Vanvn- Chúng tôi là lớp hậu sinh, thời gian gần gũi với các bậc tiền bối làng văn tỉnh nhà không nhiều, vả lại trước các vị, chúng tôi vẫn nặng tâm lý “kính nhi viễn chi”. Nhà văn Hoàng Bình Trọng là một trường hợp ngoại lệ. Giữa ông và chúng tôi không có khoảng cách…

>> Nhà văn Hoàng Bình Trọng qua đời ở Quảng Bình
Đầu năm 2007, tôi may mắn trở thành biên tập viên của Tạp chí Nhật Lệ và lần đầu tiên diện kiến nhà văn Hoàng Bình Trọng. Đã từng nghe nhiều về ông, cả những lời xưng tụng và những giai thoại cười ra nước mắt, nay mới được trực diện ngắm nghía dung mạo của nhà văn. Ông hiện hữu như “di tích” của thời bao cấp: khắc khổ mà chỉn chu, khó khăn mà nhẫn nại. Có cảm giác ông đang bình thản đứng bên ngoài dòng chảy ào ạt, xô bồ và có phần chụp giật mưu lợi thời nay để mà chiêm ngắm và suy ngẫm chứ không hề có ý định dạt trôi theo. Trò chuyện cùng ông, đọc tác phẩm của ông mới hiểu, hoá ra con người có vẻ dửng dưng với thời cuộc này đang sống rất thức thời – một cuộc sống đằm sâu trong trang viết.
Nguyên quán Thanh Khê, Thanh Trạch, Bố Trạch, Hoàng Bình Trọng sinh ra ở Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1942, thường trú ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn. Suốt cuộc đời ông cơm niêu nước lọ đeo đuổi văn chương, không cậy nhờ xin xỏ, rong ruổi đường đời không tính chuyện mất còn. Nhà văn Hoàng Bình Trọng tự trào: “Lắm cây lắm chỉ thì giàu/ Lắm câu lắm chữ nhọc đau tình đời/ Khi ta khóc, thiên hạ cười/ Nơi ta trân trọng, người người khinh khi/ Cầu danh, danh chẳng được gì/ Quay ra cầu lợi, lợi thì tránh xa/ Đói nghèo bám chẳng buông tha/ Mộng vàng, vàng đến… chán cha mớ đời…”. Trong con mắt của những người xa lạ, nhà văn Hoàng Bình Trọng là một ông già “khốt-ta-bít” không hơn không kém. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, lạc vào chốn lao xao nhân thế, tiên sinh họ Hoàng chẳng có gì đáng để cho người đời để ý cả. Dung mạo cũ, cái cặp cũ, chiếc xe đạp cũ. Mặc ai nóng ruột nóng gan bon chen kiếm tìm tiền nghìn bạc vạn. Lên nhà. Đổi xe. Xông xênh áo xống. Ông cứ vậy! Gần tuổi thất thập ông vẫn mải miết làm mới tâm hồn mình qua từng con chữ.
Nhà văn Hoàng Thái Sơn nói rằng: “Ông ấy thấy thế mà thanh thản vì ông ấy biết ĐỦ và thoả mãn sống với những gì còn lại trong mình. Cái còn lại ấy mới là cái quý giá!” Thế nhưng trong nghiệp văn, nhà văn Hoàng Bình Trọng cực giàu. Ông đang sở hữu một “gia tài” không thể tính đếm bằng cây, chỉ, triệu, tỉ… và không thể mua được bằng con số. Gia tài của ông đáng để cho những ai quyết dấn thân theo nghiệp văn thèm muốn mà không dễ gì có được. Để thống kê cho hết các tác phẩm lớn nhỏ trong suốt gần 50 năm cầm bút của mình với nhà văn Hoàng Bình Trọng là một việc khó. Từ khi nghỉ công tác tại tạp chí Nhật Lệ năm 2008, gần như năm nào ông cũng xuất bản một đầu sách. Đặc biệt là những năm gần đây ông chuyển hướng sang viết trường ca. Khởi đầu là trường ca “Tướng Giáp – Người anh cả của quân đội”, tiếp đến là “Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ”… Số nhiều trong các tập sách này đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Phú Thọ, Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội VHNT Quảng Bình. Ở con người nhà văn Hoàng Bình Trọng, nội dung và hình thức là hai khái niệm tách rời, riêng biệt.
Chúng tôi là lớp hậu sinh, thời gian gần gũi với các bậc tiền bối làng văn tỉnh nhà không nhiều, vả lại trước các vị, chúng tôi vẫn nặng tâm lý “kính nhi viễn chi”. Nhà văn Hoàng Bình Trọng là một trường hợp ngoại lệ. Giữa ông và chúng tôi không có khoảng cách. Nhà văn Hoàng Bình Trọng là người kiệm lời, ông không hay tranh cãi đôi co kể cả những lời xúc xiểm không hay đối với mình. Ông từng nói: “Con người ta có hai cách phát ngôn. Một là bằng lời nói, hai là bằng con chữ. Mình đã nói được nhiều bằng cây bút rồi thì để cho người ta nói bằng cái mồm. Chẳng thiệt đi đâu mà lo.” Nói xong cười kha… kha… kha… và bình thản đi bên cuộc đời. Đằng sau dung mạo có vẻ khắc kỷ, khép kín ấy ông là người hài hước. Hài hước khi ngắm nghía sự đời và trào lộng với chính bản thân. “Tớ không có chí làm vua/ Nên trời bắt phải cày bừa ruộng văn/ Thôi thì tứ đốm tam khoanh/ Chậm gieo truyện ngắn, gặt nhanh truyện vừa/ Lại còn tiểu thuyết còn thơ/ Lại còn dịch diệt ăng ô tây tầu…”
Nhà văn Hoàng Bình Trọng vốn là kỹ sư địa chất. Những năm tháng trai trẻ, ông rong ruổi ở chốn rừng thiêng nước độcđi tìm quặng. Không chút mảy may mơ ước mình sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn, nhưng những chuyến viễn du thâm sơn cùng cốc đã làm bay bổng hồn thơ tiềm ẩn trong ông. Ban đầu là đôi ba vần thơ chép vội vào sổ tay, xuất bản nội bộ, đủ để cung cấp cho anh em đồng nghiệp trong đơn vị mỗi người một bài khi làm báo tường. 5 năm đi bộ đội, ông vẫn làm thơ, cũng đầy ngẫu hứng, phát hành nội bộ. Năm 1976, chiến sỹ Hoàng Bình Trọng giải ngũ về làm giảng viên ở trường Trung học Mỏ- Địa chất. Trong môi trường này, ông có dịp hồi nhớ lại kỷ niệm một thời, chải mượt và thổi hồn bằng nghệ thuật kể chuyện. Tiểu thuyết đầu tay “Khu rừng bí mật”của nhà văn Hoàng Bình Trọng ra đời như thế. Năm 1972, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, tác phẩm được độc giả trẻ hồi ấy đón nhận nồng nhiệt. Sau đó ông có thêm nhiều tiểu thuyết ra đời và tiếp tục thành công.
Những tháng ngày được làm việc bên nhà văn Hoàng Bình Trọng, được gần gũi ông hơn, tôi nhận thấy trong con người này nghề kỹ sư địa chất và nghề viết văn không khác nhau là bao. Kỹ sư địa chất, ông tìm quặng trong lòng đất. Viết văn, ông tìm “quặng” trong cuộc sống. Cả hai công việc đều vô cùng vất vả! tôi từng nghe người ta nói: “Với Hoàng Bình Trọng, văn là nghề kiếm sống. Ông ấy viết trong sự thúc ép của miếng cơm manh áo”. Biết ông rồi tôi hiểu khác, ông ấy đến với văn chương như định mệnh. Ông đến với văn chương trước để rồi sau đó văn chương trả công cho niềm đam mê của ông. Đừng nghĩ rằng ông ấy viết văn làm thơ vì quá nghèo. Hoàng Bình Trọng và văn chương: Đó là duyên và nợ. Đối với nhiều tạp chí văn nghệ trong nước, tên tuổi của ông là một thương hiệu cứng, người ta dùng tác phẩm của ông trong niềm tin tưởng tuyệt đối về chất lượng chứ không phải là một sự “cứu trợ nhân đạo” nào cả. Ông “Tự hát”: “Tóc xanh đã ngả màu mây/ Chân son đã rạn, gót giày trường chinh/ Vẫn chưa hết cuộc hành trình/ Vẫn nghe mình gọi tên mình nơi xa/ Thì đi cho hết bài ca/ Đi cho tiếng nấc bật ra tiếng cười/ Thì đi cho trọn đạo trời/ Cho lời hẹn ước thành lời sắt son…”
Còn nhớ ngày nhà văn Hoàng Bình Trọng nhận thông báo nghỉ việc ở tạp chí, hai nhân viên trong ban biên tập là tôi và Nguyễn Hương Duyên hụt hẫng mất một thời gian dài. Ngày chia tay Nguyễn Hương Duyên nói trong lo lắng: “Bác về rồi, những điều không biết bọn cháu biết tìm ai mà hỏi đây?” Ông cười: “Chúng mày cứ gọi điện ra Quảng Hoà, điều gì bác biết bác trả lời luôn, không thì để bác tìm hiểu rồi trả lời sau. Vả lại tao còn vào thường xuyên mà. Lo gì!”. Tạm biệt chúng tôi bằng một chuỗi cười kha….kha ….kha…. và ông đi, hành trang vẫn là một chiếc cặp cũ lúc nào cũng nặng trĩu những bản thảo viết tay sải đều phóng khoáng và chiếc xe đạp già nua mà chung thuỷ.
Chiều nay, ngày Rằm tháng Giêng, ngồi một mình trên tầng ba Hội Văn học nghệ thuật, tin nhắn tinh…tinh…đến, ngỡ là những chuyện vui vui tôi thường đừa cợt hi hi ha ha với các bạn không ngờ là thông báo tin buồn của Phạm Phú Thép – Trưởng chi hội VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch “Nhà văn Hoàng Bình Trọng đã qua đời…”. Tôi lặng người. Ông mới gọi điện cho tôi hôm qua mà. Vẫn như mọi lần “ Hiền à! Bác Trọng đây! Mày khỏe không? Tao ở ngoài này nhưng vẫn nhớ chúng mày lắm đấy!”…” À, Hiền này, bác hỏi thật nhé, nếu mai kia bác chết, mày có thương bác không?” Tôi cười “Ôi bác ơi, Thương chứ sao không thương được hè” “Ừ, thương bác nhé!”, “Mà sao lại chết? Phải sống để còn nhận Giải thưởng Nhà nước đã chứ. Chết rồi thì làm sao cho cháu Hiền tiền để in sách như đã hứa được?”, “ Ờ, ờ, đúng rồi nhỉ, phải sống đã chứ nhỉ. Còn Giải thưởng Nhà nước nữa cơ mà”…kha…kha…kha “À, mà mày làm hồ sơ rồi trình cho bác rồi chứ nhỉ?” “Dạ, rồi, ai cũng thấy bác xứng đáng lắm mà.” “ Ừ, thế được rồi… Thôi nhé!”. Đó là câu chuyện cuối cùng của tôi với nhà văn Hoàng Bình Trọng. Bây giờ thì chiếc xe đạp cũ của ông vẫn còn dựng ở bên tường nhà nhưng nhà văn Hoàng Bình Trọng đã “ đi mây, về gió”. Nhẹ bỗng như khi ông đối diện với cuộc đời này. Tôi thì vẫn cứ nghe đâu đây vẳng tiếng ông cười kha…kha…kha… hào sảng.
Vĩnh biệt ông, nhà văn già đáng kính của chúng tôi!
TRƯƠNG THU HIỀN