Bờ lau xao xác – Truyện ngắn Nguyễn Thị Như Hiền

Vanvn- Ông Quắm khum khum bàn tay nhăn nheo đặt lên bờ tường rồi kê sát tai vào. Phòng bên kia có tiếng sột soạt, tiếng lách cách, tiếng cài dây nón bảo hiểm cái tách. Ông nhăn trán, vậy là nó sắp đi! Ông nhìn lên cái đồng cũ mèm treo tường đã rụng mất kim giây từ bao giờ thấy đã thấy sắp mười giờ đêm. Ông nghe tiếng đá chân chống xe máy, phải làm gì đây? Ông quay qua nhìn thằng Đủm đang nằm thở mệt nhọc trên ghế bố, hất đầu sang phòng bên rồi nói nhỏ “giờ sao mậy?’’.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Như Hiền

Đủm he hé đôi mắt nhìn cha rồi ra vẻ khó chịu nói “kệ nó đi. Dây vào nó làm gì!” Ông nghe con trai mình nói đúng nhưng khi thấy chiếc xe máy được dắt ra ngoài sân trọ ruột gan ông như nồi nước sắp sôi vậy. Sao mà kệ được! Ông nhăn trán, một suy nghĩ vụt qua. Nhanh như cắt, ông Quắm chạy ra sân vịn lấy tay lái chiếc xe máy ra vẻ khẩn cầu:

– Chú em, chú làm ơn làm phước chở thằng Đủm đi nhà thương với. Nó mệt lắm, cứ thở dốc nãy giờ, chú làm ơn giùm tui với!

Gã trai mặt non choẹt đang định nổ máy rời đi, thấy ông già vịn xe lại khó chịu ra mặt. Gã định hất cái tay ông già ra thì ông lại tiếp tục nói bằng cái giọng vừa run lẩy bẩy vừa như sắp khóc.

– Nó mà có mệnh hệ gì tui sống không nổi. Tui lạy chú, chú làm ơn làm phước.

Gã trai liếc nhanh vào trong phòng, thấy Đủm mặt mày xanh lét thì nhăn trán. Gã trai lưỡng lự, gã suy nghĩ nhanh rồi nói “dìu nó ra xe nhanh lên. Tôi mệt cha con mấy người ghê”. Chỉ chờ có thế, ông Quắm chạy vào phòng dìu Đủm dậy, ghé tai nói nhỏ với Đủm “chịu khó chút nghe mậy”. Được ông Quắm dìu nhưng khó nhọc lắm Đủm mới leo lên được chiếc xe máy. Ông Quắm bấm tách ổ khóa phòng trọ rồi cũng leo lên sau xe máy ngồi giữ chặt Đủm. Đường phố giờ này đã vắng. Những ánh đèn phả thứ ánh sáng vàng vọt xuống lòng đường. Một vài người quét rác ngừng tay ngẩng lên nhìn ba người đàn ông đang chất lên chiếc xe máy. Đang lái xe nhanh chợt gã trai bóp phanh cái kít làm ông Quắm dúi mặt vào lưng Đủm. Gã trai thò tay vào túi quần lôi ra cái điện thoại đang đổ chuông dồn dập. Gã nhăn trán rồi ấn nút trả lời, không kịp để cho đầu dây bên kia nói, gã nói mà như hét:

– Hủy nha. Đang định đi cái gặp hai cha con mắc dịch nhờ chở đi cấp cứu.

Nói xong gã đút cái điện thoại vào túi rồi vặn ga thật mạnh chạy đến bệnh viện.

***

Khi Đủm được đưa vào phòng cấp cứu thì y tá đuổi ông Quắm và gã trai ra ngoài. Nhìn cánh cửa khép lại, ông Quắm thấy áy náy trong lòng khi bắt thằng con trai yếu ớt phải ra ngoài giờ này. Mà chắc cũng không sao, bởi Đủm cũng đi cấp cứu suốt, người nó quanh năm cứ dặt dẹo như cái cây thiếu nắng.

Hai người ngồi xuống băng ghế lạnh ngắt trước phòng cấp cứu. Gã trai đưa hai tay lên vò vò tóc rồi thở dài nhìn hành lang lặng lẽ. Lão Quắm rút thuốc định hút nhưng sực nhớ mình đang ở bệnh viện lại thôi.

– Chú em bao nhiêu tuổi? – Ông Quắm khơi mào cho câu chuyện.

– Mười tám hay có khi hai mươi ba cũng nên. Bà già tui nói nhà nghèo nên đến năm tuổi mới đi làm khai sanh. Không biết trên giấy tờ người ta ghi năm tui đẻ hay năm bà già đi làm giấy nữa.

– Nếu mười tám thì bằng tuổi thằng Đủm. Người nó ngắn vậy chứ mười tám rồi đó.

Gã trai ngoái đầu vào phòng dù cánh cửa đã đóng như để xác nhận lại một lần nữa thằng bé người ngắn ngủn kia đã mười tám tuổi. Gã đưa ánh mắt ngạc nhiên nhìn ông Quắm. Ông già tặc lưỡi, tội nghiệp nó. Hồi mới đẻ thằng Đủm đẹp lắm. Mà hồi đó ông đâu có đặt tên là Đủm, tên khai sanh nó là Nguyễn Công Danh. Sanh con được vài ngày, ông đạp xe tút qua nhà thầy giáo xin đặt tên giùm chứ ít chữ như ông chỉ biết đặt tên con là lúa là khoai thôi. Trên nó còn có thằng anh tên Thành hơn Danh vài tuổi. Đứa tên Thành, đứa tên Danh, ghép lại đã nghe sướng rân cả bụng. Hồi đó vợ chồng ông đi mần ruộng ngoài đồng suốt, hai đứa con ở nhà tự nấu cơm ăn, tự đi học, chiều thì chạy chơi với đám bạn hàng xóm. Hồi đó con nít đứa nào chẳng tắm sông, leo ổi, leo me rần rần mà có hề hấn gì đâu. Vậy mà một bữa thằng Danh leo cây hái trâm ăn bị té. Nó té ngồi. Khi thằng Thành hớt hải chạy ra ruộng báo, ông chạy về thì thấy nó vẫn ngồi khóc dưới gốc cây mà không đứng dậy được. Ông tưởng bị nhẹ thôi vì thấy tay chân nó có hề hấn gì đâu. Chỉ đến khi bế nó về nhà đến hai ngày nó không đứng lên được mới hốt hoảng đưa đi nhà thương. Bác sĩ nói cột sống chấn động, hiểu đơn giản là cột sống bị dồn lại. Và từ đó thằng Danh không lớn được nữa.

Mấy đứa bạn của nó lớn lên, con gái bận áo dài, con trai bận quần tây đạp xe đi học còn nó quẩn quanh chơi mãi dưới gốc trâm mà mình bị té. Tụi bạn không gọi Danh nữa mà đổi tên con ông thành Đủm bởi khi đứng dậy nó chỉ ngang vòm ngực tụi bạn của mình mà thôi. Có bữa ông Quắm buồn cầm rựa cái nhằm cây trâm mà chém nhưng thằng Đủm can. Cây trâm đâu có tội tình chi đâu! Nó mãi mãi ở trong hình hài một đứa con nít mười tuổi. Rồi phổi nó yếu, thận nó hư.  Sau khi vợ ông chết, cả nhà dắt díu lên thành phố để tiện chạy thận cho nó. Ông Quắm thở dài, tội nghiệp thằng Thành. Từ ngày em té nó buồn bã rồi khóc suốt. Nó nói phải chi bữa đó thấy thằng Danh leo cây nó cản lại. Thành bỏ học, đi chạy Grab kiếm tiền chạy thận cho em.

***

Gã trai nghe xong thở dài bảo rằng mấy ông bà già đặt tên cho hay ho lắm vào cuối cùng đời có giống tên đâu. Như má gã đặt tên Vui mà cuộc đời của gã buồn thúi ruột gan. Ông Quắm gật gù đồng tình, như ông tên khai sanh là Tư mà từ hồi con té mặt mũi suốt ngày đăm chiêu, quạu quọ nên người làng gọi Tư Quắm. Riết rồi rơi mất chữ Tư chỉ còn tên Quắm.

Gã trẻ tên Vui mà gương mặt lúc nào cũng buồn như đưa đám. Ông ở trọ được mấy năm, Vui mới chuyển đến. Ban đầu Vui sống với hai gã khác nhưng sau rồi chuyển đi hết chỉ còn mình Vui. Hai phòng chung vách nhưng chẳng khi nào nói chuyện với nhau bởi phòng Vui cứ đóng cửa suốt. Chẳng biết Vui làm gì nhưng mấy bà trong xóm trọ mỗi bận thấy Vui liền to nhỏ với nhau coi bộ nó không phải người đàng hoàng. Suốt ngày thấy đi đêm về sáng, chẳng giao du trò chuyện với ai trong xóm trọ bao giờ. Trong cái sọt rác trước phòng toàn mì gói với đầu thuốc lá. Đi ngang phòng lúc nào cũng nghe nồng mùi thuốc. Vui còn trẻ mà gương mặt già hơn so với tuổi. Râu lún phún, hai mắt có quầng thâm bởi những đêm không ngủ. Ông Quắm thấy thương. Con người ta mười tám tuổi nhiều đứa vẫn còn đi học, còn có những đứa như thằng Thành, như Vui phải ra đời lăn lóc từ sớm.

– Sao bây ở có một mình? Cha má chắc ở quê làm ruộng hả?

Hình như lâu rồi chưa có ai hỏi về đời tư của mình nên Vui chần chừ một lúc rồi mới kể. Ông già “đi bán muối” từ đời tám hoánh, Vui lớn lên còn không nhớ rõ mặt cha dài hay ngắn. Mà kể ra ở quê có ruộng làm là giàu chứ nhà Vui không có nổi sào ruộng cắm dùi. Từ nhỏ đến lớn Vui sống trên ghe theo bà già đi bán mắm, bán khô rày đây mai đó trên sông. Khoang ghe chật chội, mùi mắm mùi khô ám cả vào giấc ngủ đến giờ còn sợ. Bà già chèo ghe phơi nắng suốt nên mặt bị nám nặng. Mà bà cũng chẳng bao giờ quan tâm đến gương mặt mình nám ăn tới chỗ nào, trong ghe cũng chẳng có lấy một mảnh gương soi. Rảnh rỗi bà cứ hay lôi mớ tiền lẻ ám đầy mùi mắm ra đếm đi đếm lại rồi ca giấc mơ mơi mốt kiếm được mảnh đất lên bờ để đời cháu nội không phải chịu kiếp thương hồ lênh đênh. Vui nghe hoài đến thuộc lòng.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Vui đi học cực hơn người ta đi cày. Bà già neo ghe cố định ở gần một bến chợ bán buôn, sáng sớm chèo ghe đưa đến gần trường cho Vui lên bờ đi học. Nhưng mà Vui học chẳng vô. Cầm cuốn sách ngồi học bài nơi đầu ghe hiu hiu gió thổi mà lăn ra ngủ lúc nào hổng hay. Rồi canh me lúc bà già bán thì lủi lên bờ chạy chơi với đám bạn. Vui học tới lớp tám rồi nghỉ ngang. Phần vì thấy mình học không vô, phần vì thấy bà già cứ thở dài sườn sượt mấy chuyện tiền nong. Vui muốn đi làm kiếm tiền gửi về cho má.

Vui hỏi ông Quắm thấy thành phố có dễ sống không sao mà Vui thấy khó quá! Mới đầu đi rửa chén, bưng bê thì bị chủ quỵt tiền. Đi phụ hồ thì bị chê yếu ớt, xách thùng hồ không nổi mà phụ cái gì. Đi làm bảo vệ thì bị người ta dàn cảnh dắt mất chiếc xe máy cả mấy chục triệu. Người ta nói Vui bị tụi cướp để ý rồi dàn cảnh chứ thực ra đến lúc được bà chủ cho xem lại camera Vui cũng không biết chuyện gì đã xảy ra. Chỉ nhớ đang ngồi coi xe thì có người đàn ông ngoắc lại hỏi đường. Vui thật thà chỉ cho người ta đường đến bệnh viện. Gã đàn ông nhăn trán, bảo mình ở xa bảo Vui chỉ lại một lần cho nhớ. Vui tận tình chỉ, rồi khi quay lại mới phát hiện chiếc xe dựng ngay cửa đã bị dắt đi tự lúc nào. Vui cười cay đắng, biết vậy đừng có bày đặt tốt bụng!

Biết là dàn cảnh nhưng Vui phải đền. Bà già vét hết tiền để dành, bán luôn cái ghe mà còn chưa đủ tiền trả cho người ta. Báo hại bà phải qua năn nỉ, lạy lục một người bà con xa mượn tiền. Chiếc ghe không còn, giờ bà già phải ăn nhờ ở đậu nhà người ta, làm không công như một osin để trả dần số nợ. Vui nói bà già khổ từ hồi trẻ đến già còn khổ.

Ông Quắm quay sang, thấy mắt Vui ươn ướt. Thấy ông già nhìn mình, Vui lúng túng đưa tay chùi vội, bảo trong bệnh viện cái mùi thuốc sát trùng cứ xộc lên mắt lên mũi cay xè. Ông Quắm đưa đôi mắt già nua nhìn thật lâu Vui rồi bảo cuộc đời có những lúc đẩy con người ta đến cùng cực vậy á. Nhưng rồi đừng có vì túng quẫn mà làm liều. Một phút sơ sẩy là mất tương lai, mất hết tất cả!

***

Ông Quắm nói tên cướp đâm thằng Thành đến mười tám nhát.

Ông nhớ rõ bữa chiều hôm đó, mấy cha con ông còn ngồi xếp bằng giữa nhà trọ ăn cơm. Bữa cơm chiều có cá chiên, có món rau muống xào tỏi Thành tự nấu. Biết Đủm thích ăn cá nên cứ đi chợ là Thành mua. Từ hồi Đủm té, Thành chưa nặng lời với em lời nào dù trước đó hai anh em đánh nhau như cơm bữa. Hồi Thành còn đi học dưới quê, mỗi lần đi họp phụ huynh là mỗi lần ông Quắm nghe lòng mát rượi như mưa mùa hè. Thầy cô nào cũng khen Thành sáng dạ, chỉ giảng sơ qua đã hiểu. Có lần Thành đi thi học sinh giỏi cấp huyện môn Hóa đoạt giải nhất, Ra chợ ai cũng hỏi thăm khiến ông tự hào lắm. Thầy cô khuyên Thành đầu tư cho khối A, mai mốt thành tài.

Vậy mà Thành đành gác lại chuyện học hành đi làm kiếm tiền cho Đủm chạy thận. Vợ ông mất, sức khỏe ông cũng hao mòn, bao nhiêu tiền trong nhà đội nón ra đi theo những chuyến đưa Đủm vào bệnh viện. Thành nói cha cực nhiều rồi, Thành còn khỏe đi làm phụ cha. Nhìn đứa con trai hiểu chuyện lúc chạy đi giao hàng, lúc chở khách bất kể trưa nắng chang chang hay trời mưa tầm tã khiến ông thở dài. Nhưng Thành cười, đi làm mà, cực mới ra tiền. Ban đêm Thành không nghỉ, còn bật app lên tranh thủ kiếm vài cuốc khuya vì chạy giờ đó nhiều tiền.

Nếu biết chiều đó mấy cha con ông ăn bữa cơm cuối cùng, nếu biết tối đó thằng Thành con ông sẽ chẳng bao giờ về nữa thì ông đã cản con lại rồi. Trước khi lái xe rời đi, Thành còn cười, bảo mai kiếm ốc về xào sả ớt ăn một bữa cho đã. Lâu rồi chưa ăn nên thèm. Khi đá cái chân chống lên nó còn dặn Đủm nhớ uống thuốc.

Tên cướp đâm Thành đến mười tám nhát! Công an nói tên cướp nghiện, đặt xe dụ con ông đến chỗ vắng rồi giết người cướp xe. Kể đến đó, ông Quắm ôm ngực, rồi ông đưa bàn tay nhăn nheo lên đấm đấm vào ngực. Ông nói Vui tưởng tượng nổi không, mười tám nhát chứ không phải một nhát hay tám nhát. Có nhát đâm trúng tim. Khi tên cướp đâm vào da thịt thằng Thành thì nó cũng xuyên lưỡi dao cay nghiệt ấy vào tim ông! Con ông chết rồi nhưng vẫn nằm đó, kiến bò lên người, kiến hút những dòng máu rỉ ra từ mười tám nhát dao. Đến nửa buổi sáng, khi có người vô tình đi ngang con đường vắng hai bên bạt ngàn cỏ lau thì mới phát hiện thằng Thành nằm đó!

Ông nhớ sáng hôm đó mình nhận được một cuộc điện thoại từ phía công an. Cuộc đời ông như vĩnh viễn đã dừng lại ở khoảnh khắc khi nghe xong cuộc điện thoại đó. Ông không xem nổi hết những tấm hình, không đọc nổi kết luận của pháp y. Mỗi lần chiêm bao, ông thấy con mình bị đâm, đâm đến nhát thứ hai ông đã hoảng hồn tỉnh giấc. Từ đó ông sợ những bãi lau sậy. Những bờ lau xao xác gió, một mình con ông nằm ở đó…

Vui lúng túng khi thấy ông già khóc. Gã cúi đầu, vò hai bàn tay dưới mái tóc lòa xòa. Ông Quắm vẫn chưa dừng lại. Tên cướp chỉ cần chiếc xe máy thôi, tại sao không lấy chiếc xe rồi chừa lại thằng Thành cho ông… Đó là một thằng ngu vì giết người thì có chạy đến đường trời cũng sẽ bị bắt. Rồi ông quay sang nhìn Vui rồi nhắc lại, “có ngu mới lựa chọn con đường đi cướp”. Hắn bị công an bắt khi còn chưa kịp bán chiếc xe, chưa kịp mua thêm một liều thuốc phiện để hút. Hắn bị bắt khi còn ngơ ngác tự hỏi sao bị bắt nhanh đến thế. Rồi thì thật vô nghĩa. Một thằng chết, một thằng ở tù!

Bà mẹ tên cướp quỳ xuống ở phiên tòa xin ông tha thứ. Trong cơn đau khổ tột cùng vẫn nhìn rõ gương mặt của bà kia. Bà già mặt quắp hết lại, hai mắt hõm thật sâu tưởng chừng nhiều tháng, nhiều năm rồi bà không ngủ. Bà run run chắp đôi bàn tay đen đúa lạy ông như tế sống. Bà ôm ngực lúc tòa tuyên án tên cướp tử hình. Khoảnh khắc đó, tòa như tuyên án cuộc đời của bà vậy. Lúc đó có lẽ cảm giác của bà không khác cảm giác khi công an báo thằng Thành con ông bị cướp đâm chết. Một dòng nước mắt đục ngầu chảy ra từ đôi mắt nhăn nheo của ông Quắm.

***

Bác sĩ gọi người nhà của bệnh nhân Nguyễn Công Danh. Họ nói Danh chỉ bị mệt, không có gì nguy hiểm. Họ đã chích cho một mũi thuốc, bảo ông Quắm đi nộp tiền rồi có thể về nhà.

Vui đi lấy xe. Ông Quắm lại khó nhọc đỡ Đủm lên xe rồi ngồi phía sau đỡ lấy con. Chiếc xe vòng vèo qua những con đường vắng. Có những đoạn đường, gái ăn sương cầm nón bảo hiểm đứng dưới cột đèn đợi khách. Phố bày ra những mảng màu lô nhô sáng tối. Vui ném một câu chửi thề, vặn tay ga rẽ vào con hẻm nhỏ dẫn về phòng trọ.

Ông Quắm dìu Đủm vào phòng, kéo chiếc mền cũ đắp lên người con bảo Đủm cố ngủ đi cho khỏe. Xong xuôi, lật đật chạy qua phòng Vui, ông thấy Vui đang lôi mì tôm ra định pha ăn. Ông nói đừng ăn mì, trong nhà ông còn cơm nấu khi chiều, có thịt kho hột vịt nữa, để ông bới cho tô. Không để cho Vui kịp trả lời ông đã chạy về phòng, chỉ một loáng là chìa cho trước mặt Vui tô cơm với thịt kho hột vịt ngon lành rồi nói “ăn cơm đi con”. Vui nhận lấy, rồi ngồi trước cửa trọ ăn. Cắn nửa cái trứng vịt Vui nói “lần đầu tui được người ta cho cơm ăn đó”. Ông Quắm cười, gì chứ cơm mai mốt ưng thì ông nấu cho ăn, ông thiếu tiền chứ cơm canh thì không thiếu. Vui ngước đôi mắt thật hiền lên nhìn ông.

Ông Quắm về phòng rồi chốt cửa. Đủm mở mắt, ngồi dậy rồi thều thào đủ mình ông nghe:

Thằng đó mà biết ba giả đò đưa con đi cấp cứu là mệt hà.

Ông Quắm ngó ra cánh cửa đã đóng, đứng sát lại Đủm nói nhỏ:

– Sao mà nó biết được. Vả lại mầy cũng bệnh, cũng mệt chứ có giả đò đâu.

Hồi chiều, khi ông Quắm ngồi lột hột vịt trước cửa phòng trọ thì nghe bên phòng Vui có tiếng nói chuyện điện thoại. Lúc đó phòng Vui đóng cửa nhưng hai phòng sát rạt nên Vui nói gì ông Quắm nghe được hết.

Cuộc điện thoại đầu tiên hình như của Vui với bà má dưới quê. “Tui nói với má rồi, làm thì cũng chú ý sức khỏe chứ đau yếu hoài sao được. Má đừng lo nghe, công việc tui trên này tốt lắm. Để hai bữa nữa tui ra bến xe gửi tiền về cho má uống thuốc. Má mệt thì nằm, đừng có ráng…”

Ông thả nhẹ cái trứng vịt đã lột xong vào cái tô nghe phía bên trong cánh cửa tôn có tiếng nấc lên nhè nhẹ. Hình như gã trai khóc. Ông có thể tưởng tượng ra cái đầu gã gục xuống gối, hai bàn tay xù xì vò lên cái đầu tóc rối bù. Rồi chỉ chừng năm phút sau, tiếng nấc nín bặt. Và ông Quắm nghe cuộc điện thoại thứ hai từ trong phòng dù âm lượng đã được hạ xuống nhỏ hơn.

“Tao nghe nói tụi bây làm mấy vụ rồi hả. Ngon cơm không? Kiếm được nhiều tiền không?”

“Nhiều vậy á. Bằng tao giữ xe cả tháng luôn đó.”

“Có gì cho tao đi với. Một hai vụ thôi… Ừ, đang cần tiền gấp.”

Ông Quắm điếng người, suýt làm rơi cái trứng vịt đang lột dở trên tay khi qua cuộc điện thoại biết rằng gã trai đang bàn tính tối nay đi cướp, hình như là một băng giật dây chuyền. Chắc là gã trai túng quẫn nên định làm liều. Cuộc điện thoại được kết thúc bằng cái hứa hẹn tối nay đúng 10 giờ gã trai sẽ đến điểm hẹn để làm phi vụ đầu tiên…

Lúc đó, trong đầu lão Quắm hiện ra hình ảnh Thành nằm giữa bãi lau sậy bạt ngàn, bờ lau xao xác gió nhưng máu vẫn không ngừng rỉ ra từ mười tám vết đâm. Hiện ra hình ảnh người đàn bà già nua, héo úa sụp xuống khi nghe tòa tuyên án. Lão lẩm nhẩm “không được, không thể cướp được!”…

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *