Những nhánh xuân tươi – Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Vanvn- Ông tủm tỉm cười, nhấm nháp chén trà tâm sen đăng đắng mà ông thấy có vị ngòn ngọt dìu dịu đọng lại. Ông tin con mình đã tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Ngoài sân, vạt nắng cuối đông le lói vén màn sương mỏng. Tiếng con yểng ríu ran nghe thật vui tai.

Ông dậy sớm cắm nước pha trà. Vị trà sen đậm đà đánh thức ngày mới trong nếp sống thanh nhàn bấy nay của ông. Vậy mà, giờ nhấm nháp hương vị quen thuộc ấy, ông lại thấy đắng ngăn ngắt. Ông uể oải đứng dậy mở cửa bước ra hiên. Sương vẫn phủ bạc trắng trên mấy ngọn cau cảnh. Những tràng ho khàn đục chìm vào thinh không.

Nhà văn Tạ Thị Thanh Hải ở Hưng Yên

Cả tuần nay Đức không về nhà và ông bà cũng chẳng nói với nhau câu nào. Những gì muốn nói, ông đã nói hết rồi. Không khí gia đình cứ đặc quánh lại. Chỉ có tiếng con yểng lảnh lót và đến giờ thời sự thì âm thanh của chiếc tivi làm căn nhà xao động lên đôi chút. Rặt tiếng thở dài khiến ngày cứ như dài thêm ra…

***

Xã Minh Phú là một địa bàn rộng và tương đối phức tạp so với mặt bằng chung của huyện. Trước kia, đây vẫn là một xã thuần nông với những cánh đồng xanh ngút ngát. Từ khi có con đường liên tỉnh chạy qua, xã trở thành cụm công nghiệp mới của tỉnh với nhiều dự án lớn. Bao nhiêu “sắc màu phố thị” nhanh chóng tràn về, diện mạo làng quê thay đổi nhanh chóng. Mấy thôn nằm bám trục đường chính, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa. Kín mặt đường chính thì lại xây cả vào trong ngõ. Có những con ngõ bé tẹo mà hàng quán san sát, dập dìu hoạt động từ sáng sớm đến đêm khuya. Khách ăn sáng xong lại sang uống cà phê. Uống cà phê xong lại qua quán cắt tóc gội đầu thư giãn. Nghe nói một bữa sáng lai rai của mấy tay bợm nhậu có khi đến tiền triệu, một ly cà phê bằng cả nửa yến gạo, còn một lần vào tiệm cắt tóc gội đầu thì không có giá cố định.

Các dự án lần lượt thu hồi đất nông nghiệp. Người dân dùng tiền bán ruộng, bán vườn để xây nhà, mua xe, còn thừa thì ăn tiêu. Có người bán cả khu vườn rộng để xây cái nhà cao ba bốn tầng rồi mua cho con chiếc xe máy khi nó chưa đủ tuổi thi bằng lái. Thi thoảng chiều muộn, ông đạp xe cùng mấy người bạn già lên phía cánh đồng làng Thượng, gặp một lũ choai choai đầu xanh đầu đỏ phóng xe máy vèo vèo nẹt bô nhức óc, đi qua mấy tiệm cà phê giăng đèn nhấp nháy có những gã trung niên ngồi nghêu ngao hát karaoke, trước cửa hàng cắt tóc gội đầu thấy mấy đứa con gái mặc áo hai dây trễ nải, môi đỏ như cục tiết, cười đùa ngả ngớn. Ông chỉ biết lắc đầu ngao ngán…

Ông sợ nhất cái giai đoạn giao thời từ quê lên phố này. Nhiều người chớp được cơ hội đổi đời, nhưng cũng có người chệch hướng mà không thể quay đầu. Ngày trước, mâu thuẫn xóm làng thường tự giải quyết chủ yếu bằng tình cảm, còn giờ, hễ có chuyện là người ta gọi đến công an. Từ kiện tụng đất đai đến một cuộc xô xát trong quán nhậu hay một pha va chạm giao thông, bao giờ công an xã cũng phải có mặt trước tiên để giải quyết. Nếu cứ nể nang không làm đến nơi đến chốn thì không thể trấn áp được những nhiễu nhương phức tạp. Mà làm đúng chức trách nhiệm vụ thì thế nào cũng phải nghe những lời xì xào bàn tán của người dân, người đồng tình, kẻ phản đối. Thật đúng là cảnh làm dâu trăm họ.

Mang tiếng về xã nhà công tác nhưng có khi cả tuần Đức mới ăn cơm cùng bố mẹ được vài bữa. Sáng nào có con ở nhà, bà cũng dậy sớm ra ngã ba chợ mua mấy lạng diềm gan thật tươi về nấu cho con bát mì, hoặc có khi hì hụi ngâm gạo ủ nồi cháo gà từ đêm hôm trước để sáng sớm Đức có bát cháo nóng ăn rồi đi làm luôn. Bà vẫn có kiểu chăm bẵm hệt như lúc con còn nhỏ. Có hôm, đang ăn dở bát mì thì tin báo có đám đánh nhau ngay giữa chợ do tranh giành khách, Đức buông đũa tất tả đi. Nhiều tối muộn vừa về tới nhà, mới kịp cởi bộ cảnh phục và ngồi vào bàn ăn thì có điện thoại, Đức lại phóng xe đi. Cái lồng bàn úp vào mâm cơm còn nguyên bát đĩa.

Ông nhớ nhất là dạo dịch Covid-19 tràn về làng quê, đội công an xã cùng chính quyền và lực lượng y tế căng mình chống dịch. Đó là dịp giáp Tết Tân Sửu. Ngày hai mươi tám Tết, thông tin về một thanh niên trong làng bị nhiễm Covid-19 do vừa trở về từ vùng dịch ở tỉnh bên khiến cả xã náo loạn. Lệnh phong tỏa ngay lập tức được thực thi. Mỗi thôn có một chốt kiểm dịch là những mái lều bạt tạm bợ thông thốc gió. Đức tranh thủ tạt qua nhà lấy thêm mấy bộ quần áo rồi cùng ba cán bộ y tế xã đi suốt đêm truy vết khoanh vùng các đối tượng thuộc diện F1, F2 để giúp họ về nơi cách ly tập trung.

Cái Tết ấy mọi người sống trong tâm trạng phập phồng, hoang mang, lo lắng. Gần đến Giao thừa, bà gói ghém mấy cặp bánh chưng, một cân giò, chặt con gà luộc cho vào chiếc hộp nhựa có nắp đậy sạch sẽ, bảo ông mang ra chốt trực cho con trai ăn Tết cùng anh em. Ông xếp tất cả vào chiếc thùng các-tông, lạch xạch chằng buộc lên xe đạp điện rồi lặng lẽ đi về phía đầu làng, đứng từ đằng xa gọi điện cho con. Gọi mấy lần mà vẫn “máy bận”.

Mãi đến lần thứ tư, Đức mới bắt máy thì lại ra chiều trách bố: “Đang có lệnh phong tỏa, giãn cách mà bố cứ đi lại tự do thế. Chúng con ở đây có thiếu thốn gì đâu mà bố mẹ phải lo, cũng giò, gà, bánh chưng, trà nước đủ cả, là quà của mấy doanh nghiệp bồi dưỡng cho lực lượng trực chốt. Bố cứ để thùng đồ ấy ở cái bàn nhựa dưới gốc cây bàng, con sẽ ra lấy rồi lát nữa mang vào trong khu cách ly tiếp tế thêm cho bà con”. Sau thì cậu cũng kịp chúc Tết bố mẹ, không quên dặn bố mẹ phải luôn đeo khẩu trang và hạn chế ra đường. Nó nói liến thoắng vài câu rồi cúp máy. Ông quay xe ra về mà lòng trĩu nặng âu lo.

Dịch giã hoành hành hơn một năm trời, đợt giãn cách nọ gối đợt giãn cách kia. Hết thôn nọ đến thôn kia bị phong tỏa. Trong thời gian ấy, Đức và anh em trải qua biết bao việc, từ việc đi chợ hộ, giao hàng miễn phí, đến cả việc trở thành giáo viên dạy tin học bất đắc dĩ đi đến những nhà chỉ còn toàn người già và con nít để cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm học trực tuyến cho các cháu học sinh. Rồi Đức lại cùng Ban Chấp hành Đoàn xã đi gõ cửa các doanh nghiệp để huy động nguồn tài trợ cho quỹ “Sóng và máy tính cho em”.

Có bữa, được tranh thủ về nhà ăn cơm cùng bố mẹ, Đức vừa kể vừa cười: “Có những việc trước ở nhà được bố mẹ dạy, có việc được học trong trường, nhiều việc phải tùy cơ ứng biến, chỉ còn mỗi việc là chưa trở thành bác sĩ đỡ đẻ bất đắc dĩ giống chuyện một anh công an trong miền Nam thôi ạ”. Nghe con kể, ông vừa mừng vừa thương. Mừng vì thấy con đã chững chạc trưởng thành, thương vì thấy con suốt ngày tất bật, chẳng mấy khi được ăn một bữa cơm trọn vẹn với bố mẹ. Ông bà chỉ có một mình nó, cứ ngằm ngặp công việc thế này thì biết bao giờ mới thành gia thất cho bố mẹ yên tâm.

Nhưng, cả hai ông bà đều giống nhau ở sự nhạy cảm. Cái đêm Đức gặp nạn, ông bà cứ trằn trọc không ngủ được. Đành rằng, mất ngủ là bệnh già, nhưng cảm giác phấp phỏng bồn chồn thì ông thấy rõ lắm. Tối hôm ấy Đức được về nhà ăn cơm với bố mẹ, một bữa cơm trọn vẹn hiếm hoi. Ăn xong, Đức còn giành phần rửa bát. Thấy cái vòi rửa tậm tịt, cậu lại hí hoáy tháo ra vệ sinh rồi lắp lại, trách mẹ rằng không chịu gọi thợ điện nước đến sửa. Bà mắng yêu con: “Liệu mà lấy vợ đi cho bố mẹ được nhờ”. Cậu ta cười khanh khách: “Cuối năm con sẽ báo cáo. Nhưng, cuối năm nào thì con chưa xác định được”.

Hai bố con ngồi uống nước và xem thời sự. Đức kể với bố về kế hoạch sắp tới sẽ cùng Đoàn Thanh niên cải tạo cái ao làng Đông rồi xin xã mấy sào ruộng bên cạnh để xây dựng khu thể thao cộng đồng, dạy lũ trẻ con tập bơi, đá bóng; chứ mấy năm dịch giã, bọn trẻ cứ ru rú ở nhà thế thì làm sao phát triển kĩ năng sống được. Nghe con có vẻ hào hứng, toàn tâm toàn ý với công việc hiện tại chứ không còn vẻ hoang mang như hồi mới về, ông cũng thấy mừng lòng.

Mười một giờ, hai bố con mới lên giường. Nghe tiếng con thở đều đều mà ông vẫn trằn trọc miên man nghĩ ngợi. Rồi khi ông vừa thiu thiu ngủ thì nghe tiếng điện thoại rung rè rè, ông thấy Đức choàng dậy, “vâng dạ” cuống quýt rồi vội vã đi. Nhìn đồng hồ lúc ấy hơn một giờ sáng, sợ mẹ thức giấc, Đức dắt xe ra cổng, đi nhanh như chạy, qua khỏi cánh cổng mới nổ máy phóng vụt đi. Ông lập cập đi sau đóng cổng mà chẳng kịp dặn dò con câu nào, thập thững đi vào nhà trong nỗi thấp thỏm âu lo. Ông lại ngồi trầm ngâm bên bàn nước. Nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc đều đều mà lòng cứ nóng như lửa đốt. Trong buồng, tiếng bà thở dài, cạu nhạu trở mình. Một nỗi bứt rứt khó tả cứ cồn lên, ông cứ mân mê cái điện thoại, mấy lần định nhấn máy gọi cho con nhưng lại thôi…

Tờ mờ sáng, ông xách xe đạp đi tập thể dục như mọi ngày. Ra đến cổng, ông mới sực nhớ là quên điện thoại. Ông vừa quay vào đến cửa thì bà lật đật chạy ra, giọng lạc đi: “Ông ơi!… Cháy… Cháy quán karaoke thôn Bắc. Cậu Hùng vừa báo tin… Thằng Đức nhà mình đang ở bệnh viện huyện…”. Bà nói được từng ấy câu thì ngã khuỵu xuống. Ông cuống cuồng gọi điện cho hai cậu cháu trai ở cùng xóm sang đưa bà lên bệnh viện, còn mình thì dắt xe, lật đật nổ máy phóng đi…

Quán karaoke Chiều tím nằm sâu tít trong ngõ, là một căn nhà bốn tầng, ban công trước sau quây kín bằng những rào chắn “chuồng cọp”. Hôm qua, có một đám thanh niên tổ chức sinh nhật rất khuya. Chập điện ở tầng một. Cậu quản lý trẻ măng đang lơ mơ ngủ gật thì thấy góc phòng lóe sáng đã cuống cuồng chạy ra ngoài hô hoán báo cháy. Hàng xóm gọi điện cho công an xã. Đức và mấy anh công an viên nhanh chóng có mặt tại hiện trường cùng mọi người phá cửa ngách cho đám thanh niên kia thoát xuống từ tầng hai trước khi khói lửa đùn lên cầu thang rồi lan nhanh cả dãy hành lang dài hun hút.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Cậu quản lý mặt tái mét thở hổn hển: “Còn… cậu mợ cháu… ngủ trên tầng bốn… Phòng cách âm, chắc không ai nghe thấy tiếng hô hoán…”. Đức lao lên tầng thượng của nhà hàng xóm sát vách, đu mình leo thêm hai tầng chuồng cọp nữa, dùng hết sức bình sinh bẻ gãy một thanh sắt để lách mình vào, phá cửa căn phòng cách âm đưa hai người ra ban công. Vừa may lực lượng chữa cháy của công an tỉnh đến ứng cứu kịp thời. Ông bà chủ được đưa xuống bằng thang dây. Ngọn lửa thốc ra lan can như đang đuổi ngùn ngụt sau lưng. Những thanh sắt chắn “chuồng cọp” mỗi lúc một nóng ran. Bàn tay Đức như rộp lên.

Ngõ vừa sâu vừa hẹp, xe chữa cháy phải đậu ngoài đường to dòng đường ống vào. Từng phút trôi qua nghẹt thở. Đám cháy được khống chế. Thật may là không có thiệt hại về người. Chỉ có một chiến sĩ bị bỏng nhẹ và một anh công an viên bị lả đi do ngạt khói. Còn Đức, lúc dập lửa xong, ngồi thụp xuống tựa lưng vào gốc cây bàng thở dốc mới cảm thấy hai bàn tay tượt da nhức xót, bàn chân trái buốt nhói, hóa ra đã bị trật gãy từ lúc cậu nhảy xuống cùng đồng đội ròng ống cứu hỏa, trước tình thế gấp gáp nên cậu quên cả đau.

Khi chăm con ở bệnh viện, nghe Đức kể lại giây phút sinh tử ấy, ông thấy thương con quá. Ai cũng biết rằng công việc nào mà chẳng ẩn chứa hiểm nguy. Nhưng, vào hoàn cảnh chính người thân gặp nạn thì mới thấm thía nỗi lo đến thắt gan thắt ruột. Cũng may, sức thanh niên nhanh nhẹn, lại đã được trải qua các khóa huấn luyện nghiệp vụ nên Đức thoát nạn, chứ chậm một chút thôi thì chẳng biết nguy hiểm đến đâu. Ơn trời, như vậy cũng là nhờ phúc lớn tổ tiên che chở.

Nhưng rồi một chuyện khác xảy đến khiến ông bà lại phải trăn trở suy nghĩ. Trong những ngày nằm viện điều trị, Đức được Vân, cô y tá Khoa Ngoại bệnh viện huyện chăm sóc tận tình chu đáo. Cô ấy là cháu gọi bà chủ quán Chiều tím bằng dì ruột. Chẳng biết bắt nguồn từ sự hàm ơn hay vì duyên số mà hai đứa lại có cảm tình với nhau. Vân là người huyện bên, nhanh nhẹn xinh xắn, nói năng dịu dàng lễ phép. Chỉ có điều, Vân từng có một đời chồng, đã mất vì tai nạn lao động khi cô mới sinh con được hơn hai tháng. Đoạn tang, nhà chồng cũng chẳng còn ai, Vân mang cô con gái bốn tuổi về ở với bố mẹ đẻ.

Cảm thương hoàn cảnh éo le lỡ dở hay cảm động về sự chăm sóc tận tình của Vân mà Đức có ý định đến với cô ấy? Lúc trước, nghe mấy đứa bạn thân của Đức úp mở trêu đùa rằng “Đức bị tiếng sét ái tình giáng trúng”, ông hỏi con chỉ thấy Đức cười xòa, ông nghĩ tụi trẻ giỡn cho vui nên cũng chẳng căn vặn gì. Nhưng rồi hơn hai tháng sau, một buổi tối cuối tuần, Đức về ăn cơm nhà và thưa chuyện rất nghiêm túc thì ông mới ngỡ ngàng còn bà thì rền rĩ:

– Đường đường là trai tân phơi phới, nghề nghiệp ổn định vững vàng, lấy đâu chẳng được gái tân hẳn hoi mà lại đi lấy đứa con gái “nạ dòng” như thế hả con? Bố mẹ chỉ có một mình con. Sao con nỡ làm mẹ buồn lòng như vậy?

Đức ngước nhìn bố như cầu khẩn đón đợi sự đồng tình. Ông nén tiếng thở dài trong lồng ngực, chẳng biết nói thế nào cho phải. Lúc sau, Đức trầm giọng:

– Nhưng, con yêu Vân. Gia đình cô ấy cũng nề nếp cơ bản. Cô ấy là người tốt, số phận éo le bất hạnh chứ cô ấy có tội tình gì đâu mà mẹ khắt khe vậy ạ. Bố mẹ thương con thì hãy cho con được lựa chọn hạnh phúc của mình…

***

Suốt cả tuần Đức không về nhà vì dịp này công an xã phải đi từng nhà hướng dẫn người dân cài đặt mã định danh điện tử. Nhưng, biết đâu cậu chàng cũng viện cớ công việc mà tỏ thái độ “chiến tranh lạnh” với bố mẹ. Ông thì tin con trai mình là đứa sống tình cảm và đã đủ độ chín chắn sâu sắc. Hơn nữa, trong chuyện tình yêu nhiều khi thật khó lý giải về những rung cảm. Ông lựa lời khuyên vợ nhưng bà vẫn kiên quyết không đồng ý. Bà bảo đã nhờ thím Hậu nhắm mối một cô giáo dạy tiếng Anh, là người thị trấn, mới vào biên chế, được phân công về dạy ở trường cấp hai, nghe đâu gia đình cũng bề thế lắm. Ông gạt đi: “Giờ là thời nào rồi mà bà còn tính ép duyên con?”.

Không khí gia đình cứ ủ dột suốt mấy tuần như thế. Bà kêu đau dạ dày, gọi điện bảo Đức sắp xếp về đưa mẹ lên Hà Nội khám. Đức không xin nghỉ được nên đã nhờ Hùng, cậu bạn thân lái taxi đến đưa mẹ đi. Cả ông và Hùng thuyết phục mãi bà vẫn dằn dỗi không chịu đi. Thế mà không hiểu sao, hôm sau bà lại tự bắt xe ôm đến bệnh viện huyện. Bà đi từ sáng tới chiều mới về. Chẳng biết kết quả khám xét thế nào mà thấy bà có vẻ khấp khởi vui mừng, ông gặng hỏi thì bà chỉ bảo: “Tôi không sao”. Sáng sớm hôm sau, lúc ngồi uống trà cùng ông, bà mới thẽ thọt:

– Hôm qua tôi lên bệnh viện huyện. Khám xong ở Khoa Nội, bụng vẫn lẩm nhẩm đau mà tôi cố đi sang Khoa Ngoại, đứng ngoài xem cô Vân tư vấn khám cho bệnh nhân. Bệnh nhân thì đông nườm nượp, ấy thế mà cô ấy vẫn kiên nhẫn giảng giải. Nhìn cung cách ấy, tôi biết đó là người tử tế, ngắm kĩ thì thấy cũng xinh xắn ưa nhìn…

Ông nghe vậy thì mừng thầm nhưng cố ý trêu bà:

– Cô ấy khám bệnh thì phải đeo khẩu trang, có bỏ ra lúc nào đâu mà bà biết xinh xắn ưa nhìn?

– Chỉ cần nhìn vào ánh mắt và cái chân mày thanh tú là biết mà. Cặp mắt thì có vẻ hơi buồn đấy nhưng đen láy và có ánh nhìn ấm áp lắm. Người như vậy thường sống rất tình nghĩa. Không xinh xắn mà lại lọt được vào mắt xanh của con trai ông à?

– Vậy là bà đồng ý chuyện của con rồi đấy nhé!

– Thì cuối tuần ông cứ bảo chúng đưa nhau về đây. Tôi còn xem đã…

Ông hiểu bà đã nói như vậy là mở lòng rồi. Ông tủm tỉm cười, nhấm nháp chén trà tâm sen đăng đắng mà ông thấy có vị ngòn ngọt dìu dịu đọng lại. Ông tin con mình đã tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời.

Ngoài sân, vạt nắng cuối đông le lói vén màn sương mỏng. Tiếng con yểng ríu ran nghe thật vui tai. Ông ra tỉa bớt lá cho cây đào bích trước sân. Nhìn những nụ đào bé xíu đang he hé trong từng nhánh lá, ông thấy lòng mình khấp khởi hân hoan. Một mùa xuân mới lại sắp về…

TẠ THỊ THANH HẢI

Theo Văn Nghệ Công An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *