Nhân quả – Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

Vanvn- Thuở xa xưa, người làng biển còn thưa thớt. Cá chù, cá ồ, cá thu… nhiều vô kể. Khi ấy, cái khum giống như trạm gác cá. Người trực các trạm gác cá phải có đôi mắt thật sáng mới thấy cá quẫy từ xa mà kêu gọi thợ bạn lên thuyền dong ra biển buông lưới bao vây đàn cá.

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng ở Phú Yên 

1. Trời nắng như đổ lửa. Bãi biển trở thành thảm lửa than li ti. Thằng bé đầu trần, chân đất, tóc vàng cháy, da đen nhẻm di chuyển trên bãi biển theo phát minh của riêng nó khiến cho ai thấy cũng phì cười. Nó đứng trên cái bao xi măng này là bắt đầu ném cái bao xi măng kia về phía trước. Cứ thế nó đi trên cát bỏng bằng hai cái bao xi măng bằng cách cuốn chiếu. Điểm dừng của nó là cái khum lợp bằng lá dừa, sườn tre vững chãi.

Không biết ai đã thiết kế cái khum đặt trên bãi biển làng Triều Khê nhưng có lẽ nó ra đời cả trăm năm rồi cũng nên. Cái khum như một nửa khúc trên của mái bếp ở làng biển ngày xưa lợp bằng lá dừa có thể di động trên bãi biển một cách dễ dàng chỉ cần bốn người đàn ông khỏe mạnh kề vai bốn góc khiêng từ nơi này đặt sang nơi khác. Điều thú vị là cái khum ra đời từ khi ngư phủ hành nghề trên biển còn sơ khai, phương tiện đánh bắt cá còn thô sơ cho đến bây giờ nghề biển đã hiện đại thì cái khum vẫn hữu dụng như thường. Thuở xa xưa, người làng biển còn thưa thớt. Cá chù, cá ồ, cá thu… nhiều vô kể. Khi ấy, cái khum giống như trạm gác cá. Người trực các trạm gác cá phải có đôi mắt thật sáng mới thấy cá quẫy từ xa mà kêu gọi thợ bạn lên thuyền dong ra biển buông lưới bao vây đàn cá. Cái khum còn là nơi nghỉ mát của ngư dân vào những buổi trưa hè. Ấm nước trà đặc quánh được chủ khum rót ra từng chén mời bà con hàng xóm, bạn bè đi biển. Những khi thuyền về bến cá bạc đầy khoang, bạn hiền ngồi trong khum với chai rượu đế, mồi nhắm là những con cá, con mực tươi roi rói được chế biến ngay tại chỗ ngon phải biết.

Thằng bé sử dụng cái khum vừa để ngồi nghỉ mát, vừa đào cát giấu những con cá mà nó đi “lưới mười” (bốc cá trộm). Thường thì sau khi thuyền cập bến, nó hành nghề “lưới mười” đem về cho má nó một nửa số cá, còn lại một nửa nó cất giấu để đổi bánh kẹo, đồ chơi. Cái khum của ông Năm Nghê là nơi giấu cá an toàn. Có lần tình cờ ông Năm Nghê phát hiện giữa trưa thằng bé đào cát lấy cá trong khum. Nó còn đang sượng sùng, lo ngại thì ông Năm Nghê đã lên tiếng: “Ông biết cháu giấu cá ở đây lâu rồi. Ông sẽ tiếp tục giữ bí mật cho cháu”.

Ông Năm Nghê thương nó mồ côi cha lại hiền lành, lanh lợi, siêng năng. Ông thường sai nó mua gói thuốc lá, chai rượu, bì trà… Mỗi lần như vậy nó co giò phóng ào ào trên cát nhắm quán cóc phóng tới rồi đem các thứ về một cách đầy đủ. Ai nói gì, nó cũng nhe răng cười hì hì chứ không cãi lại, không nghịch ngợm như bao đứa trẻ khác cùng lứa. Có những lần ông Năm Nghê cho nó tiền còn thừa. Nó nhìn ông cười hiền: “Ông cho tiền thì con nhận nhưng ông không cho thì con cũng vui vẻ giúp ông thôi”.

Nó sống với má và bà ngoại. Nó “mồ côi” cha từ khi mới chào đời. Ba nó thấy con gái bà Lành cuối xóm nước da trắng hồng, nụ cười lúm đồng tiền duyên ngầm nên đóng đinh không cho thằng con trai nào léng phéng đến gần. Má nó tuổi thân nên bà ngoại đặt luôn tên Thân. Cô Thân hay tủi thân vì nhà mình nghèo gặp được ba nó tên Ân cứ ngỡ gặp người ra ơn cứu vớt nên không ngần ngại nhận lời yêu ba nó.

Hằng ngày, bà Lành gánh mắm đi bán dạo khắp vùng. Ở nhà chỉ có Thân và Ân. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Thân ăn cơm trước kẻng. Gã Ân bạc tình khi biết cái bào thai mỗi ngày một lớn liền quất ngựa truy phong. Bà Lành thân cô thế cô đành ngậm đắng nuốt cay nuôi con, nuôi cháu. Nó lớn lên được bà ngoại đặt tên là Chạy. Cái tên của nó không chỉ nói lên người cha bạc tình trốn chạy mà còn ứng với đôi chân rắn chắc, mau lẹ.

2. Có lần Hiên ở cuối xóm gặp Ân đang đi ra biển, nó liền chặn đường nói nhỏ: “Thằng Chạy giống hệt anh đó”. Ân nói giọng lạnh băng: “Nó giống ai thây kệ nó. Em rảnh quá ha”. Hiên như bị tạt gáo nước lạnh vào mặt.

Hơn một lần ông Năm Nghê thấy Ân đang ngồi trên bãi biển nhậu nhẹt với đám bạn, ông gọi thằng Chạy lại chỉ tay: “Ba mày đó”. Thằng Chạy xịu mặt: “Má con nói con là đứa con rơi ông Năm à!”. Ông Năm Nghê chợt thấy chạnh lòng ôm thằng bé xoa xoa trên đầu nó: Đúng rồi cháu, không có ba cũng đâu có sao”. Ân là con trai làng chài nhưng chưa bao giờ anh ta nhảy thuyền ra khơi đánh cá như bao người con trai khác. Nhà Ân giàu có. Má Ân chuyên cho vay nặng lãi. Ân không làm vẫn có tiền xài đều đều.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Thân đúng là gái một con trông mòn con mắt. Cuộc sống đạm bạc vẫn không làm nhan sắc phôi phai. Trái lại, càng ngày cô càng đẹp. Một doanh nhân trẻ thành đạt trong một lần dự lễ hội cầu ngư ở làng biển Triều Khê nhìn thấy Thân như gặp người hẹn thề từ kiếp trước. Dương bị tình yêu sét đánh. Một lần dang dở, Thân càng thận trọng trong mối quan hệ tình cảm. Nhưng rồi, chàng trai lịch sự, tinh tế, ân cần, chân thành đã khiến con tim cô thổn thức. Thân hiểu thế nào là tình yêu đích thực, nó thánh thiện, ngọt ngào chứ không miễn cưỡng như lần đầu tiên gặp Ân.

Dương là con một. Ở công ty, anh không thiếu các cô gái đẹp vây quanh nhưng ở cái tuổi trên ba mươi, người anh chọn lại là cô gái đã một lần lỡ bước. Má Dương khi biết con trai có người yêu là gái một con thì hụt hẫng lắm. Còn ba Dương lại có cái nhìn thoáng hơn: “Mình cứ gặp một lần xem sao? Tôi tin ở sự sáng suốt lựa chọn của thằng Dương”. Thế là má Dương bí mật tiếp cận Thân. Nhìn gương mặt hiền lành, bà nhủ thầm: “Người đẹp thế bảo sao thằng Dương nhà mình không nghiêng ngả”.

Má Dương vào vai một đầu nậu thu mua hải sản xởi lởi, dễ gần. Hơn một tiếng đồng hồ khai thác khéo léo, Thân thiệt thà tâm sự về thân phận bèo dạt hoa trôi của mình. Rồi cô lại kể về những ngày tháng đến với Dương: “Chắc con phải trốn khỏi nơi này! Con không xứng đáng với tình yêu mà anh Dương dành cho. Ảnh đẹp trai, là giám đốc của một công ty nổi tiếng. Còn con là gái đã có con, gia cảnh bần hàn thế này thì làm sao ba má ảnh chấp nhận? Con đã một lần dang dở. Một lần tai tiếng. Bây giờ lại trèo cao té nặng chắc má con không chịu nổi”. Nước mắt của người phụ nữ đơn thân chảy nhiều hơn. Má Dương hiểu rõ sự tình, bà cũng không cầm được nước mắt: “Trong chuyện tình này con không có lỗi gì hết. Nếu con bỏ nhà ra đi thì chàng trai đó sẽ rất đau khổ”.

Bao năm qua vợ chồng bà ao ước có đứa cháu nội nối dõi nhưng Dương không chịu lấy vợ. Giờ đây có lẽ duyên đã tới. Nghĩ thông suốt như vậy, bà trở nên vui vẻ: “Con hãy nghe lời cô, đừng tự ti mà chối bỏ một người con trai hết lòng yêu con. Một khi trai gái có tình yêu thật sự thì không có gì chia cắt được”.

Hôm sau, vừa xuống ô tô, Dương đã lao vào nhà Thân như cơn lốc: “Anh chúc mừng em!”. Thân ngơ ngác: “Chúc mừng em chuyện gì vậy?”. Hôm qua có một người phụ nữ thu mua hải sản đến nhà em, đúng không?”. Thân càng ngạc nhiên hơn: “Nhưng làm sao anh biết”. Chàng cười bằng mắt: “Má anh đến thăm dò em đó! Gia đình anh đã đồng ý cho anh đến với em rồi!”. Thân choáng ngợp trước hạnh phúc bất ngờ. Họ ôm nhau vui mừng khôn xiết.

3. Thân lấy chồng có địa vị, giàu có lại là trai tân khiến cho người làng chài Triều Khê ngưỡng mộ. Nhưng cũng có người kém vui nếu không nói là hậm hực. Bà Ngãi (má của Ân) huênh hoang với hàng xóm: “Nay mai tôi sẽ cưới con gái trẻ đẹp cho thằng Ân để mọi người xem”.

3 tháng sau kể từ ngày Thân đi lấy chồng, một đám cưới hoành tráng nhất từ trước đến nay diễn ra ở làng chài Triều Khê. Mai (vợ Ân) hai mươi mốt tuổi không nghề ngỗng, sống điệu đà, xài tiền như nước. Mai bảo Ân mua ô tô là có ô tô, xây nhà lầu là có nhà lầu và tiền đều do bà Ngãi chi. Từ ngày bà Ngãi cưới vợ cho Ân, đôi vợ chồng sành điệu ăn chơi, biếng nhác lao động đã ngốn của gia đình số tiền khá lớn. Bà Ngãi bắt đầu chán ngán con dâu, đau đầu con ruột.

Năm ấy, làng chài Triều Khê vỡ nợ như cơn động đất dây chuyền kéo theo hàng loạt gia đình mất hết tài sản. Ngày ngày dòng người rồng rắn đến nhà bà Ngãi đòi nợ tiền vay vì bà Ngãi vay tiền của họ đem cho mọi người vay lại với lãi suất cao. Giờ các con nợ của bà Ngãi sống vất vưởng. Bà Ngãi không còn khả năng trả nợ. Thế là nhà cũ, nhà mới, đất cũ, đất mới, ô tô, xe máy… đều thuộc về các chủ nợ. Đau nhất là cô con dâu trẻ đẹp thuộc về người khác. Nàng ra đi không lời từ biệt.

Những ngày sống cơ cực, Ân thường nhớ đến Thân, nhớ đến thằng con trai mà Ân không thừa nhận. Còn bà Ngãi thì nghe nói sau này thường mon men theo thằng Chạy, đứa trẻ mà ngày trước bà không thèm nhìn mặt một lần.

TRẦN QUỐC CƯỠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *