Vanvn- Nhà văn người Pháp gốc Czech, Milan Kundera được xem là “người khổng lồ văn chương” của thế giới với nhiều tác phẩm kinh điển, đã qua đời ngày 11.7 tại nhà riêng ở Thủ đô Paris (Pháp). Với những đóng góp cho nền văn học thế giới, Nghị viện châu Âu (EP) và Hạ viện Czech đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ ông.

Milan Kundera, tiểu thuyết gia nổi tiếng với các tác phẩm như “The Unbearable Lightness of Being” (Đời nhẹ khôn kham), The Book of Laughter and Forgetting (Sách cười và lãng quên), Immortality (Sự bất tử)… Cả ba tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đều đã có bản dịch tiếng Việt, cùng một số cuốn sách khác. Ông là một nhân vật được đánh giá cao trong giới văn học. Các tác phẩm của Kundera không chỉ nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình mà còn thu hút được một lượng độc giả đáng kể trên toàn thế giới.
Milan Kundera sinh năm 1929 ở thành phố Brno (Czech), định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981. Trong suốt sự nghiệp của mình, Kundera đã giành được một số giải thưởng văn học đáng chú ý, bao gồm Giải thưởng Franz Kafka năm 2020, Giải thưởng Jerusalem năm 1985 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học của Czech năm 2007.
Theo The New York Times, tác phẩm của ông thường khám phá các chủ đề về bản sắc, tự do cá nhân và sự phức tạp của các mối quan hệ giữa con người với nhau. Phong cách viết của Kundera nổi bật bởi chiều sâu trí tuệ, ngôn ngữ giàu chất thơ và cấu trúc tường thuật độc đáo. Khả năng kể chuyện độc đáo của ông đã đi sâu vào trải nghiệm của con người, nắm bắt được sự phức tạp và sắc thái của cảm xúc, các mối quan hệ…
Dấu ấn văn chương của ông cũng chia thành hai nửa rõ rệt, một nửa cho quê hương và một nửa ở đất nước ông sinh sống đến cuối đời. Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Czech, ông chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Milan Kundera xuất hiện lần đầu trên văn đàn với tư cách một nhà thơ, nhưng sau đó được biết đến nhiều hơn qua những cuốn tiểu thuyết. Ông đã có nhiều tuyển tập thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Czech được giới văn học trong nước ghi nhận.
Sau này, khi đến Pháp, ngoài viết tiểu thuyết và truyện ngắn, ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, đều đã dịch sang tiếng Việt. Dù chuyển tới Pháp, Milan Kundera vẫn giữ mối liên hệ với quê hương, đặc biệt là nơi ông sinh ra. Tổng thống Czech Petr Pavel ca ngợi nhà văn Kundera là một trong những tác giả Czech quan trọng nhất trong thế kỷ 20, “người mang số phận tượng trưng cho lịch sử đầy biến cố của đất nước quê hương”. Theo người bạn đời của nhà văn, bà Věra Kunderová, dù đã dành nửa cuộc đời ở nước Pháp và sáng tác bằng tiếng Pháp, nhà văn Kundera bày tỏ nguyện vọng được an nghỉ tại quê hương Brno. Năm 2010, ông đã trở thành “Công dân danh dự” của Brno. Năm 2019, Kundera nhận quốc tịch Czech và đã duy trì liên lạc với quê hương cho đến khi qua đời ở tuổi 94.
“Người khổng lồ” của nền văn học Czech cũng là một trong những nhà văn xuất sắc, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong giới văn học thế giới. Các tác phẩm của Kundera đã được xuất bản bằng 54 ngôn ngữ. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông là tác giả được yêu thích và tìm đọc ở khắp nơi. Nhiều nhà phê bình so sánh những gì Kundera đã làm cho văn chương Đông Âu thời đó mang tầm cỡ của những gì mà Gabriel Garcia Marquez đã làm cho văn chương Mỹ latin những năm 60. Các cuốn tiểu thuyết của hai tác giả này đều nằm trong những kiệt tác văn học của thế kỷ.
Dù có nhiều tác phẩm được yêu mến song khác với phần lớn văn sĩ, Milan Kundera đã chọn lối sống yên tĩnh, xa rời truyền thông. Từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, ông thường từ chối các cuộc trả lời phỏng vấn và sống ẩn dật. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi vào năm 1983, ít lâu sau khi cuốn tiểu thuyết “Đời nhẹ khôn kham” xuất bản và lập tức trở thành sách bán chạy nhất, ông thừa nhận: “Sự nổi tiếng bất ngờ khiến tôi khó chịu”. Theo tạp chí The Paris Review, Kundera không hài lòng vì “sự nổi tiếng chiếm lấy ngôi nhà của tâm hồn”. Ông từng trả lời trên Le Nouvel Observateur: “Từ chối nói về bản thân là một cách đặt các tác phẩm và cách thể hiện văn học vào trung tâm của sự chú ý, để dư luận tập trung vào chính cuốn tiểu thuyết”.
SAN LÊ
Nhân Dân
- Vùng đất ở Ninh Bình phát lộ cung điện, Cấm thành và Hoàng thành của một kinh đô cổ thời Đinh-Lê
- Trần Thị Trâm – Người nặng lòng với văn học dân gian
- Ngôi làng địa linh nhân kiệt – quê hương Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương
- Tổng trấn Gia Định thành hay thành Gia Định?
- Thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sự thật của “học thật, thi thật, nhân tài thật”?