Nhà văn Jorge Luis Borges: Xin mời cùng tôi đi vào mê cung

Vanvn- Một nhà xuất bản tại Italy vừa cho công bố bài phỏng vấn chưa hề xuất hiện ở đâu với nhà văn, nhà thơ Argentina xuất chúng – Jorge Luis Borges, ông tổ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ La tinh. Trong bài trả lời phỏng vấn này Borges đã kể về “tính kiềm chế” của mình mà độc giả cũng đã nhận biết, về việc có thể coi địa ngục là một mê cung được không…

Nhà văn Jorge Luis Borges

Vào năm 1981 một nhà phê bình tên tuổi đã gặp Jorge Luis Borges. Kết quả cuộc trò chuyện giữa hai người đã hình thành một lời thú nhận rất thân tình về văn học, về sự đui mù và nghệ thuật..

* Tò mò một chút muốn được biết ông luôn luôn thích những nhà văn vĩ đại mà không sa vào mê cung…

– Ariosto(1) trong một số phương diện nào đó cũng đã xây dựng mê cung của mình, nhưng đó là mê cung vui, tựa như một dòng sông có vô số những chỗ uốn khúc. Không phải là thứ mê lộ trong sự hiểu của Henry James(2) hay Kafka. Đây, với Piranesi(3) cũng có những mê lộ thực sự, nhưng Ariosto – đó lại là một trường hợp khác, đó là mê lộ vui. Một lần tôi thử hình dung…

* Ông hình dung thấy điều gì?

– Tôi giả định có một ý tưởng như thế này: trong cuộc du ngoạn cuối cùng của mình Dante đã tới Venise, đúng không nào? Cứ giả định rằng, sau “Hài kịch thánh thần” ông ấy muốn viết thêm một cuốn sách nữa. Chúng ta lại thử tưởng tượng ra một đoạn độc thoại của Dante: “Tôi nhất định sẽ viết ra cuốn sách ấy…”. Dante không nhất thiết sẽ viết nó, bởi vì có thể có một dự định đặc biệt quan trọng. Và sau đó nhà thơ đã chết, cuốn sách không ra đời. Đó có thể chỉ là sản phẩm của một sự hoang tưởng. Văn học có quá nhiều bí ẩn mà bạn không hiểu được rõ ràng những gì bao phủ bởi những bí ẩn đó. Đây là một dạng rất bí ẩn của nghệ thuật, rất khó thể hiện.

* Vậy có thể có sự mâu thuẫn giữa sự minh xác và mê cung?

– Đúng vậy! Chỉ có điều mê cung được suy nghĩ bởi sự minh xác. Có nghĩa là chúng ta tiến tới mê cung, tiến tới sự hỗn độn không phải qua sự hỗn độn mà là qua vũ trụ. Chúng ta hiểu rằng trong cái mê cung kia có những trật tự bí ẩn. Trật tự ấy được cấu tạo bởi sự hài hòa, để người ta có thể hiểu được nó.

* Vậy đâu là mê cung đầu tiên mà ông may mắn nhận ra trong đời?

– Tôi nhìn thấy mê cung đầu tiên trong một bức tranh chạm khắc. Sau đó tôi lên đường tới Cnoss, tới Crit, còn sau đó nữa tới Hampton-Cort- ở những nơi đó tôi nhận ra mê cung của những chuyện đùa. Mê cung thường xuất hiện như biểu trưng của hạnh phúc. Sau này bản thân từ “mê cung” mang ý nghĩa của cái đẹp.

* Vậy đối với ông hai tiếng “mê cung” có ý nghĩa gì?

– Nó gợi lên một hình ảnh dữ dằn nào đó. Thời cổ đại nó hàm chỉ những đường tiến lui trong một ván cờ. Vào thế kỷ XVI, với nhà hiền triết Choser, mê cung có sự chuyển động, nó được tạo nên bởi những cây sậy. Mê cung có cấu trúc hình tròn, rất kỳ dị . Tôi đọc và biết rằng một hiền triết khác, ông Diurer hình dung ra mê cung có thể xoay vòng được.

* Ông có nghĩ rằng những tầng địa ngục cũng là một thứ mê cung không?

– Có thể là như thế! Cho đến thời Phục hưng mê cung là một cấu trúc, ở đó luôn luôn cần phải đạt tới tâm điểm. Sau chủ nghĩa kiểu cách , mê cung- ngược lại, trở thành nợi thể hiện sự bối rối. Cũng có thể mê cung tồn tại gần hơn với sự thụ cảm của chúng ta và nó bắt đầu từ chủ nghĩa kiểu cách và nghệ thuật baroque. Chestenrton(4) nói: Chúng ta đó là tất cả những gì mà chúng ta sợ hãi. Mê cung không có trung tâm.

* Mê cung văn học có trung tâm không?

– Mê cung văn chương có trung tâm. Xét về bề ngoài nó như một mê cung, nhưng sau đó thì rành rõ trên thực tế đó là vũ trụ, nó có những sự lý giải về phương diện lý trí. Tôi không biết vì sao người ta thường hướng đến mê cung. Ngay từ thời ấu thơ ý nghĩ về mê cung và hình ảnh con Nhân ngư đã đánh thức mãnh liệt trí tưởng tượng của tôi. Thậm chí tôi còn không thể giải thích nổi điều này. Bạn đọc đã nhận ra tính kiềm nén của tôi. Nhưng tôi lại không biết tới điều đó, tôi là tù binh của đức tính ấy, là vật hy sinh của nó. Ấy vậy nhưng không bao giờ tôi có ý định giải thích để mình hiểu tính kiềm nén ấy là gì, ra sao? Bạn biết đấy, tôi không bao giờ đọc những gì người khác viết về tôi, không đọc ngay cả một cuốn sách nào đó họ viết về tôi. Hoặc bởi vì tôi ít quan tâm tới việc này, cũng có thể bởi vì tôi quá quan tâm tới nó. Về tôi, người ta đã viết tới cả một thư viện, nhưng tôi không đọc chút xíu nào từ cái thư viện đó.. Có thể vì tôi hiểu rằng trong những chuyện kể của tôi có trung tâm, nhưng thường là không có đâu, vì tôi không có năng lực làm việc đó.Tôi không nỗ lực vươn tới cái bí ẩn, tôi chỉ cố gắng trở thành một nhà kinh điển. Nhưng vẫn nẩy sinh cảm giác là tôi hiện đại một cách đáng công phẫn. Một người bạn tôi, De Chirico(5) đã nhận xét một điều gì đó không đẹp, ông ta nói: “Đó là hiện đại, đó cũng là điều không đẹp”.

* De Chirico họa sỹ? Giorgio de Chirico?

– Đúng thế! Ông ta nói: “Đó là điều không đẹp, đó là hiện đại”.

* Ông nghĩ sao về hội họa của De Chirico?

– Ông ta là một họa sỹ vĩ đại. Tôi không thể nhìn thấy các tác phẩm của ông ta bởi vì tôi bị mù. Vào năm 1955 tôi còn có thể xem phim, sau đó có thể nhận diện từng khuôn mặt, còn bây giờ thì không. Bây giờ tôi nhìn người và vật như qua màn sương mù, trong màn sương mù lấp lánh, khi thì màu xám khi thì màu xanh. Tôi đã đánh mất hai màu – đỏ và đen. Tôi nhớ tiếc màu đen. Trước đây tôi đi ngủ trong bóng tối, còn bây giờ đối với tôi bóng tối không còn tồn tại. Mọi thứ đều trôi đi trong thứ nhấp nháy, bồng bềnh. Tôi không phân biệt được hình hài, không nhận ra những chuyển động. Nếu tôi vẫy bàn tay, tôi nhìn thấy nó đang lắc lư, nhưng không nhận ra nổi đó là bàn tay của tôi. Khi tôi khua khua con dao hay cái nỉa lên trước mặt, tôi có cảm giác là nhìn thấy chúng.Nhưng những điều như thế cũng không đáng sợ bởi chúng diễn ra hoàn toàn chậm rải và không hề có những biến đổi đột ngột nào. Nếu giả như những động tác như vừa kể diễn ra đột ngột thì đó quả là một bi kịch, có thể khiến ta muốn tự vẫn. Tôi cũng đã từng chứng kiến cha mẹ tôi, bà tôi, người ông gốc Anh của tôi chết như thế nào bằng đôi mắt mất thị giác của mình. Nhưng đó là những chuyện diễn ra đã lâu, tôi không còn nhớ nữa…

* Ông có thể cho biết, trong văn học của ông…

– Tôi hiểu biết văn học rất xoàng. Tôi viết ra sách và quên phắt ngay. Anh biết văn chương của tôi rành rõ hơn tôi, vì anh đọc sách của tôi.Tôi đọc những gì viết ra để kiểm tra lỗi chính tả, nhưng thời gian sau này tôi không làm được việc đó nữa, bởi thế tôi cũng không còn có thể sửa chữa chữ nghĩa của mình. Tôi cố gắng quên đi tất cả những gì đã viết ra, để chỉ nghĩ tới những gì sẽ viết. Theo tôi, tuyệt nhiên không có chút ích lợi nào khi ngoái lại phía sau. Franco Maria Ricci(6) nói với tôi: “Chúng ta in ra sách nhắm không tốn thời gian để chỉnh sửa bản thảo”. Khi một cuốn sách được in ra, người viết được giải thoát khỏi nó. Tôi cho in sách mà không biết sách có bán được không, có được dịch ra tiếng nước nào không, có thành công không, người ta viết gì, không viết gì về nó. Tôi ngồi giữa đám bạn hữu, nếu các bạn tôi không nói gì về cuốn sách mới in ra của tôi, có nghĩa là cuốn sách ấy không khiến họ thích thú. Còn nếu họ kể về điều gì đó – đấy cũng chỉ là sự hào phóng giành cho các chi tiết. Tôi không bao giờ gắng gỏi làm cho mình nổi tiếng, đó là vấn đề thuôc thế hệ những người đọc. Lúc còn trẻ tôi luôn lo sách của mình chả ai thèm ngó ngàng tới.

* Ông liệu có thể coi Home là hiện đại bởi tính tổng hợp mà các tác phẩm của ông thường đạt tới.. Hay có thể vì tính minh xác…

– Tính minh xác đó là hình thức của sự lịch sự trong cung cách đối sử với đọc giả của mình. Bỏ qua sự mù lòa của tôi, tôi không biết liệu tôi có gì chung với Home vĩ đại không. Home là nhà thơ vĩ đại của nghệ thuật thuật chuyện.

* Ông đã cho công bố tại Italy cuốn sách mang tựa đề “Nghề thuật chuyện” trong tác phẩm này có đề cập tới phương pháp độc đáo của Socrat, tình yêu đối với nghệ thuật kể chuyện. Dẫu sao cũng thấy văn phong của lối thuật chuyện không xa sao nhiêu với văn viết.

– Việc mù lòa không thể tước ở tôi lắng nghe được âm thanh của những con chữ, sự hài lòng của khán phòng- điều mà tôi không nhìn thấy. Điều này đã diễn ra tại Italy, ở thành phố Milan trong thời gian tôi trình bày cái mê cung của mình. Khi tôi nói chuyện trước cử tọa, tôi đã học thuộc lòng từ trước những bài thơ tôi sẽ trình bày. Có thể coi đó là cái mê cung của sự an ủi…

TÔ HOÀNG

Theo bản tiếng Nga báo La Republica – Italy

______________

(1) Ludovico Ariosto là nhà thơ, người Italy, thế kỷ XVI.

(2) Henry James là tác giả và nhà phê bình văn học Mỹ.

(3) Giovanni Batisto Piranesi là nhà khảo cổ, kiến trúc sư người Italy, nổi tiếng với các bức tranh khắc tại Roma.

(4) Giorgio de Chirico là họa sỹ, nhà văn Italy đầu thế kỷ XX.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *