Mất việc – Truyện ngắn của Lệ Hằng

Vanvn- Tôi vừa mất việc.

Trên giấy tờ là tôi nộp đơn xin nghỉ việc nhưng tôi thấy mình giống bị sa thải hơn. Dù tôi đã có vài ảo tưởng về nghề nghiệp mà khi vỡ ra tôi không còn nhiệt huyết nữa nhưng thú thật tôi chưa khi nào nghĩ đến chuyện bỏ việc, tôi biết mình không thể kiếm được chỗ nào khá hơn hay thậm chí là tương tự.

Nhà văn trẻ Lệ Hằng ở Đà Nẵng

Nghỉ việc nghĩa là thất nghiệp, rõ ràng rồi. Nhưng cuộc đời vốn chẳng đơn giản, tôi không muốn thôi việc thì người ta cũng có cách khiến cho tôi phải thôi, người ta biết cách khiến một đứa chán việc như tôi bị bật khỏi guồng quay. Thế là chấm dứt.

“Con mua vé rồi nội, ngày kia con về”. Tôi nói với ông như thể đã bàn mọi chuyện dù từ hôm mất việc đến nay đây là lần đầu tiên tôi gọi cho ông. Tôi đã giữ máy khá lâu mới bật ra được. “Con về… là về quê hả?”.

Hẳn là ông bất ngờ lắm, tôi chẳng bao giờ về quê đột ngột thế này, không lễ tết, không dịp gì đặc biệt. Ông không hỏi tôi về bao lâu, chừng nào đi lại, chỉ bảo: “Mai nội mua mấy con gà, về ông cháu ta túc tắc thịt”. Tôi cố hình dung xem liệu ông có cảm nhận được gì chưa, nhưng tất cả chỉ có thế.

Tôi ghé siêu thị mua bộ đồ nghề cho ông, bộ đồ nghề gồm cờ lê, mỏ lết, tua vít, lục lăng hơn chục món… Tôi không biết ông cần chúng để làm gì nhưng khi tôi hỏi ông có thích gì không để tôi mua cầm về quê, ông nói ông thích một bộ đồ nghề. Tôi có thắc mắc chút xíu nhưng ông chỉ cười cười trong điện thoại. Tôi vui vì ông đã nói ra cái bộ đồ nghề ấy.

Lần nào trước khi về quê tôi cũng hỏi ông có muốn tôi mua gì không nhưng bao giờ cũng nhận được câu duy nhất “về là vui rồi, nhà có thiếu cái gì đâu” và khi ông đã bảo thế thì tôi sẽ về mà không quà cáp gì.

Ba mẹ tôi mất sớm, tôi ở với ông từ nhỏ, hiểu tính ông rất rõ và cái sự hiểu của tôi dừng lại ở chỗ ông đã bảo là không thiếu gì nghĩa là không thiếu thật. Vài lần, tôi cố đoán ý ông để làm ông bất ngờ nhưng đều thất bại, có khi còn làm ông buồn. Ông không giống bất cứ người ông nào mà tôi thấy ở làng. Họ bỗ bã đơn sơ bao nhiêu ông thâm trầm kín đáo bấy nhiêu.

Tôi ngồi trên tàu đi hơn ngàn cây số với cái hộp đồ nghề, lòng không ngừng suy nghĩ về ông. Không biết ông sẽ làm gì với mấy món này mà có vẻ đặc biệt, xưa nay tôi đã khi nào thấy ông tỏ ra quan tâm thứ gì như thế đâu.

Tôi vẫn chưa nói cho ông biết cái tin động trời là tôi thất nghiệp. Chuyện này chắc chắn khó chấp nhận, tôi nghĩ ông tự tin về năng lực của tôi nhiều không khác gì tôi và ông đã rất tự hào khi tôi được nhận vào công ty ấy. Ông đã khoe khắp làng trên xóm dưới, công ty có tiếng thế kia cơ mà. Tôi đã nghĩ là mình sẽ làm ở đó cả đời nữa kia.

Ngày tôi nộp đơn thôi việc xong, tôi bàng hoàng như thể vừa nhận ra mình không còn thuộc về thành phố ấy nữa. Nó không chỉ đơn thuần là chấm dứt một công việc, nó là cái gì đó lạ hơn nữa kia.

Tôi cũng tự tìm cho mình những cơ hội nhưng dường như không có một việc nào liên quan đến chuyên môn mà tôi thấy phù hợp nữa. Còn những việc không thuộc về chuyên môn thì tôi lại càng thấy chúng không phù hợp.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Tôi muốn kéo dài thời gian ở lại thành phố để chờ một sự thay đổi nào đó, biết đâu được, nhưng càng ở thêm, càng vô vọng, việc liên tiếp rải hồ sơ xin việc rồi phỏng vấn, rồi chờ email khiến tôi như bị rút cạn nguồn sống. May là tôi vẫn còn một nơi để về.

Ông đón tôi, vui vẻ cầm hộp đồ nghề đem đi cất. Đã qua một ngày nhưng tôi vẫn chưa nói với ông về dự định của mình. Tôi không tìm thấy cơ hội nào thích hợp để nói, thực ra tôi muốn đợi một câu hỏi từ ông nhưng ông không hỏi cũng không gợi chuyện cho tôi nói.

Buổi sáng, ông soạn ra một loạt đồ nghề, có thêm cái xe đạp cũ và mấy thứ linh tinh. Nom ông như cậu bé lần đầu học nghề lăng xăng tội nghiệp. Tôi muốn biết ông sẽ làm gì với mấy thứ kỳ cục này nên tôi ngồi với ông.

Ông bê ra ngoài hiên một cái chậu nhỏ đựng nước rồi hạ con xe xuống, nạy lốp, lôi xăm ra. Ông tập vá lốp xe. Tôi không nhịn được cười. Tôi không chê ông nhưng không thể không cười được.

Ông làm từng chút một, vừa làm vừa giảng giải về kỹ thuật vá lốp xe cho tôi rõ, ông nói rất trơn tru rành mạch nhưng ông làm thì không được thế. Mặc kệ tôi cười, ông vẫn cứ tập trung. Đến đoạn ông nghỉ tay, tôi hỏi ông về con chú Thứ, nhà ở cùng xóm. Từ lúc về đến giờ tôi đã điểm danh đủ mặt bạn bè chỉ sót mỗi nó…

“Nó đi Hàn Quốc rồi. Xuất khẩu lao động. Nghe nói qua làm vườn cho người ta”, ông nói. “Ơ, con nhớ nó học bách khoa, kỹ sư mà, nội”. “Chẳng biết. Giờ làm gì có tiền là người ta làm thôi. Nó mới xây lại cái nhà đó, đẹp lắm”.

Thấy cơ hội đến, tôi nói luôn với ông về dự định làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Lần này tôi về là có ý muốn nhờ người mối lái hỏi thăm chuyện này. Tôi không biết ý ông sao nhưng từ ngày mất việc, tôi thấy cám cảnh với việc phải bắt đầu lại từ đầu, biết bao giờ mới thực hiện được lời hứa khi mới ra trường.

Ngày tôi nhận bằng đại học, tôi gọi về nói với ông là sẽ sớm đập đi xây lại cái nhà này, mặc dù không ai bắt tôi hứa và ông cũng chưa lần nào nhắc lại chuyện này nhưng mà tôi thì vẫn nhớ, lúc nào cũng nhớ và thấy khó chịu. Có lẽ một phương trời mới sẽ nhiều hứa hẹn cho tôi hơn.

Ông dừng lại, bỏ cái xăm xe xuống, hỏi tôi đang nghĩ nghiêm túc chứ? Tôi trả lời là có nhưng vẫn chưa nói chuyện mất việc. Tôi tìm mọi cách để không nói về chuyện này.

“Cũng được”. Ông nói, tay lại nhặt cái xăm lên gõ gõ vào lớp keo mới dán. “Nhưng, vấn đề là con chưa nhìn ra vấn đề của mình”. “Vấn đề gì hả nội?”. “Nè, bơm cái xe phụ nội xem có được chưa. Rồi còn phải sửa thêm mấy thứ nữa”.

Ông không trả lời câu hỏi của tôi. Mà tôi cũng không chờ đợi nó lắm. Tôi xắn tay áo lên phụ, bơm rồi thử tới mấy lần. Rồi lại lọ mọ tăng dây xích, cắt bớt mấy mắt xích. Cái cổ xe bị chệch, cái yên xe bị rách. Hết thứ này qua thứ khác, mồ hôi tôi vã ra.

Tôi phụ ông, ông phụ tôi, như hai người thợ thực sự. Lâu lắm rồi tôi chưa đổ mồ hôi thế này, người tôi nhẹ hẳn đi. Mấy tháng thất nghiệp tôi chỉ ăn theo tiêu chuẩn tối thiểu mình đề ra và nằm cả ngày trong phòng như một con bọ, trừ những lúc có hẹn phỏng vấn.

Thực sự chẳng có thứ gì khác để mà làm, chẳng có thứ gì tôi có thể làm nữa, tôi cứ ăn rồi nằm ăn rồi nằm thế thôi nên đã lên hẳn năm ký rưỡi. Hôm nay tôi động tay động chân nhiều nhất nên bữa cơm cũng ngon hơn hẳn.

“Con vẫn chưa thấy vấn đề của mình sao?”. “Có vấn đề gì đâu, nội”. Đáng ra tôi phải nói về chuyện mất việc kia nhưng tôi vẫn thấy lúc này không phù hợp. Tôi không mở miệng ra nói hai từ mất việc được dù tôi nghĩ về nó tỷ lần rồi.

Ông im lặng, tôi hiểu là mình cần phải nói cái gì đó để lấp khoảng trắng này. Tôi hỏi ông về cái xe đạp và bộ đồ nghề. Sao tự nhiên ông lại bày vẽ thế? “Nè, con nghĩ sao nếu có một người ông làm nghề sửa xe? Nếu ngày xưa nội học sửa xe thì giờ sao nhỉ? Con nghĩ là có khá hơn bây giờ không? Cái nhà này có khác không?”.

Tôi thử hình dung như ông nói mà cũng không nghĩ ra cái gì cả nên tôi im lặng. “Nội đã nghĩ rất nhiều lần mà không lần nào nghĩ ra. Có điều nội thích, cứ ngồi với mấy cái thứ dính dầu mỡ lọ lem. Hồi xưa cũng sắm rồi đó chớ. Nhưng, cái thời đó sửa xe thì chưa chắc có cơm ăn, làm ruộng thì chắc chắn có cơm vào bụng”.

Ông chưa từng cởi mở như thế bao giờ nhưng tôi thấy lòng mình bỗng dưng chùng xuống. “Làm ruộng thì chắc chắn nuôi được thằng cháu mồ côi tội nghiệp này nữa, nội nhỉ” – tôi nói. “Đúng rồi. Nội cũng từng nghĩ thế. Nhưng tuổi này rồi nhìn lại, biết đâu nếu không làm ruộng cũng nuôi được con, không khéo giờ nhà cửa cũng ngon lành. Đời mà, ai biết được”.

Cả đời ông làm ruộng, bao năm chỉ đủ ăn và nuôi tôi học. Tôi gật gù, đúng là tôi có cố hình dung thế nào cũng không thể nghĩ ra được là nếu ông không làm việc này mà làm việc kia thì giờ sẽ thế nào? Liệu căn nhà có thế này không? Liệu có phải là ông vẫn sửa xe, vui vẻ như lúc nãy? Và liệu tôi có học đại học? Có học cái ngành mà giờ tôi đã ngấy tận cổ này không? Không thể có một câu trả lời nào cho những giả định này.

“Đời mà, không biết được gì đâu con, chỉ có chắc chắn một điều là nếu làm ruộng thì chân lấm tay bùn còn sửa xe thì bê bết dầu mỡ, thế thôi con”.

Tôi lặng lẽ gắp thức ăn vào chén. Sự im lặng lúc này khiến tôi có chút dễ chịu. Có lẽ nó sẽ kéo dài cho đến hết bữa ăn. “Con thấy vấn đề của mình chưa?”. Tôi dừng đũa lại. Nội quay lại vấn đề một cách đột ngột. “Vấn đề không phải là đi xuất khẩu lao động hay không”, ông nhìn tôi, “vấn đề là con phải biết mình thích làm gì trước đã thì mới có cái gì đó rõ ràng cho mình”.

Tôi ngồi im, không nhai được cơm nữa. “Chắc chắn ai cũng có sở trường. Mình phải biết mình thích một cái gì đó, con à. Nhưng mà xây nhà cho nội hay mua xe mua cộ mấy cái đó chắc chắn không nên tính như một sở thích, nội nói con hiểu không?”.

Tôi cảm giác nội đã biết chuyện tôi mất việc, bằng cách nào đó. Tôi nhìn lên, nghẹn ngào. Mái ngói cũ kỹ này rồi cũng sẽ còn cũ kỹ thế nữa, chẳng biết tới chừng nào, nội ơi.

“Có lẽ con chưa bao giờ thực sự nghĩ xem mình muốn gì nữa nội. Con thất bại rồi, con đã mất việc. Nhưng cũng hay, giờ con có thể nghiêm túc nghĩ xem mình muốn gì, nội nhỉ”.

Chỉ là một lần thất bại và nó đã qua rồi. Tôi nói và nghĩ về những bộ đồ nghề…

 LỆ HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *