Vanvn- Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành luôn làm cho những người yêu quý anh nể trọng và kinh ngạc. Ở tuổi 30 anh đã là tác giả của tập truyện ngắn Táo vàng tục lụy và tiểu thuyết Cõi nhân gian – tiểu thuyết này được phát triển từ truyện ngắn Vào đời được anh sáng tác từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước, khi đang làm ăn kiếm sống trên đất nước Liên Xô (cũ).

Nói về Cõi nhân gian, ngay từ khi xuất hiện, năm 1994 đã là tác phẩm gây chú ý với bạn đọc, được các nhà văn tên tuổi, đánh giá ca. Tác phẩm này vinh dự có mặt trong thư viện của Trường Đại học Harvart và nhiều trường đại học danh giá khác tại Hoa Kỳ. Hẳn là vinh dự không dễ có, đến tác giả cũng bất ngờ.
Cứ tưởng thể, anh tiếp tục dấn thân cùng văn chương, sau những thành công. Nhưng rồi anh “biến mất” khỏi văn đàn. Anh lao vào kiếm sống, bước chân vào kinh doanh và trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực logistics.
Tháng 9.2018, Nguyễn Phúc Lộc Thành trở lại với văn chương, không phải là văn xuôi mà là thơ, bằng cái cách không thể ấn tượng hơn. Đó là tổ chức lễ ra mắt tập thơ Giấc mơ sông Thương bao gồm 108 bài thơ, kèm 18 bức tranh sơn dầu vẽ minh hoạ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Không gian lễ ra mắt là sự biểu dương vẻ đẹp của thi ca và hội họa. Buổi ra mắt đã thu hút được rất nhiều các tác giả lớn, trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều (nay là Chủ tịch); nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, các văn nhân tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại cùng hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo.
Khi đó, những người tham dự ra mắt Giấc mơ sông Thương đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết năng khiếu văn chương của Nguyễn Phúc Lộc Thành phát lộ từ sớm. Ngay những ngày phiêu bạt xa xứ, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã tham gia cuộc thi viết truyện ngắn ở Liên Xô và đạt giải Nhất (truyện ngắn Vào đời). Khi đó, anh đã “bật mí” về phát triển tiểu thuyết Cõi nhân gian thành một trường thiên tiểu thuyết.
Và rồi, Nguyễn Phúc Lộc Thành thực hiện ấp ủ như đã được “lập trình” sẵn. Những ngày đất nước đối mặt với giai đoạn 4 dịch bệnh COVID-19, không chỉ TP. HCM và các tỉnh phía Nam mà Hà Nội cũng là địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội. Đó là thời gian Nguyễn Phúc Lộc Thành “đóng cửa” viết. Tiến độ được anh cập nhật trên trang cá nhân. Bạn văn, những người yêu quý, bạn đọc của Nguyễn Phúc Lộc Thành hồi hộp chờ đợi. Trước Tết Nhâm Dần 2022, bộ trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian 8 tập, bản in gồm 4 quyển ra mắt bạn đọc. Khổ sách 18x24cm, mỗi quyển (2 tập/quyển) dày gần 450 trang.
Ở Nguyễn Phúc Lộc Thành dường như có một năng lượng, khó hình dung. Nếu như tiểu thuyết Cõi nhân gian xuất bản năm 1995, có 20 chương, dày 360 trang, khổ 14,4×20,5cm, được anh hoàn thành trong hơn một tháng thì trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian cứ hơn 10 ngày anh hoàn thành một tập. Ví dụ, tập 8 là tập cuối cùng anh khởi viết từ 30.11.2021 và hoàn thành vào ngày 10.12.2021.
“Trong hơn 5 tháng viết Cõi nhân gian từ tập 2 đến tập 8, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đọc bản thảo và luôn động viên tôi: “Ông tập trung cao độ, các tập trước đều hấp dẫn và đạt độ cao, đừng để tập nào chùng xuống”. “Điều đầu tiên chính là sự lôi cuốn, nhân vật rất cá tính, câu chuyện chặt chẽ và bao quát xã hội, gọi ra được bản chất thời đại, nể phục ông quá…”. Khi tôi báo anh, vừa viết xong dòng cuối cùng của bộ tiểu thuyết, anh nhắn lại: “Chúc mừng ông, ông đã đi qua một đại dương. Chúc mừng và thán phục. Cõi nhân gian của ông thật khủng khiếp. Nó đã gọi ra toàn bộ bản chất của cõi người. Một cuộc đi qua đại dương”. Hôm sách vừa in ra, cầm bộ sách trên tay, anh nhắn ngay cho tôi: “Tôi vừa được cầm Cõi nhân gian, xúc động quá. Đồ sộ. Thấy sách mới cảm nhận rõ hơn về Nguyễn Phúc Lộc Thành một lần nữa. Tuyệt vời. Bộ sách sẽ có sức công phá trong bạn đọc. Một năm kỳ vỹ của thi sỹ Nguyễn Phúc Lộc Thành!”, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành chia sẻ.
Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh hạ Cõi nhân gian một năng lượng “núi lửa” và tình yêu văn chương hiếm có . Đến nay thì bộ trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có mặt trên giá của các nhà sách trong cả nước.

“Tôi trở về nước. Trong tay tôi có hai điều quý giá nhất: Thẻ đảng viên và mảnh bằng Phó Tiến sỹ” (trang 9). Hương – nhân vật trung tâm của Cõi nhân gian bắt đầu vào đời như thế. Là tiểu thuyết văn học, nhưng ngay từ đầu, người đọc đã được kéo trở lại không khí thời cuộc của những năm đầu 90 của thế kỷ trước, ở ngoài nước Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trong nước đổi mới được 5 năm, kinh tế đời sống vô cùng khó khăn. Mối tình đầu của Hương và Lan, một cô gái đẹp bị số phận xô đẩy đến cùng đường, trở thành gái điếm rồi chết, trở lại kiếp bụi, báo hiệu bể khổ trầm luân mà Hương phải đối mặt.
Sự trớ trêu của số phận đưa Hương gặp con gái Lan khi đang hấp hối. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng thê thảm, báo hiệu một bể khổ trầm luân nơi có phận người, phận đời đau khổ. Bé Hương, có lẽ do Lan đặt tên trùng với tên người yêu như một sự hối lỗi. Khi sinh con, đặt tên cho con, chắc chắn Lan không nghĩ được rằng, có sự gặp gỡ này, để rồi người yêu mình thuở “trong trẻo không hề vụ lợi” (trang 9) cùng con gái mình cùng dìu nhau qua cuộc đời. Cõi nhân gian ngồn ngộn thế sự, ngỡ như là những hình ảnh vừa diễn ra, đang diễn ra đủ góc tối của chốn “bụi bờ”…đến những chốn “phù hoa” nhưng cũng tăm tối, tanh tưởi không kém.
Xã hội trong Cõi nhân gian là xã hội có hoàn cảnh lịch sử kéo dài từ những năm đầu đất nước đối mặt với mưu sinh, học làm thị trường cho đến tận hôm nay và chắc chắn còn kéo dài. Từ bến bãi, chợ búa….đến các tổng công ty, tập đoàn; từ các doanh nghiệp ban đầu đến các công ty đại chúng; từ buôn bán dịch vụ đến các lĩnh vực kinh doanh bất động sản béo bở…Sự thành đạt của một ông chủ thường kéo theo những oan khiên của thời “tư bản hoang dã”. Ở đó sau khuôn mặt ông chủ có bóng dáng của những “con buôn” thời “tranh tối, tranh sáng” của luật pháp, hành lang pháp lý đầy lỗ hổng, thừa mứa thủ đoạn nhưng thiếu công khai, minh bạch. Hàng chục nhân vật xoay quanh tuyến nhân vật chính, những xung đột lợi ích, mất còn, tha hoá.
Các xung đột, mánh lớn làm ăn, nhóm lợi ích, chia chác… nghẹt thở. “Tôi hình dung ra mùi tanh của máu và mùi mặn của nước mắt nhân gian đang vảng vất đâu đây. Nặng lắm. Nó ám ảnh tôi đến cực đại. Đêm đó tôi chìm vào giấc ngủ mụ mị. Tôi toàn mơ chuyện giết chóc” (trang 83, tập 7, quyền 4). Thế nhưng, những đoạn về sex cũng đầy mê hoặc, ám dụ; những đoạn miêu tả đầy chất văn, óng ả vẻ đẹp.
Trong bối cảnh hỗn mang, “tranh tối, tranh sáng”, chủ nghĩa vật chất chi phối, quyến rũ; trong chiều sâu nhân vật Hương còn nguyên đó thứ ánh sáng nhân nghĩa, nâng niu. “Tôi không bao giờ tin Quang sẽ chọn con đường nghỉ hưu sớm, giữa cái hợp tác xã gặt hái bằng quyền lực, không phải là sự lựa chọn đúng của những công dân lương thiện, của những cán bộ mẫn cán, yêu nước, thương nòi, của những viên gạch trong bức tường thành Tổ quốc này, dân tộc này. Đúng! Anh phải ở lại, và sám hối những việc mình đã làm. Anh thêm chút tử tế, con đường đến với chính đạo của dân tộc sẽ gần hơn…”, (Vào đời 136, tập 7 Cõi nhân gian, trang 161 + 162).
Nhà văn Tạ Duy Anh từng nhận xét khi Cõi nhân gian “trình làng” năm 1995: “Cái đáng nói trong Cõi nhân gian là khả năng “màu sắc hóa” các ý nghĩa. Thế giới hỗn tạp quay cuồng bởi các mảng màu. Bảng màu biến hóa, lúc hỗn loạn, lúc từ từ tương đồng với những mảnh đời nhập nhòa. Cái ác không hẳn đen khi ánh sáng cứu rỗi, đôi khi hừng lên để người ta cảm giác về cái tôi kịp om đang vây bọc mình. Điều này được tác giả thể hiện rất rõ qua nhân vật Tám, y là ác quỷ nhưng trong y lại tiềm tàng cả phẩm chất của người độ thế”. Nhân vật ông Tám, bà Tám, Hùng, Hưng, Trung Anh, Nghĩa, San, Quang, Quân…vừa đáng ghét vừa đáng thương, vừa bỉ ổi, vừa thánh thiện, đầy ước mơ và dục vọng. Dựng lên một “thế giới”, một “đại dương” con người quằn quại giữa cái ác và thánh thiện, tìm kiếm giá trị người, Nguyễn Phúc Lộc Thành đồng thời cũng cho thấy tác giả đã từng “quằn quại” vượt qua các “vũng lầy” cuộc sống để tìm những nơi “cao ráo” của nhân cách trong nhẽ sinh tồn.
Cõi nhân gian mang trong lòng nó triết lý cuộc sống nhân quả, chứa đựng thông điệp về cái đẹp, ý nghĩa căn cốt nhất của cuộc sống, đó là thấu cảm, sẻ chia giữa con người. Điều này có giá trị bất biến, chỉ nhận ra khi con người trải đủ va đập của cuộc đời, sau những vật vã của âm mưu, thủ đoạn.
***
Nhà thơ PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu đọc xong tập 1 của trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian đã hạ bút: “Tôi vốn là người hâm mộ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành. Với tôi, Thành là người tiên phong đổi mới thơ lục bát. Tôi chưa đọc văn xuôi của anh. Tôi dành buổi tối để đọc tập 1 Cõi nhân gian, và tôi hoàn toàn bị cuốn hút. Tôi chỉ đọc văn xuôi thế giới, đọc văn xuôi trong nước không nhiều. Nhưng tôi đã bị Nguyễn Phúc Lộc Thành lôi cuốn đến nỗi suýt nữa mất trắng đêm. Tôi đã bị văn xuôi của anh hoàn toàn thuyết phục. Tôi chưa thấy văn của nhà văn đồng lứa nào ở Việt Nam mê dụ tôi như của Thành. Rất cảm ơn anh và chúc mừng Cõi nhân gian”. Chắc chắn, mỗi người đọc có một cảm nhận riêng, đó cũng là điều kỳ thú, bởi cõi nhân gian cuộc đời vừa bước vào tác phẩm.
Cũng xin nói thêm, đến với văn chương hơn 30 năm nay, nhưng năm 2021 vừa qua, Nguyễn Phúc Lộc Thành mới gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành tân hội viên theo lời mời của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Với việc xuất bản trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian, Nguyễn Phúc Lộc Thành tri ân tình cảm của Hội Nhà văn Việt Nam ấn tượng và thuyết phục.
NGÔ ĐỨC HÀNH