tôi có thể nhắm mắt đọc thuộc vanh vách bài thơ dài 20 câu; nhưng lại không thể nhớ nổi một bài quyền tứ trụ sơ đẳng mà bố tôi truyền thụ. Sau mấy buổi tập tành không đâu vào đâu – kèm thêm vài trận roi mây vô hiệu quả – bố tôi lắc đầu, chán ngán: Thôi dẹp! Thây kệ mày…. Dù vẫn yêu tôi; một tình yêu xuất phát từ máu thịt, từ những thiệt thòi mà tuổi ấu thơ tôi phải chịu; nhưng bố tôi hoàn toàn thất vọng. Dưới mắt bố, tôi là một thằng vô tích sự. Tôi thiếu những cái bố cần và có những cái bố không cần…

***

Có thể đoán trước rằng: bố tôi không đồng ý với quyết định của tôi; nhưng cơn tức giận của ông – quả tình – tôi chưa lường được. Nhìn tấm giấy báo tập trung Đại học tổng hợp Văn, mặt bố tím lại. Ông gầm lên:

-Không được! Tao cấm!

-Nhưng thưa bố…

Nắm đấm bố tôi nện đánh uỳnh xuống bàn. Nội lực chân truyền của Vũ gia cộng với công phu khổ luyện 50 năm đủ sức làm thớt gỗ lim 4 phân nứt toác. Giọng ông như dao chém đá:

-Không nhưng nhị gì cả! Mày có thể đi làm thợ mộc, thợ nề… tao kệ; nhưng con cháu họ Vũ không được dấn thân vào nghề văn…. Mày nghe rõ chưa?

Thật vô lí quá thể. Tôi bật khóc. Nhìn những giọt nước mắt của tôi, bố dịu lại. Ông thở dài, giọng buồn hẳn:

-Con ơi! Con không biết rằng tai ương lớn nhất của Vũ gia đến từ nghiệp văn chương sao con?

Nhận được thư tôi, anh cả từ đồn biên phòng phía Bắc; anh hai từ thành phố phía Nam đều hộc tốc bay về. “Hội nghị gia đình” diễn ra sau bữa cơm tối. Nghe hai anh thay phiên “vận động” cho tôi, bố chỉ im lặng, rít thuốc lào sòng sọc. Rồi ông đứng dậy, vào buồng. Lát sau ông trở ra, áo the, khăn xếp chỉnh tề, đến trước bàn thờ thắp hương khấn vái. Chúng tôi nhìn nhau, tái mét.

Cháy hết nửa tuần hương, bố tôi đứng dậy, tiến đến tủ thờ. Ông mở khóa, trịnh trọng lôi ra cái tráp sơn đen, đặt giữa bàn… Nắp tráp bật mở. Bên dưới những văn tự ruộng đất, sắc phong vua ban… là một cuộn giấy dó ngả vàng; bên trong chi chít cổ ngữ viết bằng mực Tàu đen nhánh.

-Chúng mày đọc đi. Không đọc được à…. Vậy, để tao đọc…

Thật khủng khiếp. Cứ như trên mây rớt xuống. Từ bé, chúng tôi chỉ thấy bố nai lưng làm lụng, luyện võ – có nghe ông nói đến chuyện chữ nghĩa bao giờ. Vậy mà ông đọc nguyên bản Hán tự vanh vách; sau đó dịch nghĩa nôm. Thì ra, đó là bản di chúc của Cụ Cố – đứa con trai thoát chết sau vụ oan án Vũ gia năm xưa. Di chúc có đoạn viết: …họ Vũ phát tích từ dòng võ tướng, phải tiến thân bằng nghiệp võ. Nếu theo nghiệp văn, tất bị tuyệt diệt. Hậu duệ kẻ nào trái lời sẽ bị truất khỏi dòng tộc…

-Chúng mày còn gì để nói nữa không?

Anh cả, anh hai im lặng. Rõ ràng, các anh đã thua cuộc. Hốt nhiên, có ngọn gió chợt lồng lên trong ngực tôi. Có thể là ngọn gió Lào rát bỏng tôi trót hớp phải lúc chào đời. Cũng có thể là ngọn gió bất khuất mà tổ tiên tôi – thần Gió – đã truyền cho con cháu. Bố tôi – Vũ Đại Quyết – là con của thần Gió. Nhưng tôi – Vũ Đại Phong – tôi cũng mang họ Vũ, cũng là con thần Gió. Tôi đứng phắt dậy, giọng khàn khàn:

-Thưa bố, tiền nhân không phải bao giờ cũng đúng. Ý con đã quyết; bố không cản được con đâu…

Bố tôi lạnh lùng:

-Vậy thì… anh không còn là con cháu họ Vũ nữa.

Chỉ tay ra phía cửa, ông gằn giọng:

-Cút!

Tôi vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại bố. Không bao giờ…

***

Tôi lao theo cơn lốc cuộc đời. Tôi bị cuốn tròn, bị quăng quật, tả tơi không còn manh giáp. Và khi gượng dậy được, chính tôi – Thằng Vũ Đại Phong – cũng đã biến thành cơn lốc; cơn lốc được tạo nên từ những ngọn gió Nam Lào rát bỏng, từ những ngọn gió bấc hun hút thấu xương. Bốn năm vất vưởng ở trường đại học, tôi đã sống bằng cơm; không phải của anh cả mà là của anh hai; cái thằng “rồi chẳng nên cơm cháo gì” như bố tôi thường gọi. Anh hai bây giờ là kĩ sư điện, thu nhập khá. Suốt bốn năm trời, anh phải cắn răng làm việc – không dám nghĩ đến chuyện vợ con – giấu diếm gửi tiền nuôi tôi ăn học. Anh cả thi thoảng mới gửi được dăm đồng “cho em tiêu vặt”. Đồng lương lính chiến của anh xoay xở chừng ấy đã mệt.

Còn bố tôi ư?

Mỗi bận về thăm nhà, anh cả, anh hai – thậm chí – không dám nhắc đến tên tôi trước mặt bố. Bố tôi là một ngọn gió… không, là cả một trận cuồng phong. Trận cuồng phong ấy, trên đường di chuyển, sẵn sàng quăng quật, nghiến nát không buông tha mọi vật cản. Hình như thằng Vũ Đại Phong – kẻ dám cãi lời bố, dám chống lại di huấn của tổ tiên – đã chết, đã không còn tồn tại trong mắt bố. Ngày ra trường, tôi có gửi thư kèm bản photo tấm bằng cử nhân cho bố; nhưng bưu điện đã gửi trả chiếc phong bì còn nguyên chưa bóc. Lí do: nhầm địa chỉ. Nghe kể: từ dạo ấy, bố tôi già đi, suy sụp hẳn…

Không, tôi không còn giận bố. Ngày bố đuổi tôi ra khỏi nhà, quả tôi có giận; cơn giận của nỗi đam mê tuổi trẻ vấp phải lực cản phi lí (hay ít ra tôi; thằng-tôi-mười-tám-tuổi; cho là phi lí). Nhưng khi cái thằng tôi đã đến tuổi “nhi lập”, đã nếm khá nhiều nỗi đau đời, thì những chuyện phi lí ngày nào bỗng trở nên hơi hơi… có lí. Tôi đã vấp ngã, đứng lên, rồi lại vấp ngã. Những cú “ngã ngựa” choáng người, đau xé đến tận óc. Còn may, tôi chưa bị đưa ra pháp trường như Cụ Tổ họ Vũ. Mỗi lần ngã ngựa, tôi lại gượng đứng lên, tả tơi, thâm tím, nhưng vẫn sống; sống để khẳng định rằng tôi là con thần Gió; sống để hiểu và thương bố tôi hơn…

Vừa nhận tiền thưởng tác phẩm đoạt giải, tôi đến cơ quan xin nghỉ phép, rồi thu xếp đồ đạc, vù ra ga. Tôi đã quyết định. Tôi phải về làng Gió; không phải để “vinh quy bái tổ” mà là để gặp bố; để thưa với bố rằng: dẫu bố không thừa nhận tôi thì tôi – thằng Vũ Đại Phong – vẫn là con của bố; vẫn còn giữ được cái đầu và chưa đến nỗi làm nhơ dòng máu những đứa con họ Vũ!

Cậu bạn cùng cơ quan đuổi kịp tôi ở sân ga, chìa ra bức điện khẩn. Bức điện vẻn vẹn mấy từ: Bố mất. Em về gấp…

***

Chiều. Bên nấm mồ mới đắp, ngọn lửa cháy bập bùng, soi rõ từng đường nét khắc khổ trên khuôn mặt 3 anh em nhà Vũ Đại.

Anh cả tôi chợt có cử chỉ lạ. Anh nghiêng người, đưa tay lên cổ nhẹ nhàng gỡ đôi quân hàm 4 sao 2 vạch trên ve áo. Anh nâng niu, cẩn trọng; sau đó đột ngột ném chúng vào lửa. Anh hai bất giác cũng mở cặp táp, lôi ra tập luận án phó tiến sĩ…

Đến lượt tôi, tôi ném vào lửa cuốn tiểu thuyết vừa được giải. Cuốn tiểu thuyết có nhan đề: Những bài ca của gió.

Ngọn lửa chợt bùng lên, bốc cao trong buổi chiều nghĩa trang ảm đạm. Gió từ đâu ùa về, cuốn tung từng cột khói lên cao, cao mãi. Bất giác, chúng tôi đứng cả dậy, mắt ngước lên trời. Sau những lượn khói chập chờn, rõ ràng, tôi nhìn thấy bố tôi; tôi nhìn thấy ông tôi; tôi nhìn thấy tất cả các bậc tiền hiền của Vũ gia đang tựu tề đông đủ trong ánh chiều, đồng thanh cất cao bản hùng ca của gió…

____________

(*) Tương truyền của nhà thơ Cao Bá Quát

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

CON TẮC KÈ XUI XẺO

Tôi là một con tắc kè xui xẻo!

Ai tin thì nghe. Còn không tin thì… tùy!

Mà nói trừ hao cho hết ý thế thôi; chớ biết tỏng sẽ không có thính/độc giả nào can đảm bảo “không”. Dân ta xưa nay vốn máu tò mò, ham của lạ. Mà chuyện này thì – còn phải hỏi – lạ lắm; nội nghe cái mào đầu đã thấy… Bồ Tùng Linh phát sợ! Không sao; chuyện (cơ bản rất là) có thật. Nói thì nói cứng vậy; nhưng chính tôi – đôi khi – cũng đâm… nghi ngờ tôi thì phải, bởi câu chuyện này khó tin quá! Chuyện kể về một con tắc kè… không, chính xác hơn, tự truyện của một con tắc kè – tức thị con tắc kè tự kể chuyện mình. Và tôi, tôi chính là con tắc kè ấy. Tôi đang tự kể chuyện mình. Một câu chuyện phiêu lưu (tạm gọi: Tắc kè phiêu lưu kí – để ăn theo con dế mèn phiêu lưu kí của cụ Tô Hoài chút xíu cho… sang!). Và cũng thành thật xin lỗi trước quí độc giả khó tính kẻo quên: do tôi vốn là con tắc kè (dẫu cho loại tắc kè biết nói/biết viết thì cũng vẫn cứ là… tắc kè!) thế nên câu chuyện này đương nhiên mang ngôn ngữ tắc kè, được viết bằng văn phong tắc kè. Điều ấy khiến ai – chưa quen mùi tắc kè – đọc truyện xong dễ có nguy cơ… sổ mũi! Để phòng xa, tốt nhất quí vị nên thủ sẵn thuốc chống dị ứng, dầu xoa hay cao dán. Và tuyệt đối không nên uống rượu; bởi rượu sẽ làm nặng thêm các triệu chứng xấu khiến giống loài tắc kè tôi dễ có nguy cơ bị qui chụp này nọ. Những khoản nhiễu sự ấy của cõi người thì… ôi thôi, biết rồi, khổ lắm – họ hàng nhà (tắc kè) tôi vốn chán mứa đến tận cổ…

…Ấy là một cuộc hành trình. Cuộc hành trình của tôi – mà sau này tôi mới biết nó mang tên: cuộc hành trình xui xẻo. Cuộc hành trình ấy khởi đầu bằng xe; một chuyến xe đầy nhóc các cư dân chốn sơn lâm hạ cám thượng vàng, sống dở chết dở, lặc lè hạ sơn, đang đêm bon nhanh về phố. Còi hoét. Đèn pin quét loáng. Xe rùng rùng giảm tốc, dừng. Chở gì? Mở bửng! Dở bạt lên coi! A, thú rừng! Allez, đưa xe vào trạm, lập biên bản! Ấy ấy, đừng! “Hàng” của anh Ba…. Đù má! “Anh Hai” tao còn đách ngán nữa là thứ anh… Ba! Mà “Anh Ba” của mày giờ đâu cần mấy món này nữa! Lão đang lo bàn giao công tác đặng đi… Tây! Hê hê! Dám chơi xỏ tụi tao –  chẳng kíp thì chầy cũng… “biết mùi”! Các lồng, cũi được loạn xạ hất xuống. Loạn xạ tiếng gầm gừ, khọt khẹt, quang quác. “Món” gì đây? Tắc kè?  Xu…ỵt, đồ bỏ! Chiếc lồng con lông lốc lăn sang bên, cửa vẫn mở bét. Đám tù nhân tắc kè con lết con bò gắng đạp lên nhau mà “tranh thủ”. Trước lúc lủi được vào bụi rậm, tôi còn kịp nghe gã tài xế ca cẩm cùng tài phụ: Mẹ, biết vầy quăng xe nhảy đại cho xong! Thiệt đúng là… xui xẻo hết biết! Ý ấy của gã tài xế quả chí lí. Đúng là xui xẻo. Nếu không, giờ này tắc kè tôi đâu có phải lê tấm thân bầm dập đâm sầm đại vào cái chái nhà lạ huơ lạ hoắc. Một cuộc đào tẩu hứa hẹn một phần sống chín phần chết. Mà nào đã hết; có chết cũng còn phải gắng gượng bám tường leo lên cao rồi hẵng… chết – để tránh những hàm răng khủng khiếp của lũ chó và mèo…

***

Ấy là một ngôi nhà xui xẻo. Sau này tôi mới biết điều đó; khi chú cún cưng của bà chủ đã bị tống khứ khỏi nhà, bàn giao cho cánh thương nhân chuyên ngành bán, mua, hóa kiếp… mộc tồn! Bà chủ xui xẻo mất chó. Chú chó xui xẻo mất mạng. Còn tắc kè tôi, cũng xui xẻo suýt mất mạng và chính thức mất cái chái nhà nương thân vừa mới chân ướt chân ráo tìm ra! Thiệt tình, tôi rất cám cảnh cho chú cún Bili (tôi nghe bà chủ gọi thế) về cái sự hi sanh khá là lảng nhách bởi “tội tình” chẳng phải do chú gây ra. Tôi cũng ái ngại thay cho bà chủ về thương vụ mua chú cún triệu đồng mà bán lại chỉ hai trăm. Nói ngay, ấy là do tôi theo chủ nghĩa nhân văn; chứ thực tình ra, họ cư xử cùng tôi chẳng lấy chi làm… thiện chí! Chú cún Bili dăm lần bảy lượt còn nhảy chồm chồm toan lấy mạng tôi hòng tâng công với chủ. Còn bà chủ? Tắc kè thì tôi chưa rõ; nhưng cứ trông cung cách bà cư xử cùng đám họ hàng gần xa của tôi thì đủ biết. Kì nhông ư? Chặt đầu, lột da hàng xốc! Rắn mối, thằn lằn? Phẩy tay ghê tởm, hoặc để lũ trẻ mang ná cao su vào bắn chết mang cho gà ăn! May, bà chưa thấy mặt tắc kè tôi. Đúng hơn, bà chỉ biết sự hiện diện của tắc kè tôi đúng cái đêm đầu tiên chú cún Bili bị kí án tử bởi bàn tay từng vuốt ve, cưng nựng chú lâu nay. Trời sinh cái giống tắc kè – như bà con vốn biết – khá nỏ mồm; nhất là quãng đêm khuya. Người nhỏ mà họng lại to; trước khi “tắc kè, tắc kè” ngạo nghễ xưng danh, bao giờ chúng tôi cũng phồng to cổ họng kéo cưa vài tràng âm thanh “rọ..ọt, rọ..ọt….” đầy bí hiểm và đay nghiến. Thứ tiếng ấy, bà chủ bắt đầu nghe từ hôm tắc kè tôi âm thầm nhập cư bất hợp pháp. Nó khiến bà rợn cả người, dựng tóc (ấy là bà đang nhớ đến những âm thanh khò khè, tắc nghẽn trong cổ họng chồng bà dưới đôi tay gọng kìm của gã trai tơ hộ pháp!). Chú cún Bili lập tức thành đối tượng tình nghi số 1. Cái con Bili trời đánh! Nó mắc chứng gì mà lại tự dưng đổ đốn, sinh ra cái giọng “giết người” thế không biết? Giả thuyết ấy càng được củng cố bởi gã trai tơ. Còn ai vào đây nữa! Bữa trước chính tai anh nghe…. Kể cũng đáng đời Bili; ai bảo nó không biết thân, cứ hằm hè cùng gã – lại còn dám lôi rách cả gấu quần!

Và cái đêm định mệnh khiến tôi suýt mất mạng lại diễn ra hết sức vô duyên. Đúng ngay trong thời khắc bình yên nhất – theo tôi. Nhà vắng tanh. Chú cún Bili ban chiều vừa bị tròng cổ giải đi. Bà chủ – yên tâm về cái viễn cảnh đêm nay sẽ được ngủ yên – đang khò khè, tắc nghẽn trong buồng, dưới đôi tay gọng kìm của gã trai hộ pháp! Vắng con Bili răng trắng nhởn, tắc kè tôi cũng yên tâm, mon men ra đứng đầu tường hứng sương. Giá chỉ vậy thôi cũng còn chưa đến nỗi; đằng này, tôi lại dở chứng “rọọt rọọt” một tràng; với mục đích (đầy thiện ý) là bày tỏ nỗi cảm thương cho cái số đen đủi vô duyên của kẻ thù tôi, tức tên cún Bili! Chưa kịp ngậm miệng tôi đã nghe tiếng hét kinh hoàng từ buồng vọng ra, rồi tiếng người (chắc là bị đạp) rơi xuống giường đánh huỵch! Gã trai hộ pháp mình trần nhộng vừa lao ra vừa chửi rủa. Vớ cây đèn pin trên nóc tủ, gã giương lên, soi thẳng đến chái nhà. Sự việc quá bất ngờ khiến tắc kè tôi chẳng kịp phản ứng gì, đứng chết trân trong vũng ánh sáng chói chang, loáng cái đã lia sang đầu tường rồi dừng đúng nơi tôi đang dán mình nhìn lại.

-Ra là mày! Đồ khốn! Đợi đấy, rồi ông…

Một chiếc dép vụt bay, va bốp giữa tường, cách tôi chừng nửa mét. Chiếc thứ hai được điều chỉnh góc bắn, chỉ còn cách năm phân khiến tôi té đái! Giờ thì đến cây cán chổi. May mà sau rốt, cái đầu đờ đẫn của tắc kè tôi cũng kịp hiểu ra là phải chạy trốn. Chỉ cần chậm thêm một bước là tôi đã lãnh đủ ngang lưng cây cán chổi. Mà cũng chỉ cứu được cái lưng là hết – bởi nguyên phần đuôi béo tốt của tôi đã bị cây cán chổi… tiện ngang! Đau thấu óc mà vẫn phải cố chạy nhanh để vọt sang đầu tường bên kia. Trời sinh giống tắc kè vốn lờ rờ, không được cái nết nhanh nhẹn như người anh em họ kì nhông. Ấy vậy nhưng, cái đuôi bỏ lại chiến trường kia đã thức tỉnh bản năng sinh tồn trong tôi. Hấp cái sang đầu tường! Hấp cái lên mái! Ánh đèn pin tai ác vẫn loang loáng quét theo. Hết đường! Bên kia tường, nơi chấm dứt địa phận thuộc giang sơn bà chủ là một khoảng trống tối um. Họ hàng tắc kè chẳng mấy sợ rơi; cái đáng ngại là (ngộ nhỡ) có tên đồng loại nào của con Bili – hoặc một thằng mèo bá vơ – đang giương nanh chờ sẵn! Nhưng loay hoay, lòng vòng mãi bên này thì cầm chắc toi mạng. Bà chủ đang lên cơn điên thật sự. Bà điên vì nỗi hàm oan mà con cún cưng của bà phải lãnh. Đó là dấu hiệu cho thấy tắc kè tôi đừng có mơ màng gì đến chuyện được nương tay, giảm án! Thôi, một liều ba bảy…., tắc kè tôi nhắm mắt gồng lưng phi đại sang miền đất mới, nhằm ngay lên cái vạt gì đen đen trông tựa một tàn cây…

Bị quất đau điếng; nhưng – ơn trời –  đúng là một tàn cây. Một tàn cây trứng cá xùm xòa, nhánh đan mắc cửi. Tuyệt hơn (như sau này tôi khám phá ra) có vài nhánh con de đến sát cửa sổ. Ơn trời lần nữa, Cửa sổ không đóng! Liên tiếp những điềm lành hiện ra cho cho tên tội phạm đầy mình thương tích đang trên đường đào tẩu. Mà – ơ – không; tôi đâu còn là “tên tội phạm”? Ấy là quan điểm, là khái niệm nằm bên kia biên giới. Tôi đã liều mình vượt qua biên giới ấy; và giờ đây tôi là người… ý quên, con tắc kè, tự do…

***

Căn gác xép nhỏ đầy sách (truyện thì phải hư cấu. Đừng ai thắc mắc kiểu vô duyên rằng: giống tắc kè hạ đẳng kia thì biết quái gì chuyện… sách vở? Đến ông đây còn chưa biết nữa là…). Sách ngồn ngộn trong tủ. Sách la liệt trên bàn. Chưa hết, sách còn nghễu nghện hàng chồng dưới sàn. Cuốn nào cuốn nấy bự chảng; sơ ý rớt một trong số ấy lên người cầm chắc… om xương!

Và hết.

Chán thật! Giá có cái gì gặm được thì hay. Sách vở mà làm gì – khi tắc kè tôi vừa trải qua một đêm kinh hoàng, lê lết tấm thân chẳng còn đuôi, mệt lả, đói mềm. Tri thức ư; chuyện vô bổ, xa vời. Không ai mời một con tắc kè ra làm quan, cũng như không ai trong giống loài hai chân còn mang nổi chút đức khiêm cung để hạ mình chịu lắng nghe những chuyện hay ho từ một con tắc kè thông thái! Tắc kè tôi ngán ngẩm nhìn đống sách vở ngổn ngang bằng con mắt ghét bỏ.

Đó là một động thái hơi vội vã!

Nói thế, bởi vì lúc ấy tắc kè tôi không thể biết – không thể ngờ rằng – mình còn sống được và đâm thông thái như nay là toàn nhờ vào đống sách cứu tinh kia. Hay có thể bảo là nhờ ông bà chủ đống sách ấy cũng không sai…. Không phải! Chắc chắn chứ không thể nói là có thể! Chớ tưởng tắc kè tôi đang ngứa miệng, cà kê dê ngỗng. Đó là một ý niệm bắt buộc phải cà kê kẻo độc giả lại hiểu sai. Ông bà chủ sinh ra đống sách, đương nhiên. Nhưng đống sách cũng lại sinh ra ông bà chủ. Nói cách khác, họ là nhất thể, theo cái lí viên dung. Nói thế tức đã nghe mùi Phật gia. Mà đúng, Phật gia…

… bởi đó là những cuốn kinh Phật!

Nhưng ấy cũng là chuyện của mãi sau này. Còn giờ, tắc kè tôi chưa biết (và cũng chưa muốn biết) tí gì về Phật pháp. Tắc kè tôi đang muốn một chỗ trú. Yên thân, tất nhiên; và sau đó kiếm cái gì ăn.

Thì đây, điềm lành thứ ba – và cũng là điềm lành quyết định cho chốn định cư lâu dài của tắc kè tôi – ấy là thái độ của ông bà chủ (đặc biệt là ông chủ) lúc phát hiện ra tắc kè tôi nấp sau kẹt tủ, giương mắt thao láo nhìn ra. Hơi ngạc nhiên. Hơi hoảng sợ; nhưng sau đó thì trấn tĩnh, và còn suýt phá lên cười trước bộ dạng “không đuôi” thảm hại của tôi. Khổ thân chú mày chưa! Sao lại ra nông nỗi này, hở con???

Nhà văn Y Nguyên (giữa) nhận Giải nhất Cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” do Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống tổ chức năm 2023.

Đó là giọng người tử tế đầu tiên mà tôi được nghe từ lúc vô tình đặt chân vô cái thòng lọng bẫy trên cây. Thôi kệ; muộn còn hơn không. Nghe kể, có người từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay chưa bao giờ được nghe lấy nửa lời tử tế!

Cả nhà ông chủ kéo lên xem mặt vị khách không mời mà đến. Bà chủ bỏ phiếu trắng. Cô chủ, cậu chủ thì ra mặt thích chí. Vậy là ổn. Tôi được dọn bữa sáng bằng mấy hạt cơm. Sau đó, muốn làm gì tùy nghi! Để bày tỏ lòng biết ơn, chén chỗ cơm xong, tôi phùng mang, gân cổ hùng dũng nổ một tràng liên thanh – bằng đúng cái giọng đã suýt đưa tôi về chầu diêm vương: Rọ..ọt, rọ..ọt, tắc kè! Tắc kè! Tắc kèèè…

***

Tôi là Con Tắc Kè Xui Xẻo!

Lần này là chính thức, không phải do tôi tự thán. Người ta bảo tôi thế (chính xác: bảo về tôi như thế!). Cái giống tắc kè vào nhà ai thì nhà đó xui lắm! Ai đời lại…. Đó là những lời thì thầm theo kiểu “buôn dưa…”. Tên bay lâu ngày thì cũng tới đích. Đích đến là đâu? Đương nhiên không phải tôi; đích đến là… ông bà chủ, mà nhất là bà chủ. Vì sao? Vì ông chủ mải lo xem kinh Phật, không rỗi hơi. Còn bà chủ là phụ nữ, lại không (chưa) biết xem kinh Phật. Điều ấy có nghĩa: ngoài giờ ở cơ quan + chợ búa + cơm nước cho chồng con, còn lại chút ít thời gian, bà chủ hơi có bị… rảnh. Cả khu phố (bằng bàn tay!) chỉ nhăm nhăm chờ mỗi thời cơ vàng ngọc ấy. Bà chủ ló ra đến ngõ là đầu này ngoắc, đầu kia hú. Thân tình, quan tâm đến mức cảm động! Để sau đó, từ hàng xóm trở về, bước chân bà chủ cứ nặng chình chịch, còn mặt mũi thì ngày càng hằn sâu vết ưu tư. Thi thoảng, nghe tiếng “tắc kè”, bà chủ giật nảy mình, suýt đánh rơi bất cứ thứ gì đang xách, đang mang. Rụt rè ngỏ với ông chủ, ông lạnh băng: Cái đám đánh nó bầm dập; cái đám ong ve xúc xiểm đuổi nó ra đường; đám ấy chẳng sợ xui thì thôi. Mình làm việc phước, sao xui??? Nghe ông chủ nói cứng, bà chủ cũng (hơi hơi) yên tâm. Bà chủ yên tâm thì tắc kè tôi cũng yên tâm. Có điều cả bà chủ, cả ông chủ, cả tắc kè tôi đều chưa lường hết sức mạnh đám đông…

…nhất là khi đám đông ấy bị chọc giận thì ghê gớm lắm, chớ đùa!

***

Cô chú liều liệu trông chừng mấy đứa nhỏ. Bảo chúng tránh xa con tắc kè ra, kẻo mà khốn! Cái giống ấy, hễ bập vào ai là trời gầm cũng không nhả. Lại nữa, miệng lưỡi chúng độc địa lắm! Bữa rồi báo đăng có đứa nhỏ chết…

Nè, ông có chịu đuổi con tắc kè đi không thì biểu? Giống ấy cắn chết con nít, báo đăng kia kìa, ông còn cãi nữa thôi? Ông mà hổng nghe, tui kêu cho người ta vô bắt! Ông muốn giỡn với mạng ông thì mược, nhưng mạng con tui thì không!!!

Thôi rồi, bà chủ nổi tam bành. Món thuốc “báo đăng…” quả là công hiệu!

Thường khi bà chủ lên cơn thì ông chủ nhịn. Nhưng lần này – không hiểu sao – ông cũng tam bành nốt. Có thể vì quá bực dọc. Nhưng cũng có thể vì ông linh cảm thấy nguy cơ thật sự đang kề cổ tắc kè tôi. Dày công nghiên cứu kinh văn, Phật pháp như ông quả là không uổng cơm. Bi, Trí, Dũng đủ cả. Đức Bi, đức Trí ông đã trình làng xong. Giờ đến đức Dũng!

Bà nói phải: miệng lưỡi chúng quả là độc địa. Cái đám buôn dưa ấy…

Á à, định xỏ tui hử? Đúng, tui buôn dưa đấy! Tui ngồi lê đấy!! Được hết!!! Nhưng… ông có chịu đuổi nó đi không???

Lần này thật sự là to chuyện. Lời qua tiếng lại ù cả tai, váng cả óc; tắc kè tôi nghe mà phát hoảng. Hỡi ơi! Lâu nay tôi cứ ngỡ rằng tắc kè tôi sinh ra là để bị xui xẻo mà thôi; ai ngờ giờ này tôi còn bị cáo buộc thêm tội danh gây xui xẻo? Lại nữa, lại còn phạm tội đồng loại với một tên sát nhân từng cắn chết… con nít?? Từng ấy là quá đủ. Bà chủ nổi cơn tam bành hoàn toàn có lí. Đức Dũng của ông chủ quả đáng khen; nhưng hai năm rõ mười, ấy là kiểu nỗ lực không thành công cũng thành Nhân; hay nói gọn hơn thì là: những nỗ-lực-đầy-bất–lực!

Đó là một sự thật cay đắng mà – mãi sau này – tắc kè tôi mới hiểu ra: “bản án” dành cho tắc kè tôi đã được dự thảo, kí tá xong xuôi trước khi phiên tòa nhóm họp! Bởi khi trận khẩu chiến còn chưa chấm dứt, đã thấy ông chủ đùng đùng lên thang, xắn tay, hùng hục vần cái tủ sách nặng trịch sang bên. Đầy ai oán, ông hét chõ vào khe tủ (nơi tắc kè tôi đang thu mình, khoan khoái lim dim). Mày đi đi! Đi cho ưng lòng nở dạ cái đám “buôn dưa”! Tao không giữ được mày nữa! Nam mô Phật! Tao thua rồi! Phật pháp thua rồi! Thua đám “buôn dưa” lắm điều ác độc!  Nam mô…

Đó là một thời khắc đen tối. Tối cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng bởi đã 7 giờ hơn, tắc kè tôi bắt buộc phải lê tấm thân mới vừa lành lặn mà rời căn gác xép, rời xa đống kinh Phật đã dạy tắc kè tôi bài học đầu tiên: Gieo gì Gặt nấy! Ấy là nhờ tắc kè tôi đêm đêm chịu khó bò ra nghe ông chủ trì tụng kinh văn. Phải; gieo gì gặt nấy – có nghĩa rằng kiếp trước tắc kè tôi đã lỡ gieo ác nghiệp nên kiếp này phải dồn dập nạn tai! Đã vậy, tắc kè tôi không hề oán giận số phận; càng không giận ông chủ về chuyện bị đuổi đi. Có điều, tắc kè tôi hơi băn khoăn: ông chủ đuổi tôi kiếp này thì kiếp sau liệu ông có … đang đêm bị đuổi ra đường không? Lạy Phật lạy Trời…

***

Giờ thì tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng: người ta nói không oan; tôi đúng là con tắc kè xui xẻo. Thân tôi xui xẻo đã đành; thôi không kể khổ thêm nữa; nhưng đúng là tôi gây xui xẻo cho sắp lượt những người hữu ý hay vô tình có dính đến tôi! Khởi đầu cho chuyến Tắc kè phiêu lưu kí là phần số đen đủi (như ta đã nghe nói) của thầy trò ông xếp Anh Ba. Thứ đến, dành phần con cún Bili (lạy Phật Tổ từ bi! Cầu cho nó được đầu thai sang kiếp khá hơn!) và bà chủ…

(Chuyện bà chủ cún, sau này nghe ra, còn thòng thêm một đoạn cuối… bi quan hết sức: kết thúc chuyến phiêu lưu trên giường đầy hỉ nộ, chẳng hiểu sao, cả anh (tức gã trai tơ hộ pháp) lẫn ả lại dắt díu nhau cùng dự một phiên đại hình chỉ dành cho các tội danh thuộc hàng trọng án mới ghê!)

Thế nhưng, điều khổ tâm nhất của tắc kè tôi lại hướng về những rủi xui đang đổ lên ngôi nhà có căn gác nhỏ mà tắc kè tôi vừa bỏ lại sau lưng. Tôi bảo “đang” vì nó chưa chấm hết! Giá mà sự ra đi của tắc kè tôi trả lại được ngày xưa cho ông bà chủ – chắc tắc kè tôi sẽ sẵn sàng bò qua cửa sổ mà không có gì phải hối tiếc. Đằng này, đau đầu chưa, hình như cái bình yên quí giá của ngôi nhà, của căn gác nhỏ giờ đã vĩnh viễn… đội nón đi theo cùng với tắc kè tôi! Đừng bi kịch hóa! – ai đó có thể sẽ kêu lên. Không; tôi không bi kịch, không tưởng tượng ra đâu; xin thề đến 3 lần (trên cái đuôi của tôi) rằng: tắc kè tôi biết rõ! Sau đây là những thông tin (hơi có chút riêng tư, xin ông bà chủ tha lỗi) mà tắc kè tôi muốn mang ra làm bằng chứng:

…Đêm ấy, trên căn gác xép lù mù, tiếng đọc kinh của ông chủ nghe cứ rạc rạc rời rời, không sinh khí. Buổi hành trì trôi đi khá miễn cưỡng bởi, xem chừng, ông chủ hết sức mất tập trung. Trông ông khắc khoải, bất an. Thi thoảng, ông liếc nhìn lên cái kẹt tủ trống trơn. Chán, lại thẫn thờ trông sang đôi cánh cửa sổ giờ im ỉm then cài. Bất cứ tiếng xạc xào, rột roạt nào vọng tự bên ngoài cũng khiến ông căng tai chú ý. Chú ý, để rồi mặt thần ra thất vọng khi nhận ra đó chỉ là tiếng thạch sùng đớp muỗi – hay tiếng lũ dơi phành phạch ngược xuôi bói tìm quả chín trên tàn cây trứng cá tối um…

Giờ công phu thường lệ đã xong mà ông chủ vẫn chưa chịu tắt đèn. Ngồi im như tượng, ông trù trừ. Ông suy nghĩ. Ông thở dài. Rốt cuộc, ông chép miệng, lọ mọ trong đêm đi tìm thêm cuốn kinh Sám Hối…

Thời kinh tụng dứt, ông chủ quì thẳng người, chắp tay hướng bàn thờ Phật, miệng lâm dâm:

Kính lạy thập phương chư Phật, thập phương chư Bồ Tát chứng giám, con xin nguyện hồi hướng trọn công đức hành trì cho con tắc kè đáng thương mà con đã lỡ xử ác trưa nay. Cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát mở lượng từ bi phù hộ độ trì cho nó được nạn khỏi tai qua…. Tắc kè ơi! Nếu mày không tìm ra chỗ náu nương, có nguyện vọng quay về chốn cũ, ta xin rộng cửa đón mày trở lại. Ta nguyện bảo vệ sự bình an cho mày, bất kể chuyện gì xảy đến. Nam mô…

Có cảm giác là lạ sau lưng; ông chủ chợt dừng ngang, quay phắt lại. Thì ra là… bà chủ. Lần đầu tiên, khi ông chủ đang hành trì, bà chủ chịu lên gác. Những lời khấn khứa của ông chắc là bà nghe rõ. Và (lạ chưa!) bà cũng… đang quỳ – im như tượng, cúi mặt, chắp tay…

***

(Vĩ thanh hay Lời Người Chứng)

Kết thúc có hậu cho câu chuyện này có vẻ thật quá sức; nó đi ngược lại với những cái logic lẽ ra… mà người ta thường vẫn biết, vẫn tin. Ấy thế nhưng, tôi không thể làm khác hơn vì sự thật vốn thế (lần này là sự thật trăm phần trăm!)

…Con tắc kè xui xẻo của chúng ta đã trở lại!!!

Phải, ngay ngày hôm sau nó đã trở lại, đã trở về căn gác nhỏ, mang theo chút ánh sáng cuối đường hầm giúp lấy lại niềm tin cho những tâm hồn cao thượng.

Muốn mầm cây hướng thiện được tưới nước, bón phân – thì hành trình xui xẻo của nó phải kết thúc!

Và đúng, nó đã kết thúc. Bằng chứng là nó, con tắc kè xui xẻo ấy, đã an cư lạc nghiệp trong cái kẹt tủ hôm nào đến hơn dăm tháng mà chẳng có chuyện gì xảy ra thêm nữa. Có điều, lần này thì nó im lặng, tuyệt đối im lặng; không kể lể gì thêm ngoài những chuyện đã lỡ mồm ba hoa…

Có điều, cẩn tắc vô áy náy, ông chủ mỗi bận lên sửa soạn hành trì vẫn kê môi thì thầm vô kẹt tủ: Chú mày khôn hồn thì giữ mồm giữ miệng! Chớ có mà chọc giận mấy mụ buôn được.

Y NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *