Vivien Leigh – Cháy lên để lụi tàn

 (Kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Vivien Leigh – ngôi sao màn bạc Hollywood)

Vanvn- Vào cuối những năm 1930, một chấn động đã xảy ra ở Hollywood: một phụ nữ người Anh nhỏ bé đến từ thuộc địa của Anh đã đạt được vai một người miền Nam nước Mỹ trong cuốn tiểu thuyết đình đám “Cuốn theo chiều gió”.

Mặc dù ban đầu nhà sản xuất và đạo diễn không thích giọng Anh của Vivien Leigh, và cũng là điều lạ đối với người Mỹ khi thấy một đại diện của một quốc tịch khác trong vai một nữ nhân vật văn học được yêu thích, một biểu tượng cho sức mạnh và sự bướng bỉnh của người Mỹ.

Vào những năm 1860 ở miền Nam Hoa Kỳ, nơi diễn ra hành động của “Cuốn theo chiều gió”, mọi thứ đều trang nhã và không hợp thời: nạn phân biệt chủng tộc, giới quý tộc chiếm giữ các điền trang, một thế giới nông nghiệp ghét “người Mỹ” – những người đến từ miền Bắc, mang tiền bạc và chủ nghĩa tư bản của họ đến với “những nhà nhà quý tộc” Giống như Clark Gable đến với Vivien Leigh. Rhett Butler đến với Scarlett O’Hara…

Vivien Leigh thủ vai Scarlett O’Hara trong phim “Cuốn theo chiều gió” năm 1939.

“Tôi sẽ sắm vai Scarlett!”

Vivien Leigh – tên lúc mới sinh là Vivien Mary Hartley – hiện thân của sự hợp nhất giữa gen và hoàn cảnh. Cô sinh ra ở Ấn Độ, tại thành phố Darjeeling, nơi người cha của cô làm việc. Người mẹ là sự kết hợp trong cây gia phả của mình với gốc gác tổ tiên pha trộn giữa người Ireland, người Pháp và người Armenia. Và bà mẹ là một người Công giáo, điều này đã thêm một dòng vào tiểu sử của Vivien về việc cô bé theo học tại một tu viện (rất nghiêm khắc – họ nói rằng học sinh ở đó thậm chí còn bị buộc phải mặc áo ngủ khi tắm).

Nhưng tất cả những khắt khe này sau đó cũng đã bị lãng quên: Vivien chọn nghề diễn viên, điều mà những người cố vấn của cô có lẽ sẽ coi là tội lỗi. Tuy nhiên, cha mẹ Vivien không phản đối điều đó. Vivien kết hôn, sinh con gái và lần đầu tiên biểu diễn ở nhà hát. Chồng là luật sư Lee Holman, một người đáng kính và không thích sân khấu. Anh ta hơn vợ 13 tuổi và không thể hiểu được niềm đam mê nghề nghiệp của Vivien cũng như việc cô con gái Suzanne được giao cho các bảo mẫu chăm sóc.

Và rồi Vivien Leigh gặp nam diễn viên kiêm đạo diễn Laurence Olivier. Đầu tiên là trên sân khấu, sau đó gặp ở ngoài đời. Và người đầu tiên đến với cuộc hôn phối bị gạt sang một bên và lãng quên. Tất cả những gì còn lại của người chồng đầu là một cô con gái và một họ mới. Trên sân khấu, Olivier và vivien có thể là Hamlet và Ophelia, Caesar và Cleopatra. Và trong các bộ phim, họ được người xem, kể cả ở Liên Xô, nhớ đến với vai Đô đốc Nelson và Lady Hamilton.

Vào giữa những năm 1930, Vivien, một người yêu thích đọc sách, đã đọc cuốn sách bán chạy nhất “Cuốn theo chiều gió” của nữ văn sỹ Margaret Mitchell và, vì một nguồn cảm hứng khó hiểu, nữ diễn viên đã nói:”Tôi sẽ đóng vai Scarlett, nhưng Olivier sẽ không đóng vai Rhett Butler”. Và thế là mọi điều đã xảy ra. Sau phim này Vivien đã nổi tiếng được trao giải Oscar đầu tiên. Nhưng người ta tin rằng bộ phim “Cuốn theo chiều gió” một phần trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm nữ diễn viên: như thể cô, với lá phổi yếu ớt, đã nuốt phải bụi đỏ chát trong quá trình quay phim kéo dài…

Đã cố ý định nhảy ra khỏi máy bay

Vivien Leigh là một nữ diễn viên giỏi. Và xinh đẹp. Và là một nữ diễn viên rất chăm đọc sách, nhưng thói quen đó cũng không giúp ích gì nhiều trong cuộc sống hàng ngày…

Minh tinh màn bạc Vivien Leigh

Cô ấy cũng yêu chồng của mình. Nhưng Vivien bị bệnh nặng. Đầu tiên, chẩn đoán là bệnh lao, căn bệnh ám ảnh nữ diễn viên suốt đời (“Tôi có một cái lỗ thủng trong phổi to bằng quả cam”- nữ diễn viên viết cho một người mà cô quen biết không lâu trước khi qua đời). Sau đó những khu xử kỳ lạ bắt đầu. Các bác sĩ cho rằng nữ diễn viên đã được kê nhiều loại thuốc có “tác dụng phụ” khiến trạng thái tinh thần của cô trở nên tồi tệ hơn. Đôi khi Vivien quỳ lạy, đôi khi cô ấy tỏ ra hung hãn. Có lần Vivien đã cố gắng nhảy ra khỏi một chiếc máy bay đang bay mà không cần dù. Lại có lần tự đập đầu vào tường. Bộ phim “ Chuyến tầu ước nguyện” dựa theo vở kịch của Tennessee Williams, đã mang về cho cô cả giải Oscar thứ hai kèm theo một chứng suy nhược thần kinh khác: vai Blanche DuBois quá khắc nghiệt, bị đè bẹp bởi bạo lực từ nhân vật Marlon Brando.

Nữ diễn viên được điều trị tại một phòng khám tâm thần. Liệu pháp điện giật, thụt rửa của Charcot… Năm 1960, Vivien nộp đơn ly hôn chính thức với Olivier, mặc dù trên thực tế, Vivien gần như không được sự ủng hộ và cô đơn. Nữ diễn viên mệt mỏi vì các bác sĩ. Thi thể của nữ diễn viên được tìm thấy vào năm 1967, trong phòng ngủ của mình. Ở tuổi 53…

Con gái Suzanne của bà đã sinh cho Vivien ba đứa cháu, trân trọng ký ức về bà, cố gắng bảo vệ bà khỏi mưu đồ của những người yêu thích “chuyện tào lao”. Nhưng nhiều chi tiết khác nhau về cuộc sống cá nhân của bà vẫn được các nhà viết tiểu sử biết đến. Họ nói rằng Vivien nhớ tất cả những người mà bà đã đóng cùng. Ví như, nữ diễn viên nhớ đến mùi khó chịu từ hơi thở của Clark Gable (trước khi quay cảnh hôn, anh ấy đã cố tình ăn tỏi, thứ mà bạn diễn của anh ấy không thể chịu đựng được, đó là trò đùa của anh ấy). Nhưng bà không nhớ ngày sinh của con gái mình.

Suzanne đã cùng mẹ sống ở Hollywood và sau đó  ở Ý một thời gian ngắn. Cô con gái đã quen với việc không thu hút sự chú ý vào bản thân. Người mẹ thường xuyên quên mất con gái mình, cuối cùng đã để lại cho cô tất cả những gì mình sở hữu, bao gồm cả kho lưu trữ, theo di chúc. Biết tâm trạng của Suzanne, bạn có thể chắc chắn: nếu có điều gì đó khó chịu được viết về Vivien, thì nó được viết bởi những người chưa xem kho lưu trữ này…

Kể thêm

Ở Liên Xô, cuốn sách “Cuốn theo chiều gió” đã được xuất bản, nhưng việc chỉ đến cửa hàng và mua được sách dường như là một vấn đề. Tôi đứng xếp hàng mua một cuốn sách hai tập. Hay đúng hơn, đầu tiên là một phiếu giảm giá cho cuốn sách… Và trước đó, trong một số Tạp chí Khoa học và Cuộc sống, người yêu cả phim và tiểu thuyết, đã kể lại cốt truyện và cả những câu chuyện trong quá trình quay phim. Đó là những năm 1980, chỉ có một số ít người được xem bộ phim này ở Liên Xô, nó không được chiếu rộng rãi tại các rạp . Buổi chiếu ra mắt chỉ diễn ra vào năm 1991, không lâu trước khi Liên Xô sụp đổ.

Còn nhớ, trong những số Tạp chí Khoa học và cuộc sống kia  có một loạt ảnh tuyệt vời với Vivien Leigh ranh mãnh và tinh nghịch, người luôn có thể tự an ủi mình bằng cụm từ:”Tôi sẽ suy nghĩ về nó vào ngày mai”.

TÔ HOÀNG

Theo báo Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *