Chăm người bệnh – Truyện ngắn của Văn Giá

Vanvn- Phòng bệnh nhân có 4 người. Cả 4 đều là đàn ông.

Người thứ nhất là một quân nhân đi chống bão giúp dân ngã từ mái nhà xuống đất, bị chấn thương sọ não, liệt nửa người, điều trị đã nửa năm, đang tập ngồi. Gọi là bệnh nhân số 1. Bệnh nhân này nói đã tròn vành rõ tiếng, nhưng thỉnh thoảng mới khoan nhặt đôi câu. Việc chính của anh ta là ngủ. Chả biết có ngủ thật hay không mà thấy anh ta nhắm mắt im lìm suốt.

Nhà văn Văn Giá

Người thứ hai là một cậu chàng rất trẻ, mới ngoài ba mươi. Nghe bảo bị cao huyết áp thế rồi kịch phát thành tai biến nặng, phải mổ sọ. Cũng đã chữa chạy già nửa năm rồi. Chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Có lần chuyển do bác sĩ gợi ý. Có lần nghe người ta mách chỗ này chỗ nọ có bác sĩ giỏi, thuốc tốt…Hiện giờ cũng vẫn chưa nói được. Suốt ngày ú ớ. Muốn uống thì lấy tay chỉ mồm. Muốn ăn thì thêm động tác nhai nhai tóp tép. Muốn ỉa đái thì chỉ vào chỗ ấy, kêu a a…

Người thứ ba là một cán bộ hàng huyện, còn già năm nữa về hưu, cũng bị tai biến. Thấy bảo đấu đá tranh giành ghế trong cơ quan bị trượt, tức nổ đóm đóm mắt, kịch phát tai biến. Hiện bệnh nhân số 3 này nhẹ hơn. Đã nói được đôi câu. Ăn uống, ỉa đái biết chủ động. Riêng những lúc đi vào nhà vệ sinh, có người đứng canh cạnh cửa.

Còn bệnh nhân thứ tư, gã đấy. Gã là người duy nhất trong phòng không bị tai biến. Gã bị què chân, đi tập tễnh. Bác sĩ bảo gã bị gai khớp cổ chân. Bệnh dưới chân mà lại bị xếp vào phòng cùng với ba ông tai biến? Lúc mới vào gã cũng chẳng để ý lắm. Ngày đầu tiên gã thấy bệnh nhân số 1 được người chăm dạy cho tập nói. Gã tưởng chỉ một người ấy tai biến. Hôm sau lại thấy cô vợ của bệnh nhân số 2 dạy chồng nói: “Bà…bà…”. Hôm sau nữa, bệnh nhân số 3 cũng lại bị vợ chỉnh cho, anh nói cho nó đủ câu, chứ cứ giấy giấy thì ai biết…Giấy đi ỉa hay giấy chùi mồm?

Những bệnh nhân nặng như thế có người trông là phải. Riêng gã một mình, cộng thêm ba mụ đàn bà đi chăm nữa thành ra cả phòng có bẩy.

Bệnh nhân số 1 có một người phụ nữ trung tuổi chăm nom do gia đình thuê. Bà ta làm nghề trông người ốm ở bệnh viện đã gần chục năm. Bà ta bảo cả làng em có đến gần trăm liền bà đi làm nghề này, phần lớn là cánh nạ dòng sồn sồn, chứ con gái chúng nó ít đi, phải chồng con xong thì chúng mới đi. Gã bệnh nhân số 4 hỏi, chị có muốn trông người già ở tại gia đình không? Gã chợt nghĩ đến bố mẹ già của gã. Hai cụ ở xa. Chỉ có mình gã là con trai. Rồi sẽ đến lúc các cụ ngã bệnh ra đấy, chắc cũng phải tính nước đi thuê người chăm. Bà ta bảo, không, em thích làm ở bệnh viện hơn. Chứ về nhà người ta lắm việc lắm. Đâu chỉ có chăm bệnh nhân. Người ta sai thêm việc. Với lại mình thấy việc mà không làm thì ngứa mắt, mà làm thì mệt, ai tính công cho. Nên em cứ là ở viện, hết việc rảnh tay. Mà làm cái nghề này cũng phải có tâm. Chứ lại lười biếng, cáu gắt người bệnh, ăn bớt ăn xén của người bệnh thì ai người ta mướn… Đang nằm ngửa tênh hênh, nghe thế, bệnh nhân số 1 trở người quay mặt vào tường.

Lúc bà ta có việc đi ra ngoài phòng, cô vợ trẻ của bệnh nhân số 2 bảo, ôi, tùy tính từng người. Hôm cháu chăm chồng cháu ở bệnh viện H, có một bà được thuê chăm một ông, cứ đến khoảng 10h đêm là cho bệnh nhân uống thuốc ngủ, rồi tót ra ngoài đi với giai suốt đêm, sáng sớm mới về. Bệnh nhân số 4 hỏi, sao lại biết người ta cho uống thuốc ngủ, rồi lại đi ngủ với giai? Trả lời, thì cứ thấy ông ấy mệt dần, bệnh tình nặng thêm. Người nhà yêu cầu bác sĩ khám. Xét nghiệm. Kết luận là lạm dụng thuốc ngủ nên suy nhược thần kinh độ cao. Người nhà tá hỏa. Truy ra mới biết bị nhồi thuốc ngủ nhiều ngày.

Thế còn cái chuyện đi ngủ với giai?

Thì khi chuyện vỡ ra, mấy bệnh nhân trong phòng, rồi người nhà bệnh nhân, họ mới tố ra thế. Làm sao qua mắt được quần chúng?

“Cái cô ấy có xinh bằng cháu không?

Ối dào, xinh hay không tùy mắt mỗi người chứ. Mà cháu thì xấu mù chứ xinh gì.

Cười. Bà chăm bệnh nhân số 3 hùa vào, mày không xinh thì làm sao thằng chồng mày nó yêu. Nó đẹp giai như diễn viên Hàn Quốc thế kia, chứ lị không ư. Cô vợ thẹn đỏ mặt, kiêu hãnh, bà ấy làm sao xinh được bằng cháu. Hí hí…Nói đùa chứ, bà ấy già rồi, phải ngoài 40 rồi. Bà chăm bệnh nhân số 3 ngâm: “Chính chuyên chết cũng ra ma…”. Chưa hết câu, bà lăn ra giường cười hơ hơ.

Đáng kể nhất là bệnh nhân số 2. Hắn thuộc loại cao to. Nằm dài hết một cái giường mét tám. Vợ hắn bảo hiện còn một mảng xương sọ đang gửi nuôi ở bệnh viện, khi nào khỏe thì mới vá vào, giờ đang đậy tạm một lớp da. Vợ hắn ròng rã chăm nuôi. Mấy đứa con nhỏ vứt lại cho ông bà nội lo. Mà cô vợ thì nhỏ, thấp. Đôi này đi bên nhau trên đường, chắc giống số 10. Tay chồng thuộc loại có mẽ đàn ông. Da trắng. Râu quai nón. Mỗi lần được vợ cầm bàn cạo điện lia trên cằm trên mép, hắn rên ư ử, tay khua lia lịa, ra chiều sướng. Cô vợ tuy nhỏ nhưng được cái dễ coi. Nước da ngăm đen của người quen lao động ngoài trời. Sức vóc có vẻ dẻo dai. Mỗi lần nhìn cô ta dựng chồng ngồi dậy, thật phát nể. Mà cô ta làm cứ nhẹ như không. Một đứa già bốn chục cân, dựng cái thằng tám chục cân dậy, lại ghé vai cho nó dựa, rồi đấm lưng, bóp chân bóp tay cho nó, ngày nào cũng thế dăm bẩy lần.

Ở nhà vợ chồng làm nghề gì?

Cháu có tí ruộng, thêm quầy bán tạp hóa tại nhà, còn chồng cháu làm thợ cơ khí.

Có đủ ăn không?

Cũng tạm tạm bác ạ, đủ nuôi con.

Mấy con rồi?

Dạ, nhà cháu ba đứa.

Trời, trẻ thế này mà đã ba đứa?

Đẻ một thể rồi nuôi một thể, khi chúng lớn còn phải làm ăn bác ạ…

Cái thằng chồng còn trẻ thế mà đã cao huyết áp. Thấy bảo bệnh cao huyết áp bây giờ tỉ lệ người trẻ mắc ngày càng nhiều. Cao huyết áp dễ sinh tai biến, nhồi máu cơ tim. Cô vợ bảo buổi chiều nhà cháu đang chơi bóng chuyền, tự nhiên ngã vật ra. Gọi xe cấp cứu chở đến bệnh viện, phòng trực không có một ai. Cháu mới gào lên. Một cô y tá chạy đến. Cháu bảo gọi ngay bác sĩ cho tao. Dễ đến nửa tiếng sau bác sĩ mới đến. Xem qua, cho làm giấy, điều xe cấp cứu chuyển lên Hà Nội. Cháu điên cái vụ này lắm. Giá bác sĩ không bỏ trực, đâu ra nông nỗi.

Cô vợ này là người yêu chồng. Cứ trông cái cách chăm của cô ta thì biết. Mỗi lần thằng chồng ỉa ra quần, cô ta lại đeo găng, tay cầm bô, tay cầm giấy đứng bên cạnh giục chồng rặn mạnh. Rồi lau chùi từng li từng tí một. Đi đổ bô, rửa ráy xong, cô vợ lại trêu chòng, ăn gì mà ị thúi thế hả chồng? Thằng chồng nghe thấy, cười cười, ngường ngượng. Cô vợ lại dạy thằng chồng học nói. Nào, “bà” nào. Thằng chồng há mồm: “bà… bà”. “Vợ ơi nào”. Thằng chồng “ạ… a”, nói xong cười trừ. Cô vợ lại lườm cho một cái, “vợ” cơ mà, đừng có giả bộ thế. Nào, “vợ ơi…”. Thằng chồng lại “à…a”… Chán lắm. Chịu khó tập nhanh khỏe rồi còn về với con. Nói đến con, thằng chồng lại “ờ …ờ”, mắt chớp chớp, loang loáng ướt.

Giữa sáng. Sau khi bác sĩ thăm khám, tiêm, phát thuốc là đến lúc các bệnh nhân được người chăm nom cho tập luyện. Nhẹ thì xoa bóp. Nặng thì nâng kéo chân tay.

Gã bệnh nhân số 4 rỗi việc ngồi quan sát, thấy mỗi người chăm mỗi khác. Cái bà được thuê chăm bệnh nhân số 1 kia trông chừng thạo việc nhất, làm nhanh thoăn thoắt. Mỗi lần lau rửa cho người bệnh, bà ta lật giở con bệnh như vần khúc gỗ, lau chùi nhoang nhoáng, xong bà ta vỗ đánh bốp một cái vào mông bảo ngủ đi! Bệnh nhân số 1 chả nói chả rằng, thây kệ. Gã bệnh nhân số 4 hỏi người chăm, thế ông quân nhân này vợ con, người nhà đâu mà không thấy đến thăm lần nào nhỉ?

Vợ thì còn trẻ. Phải ở nhà làm ruộng, nuôi hai đứa con thơ. Lại nuôi cả bố mẹ chồng già ốm đau xoành xoạch, có thì giờ đâu mà lên chăm

Thế còn đơn vị?

Ở đấy mà hòng đơn vị. Lúc mới vào viện còn thỉnh thoảng có người đảo qua. Chứ bây giờ cũng ắng luôn. Tết vừa rồi, chú ấy ở lại bệnh viện điều trị mà đơn vị cũng chẳng có ma nào xuống. Xã hội giờ nó ngạ người lắm.

Đang nhìn lơ mơ lên trần nhà, bệnh nhân số 1 xoay người quay mặt vào tường.

Còn bà vợ già của bệnh nhân số 3 kia chả thấy cưng nựng chồng được câu nào. Thỉnh thoảng lại than sao tôi ăn ở tử tế thế mà ông giời lại nỡ làm tôi khổ thế này. Một hôm bà triết lý, thôi thì cũng là cái nghiệp. Chắc kiếp trước mình làm gì nên tội, giờ mình phải gánh, kêu ai? Bà ta khoe, tôi nấu cho lão nhà tôi cháo tay khỉ đây này. Thấy bảo nhanh khỏi run tay, nhanh nói sõi lắm. Nhìn vào bát cháo, nguyên một bàn tay khỉ đen đen như tay em bé đang chới với. Bà ta bảo, mà ăn cái này là phải ăn theo cặp đôi. Nếu bị liệt tay thì ăn đôi tay trước, nếu bị liệt chân là ăn đôi chân sau của cùng một con. Chứ ăn lệch cũng vô tác dụng. Hỏi, sao bây giờ vẫn kiếm được cái của này nhỉ?  Ôi dào, có cung có cầu anh ơi. Gã bệnh nhân số 4 nói chen, chắc sếp nhà chị được biếu? Ừ thì anh em thấy sếp bị bệnh họ kiếm cho chứ có mua bán gì. Gã bảo, giống khỉ thì cũng còn nhiều. Loài voọc gì đó mới hiếm chứ khỉ thì đầy. Ô, bây giờ càng ngày càng hiếm. Trên chỗ em ngày trước, đi ven theo lòng hồ cứ thấy khỉ hàng đàn đùa trên cây ràn rạt. Nó còn trêu cả người. Bây giờ hiếm rồi. Họa hoằn mới gặp đôi con. Sợ người ta săn, nên còn sót con nào thì chúng cũng rút sâu vào trong rừng… Gã nhớ ai đó nói loài khỉ chỉ có huyết lình, tức máu hành kinh của con khỉ cái sau khi đẻ phơi khô mới là thuốc quý, chứ chưa thấy ai nói tay khỉ. Ngày còn nhỏ, chả biết ai dạy, nếu người nào ăn thịt khỉ thì khắp mình mẩy sẽ mọc đầy lông lá như khỉ vậy.

Riêng cái cô vợ trẻ của bệnh nhân thứ 2 chăm chồng theo cách của một người rất trẻ. Lúc gọi chồng ơi, lúc lại gọi bây bi ơi, anh giai ơi…Có lúc đang lột truồng thằng chồng to xác ra để lau, bà chăm bệnh nhân số 1 đi qua bảo khiếp, đậy lại, cứ tồng ngồng thế nó xấu hổ đấy. Cô vợ trẻ bảo, kệ, đã vào đây còn xấu hổ gì nữa. Cứ để cho nó mát. Nói xong cô ấy cười rõ giòn. Cái giống ốm đau lại hay làm nũng. Bệnh nhân số 2 đòi vợ liên tục. Lúc thì lau mặt, lúc thì gãi lưng. Có lúc a a…tưởng ỉa, nhưng không phải. Thấy cô vợ ngồi cạnh mép giường chúi mũi vào Facebook, nên nó ghen, nó gọi. Thỉnh thoảng cô vợ tập vận động cho chồng, nắn bóp, co duỗi cái chân bị liệt. Chân nào có nhẹ, cô ấy dùng toàn sức bê được cái chân rồi cúi người gác lên vai, cứ thế cả người đẩy lên hạ xuống như kéo cưa. Lúc đau, thằng chồng a a…gào lên như bị chọc tiết. Trên khuôn mặt cô vợ đọng những giọt mồ hôi to tướng, từng mảng lưng áo ướt đẫm. Có lúc thằng chồng chắc thèm vợ, bất ngờ cầm tay vợ kéo mạnh một cái. Mất đà, cô vợ ngã chúi lên ngực chồng. Thằng chồng kêu a…a, mặt nở ra rạng rỡ. Cô vợ mặt đỏ lựng.

Thấy thế, gã bệnh nhân số 4 chợt nghĩ đứa vợ phơi phới thế mà thằng chồng thì như con sên thế kia, chịu làm sao được nhỉ? Gã lại đẩy ý nghĩ lên một bước. Không cẩn thận, đứa vợ nó đi kiếm giai thì khốn. Mà có thể lắm chứ. Đã hơn nửa năm nằm viện rồi. Trông chừng nửa người vẫn cứ oặt thế kia, mồm vẫn “a a” thế kia thì biết bao giờ mới khỏi…Cô ấy chả kể chuyện có người đàn bà chăm bệnh nhân cho người bệnh uống thuốc ngủ để đi với giai đấy thôi. Thèm cái gì thì hay nói về cái đó.

Tranh của họa sĩ Tạ Quang Bạo

Bốn ông bệnh nhân. Chỉ có gã số 4 này là nói được bình thường. Gã bệnh chân chứ không bệnh não. Nhà gã ở gần bệnh viện, có thể tối về nhà cũng được. Tuy nhiên bác sĩ điều trị mà biết, kể cũng hơi phiền. Gã nể. Nên gã cứ tắc bụp, bữa ngủ lại bữa trốn về. Thế mà chưa bị lộ lần nào. Hay bác sĩ có biết nhưng cứ lờ lớ lơ đi cho?

Đêm nay gã bệnh nhân số 4 ngủ lại. Nói chuyện với cái đám tai biến thì không được. Mà nói chuyện với mấy mụ đàn bà thì có chuyện gì mà nói. Gã bèn lôi sách ra đọc. Kệ cho mấy bà chuyện với nhau. Đọc chán, gã lại mở máy tính ra xem mấy tài liệu lưu trong đó. Đang đọc, tự nhiên cảm thấy có người nhòm qua vai. Ngoái lên, hóa ra bà chăm bệnh nhân số 1, dân chăm thuê chuyên nghiệp. Bà ta cười cười, giỏi nhỉ. Ý là bà ta khen gã ư?

Cô bảo giỏi gì?

Thì thấy bác cứ suốt ngày sách sách vở vở, lại còn máy tính nữa, em mới đoán bác là dân bới chữ lấy ăn. Thế là giỏi chứ còn gì. Cứ như chúng em dân quê bới đất lật cỏ suốt ngày mà chả đủ cái đút vào mồm.

Ừ thì mỗi người mỗi nghề, dựa vào nhau mà sống. Nếu cánh sách vở chúng tôi không dựa vào cánh nhà nông như các bà thì có mà chết đói.

Lúc sau, bà chăm thuê chuyên nghiệp vừa ngáp vừa bảo, đi ngủ chưa bác? Gã hiểu, đã đến lúc họ cần ngủ. Vâng, cả nhà cứ tắt đèn ngủ đi. Tôi không quen ngủ sớm. Tôi ra hành lang đọc tí.

Ngoài hành lang, đây đó mấy người nhà bệnh nhân trải chiếu, mắc màn ngủ. Có người chả màn mùng gì, đắp cái áo lên mặt ngáy khò khò. Dưới ánh đèn led nhợt nhạt, gã ngồi đọc. Chả đọc thì còn biết làm gì. Đã khuya. Thỉnh thoảng tiếng ngáy của ai đó rộ lên. Có tiếng nói mớ của người đàn bà nào đó. Gã gắng tập trung đọc. Đến khi nào mệt may chăng mới đi ngủ được. Tiếng chim lợn kêu từng chặp từ ngoài sân bệnh viện vọng vào rờn rợn. Thấy bảo mỗi khi chim lợn kêu, là điềm báo có người chết. Thế thì trong bệnh viện này, đêm nào chả có tiếng chim lợn kêu. Có bóng người từ phòng gã mở cửa lao ra ngoài làm gã giật mình. Định thần, nhìn kỹ, hóa ra là cô vợ trẻ của bệnh nhân số 2. Ánh mắt cô ta gặp ánh mắt gã. Loáng nước. Cô ta đang khóc? Cô ta chạy ra đầu hành lang, rồi ngồi thụp xuống bậc cầu thang nấc lên.

Gã định đến gần hỏi xem có chuyện gì. Lòng gã rất muốn. Gã có thể nói đôi câu rằng sông có khúc người có lúc, rằng cứ phải tin tưởng vào bệnh viện, bây giờ y học tiến bộ lắm, rằng phải gắng lên, đừng bao giờ chán nản… Gã ngần ngại lúc rồi chậc lưỡi thôi.  Đêm hôm gặp riêng vợ người ta xem chừng có gì không ổn. Gã để mắt vào trang sách. Nhưng từ bấy trở đi, những con chữ cứ lòe nhòe trôi trượt, không bám được vào đầu gã. Thỉnh thoảng gã liếc nhìn về phía cầu thang. Đôi vai ấy hình như vẫn còn thổn thức…

Bỗng có tiếng gào a…a… khẩn thiết từ trong phòng vọng ra. Cô vợ đứng phắt dậy lao vào phòng. Gã trân trối nhìn theo. Quyển sách trên tay gã rơi xuống đất.

Gã chưa muốn vào lại phòng, sợ làm khinh động vợ chồng bệnh nhân số 2. Mà có vào thì cũng chả ngủ được. Gã cứ ngồi đấy, nhìn ra ngoài cửa sổ. Sân bệnh viện sẫm đen những tàng cây xà cừ cổ thụ. Thỉnh thoảng vẫn tiếng chim lợn kêu thê thiết trong khuya.

Gã bỗng nhớ cái truyện ngắn của một ông nhà văn nào đó, nói về một người đàn bà có chồng mắc bệnh héo gan, bệnh viện trả về nhà để nằm chờ chết; bà ta đờ đẫn, kiệt sức, rồi cứ thế để cho chồng nằm khô dần ngày này qua ngày khác, tuyệt không có một chăm sóc nào. Bà ta nghĩ đằng nào thì cũng chết, chăm làm gì cho kéo dài đau đớn thêm ra…

Gã đang đứng trước đống sọ người trọc lốc nhiều lỗ khuyết, có mảng nhăn nhúm như quả vải khô, lộ ra cái lõi đen quắt bên trong, những hố mắt thao láo. Bất chợt, cả đống sọ đổ xuống, nhất loạt lăn về phía gã. Gã chạy thục mạng. Nhưng ai đó cầm tay lôi gã lại. Có tiếng người, chờ em với. Gã vùng dậy hoảng hốt. Định thần lại. Thì ra mấy mụ đàn bà trong phòng đang lục tục hò nhau đi bách bộ quanh sân bệnh viện.

Trời đã sáng bạch. Lũ chim chích chim sẻ trên các tàng cây nhất loạt gieo vào sớm mai những thanh âm chíu chít.

Đã từ lâu, ba người đàn bà chăm bệnh nhân cùng phòng này bắt đầu mỗi ngày trong bệnh viện như thế đấy, đi bộ rất đều. Lát nữa, họ lại bắt tay vào công việc như mọi ngày.

Vợ của bệnh nhân số 3 lại bưng bát cháo tay khỉ như tay em bé đang chới với cau có dậm dọa, có ăn đi không cho nhanh khỏe mà về, ở mãi đây ai hầu được.

Người đàn bà của bệnh nhân số 1 lại lột truồng người lính ra, lau chùi xong rồi vỗ đét cái vào mông, cười lườm, ngủ đi!.

Vợ của bệnh nhân số 2 lại ì ạch tập nâng chân cho chồng, tướp táp mồ hôi, nựng, nói đi nào, vợ ơi, nào! Mau khỏe lên rồi còn về với con.

***

Bệnh nhân số 4 được ra viện sớm nhất. Bác sĩ phát giấy hẹn sau hai tuần đến khám lại. Gã hoang mang ra về. Bảo cái chân đỡ không, thì quả là có đỡ. Nhưng bảo khỏi hẳn chưa thì gã dám quả quyết là chưa. Thỉnh thoảng vẫn nhói lên như gai đâm. Gã trình bày với bác sĩ. Anh có muốn ở lại không thì tôi cho ở lại? Tôi linh động cấp thuốc cho anh điều trị ngoại trú là sướng lắm rồi, anh còn mong gì?. Ừ thì về, trên đời này có ai lại muốn ở lâu trong bệnh viện.

Hai tuần sau gã trở lại. Gõ cửa bước vào căn phòng quen thuộc cũ. Gã quét cái nhìn khắp lượt, không thấy ai quen. Nhìn kỹ, hóa ra bệnh nhân số 1 vẫn còn nằm ở nguyên chiếc giường đó. Gã chào. Bệnh nhân số 1 nở nụ cười héo hắt.

Cái chị chăm anh đâu?

Chắc đi ra ngoài mua cơm.

Bệnh tình của anh đã đỡ chưa?

Chính tôi cũng không biết tôi đỡ chưa nữa.

Thế cái ông quan huyện với cái chú có cô vợ trẻ cũng đã khỏi, ra viện cả rồi nhỉ?

Ông cán bộ kia thì coi như là khỏi rồi. Chắc là do có cái món cháo tay khỉ, nên nhanh. Còn cậu chàng kia, hình như lại chuyển viện.

Anh bảo cậu chàng ấy liệu có khỏi không?

Bệnh nhân số 1 cười ranh mãnh, phải khỏi chứ. Không khỏi thì để cô vợ trẻ hớ hớ như thế cho ai.

Gã trầm ngâm. Trong đầu gã chập chờn hình bệnh nhân số 3 kia. Một đám khỉ hao hao hình người đầy lông lá đang vắt vẻo trên cây. Con đầu đàn cầm một khúc xương cẳng tay còn nguyên bàn tay trắng hếu huơ lên trời kêu chin chít. Xung quanh, bầy khỉ lố nhố cũng huơ tay lên trời kêu chít chít.

Này anh! Nghe tiếng gọi, gã giật mình. Thì ra bệnh nhân số 1. Anh là người nhiều chữ, cho tôi hỏi một câu nhé. Theo anh, người ta sống khó hơn hay chết khó hơn?. Gã chờn chợn. Đợt trước, những ngày gã ở đây, cậy răng hắn cũng chả nói gì, mà giờ sao hắn lại gạ chuyện? Gã ngập ngừng đáp, sống khó hơn chứ anh, còn chết thì dễ ợt. Người ta có muôn ngàn cách chết. Thí dụ, một liều bả chuột cũng là xong. Bệnh nhân số 1 lắc đầu bảo, tôi không ngờ anh lại nghĩ cạn thế. Nói xong, bệnh nhân số 1 lật người, quay mặt vào tường.

  Ngày 19.5.2018- 13.6.2019

VĂN GIÁ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *