Dòng sông rút ruột nuôi hào kiệt quê nghèo – Tản văn của Khương Thị Mến

Vanvn- Tôi hình dung khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của Phố Hiến “nơi đô hội Tiểu Trường An của bốn phương” bên tả ngạn sông Hồng vào thế kỉ XVII mà tự hỏi phải chăng tất cả những dòng sông hình thành và kiến tạo nên đô thị và nền văn minh nhân loại.

Tác giả Khương Thị Mến ở Hưng Yên 

Tôi sinh ra tại miền đất Hưng Yên xinh đẹp, trù phú bên bờ sông Hồng. Sông neo vào kí ức tuổi thơ tôi hồn vía của một vùng châu thổ bình yên ngàn năm văn hiến. Cái trữ tình thơ mộng, dạt dào của sông, cái mãnh liệt, dữ dội của sông, cái linh thiêng bí ẩn của sông, cái hào hùng bi tráng của sông âm vang vỗ trong lòng tôi.

Đất và nước sông Hồng tạo gương mặt quê, miền châu thổ đẹp nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi ôm vào lòng góc nhỏ phía sông Hồng chiều thu mênh mang nắng vàng như mật nhãn, sông buông áo lụa thướt tha, thoáng cánh buồm nâu in nền hoàng hôn đỏ ối, bãi bồi phô vẻ mặn mà như người đàn bà luống tuổi, vệt xanh chiều bãi dâu, doi cát màu vàng thau, phù sa đỏ như máu và nước mắt. Sông lặng trôi vọng lời lịch sử, sông rộn rã tích chèo cổ Tống Trân, sông giục bước chân người về Phố Hiến.

Từ thủa hồng hoang, do một nét đứt gãy nào đó của địa chất, sông đi qua ghềnh thác, băng rừng vượt núi, mở lối ruộng đồng đổ ra biển cả. Khởi nguyên từ Vân Nam Trung Quốc với tên gọi Nguyên Giang, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt chính là 92 Lũng Cô, Bát Xát, Lào Cai với hai nhánh phụ lưu tả ngạn sông Lô, hữu ngạn sông Đà, chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… với các tên gọi khác nhau. Sông Hồng chảy qua Hưng Yên như mối lương duyên tiền định với mảnh đất này, chảy đến phía Bắc tỉnh gọi là Thiên Mạc, chảy theo hướng Kim Động và Hưng Yên gọi tên là Đằng Giang. Sông rút ruột nuôi hào kiệt quê nghèo, viết thiên tình ca về tình yêu bất tử, về lòng hiếu thảo và đạo làm người. Chàng trai nghèo đánh cá Chử Đồng Tử đã trở thành anh hùng khai phá vùng đầm lầy sông Hồng, chàng dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, làm thuốc mở mang, phát triển cả một vùng quê Hưng Yên trù phú.

Nhà văn Marcupa Bakyum từng viết “Sông như máu ta chảy xuôi dòng rồi lại trở về”. Với tôi mỗi con sông triệu triệu cuộc đời, chảy qua hàng ngàn năm lịch sử có hào hùng, có bi thương đớn đau, mất mát. Con sông đưa tôi ngược dòng kí ức về thế kỉ VI, Triệu Quang Phục chọn đầm lầy Dạ Trạch ở Khoái Châu lau sậy um tùm tả ngạn sông Hồng làm căn cứ để chống giặc quân Lương. Chiến thắng Hàm Tử – Tây Kết (Khoái Châu) bên dòng sông Hồng đã đi vào trang sử oanh liệt chống quân Mông Nguyên của dân tộc. Hơn sáu trăm năm sau, Nguyễn Thiện Thuật lấy Bãi Sậy làm căn cứ hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Sông Hồng sừng sững như chứng nhân suốt chiều dài lịch sử dựng nước giữ nước của người dân Hưng Yên.

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chiến tranh phong kiến liên miên, đê Văn Giang vỡ tới 18 lần, sông giận dữ gào thét, cuốn đi tất cả, nhà cửa chìm trong biển nước, dân cư phiêu tán đi xin ăn khắp nơi, tình cảnh thảm thiết, người dân dắt díu nhau đi ăn xin thành câu ca thật ai oán “Oai oái như phủ Khoái xin cơm” (ca dao), nỗi đau dòng sông Mẹ của tôi.

Tôi hình dung khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của Phố Hiến “nơi đô hội Tiểu Trường An của bốn phương” bên tả ngạn sông Hồng vào thế kỉ XVII mà tự hỏi phải chăng tất cả những dòng sông hình thành và kiến tạo nên đô thị và nền văn minh nhân loại. Thành phố New York hình thành bên bờ sông Hudson, kinh đô ánh sáng Paris hình thành bên bờ sông Seine, Melbourne hình thành bên bờ sông Yarra, sông Hoàng Phố hình thành nên một Thượng Hải phồn hoa. Phố Hiến, Hưng Yên quê tôi cũng vậy – sầm uất, hưng thịnh với vai trò là một thương cảng quốc tế bậc nhất ở Đàng Ngoài bên dòng sông Hồng.

Tôi nghe ông nội kể lại “Mỗi lần tàu buôn nước ngoài đến đây đều phải neo đậu tại cửa Càn bên bờ tả ngạn sông Xích Đằng (tên địa phương gọi sông Hồng) để thuế quan kiểm hàng, thu thuế rồi mới đưa thuyền nhập cảng Bến Đá, chuyển hàng vào thương điếm chờ thương lái. Muốn tiếp tục lên Kẻ Chợ – Thăng Long, chủ thuyền làm thủ tục xuất bến, kiểm hàng tại Vạn Lai Triều nằm ven sông Hồng cách Bến Đá không xa, hoặc chuyển hàng sang thuyền nhỏ thuê của người bản địa”. Gắn với dòng sông Hồng là tên tuổi của Lê Đình Kiên người có công trấn thủ Sơn Nam, mở mang Phố Hiến, là nhà thơ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân, danh y Hải Thượng Lãn Ông, liệt sĩ – nhà cách mạng Tô Hiệu, hay Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với tầm nhìn đổi mới. Những người con ưu tú ấy, là minh chứng cho một miền đất địa linh nhân kiệt bên dòng sông Mẹ.

Sông êm đềm trôi đi trong vẻ đẹp trữ tình hiền hòa, an nhiên, tự tại. Người ta gọi sông Hồng vì nước sông luôn đỏ hồng phù sa như má em cô thiếu nữ, đỏ như màu bã trầu của mẹ tôi hay đỏ máu cha ông ta để gìn giữ mảnh đất này…, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng sông Hồng còn được gọi tên là sông Cái, tức là sông Mẹ bởi phẩm chất vĩ đại, đức sự hi sinh cho nhiều hơn nhận. “Sông Hồng chảy ngược câu ca, đầy vơi gạn lại phù sa cho đời” (Thơ Khương Thị Mến).

Sông miệt mài, chắt chiu lớp lớp phù sa, triệu triệu năm bồi đắp ruộng đồng, sinh sôi làng mạc để lại diện mạo cảnh sắc thiên nhiên, tạo hình hài, vóc dáng, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán con người xứ Nhãn. Tôi và lũ bạn, những đứa con của mẹ sông Hồng, da đỏ như cục bùn non, mắt đen như hạt nhãn, mang tinh thần khí phách nữ du kích Hoàng Ngân, ham học, hiếu nghĩa, thủy chung như chàng Tống Trân, mang hơi thở phù sa, khỏe khoắn vạm vỡ sức trai Chử Đồng Tử. “Em khỏa nước đôi bờ sông Cái, gọi sen bùi nhãn ngọt đơm hoa” (Thơ Khương Thị Mến). Sông hiến dâng cho mảnh đất quê tôi những mùa hoa thơm trái ngọt cùng ẩm thực độc đáo của cư dân sống vùng sông nước: nhãn lồng, vải trứng, chè sen long nhãn, bún thang lươn Phố Hiến, cá mòi Sông Hồng, gà Đông Tảo… Tất cả mang hương vị phù sa Sông Hồng đậm đà khó quên. Nói sao cho hết ân tình của sông với mảnh đất này.

Tôi đứng lặng trước bến sông quê, ngẩn ngơ thổn thức mà se lòng nghĩ về những cuộc gặp gỡ, chia ly, đoàn tụ, những dấu chân đi về, nỗi đợi mong mòn mỏi, bến sông mặn mòi nước mắt. Tôi nghe gió thổi cong con đê Văn Giang, cỏ may níu chân người, mùa đổ vàng bông cải dưới vệt trăng khuya khoắt. Hình như có tiếng ai gọi đò khuya sạt cả đôi bờ. Tôi nhớ đến truyện ngắn “”Cúc tần sông”, “Bến đò Lăng” của Phùng Văn Khai mà ám ảnh, xót thương cho thân phận người đàn bà sau tiếng súng như bến đợi bên bến đò Lăng: đau đáu, nghẹn ngào, u buồn, hoang vắng. Bên bến sông Hồng cha mẹ tôi gặp gỡ và nên duyên chồng vợ. Bên bến sông Hồng, chị tôi sang đò làm dâu đất khách. Thương biết mấy, bến sông Hồng trong tôi.

Sông Hồng, một đời sông sinh ra để chảy, chảy trong dòng chảy bất tận của thời gian, không gian, nắng mưa, đầy vơi hay cạn kiệt, chảy vào quá khứ oai hùng, đau thương, chảy vào thi ca huyền thoại. Sông chảy cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Sông hóa giải mọi nỗi đau, đâu nói hết lở bồi, nông sâu, thăng trầm, tàn lụi. Sông lưu giữ nền văn hóa, sông mang khát vọng của mảnh đất quê tôi ngàn đời bình yên, hưng thịnh. Con sông này cho tôi minh triết sống yêu thương tìm về nguồn cội. “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ôi, con sông quê hương dạt dào như lòng mẹ; chở che con đi qua chớp bể, mưa nguồn…” (Lời bài hát “Khúc hát sông quê” – Nguyễn Trọng Tạo).. Tôi trở về mẹ, bên dòng sông Hồng, đấy là quê hương yêu dấu, là một phần của cuộc đời tôi.

KHƯƠNG THỊ MẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *